Truyện ngắn Lan Rừng
Quang xuống xe rồi vào một cái nhà ở đầu phố để hỏi thăm đường
đi Bản Lang và để thuê ngựa. Người cho thuê ngựa hỏi:
– Ông vào nhà ai trong đó?
– Vào nhà ông Vi Văn Hoài. Đường vào đấy có xa lắm không?
– Độ mười cây số thôi. Nhưng ông phải đi ngay kẻo trời tối mất.
Để tôi lấy con ngựa thật khỏe ông đi cho chóng. Ông vào trong ông Hoài thì tôi
không cần cho người đi theo dắt ngựa về, khi nào ra, ông đem ngựa lại trả tôi
cũng được.
Rồi người cho thuê ngựa chỉ tay về phía một con đường lên dốc,
bảo Quang:
– Ông cứ đi theo con đường đó. Đến một cái chùa đã đổ nát,
thì ông rẽ sang bên tay phải, rồi đi thẳng, khi nào đến một cái cầu gỗ là đến Bản
Lang.
Lên hết chỗ dốc, Quang cho ngựa chạy phóng để kịp đến trước
khi tối trời.
Đi vài cây số gặp một cái chùa đổ nát, chàng theo lời người
cho thuê ngựa rẽ về bên tay phải, rồi lại cho ngựa phóng. Nhưng đi được ít lâu,
chàng có cảm cái tưởng là lạ rằng con đường đang theo không phải là đường về Bản
Lang, tuy chưa lần nào chàng về Bản Lang cả. Chàng tự cho mình nghĩ thế là vô
lý, rồi cứ cắm đầu quất ngựa.
Đi đã lâu lắm, đáng lẽ phải tới nơi rồi, mà vẫn chưa thấy cái
cầu gỗ. Chàng nhìn ra không có một cái nhà nào để có thể hỏi thăm được. Chung
quanh chỉ toàn rừng già; những cây cao vót, ngọn nghiêng ngả, rào rào trước ngọn
gió chiều vừa bắt đầu nổi lên. Chàng thấy rợn rợn, sợ hãi trước cảnh non cao rừng
cả, nhưng vẫn quất ngựa cho phóng nước đại, tiến lên.
Đường thấy khó đi dần. Hai bên toàn một thứ cỏ cao, hoa trắng
như bạc, lá nhọn và sắc. Sương chiều dần dần tỏa xuống, Quang phải cho ngựa đi
từ từ, vì cách năm thước không nom thấy rõ đường.
Bỗng chàng ghì ngựa lại, lắng tai, mừng rỡ. Trong sương,
chàng vừa nghe rõ có tiếng người, tiếng thanh thanh của một người con gái:
– Có ai cưỡi ngựa trắng đi trên đường. Quang cất tiếng hỏi:
– Ai đấy?
Thấy có tiếng động ở sau lưng, Quang quay nhìn lại. Một người
con gái Thổ vai gánh hai cái giỏ, đi với một đứa bé con tiến đến phía chàng.
– Đến Bản Lang còn xa không, cô?
Quang vừa hỏi vừa nhìn cô gái Thổ và để ý đến nước da trắng
và đôi mắt đen của cô bé. Chàng lấy làm lạ rằng cái sợ hãi lúc nãy đã biến đâu
mất và tủi thẹn rằng mình được yên tâm như thế là nhờ ở một cô con gái yếu ớt.
Quang nhắc lại câu hỏi:
– Đến Bản Lang còn xa không, cô?
Người con gái thản nhiên đáp:
– Ông đi nhầm đường rồi.
Quang buột mồm kêu:
– Bây giờ làm thế nào?
Chàng toan quay ngựa thì cô gái Thổ như đoán được ý chàng,
nói:
– Ông không quay về được nữa đâu.
– Nhưng mà đêm nay có trăng.
– Có trăng, nhưng nhiều sương không nom thấy rõ đường.
Thấy Quang lưỡng lự, cô gái Thổ nói tiếp:
– Vả lại ông phải đi qua một cái rừng có nhiều hổ.
Cô con gái quay lại vẫy đứa em:
– Chúng mình về đi thôi, kẻo ở nhà mong.
Quang không muốn quay lại nữa, hỏi cô bé:
– Nhà cô ở gần hay xa?
– Gần đây.
– Tôi muốn về nhà cô có được không?
Cô gái Thổ vừa đi vừa nói:
– Ông cứ về.
Quang nhảy xuống ngựa, rồi yên lặng rẽ cỏ đi theo hai chị em
cô Thổ.
Chàng tưởng mình đi trong một thế giới huyền ảo vì chung
quanh chàng chỉ có một màu sương trắng mờ dưới ánh trăng.
Đi khỏi mấy khóm cây, bỗng chàng nghe thấy một tiếng gì ở xa,
ồn ào như tiếng họp chợ.
– Tiếng gì thế cô?
– Tiếng thác. Thác Linh Hai ở gần nhà em.
Vì trời không lạnh lắm, nên Quang bảo cô gái Thổ cho mượn cái
chiếu để chàng nằm ngủ ngoài sân sàn. Chàng vừa ăn cơm no, và uống ít rượu nên
thấy trong người dễ chịu, khoan khoái. Bữa cơm chỉ có một đĩa chả trứng và một
bát canh măng mai, nhưng chàng ăn rất ngon miệng; xưa nay chàng không thích rượu,
mà bữa cơm ấy chàng cũng uống nổi hai chén, vì rượu đó chàng thấy có một hương
riêng phảng phất như hương lan. Cha mẹ cô gái Thổ đối với chàng rất là ân cần.
Chàng mừng rằng lỡ đường lại gặp được một gia đình tử tế như vậy, và nhất là được
gặp một cô gái Thổ xinh đẹp. Chàng mỉm cười, sung sướng, đánh diêm châm thuốc
lá hút và đợi cô gái Thổ mang chiếu ra để được nhìn lại nét mặt cô dưới bóng trăng.
Giải chiếu xong, chàng nằm một lát rồi ngủ thiếp đi.
Lúc Quang sực tỉnh thì trăng đã lên cao, sương đã tan hết. Trời
trong lắm, nên những ngọn núi trông như ở sát ngay cạnh nhà, mấy giải rừng đen
trên ngọn núi in rõ nền trời đầy sao.
Nghe có tiếng dệt vải sau nhà, Quang tìm đến chỗ dệt vải định
xin nước uống và nhất là để gặp mặt cô gái Thổ, vì chàng chắc rằng chính cô
đương ngồi dệt vải.
Cô gái Thổ ngừng thoi, mỉm cười, nhìn Quang hỏi:
– Ông chưa đi ngủ?
Quang hỏi lại:
– Thế cô cũng chưa đi ngủ.
– Em còn dệt vải.
– Còn tôi thì khát nước, nên không ngủ được.
Cô gái Thổ lại cúi xuống bắt đầu dệt.
– Ông ra suối mà uống.
– Tôi sợ lắm, sợ hổ nó ăn thịt.
– Tên cô em là gì?
– Tên em là Sao.
Quang mỉm cười nói:
– Thảo nào mà cô đẹp như sao trên trời.
Cô Sao ngây thơ đáp:
– Em chẳng đẹp.
Nhưng câu đó cô ta nói bằng một thứ giọng cố làm ra nũng nịu,
và vừa nói vừa đưa mắt nhìn Quang một cách tinh nghịch.
Bỗng Quang thấy thoảng qua một cơn gió thơm ngát mùi hoa, và
ngay lúc đó Quang nhận thấy nét mặt cô gái Thổ tươi lên bội phần. Nàng nói:
– Nửa đêm rồi.
Quang lấy đồng hồ xem thì kim chỉ đúng mười hai giờ. Chàng ngạc
nhiên hỏi:
– Sao cô biết đúng thế?
– Vì hoa lan nở. Ông không ngửi thấy mùi thơm à?
– Có, nhưng mà lan gì vậy?
– Hoa lan rừng, nở đúng nửa đêm.
Cô Sao đặt thoi xuống, rồi nhìn thẳng vào mặt Quang, nói:
– Ông có đi chơi rừng không… đi xem lan nở, và nhân tiện em
đưa ông ra suối uống nước.
Quang thấy một cô gái rủ mình đi chơi rừng đêm, lấy làm ngạc
nhiên vô cùng, song chàng nghĩ rằng người đường rừng có tính tự nhiên, chất
phác, nên sự đó, họ cho là thường chăng.
Quang để cô Thổ đi trước mình một ít. Qua mấy thửa ruộng ngô
non, hai người đến một cái khe suối, nước chảy lấp lánh như bạc sau những ngọn
cỏ đen.
Quang hỏi:
– Nước này uống có sợ sốt rét không cô?
– Không sao. Ngày nào em cũng uống. Anh trông người em tươi tắn
thế này thì đủ biết.
Quang bạo dạn tiến lên trước rồi quay lại cúi nhìn vào tận mặt
cô Thổ, mỉm cười nói đùa:
– Thử xem mặt cô Sao có tươi tắn thật không nào.
Chàng đứng lặng nhìn không chớp mắt: mầu da cô Thổ dưới bóng
trăng, chàng trông trắng mát như mầu một cành hoa phong lan và đôi mắt đen phảng
phất như hai chấm đen trên cành hoa. Bỗng Quang thấy một thứ hương thơm thoảng
qua, cũng một thứ hương thơm như ban nãy.
Cô Sao nói:
– ở bên suối đây có một cây lan. Cây này ít khi có hoa lắm. Nếu
có thì chỉ nở một cái hoa là cùng. Ông muốn xem?
Quang lấy làm lạ; chàng vừa ví mặt cô Thổ với hoa lan thì cô ấy
đột nhiên nói đến hoa lan như đã đọc được ý nghĩ của chàng.
Nhìn theo phía ngón tay trỏ của cô Thổ, Quang thấy một bông
hoa trắng na ná như một bông huệ to, nhưng hai cành phía trên có hai chấm đen
như mực. Thật là một thứ hoa lạ, chàng chưa được thấy bao giờ.
– Em xin ông. Chỉ có mỗi một cây này gần nhà, em quý lắm. Chốc
nữa vào rừng vô số, ông tha hồ bẻ… Ông uống nước, rồi ta đi.
Quang cúi rạp xuống mặt suối uống nước và tưởng mình lúc đó
như một con hổ đương uống bóng trăng.
Lúc ngửng lên, chàng để ý đến một vật gì trăng trắng ở giữa
dòng suối. Nhìn kỹ thì là một hòn đá. Hòn đá ấy, kỳ dị thay, Quang thấy phảng
phất giống hình một cái vai của một người con gái trắng trẻo nằm dưới làn nước.
Chàng bảo cô Thổ:
– Trông hòn đá như vai người con gái, cô Sao ạ.
Cô Thổ cười bảo đùa Quang:
– Sao ông không đánh thức cô ta dậy để cùng vào rừng chơi…
Nhưng mà cô ta còn mải tắm, chúng mình đi thôi.
Chữ “chúng mình” Quang thấy cô Thổ nói một cách thân mật, âu
yếm. Lúc đó chàng cũng bắt đầu coi cô Thổ như một người tình nhân quen biết đã
từ lâu. Chàng nắm lấy tay cô Thổ, nói:
– Chúng mình cùng nhẩy qua suối nào.
Lúc qua bên kia bờ suối, Quang hỏi cô bạn:
– Sao tay em lạnh thế em?
– Lúc nãy em vừa rửa tay ở nước suối.
Quang không để ý nên không biết là cô Thổ vừa nói dối chàng.
Hai người đi qua một bãi cỏ, rồi vào một cái rừng thưa. Bóng
cành cây in trên đất, trên áo hai người lại càng tăng vẻ sáng của đêm trăng. Cô
Thổ nói:
– Qua một cái rừng nữa thì đến chỗ lan nở.
Hai người đi vào bóng tối đen của rừng già. Quang có cảm tưởng
như người vừa ở ngoài nắng vào trong rợp, chàng hơi sợ, nắm chặt lấy tay cô Thổ.
Đi khỏi một cái dốc, chàng thấy hiện ra ở trước mặt một mảng
trắng xóa dưới bóng trăng.
– Rừng lan.
Cô Sao mừng rỡ vừa nói vừa kéo tay Quang chạy vào trong đám
hoa. Hương thơm ngát, Quang thấy đầu óc choáng váng; chàng mơ màng thấy cô Thổ
kéo mình ngồi xuống giữa rừng lan. Chàng lắc đầu dụi mắt để cố nhìn cho rõ,
nhưng không thể được. Trong lúc bàng hoàng, chàng thấy hình như tất cả những
bông hoa trong rừng đều ngả cả về phía chàng, những bông hoa mềm và mát rung
rinh bên má chàng như mơn man, ve vuốt…
… Lúc chàng mở mắt ra chàng thấy mình nằm ở trên cỏ, chung
quanh chỗ nằm, những bông lan đều ngả dẹp xuống đất. Chàng thấy có bóng đen che
khuất ánh trăng, liền quay đầu nhìn lại: cô Thổ đứng bên cạnh chàng, tay cầm bó
lá to, mỉm cười:
Quang ngạc nhiên:
– Tôi vừa ngủ? Thế mà tôi không biết đấy.
Ngẫm nghĩ một lát, chàng nói tiếp:
– Có lẽ không phải tôi ngủ đâu, vì say hương lan, nên thiếp
đi một lúc đấy.
Quang nhìn cô Thổ một lúc rồi trong lòng sinh ra một mối
nghi: hay cô con gái này không phải là người. Chàng vừa sợ vừa hỏi:
– Sao đầu tóc cô rối bời thế?
– Vì em phải chui qua bụi rậm để bẻ trộm ngô.
Cô Thổ vứt xuống bên cạnh Quang một bó ngô.
– Ông có diêm không để nướng ngô ăn?
– Không, tôi không mang diêm theo.
– Thế thì đi về đi, ông đi. Về nhà ăn ngô, em đói lắm.
Nghe tiếng cô Thổ nói, và trông điệu bộ, Quang lại thấy hết cả
nghi ngờ.
Lạ nhất là đêm khuya ở giữa rừng có mỗi một mình mình với một
cô con gái yếu ớt mà chàng không thấy có cái ham muốn của một người con trai
khi gần người con gái. Chàng lại có cảm tưởng mà chàng cho là vô lý là người
con gái ấy đã thuộc về chàng rồi.
Cô Thổ bảo Quang:
– Bây giờ ông muốn hái hoa thì tha hồ hái. Em không cấm nữa
đâu.
Quang đứng dậy thấy trong người mỏi mệt lạ thường. Chàng
không thiết hái hoa nữa; chàng chỉ muốn về ngay vì không chịu nổi hương lan
thơm một cách hắc quá.
– Về đi, cô Sao.
Sáng hôm sau thức dậy, Quang nhìn phong cảnh chung quanh
không thấy có vẻ huyền ảo như đêm qua nữa. Cô Thổ bưng ra một bát cháo nóng mời
chàng một cách thân mật:
– Ông xơi cháo.
Quang đăm đăm nhìn cô Thổ. Dưới ánh sáng mặt trời, chàng thấy
cô Thổ có cái vẻ đẹp hồng hào của một người con gái khỏe mạnh.
Ăn cháo xong Quang xin đi một cách vội vàng. Chàng chỉ mong đến
nhà ông Vi Văn Hoài thu xếp cho chóng xong công việc, khi về chàng sẽ rẽ qua
đây.
Quang nhìn cô Thổ:
– Đến mai xong công việc, đi qua đây tôi sẽ rẽ vào thăm cô.
Cô Thổ gật:
– Để em tiễn ông ra khỏi rừng, sợ ông lạc đường.
Quang dắt ngựa đi theo cô Thổ. Đi qua một cái suối, Quang hỏi:
– Hòn đá trắng đêm qua đâu mất rồi.
Cô Thổ đáp:
– ở về phía sau nhà em cơ. Rừng lan cũng ở về phía ấy.
Bỗng Quang thấy trước mặt sương dày đặc như khói. Cô Thổ bảo:
– Đây là khe núi, sáng nào cũng có sương. Phải quen đường mới
đi qua được… Vì thế em mới phải tiễn ông ra tận đây.
Ra khỏi chỗ sương, Quang nhẩy lên ngựa từ biệt cô Thổ.
Ngựa đi được mươi bước, Quang quay đầu nhìn lại vẫn thấy cô
Thổ đứng trong sương mù nhìn theo. Quang giơ tay nói to.
– Đến mai…
Lúc lên tới đường cái, Quang để ý đến hai cây chò lên cao vút
như hai cái cột quét vôi trắng.
Hôm trước, Quang đã lầm đường vì người cho thuê ngựa quên
không nói rõ cho chàng biết rằng: dọc đường, trước khi đến cái chùa đổ, có một
cái miếu cũng đổ nát.
Quang mới đến cái miếu đã rẽ về bên tay phải. Chàng không
trách gì người cho thuê ngựa, vì sự lầm đường ấy đã cho chàng được biết một cảnh
thú vị.
Chiều hôm sau ở nhà ông Hoài ra, chàng cho ngựa phóng hết sức
mau, vì chàng nóng lòng được gặp mặt cô Thổ. Đến cái miếu đổ nát, chàng rẽ về
tay trái, rồi cứ đi mãi vào trong. Gặp hai cây chò, chàng cho ngựa đi rẽ xuống.
Chàng lần theo vết cũ, rẽ cỏ đi được ít lâu thì đến cái thung lũng có nhà cô Thổ.
Chàng cho ngựa nhẩy qua cái suối hôm nọ, nhưng lúc ngửng lên nhìn thì, bỗng
chàng biến sắc mặt, nắm chặt lấy dây cương, mắt mở to nhìn thẳng về phía trước:
ở chỗ đất mà chàng chắc là có cái nhà của cô Thổ, thì không có cái nhà nào cả.
Đấy chỉ là một bãi cỏ.
Chàng nghĩ mình lầm đường và cho rằng tại cảnh đường rừng phần
nhiều hay giống nhau. Chàng tiến ngựa lên trên bãi cỏ không thấy một dấu vết gì
có thể chứng rằng ở chỗ ấy mới hôm qua đây còn có người ở, còn có nhà cửa.
Chàng lắng tai nghe: xa xa có tiếng thác chảy. Chàng lẩm bẩm:
– Rõ tiếng thác Linh Hai!
Chàng cho ngựa xuống và đi men theo dòng suối. Bỗng chàng ghì
cương ngựa lại: sau đám cỏ chàng trông thoáng thấy một vật trăng trắng. Chàng
nhẩy xuống ngựa đến gần xem thì đó là một hòn đá trắng; chàng kinh ngạc thấy
hòn đá đó trông phảng phất giống hòn đá gần nhà cô Thổ, nghĩa là cũng giống
hình như một cái vai của một người con gái trắng trẻo nằm dưới làn nước.
Quang lúc đó tưởng mình đang mê ngủ. Chàng muốn định thần trí
lại để cố nghĩ cho hiểu sự lạ lùng ấy, nhưng không thể được. Hòn đá chàng thấy
như có vẻ sống và dưới ánh sáng mặt trời chàng trông rõ một tia đỏ chạy ngang
hòn đá như một tia máu.
Chàng cúi xuống giơ hai tay múc nước để rửa mặt cho tỉnh. Nước
suối lạnh làm chàng rùng cả mình mẩy. Bỗng chàng thấy – rõ ràng chàng thấy –
bên cạnh bóng mặt chàng in xuống đáy nước có bóng mặt một người khác nữa, mặt một
người con gái Thổ chàng trông phảng phất giống cô Sao.
Chàng rợn người, đứng thẳng lên, nhìn quay lại thì không có
ai cả. Chỉ có con ngựa của chàng đứng sau đang rứt cỏ ăn. Thoảng thấy hương
lan, chàng nhìn quanh quẩn. Lúc ngửng lên, chàng thấy ở ngay trên đầu có một
bông lan, hoa trắng nuột, cành điểm hai chấm đen… Bông lan rừng.
Quang toan giơ tay hái bông hoa, nhưng có một nỗi sợ vô cớ
làm ngừng tay chàng lại. Văng vẳng bên tai chàng tưởng như nghe thấy tiếng cô
Sao nói với chàng đêm hôm trước:
– Em xin ông, chỉ có mỗi một cây này gần nhà, em quý lắm.
Lúc ra đến ngoài đường cái, Quang đợi mãi mới gặp được một
người Thổ kiếm củi đi qua. Chàng gọi lại hỏi:
– ở trong kia có nhà ai ở không?
Người Thổ đáp:
– Quanh đây không có nhà ai cả. Ai dám ở đây. Nhiều hổ lắm.
Quang bảo người Thổ lắng tai nghe tiếng thác rồi hỏi:
– Có phải thác Linh Hai đó không?
Người Thổ ngạc nhiên không hiểu:
– Thác Linh Hai? Linh Hai?… Không phải, đấy là thác Na Panh. ở
khắp châu nầy không có thác Linh Hai.
Mấy hôm sau, người cho thuê ngựa thấy Quang sáng nào cũng đến
thuê ngựa rồi cứ chiều tối mới đem ngựa về trả.
Bẵng đi mấy tháng, người cho thuê ngựa lại thấy Quang đến,
nhưng lần này chiều không thấy đem ngựa về. Ngày hôm sau cũng không thấy bóng
ông khách thuê ngựa đâu. Nửa đêm nghe tiếng động ở cửa, người cho thuê ngựa đem
đèn ra soi thì thấy con ngựa của mình đứng bên giậu, hục hặc tìm lối vào.
Trên lưng ngựa, yên còn đóng nguyên, mà người thuê không thấy
đâu cả.
Truyện ngắn kinh dị Lan Rừng - Nhất Linh
Lạnh Lùng - Nhất Linh (Truyện Audio Hay)
Rút từ tập truyện ngắn Hai buổi chiều vàng,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1937
Nhất Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét