Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Cây ngải đắng

Cây ngải đắng
Olga Berggholz là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của văn học Nga thế kỷ XX. Bên cạnh những vần thơ công dân, những trang thơ tình của bà có được sức sống lâu bền hơn cả. Thơ bà là tiếng nói của một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm với trái tim nồng nàn yêu thương nhưng cũng luôn khắc khoải, lo âu trăn trở.
(Olga Berggholz)
“Cây ngải đắng” là một trong những bài thơ thể hiện rõ nhất đặc điểm đó của thơ bà. Bài thơ là tiếng lòng thổn thức của một người con gái trước cuộc tình lỡ dở:
Rồi tôi vẫn nghiến răng bướng bỉnh
Ngẩng cao đầu khép chặt lòng đau
Hoa ơi hoa, hoa nở vì đâu
Hoa ngải đắng của tình tôi yêu dấu?
Hai ta cùng giấu giếm lẫn nhau
Cố nuốt ngược vào tim lời từ giã
Cầm chiếc khăn hoa của tôi, vội vã
Anh xé mẩu khăn, nào biết có ý gì!
Làm gì nữa anh ơi, chút tình si
Mẩu khăn ấy tả tơi anh còn giữ?
Làm gì nữa tôi ơi lòng đã lỡ
Đường trần đi tìm hằn dấu những bước chân
Chẳng làm gì nữa đâu lời âu yếm vô ngần
Của người dưng hay người tôi thương mến
Muôn nẻo quanh tôi loài cỏ hoa quyến luyến
Ngải đắng ơi, hoa ngải đắng tình tôi!.
(Cây ngải đắng - Olga Berggholz, 1928 - Thụy Anh dịch)
Bài thơ này được Olga Berggholz sáng tác năm 1928 - khoảng thời gian bà đang chung sống với Borís Korinilov. Đó là mối tình đầu của Olga Berggholz, cũng là mối tình để lại trong bà nhiều day dứt. Họ đã yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhanh chóng trở thành vợ chồng và cũng nhanh chóng chia tay nhau. Giai đoạn bà sáng tác bài thơ cũng là khoảng thời gian hai người bắt đầu rạn vỡ. Vì vậy, ta có thể nhận ra trong bài thơ những nỗi niềm chua xót, những cảm nhận cay đắng của một trái tim yêu bị lỡ dở:
“Rồi tôi vẫn nghiến răng bướng bỉnh
Ngẩng cao đầu khép chặt lòng đau
Hoa ơi hoa, hoa nở vì đâu
Hoa ngải đắng của tình tôi yêu dấu?”…
Câu thơ đầu tiên không phải là một lời yêu thương nhẹ nhàng, nồng thắm, hay lời giận hờn trách cứ như thường thấy trong các bài thơ tình khác mà là một một thái độ dứt khoát, một sự can trường, mạnhmẽ: “Rồi tôi vẫn nghiến răng bướng bỉnh/ Ngẩng cao đầu khép chặt lòng đau”. Trước những rạn vỡ của mối tình, người con gái không kêu than, không ủy mị, khóc lóc mà vẫn bướng bỉnh “khép chặt lòng đau”. Cái bướng bỉnh ấy chính là tính cách của Olga Berggholz. Bà được thừa hưởng từ người cha mái tóc vàng và chiếc mũi hếch nghịch ngợm, đôi mắt xanh biếc trong vắt và bướng bỉnh. Chính cái bướng bỉnh này đã giúp bà có đủ vững vàng để vượt qua những sóng gió trong cuộc đời đầy bão táp, truân chuyên của mình. Trong tình yêu, bà yêu nồng nhiệt bằng cả trái tim, nhưng lại luôn gặp trắc trở. Trong tâm thức văn hóa nhân loại, ngải đắng biểu trưng cho sự khổ đau, cay đắng, và đặc biệt là sự khổ đau do thiếu vắng gây nên. Loài thảo mộc ấy có mùi hương ngai ngái, gợi niềm bất trắc nhưng lại có sức sống bền bỉ và kiên cường. Lấy đó làm biểu tượng cho sự dằn vặt trong tình yêu của mình, Olga Berggholz đã thể hiện được một trái tim nồng nàn yêu thương và cũng hết sức can trường:
“Hoa ơi hoa, hoa nở vì đâu
Hoa ngải đắng của tình tôi yêu dấu?”…
Câu hỏi vang lên như một sự dằn vặt, một sự chiêm nghiệm xót xa về tình yêu của người con gái. Hỏi hoa nhưng chính là lời chia sẻ với hoa về số phận mối tình của mình. Hoa vô tình hay hữu ý mà hương hoa sao giống tình yêu đắng cay. Olga Berggholz là một người nhạy cảm, gương mặt đôi khi mang một nỗi buồn kì lạ không lí giải nổi. Nỗi buồn ấy được nhà văn Anninski gọi là “nỗi sầu không lời và vô duyên cớ của tâm hồn Nga”. Nỗi buồn ấy được chung đúc nên từ những năm tháng tuổi thơ bên người vú già, từ những đau khổ, sóng gió trong cuộc đời đầy truân chuyên của bà. Nó thấm nhuần trong thơ Olga, mang đến một âm điệu riêng cho thơ bà. Âm điệu ấy được thể hiện rõ nét trong “Cây ngải đắng”.
Sang đến khổ thơ thứ hai, người con gái quay sang đối thoại với người yêu:
Hai ta cùng giấu giếm lẫn nhau
Cố nuốt ngược vào tim lời từ giã
Cầm chiếc khăn hoa của tôi, vội vã
Anh xé mẩu khăn, nào biết có ý gì!
Tình yêu chỉ còn lại là những đắng cay, vậy mà cả hai vẫn cố tìm cách níu giữ, “cố nuốt ngược vào tim lời từ giã” bởi họ chia tay nhau không phải vì tình yêu đã chết. Họ chia tay nhau trong day dứt, khổ đau. Olga Berggholzvà Borís Korinilov yêu nhau nhưng “tính cách khắc nhau”, thậm chí thơ của họ cũng mang những đặc điểm đối chọi nhau, nói như Lev Anninski, nhịp thơ nặng nề, trơn chuội của Kornilov ít có thể hòa hợp với cung đàn dâng trào thẳng băng của Berggoltz. Và đôi tình nhân mê đắm này chia tay nhau vì thế. Họ xa nhau, nhưng mối liên hệ sâu sắc giữa hai người vẫn còn, không lời, không hình ảnh, nhưng thiêng liêng đến mức khó hiểu. Mãi sau này, Olga Berggholz vẫn không nguôi nhớ và đây đó trong các bài thơ, người ta vẫn thấy mơ hồ Olga nhắc đến mối tình đầu của mình.
Thậm chí bà có hẳn một bài thơ đề gửi Borís Korinilovmang tên “Bài thơ cuộc đời”. Những trắc trở của mối tình đầu đã được Olga gửi gắm trọn vẹn vào bài thơ này. Và vì những nỗi trắc trở ấy nên bài thơ đầy những nỗi băn khoăn của cô gái trước những hành động của người yêu:
Cầm chiếc khăn hoa của tôi, vội vã
Anh xé mẩu khăn, nào biết có ý gì!
Những băn khoăn ấy cô gái đã có câu trả lời: Vì chàng trai muốn níu giữ chút tình. Chiếc khăn là vật chứng, là tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, giờ chia xa trở thành kỷ vật để nhớ về mối tình đã qua. Chiếc khăn xé lẻ ra sẽ không còn là chiếc khăn, cũng như tình yêu bị chia cắt, sẽ không còn vẹn nguyên. Vì vậy mà ở khổ thơ thứ ba là những lời hết sức thống thiết cô gái muốn nhắn gửi tới người yêu:
Làm gì nữa anh ơi, chút tình si
Mẩu khăn ấy tả tơi anh còn giữ?
Làm gì nữa tôi ơi lòng đã lỡ
Đường trần đi tìm hằn dấu những bước chân.
Níu giữ cũng chẳng để làm gì! Cô gái hiểu rất rõ điều đó. Dù đau đớn nhưng phải chấp nhận thực tế. Mẩu khăn “tả tơi” ấy hay chính là tình yêu đã tan vỡ. Nói với người yêu, cũng là tự nhủ với lòng mình:
Làm gì nữa tôi ơi lòng đã lỡ
Đường trần đi tìm hằn dấu những bước chân.
Bao giờ cũng vậy, thuyết phục người khác đã khó, tự thuyết phục bản thân mình còn khó khăn gấp bội. Lời thơ khắc khoải, tuyệt vọng và đầy day dứt, tiếc nuối. Nỗi niềm ấy ta ta có thể bắt gặp rất nhiều trong thơ Olga Berggholz. Sau này, trong bài thơ “cánh én bên bờ dốc đứng” bà cũng thể hiện một sự tiếc nuối như thế:

Cũng hương bạc hà khắp nơi
Cũng tiếng én kêu não ruột
Làm sao lấy lại anh ơi
Làm sao lấy lại anh ơi
(“Cánh én bên bờ dốc đứng”,1940)
Khổ thơ thứ tư vẫn là sự dâng trào của mạch cảm xúc ấy:
Chẳng làm gì nữa đâu lời âu yếm vô ngần
Của người dưng hay người tôi thương mến
Muôn nẻo quanh tôi loài cỏ hoa quyến luyến
Ngải đắng ơi, hoa ngải đắng tình tôi!
Giờ đây, mọi lời âu yếm, thương yêu đều trở nên vô nghĩa, của người “thương mến” cũng đâu khác của “người dưng”. Còn lại chỉ là những dư vị cay đắng của mối tình lỡ dở. Dư vị ấy hiện hữu rõ qua hương hoa của loài ngải đắng. Loài thảo mộc ấy giăng đầy “muôn nẻo”, ngập tràn mọi nơi chốn, nhắc nhớ về mối tình đã tan vỡ. Ngải đắng “quyến luyến” quanh cô gái hay chính là nỗi xót xa về tình yêu trong cô tìm được sự đồng điệu với hương hoa. Bởi vậy mà câu thơ kết là một tiếng gọi tha thiết, một tiếng kêu não lòng, đồng thời cũng là một sự xác nhận - một sự xác nhận chứa chất đầy dư vị chua xót:
Ngải đắng ơi, hoa ngải đắng tình tôi!
Ngay từ nhỏ, Olga Berggholz đã sớm gần gũi thiên nhiên. Tâm hồn nhạy cảm của bà nhanh chóng tìm được sự hòa điệu với cỏ cây, hoa lá. Vì vậy có thể thấy rõ sự xuất hiện nhiều của các loài thảo mộc trong thơ Olga. Đó là hình ảnh của loài “hoa chuông” dịu dàng mỏng manh trong những vần thơ đầu tiên; là một “mùa lá rụng”; là “hàng giậu”, “cây phong” trong “Đường ra mặt trận”, là “hương bạc hà” giăng mắc khắp nơi trong “cánh én bên bờ dốc đứng”… Và độc đáo nhất chính là hình ảnh cây ngải đắng. Loài cây này đâu phải là đối tượng thẩm mỹ quen thuộc của thi ca, đặc biệt là của thơ tình. Vậy mà Olga đã tìm thấy ở loài cây ấy một sự đồng điệu kỳ lạ vớitình yêu của mình, để rồi bà đưa nó vào thơ không chỉ một lần:
“Hẳn anh chưa biết mùi ngải đắng

Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng
Ngải đắng đây, ngải đắng tình đời
Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn
Đã trở thành niềm cay cực riêng tôi
Từ những cửa đập bê tông
Vẫn thoảng đưa về mùi hoa ngải
Mùi hương yêu bất tử đưa đến tận nhà tôi”
(“Những lá thư viết trên đường”)
Loại cây ấy có một sự gắn kết kỳ lạ đối với Olga Berggholz. Bà được gọi là “cây ngải đắng” của thơ ca Nga. “Cây ngải đắng” ấy, dẫu trải qua bao nỗi bất hạnh vẫn sống, vẫn nở hoa, tỏa mùi hương cay nồng với đời.
“Cây ngải đắng” cũng như bao bài thơ khác của Olga Berggholz, hấp dẫn người đọc không phải ở sự mới lạ, độc đáo mà chính ở những tình cảm nồng nàn, sâu lắng được diễn đạt hết sức mộc mạc, giản dị. Thơ bà được nhiều độc giả Việt Nam yêu thích và học thuộc. Dường như không có sự cách ngăn của hai đất nước, hai nền văn hóa. Điều đó cũng dễ lý giải. Dù ở đâu, thời nào thì con người cũng có những cung bậc tình cảm chung nhất định. Người nghệ sĩ tinh tế là người khơi gợi lên được cung bậc tình cảm đó. Khi ấy, nhà thơ sẽ nói được tiếng nói chung của mọi tâm hồn, và thơ sẽ tự nó phá vỡ mọi cách ngăn địa lý, không gian, thời gian.
“Cây ngải đắng” cũng như Olga Berggholz sẽ tìm được sức sống lâu bền trong tâm hồn độc giả thế giới chính bởi thơ bà đã ngân lên điệu lòng chung của mọi tâm hồn đang yêu.
Sao Thụy
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...