Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Lông chông biển

Lông chông biển

Lễ ra trường chấm dứt. Nguyên không đến. Có lẽ bận. Đà Lạt sáng nay chùng xuống một khoảng trời thật thấp. Khoảng chùng ấy khiến ở đây, mọi cái cứ lơ mơ như người vừa thức dậy. Cây, lá, đường phố kể cả những cọng nắng bỗng mong manh. Mong manh như tình yêu trước những ngã rẽ đời.
Vũ uống nhiều thì phải. Anh rủ tôi vào quán. Có người nói, uống cà phê Đà Lạt dẫu không ngon vẫn cứ ngon. Một thứ môi ấm trong những ngày mưa. Vũ nói lan man. Dự định đầy hứa hẹn của Vũ, một sinh viên mới ra trường. Và tôi biết Vũ làm được. Bố Vũ thừa sức làm điều ấy cho con trai một của mình. Hơn nữa, Vũ không phải loại phá táng. Tôi giật mình. Vũ lây sang những ngã rẽ của tôi. Bốn năm sinh viên, khi ra trường, người ta bắt đầu lớn. Lớn vì những tính toán, những dự định.
Một khoảng khắc nào đó, tôi nghĩ đến Nguyên. Trước đây, tôi chưa bao giờ so sánh anh với ai cả. Với Vũ hôm nay, tôi thấy Nguyên của tôi lành quá. Lành và dịu như một thứ lông chông biển. Mặc gió.
Và khi bắt đầu có sự so sánh, nghĩa là bắt đầu một chọn lựa. Tôi không biết mình ra sao nữa. Ngã ba đời lúc nào cũng kinh khủng, đầy lo âu.
Vũ nói, có lẽ trong cơn say. Vũ nói về một chỗ làm chắc chắn là tốt cho tôi. Sáng nay, liên hoan lớp Nguyên không đến. Giá mà có Nguyên. Trưa Đà Lạt những sợi nắng hong hanh chợt tắt. Vòm cây thấp trong vườn sũng nước. Thấp thành một mái che cho người, cho những tình nhân chọn quán.
Bàn tay Vũ nắm chặt lấy bàn tay tôi. Tôi choàng tỉnh. Trước ngã rẽ, mọi cái cần tỉnh táo, dẫu xôn xao. Ba động.
- Cần thiết không Vũ?
Vũ bướng bỉnh nhìn vào mắt tôi. Hoang dại lẫn thách thức. Giá mà có Nguyên lúc này. Có Nguyên, có thể tôi sẽ mặc kệ những ngã rẽ. Khi ấy, tôi sẽ biến thành một thứ lông chông biển. Mặc kệ gió. Những ngã rẽ đời như anh.
Vũ vẫn nhìn tôi. Bướng bỉnh. Hoang dại.
- Đối với Vũ, việc làm nào cũng phải cần thiết và đúng lúc.
Tôi đùa và cố che dấu sự bối rối, những căng thẳng trước sự quả quyết của anh…
- Kể cả nắm tay người khác.
Nguyên nằm dài trên giường. Ở trần. Quần Jean bạc. Phòng anh bề bộn những mặt nạ, trống lớn, trống nhỏ, cọ sơn, Tam Tạng, Tề Thiên, Thổ địa, Người dơi… đủ cả. Tay Nguyên buông thõng. Bàn tay đầy phẩm màu. Tôi chợt nhớ đã gần rằm tháng tám. Nguyên ngủ. Có lẽ đêm qua anh thức trắng với những chiếc mặt nạ. Cassette đang chơi một tấu khúc giọng ca Kurt Cobain.
My girl, my girl don’t lie to me
Tell me where did you sleep last night.
…”Đừng dối anh. Đêm qua, em…”
Giọng ca mà Nguyên ưa thích. Tôi để Nguyên ngủ, kéo ghế cạnh cửa sổ. Chiều Đà Lạt ủ ê như một mái tóc chưa kịp hong. Tôi nhìn xa, những vùng đồi mù sương, nhấp nhô những nhịp núi. Có lần Nguyên nói: Đà Lạt giống như anh. Lúc nào cũng thèm ngủ. Lần ấy, tôi giận Nguyên tím ruột, nũng nịu với ý nghĩ – Có lẽ ngủ để bắt gặp những giấc mơ đời.
Nguyên trở mình. Tôi chợt buồn với ý nghĩ, Nguyên quá vô tình. Bốn năm lơ mơ là quá đủ. Canh bạc đã bắt đầu. Những ngã rẽ đời. Và chúng đã thật sự ám ảnh tôi. Vũ nói: Đây là một canh bạc mà sự mạo hiểm ở trong những bước đi. Vũ tỉnh táo đến mức đáng sợ. Nhưng mọi cái với tôi đều không đáng sợ bằng những ngã ba đời. Thấp thỏm một cuộc chơi, một sự chọn lựa. Nguyên dậy. Vỗ trán, cười: “Anh nhớ rồi. Hôm nay là lễ ra trường. Là liên hoan lớp. Bậy thật. Ngủ từ sáng đến giờ. Yên có đi không? Có hả, rượu hay cà phê. Có các cô, chắc cà phê…”liên tục phát triển”. Nguyên ào ào và đùa như trẻ con.
Anh yêu thương tất cả. Và đùa cợt tất cả. Đống mặt nạ anh làm thôi thì đủ loại. Đủ những gương mặt. Thế nhưng, gương mặt nào qua tay anh đều pha điểm nụ cười. Năm trước, nhìn Tam Tạng, tôi bảo Nguyên: Không giống. Lại cười như trẻ con. Anh cãi: Có thể là như vậy. Nhưng tiếc gì một nụ cười cho kẻ đã lắm hoạn nạn.
Anh hôn tôi. Tôi thấy mình quá yếu ớt trước những ngã rẽ đời. Cả tôi và anh.
Tôi trắc nghiệm Thảo Vi khi bắt đầu nghe có tiếng xầm xì. Cả sự nóng ruột về nhiệm sở. Vi bảo: Cứ nhận đi. Cờ đến tay ai người nấy phất. Con nhỏ không biết học ai. Giọng như một bà cụ non. Có lẽ khi ra trường, tất cả đều khôn hơn một tí. Tôi hỏi Nguyên có quen ai không. Nguyên lắc đầu. Tôi muốn khóc. Sẽ ra sao hở Nguyên? Trung thu. Anh bận rộn giao hàng. Vũ đến. Ông già đã nhận em. Yên bổ sung thêm cái bằng C Anh văn đi.
Mẹ tôi bảo: Toàn bộ là do con quyết định. Có điều lúc này sự tỉnh táo là cần thiết. Đời sống có những ngã rẽ…
Lại ngã rẽ. Lúc nào con người thoát khỏi những ngã rẽ hả mẹ?
Bố bảo: Không cần chọn lựa. Chỗ ấy nằm mơ cũng không thấy. Ngay thành phố. Lại có thu nhập. Thanh niên bây giờ khôn lắm, thực dụng lắm con ạ. Thời bố qua rồi. Ân hận thì không nhưng buồn. Bố tin, lúc này để các con khổ sẽ không ai lên án bố. Nhưng con cái của con sẽ lên án bố mẹ chúng, nếu chúng nghèo, rách rưới. Mỗi thời đại có một cách nghĩ, cách khen cả cách chê riêng. Bố nói vậy chắc con hiểu.
Tôi hiểu ý bố. Nhưng bố làm sao hiểu được ở ngã ba này có cả Nguyên lẫn Vũ.
Một canh bạc chẳng ai muốn.
Đêm hồ Xuân Hương đầy những cặp tình nhân. Mặt hồ gợi những yên bình. Những bậc tam cấp của khu chợ. Chợt thèm nhớ những ngày vô tư. Những dĩa ốc nóng, tô phở, sì sụp với bạn bè. Không có những ngã ba. Những lối rẽ, Thảo Vi bày trò rút thăm. Trò chơi may rủi khiến nhiều đứa lao đao. Đứa gần cả tháng không tốn một đồng tiền hàng. Đứa xanh mặt.
Giá như điều này, bây giờ, dễ dàng như chuyện rút thăm.
Nguyên bận rộn thật hay anh linh cảm một cái gì giữa tôi và anh. Vũ ngày càng quả quyết. Anh đã có một lá thăm trúng dành cho tôi.
Tôi dừng lại, phân vân. Đã đến nơi nhiều ngả đường nhất của Đà Lạt. Sương mù hay mắt tôi cay…
Tôi được tất cả, trừ Nguyên. Anh giận dữ, điên cuồng, tuyệt vọng và bất lực. Mẹ bảo con nên đi đâu đó một thời gian. Về Huế chẳng hạn. Đó là quê nội của tôi.
Xe đi lúc 6 giờ. Đà Lạt còn ngủ vùi. Cả Nguyên lẫn Vũ, không ai biết. Sương mù Đà Lạt có khi cũng là mưa. Nhạt nhòa kính. Nhạt nhòa những đóa thạch quỳ vàng. Thứ hoa của tôi và Nguyên.
Bao Vinh là một thứ phố nhỏ. Phố xưa đầy những mái ngói âm dương rêu phủ. Tuấn kể cho tôi đủ chuyện về Huế. Hắn là con chú Thuận, em ruột bố. Tuấn học mỹ thuật. Hắn đưa tôi đi thật nhiều nơi. Đêm, Tuấn rủ tôi vào một quán nhỏ bên dòng sông Hương. Và tôi nhận ra, thoáng Đà Lạt trên một dòng sông không chịu chảy, có cả khói lẫn sương.
Tuấn kể cho tôi nghe về truyền thuyết sông Hương. Một truyền thuyết đầy sắc màu. Vị ngọt lẫn liêu trai. Không có tình yêu trong truyền thuyết nhưng có ảo ảnh, đẹp như một giấc mơ đời.
Chuyện kể rằng, có những người yêu sông đã hái rất nhiều hoa, tinh khiết, tắm gội cho sông. Sông mang hương hoa, xuôi theo dòng nước, đến những ngả rẽ, sông lặng lờ, không chảy, chính chỗ ấy sông tỏa hương nhiều nhất…
Tôi lặng lẽ ngồi nghe. Gẫm ra, sông cũng như đời người. Chúng có những lối rẽ và lối rẽ nào chẳng có một chia tay.
Tôi về cùng Tuấn. Huế không làm tôi quên Đà Lạt. Trái lại, tôi bắt gặp Đà Lạt trong rất nhiều những nơi chốn Huế. Cô Hương bảo: Hồi chiều, Yên đi có cái ông mô trên Đà Lạt xuống tìm. Tôi sững người. Là Nguyên hay Vũ? Nếu là một trong hai người tôi biết, định mệnh sẽ gõ cửa. Đôi khi, trước những bức tường, người ta cần có một cái gì đó, để trấn an, đánh lừa chính mình. Một thứ ảo tưởng dẫu đắng , dẫu ngọt ngào. Và trong ảo tưởng ấy, những ngày xưa sau, người ta sẽ nói, rằng có một người đến đúng lúc. Còn đi thì chả bao giờ.Không có sự đúng lúc cho những sự chia tay.
Vũ đến. Tôi nhớ câu Vũ nói với tôi ở Đà Lạt.
- Việc làm nào của Vũ cũng cần thiết. Và đúng lúc.
Đám cưới tôi, đủ tất cả, trừ Nguyên. Truyền thoại kể rằng, thuở đất trời còn vắng lắm những dấu chân người, biển mênh mông không lối. Đên trên biển là đêm thủy quái nhiễu phương. Người muốn yên lành, hằng năm, cứ độ sơ thu,trăng tỏ phải cống nộp gái đồng trinh. Năm ấy, có đôi trai gái yêu nhau, thề nguyện sống cùng sống, chết cùng chết. Tai hoạ bất thường như mưa nắng. Chàng mịt mù ngoài biên ải, khanh tướng công hầu. Nàng mắc cạn làm vật tế thần.
Trăng khuyết, cõi thu, biển cả gầm rú… Nhận tin dữ, chàng tung vó câu từ chốn sa mù . Oan khiên gieo rắc, chàng trở về không kip để nhìn mặt nàng lần cuối. Đau đớn, phẫn uất chàng lang thang trên biển cho đến sức tàn lực kiệt…Một sớm mai, người đi biển bắt gặp những quả cầu gai, lang bạt, phiêu bồng. Đó là lông chông biển. Suốt đời, chúng là kẻ đi tìm. Tìm một mỹ nhân ngư đêm nguyệt bạch, buổi sơ thu…Một cuộc tìm kiếm tuyệt vọng nhưng không bao giờ chấm dứt. Vô cùng vô tận giữa biển khơi.
Vũ bảo: Đừng bao giờ tin truyền thuyết. Đó là sự trà dư tửu hậu của loài người. Tôi bảo:truyền thuyết chính là một giấc mơ không thành. Vũ cười, độ lượng.Chúng tôi mở những tặng phẩm của bạn bè.
Có một chiếc mặt nạ run rẩy nhìn tôi. Mặt nạ, không mang một nhân vật nào cả. Nhưng chắc chắn đó là một gương mặt đang khóc.
Vũ tưởng đó là trò chơi tinh nghịch của một đứa bạn nào đó. Anh treo lên trong căn phòng có ánh đèn ngủ màu hồng. Màu mà Thảo Vi bảo là hạnh phúc.
Rất nhiều ngày, chiếc mặt nạ có hình người đang khóc là một thứ cám dỗ đắng cay.
Mẹ Vũ bảo: Có thai không nên nhìn những hình thù cổ quái. Vũ thay chiếc mặt nạ buồn bằng một bức tranh có đứa trẻ bụ bẫm. Ước muốn về hạnh phúc thì bao giờ cũng tròn trịa.
Đà Lạt lại sũng ướt. Mưa nhạt nhòa những đóa thạch quỳ. Tôi nhìn trời qua một cửa kính trong và ấm. Không biết bây giờ, chiếc mặt nạ buồn đang ở đâu? Ở đâu trước những ngã rẽ đời… Có khi, chúng đã biến thành những quả cầu gai. Có thể như vậy. Những quả cầu gai, phiêu bạt một đời. Lang thang một kiếp. Nắng và mưa.
2/9/1995
Bạch Lê Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trọng thệ

Trọng thệ Nếu kể chuyện chơi bạo thắng đậm, còn ai qua mặt nổi lão tây chủ đồn điền kiêm chủ nhân ông hãng cao su Con Ó ở Algérie vào đầu ...