Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Chuyện chú chim họa mi còi cọc

Chuyện chú chim họa mi còi cọc
Linh bắt gặp nó rất tình cờ khi một buổi sáng rảnh rỗi ghé chơi gian hàng của người bạn bán chim cảnh. Nó như một miếng thịt bèo nhèo, tai tái. Hai khóe mỏ còn vàng ươm, hai mắt chưa mở, chỉ là hai đốm đen. Cái cổ ngẳng, quẹo một bên, thỉnh thoảng lại cố vươn lên, ngáp ngáp như người khó thở. Hai cái cánh bé xíu, cặp chân cũng nhỏ tí, co quắp lâu lâu lại giật giật như người mắc bệnh kinh phong. Cả thân hình trơ trụi, lông chưa lún phún. Nó nằm trong thùng giấy, trên mấy cọng rơm khoanh vội, rải thêm mấy giấy vụn. Lại gần nghe mùi thum thủm của phân. Có cảm tưởng như nó đang đói, cái mỏ cứ mở ra, nhưng chắc không thấy gì, khép lại sau cái giẫy. Bỗng dưng Linh thấy nó tội quá, anh quay qua hỏi tay chủ tiệm:
- Con chim gì ghê thế?
- À! Họa mi con. Mới vào từ Lạng Sơn một ổ mấy con, người ta lựa hết còn mình nó.
- Trông nó èo uột quá
- Ừ! Chắc không sống nổi đêm nay.
Linh chợt nghĩ đến một sinh linh đang đi đến một cái chết được báo trước. Chắc chắn nó sẽ chẳng thấy khổ đau thương tiếc cuộc đời như con người, vì tất thảy sinh vật, chỉ có con người mới ý thức được sinh ra để rồi chết. Nhưng nó sẽ bị quăng vào chuồng của lũ chim ăn thịt, nó sẽ bị xé xác. Anh rùng mình khi nghĩ cảnh đó. Nó như đứa bé sơ sinh. Vốn Linh là người nhạy cảm, anh yêu cuộc sống và yêu những sinh vật có mặt trong đời sống. Giữa cuộc sống nháo nhào hôm nay, người như anh bị mọi người nhìn với cặp mắt kỳ dị, bởi anh nghĩ mọi sinh vật đều có quyền có được một cuộc sống, mọi sinh vật đều có một tâm hồn, đều khát khao sống. Không biết từ đâu khiến anh buột miệng:
- Nhiêu vậy?
- Gì? Con này hả, gần chết rồi, mua chi ông?
- Thì kệ tui, tui muốn lấy nó.
- Mua bán con mẹ gì, ông thích thì mang về, nhưng nó sắp đai rồi, nuôi không được đâu. Ông thích thì tui cho ông.
- Không có chuyện cho, mua bán đàng hoàng. Ông biết tánh tui mà, tui không thích lấy không của ai bao giờ
- Thôi được. Chiều ông. Năm chục. Nhưng tui nhắc lại là không sống nổi đâu, nó yếu quá rồi.
- Kệ!
Thế là Linh bỏ túi giấy mang về. Vẫn biết có thể nó không sống nổi, nhưng anh sẽ chôn nó dưới gốc cây nguyệt quế, còn hơn là để cho lũ diều hâu kia xé xác nó ra từng mảnh. Nó yếu quá rồi, nhưng Linh nghĩ với số vốn kiến thức dở dang mấy năm học trường Nông Lâm Súc, biết đâu sẽ cứu được nó. Linh đang nuôi mấy con vẹt, con cockatoo mào vàng la hét suốt ngày, con Rainbow sặc sỡ và con xám đuôi đỏ Phi châu thông minh. Ái dà! Lại bận rộn rồi đây. Anh họa mi này phải theo dõi hăm bốn trên hăm bốn mới được. Nó dặt dẹo quá! Đang có sẵn mấy hộp sữa bột cho vẹt con, Linh đem ra khuấy thử cho nó ăn. Nó há mỏ, nhem nhép, sữa tràn ra đầy khóe, thêm chút nữa, nó nuốt, vô được miệng chút xíu, nuốt được là hi vọng sống. Tin vậy đi. Anh lấy cái rổ nhựa nhỏ, lót vải vụn, bỏ nó vào. Cầm trên tay thấy nó chút nị, nhẹ như không. Khoảng hơn giờ sau, thấy có chút phân, hi vọng sống tăng thêm một chút. Anh cockatoo đứng trên giàn ngó xuống, chắc ngạc nhiên nên cứ ngóng cổ hét làm con Rainbow nhảy cà tưng cà tưng.

Suốt tuần lễ Linh không làm được gì, cứ rảnh lúc nào là ngồi bên rổ nhựa, lúc thì bơm thức ăn, khi thì bơm chút nước, lâu lâu lại giọt cho chút thuốc bổ. Và nó sống được. Nó khỏe ra từng ngày, cái cần cổ có thêm chút thịt, không còn quặt quẹo nữa. Sau hơn tuần lễ, hai cánh và đuôi đã thấy ló ra mấy cọng lông lún phún. Rồi đến lông đầu. Qua tuần thứ ba thì nó đứng được trên hai chân, hai chân như cọng nhang, run rẩy bước từng bước nhỏ rồi bẹp xuống. Linh chắc chắn là nó đã được tái sinh. Cái mỏ đã bớt một chút khóe vàng, đã biết đòi ăn và lúc được hơn tháng thì hám ăn bất kể. Nó bắt đầu phổng phao, nhưng cái phổng phao của anh còi chậm lớn. Bộ lông bắt đầu mọc đầy, con mắt đã lộ dấu vết của giống nòi.
Linh bắt đầu chán mấy con vẹt, lần lượt cho chúng về chủ mới, chỉ còn lại chú họa mi còi cọt chậm lớn trong rổ nhựa.
Sau một năm, nó trổ hết lông đầu, lông cánh, lông đuôi, bộ lông màu vàng khoác lên thân mình bé bé. Nó vẫn là con chim còi cọc, nhưng rất khôn ngoan. Nó đã biết bay vòng vòng bằng đôi cánh nhỏ trong chiếc lồng tre. Mi mắt cũng bắt đầu lộ ra, xanh xanh khéo như một nét cọ vẽ. Mỗi lần thấy bóng Linh, nó kêu khèn khẹt, hai cánh đập liên hồi như quạt gió. Linh mở cửa lồng, nó bay ra đậu trên tay Linh, chiếc mỏ quẹt qua lại trên tay anh đòi ăn, anh cho nó con cào cào non, nó nhận lấy bằng cú đớp rất lẹ. Anh mở băng cho nó nghe tiếng hót hàng ngày để hi vọng nó sẽ học giọng. Nó đã bắt đầu trổ mã của con chim mùa đầu, dáng cũng cao cầu, mi dài, mỏ dày, đầu xà, mắt trường mi xanh biếc chỉ tội nhỏ con, nhiều khi còn nhỏ hơn con chích choè than, kiểu này chỉ nuôi nghe hót chơi.
Một buổi trưa, đang nằm thiu thiu, nghe ngoài hiên có tiếng chim đi giọng gió. Thật ra ở giống chim, giọng gió của chúng nhiều khi nghe đã hơn giọng hót, bởi nó dìu dặt, đều đặn, không cao giọng chát chúa như giọng hót. Thế là anh chàng đã chuẩn bị trưởng thành, đã bắt đầu đi giọng. Và trưa trưa, thỉnh thoảng đã có mấy giọng hót ngắn. Mỗi lần bắt ra chơi, nó đã mở miệng nhay nháy kiểu của anh chàng trẻ tuổi muốn khoe giọng vỡ của mình. Từ lúc đấy, Linh thường mang nó vào mấy cội chim chơi, ai thấy nó cũng buồn cười vì trông nó dị dạng quá đỗi, lốt chim họa mi trong xác con chích chòe.
Nhưng khi thay xong mùa lông thứ nhất, rồi đến hết mùa lông thứ hai thì mọi người quên mất thân hình bé nhỏ của nó mà cứ trầm trồ giọng hót. Linh cứ sợ nó hót giọng chim con, không ngờ nó hót giọng đặc rừng, lanh lảnh, vút cao, bộ ngực bé của nó sao lại chứa đựng hơi dài đến thế. Nó hót liên tục, lẹ miệng vô cùng, chỉ cần nghe tiếng chim hay chỉ nhảy lên tay là nó ngóng cổ hót, hót say sưa và không bao giờ có tiếng đề pa cạp cạp như những con chim khác.

Khi hót đuôi nó xòe ra như cánh quạt, nhịp theo giọng hót, có khi lại lắc lư người, trông rất điệu. Mỗi lần đi chuyện cũng vậy, giọng nó véo von, trầm bổng, du dương nghe như một khúc nhạc giao hưởng của bầy chim trong rừng sâu. Đặc biệt, tuy thân hình bé nhỏ, nhưng nó không bao giờ sợ những con chim khác. Nhiều con chim to khỏe nhưng nghe giọng nạt của kẻ mạnh hơn là xù đầu nhảy loạn trong lồng. Nó không bao giờ, cứ nghe giọng nạt là nó nạt lại, giọng khè là nó khè lại, đứng vươn cổ trên cầu mà thảnh thơi hót. Đám chơi chim khoái nó lắm, bởi dễ gì kiếm được con họa mi đứng trên vai, trên tay hay trên nóc chuồng hót giọng rừng mà lại hót liên tu từ bắt đầu ra cho đến lúc về. Linh cưng nó lắm, ngày nào cũng có cào cào, thức ăn thì kiểu cách kê lột trộn trứng gà và chút gan heo sấy. Trưa nào cũng được tắm, thức ăn, thuốc men đầy đủ nên lông lúc nào cũng mượt mà. Anh bạn chủ tiệm cũng không ngờ nó sống nổi và càng ngạc nhiên khi nghe giọng hót của nó, giọng hót đầy chất hoang dã của núi rừng. Đám chơi chim thích nó, nhiều lần muốn mua, nhưng Linh không bán. Anh bảo:
- Tôi mua con chim này chỉ năm chục ngàn. Tôi mua để cứu sống nó, ai dè được có giọng hay. Tôi sẽ không bao giờ bán nó với bất cứ giá nào.
Linh lại đặt nó trên tay, nó cất cao giọng, anh nói với nó:
- Họa mi nhỉ! Ở với anh suốt đời nghe chú em!
Cuối năm đó, bà chị ruột của Linh từ Canada về thăm quê sau ba mươi năm xa nhà. Linh bảo chị không được ở khách sạn, nhà Linh neo người mà phòng trống còn nhiều. Hai đứa con lớn Linh lấy vợ lấy chồng ra riêng cả, chỉ còn đứa út ở nhà. Hôm đầu tiên nói chuyện, Linh cứ ngờ ngợ về bà chị của mình. Ngày xưa, chị làm xướng ngôn viên truyền hình, quen toàn các ông to bà lớn thời ấy, cũng ăn chơi theo kiểu quý tộc. Bây giờ, chị toàn nói chuyện Phật pháp tu hành, nói toàn duyên với kiếp, toàn ngộ với vô thường, nghe phát mệt. Kiểu nói của các đạo hữu lúc nào cũng chắp tay Mô Phật liên hồi mà chẳng hiểu chút gì cái sâu xa của Phật pháp. Chị thấy Linh ngồi đùa với chim, chị bảo:

- Cậu biết nhốt con chim vào lồng là tàn ác không? Con chim thân của nó phải bay ngoài trời, phải tự do tung cánh. Cậu nhốt nó vào lồng, dù là lồng son, vẫn là nhà tù, tước đoạt cái quyền tự do bay nhảy của chim, như thế là cậu có tội
- Em chẳng thấy tội lỗi gì, em cứu sống nó, nó thân thiết với em, nó sống tự do trong khung trời của nó. Khái niệm tự do của nó là chiếc lồng này. Tự do đôi khi không phải là tung cánh trên bầu trời mà là cách cảm nhận tự do tùy mỗi hoàn cảnh.
- Cậu lý luận tào lao, làm gì có thứ tự do trong tù đày?
- Mỗi người tự chọn cho mình kiểu tự do theo ý mình. Khi người ta chấp nhận hôn nhân, có phải là người ta đã tự nguyện bỏ một kiểu tự do này để đến một kiểu tự do khác không?
- Thôi không nói lý sự cùn với cậu nữa, theo chị, cậu nên thả chim về với bầu trời của nó đi, chỉ có khoảng không gian rộng lớn ngoài kia mới là nơi chốn đi về của chúng
Linh cười ha hả:
- Nói chuyện với bà chị chẳng đi đến đâu, em với chị vẫn là hai đường thẳng song song.
Gần Tết, Linh phải bay ra Đà Nẵng năm ngày để thanh toán công nợ cho công ty, cũng như mọi lần, anh chuẩn bị cho con họa mi rất chu đáo. Anh gài thêm ba cóng nước, đổ đầy hai cóng thức ăn. Anh biết anh sẽ nhớ chim và con chim cũng sẽ buồn. Đừng nghĩ chim không có cảm xúc nhé. Chim cũng biết buồn, biết nhớ, cũng bị stress khi không được chăm sóc thường xuyên, không được chủ vuốt ve, lưu ý.
Công việc xong xuôi, Linh bay về ngay. Đến cửa anh huýt gió như mọi lần, bình thường chim sẽ vẫy cánh, hót một giọng dài trầm bổng như đón anh. Hôm nay im lặng như tờ, vợ anh nhìn anh khang khác. Anh bỏ va li, chạy lên balcon, lồng trống trơn. Anh huýt thêm mấy đợt, không một vọng âm. Vợ anh cũng vừa lên, nói nhỏ:
- Chị Hai thả chim rồi, chị bảo anh sẽ đồng ý với chị thôi. Hồi nhỏ, chị bảo gì anh cũng nghe.
Linh muốn nổi đóa, muốn hét lên cho đỡ bực mà không hét được. Miệng anh há ra, hai tay anh ôm đầu rồi ngồi phịch xuống ghế. Anh hỏi vợ:
- Chị Hai đi đâu rồi?
- Chị lên chùa từ hồi sáng, chiều tối mới về
Linh ra lại bacon, nhìn quanh quất, huýt mấy tiếng, cũng chẳng thấy bóng dáng chim.
- Quái, làm sao nó đi xa được, chỉ quanh quẩn đây thôi, hay là ai bắt nó rồi.?
Anh đem cào cào non đặt một hàng trên thành balcon. Anh rải thức ăn cũng một hàng dài. Anh mở rộng cửa lồng, châm thuốc ngồi đợi, hi vọng chim đói sẽ về. Mà chắc nó phải về thôi. Ra khỏi lồng, vào thiên nhiên chim làm sao sống được vì đã quen với thức ăn người nuôi, rồi mèo, rồi chuột cống, rồi con người tham lam và gian ác.
Buổi tối chị Hai về, Linh chỉ gượng chào, chị bảo:
- Chị thả chim là chị tạo nghiệp cho cậu đó. Cậu cứ ôm lấy nó, nhốt nó trong nhà tù của chú, nghiệp chú càng lúc càng nặng thêm
Linh chẳng buồn cãi, ngồi hút thuốc lá, nhả khói um.
Đến đêm, giờ chim về tổ, Linh mấy lần ra cũng chẳng thấy gì, đang ngủ, nghe lịch kịch ngoài hiên, anh cũng thức giấc rọi đèn ra xem khắp mà cũng chẳng thấy tăm hơi.
Đã hai hôm rồi, chẳng thấy bóng chim, đi làm về anh cứ ngồi nhìn chiếc lồng mà nhớ chim. Chắc nó đã bay xa rồi. Chắc nó đã gặp đàn đâu đó rồi. Thôi thì cũng cầu mong thế.
Sáng ba mươi, cây nguyệt quế nở bông trắng thơm ngát, Linh định lấy cái xẻng nhỏ xới gốc cây, châm thêm chút phân thì nhìn thấy con chim họa mi. Nó đã chết, chắc mấy hôm rồi, kiến bu đầy đã ăn hết khoan ngực. Màng trắng đầy mắt, kiến đục một lỗ sâu, hai chân co quắp với thân hình teo tóp, cánh rũ và thân đã có mùi. Nó đã chết mấy hôm rồi, nó đói, nó về nhưng cũng không tìm thấy thức ăn quen thuộc và nó gục chết dưới gốc cây nguyệt quế. Ngày xưa khi đem nó về, Linh cũng nghĩ nếu nó chết,anh sẽ chôn nó dưới gốc cây này. Bây giờ sau gần ba năm nuôi nó, nó đã chết vì cái tự do nó không cần thiết. Anh chôn nó và thầm nghĩ: Đôi khi con người cứ nghĩ rằng đang làm việc thiện nhưng thật ra đang làm kẻ ác. Mỗi người, mỗi sinh vật đều có cách sống riêng của nó. Cách sống đó tạo ra từ hoàn cảnh, từ thói quen. Anh bức người ta ra khỏi thói quen đôi lúc anh trở thành kẻ sát nhân. Bởi vậy, đem những người dân tộc rời rừng để trở về cộng đồng văn minh, chưa chắc đã là việc tốt. Bứng họ ra khỏi đại ngàn lâu nay họ đã sống chính là cắt đứt mạch máu của họ. Họ cũng sẽ chết như con chim họa mi này. Chết vì lòng thiện nửa vời.
9.8.2016
Đỗ Duy Ngọc
Theo http://www.buctranhvancau.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...