Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Đùa gió Trà Vinh, sang Paris cơn điên mửa máu

Đùa gió Trà Vinh, sang
Paris cơn điên mửa máu

“Chim Việt hôm nay chỉ là những gì mình động vào ảo ảnh của ngàn tiếng vỗ cánh không trung trong phút giây tan tành của Linh Thức. Thôi bây giờ cũng là kiếp hư thôi.” – Nh. Tay Ngàn 
Thập niên 1960, nhiều nhà văn, nhà thơ du học từ Pháp về tạo nên làn gió đổi mới văn nghệ ở miền Nam như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn… Còn Nh. Tay Ngàn lặng lẽ xuất hiện trên báo Văn, trong số 28 ra ngày 15.2.1965 trang “Giới thiệu những cây bút có triển vọng đi xa” viết: “Nh. Tay Ngàn là nhà thơ có bài được chọn đăng nhiều nhất trong số các bạn trẻ tìm đến Văn. Tên thật là Nguyễn Văn Nhĩ, sanh năm 1943, nguyên quán Vĩnh Bình. Hiện đang theo học ngành Canh nông tại Pháp”.
Ông viết nhiều trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris, theo Thi Vũ thì Nh. Tay Ngàn còn để lại di cảo khoảng bốn ngàn trang, đóng thành 20 tập tại nhà thân nhân. Định mệnh khắc nghiệt lại cướp mất nhà thơ tài hoa, bệnh hoạn, đau khổ tận cùng, từng có thời gian nằm ở bệnh viện tâm thần: “Đầu tháng Giêng 1978, các bạn của Nhĩ gọi dây nói cho biết Nhĩ chết rồi. Một hôm, bà gác dan (concierge) thấy mấy ngày qua Nhĩ không ghé lấy thư. Bà lên đập cửa phòng. Không nghe hồi đáp, bà lo lắng mở cửa xem thì Nhĩ đã nằm chết trên giường nhiều ngày… Thi hài đốt ở nghĩa địa Père-Lachaise, Paris quận 20. Dự tính sau này sẽ gửi tro về Việt Nam. Dường như Nhĩ có một người anh sống ở Saigon. Nghĩa địa Père-Lachaise còn lưu giữ những mộ chí của Gerard de Nerval, Chopin, Balzac, Alfred de Musset, Proust, Apollinaire, Pissaro, Oscar Wilde…”. (Thi Vũ – Nh. Tay Ngàn, Lập lòe trí nhớ)
Nh. Tay Ngàn làm thơ, viết văn và vẽ tranh, có lần triển lãm cá nhân tại phòng tranh Louis Soulanges, đường Montparnasse.
Ông “xa lạ” với văn thơ Sài Gòn thời ấy: “Có thể vốn sống trong thời loạn ly của họ bị nghẹt nên sanh ra nhiều tánh ganh tị trách móc hoặc ghen ghét nhỏ nhoi, bởi đó mức văn hóa trì trệ rồi rút lì vào ảo tưởng bất nhất kia” (thư viết ngày 17.12.76). Kể cả “dị ứng” văn chương thời tiền chiến và Tự lực Văn đoàn, vì cho rằng : “Giá trị họ ở trong tầng lớp sinh viên học sinh còn trẻ, thiếu sáng tác chứ không thể là giá trị vĩnh cữu cho chúng ta nữa, đành rằng mọi tư thế phê bình luôn toa rập với số đông. Ngay cả tôi hồi nhỏ cũng chẳng bao giờ ưa “tự lực văn đoàn”, tới nay chuyện xưa rồi, nhắc lại để tự mình thấy điềm nào đó không hay ho nữa” (thư viết ngày 17.12.76). Lúc đầu ông thích nhóm Sáng Tạo, rồi cũng quay ngoắt đi vì thấy mình không dung nạp được.
Rất nhiều người gán cho ông là poète maudit, một tay ngoài lề xã hội, lang thang, khốn khó ở Paris, ở Ý, có lúc phải mang bệnh lao, từng vào nhà thương điên mà vẫn đam mê cuồng nhiệt với văn chương.
Ngay từ thiếu niên, trải qua cuộc chiến tranh chống Pháp khổ ải, chứng kiến cái chết thảm thương của người cha bị bắn vỡ sọ trên đồng, nên chấn động tâm thần, có lẽ vì thế những bài thơ tình của Nh. Tay Ngàn đều có những khoảng hư không tối tăm, quặn thắt, âm vang khó hiểu.
Bài Nỗi Liên đen tối vô cùng, dài 253 câu, là lời tâm sự trường thiên với người yêu, quê hương Trà Vinh, mang nặng tâm cảm siêu hình điên loạn:
… Chợt tiếc đau ở những chiều không thần tượng
Tôi có làm gì đâu cho bản thân tôi
Chỉ còn trái tim tôi tâm sự
Ngày thu đang rụng lá nhiều hơn
Bản sầu ca không còn nàng ca sĩ cũ…
… Đùa gió Tháp Mười sang Cửu Long đầy máu…
Không gian Trà Vinh, nơi người Việt, Hoa, Khơ Me chung sống, đượm hơi thở bàng bạc Phật giáo Tiểu thừa luôn ẩn hiện lập lòe:
…Có những oan hồn nhắn tôi cuộc gặp gỡ
Nơi Liên đã khóc đêm ngày
Trong mười hai năm Trà Vinh đầy quạ…
…Tôi giấu một con rồng trên bãi không gian mun
Chờ những đoàn trẻ thơ bay qua ốc đảo…
Ông kết thân với những người bạn lớn tuổi, hiểu tâm trạng bơ vơ, cuộc sống đói rách và những khoảng lạnh vắng trong tâm hồn mình như Phạm Công Thiện, Thi Vũ, Vĩnh Ấn…
Thi Vũ viết: “…Tôi ít thấy ai say sưa viết như Nhĩ. Âm thầm. Cặm cụi. Không nói. Không ba hoa. Những chuyến viễn trình, những cuộc tình vặt, những đêm đốt thuốc bên quầy bar với rượu rhum từng ngụm cay nhè… chỉ để dàn ra từng dòng chữ chân chỉ trang này sang trang khác. Có hôm tôi nhìn thấy trên 20 tập bloc, dễ cũng trên bốn nghìn trang, chữ nhỏ đều đặn. Từ chữ đầu đến chữ cuối không một lần mất kiên nhẫn, như một vũ trụ kiến kéo nhau đi thành hàng dọc. Khi thơ khi văn. Trong văn học Việt Nam có hai người không viết văn, viết thơ thành bài, mà dàn trải tới vô tận dòng thơ văn không có dấu chấm. Đó là Bùi Giáng và Nh. Tay Ngàn. Văn và ý tưởng, thơ và ý tưởng trộn nhau như chớp với đá kết ngọc. Hết õng ẻo với quá khứ, không thời trang thế cuộc, không nép mình vào ca dao hay bốc khói trên chợ trời văn học. Đọc Nhĩ phải có mắt xanh với tấm lòng rớm máu thì mới cùng Nhĩ song thoại trong “thế giới vốn nhỏ và hạt bụi muốn đau”, khi nhà văn Việt Nam “thấy ngu trước nhà văn quốc tế”.”  (Thi Vũ – Nh. Tay Ngàn, Lập lòe trí nhớ)
Trong tùy bút tự sự trên tờ Quê Mẹ (Xuân Canh Ngọ, năm 1990) Phạm Công Thiện thuật lại cuộc gặp gỡ ở Paris: “… cả hai đều nghèo đói và chỉ biết sống hết mình với văn thơ nghệ thuật; cả hai thường lang thang suốt đêm trên những đường phố Paris, lúc nào có chút ít tiền thì la cà ngày đêm trong những quán café ở Montmartre. Cả hai đều say sưa viết, mộng và mơ bất tận… Có lúc dắt nhau ra bờ sông Seine, thòng mấy chai rượu đỏ xuống nước sông, uống rượu say lướt khướt, ngâm thơ Lý Bạch và Nguyễn Du, đọc thơ Appollinaire ngay nơi chỗ ở xưa của thi nhân, ngó những cụm mây trắng ngập ngừng trên tháp chuông nhà nguyện Saint Germain-des-Prés…”.
Hay trong thư Lettre à un poète vietnamien avant son suicide… Phạm Công Thiện viết: “Nh. Tay Ngàn thân quí, …tao vẫn còn giữ lại màu xám đậm đà ở Paris, trong đó có màu của đôi mắt mày, đôi mắt nửa đêm nửa ngày của Ý thức mới, của một thứ mây mai vừa hiện trên bầu trời thắp sáng, “một khung trời mưng mủ” như một lần mày đã gọi thế, phải không Nh. Tay Ngàn?”.
Ở mảng thơ tình của Nh. Tay Ngàn là niềm đau vô hạn, từ ngữ như có ma lực làm thành những câu thơ tân kỳ, quyến rũ:
… Khoảng ngực trần của em gió bấc
Anh yêu em vô ngần dù đêm nay em đã quên anh
(Nụ cười)
… Khi những chiều anh đáp xe về thành phố và qua vườn Luxembourg,
Nhìn pho tượng trần truồng gục đầu ngó đất;
Lá rụng dày thương nhớ trở vàng thêm.
(Ảnh tượng cuối thu)
Nghĩ về tập di cảo bốn ngàn trang chi chít chữ, cuộc đời yểu mệnh của gã poète maudit Nh. Tay Ngàn với niềm bùi ngùi tiếc thương vô hạn và tôi viết bài thơ:
Mộ chí cho Nh. Tay Ngàn 
Những con chữ chết ngộp trong nước sông Mê Kông,
Xác ùn cao chất thành mộ chí.
Lúa hát lời ru, sóng vỗ thay lời kinh tụng bình yên
Nơi đây an nghỉ giấc ngủ nhà thơ tự sát,
Chưa kịp gia nhập vào đội ngũ tiền vệ hay hậu hiện đại nước Việt.
Một nấm mộ gió giữa đồng bằng
Đơn sơ và trơ trọi
Kết thúc không có hậu, mang mùi vị chua xót, ngậm ngùi
Đó là câu xề vọng cổ nghẹn hơi,
Con dơi đen tức tưởi     
Đậu cô đơn nơi nóc chùa Miên
Và bông huệ trắng xứ Trà Vinh ứa lệ tinh khiết.
7/10/2021
Trần Hữu Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét