Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Rượu và sương

Rượu và sương
Gã nhớ rất rõ cái cách mà gã đã làm quen với nàng và rồi chẳng bao lâu được nàng yêu.
Một cái cách như thế thì chẳng thể là tốt đẹp, hay ho gì nếu không muốn nói là bẩn hẹp, xấu hèn. Kệ. Miễn được nàng lưu ý và bộ nhớ nàng, thi thoảng, lóe lên một gã phong trần với nét cười khinh bạc. Hồi mới yêu, gã có cợn lòng tí chút khi nghĩ đến những việc ấy và cùng với đó, là một đoạn trong phim tài liệu Hành tinh băng giá, chợt nhớ lại. Đoạn kể về hai chú chim cánh cụt cồ cùng lo xây tổ cho nhanh để dụ dỗ chim mái đến chung sống. Chim siêng cứ cắp từng viên đá cuội về trong khi chim lười đứng rình, chờ chim siêng quay đi là lấy. Toàn là thế, vậy mà ăn cắp riết cũng đủ số đá cuội cho ngôi nhà. Và lén lút thế, nhặt nhạnh thế, gã cũng cưới được nàng, nên vợ thành chồng hẳn hoi.
Gã làm việc vào ban ngày và đêm đến, ngồi uống rượu giữa khuya. Đêm không chỉ có rượu cho gã mà còn có cả sương, là thứ nước tinh khiết nhất mà người đàn bà của gã bảo rằng mình đang được hưởng nhận. Sương không phải là mưa, mà chỉ là những giọt quá mỏng và chỉ có thể nhấm nháp. Như nhấm nháp những câu thơ hay, gã ngân nga, như nhấm nháp những câu chuyện đời thú vị, gã kể lể, như nhấm nháp một cuộc sống kỳ diệu mà gã vẽ ra. Để rồi sau đó họ nhẹ nhàng yêu nhau. Đúng ra là họ nhấm nháp nhau. Họ yêu bằng cái cách người đàn ông khẽ khàng uống rượu và người đàn bà khẽ khàng hưởng sương. Nàng trẻ quá khi yêu gã và nàng thơ mộng quá khi đâm sầm vào cuộc hôn nhân này. Một đời sống lứa đôi nhiều khó khổ túng ngặt nhưng may mà còn có đêm, khoảnh sân nhà, một bầu trời rộng trên đầu và hơn tất cả có rượu cho gã và có sương cho nàng. Cũng những cuộc rượu đêm nhiều thi vị như thế, nàng mới nhận ra cái cách mà gã bảo là hắt rượu, mới tinh tế sao! Ấy là, khi gã rón rén rót rượu ra cái chung bé tí, không quên nhón nhén cầm bằng hai đầu ngón tay rồi tài tình tung nhẹ vào cặp môi mở rộng, trong khi cái đầu hơi ngửa ra phía sau. Đó, hắt rượu. Còn không thì gã nhấp từng ngụm nhỏ với tay nâng và hạ ly, hết sức điệu đàng.
Rồi gã không còn một lối uống thanh cảnh như thế và cả nữa, kiểu yêu nàng. Gã ngấu nghiến nàng bằng những động tác thô bạo dữ dằn. Như cái cách gã nốc rượu, mỗi đêm. Uống thế được một nhạc sĩ nàng rất thích bảo là uống nạp. Mà để có thể nạp, thật khốn khổ, gã đâu phải tiêu tốn bao nhiêu thời gian. Thì nhấp, hắt đã nhường chỗ cho nốc thôi mà. Nhưng, thật khốn khiếp bởi quá đủ để gã kéo lê nàng đến hằng bao chỗ ở mới. Sống ở đâu gã mua rượu tại đó uống cho thuận tiện. Giả như ở trên Cầu Đôi thì uống rượu của bà Sanh, xuống dưới cảng thì uống rượu lão Lì… Và rượu lệ thuộc vào chỗ ở này, được gã gọi chung là rượu quán.
Có cái kỳ ở chỗ: uống rượu chỗ hiền thì gã hung; uống rượu chỗ hung gã lại hiền. Và cũng là sự lạ, khi mà, nàng không sao chịu được, không chấp nhận nổi mỗi khi gã không dữ dằn. Nàng đã không hiếm lần ném thẳng vô mặt gã những câu đại loại như: “Thà ông hung bạo tôi còn thấy ông giữ được chút oai phong lẫm liệt ngày xưa. Ông còn ra cái hồn vía thằng đàn ông…”. Nàng nói thế là do không hiểu việc hoán chuyển các động thái xử sự, nào chỉ cần một cú lật trở là được.
Rồi gã hiền hoài, khi, chỗ ở của hai người cứ phải thay đổi hằng tuần và càng lúc càng kinh hoàng hơn. Hết cả khu này toàn là bọn lưu manh cướp bóc mà mưu mô gian xảo nhất là cái thằng hàng xóm, ở sát bên. Ngày nào nó cũng kiếm chuyện gây và gã chẳng chút động tĩnh trong khi nàng mỗi chút mỗi nổi giận, ầm ào. Thấy nàng hung dữ, gã hết lòng khuyên can. Nhỏ nhẹ bảo thôi em ạ! Cũng là láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, cố mà giữ lấy cái hòa khí. Ngó gã nhũn bấy toàn thân, nghĩ cái khí chất của gã, chắc gì đã có để mà mất với lại còn. Nếu không, cái lưng sao còng xuống, khóm ra khóm róm đến là thế hả trời? Thật chẳng còn ra thể thống gì và rất là nhục nhã nhé! Nàng nói ngày trước anh kiêu hùng với vóc dáng phong trần, nụ cười khinh bạc mà sao có thể như vầy hả? Gã yếu ớt cãi lại là do rượu mà ra cả, nó thay đổi tâm can anh, con người anh. Rồi chẳng hiểu sao, tủi thân sụt sịt mãi... Vừa khóc lóc vừa kể lể với nước mắt nước mũi tèm lem trông mới rõ hèn. Cái con người ngửi cũng thấy mùi hèn, nói xộc ra toàn là những hơi thở hèn, bảo sao tiếng khóc thoát hèn?
Nàng gầm lên: Rồi, rượu làm hèn mà rượu được nấu bằng gì, hử ông? Có gạo cũng cần đến men, đúng không? Có bắp có sắn có nếp có đậu xanh vẫn phải cần đến men. Thôi chết rồi. Vậy là do men, chồng ơi! Và có thể kết luận như thế này. Men hèn làm ra rượu hèn. Được chưa? Thế, cái men dũng để làm ra cái thứ rượu hùng ấy, nó ở những đâu đâu. Có mắc lắm không? Nếu có, nói thật có phải bán cả cái linh hồn đây, thể xác này, tôi rất sẵn sàng. Thà ông uống những cái thứ, nó bày biểu dạy dỗ ông biết chửi biết giận biết nổi khùng, khi say, tôi còn có thể chịu được chứ cứ như thế này…
Nàng nói những câu ấy xen kẽ tiếng thở dài, giữa khi hai người đang ngồi với nhau lúc khuya khoắt. Vẫn là đêm đấy thôi. Đêm và gã ước mong mình có thể, điệu đàng, hắt nhẹ những cốc rượu vào cổ họng. Đêm và sương ướt đẫm đầu tóc nàng, khuôn mặt nàng, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nàng nhưng sương có đâu mà đủ cho nàng nhấp môi. Vòm miệng khô khỏng, rát bỏng lúc nàng bỏ đi giữa chừng cuộc rượu khi dứt bỏ gã. Cũng chẳng rõ đã qua bao đoạn đường và vấp ngã hằng bao bận khi từ căn phòng mướn ở một khu ổ chuột, bước ra. Còn gã? Vạ vật lang thang mãi rồi cũng có một chỗ để đi, về.
Chỗ đó gọi là nhà thì không phải, phòng trọ cũng không đúng nhưng có một mái che trên đầu. Và có hẳn cả can rượu khi đầy lúc vơi nhưng rất hiếm hoi cạn sạch. Rượu dư nhưng mà không đủ để say, mới thật hài. Mà đêm lại dặc dài đến thế. Đêm với gã, thu lu một góc phòng cùng rượu đổ đầy họng ngập ngụa cả người mà vẫn cứ như không. Càng nốc gã càng tỉnh táo với lấp lóa hình ảnh mụ đàn bà đang chung sống cùng mình, hứng trọn sương đêm đợi đón khách. Gã là thế và mụ thế, cho tới tận mờ sáng hôm sau. Đó là lúc mụ trở về với sặc sụa mùi đực cái và thứ nước hoa rẻ tiền. Đó cũng là lúc, gã làm vệ sinh cá nhân xong và súc miệng bằng một hai xị rượu rồi lầm lũi ra đường.
Đã như một quy định: ngày, chỗ ở thuộc về người đàn bà và những giấc ngủ mê mệt. Giấc chiều của cả hai với bữa cơm tương đối tươm tất mà mụ cố gắng duy trì. Và đêm, mụ ra đường hứng sương. Ả, chỉ ở nhà khi bị ốm hoặc trời có bão hay mưa gió lũ lụt gì đấy. Mấy đêm ấy thật vui vì cuộc rượu không chỉ riêng mình gã. Căn phòng sáng đèn có hai người, nhiều thức ăn và có cả một cây guitar. Lâng lâng, gã như thể nhập đồng và đàn và hát như là một ai đó, chứ chẳng phải là mình. Hay quá! Ả kêu lên đầy hạnh phúc và rồi tiếng khóc, không kiềm giữ nổi, mặc sức bật tung và ùa túa.
Ả bảo nhờ tiếng đàn giọng hát nhiều uất nghẹn đau khổ của gã, mà ả mới khóc được. Nên mấy hồi tiền bạc rủng rỉnh, ả cũng cho phép mình được quyền không đi làm. Ở nhà, để ăn uống cho đã miệng, nghe gã đàn hát cho đã tai và khóc cho đã đời. Vậy mà chút cần thiết đó của ả, đôi hồi, gã cũng không sao đáp ứng nổi. Đấy mới đích thực là cái sự khốn nạn, của ả và của cả gã. Khi gã muốn say nhào đầu và chết ngắc thì không thể và ngược lại. Nhìn gã say mèm, ngủ ngon lành chẳng biết trời trăng gì, ả điên tiết đá mâm và đập cả can rượu, chửi thề tung tóe. Mẹ nó, có mỗi một cú hích khiến cho mình khóc được mà cái thằng chó chết nó cũng đếch làm được. Vậy ở nhà chi, sống với nhau chi? Ả đành phải ra đường hứng sương đón đợi và đi khách, suốt phần đêm còn lại.
Vậy mà sáng ngày về nhìn gã mồ hôi mồ kê tháo đổ, tay chân run lẩy bẩy, ả kịp hiểu ngay nên chưa kịp tắm rửa, đã xách can chạy vội ra quán. Trong rất nhiều buổi sáng với gã tư thế đó và ả tỉnh thế đó. Mụ ấy đã nói, đang nói và hẳn sẽ còn phải nói: “Người ta hỏi tui chứ thằng bồ mày làm gì? Tui nói ông làm nghề sáng chế”. Một lời được lặp đi rồi lặp lại, nói tới rồi nói lui. Có cũ đâu mà bảo là mới chứ!
Ở vùng này có rượu bà Năm Thàng. Rượu của kẻ dở hơi nên nhiều đứa ở cái xóm này, uống vô khùng không ra khùng mà tỉnh sao được? Còn gã, xa nàng bao tháng năm vẫn chưa biết ở những tận đâu đâu, có thứ rượu hùng rượu dũng nên đành ngậm ngùi mãi với một thứ rượu hèn. Một thứ đớn mạt nào phải do rượu mà chính xác là bởi men. Men hèn. Đúng chưa? Nhưng người đàn bà hưởng sương cùng gã trong rất nhiều khuya đêm, có đi đến tận cuối đời mình chắc gì có nổi? Rất ít lần, gã biết cảm giác say và thật hiếm hoi trong mấy lần như thế, gã tìm đến ngôi biệt thự của nàng và lặng ngắt một thế ngồi ngay chếch cổng. Một khuya, chiếc xe hơi thật sang thắng lại cho người phụ nữ chếnh choáng từ trong xe bước ra, cất giọng nhễu nhão: “Anh cho em ngồi lại một chút ngoài này”. Tiếp đến là một giọng đàn ông với nhiều ân cần lo lắng:
- Ngoài này lạnh. Em yếu thế lại hơi say. Người đang sẵn hơi men, gặp trúng hơi sương có mà trúng gió, trở bệnh mất thôi.
- Nhưng mà em muốn. Em muốn ngồi lại ở đây. Ngồi lúc đang say rượu cơ.
- Sẽ không tốt cho em đâu. Nghe anh đi mà.
- … Em sẽ hứng sương thỏa thích. Sẽ say sương… Ối chà. Anh làm sao biết được. Chẳng có thằng đàn ông nào biết được. Người ta căm thù rượu lại phải ập vào rượu và người ta thích rượu và người ta thích cả sương. Nhưng say sương, thử hỏi ai đã từng?
Nghe đến thế, gã khóc lên rưng rức. Gã cũng đã đối diện với nàng nói lên lời xin lỗi về cả quãng đời chung sống tồi tệ trước kia. Nhìn nàng trẻ tươi và sang trọng, gã gật gù: “Em bỏ anh rất phải”. Nhưng, gã thích nhất là lần được gặp lại chim cánh cụt siêng, hồi nào. Giờ cũng cơ ngơi hẳn hoi, vợ con đề huề hạnh phúc. Nghe nhắc lại chuyện xưa, im lặng một lúc lâu mới đủng đỉnh: “Ông đánh cắp của người nên đâu có giữ được cho mình. Đúng không?”. Hắn nói và gã cười lên sằng sặc. Cười cho đã rồi khóc một hồi, gã mới nhận ra tất cả những gì diễn ra ở trên đều thuộc về những giấc mơ, khi gã ngà ngà say và rất hay mớ ngủ.
Rồi cô gái điếm vẫn chung chạ lâu nay, đuổi gã ra đường, vào hôm gã ngủ vùi cả giấc ngày. Ả làu nhàu: Cái đời tui đã thúi hoắc, còn có thêm cái thằng chồng hờ thúi hơn nữa, chịu gì nổi? Thà sớm bửng cha lo nốc giùm mấy ngụm rượu mới, cho cái râu nó thơm. Cái miệng cha không thơm nổi đời cha sao thơm? Thấy gã vẫn nằm ì, lăn qua trở lại. Ả đập tiếp cho tới khi gã phải thức dậy mới thôi. Gã mở bừng cặp mắt đồng thời căng rộng đôi tai, nghe ả lải nhải: “Hửi cái miệng cha là tui biết thứ rượu trong người cha nó sao rồi. Cha ợ một cái là tui muốn mửa liền liền. Cái thứ cha nốc từ hồi đêm nên giờ nó thiu rồi, biết không? Như tui đây nè! Cả đêm đứng đường, hứng sương, khách quần đảo mà giờ cái thân tui nó không thiu mới lạ! Mà tui nói cha hoài sao không biết nghe. Thiu thúi gì cũng một đứa thôi đặng đời kiếm chút hên chứ! Mới có mờ sớm mà khiến mạt? Biến mau. Đừng để tui thấy mặt. Biến gấp”.
Gã quờ quạng tìm về nhà mình và té sấp mặt ngay ngưỡng cửa. Mẹ vực gã dậy, dìu vào nhà và buông vội câu nói:
- Hàng xóm thường hỏi mẹ... Lúc này con có đỡ không?
- ….
- Mẹ bảo đỡ chứ. Đỡ nhiều nữa là khác.
Ngay trong sớm đó, gã từ chối tô cháo lươn mẹ quáng quàng đi mua về. Mẹ bảo mày đang yếu, ăn thứ này đã nhẹ bụng mà lại nhiều bổ dưỡng. Nhưng gã lắc đầu đẩy tô ra xa. Như chợt hiểu, mẹ gã cười với cái miệng méo xệch và ẹo hẳn một bên người khi bưng thẩu rượu thuốc thật to, từ trong buồng ra. Gã biết hũ rượu này là của bố và phút chốc, chùng lòng. Bố không nghiện rượu như gã nhưng ngày nào cũng hai ly đều đặn vào mỗi bữa ăn. Thấy thế, mẹ chiều, ngâm cho hàng bao nhiêu vị thuốc và cái hũ đây, bố chưa kịp uống hết lượt đầu đã ốm nặng rồi đi. Mẹ mua rượu trắng đổ tiếp vào cho đầy và vẫn múc ra mấy ly cho gã nốc, những khi tạt về nhà. Mẹ đập khẽ tay vào thành hũ rồi nheo nheo mắt, khi khó nhọc nhả ra từng tiếng một: “Đấy! Của con tất. Mày cứ mạnh dạn uống bằng hết. Uống cho tới ngụm cuối cùng. Rồi tao đập nát hũ rượu này và mày cũng đi cho khuất mắt mẹ con nhé!”.
Nhìn gã hiền hòa khi hăm hở với công việc sáng chế, mẹ gã khóc. Mẹ khóc và con cười. Mẹ khóc úa òa chẳng khác gì trẻ nhỏ, trong khi, con cười nụ già cỗi hắt hiu. Hình như chưa xong việc, vì đã được mấy nỗi đâu chứ! Cũng chỉ là dăm cốc, gã đã nghe người lâng châng, khó chịu, vậy là đi. Thất tha thất thểu với chân thấp chân cao, gã đi thẳng đến nhà vợ cũ. Chẳng trốn lén, không hề núp né, gã chương ường bộ dáng của mình ra cho bị xô đuổi, đánh đập và tống cổ chơi. Gã ấy mà. Người ta hung gã hiền. Bầm dập thân hình và nát bấy tâm hồn, gã đứng giữa trưa nắng, gã đứng giữa giấc chiều thèm rượu đến run bắn cả người chứ không chỉ đôi tay, đổ mồ hôi toàn thân chứ không chỉ có vầng trán. Và đêm tới, gã lếch thếch nơi mấy ngả đường, lúi chúi đi ra bãi biển rồi ngả nghiêng vào tận công viên. Gã giữa trời khuya không mái che trên đầu tự nhủ sương có còn không mà sao mưa to đến thế?
Mưa, gã vẫn không chịu bước vô mái hiên để tránh. Dẫu lạnh cóng cả người và tê buốt từng đầu ngón chân. Đau thật đấy, khi các ngón không dám quắp vào nhau mà gắng xòe rộng ra, để bám chắc. Nhưng mặt đất chung chiêng mặt đất lộn nhào… Chân còn không bám nổi, thân sao trụ được hả trời? Gã kêu thầm trong nỗi hoang mang lo sợ và nhận ra cơn mưa chừng như nặng hạt hơn. Mưa xối xả chảy tràn mặt và đẫm ướt cả thân hình, vậy mà trong người cứ như có lửa: khô rang và nóng rực. Gã há họng và tợp từng ngụm to để rồi thất kinh nhận ra: chẳng tí men cay và nồng nã diệu kỳ. Như từ hồi giờ mà gã đã được biết. Nước. Vẫn chỉ duy nhất là nước đấy thôi và nước quá nhiệm mầu: Mát vô ngần và ngọt lịm cho tới tận đầu lưỡi, kẽ chân răng… Nước làm dịu cơn khát và dần từ hạ hỏa hộ gã. Mưa vẫn không ngớt, quất tơi tả trên một gã tiều tụy và đói thèm: rượu, hơi ấm đàn bà, một mái che. Cả người gã như lả đi và gẫy gập nhưng đôi chân không trượt lăn, vẫn níu ghì tại chỗ. Gã đã quyết như thế và bất giác cất tiếng cười man dại trong nỗi phấn khích tột cùng. Ơ! Mặt đất hãy còn đây và đôi chân mình vẫn còn đang bám chắc. Mình chưa hề gục sấp rồi nằm lú, thiếp mê. Mặc cho tâm trí liêu điêu, thân hình quờ quạng và suýt té hàng bao lần. Mặc cho mưa dày thêm và mưa dai thêm. Mặc cho đêm đang đi qua và đêm, sắp hết.
Nguyễn Mỹ Nữ
Theo http://thanhnien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...