Đã có nhiều bài viết đề cập đến sự trường tồn của ngôn ngữ
huyền ảo về Phật Giáo trong thơ: Bao lâu Phật Giáo còn tồn tại thì thơ văn vẫn
còn phản ảnh giáo lý huyền ảo, bắt đầu từ văn học thời Lý thời Trần cho đến
nay. Đi sâu vào sự tìm hiểu, ta thấy con sông lớn huyền ảo đó rẽ thành nhiều
nhánh khói sương. Có thể tóm gọn vào sáu nhánh: nhánh huyền ảo có tính kinh điển;
nhánh tâm cảnh thiền vị thanh thoát; nhánh giáo lý mượn áo trữ tình; nhánh cách
mạng huyền ngôn; nhánh mật ngôn Phạn ngữ; và nhánh ngoại vi cảnh
chùa.
Trước hết là nhánh áp dụng ngôn ngữ kinh điển. Phần
lớn những nhà thơ thuộc nhánh này là những vị thông bác giáo lý Phật Giáo, vì vậy
ngôn ngữ đạo lý trong thơ của họ thường vượt qua sự hiểu biết phổ thông của đại
chúng. Chỉ những độc giả hiểu sâu về Phật Giáo mới nắm bắt được ý nghĩa của
từ ngữ. Thoáng nghe qua từ ngữ đó là hiểu ngay xuất xứ từ trang kinh
nào, xuất xứ từ công án diệu lý nào. Thơ chỉ là cỗ xe vần
điệu để chuyên chở giáo lý. Tính chất sáng tạo thi ca là thứ yếu, nội dung mới
là chính. Đây là đặc tính thường có trong các bài thuyết giảng của các vị
giáo chủ tông phái, lời thơ lắm khi dễ dãi bình dị xen kẽ với những từ ngữ Phật
pháp thâm viễn. Còn các nhà thơ vốn đã sở đắc về ngôn ngữ thi pháp
thì lời lẽ văn chương trau chuốt hơn, kỹ thuật điêu luyện hơn. Trau
chuốt, kỹ thuật, chưa phải là đồng nghĩa với sáng tạo từ ngữ thi
ca. Đắm sâu vào sáng tạo từ ngữ mới lạ tân kỳ, có khi làm mờ nhạt
khó hiểu về giáo lý. Nội dung Phật Học là cái mà họ muốn truyền đạt
cho độc giả, không phải chủ yếu sáng tạo hình thức mới về văn chương cho văn học. Thơ
của họ vì vậy rất trang trọng, thể hiện những tâm hồn sùng kính Phật pháp mầu
nhiệm. Ví dụ:
- Rằng xe diệu pháp ba ngàn cõi
Một cõi nầy thơm về đấu tranh
(Vũ Hoàng Chương)
- Bụi hồng dưới cội Bồ đề
Nắng soi vườn Hạnh, nẻo về Giác Hoa
(Tuệ Nga)
- Làm trăng soi Lăng Già
Treo tam quan tháng tám
Đêm tụng kinh Thủy Sám
Giữa phi huỳnh tháng ba
(Vô Ngã)
- Chiều nay ôn dùi mõ
Gõ mãi vào hư vô
Vòm thinh không hồng đỏ
Vượt vô minh tam đồ
Nhánh huyền ảo thứ
hai là ngôn ngữ thiền vị qua tâm cảnh. Ngôn ngữ này vượt khỏi tính kinh điển,
đi vào man mác cảnh giới thanh tịnh, phảng phất hương trầm quán niệm, âm hưởng
triết lý siêu hình. Ta rung động lời thơ bằng cảm tính. Dù
đôi khi ta chưa hiểu hoàn toàn ý nghĩa của từ ngữ mà vẫn cảm được vẻ huyền diệu
toát ra từ đó. Giống như khi ta chưa truy ra nguồn cội phát xuất hương hoa
mà vẫn biết man mác sự hiện hữu của loài hoa phát tiết. Phảng phất thiền vị
không do tinh thần chú bí ẩn của Mật Ngôn, cũng không do âm vang của nhạc
tính, mà hoàn toàn do hình tượng mơ hồ từ ngoại vật. Tương
tự như khi đọc qua thơ của Nguyễn Xuân Sanh hay Đoàn Phú Tứ thuộc nhóm “Xuân
Thu Nhã Tập” mà một số người cho rằng nhờ nhạc tính của âm điệu vần thơ - nhưng
ta cảm thấy là nhờ vẻ mơ hồ của hình tượng. Vì nhạc tính trong các
bài thơ của họ cũng chỉ là những biến điệu của luật bằng trắc mà thôi, những biến
điệu chỉ hơi khang khác với Đường Thi hoặc Thơ Mới. Đó là những hình
tượng của thi phái tượng trưng chủ trương “Thuyết giao ứng” (Correspondance), tức
là “Sự giao cảm giữa hương sắc và thanh âm, giữa đất trời và cỏ cây, giữa vũ trụ
và con người... hội ngộ thiêng liêng giữa thực tại và siêu hình, giữa nội tâm và
ngoại giới” (Thụy Khuê - “Cấu Trúc Thơ”, trang 138). Ta nên vượt qua
từ ngữ tượng trưng theo nghĩa thông thường như một biểu tượng đại diện,
mà nên hiểu theo đúng chủ trương của thi phái tượng trưng: “Tượng trưng tạo một
thế giới huyền diệu mà muôn loài “tương ứng” trong một Đại Linh Hồn” (Thạch
Trung Giả trong “Văn Học Phân Tích Toàn Thư”, trang 66). Giao ứng hay tương ứng
giữa các hiện tượng là bước đầu của thuyết “thần bí vạn vật nhất thể”. Ta
nghĩ huyền ảo của Thiền không nghiêng về thuyết thần bí như vậy, mà là thấu thị
và giải thoát từ nội tâm:
- Ta thấy cả ngàn năm qua lại
Bên hồ tĩnh lặng núi an nhiên
(Đỗ Quý Toàn)
- Giũ áo vào hư không
Nghìn xưa phai nét chữ
Song khuya ngọn sáp hồng
Giọt ứa dòng tâm sự
(Quách Tấn)
- Ngày theo năm tháng trầm phù
Lượm từng đóa đóa phù du tặng người
(Bùi Giáng)
- Tuổi thơ lãng đãng sân ga rộng
Vòng bánh không về nhịp Pháp luân
(Viên Linh)
- Trong hương đêm tinh khiết
Ấn cát tường nở trắng một bông hoa
(Nhất Hạnh)
- Mưa nắng buồn vui mất
Chiều an trụ chân tâm
(Cùng Vũ)
- Ướt giùm một hạt mưa sa
Tôi về hạ giới ôm tà nguyệt đan
Nhánh huyền ảo thứ ba là dòng nước giáo lý khoác áo trữ tình. Đây
là nhánh rất dễ đi vào sâu rộng đại chúng, rất dễ bắt vào nhạc khúc mà truyền
nhanh cho giới trẻ. Con người thông thường ai cũng vướng mắc vào
chuyện tình, hạnh phúc hay đau khổ, nhưng lãng mạn thơ mộng dành cho hoa niên;
tình nghĩa dành cho tuổi già. Đem giáo lý khoác áo trữ tình là cách
hữu hiệu để truyền bá đạo Phật. Tình là dây oan; tình là hóa giải lòng ích kỷ;
tình “không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” để xây dựng tương lai con
cháu; tình thăng hoa bằng từ bi hỉ xả; tình làm tỉnh ngộ lòng bạc ác; tất cả những
thứ tình đó đều ít nhiều truyền bá giáo lý. Truyền bá nương theo những
trầm luân thế tục mà rọi đường giải thoát. Ngày xưa ta đã đọc “Hồn
Bướm Mơ Tiên”, “Chuyện Tình Lan Và Điệp”; ngày nay ta đã nghe những
bài hát “Em Lễ Chùa Này” hay “Động Hoa Vàng”. Đầy giáo lý mà rất thơ
mộng:
- Anh nằm gối cỏ chờ hoa
Áo em bạch hạc la đà Thái Hư
Em từ rửa mặt Chân Như
Nghiêng soi mặt nước mời Hư Không về
Thân hương diện kính Bồ Đề
Phấn son chìm lặng hạt mê Luân Hồi
Ta về rũ áo mây trời
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan...
(Phạm Thiên Thư)
Giống như vậy, về Thiên Chúa Giáo cũng đã có các bài hát phổ
biến tôn giáo vào đại chúng mà chuyện tình là tấm áo đẹp khoác ngoài thật lấp
lánh; như “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”; “Em Hiền Như Ma Soeur”;
“Vì Tôi Là Linh Mục”; và “Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi”... Lời thơ
huyền ảo lãng mạn, nhạc điệu độc sáng, cho nên thường được ca sĩ trình diễn,
làm cho giáo lý của hai tôn giáo thêm quảng bá. Nếu ai đã từng thờ ơ thì bắt
đầu tìm hiểu thêm. Công lao phát huy tôn giáo là do thi sĩ, nhạc
sĩ và nhân thế đã đôi lần ngụp lặn trong biển tình. Một số thi sĩ
sáng tác theo nhánh huyền ảo ấy:
- Anh trẩy chùa Hương phía xót thương
Bến trong bến đục nửa chia đường
Thiên trù chợt lắng chuông buông tím
Bỗng gặp em nằm đắp khói sương
(Hoàng Cầm)
- Ta về quán niệm tâm kinh
Em vầng trăng tỏa lung linh mây trời
Ta yêu tận suốt một đời
Có em hơi thở gọi mời gối chăn
- Sớm mai nhập định, chiều thương nhớ
Đêm tối ngồi khô thế kiết già
(Du Tử Lê)
Nhánh huyền ảo thứ tư là lối cách mạng huyền ngôn. Sự
truyền bá giáo lý đi vào cách thức táo bạo, mới nghe thật chói tai khó
chịu theo kiểu “Phùng Phật Sát Phật”. Nếu câu nệ vào nghĩa đen của từ
ngữ đôi khi thô tục xen kẽ với ngôn ngữ giáo lý đạo Phật, ta có thể ngộ nhận:
thi sĩ đã phạm thượng tôn giáo. Một vài bài thơ của Nguyễn Đức Sơn như bài
“Bát Nhã” hay bài “Bông Bí Rợ” nằm trong cách thức này. Bài thơ “Bát Nhã” nghe
rất chói tai, từ ngữ Bát Nhã cao quý đứng kề cạnh với một “bãi thông tục”
quá đáng. Vì vậy, xin chỉ nêu ra lời lẽ cách mạng huyền ngôn của
Nguyễn Đức Sơn trong một bài thơ khác, bài “Trinh Nữ”. Và có lẽ Nguyễn
Đức Sơn là nhà thơ đơn độc đã táo bạo bơi trong nhánh cách mạng huyền ngôn ấy:
- Em đang thay áo trong phòng
Hương xuân bay tỏa sóng lòng tôi đâu
Vú thon quá độ nhiệm mầu
Trộm nhìn quên hết âu sầu thế gian
Tiêu luôn cái cõi Niết Bàn
Bắt tay chào nhé cái màn Vô minh.
(Nguyễn Đức Sơn)
Bài thơ không có gì thô tục quá mức đáng gọi là cách mạng từ
ngữ trong thi ca, chỉ một điều có vẻ “bệnh lý” là tại sao Nguyễn Đức Sơn thích
nói về dục tính thay vì chuyện tình trong ý hướng truyền đạt giáo
lý. Như trong bài thơ khác, Nguyễn Đức Sơn kể việc một đôi lứa “núp
bóng dưới đại hồng chung” mà làm chuyện ân ái. Mới gần
đây, một vài nhà thơ hải ngoại như Đỗ Kh., Nguyễn Thị Hoàng Bắc (trong tạp chí
Hợp Lưu) cũng áp dụng những từ ngữ thông tục táo bạo vào thi ca, nhưng đó là họ
muốn làm cách mạng thi ca nói chung, không phải là cách mạng huyền
ngôn. Ta nghĩ các người thông bác đạo Phật cũng không mấy ưa chuộng
lời lẽ táo bạo theo kiểu “Phùng Phật Sát Phật”, mà thường thường là hay nhắc tới
“Nụ Cười Ca Diếp”, hoặc ưa thưởng thức sự óng chuốt dựa vào huyền ảo tính của từ
ngữ Phật Giáo như “Nụ cười gửi tự thiên thu lại. Tiền kiếp nào xưa em hé
môi” (Đinh Hùng), hoặc “Sao không hạt cát sông Hằng ấy. Còn chứa trong
lòng cả đại dương” (Mai Thảo). Ta không chủ trương mỹ cảm văn chương
đồng nghĩa với óng chuốt, hoặc mỹ miều, hoặc tráng lệ. Ta chủ trương mỹ cảm thi
ca là biểu hiện được những gì làm ta rung động nghệ thuật, ví dụ như khi biểu
hiện cảnh nghèo nơi đồng hoang đồi trọc, cảnh buồn thường nhật nơi góc phố mưa
đêm, hoặc tính bi hùng của đường biên cương mồ hoang chiến
sĩ...
Nhánh huyền ảo thứ năm là vẻ bí nhiệm của những mật ngôn hoặc
Phạn ngữ được lặp đi lặp lại như một điệp khúc trong thi ca. Giống như ta
nghe lời kinh bằng Phạn ngữ trong những giờ cúng lễ trong chùa. Ta
không hiểu gì những tiếng ê a này, nhưng ta cảm được những lẽ huyền nhiệm từ đó
phát ra. Mật ngôn là lời bí ẩn thuộc về thần chú, còn Phạn ngữ là lời
kinh bằng thứ tiếng ta không hiểu nghĩa. Cả hai nếu được mang vào
thơ, mỗi đoạn thơ lại được nhắc lại, sẽ có tác dụng huyền ảo đưa hồn người nghe
vào chốn tôn nghiêm, càng thấm nhập thì càng đưa hồn người nghe vào cõi thiêng
liêng. Ví dụ như trong bài thơ “Sầu Ca” của Phạm Công Thiện, tác giả
cứ lập lại ở mỗi đoạn thơ về hình tượng “Sân ga, bài hát cũ Marina”. Ta
nghĩ Marina có thể là một mật ngôn, một Phạn ngữ, hay tên một nhân vật trong tiểu
thuyết Tây phương nào đó, nhưng là gì đi nữa thì vẫn không ngoài chủ đích tạo
ra một lời thơ bí ẩn. Và cũng không nhất thiết phải là lời bí ẩn cho khó hiểu,
mà đôi khi chỉ cần một dòng có ý nghĩa xa xôi nào đó,được lặp lại nhiều lần,
cũng đủ tác dụng tạo ra một ma lực thiêng liêng bùa chú. Phải chút
ít ý nghĩa xa xôi mơ hồ, vì lời lẽ rõ ràng đanh thép được nhắc lại thuộc về
tuyên ngôn chính trị hơn là huyền ảo tôn giáo. Ví dụ triết gia
Nietzche cứ nhắc lại một câu “Ainsi Parla Zarathoustra” có tác dụng hưyền ảo về
lời phán quyết tiên tri của Zarathoustra. “Zarathoustra đã nói như vậy...
Zarathoustra đã nói như vậy...”, đây là điệp khúc thiêng liêng, thuyết
giảng về sự “Trở về Vĩnh Viễn” hay “Sự tái sinh mãi mãi”, triển khai từ thuyết
thời gian thì vô tận mà tạo vật thì hữu hạn, cho nên mọi sự đều tái
diễn, trùng trùng là những chu kỳ vũ trụ (The evolutionary process into cosmic
cycles: The theory is based upon the assumption that time is of infinite
duration, but that the possible combinations and arrangements of matter are
limited in time- William S. Sahakian). Gần giống như thuyết Luân Hồi của Phật
Giáo, nhưng thay vì tái sinh do nghiệp chướng, Nietzche coi tạo vật như những
“tái-biến-chế” trong thời gian vô tận. Trước đó, cũng một triết gia
Đức nữa là Schopenhauer, chịu ảnh hưởng Phật Giáo, xây dựng triết thuyết bi
quan: Đời người mãi mãi trầm luân do “Ý Chí mù quáng” tối tăm. Ý chí mù
quáng (Le vouloir-vivre) của triết thuyết Schopenhouer chẳng xa với những lời
giảng về Sân Si Dục Vọng của Phật Giáo. Nói thêm về điệp khúc vãng
lai, lời thơ phục diễn, gây tác dụng huyền ảo cho thi ca: ta bắt gặp một lần nữa
trong thơ Phạm Công Thiện với bài “Thơ Cho Khoảng Trống” (Đăng trong tạp chí Hợp
Lưu số 21, tháng 2 năm 1995). Tác giả gây cho độc giả cảm nhận cái ma lực của những
lời thơ có ý nghĩa mơ hồ, hình tượng vừa hoang vu sơn dã vừa mở phơi vào cõi
tinh tú siêu hình, nhắc tới nhắc lui trong suốt một bài thơ văn xuôi khá dài:
“Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài, gái thổ gài tổ chim trên lưng ngựa thồ... Chim dồng dộc bay về Nam phố... Chim dồng dộc bay về mùa lúa chín có
sao phướn đi qua...”. Ta biết rằng tác giả Phạm Công Thiện nghiên cứu rất
chuyên sâu về Phật Giáo, chắc những lời thơ được lặp lại như trên không hẳn chỉ
là văn chương thuần túy. Vậy có thể cảm hứng bắt nguồn từ một trang
kinh nào đó, hay từ một tập truyện tây phương lai láng huyền ảo tính Phật
Giáo.
Sau cùng nhánh huyền ảo thứ sáu là ngôn ngữ có tính chất ngoại vi cảnh
chùa. Đạo Phật đã thành nếp sống dân tộc từ ngàn năm trước, cho nên
dù chưa hẳn là Phật tử thuần thành thì cảnh chùa, ngày rằm cúng Phật, ăn chay,
cầu siêu quá vãng, lễ nghi cưới hỏi, tập tục tang ma... đã hằn nếp quen thuộc
trong tâm hồn ta, hứng cảm vào thơ là sự tất yếu. Không phải thi ca
truyền đạt giáo lý đạo Phật mà là thơ về cảnh chùa, tiếng chuông siêu thoát,
ngày rằm trẩy hội... Sắc thái này dồi dào trong văn chương, vì vậy ta gọi đây
là nhánh huyền ảo ngoại vi cảnh chùa. Văn xuôi về chùa Long Giáng,
lá rụng trong “Hồn Bướm Mơ Tiên”, đi nhẹ vào hồn ta khi còn học ở lớp đệ lục
Trung học (tức lớp 7, chương trình giáo dục trước 1975) qua các đoạn trích văn
nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam... Thi ca ngoại vi cảnh
chùa đến với ta ở lớp đệ ngũ (lớp 8) khi học cổ văn, những trích đoạn trong tác
phẩm “Chinh Phụ Ngâm” của bà Đoàn Thị Điểm. Một số câu thơ trác tuyệt
văn chương, ám ảnh mãi vào lòng học sinh về cách dùng từ ngữ rất đắc địa:
- Giọt sương phủ bụi chim gù
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi
(Đoàn Thị Điểm)
Còn biết bao nhiêu là thơ văn về ngoại vi cảnh chùa
khi ta học dần lên, và đọc sách báo để tích trữ vào kiến thức. Tiện việc, chỉ cần
lấy ra từ tập sách mới gần đây, cuốn “Tuyển Tập Thơ Văn Phật Giáo” (do Thái Tú
Hạp thực hiện, nhà xuất bản Sông Thu, California, ấn hành năm 1993), là ta
đã có một số câu thơ đẹp huyền ảo về ngoại vi cảnh chùa. Ví dụ:
- Tiếng chuông thức tỉnh lan ra mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh
(Huyền Không)
- Đàn mây tọc mạch nghiêng trên mái
Ngắm nắng sân chùa, uống tiếng kinh
(Luân Hoán)
- Hỏi đâu là chốn quê nhà đó
Rả rích hiên chùa giọt nước rơi
(Phan Ni Tấn)
- Thuyền ai vượt bến thanh khê
Bến trăng tầm tã hạt mê mấy đời
(Nghiêm Xuân Hồng)
- Chiều sương qua đồng không
Ngân nga thấm tận lòng
Ru hồn vào thiên cổ
(Huy Trâm)
- Chiều nay
Tiếng mõ khua vang trong trí nhớ chàng
Cánh đồng lúa cất tiếng hát
(Kiêm Thêm)
- Lạnh căm ngọn gió vô thường
Nghịch lưu, thân cá dặm trường cố bơi
(T.T. Mây Trên Ngàn)
Ngoại vi cảnh chùa, hoặc chỉ nhẹ nhàng phớt qua về ngôn ngữ
đã phổ thông vào dân gian đại chúng như biển khổ trầm luân, thế gian vô thường,
luân hồi nghiệp chướng, bờ mê bến giác, Niết Bàn tại tâm... Phân định từng
nhánh sông huyền ảo là phân định về ngôn ngữ văn chương, không phải phán định
khép kín từng tác giả. Có lắm người viết kiêm nhiệm vào nhiều nhánh
huyền ảo. Ví dụ học giả Nghiêm Xuân Hồng có những câu thơ thuộc về tính
kinh điển, hoặc thuộc về tính thâm viễn hư không thiền. Gần như các
thi sĩ sáng tác thơ đều chập chờn giao thoa vào nhiều nhánh huyền ảo. Ví
dụ qua thơ trích dẫn ở đoạn trước, người viết bài này phân định Thái Tú Hạp đã
làm thơ giáo lý khoác áo trữ tình, vậy làm sao khép kín sự phân định ấy khi ta
biết nhà thơ sắp xuất bản thi phẩm mang tên một câu thơ thuộc về nhánh huyền ảo
Thiền Quán: “Giở Trang Vô Tự Trắng Nhòa Sắc Không. Nhưng cũng có nhà
thơ chỉ chuyên (hoặc chỉ hứng cảm) với nhánh “giáo lý khoác áo trữ tình”, như
thi sĩ Du Tử Lê qua hai bài thơ “Sơn Tự Thi” và “Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di”
(Thơ được trích dẫn căn cứ từ cuốn sách “Tuyển Tập Thơ Văn Phật
Giáo). Rõ ràng là những câu thơ như “Yêu nhau ai bảo tâm không trụ? Quên
hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi.Và những câu nói về thế Kiết Già(đã
trích dẫn) đều thuộc về nhánh huyền ảo trữ tình mà thôi.
Sau cùng, cũng xin lặp lại một điều đã hiểu: Phân tích làm gì
sự huyền ảo. Ví dụ, huyền ảo một đêm rằm, ta chỉ cần tắm mát tâm hồn trong đó, đâu cần phân tích thành sông suối huyền ảo, biển hồ huyền ảo, rừng núi huyền ảo,
quần cư làng mạc huyền ảo, phố thị nhà cửa huyền ảo... Nhưng sau khi tắm
mát huyền ảo, ta lên bờ ngồi thẩm định, đó cũng là một sảng khoái của tinh thần.
TRẦN VĂN NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét