Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Không chỉ là giấc mơ

Không chỉ là giấc mơ
“Cậu tìm được chưa? Phải nhanh lên. Ngày nào thành phố cũng dịch chuyển. Tốc độ ngày càng gấp gáp hơn. Tớ sợ...”.
“...”.
“Rồi thì cậu sẽ mất dấu nó mất thôi. Tớ biết điều đó sẽ xảy ra mà...”.
Thi thở dài. Chỗ cậu ta ngồi, ánh sáng như đông lại. Tôi nhìn rõ cả những hạt bụi treo lơ lửng trong vệt ánh sáng trắng xanh, tĩnh lặng.
“Thi đừng lo, tớ sẽ cố tìm... Tớ hứa...”.
“Thôi, khỏi mất công nữa đi. Đằng nào thì cũng chẳng tìm thấy...”.
Thi vùi người vào sâu trong chiếc ghế mây, cố ghìm sự chán chường, bất lực đang phì ra đằng mũi.
“Thôi kệ đi”.
Thi phẩy tay yếu ớt, đoạn nhìn ra cửa sổ.
“Tớ cũng không muốn xuất hiện trong bộ dạng này. Tìm hay không thì cũng có ý nghĩa gì đâu”.
Thành phố ngoài kia đang tiếp tục chuyển dịch.
Khi Thi cảnh báo tôi về điều đó, tôi đã không tin. Thật ngớ ngẩn! Cái gì cơ chứ? Thành phố đang dịch chuyển! Đừng nói là nó sắp bay lên mặt trăng đấy nhé. Cậu không có phát minh nào kỳ vĩ hơn thế ư? Mấy cái truyện giả tưởng còn làm giật gân hơn cậu đấy. Đừng làm tớ buồn ngủ với những ý tưởng như thế chứ! Ôi cái giọng của tôi lúc đó nó mới cay nghiệt, đắc ý làm sao.
Thi nhìn tôi buồn bã trong lúc tôi vẫn tiếp tục làm con ong ngu xuẩn tìm cách châm chích cậu ta.
“Tớ nói thật đấy”.
Sự chân thành trong giọng nói và thái độ của Thi khiến trò giễu nhại đang sôi nổi của tôi bỗng nhiên bị cụt hứng. Chắc tại cậu ngồi ở nhà quá lâu rồi nghĩ huyên thuyên đấy thôi. Làm sao có thể như thế được! Thành phố dịch chuyển ư? Dịch chuyển đi đâu? Dịch chuyển như thế nào? Cậu đừng nói điều đó liên quan đến việc trái đất quay quanh mặt trời, trái đất quay nên chúng ta quay, thành phố này quay và túm lại là chúng ta cùng quay, cùng dịch chuyển đấy nhé. Nếu xét theo khía cạnh đó thì cậu hoàn toàn đúng, Thi ạ. Nhưng để tạo ra sự thay đổi đủ lớn, đủ để kẻ tầm thường như chúng ta nhận ra thì ngày ấy còn quá xa vời, Thi ạ. Nên cậu cứ yên tâm ăn no ngủ khỏe đi, Thi ạ. Tôi cố nhấn nhá vào mỗi từ “Thi ạ”. Trò giễu nhại nhỏ nhen của tôi vẫn chưa chịu buông tha cậu ta.
Thi đứng lên. Tôi tưởng cậu ta sẽ bỏ vào phòng. Và tôi sẽ kết thúc trò mèo vờn chuột. Chúng tôi sẽ giảng hòa. Chẳng việc gì phải tranh cãi nhau vì ba cái thứ vớ vẩn này.
Hóa ra Thi không bỏ cuộc. Cậu ta đến bên chiếc bàn ăn. Lúc này Thi chỉ cao ngang ngực tôi. Cậu ta vẫn bé nhỏ mãi như thế suốt hai chục năm qua. Cơ thể cậu ta không thể lớn thêm được, kèm theo vô số những cơn đau ốm diễn ra suốt năm. Ông trời thật bất công. Dù sao thì điều đó cũng không cản trở tình bạn của chúng tôi.
“Cậu nhìn đi”.
Thi bắt đầu lắc chiếc bàn một cách từ tốn. Rồi nhanh hơn chút nữa. Những chiếc bát, những đôi đũa, hộp đựng giấy ăn... tất cả khẽ giật mình rồi rung lên nhè nhẹ. Sau đó chúng bắt đầu di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Mỗi lúc một nhanh hơn.
“Nhưng điều đó chẳng nói lên điều gì cả. Cái bàn là do cậu lắc. Còn thành phố này, theo cậu thì ai lắc được nó đây? Không phải bà Nữ Oa tự nhiên nổi hứng xuống trần gian dạo chơi và nổi hứng sắp xếp lại trật tự đấy chứ?”.
“Cậu hãy nhìn ra phố, hãy cảm nhận đi. Cậu có nhận ra cây sấu kia không? Có nhớ nó không? Cậu đã từng trèo lên đấy. Ngày xưa nó cách cửa nhà tớ 5 m về bên trái, theo hướng 10 giờ. Bây giờ cậu nhìn đi. Nó đã chuyển sang bên phải, hướng 2 giờ”.
Tôi nhìn theo hướng chỉ của Thi. Có cái gì đó không đúng đang xảy ra. Tôi nhìn thấy những con đường đang trôi. Tôi nhìn thấy những tòa nhà cao tầng đang nhấp nhổm chuyển động. Tôi trân trối nhìn vào thân cây sấu xù xì mốc meo trước cửa nhà Thi. Nó nào xa lạ gì với tôi. Tôi từng nhảy nhót trên ấy, từng bị ăn no đòn cũng vì nó. Nó chỉ là cái cây vô tri nhưng sao lúc này đây tôi bỗng nhìn thấy những vảy cây gân guốc đang run lên mơ hồ trong giá lạnh...
Tôi bỏ mặc Thi ở lại với căn phòng chật chội. Thi đang giở trò với tôi. Chắc chắn là như vậy. Cậu ta đang trả đũa tôi bằng cách làm cho tôi bị ảo giác. Sao cậu ta lại làm thế? Vì tôi đã trêu chọc cậu ta quá nhiều và giờ đây cậu ta đã tìm ra cách thật quái gở để đáp trả. Cậu ta không đếm xỉa đến việc tôi đã kiên nhẫn làm bạn với cậu ta chừng ấy năm. Hơn hai mươi năm chứ có ít đâu. Tôi vẫn ghé qua căn phòng ngột ngạt, cũ kỹ của cậu ta, nhẫn nại nghe cậu ta huyên thuyên những điều tận đẩu tận đâu mà tôi không mấy quan tâm. Nhưng tôi vẫn đến, lâu thì một tháng một lần, không thì có khi ngày hai ba bận tôi ghé qua với Thi. Có khi chỉ để đánh một giấc cho đỡ bực dọc chuyện ở công ty, hoặc mua giúp Thi cái bóng điện bị cháy. Giờ thì mọi chuyện ra nông nỗi này đây. Cậu ta tìm cách lỡm tôi!
Nhưng rõ ràng không phải là ảo giác. Thành phố đúng là đang dịch chuyển. Tôi định hình lại ký ức, định vị những ngôi nhà, những con đường. Lâu nay chẳng bao giờ tôi bận tâm về điều ấy. Giống cái cây cứ việc lớn lên mà chúng ta chẳng ghi nhớ được việc nó đã lớn lên như thế nào, mà mặc nhiên thụ hưởng. Bây giờ thì tôi đang thấy mọi thứ hiện lên rõ rệt đến mức không - thể - tin - nổi: Trường mẫu giáo ngày nào của tôi giờ đã chuyển về cạnh ngân hàng thương mại cách đó hai con phố, còn cửa hàng tạp hóa cạnh cổng trường đã trôi tận về phía cuối phố từ bao giờ. Sân bóng chúng tôi vẫn chơi thì chạy tít ra gần phía khu công nghiệp, còn hiệu cắt tóc gần sân bóng thì nằm lay lắt cạnh rạp chiếu phim. Ông chủ hiệu cắt tóc, 10 giờ sáng đã ngáp ngủ, gỉ mắt đóng bánh trên khóe mắt cũng chẳng buồn cạy ra.
“Bác có nhớ sân bóng không? Chúng cháu toàn ra cắt tóc hàng của bác”.
“Bây giờ khác rồi cậu ơi. Chẳng ai vào đây cắt tóc rồi mới xem phim cho nhẹ đầu cả! Tóc cậu dài rồi, vào tôi cắt cho. Tôi lấy rẻ thôi mà”.
Thành phố đúng là dịch chuyển như những chiếc bát, đũa trên bàn ăn mà Thi đã mô phỏng cho tôi thấy.
“Cậu muốn tìm gì?”.
Tôi trở lại nhà Thi. Thi nhìn chăm chăm vào mặt tôi. Cậu ta hiểu là tôi thua cuộc? Hình như cậu ta chẳng thèm bận tâm hay chấp nê tôi làm gì.
“Một hiệu sách cũ. Ngõ Hỏa Xa. Đi vào chừng 30 m. Dãy sách số 5, tầng trên cùng, quyển thứ 12. Thương bảo Thương sẽ về tìm tớ sau 20 năm nữa. Cô ấy bảo sẽ gửi lời nhắn vào trong cuốn sách ấy. Cậu đến tìm về cho tớ đi. Tớ tin là cô ấy đã về. Tớ đã nhận ra mùi hương của cô ấy trong thành phố này. Không nhầm được đâu. Nhưng tớ không thể đi ra phố, không thể tự đi tìm lời nhắn của cô ấy được. Tớ nhờ cậu...”.
Thi nói gấp gáp. Hơi thở cậu ta bỗng thoang thoảng mùi nước mưa, vừa buồn vừa lạnh.
Hai mươi năm đã qua. Đến cây sấu trước cửa nhà còn dịch chuyển, tôi tìm hiệu sách cũ ở ngõ Hỏa Xa bằng cách nào đây?
“Tớ đã gọi điện nhờ một số người tìm kiếm manh mối. Lần gần đây nhất, có người nhìn thấy ngõ Hỏa Xa nằm ở phía đông thành phố, sau một chợ cóc. May là con ngõ vẫn nhẫn nại cõng theo hiệu sách cũ. Số điện thoại ấy giờ tớ cũng mất rồi nên tớ không còn thông tin nào khác. Cậu hãy cố giúp tớ nhé”.
Thi ơi là Thi, cái giọng khẩn khoản đến thê lương của Thi đã khiến tôi biết đó chính là việc tôi phải làm cho cậu rồi.
Tôi lao ra phố. Tôi chạy đua với đợt dịch chuyển tiếp theo của thành phố. Những tòa nhà tiếp tục rùng rùng chuyển động. Những con đường tiếp tục trôi. Những hàng cây tiếp tục bị đẩy xa nhau hơn. Những dòng xe vun vút. Những khuôn mặt người hối hả không rõ mặt. Đã có ai về lạc nhà mỗi khi thành phố vừa chuyển sang một ngày mới?
Phía đông thành phố có cơ man nào là chợ cóc. Xóm trọ sinh viên, khu công nhân nhà máy may, khu dân đô thị mới... Đâu có người là có chợ cóc. Chợ trôi từ đâu đến. Dân cứ mua bán rồi mai chợ trôi mất, lại có chợ mới mọc lên. Làm sao tôi biết ngõ Hỏa Xa nằm gần chợ cóc nào đây?
“Có ngõ Hỏa Xa ở gần đây không?”
“Có ngõ Hỏa Xa ở gần đây không?”
“Có ngõ Hỏa Xa ở gần đây không?”
“Có ngõ Hỏa Xa ở gần đây không?”....
Trong cơn mơ, tôi cũng thấy mình lảm nhảm mấy câu ấy. Tôi thấy Thương nhìn tôi oán trách. “Cậu không lấy nhanh bức thư, sẽ có người lấy nó mất. Cậu phải nhanh lên!”.
Nhưng rốt cuộc thì ngõ
Hỏa Xa ở đâu? Hiệu sách cũ ở đâu? Sao Thương không tự đi tìm Thi?.
Năm ấy cả tôi và Thi đưa Thương ra tận sân ga. Sân ga tỉnh lẻ lác đác mấy cái bu gà kêu oang oác và dăm ba người đứng đợi tàu trễ chuyến, mặt buồn hiu hắt.
“Sao Thương nhất định phải đi à?”.
“Tại nhà Thương chuyển nhà”.
“Sao nhà Thương nhất định phải chuyển à?”.
“Tại bố Thương chuyển việc”.
“Sao bố Thương nhất định phải chuyển việc à?”.
Tôi đi về phía phòng trực của nhà ga hỏi giờ tàu đến, bỏ dở chừng câu chuyện toàn sao với giăng của Thi và Thương. Chắc là lúc ấy hai đứa chúng nhắn nhe hò hẹn nhau. Chỉ biết lúc tôi trở lại thì thấy mắt Thương đỏ hoe. Thằng đàn ông là Thi, cao đến tai Thương thì mặt rất đăm chiêu, nghiêm trọng nhìn về hướng đoàn tàu sẽ chạy. Có chịu đựng thêm chút nữa, chắc nó cũng sẽ biến thành túi nước mắt mất thôi.
Sao hồi ấy Thi và Thương không viết thư từ cho nhanh. Hẹn hò gì những hai mươi năm ở chỗ quái quỷ nhất quả đất. Nhỡ đâu hiệu sách cũ bị bán đồng nát vì quá ế ẩm. Nhỡ đâu ngõ Hỏa Xa đã bị xóa sổ để lấy đất xây nhà, mở trường. Có gì mà không thể xảy ra được. Nữa là hai mươi năm.
“Có ngõ Hỏa Xa ở gần đây không?”.
“Có ngõ Hỏa Xa ở gần đây không?”....
Tôi thiếp đi trong những giấc mơ trôi bồng bềnh. Sách, rất nhiều sách bay xung quanh tôi như bươm bướm. Rồi chúng đậu trên những cành cây sấu, và nở ra vô số bức thư. Tôi hối hả hái thư, hối hả mở ra. Những bức thư không một dòng chữ, chỉ nhòe nhoẹt nước và khe khẽ ứa lên mùi nước mưa, lạnh và buồn.
“Thương vẫn chưa đi đâu. Tớ vẫn nhận ra mùi của Thương ở trong thành phố này”.
“Thi ơi là Thi, thành phố 8 triệu con người này, mùi nào là mùi của Thương đây?”.
“Làm sao Thương tìm được ra tớ bây giờ?”.
“Thành phố có mưa sao băng!” - Thi gọi điện cho tôi với giọng hồ hởi.
“Vậy thì sao chứ?”.
“Thì Thương sẽ xem mưa sao băng. Có phải dễ mà được chứng kiến mưa sao băng đâu. Thương thích sao băng lắm”.
“Đừng bảo là hai người sẽ nhìn sao băng mà ước nhé. Cái đấy giờ ai còn tin nữa”.
“Không, tớ sẽ đốt lửa”.
“Là sao?”.
“Có lửa, Thương sẽ tìm được tớ. Cậu nhớ không, Hỏa Xa! Tớ sẽ làm lửa”.
Đêm ấy, chúng tôi co ro trên sân thượng của khu tập thể cũ kỹ, chất củi gộc, giấy báo... - tất tật những gì có thể cháy - để đốt lửa. Khi cả thành phố ngửa mặt lên ngắm mưa sao băng, thì ngọn lửa của chúng tôi cũng hắt sáng rực cả một góc trời. Thi mô tả lại như thế. Còn tôi thì thiếp đi, mê man trong giọng nói phấn khích của cậu ta. Nhưng tôi buồn ngủ quá. Như thể cả mấy chục năm chưa từng được ngủ.
Dù vậy, tôi vẫn kịp gửi một điều ước duy nhất trước khi cơn mưa sao băng tắt lịm.
“Ngõ Hỏa Xa ở đây!”.
“Ngõ Hỏa Xa ở đây!”.
Cây sấu già nở ra một trái thư duy nhất.
Hơi thở của Thi sát bên tôi, thổn thức.
Lần đầu tiên tôi nhận thấy hơi thở ấy ấm nồng như lửa.
Đừng nói đó chỉ là giấc mơ...
Phong Điệp
Theo http://thanhnien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...