Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Dạ khúc

Dạ khúc
Có buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa
Có buổi chiều nào như chiều qua
Lòng tràn đầy thương mến
Mang cả xuân thì em đến
Thắm nồng như một bông hoa
Có buổi chiều nào người bỏ vui chơi
Cho tôi chiếc hôn nồng cháy
Nỗi đau bắt đầu từ đấy
Ngọt ngào như trái nho tươi
Có buổi chiều nào mộng mị vây quanh
Nửa vành mi cong hờn dỗi
Em xõa muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ tơ xanh
Có buổi chiều nào hình như chưa nguôi
Vầng trăng sáng màu vĩnh viễn
Em có lời thề dâng hiến
Cho anh trọn một đời người
Có buổi chiều nào như chiều nay
Căn phòng anh bóng tối dâng đầy
Anh lặng thầm như là chiếc bóng
Hoa tàn một mình em không hay.
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Theo bản in trong tập thơ 
Người hái phù dung - NXB Hội Nhà văn 1992
Có lẽ những ai đã từng đọc những trang tùy bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng sẽ không thất vọng khi đọc thơ tình của ông. Rất trong sáng, dịu nhẹ, bâng khuâng...
Dạ khúc là một câu chuyện tình được kể bằng những vần thơ. Câu chuyện có anh, có em, có khởi đầu, và có kết thúc. Lần đầu tiên đọc bài thơ này, tôi đã ngạc nhiên, không hiểu vì đâu một bài thơ đầy ắp những buổi chiều như thế, lại có tên là Dạ khúc.
Cái tên của một bài thơ bao giờ cũng thâu tóm cái thần, cái cốt lõi nhất của bài thơ đó. Với tôi, Dạ khúc là khúc đêm, là một khoảng lặng tĩnh tại, hoang vắng. Thế mà một bài thơ với sáu khổ thơ, sáu buổi chiều, sáu khúc ca hoài niệm lại có tên Dạ khúc!
Nhưng khi đọc trở lại bài thơ tôi đã nhận ra rằng quả thực nhà thơ đã vô cùng hữu ý khi đặt cho bài thơ cái tên đó. Sáu khổ thơ bắt đầu bằng sáu sự tìm kiếm “có buổi chiều nào như chiều …”, với thời gian kéo dần từ quá khứ xa đến hiện tại. Sự lặp lại đó đã tạo cho âm hưởng chung của bài thơ, đó là sự - lần - tìm - kỉ - niệm. Cũng vì sự lần tìm kỉ niệm ấy mà người đọc biết, câu chuyện tình đó đang qua hoặc đã qua rồi.
Sự vận động mãnh liệt của dòng thời gian qua các khổ thơ cũng là sự vận động mãnh liệt của cảm giác con người trong tình yêu, từ lúc khởi đầu đến khi kết thúc. Anh và em đã cùng đi qua những buổi chiều, từ buổi chiều xưa, đến buổi chiều qua, và những buổi chiều chỉ có thể gọi tên bằng kỉ niệm “buổi chiều người bỏ vui chơi” “buổi chiều mộng mị vây quanh” “buổi chiều hình như chưa nguôi” , những buổi chiều hạnh phúc, chỉ cho đến một buổi chiều nay, buổi chiều mà lần đầu tiên bóng tối đã đến.
Câu thơ “căn phòng anh bóng tối dâng đầy” là một câu thơ vô cùng tinh tế. Không phải là bóng tối phủ ngập căn phòng mà là bóng tối đang dâng lên, đang xâm lấn dần những khoảng không ánh sáng, thứ ánh sáng của hạnh phúc tình yêu mà con người vẫn chìm đắm. Trong căn phòng ấy, vẫn có anh và em, nhưng hai người dường như đã bị đẩy lùi về hai đầu thế giới mà sợi dây kết nối duy nhất là tình yêu đã không còn.
Hình ảnh “hoa tàn” vô cùng gợi cảm, bởi lẽ chỉ cần hình ảnh đó mà người đọc cảm nhận có một tình yêu vừa đã qua đi, vừa đã tàn lụi. Bông hoa tàn lụi trong bóng tối, như sự kết thúc lặng lẽ của một mối tình. Và người đọc biết rằng sẽ không còn có thể tìm thấy một buổi chiều nào nữa, chỉ còn là bóng tối miên viễn, buồn rầu…. Phải chăng vì lẽ đó, bài thơ có tên “dạ khúc”?
Từ trước đến nay, nhớ đến thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi hay nhớ đến những nàng tiên “quì ôm cát bụi khóc òa như mưa”, nhớ tới những miền không gian giao thoa giữa trần gian và tiên giới… Nhưng Dạ khúc lại là một tình yêu rất đời, rất trẻ, và cũng đầy cảm thông da diết. Nét tài hoa quen thuộc của Hoàng phủ Ngọc Tường, ta vẫn tìm thấy trong những hình ảnh trong sáng, hoặc mơ màng một vẻ đẹp liêu trai. Đó là một bông hoa xuân thì, là vành mi cong hờn dỗi, là mớ tơ xanh, vầng trăng nhân chứng,hay cả lời thề dâng hiến …
Bài thơ là một mối tình đã vỡ, với những dự cảm ngay từ ban đầu, khi chàng trai say đắm trong nụ hôn, anh đã biết “nỗi đau bắt đầu từ đấy” đã biết tình yêu luôn là nơi phát khởi của những nỗi đau. Nhưng đó là nỗi đau đớn ngọt ngào mà ít người chối từ được nó. Và vì lẽ đó, khi bài thơ kết thúc, nó không quá cay đắng, không quá xót xa, mà chỉ là một cảm giác luyến tiếc xa vắng, lặng lẽ….
Rất nhiều bạn trẻ đã chép trong những trang thơ của mình bài thơ Dạ Khúc, và tìm thấy ở đó sự đồng cảm, sẻ chia. Với một bài thơ, một nhà thơ, có còn cần gì hơn thế?
NGUYỄN THU THỦY
Nguồn: TuoiTre
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge000000

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge TỰA - LỜI TÁC GIẢ Hồi đó, tám năm qua… Tháng 8.1963, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng viên các...