Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…”
(Có phải em là mùa thu Hà Nội)
Có phải em là mùa thu Hà Nội là bài hát được nhạc sĩ Trần
Quang Lộc phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Tô Như Châu. Một điều rất đặc biệt,
đó là cả nhà thơ và nhạc sĩ của tác phẩm này đều chưa từng đặt chân đến Hà Nội
khi ca khúc này ra đời. Có lẽ vì vậy mà dù biết rằng tháng tám là sang thu,
nhưng cả hai người nghệ sĩ đều tự hỏi lá vàng đã có rơi chưa.
Thật ngẫu nhiên khi mà hai nơi cách nhau đến cả một đại dương
lại có cùng chung khoảnh khắc sang mùa. Nơi miền Đông Bắc nước Mỹ xa xôi đang
vào độ chớm thu. Hà Nội thì đang ở những ngày cuối cùng của mùa thu. Nếu hỏi một
ai đó rằng điều gì đặc biệt nhất của mùa thu Hà Nội? Thì cho dù đã xa mấy mươi
năm, họ vẫn có thể nói ngay rằng:
“Cái đẹp nhất của mùa thu Hà Nội là cây cối, nó ở giai đoạn
chuyển mùa, có những lá vàng. Thay vì xứ khác thì có mùa cây lá đỏ nhưng ở đây
thì lá vàng, nhưng nó không trơ trụi như Hàn Quốc hay những xứ lạnh
khác.”
Mùa thu Hà Nội mềm như ngọn cỏ ướt trong buổi sớm mai, thêm với
cái lạnh se se dễ làm cho người ta co tròn trong những nỗi niềm riêng. Mỗi một
người sẽ cảm nhận, yêu và nói về mùa thu Hà Nội bằng ngôn ngữ và cảm xúc của
riêng mình. Khi đó, thì ai cũng bỗng dưng trở thành người nghệ sĩ.
Ai đã từng có kỷ niệm với những cơn gió heo may, với tiếng lá
vàng khô rơi khe khẽ, với mùa hoa sữa nồng nàn hay mùi hương ngọc lan thoang
thoảng trong đêm, thì sẽ biết mùa thu Hà Nội đẹp nhất là những ngày cuối cùng
trước khi chuyển sang đông. Nhạc sĩ Phú Quang, người chọn mùa thu Hà Nội làm người
tình cho các ca khúc của mình nói rằng ông yêu Hà Nội vì như thế, và ông luôn
quay về Hà Nội vào những ngày cuối thu.
Nhất là những ngày cuối thu đầu đông. Ở Hà Nội chỉ có độ 20
ngày trước khi vào mùa đông thì thu Hà Nội. Nước Việt Nam không đâu có mùa thu
đẹp như thế.
- Nhạc sĩ Phú Quang
“Tại vì chỉ là ở Hà Nội thì mùa thu là mùa đẹp nhất trong
năm. Nhất là những ngày cuối thu đầu đông. Ở Hà Nội chỉ có độ 20 ngày trước khi
vào mùa đông thì thu Hà Nội. Nước Việt Nam không đâu có mùa thu đẹp như thế.”
“Mùa thu ở Hà Nội đẹp nhất là những ngày cuối thu đầu đông. Một
người bạn của tôi là anh Hoạch có một câu rất hay, ‘Thu rất thật thu là khi chớm
đông sang.’ Ở Hà Nội là như thế, lúc đó là mùa thu, là thật thu nhất, là khi chớm
đông sang.”
“Thu rất thật thu là khi chớm đông sang
Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn
Anh rất thật anh là lúc anh biết ra đi nhẹ hõm
Để bớt cho đời một chút gió lao xao…”
(Hà Nội và em khi thu chớm đông sang)
Không phải chỉ riêng nhạc sĩ Phú Quang là người Hà Nội mới
yêu mùa thu và dành hết không gian mùa thu cho các sáng tác của mình. Cố nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn cũng chia một phần tình yêu của mình cho những ngày cuối thu
Hà Nội. Ông băn khoăn không biết vì nỗi nhớ gió thu cuối mùa hay vì nỗi nhớ một
ai đó đã níu chân ông
“Bởi vì mùa thu tôi ở lại
Hà Nội mùa thu Hà Nội thu
Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ
Không bởi vì em hay bởi em…”
(Đoản khúc thu Hà Nội)
Mùa thu Hà Nội đến và đi rất nhanh, nhưng cũng đủ để níu chân
người đi xa, làm vương vấn người ở lại.
Cái đẹp nhất của mùa thu Hà Nội là cây cối, nó ở giai đoạn
chuyển mùa, có những lá vàng. Thay vì xứ khác thì có mùa cây lá đỏ nhưng ở đây
thì lá vàng, nhưng nó không trơ trụi như Hàn Quốc hay những xứ lạnh khác.
Chỉ có Hà Nội mới có một mùa thu nao lòng đến thế.
“Ở Việt Nam chỉ có Hà Nội mới có mùa thu thôi. Sài gòn chỉ có
mùa nắng và mùa mưa. Hà Nội có đủ bốn mùa. Đó là lý do vì sao người Sài Gòn ít
ai biết về bốn mùa, chỉ mùa nắng và mùa mưa.”
Sài Gòn hai mùa mưa nắng. Có thể cũng vì vậy mà những bài hát
về mùa thu làm mềm lòng người Hà Nội bao nhiêu thì cũng gây vương vấn cho người
Sài Gòn bấy nhiêu.
“Cảm giác thì thứ nhất nếu là một người Sài Gòn thì mình sẽ
tò mò. Nếu mình chưa đi Hà Nội thì mình sẽ tò mò không biết nó có đẹp không, có
giống như vậy không mà sao người ta viết hay quá. Còn khi mà mình có sự tò mò
thì mình sẽ tìm hiểu, thì mình thấy mùa thu ở Hà Nội thật là đẹp.”
“Khi những cơn mưa trắng mặt hồ
Ta chìm trong tình em mùa thu dịu dàng
Đêm dài dần trôi cùng ta khao khát
Nghe mưa xa theo từng bước chân qua…”
(Mùa thu và em)
Mùa thu Hà Nội đẹp nhưng buồn, cho nên chính Phú Quang, người
đã chìm trong tình em dịu dàng khi cơn mưa trắng mặt hồ mùa thu cũng đôi khi tự
hỏi những chiếc lá vàng úa cuối mùa ấy có phải là do mùa thu?
“…thôi đừng hát ra…thôi đừng ray rứt
Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu…”
(Đâu phải bởi mùa thu)
“Tôi muốn nói với mọi người rằng có những cuộc chia ly, thì
có thể là lỗi là của anh hoặc của em, hoặc của hai người, nhưng còn có cuộc
chia ly không ai có lỗi cả. đó là hoàn cảnh. Cũng như mùa thu thì lá nó thường
rơi xuống, nhưng cũng có khi lá trúc rơi rất nhiều nhưng chẳng phải bởi mùa
thu, vì mùa khác cũng có lúc lá rơi rất nhiều.”
Xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa nào cũng có cái đẹp riêng của đất trời.
Nhưng có lẽ chỉ có mùa thu, và mùa thu Hà Nội mới có thể làm cho cả người đi xa
và người ở lại gửi về đó một chút tình riêng của mình.
Những bài hát về mùa thu Hà Nội
Võ Doãn Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét