Duyên dáng và hoàn mỹ
Thật tuyệt vời được lắng nghe lại bản thu âm kinh điển Giọng Xuân trong không khí rạo rực lúc Tết đến, xuân về do "Một sự kết hợp được tạo ra trên thiên đường" thể hiện - sự kết hợp huyền thoại giữa Herbert von Karajan, Kathleen Battle và Dàn nhạc giao hưởng Vienna đã để lại một Giọng Xuân mãi mãi "xuân" qua nhiều năm tháng.
Vienna, điệu valse và gia đình Strauss là những cái tên không thể tách rời. Những điệu valse của Johann Strauss I (1804-1849) gợi lên không khí miền quê Vienna, những vườn bia và những Heurigen (tụ điểm phục vụ rượu vang đặc trưng kiểu Áo).
Còn những điệu valse của Johann Strauss II (1825-1899) thời kỳ đầu có sinh khí nhịp nhàng tương tự với những giai điệu ngắn. Tuy nhiên, sau năm 1860 điều này đã thay đổi. Johann Strauss II đã truyền cho hình thức valse truyền thống một sinh khí mới và sự tinh tế mới, phản ánh vẻ tráng lệ và tinh thần hưởng lạc của hoàng gia Áo thế kỷ 19.
Frühlingsstimmen (Voices of
Spring - Giọng Xuân) Op. 410 soạn cho giọng hát solo cùng dàn nhạc, là một
trong số những điệu valse nổi tiếng nhất của Johann Strauss II, người được mệnh
danh là Ông vua của điệu valse.
Có một điều độc đáo trong Frühlingsstimmen là tác giả đã đã giao phó vai trò thể hiện giai điệu cho giọng hát chứ không phải cho violon, cụ thể là dành cho giọng nữ cao màu sắc (coloratura soprano) của Bianca Bianchi.
Giọng nữ cao màu sắc thường có âm vực rộng (cao hơn nữ cao bình thường vài ba cung), giọng mảnh, nhỏ, nhẹ và đặc biệt linh hoạt, âm khu thấp thường mờ, yếu, nhưng càng lên cao càng sáng đẹp.
Bianca Bianchi lúc đó là một ca sĩ nổi tiếng, thành viên của Nhà hát opera hoàng gia Vienna. Johann Strauss II rất hứng thú với việc soạn một tác phẩm mới dành cho người ca sĩ được tôn vinh và kết quả là điệu valse ngợi ca mùa xuân này đã ra đời.
Giọng Xuân, qua giọng hát của Bianca Bianchi ra mắt lần đầu tại Nhà hát opera hoàng gia Vienna vào tháng 3 năm 1883 trong một buổi biểu diễn từ thiện lớn. Tuy nhiên Giọng Xuân không được yêu thích ngay ở lần đầu công diễn này. Khi Johann Strauss II đem phiên bản cho dàn nhạc đến nước Nga trong chuyến lưu diễn vào năm 1866, tác phẩm đã thu được thành công lớn.
Giọng Xuân cũng được đón nhận nhiệt thành ở nước Ý trước khi trở về làm say mê lòng người Vienna với nhiều phiên bản chuyển soạn khác. Về sau Johann Strauss II cũng chuyển soạn Giọng Xuân cho đàn piano, ở hình thức này sự nổi tiếng của tác phẩm cũng vượt ra ngoài phạm vi Vienna.
Sau này, nhiều ca sĩ giọng nữ cao màu sắc khác đã thành công hơn Bianca Bianchi trong việc thể hiện phiên bản Giọng Xuân đầu tiên của Johann Strauss II. Những ca sĩ này cũng thường thêm vào đó những cadenza (đoạn nhạc do nghệ sỹ biểu diễn tự sáng tác để thể hiện kĩ thuật cá nhân cũng như khả năng và dấu ấn đặc biệt của riêng mình).
Vào ngày 1 tháng 1 năm 1987, Giọng Xuân được trình diễn tại Chương trình hòa nhạc cổ điển mừng năm mới của Dàn nhạc giao hưởng Vienna. Đây cũng là năm đầu tiên mà dàn nhạc này quyết định chọn theo từng năm những nhạc trưởng và các soloist danh tiếng thế giới để cùng biểu diễn trong chương trình hòa nhạc truyền thống của mình.
Đây cũng là lần duy nhất mà nhạc trưởng vĩ đại người Đức Herbert von Karajan (ở tuổi 79) chỉ huy một buổi hòa nhạc thường niên được truyền hình trực tiếp ra quốc tế và cũng là lần đầu tiên một ca sĩ được mời tham gia vào sự kiện quan trọng này.
Lần đó, Karajan đã mời ca sĩ danh tiếng người Mỹ Kathleen Battle hát Giọng Xuân. Giọng hát của Battle thuộc loại nữ cao trữ tình màu sắc (lirico coloratura soprano). Kiểu giọng hát này có âm vực rộng hơn so với nữ cao bình thường (hơn 2 quãng 8) đặc biệt về âm khu cao, âm sắc nghe giống tiếng sáo.
Khả năng luyến láy các note ở âm vực cao của kiểu giọng hát này rất tốt. Và Kathleen Battle, người từng được Tạp chí Time bầu chọn là Giọng nữ cao trữ tình màu sắc tuyệt vời nhất thế giới đã thể hiện Giọng Xuân thật hoàn mỹ.
Thật tuyệt vời được lắng nghe lại bản thu âm kinh điển Giọng Xuân trong không khí rạo rực lúc Tết đến, xuân về do "một sự kết hợp được tạo ra trên thiên đường" thể hiện - sự kết hợp huyền thoại giữa Herbert von Karajan, Kathleen Battle và Dàn nhạc giao hưởng Vienna đã để lại một Giọng Xuân mãi mãi "xuân" qua nhiều năm tháng.
Ngọc Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét