Như một ân sũng của Chúa trong ngày lễ Giáng Sinh, cuối cùng
thì những giọt nắng vàng, cho dù chỉ là những giọt nắng mong manh và gầy yếu,
cũng đã được rót xuống không gian Huế, sau gần một tháng ngập trong những
cơn mưa lạnh. Mưa triền miên, bất tận, khi thì âm ỉ, rả rích như thiếu nữ
dỗi người yêu, cứ rấm rứt khóc dai dẳng, lúc thì ào ào như cơn thịnh nộ của người
vợ phát hiện chồng đang có…bồ nhí. Trong trạng thái giận dỗi thì mặt người hẳn
là lạnh tanh, còn đất trời thì tất nhiên là không thể ấm áp nỗi. Cứ thế những đợt
lạnh thừa cơ theo mưa thả vô vàn những ngọn gió bấc xuống cõi trần gian.
Mưa Huế như một điệp khúc buồn suốt mùa đông và để trấn áp nỗi
hoang lạnh trong lòng mình và bạn bè từ bầu trời mưa lạnh không dứt tràn
vào, trong một lần đội mưa lang thang với vợ chồng nàng, anh nói, anh sẽ viết
một ca khúc nhan đề "Những giọt mưa vui". Những giọt mưa vui, nghe
cũng thú vị. Đó là những giọt mưa kỷ niệm, của những ngày quây quần bên bạn bè,
ôm đàn đi du ca, những giọt mưa thanh thoát, trong những ngày du
Xuân, chở nhau chạy từ lăng này đến lăng khác (Chỉ không có lăng…cô), anh nói
vậy và nàng thì khúc khích cười. Và khi chưa hoàn thành ca khúc, Anh đã vội vã
bay về phương Nam như "con chim trốn tuyết" vì không chịu nỗi
giá rét của mùa đông Huế. Mỗi buổi sáng, nhìn ra sông Ngự Hà, nàng thường thấy
những cánh cò rủ nhau bay tìm nơi ấm áp hơn, chúng cũng di trú vào Nam, như
anh, như những bạn bè , người thân của nàng đã lần lượt rời xa mảnh đất
"Đi để nhớ, không phải ở để thương" mà một trong những cái
không thương được là sự khắc nghiệt của thời tiết.
Hôm nay thì "những giọt mưa vui" đã kết tinh
thành những giọt nắng “vàng”, còn hơn thế nữa, đó là những giọt "nắng kim
cương", quý và hiếm trong mùa đông lạnh lẽo này. Giọt nắng đã trở thành giọt
nắng cứu rỗi cho những tâm hồn Huế đang giá lạnh, ẩm mốc, trong đó có nàng.
Cũng như mọi người, nàng rời bỏ căn nhà vẫn đóng kín cửa kính để ra phố. Căn
nhà đối diện sông Ngự Hà. Ở đó có một cây bàng, với những tàng lá đỏ đang lặng
lẽ rời cành. Những cây sầu đông khẳng khiu nổi lên bầu trời những lúc
hoàng hôn tím biếc, đẹp và buồn như bức tranh cổ. Và còn có một cây trứng gà,
mùa này treo đầy quả với sắc vàng ánh và cũng sẽ rụng dần xuống, không với ánh
mắt thèm thuồng của lũ trẻ con như nàng ngày xưa, bởi lúc này chúng đã có rất
nhiều loại trái cây cao cấp hơn nên loại trái này đã trở thành một thứ quả
hoang dã như những trái sim tím ven đường Cũng như những trò chơi ngày
xưa nàng và lũ bạn rất mê thú như nhảy dây, ô làng, cò cò… giờ đây đã trở nên
quá xa lạ với lũ trẻ, bởi chúng đã có nhiều trò chơi, hiện đại và bạo lực.
Bước ra đường, cảm giác đầu tiên là sự dễ chịu, khi đã trút
được chiếc áo mưa lụng thụng mà suốt tháng nay nàng phải luôn khoác trên
người, mỗi lần phải đi ra bên ngoài, và lúc về bao giờ cũng sũng nước.
Chiếc áo mưa làm nàng nhớ lại những chiếc “tơi lá” ngày xưa,
không có tay, cứ xoay theo hướng mưa, hết ngã này tới ngã khác.(Nhất là lúc đi
qua cầu Trường Tiền, nàng có cảm giác gió luôn đổi chiều, không biết có phải
vì vật lý hiện đại đã chứng minh được rằng không gian không chỉ có ba chiều mà
vô số chiều?).
Chiếc áo tơi mưa tưởng chỉ còn trong hồi ức, vậy mà một
ngày mưa tầm tả, đi theo đoàn thiện nguyện cứu trợ đồng bào bão lụt ở miền quê,
nàng bỗng nhìn thấy chiếc áo xưa cũ ấy trên mình một cụ già đang co ro chờ nhận
hàng cứu trợ. Nàng ứa nước mắt không hiểu vì hình ảnh của chiếc áo gợi nhớ
một thời đã qua hay hình ảnh của người dân nghèo quê hương miền Trung, nơi luôn
phải hứng chịu những tai ương của đất trời.
Chiếc áo tơi ngày xưa cũng đưa nàng đến ý tưởng thiết kế một
áo mưa lá như vậy nhưng trên đó, nàng sẽ vẽ một bức tranh với những đóa hoa và
mặt trời sắc màu lộng lẫy, để người mặc vẫn có một cảm giác thật ấm áp,
tươi vui. Chút nắng mặt trời trên chiếc áo trong ý nghĩ ấy đang chảy xuống người
nàng, xuyên qua mấy lớp áo ấm mà ngày hôm qua nàng vẫn còn cảm thấy rất lạnh.
Hay đây chỉ là tia ấm từ trong tim nàng lan toả vào không gian? Vậy thì sự cảm ứng
từ đất trời với con người là có thật. Với cây cỏ cũng vậy. Có lần nhìn những chậu
bonsai thật đẹp, nàng cũng “bắt chước" uốn éo cho hai cây sứ nhà mình. Nhưng khi đặt tay bẻ cong một cành sứ, nàng bỗng nghe nhói đau ở sống lưng, lần
uốn tiếp theo và tiếp theo nữa cũng vậy. Nàng vừa kinh hãi vừa cảm thấy rất
thích thú với ý nghĩ giữa nàng và cây cỏ trong vườn đã có một cảm ứng thật thú
vị.
Cái nhìn của nàng chợt đọng lại ở hình ảnh một ông già Noel,
ông già không ngồi trên chiếc xe có con tuần lộc kéo chạy trên tuyết như hình ảnh
quen thuộc. Ông đang cưỡi con ngựa sắt 100 phân khối và trước giỏ xe là một đống
quà tặng. Ông đang làm nhiệm vụ “Mang quà tặng đến tận nhà trong dịp lễ
Noel", một dịch vụ khá mới của một số cửa hàng ở Huế. Ông già Noel đã
không còn là một hình tượng huyền thoại lãng mạn của trẻ con nữa. Cuộc sống văn
minh và toàn cầu hóa đã mang lại cho con người nhiều thứ, đồng thời đã tước đoạt
của con người rất nhiều giá trị tinh thần, Ông sẽ đi vào bằng cửa chính, không
phải leo ống khói, bởi vậy ông cũng không cần xuất hiện vào nửa đêm, và cũng
không cần lặng lẽ bỏ quà vào bít tất của trẻ con. Đối tượng được nhận quà
chắc không chỉ là lũ trẻ mà sẽ còn có những cô gái, chàng trai và cả những “lão ngoan đồng" nữa.
Cũng có thể là ông già kia đang mang những món quà và nụ cười đến cho những trẻ em nghèo, đáng sống trong những ổ chuột của thành phố hay đang lang thang kiếm sống ở các ngã đường như nàng vẫn từng gặp. Nếu có thể, một ngày kia nàng sẽ mời ông già Noel lên một chiếc thuyền rồng, ngược theo bờ sông Hương, mang theo những đứa trẻ lang thang cùng với những món quà và một chuyến du lịch nhỏ thú vị qua những lăng tẩm của Huế, một tài sản lớn của nhân loại mà nàng tin rằng những em nhỏ này, sống ngay trong lòng di sản, nhưng chúng chưa bao giờ được một lần nhìn thấy tận mắt những kỳ quan quý giá này. Hình như những giọt nắng mỏng manh đang lấp lánh cười trêu cợt những ý nghĩ của nàng.
Cũng có thể là ông già kia đang mang những món quà và nụ cười đến cho những trẻ em nghèo, đáng sống trong những ổ chuột của thành phố hay đang lang thang kiếm sống ở các ngã đường như nàng vẫn từng gặp. Nếu có thể, một ngày kia nàng sẽ mời ông già Noel lên một chiếc thuyền rồng, ngược theo bờ sông Hương, mang theo những đứa trẻ lang thang cùng với những món quà và một chuyến du lịch nhỏ thú vị qua những lăng tẩm của Huế, một tài sản lớn của nhân loại mà nàng tin rằng những em nhỏ này, sống ngay trong lòng di sản, nhưng chúng chưa bao giờ được một lần nhìn thấy tận mắt những kỳ quan quý giá này. Hình như những giọt nắng mỏng manh đang lấp lánh cười trêu cợt những ý nghĩ của nàng.
Mong manh là giọt nắng cuối đông Huế, chỉ sáng ấm một chút
cho hang Bê-Lem trong tưởng nhớ của những con chiên, mừng ngày Chúa Giáng trần.
Giọt nắng kia cũng vội vàng rời bỏ bầu trời. Và cơn mưa lại hấp tấp trút xuống. Sắc, không vốn là thuộc tính của cuộc sống. Thì nắng và mưa, ấm và lạnh, vui và
buồn cũng chỉ là một. Ca khúc “Những giọt mưa vui" không chỉ là giọt mưa kỷ
niệm của riêng Anh nữa, nó là của đất trời, viết cho những người đang còn
muộn phiền bởi mưa Huế triền miên. Phải không Anh Đ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét