Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Khi người ta không còn yêu nhau của Phi Tuyết Ba

Khi người ta không còn yêu nhau 
của Phi Tuyết Ba
Mọi lời giải thích
nào có cần đâu
Khi người ta không còn yêu nhau
có lẽ tốt nhất là nên im lặng

Vườn hoa đỏ trút màu thành hoa trắng
nhưng không là hoa trắng thuở ban đầu
Khi người ta không còn yêu nhau
đêm nào trăng cũng lặn
mùa quả nào cũng đắng…

Thế giới đông người ư?
nhưng thiếu vắng
Khi người ta không còn nữa yêu nhau
giá như quên được nỗi đau
có lẽ đó là điều tốt hơn điều tốt nhất
Trong bài thơ Vô đề ông Lý Thường ẩn từ thuở Đường Thi mù tít mù tăm kia đã từng đau đớn than thở cho nỗi niềm chia biệt của các cặp chàng nàng: “Tương kiến thì nan biệt diệc nan”. (Tạm dịch: Gặp nhau đã khó xa nhau lại càng khó hơn nữa). ấy là họ yêu nhau quá thể tơ lòng vấn vít bị hoàn cảnh khách quan rẽ thúy, chia uyên nên ruột rầu, gan héo vò xé tâm can là chuyện tất yếu rất bình thường. ở đây mới nhập vào cái tiêu đề bài thơ đã thấy không phải vậy:

Mọi lời giải thích
nào có cần đâu
khi người ta không còn yêu nhau

Phân trần giải thích chẳng còn tác dụng gì nữa khi hình đã chia, bóng đã tách trở thành 2 thực thể xa lạ, còn gì nữa đâu để níu kéo. Im lặng là tốt nhất, khoảnh khắc vô ngôn ấy sẽ làm hai con người không còn yêu nhau nữa đốn ngộ bao điều. Hệ quả tất yếu cái gì xảy ra sẽ phải xảy ra không thể nào khác được:

Vườn hoa đỏ trút màu thành hoa trắng
nhưng không là hoa trắng thuở ban đầu
khi người ta không còn nữa yêu nhau
đêm nào trăng cũng lặn…

Tôi nghĩ Phi Tuyết Ba hơi kỹ tính, chị sợ người ta hiểu nhầm màu hoa trắng trong câu thơ đầu khổ 2 nên mới thêm một câu lý giải tiếp theo. Có lẽ không cần đâu chị ạ, “trắng” làm sao được nữa. Từ trút đã nói hết rồi. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” - cái lần đầu tiên rụt rè nắm lấy bàn tay thon nhỏ của em, đặt nụ hôn vụng về lên làn tóc mây huyền diệu, “bao nhiêu năm qua rồi lòng khôn nguôi gió bão” vẫn phảng phất trong ta mùi vị nụ hôn đầu, màu trắng trong của khu vườn tình yêu thuở ban đầu thiêng liêng đến vậy. Hơn nữa khi khu vườn tình yêu đã bừng nở thành “vườn hoa đỏ” thì tình đã thâm sâu biết đến nhường nào? Màu đỏ ấy có thể dần phai theo dòng chảy của thời gian nhưng “trút màu thành hoa trắng” thì nhất định màu hoa trắng ấy phải là biểu hiện của màu hoa tang “và một vòng hoa trắng rợn người” (Nguyễn Bính).

“Khi người ta không còn yêu nhau
đêm nào trăng cũng lặn
mùa quả nào cũng đắng…”

Sự việc không có gì mới mẻ nếu không nói là quá cũ, tại sao nhà thơ nói đi nói lại làm gì trong suốt hai khổ thơ như thế, có tiềm ẩn một cuộc mai phục nào chăng? Người đọc phải huy động hết khả năng tiếp nhận chiếm lĩnh của hồn thơ mới vỡ lẽ ra một điều: tác giả sử dụng thủ pháp nghịch dị muốn lạ hóa một điều đã quá quen thuộc, từ đó, giúp người đọc hiểu ngược lại vấn đề, thấy được giá trị đích thực của tình yêu vĩnh cửu. Điệp khúc “Khi người ta không còn yêu nhau” thể hiện bản lĩnh nghệ thuật mượn hình nói bóng của một tài nghệ cao tay.

Trong khổ thơ cuối cùng, ba câu đầu là sự kết ý của hai khổ trên nhưng không khép ý mà là rút ra một hàm nghĩa khác: Nỗi hãi sợ của con người “Khi người ta không còn nữa yêu nhau”. Quả thật là đáng sợ, màu hoa tang chế, đêm tối mịt mùng, mùa quả nào cũng đắng, sự cô đơn thiếu vắng… dù xung quanh có cả một “thế giới đông người”. Điệp khúc lại được tác giả sử dụng nhấn mạnh ở khổ cuối nhưng không hạn hẹp như trong 2 khổ thơ trước. Rõ ràng tác giả rất có ý đồ nghệ thuật khi thêm vào điệp khúc một từ “nữa” - “Khi người ta không còn nữa yêu nhau”. Sự đơn lẻ đã được nâng lên tầm khái quát, không chỉ là tình yêu cá nhân với cá nhân mà là tình yêu giữa con người với con người, con người với những điều thiêng liêng khác. Giá trị nhân văn của hình tượng thơ tự nhiên thấm vào mạch cảm xúc của người đọc không cần qua một kênh tiếp dẫn có tính cách giáo huấn nào khác. Chính từ mạch cảm xúc ấy tác giả nêu ra một sự giả định:

Giá như quên được nỗi đau
có lẽ đó là điều tốt hơn điều tốt nhất…

“Quên được nỗi đau” ư? Ai mà không mơ ước điều hạnh phúc ấy, nhưng nào có dễ dàng gì? Nhưng dù sao đi nữa con người cũng phải quên nó thôi. Quên nó, con người mới đủ dũng lực để sống, để cống hiến cho cuộc đời những điều cao đẹp khác. Quên nỗi đau chính là để nhớ trách nhiệm làm người. Nỗi đau giống như liều độc dược nếu biết “dĩ độc trị độc” nỗi đau sẽ thăng hoa thành báu vật. Ly Tao của Khuất Nguyên, Đoạn trường Tân Thanh của Nguyễn Du, thơ Hàn Mặc Tử trở thành kiệt tác chẳng phải là giải mã nỗi đau nhân thế mà thành đó sao!

“Khi người ta không còn yêu nhau” của Phi Tuyết Ba là một sự đan xen giữa tình yêu và triết luận. Tính nhân văn xuyên suốt với các tầng ngữ nghĩa gửi gắm một thông điệp đến con người. Đó là: Hãy yêu đi, yêu chân thành, yêu cháy bỏng, có tình yêu là có tất cả. Nếu “Không còn nữa yêu nhau”, “thế giới đông người” này chỉ còn là xứ sở của tang thương chết chóc.
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...