Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Trương Chi

Trương Chi
Trương Chi
Tôi về đây với Trương Chi 
Lòng ta rót mãi có khi nào tràn
Ném vào đâu một tiếng đàn
Mà sông nước dội sóng ngàn năm ơi
Câu ca
bỏ lại
bên trời
Tình dan díu một bóng người
rồi...
hoang
Con đường vô định trống toang
Nỗi niềm
ai
với ai
loang nắng chiều
Trăng còn mộng một lần yêu
Sóng còn vỗ một đời theo khuyết tròn
Nước trôi mà đá chẳng mòn
Tình yêu khi mất là còn mãi nhau.
(Bình Nguyên)
Câu chuyện cổ ngày xưa bỗng miên man trở về trong nỗi nhớ của tôi khi đọc bài thơ Trương Chi của nhà thơ Bình Nguyên
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay…
Câu ca dao xưa tưởng như khách quan kể chuyện mà thực ra lại nghẹn ngào cho nghịch cảnh của một đời người. Có rất nhiều dị bản của câu chuyện cổ tích này. Tôi ấn tượng với một bản kể có các sự việc chính sau: Anh Trương Chi ấy, hình thức thì thậm xấu, nhưng giọng hát đẹp của anh đã làm cho cô tiểu thư con quan phải say lòng, và khi gặp mặt, nàng đã thất vọng tràn ngập để rồi lãng quên anh. Nhưng còn anh, từ sau khi gặp cô gái, tình yêu trỗi dậy cùng với sự đau khổ vì bị coi thường và lãng quên đã khiến anh héo mòn mà chết. Linh hồn anh đã hóa thân vào cây gỗ trầm, về sau cây gỗ ấy được làm thành chiếc chén mang cho cô gái. Khi nàng nâng chiếc chén trên tay, nhìn vào thấy có hình chàng ngư phủ chèo thuyền và văng vẳng tiếng ca da diết của anh. Tiểu thư đã hiểu tất cả. Giọt nước mắt muộn màng rơi xuống, chiếc chén tan ra, và trên tay nàng là một trái tim nhỏ máu…

Câu chuyện ấy đã khiến cho bao nhà thơ, nhạc sĩ nhiều thế hệ xúc động và cảm tác. Các nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Phó Đức Phương… có bài hát về Trương Chi vô cùng xúc động. Thơ cũng khá nhiều, mỗi bài có một nét riêng. Nhưng khi đọc Trương Chi của nhà thơ Bình Nguyên, tôi đã nhận thấy một phong vị không dễ lẫn. Đó là sự tiếc nuối được diễn tả trong vần thơ lục bát đáng lẽ là rất mượt mà, nhưng ở đây lại cứ trào lên, rồi lại lặng đi, như tiếng thổn thức, nấc nghẹn của giọng ca năm nào. Có lẽ là bởi cấu trúc đặc biệt này: Toàn bài có 6 cặp lục bát, thì 3 cặp được viết đúng quy luật trên 6 dưới 8, còn 3 cặp là những câu ngắt dòng, tạo cảm giác về một sự vỡ vụn nào đó. Ngay mở đầu bài thơ đã là một cặp như vậy:
Tôi về đây với Trương Chi
Lòng ta
rót mãi
có khi nào tràn

Tình cảm dâng tràn trong lòng nhà thơ khi về với vùng sông nước, nơi mà theo truyền thuyết thì đó chính là con sông Tiêu Tương gắn bó với mối tình đơn phương của Trương Chi. Tình cảm ấy được diễn tả trong một hình tượng thơ rất đẹp: Lòng ta rót mãi có khi nào tràn. Cách biểu cảm rất gợi hình, dễ làm người đọc liên tưởng đến những người đàn ông hay gửi nỗi lòng vào li rượu, rót mãi, rót mãi, càng uống càng đắm trong nỗi niềm chứ không say được. Có khi nào tràn là như vậy. Và trong tiềm thức, âm thanh huyền hoặc bỗng vọng về giữa chốn sông nước mênh mông:
Ném vào đâu một tiếng đàn
Mà sông nước dội sóng ngàn năm ơi
Đây là 2 câu lục bát viết đúng quy luật, ngay lập tức tạo cảm giác về một không gian bao la với sóng gió từ ngàn năm xưa cũ. Giữa không gian ấy vang lên tiếng đàn chơi vơi đơn lẻ, tiếng đàn giống như một sự vật hữu hình nhỏ bé, có thể cầm nắm được, để có thể ném được. Cái từ ném này có chút gì thật phũ phàng bất nhẫn! Chàng Trương Chi tài hoa, có tiếng đàn giọng ca làm mê đắm lòng người, nhưng tiếng đàn của chàng lại bị ném giữa nhân gian, là sự ngẫu nhiên hay đất trời xui khiến mà nàng Mỵ Nương kia lại nghe mà say đắm? Nhưng người đẹp lại nhanh chóng thất vọng vì gương mặt của chàng. Thế là cung đàn mê hoặc lòng người đã trở thành định mệnh cho cuộc đời chàng trai tài hoa bất hạnh! Giữa cuộc đời đầy sóng gió, ai là người tri âm của chàng, ai là người nâng niu tiếng đàn ấy, để tiếng đàn đừng bị ném vào đâu mơ hồ bất định? Và từ những con sóng cuộn trào, nhà thơ đã lắng nghe được tiếng đàn cô liêu, tiếp tục cảm nhận về cuộc đời chàng trai đầy xót xa:
Câu ca
bỏ lại
bên trời
Tình dan díu một bóng người
rồi...
hoang

Chàng trai ngư phủ - người nghệ sĩ dân gian sống một đời với câu ca tiếng đàn giữa muôn trùng  sông nước,  bây giờ đã khuất nẻo dương gian, và câu ca của anh, mối tình của anh, xin đành bỏ lại bên trời. Sao tự nhiên lại dan díu bóng hình người đẹp, để rồi bây giờ trái tim thành hoang phế? Tình dan díu một bóng người / rồi…/ hoang. Những dấu chấm lửng giữa dòng, ngắt câu, đã làm cho tôi phải lặng cả người đi khi ngẫm về sự lãng phí của một tài năng và một tấm tình tha thiết giữa cuộc đời.
Và trong mạch cảm xúc xót xa ấy, một không gian khác lại mở ra trước mắt - Không gian của một con đường vô định:
Con đường vô định trống toang
Nỗi niềm
ai
với ai
loang nắng chiều

Đây không phải là con đường thực, mà là đường đời – một con đường không có điểm dừng, cứ hun hút và lạnh đến rợn người. Đã có một sự mất mát ghê gớm được gửi trong cái từ trống toang ấy! Nỗi niềm của người xưa biết chia sẻ cùng ai? Không thể sẻ chia, nỗi đau đã tràn lên cả không gian trời chiều, làm cho cái nắng cuối ngày cũng loang ra như vết mực không thể xóa mờ trên tấm áo nhân tình! Nỗi niềm ai với ai vừa là tâm trạng của Trương Chi ngày xưa, cũng vừa là sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ hôm nay đối với sự tuyệt vọng đớn đau của chàng trai trẻ.
Đến hai cặp câu lục bát cuối bài, nhịp thơ trở về sự da diết bồi hồi. Nhà thơ suy ngẫm:
Trăng còn mộng một lần yêu
Sóng còn vỗ một đời theo khuyết tròn
Giấc mộng đêm trăng gắn với ước mơ về sự trọn vẹn của mối tình. Trương Chi sẽ sống mãi trong không gian riêng của mình – không gian của một tình yêu lãng mạn tuyệt vời! Cho dù đó là mối tình đơn phương, ngậm ngùi xót xa, nhưng đó là tình yêu đích thực. Giống như quy luật của tự nhiên: trăng khuyết trăng tròn sẽ kéo theo nhịp sóng thủy triều lên xuống, thì tình yêu cũng vậy, những con sóng tình sẽ còn mãi vỗ nhịp với thời gian. Trương Chi đã hát bằng tất cả sự khát khao yêu đương vô bờ bến, và trong nỗi đau không nơi hóa giải, chàng đã tìm về với dòng sông thân yêu. Dòng sông đã giữ lại mối tình ấy trong những con sóng còn vỗ một đời. Như thế nghĩa là tình yêu trong trái tim chàng đã trở nên vĩnh hằng, như truyện xưa đã kể, trái tim chàng cuối cùng đã trở về trên tay người chàng yêu:
Nước trôi mà đá chẳng mòn
Tình yêu khi mất là còn mãi nhau.
Quy luật của tình yêu được gửi gắm trong hai câu cuối bài nghe sao tha thiết quá! Thể xác là hữu hạn, nhưng tình yêu là vô hạn! Tình yêu đã mất là còn mãi nhau. Một kết thúc không hề bi lụy. Thì ra, sự mất mát đớn đau lại là sự khởi đầu cho một tình yêu bất tử. Tình yêu trong sáng tuyệt vời ấy đã tỏa sáng cả trang đời Trương Chi, tỏa sáng cả một vùng kí ức của tâm hồn Việt!
Dư âm của bài thơ Trương Chi đã làm tôi nhớ đến ca khúc Khúc hát phiêu li của nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi …
Là Trương Chi ta hát khúc phiêu ly
Một bóng một mình một dòng lênh đênh thì đàn làm chi …
Yêu thương con sông nghẹn ngào gió đông một khúc tính tang tang
tình ta đi …
Trương Chi của nhà thơ Bình Nguyên cũng là một khúc hát phiêu lưu cùng hòa chung giai điệu thiết tha với những sáng tác không thể nào quên về mối tình huyền thoại ấy!
Thành phố Hải Dương, 8/6/2011
Quỳnh Trâm
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...