Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Học trò, màn hình, internet và trường học

 Học trò, màn hình, internet và trường học 
Chưa bao giờ đi dạy gian nan hơn hiện thời vì dồn dập người thầy phải đối mặt với những thay đổi lớn. Thay đổi về triết lý, thay đổi về nội dung các môn học - khoa học tiến bộ từng ngày - thay đổi về phương pháp sư phạm và muôn vàn khác biệt lớn và nhỏ khác bắt người thầy phải thích ứng.
Người đi học cũng thay đổi.
Học trò ngày nay không là những tờ giấy trắng đợi thầy… khai tâm. Phương pháp… chia sẻ kiến thức, dạy học trò cũng phải thay đổi.
Dạy lấy trò làm trung tâm, dạy tích hợp, dạy kỹ năng,… dồn dập nhiều đổi mới được đề cập tới, mấy năm gần đây. Nhiễu đến nổi lắm khi một phương pháp mới chưa thành thục thì giáo viên đã phải… nhảy sang phương pháp khác.
Đồng thời liên hệ thầy trò hết là liên hệ thẳng, giữa người có quyền và người “thụ ân”, giữa người có hiểu biết và người chưa hiểu biết. Vì trò có thể tiếp cận hiểu biết bằng các ngỏ khác
Song song, quyền của người đi học lên ngôi.
Trong tất cả các thay đổi ấy có một thay đổi nổi bật: sự xuất hiện của kỷ thuật số, màn hình, điện thoại thông minh và internet - Hiện thời, hàng ngày có một số trẻ  dùng màn hình nhiều giờ hơn cả thời gian ở trường.
Giáo viên phải làm sao để… cạnh tranh với internet và màn hình?
Một số nhà giáo dục nói về màn hình trong đó có Serge Tisseron và Philippe Meirieu.
Dạy học, theo Philippe Meirieu, ở thời đại số là dạy trẻ từ chối sự tiếp cận dễ dãi của thông tin trên internet - cái gì cũng có sẵn ở đó, chỉ cần đánh vài ba chữ trên bàn phím và cái nhấn chuột là cả kiến thức của nhân loại hiện ra trước mắt. Cả kiến thức của nhân loại? Không hẳn thế đâu và từ rất sớm, cần dạy trẻ biết cách đi tìm sự thật. Tức là biết “đãi cát tìm vàng”: tất cả các thông tin trên internet không là sự thật. Và vai trò của người thầy là ở đó: dạy trò đãi cát.
Ngày xưa trẻ tin rằng ngày Giáng sinh, ông già Noel mang quà đến cho chúng - cuộc sống chậm, chúng tin là ông già Noel hiện hữu đến khoảng sáu tuổi.
Bây giờ, tương tự như vậy, trẻ lên ba vẫn tin rằng có “ông kẹ (Gram grum - theo một truyện bằng tranh) đi bắt trẻ khóc nhè”.
Nhưng hai thí dụ của tôi ngừng ở đó. Hiện ở nhà cũng như ở trường, trẻ lên 5 lên 6 đã quen tiếp cận màn hình, Ipad và điện thoại thông minh. Có thể trên mạng, chúng tìm được những câu trả lời khác… Nếu được chuẩn bị, chúng sẽ nghi ngờ những thông tin này và tiếp tục nuôi dưỡng thế giới thần tiên.
Dạy ở đây là không phải là dạy cách sử dụng - cái này trẻ học rất nhanh - có khi còn nhanh hơn người lớn. Nhưng dạy chúng những cái cần làm và cần tránh (Do and don’t) đối với màn hình  -  từ giới hạn thời gian sử dụng tới cách chọn lọc địa chỉ thông tin hay đối chiếu thông tin để tìm thông tin khả tín. Và dạy những điều này từ năm các cháu lên 5 tuổi - tức là lớp cuối ở trường mầm non.
Ta phải dạy trẻ tập tành suy nghĩ trước và trong khi tiếp cận thông tin để làm chủ thông tin chứ không là đầy tớ.
Trong chừng mực đó, chúng sẽ lập đi lập lại thao tác này mỗi khi chúng cần một thông tin mới. Sự sàng lọc cho thêm thời gian vào cuộc đi tìm thông tin, giúp trò nhớ thông tin, những thông tin đã sàng lọc. Trò biến cái nhấp chuột vô nghĩa và dễ dàng thành một quá trình… học hỏi một cách tích cực - vì trò tự mình dấn thân vào việc tìm tòi, so sánh và chọn lọc thông tin để tiếp cận sau đó.
Lớp học đảo ngược, theo ngữ vựng của Serge Tisseron, áp dụng phương thức này.
Tức là để trẻ đi tìm thông tin để mang vào lớp học và trên cơ sở đó, cùng thầy cấu trúc các bài học dựa trên những kết quả mà chúng đã tìm ra. Chứ thông tin không chỉ đi từ thầy xuống trò theo kiểu truyền thống.
Bước tiếp theo là  giúp trẻ kiến trúc, xây dựng và khám phá các ý nghĩa của thông tin - tức là vượt khỏi cái thực tiễn để đi vào thế giới của khái niệm, của khoa học và của triết lý..
Bao nhiêu người chết đói mỗi năm trên thế giới, hiện tượng các hành tinh, vấn đề bạo hành trong gia đình, ô nhiễm môi trường,… là những thông tin mà trẻ tìm thấy dễ dàng trên internet. Nhưng từ đó giáo viên có thể đưa học trò của mình đi xa hơn với những kiến thức về toán, về thống kê, về nông nghiệp, về vật lý, về nhân chủng và xã hội học.
Như thế, màn hình và internet thành những công cụ hữu hiệu giúp trò tiếp cận tri thức khoa học - tiếp cận một cách cụ thể hơn, dễ dàng hơn, lại có vẻ hấp dẫn hơn. Vì chúng có thể tích cực tham gia vào bài học. Trong khi ấy thầy vẫn còn… hữu dụng vì chính thầy tổ chức cho trò tiếp cận chương trình học - để học một cách sống động.
Áp dụng phương thức hành xử như thế, màn hình và internet cho giáo viên và học trò một môi trường cụ thể, những tình huống để áp dụng cách học và dạy bằng tương trợ đồng hành với nhau. Tiếng Pháp gọi là coopération - hợp tác. Trò hợp tác với nhau trong công cuộc tìm tòi trên internet. Thầy và trò hợp tác trong việc chọn lựa, phân tích, tổng hợp thông tin để cùng nhau, sau đó, đặt những thông tin vừa tổng hợp ấy trong những phạm trù tổng quát hơn, lý thuyết hơn.
Trong giáo dục, liên hệ hợp tác giữa trò và trò - liên hệ đồng hàng hay học với bạn - và liên hệ hợp tác giữa thầy và trò, hợp tác chứ không phải lệ thuộc, cùng học với thầy - là những hình thức sư phạm cho nhiều kết quả nhất và thoải mái nhất cho trò.
Tất cả những phương thức kể trên có thể dùng được cho các cấp học cơ sở và phổ thông. Với điều kiện là giáo viên có đủ tự do sư phạm để quyết định tùy thời tùy cảnh và nhất là tùy học trò.
Tóm lại, dùng màn hình và internet như công cụ để học tập. Thay vì để mặc các trò nghiện màn hình, nghiện internet và từ đó… chán học.
Nguyễn Huỳnh Mai
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...