Nhà thơ Lê Cao Phố sinh năm 1945 tại Duy Xuyên, Quảng
Nam. Ông yêu thơ và làm thơ từ năm 17 tuổi, nhưng vì cuộc mưu sinh còn bộn
bề gian khó, mãi đến năm 2007 ông mới xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Nỗi
lòng do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành. Và đến năm 2009, ông xuất bản tiếp tập
Mây chiều do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ cấp phép.
Báo điện tử Congluan.vn trân trọng giới thiệu chân dung nhà
thơ Lê Cao Phố cùng bạn đọc.
Sinh ra ở vùng miền quê hẻo lánh, ông lớn lên trong hoàn khó
khăn, thiếu thốn, giữa lúc đất nước đang xảy ra chiến tranh, loạn lạc và chia cắt.
Năm 16 tuổi, học xong trung học, Lê Cao Phố đành phải nghỉ học để phụ
giúp cha mẹ lo việc đồng áng, mưu sinh. Sau năm 1975, ông đưa gia đình vào làm
kinh tế mới tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây, vốn
là vùng đất khô cằn, sỏi đá, chỉ thích hợp cho những loại cây trồng kém hiệu quả
kinh tế. Nhà đông con, nên ông làm lụng cật lực nhưng cũng chỉ đủ nuôi đàn con
đến trường. Tuy nhiên, dù khổ cực, ông vẫn cùng vợ ra sức lao động, chăm lo cho
đàn con ăn học đến tuổi trưởng thành. Dù tất bật với công việc đồng
áng, nhưng ông vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương
một cách khá tích cực.
Mãi cho đến khi ông ngoài 60 tuổi, khi các con đã trưởng
thành, ổn định công việc ông mới bắt đầu trở lại với thi ca. Và trong vòng chưa
đầy 3 năm, ông đã xuất bản 2 tập thơ và dần khẳng định tên tuổi mình trong từng
tác phẩm. Thơ ông dạt dào cảm xúc, mang âm hưởng đồng quê gắn liền với những
hình ảnh quê hương thân thiện, qua những lời thơ gần gũi, bình dị, chân
chất, đầy tính lãng mạn và nhân văn.
Trong chuyến đi thực tế và sáng tác tại vùng trung du Định
Quán, chúng tôi đã có dịp gặp lại nhà thơ Lê Cao Phố và ông đã dành cho phóng
viên báo Nhà Báo Và Công Luận cuộc trò chuyện đầy thú vị.
Chào nhà thơ Lê Cao Phố! Xin ông cho biết thơ ca có vai trò
và ý nghĩa như thế nào trong đời sống của ông?
Thơ ca, là món ăn tinh thần đi vào đời sống của tôi, đã giúp
cho tôi vui vẻ Sáng tác và đam mê sáng tác. Với tôi, vẻ đẹp của thi ca
như là sự vi diệu mà trong cuộc đời sáng tác khó có khi ta chạm tới được ngưỡng
cửa của nó. Vì vậy, nên ý nghĩa của thi ca là vô cùng, là niềm đam mê vô tận
trong mỗi trái tim của những người sáng tác.
Thời gian gần đây nhiều bạn thơ thường nhắc đến cái tên Lê
Cao Phố với 2 tác phẩm được xuất bản trong vòng 2 năm. Ở tuổi “thất thập cổ lai
hy”, với công việc liên tục sáng tác chắc chắn sẽ mang lại cho ông nhiều nguồn
cảm hứng và đâu là động lực để ông thực hiện niềm đam mê này?
Nói về sáng tác, theo suy nghĩ của tôi thì sáng tác phải có
tình yêu, sự đam mê và cảm hứng. Nếu không, việc sáng tác sẽ bị gián đoạn, cách
viết thiếu mạch lạc từ đó mà suy ra rằng những bài thơ gượng ép sẽ không có hồn.
Để có hồn trong mỗi bài thơ và để có động lực sáng tác, người làm thơ
luôn giàu xúc cảm, sự trừu tượng và cả hình tượng trong từng câu chữ. Điều quan
trọng nữa là phải biết “duy trì” niềm đam mê không ngơi nghỉ.
Người ta thường nói “thơ mình vợ người” thường chỉ những người
làm thơ luôn có cái tôi và luôn bảo vệ quan điểm một cách “cục bộ”, ông thấy điều
này như thế nào, và với ông thì sao?
Riêng tôi thì tôi không đồng tình với những quan điểm này vì
thơ văn hay dở tùy theo người đọc, người đối diện với mình. Mỗi người có cách
suy nghĩ riêng, quan điểm riêng, do đó mình không thể giữ nguyên quan điểm của
mình mà phải biết lắng nghe ý kiến của người khác. Với tôi thì tôi luôn lắng
nghe và ghi nhận những ý kiến từ các bạn thơ khác.
Ở một vùng quê xa, cụ thể là huyện Định Quán chỉ có duy
nhất mình ông sáng tác và in thơ, ở đây gần như không có bạn bè văn chương để
ông giao lưu, góp ý và chia sẻ… Như vậy có khiến cho ông gặp khó khăn trong vấn
đề sáng tác?
Ở một vùng xa như tôi đang ở là huyện Định Quán vì đây
là một huyện nghèo. Bạn thơ không phải không có nhưng rất ít. Vì đời sống
kinh tế khó khăn nên những người yêu thơ, đam mê về thơ gần như đi vào
trong quên lãng. Còn riêng tôi thì thơ ca nó đã ăn sâu trong tiềm thức, không thể tách rời với tôi cho đến cuối cuộc đời.
Trong 2 tập thơ đã xuất bản, trong đó có nhiều bài thơ
nói về quê hương Quảng Nam, nơi ông sinh ra và lớn lên, và cũng có một số bài
thơ viết về Định Quán, quê hương thứ 2 của ông. Theo ông, chữ quê hương có ý
nghĩa thế nào trong từng lời thơ của ông?
Xa quê hương là nỗi đau nhất trong lòng mà ai đã từng đi qua,
từng biết. Đến phương trời xa lạ nào đó, an cư lạc nghiệp sinh con sinh cháu, tất
nhiên đó là quê thứ hai của mình. Nói thế chứ làm sao ta quên được quê hương
đích thực đã sinh ra mình. Do đó những bài tôi viết về quê hương là để cho tôi
vơi đi nỗi nhớ.
Ông có dự định gì trong thời gian tới cho công việc sáng tác
của mình?
Năm nay tôi đã bảy mươi tuổi rồi, cái tuổi “Thất thập cổ lai
hy” tôi đang cố gắng in tập thơ thứ ba và một đĩa nhạc để lại để làm kỷ niệm
cho bạn bè, thân hữu gần xa và con cháu, xem đó như là một món quà vô giá
trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét