Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc - Tôi ngờ lời ai Thuở ấy tôi mới lên mười Còn em lên bảy theo tôi cả ngày Quần em dệt kín bông may Aó tôi đứt cúc, mực dây tím bầm Tuổi thơ chân đất đầu trần Từ trong lấm láp em thầm lớn lên Bây giờ xinh đẹp là em Em ra thành phố dần quên một thời Về quê ăn tết vừa rồi Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò Gặp tôi em hỏi hững hờ: "Anh chưa lấy vợ còn chờ đợi ai" Em đi để lại chuỗi cười Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê Trăng vàng đêm ấy bờ đê Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may.
Người trai trong bài thơ này có một lời
thề kỳ dị, lạ lùng: Thề cỏ May. Người ta thề non nước, thề miếu, thề đền,
thề trăng sao, sông biển:
Phải chi miếu ở gần sông
Em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi
(Ca dao)
Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng
(Nguyễn Du)
Vẫn biết rằng có bao nhiêu tình yêu thì có bấy nhiêu cách thề nguyền. Nhưng
có lẽ không phải vì muốn độc đáo, khác người mà đem lời nguyền thề với cỏ
may. Cỏ may, một thứ cỏ đồng quê gắn liền với tuổi thơ đầu trần chân đất. Cỏ
may từng chứng kiến bao nỗi buồn niềm vui thơ ngây:
Sợi dây đứt cánh diều bay mất
Đã bao lần nước mắt đẫm cỏ may, nên lời thề thiêng liêng ấy gắn với cỏ may
cũng là điều dễ hiểu. Để ý xem kỹ, không thấy nói lời thề cỏ may được bắt đầu
từ khi nào. Nó được nguyền "đinh ninh đôi miệng một lời song
song" cạnh giếng đá trăng vàng, hay khắc cốt ghi lòng cạnh ngõ
nhỏ "xanh xanh bờ dậu cúc tần. Thoảng hương bồ kết thơm gần thơm xa".
Không rõ. Nhưng có phần chắc lời thề được ghi tạc như một tất yếu sau quãng
tuổi thơ, sau những ngày họ vô tư quấn quýt bên nhau và cùng nhau lớn lên
thầm lặng.
Thời gian đã ban phép màu nhiệm, biến một cô bé lên bảy quần "dệt kín
bông may" hôm nào trở thành một cô gái xinh đẹp, ăn mặc thật
"mốt" của hôm nay.
- Bây
giờ xinh đẹp là em
- Em tôi áo chẽn, em tôi
quần bò
Thời gian đã làm cho cô xinh thêm,đẹp thêm, hiện đại thêm, nhưng cũng thêm
cho cô một sự quên lãng. Chưa đến mức quên sạch sành sanh. Khi gặp lại người
bạn trai cô vẫn còn nhận ra anh, chứ không như người con gái trong ca dao
"Gặp anh ghé nón chạm vai chẳng chào". Nhưng ta hãy xem cô
cư xử:
Gặp tôi em hỏi hững hờ
Anh chưa lấy vợ còn chờ đợi ai
Hỏi "hững hờ" đã rất đáng trách. Hỏi "chờ đợi ai" lại
càng đáng trách hơn. Lại còn cười nữa chứ! "một chuỗi cười".
Tiếng cười không dứt của cô, và rất có thể cộng với những tiếng cười của dân
làng mà cô khơi gợi đã làm cho anh choáng váng. Cứ như cô là người dưng,
người ngoài cuộc. Cứ như cô là người chẳng liên quan đến lời thề cỏ may ngày
nào. Cứ như người trung thành với lời thề, chờ đợi cô đến nỗi muộn màng là
người vớ vẩn, làm một chuyện nực cười!
Có lẽ có nhiều trường hợp phản bội tình yêu, nhưng sự phản bội cố ý mà khoác
cái áo vô tình như cô gái này thì thật là kinh khủng.
Bao nhiêu ấp ủ, bao nhiêu chờ đợi, bao nhiêu hy vọng và mơ mộng của chàng
trai cùng với "lời thề cỏ may" thiêng liêng nhưng quá mong manh kia
bây giờ tan vụn ra. Cái áo chẽn, cái quần bò ai ngờ có thể đẻ ra sự hững hờ.
Sự lạnh nhạt cùng với chuỗi cười tàn bạo đã như một quả bom nổ tung
"khoảng trời pha lê". Chớ nên hiểu rằng chỉ vì mất cô mà trong anh
có sự đổ vỡ lớn lao như vậy. Anh mất cô, có đau xót, có nuối tiếc thật nhưng
sự mất mát của anh lớn hơn rất nhiều so với một cô gái, một con người cụ thể.
Đây đâu phải là chuyện bội tình. Đây là sự phản bội "tuổi vàng tuổi
ngọc", phản bội cả "một thời " đã sống. Đổ vỡ lớn nhưng đâu
còn thơ ngây như ngày nào mất cánh diều giấy, nên anh chẳng thể "ngồi
khóc với cỏ may". Không một tiếng cầu xin, không một lời than thở,
một chút oán giận cũng không nốt, chàng trai tự mình giải lời thề:
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may
Anh tự thuật về mình mà cứ như viết về ai, về một chàng trai nào đó. Phải
chăng vì đã 8 lần xưng tôi ở trên nên bây giờ tác giả không thể viết
"tôi ngồi lặng gỡ lời thề cỏ may"? Phải chăng đây chỉ đơn thuần là
một thủ pháp làm duyên như tác giả đã dùng trong bài "Quê":
Trăng vàng giếng đá đêm sau
Có đôi đầu chụm vào nhau thầm thì.
Có
lẽ "tôi"- con người cả tin chân thành và trong trắng ấy đã
chết cùng với khoảng trời pha lê vỡ, cho nên phải viết "có người"
như thế? Tôi nghiêng về giả định sau và cho rằng câu thơ ấy là khả năng tối
ưu trong hàng loạt khả năng.
Ngược dòng thời gian quãng trên dưới thế kỷ, ta sẽ được chứng kiến sự đổi
cách ăn mặc của phái đẹp trong thơ. Nguyễn Bính trong bài thơ "Chân
quê" đã ghi lại hết sức cụ thể về sự thay đổi đó. Nào cái yếm lụa sồi,
cái dây lưng đũi, nào cái áo tứ thân, nào cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen.
Tất cả đều bị thay thế bởi "khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng" và
"áo cài khuy bấm". Thế mà mới quãng thời gian chưa xa, những thứ
"tân thời" của cô gái trong thơ Nguyễn Bính đã chỉ còn như là cổ
vật chỉ thấy nói trong sách vở và bày trong viện bảo tàng. Đã bao lần
đổi thay để đến cách ăn mặc "áo chẽn, quần bò" như trong bài thơ
này? Khác với người đồng hương lớn tuổi, tác giả Phạm Công Trứ không dám đòi
cô bạn "giữ nguyên quê mùa" trong cách ăn mặc. Anh biết khi mà
Việt Nam đang
hòa nhập vào cộng đồng thế giới một cách toàn diện thì đòi hỏi như thế là
không tưởng. Anh chấp nhận áo chẽn, quần bò. Và hình như anh còn tự hào vì nó
thì phải. Anh chỉ muốn một điều này thôi: dù có áo chẽn, quần bò hay ăn mặc
tối tân gì gì đi nữa, thì xin đừng quên những gì thiêng liêng mà mình đã có,
xin đừng quên những trăng vàng, đường cỏ, bờ đê, xin đừng quên lời thề một
thời đã sống. Với một ý tưởng như vậy "lời thề cỏ may" vượt ra khỏi
câu chuyện tình của một người, trở thành chuyện của nhiều người, của nhiều
thời. Chúng ta đang đổi mới toàn diện, đổi mới triệt để "Nhật nhật tân,
hựu nhật tân", trong đó chắc chắn có sự đổi mới về ăn mặc. Mốt áo chẽn
quần bò chẳng mấy lúc mà cũ càng. Nhưng tinh thần, cái hồn của "Lời thề
cỏ may" chắc không bao giờ xưa cũ.
|
Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017
Lời thề cỏ may - Phạm Công Trứ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét