Xa lắc mùa thu
XA LẮC MÙA THU
Em không đến trường mùa thu năm ấy nữa Em không đến trường cả mùa thu năm sau Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay ký ức Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng Biết em còn đến lớp với tôi không Lo phấp phổng tháng ngày trôi vội vã Nắng ký thác đời mình trên sắc lá Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi Tôi quá tuổi học trò từ đấy em ơi Chiều nay trước cổng trường rươm rướm nước mắt Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất Con gái tôi tan lớp giục tôi về.
Trương Nam Hương
Đây là bài thơ đầu tiên đưa tôi đến với Trương Nam Hương. Và như một sự đồng cảm có trước, tôi mê tít. Mê luôn cả cái bút danh Trương Nam Hương ký dưới mỗi bài thơ mà tôi đọc được sau đó. Trương Nam Hương trở thành một “thi hiệu” riêng khó lẫn. Tôi mê Trương Nam Hương bởi cái giọng thơ tự nhiên như không mà ám ảnh, sâu sắc và đặc biệt là ngôn từ tuyệt đẹp. Đã là thơ thì trước hết phải đẹp. Và bài thơ đầu tiên mà tôi đọc được của thi sĩ họ Trương cũng là một thi phẩm đẹp. “Xa lắc mùa thu” đẹp từ ngoài vào trong. Dường như quay trở về quá khứ giữa muôn vàn thực tại là một mô típ quen thuộc khi đọc Trương Nam Hương. Phải chăng, ký ức của nhà thơ in hằn một mối tình tuyệt đẹp. Đẹp đến nỗi nó cứ hằn lên, nhức nhối và ám ảnh mỗi khi nhà thơ đặt bút. Thế cho nên mới có những “Sau lưng mùa hạ cũ”, “Trở lại”, “Xa lắc mùa thu”… đầy ám ảnh và day dứt. Thế Lữ từng nêu một chân lý trong tình yêu, rằng: “Đời mất vui khi đã vẹn câu thề Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” Những mối tình đi vào văn chương dường như phần nhiều là những mối tình dang dở. Và như một cái “dớp”, những mối tình đó thường là những mối tình đẹp nhất. Đẹp cho nên mới đáng nhớ. Đẹp nên mới dang dở. Mới day dứt. Mới ám ảnh. Mới đau! Mối tình trong “Xa lắc mùa thu” đẹp không chỉ vì nó dang dở. Không hiểu sao người viết bài này cứ bị mặc định rằng đó là một mối tình đầu! Vì là mối tình đầu nên nó trong veo. Dù dang dở, nhưng nó cũng đã đủ hoàn thành cái sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình để “ký thác” vào ký ức chàng trai một vệt ký ức ngọt ngào không dễ gì có được lần nữa. Vì thế nên nó đẹp một vẻ đẹp sáng trong diệu kỳ. Và chỉ có thể là tình đầu, thì mối tình tưởng chừng như mơ hồ, trừu tượng trong bài thơ này mới sáng rực lên trong từng câu chữ, cùng với linh hồn thơ, cùng với bản thể bài thơ. Thì đấy! Chỉ có một “tôi”, một “em”, một “mùa thu”, một khóm lá rụng, một dòng sông (mà tôi đồ rằng, cái dòng sông trong bài thơ này cũng chỉ là một dòng – sông – ký - ức mà thôi), một lớp học, một câu thơ. Mà những đối tượng này trong bài thơ cũng chỉ mơ hồ thoáng qua chứ không hề rõ ràng gì. Lá thì rụng. Mùa thu thì xa lắc. Dòng sông thì thao thiết chảy. Lớp học thì đã tan. Câu thơ thì chở tràn trề ký ức. Ngay cả cái cách xưng hô “tôi – em” cũng đã đủ nói lên cái “xa lắc” xa lơ của mối tình này rồi. Bấy nhiêu dữ kiện mơ hồ đã được Trương Nam Hương khéo léo cài cắm, sắp đặt để làm hiển hiện một mối tình thật rõ nét. Cái sự rõ nét này chỉ có thể có được nhờ vào hai yếu tố như đã nói ở trên: Một mối tình đầu dang dở! Lại Thế Lữ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Cái sự phai tàn của mùa thu đã làm phai mờ bao nhiêu sự vật, kéo tất cả vào dĩ vãng. Cái còn lại là mơn man một kỷ niệm đẹp. Đẹp mà day dứt. Day dứt nên mới đẹp. Cái mùa thu xa lắc kia, vì thế, cũng trở nên gần gũi hơn nhờ tâm trạng “lưỡng phân” của “tôi” ở cuối bài thơ. Nhé! Mùa thu thì cứ lùa những luồng ký ức ào ạt phả vào tim nhân vật trữ tình. Không nhớ nhung sao được. Không bâng khuâng “rươm rướm mắt” sao được. Nhưng cái thực tại “con gái tôi tan lớp giục tôi về” lại có sức mạnh hơn hết thảy. Vì nó không chỉ là cái hiện thực mà còn là trách nhiệm. Ký ức, dù đẹp đến mấy, cũng chỉ là ký ức mà thôi. Đấy, cái “lưỡng phân” khiến cho nhân vật trữ tình day dứt là ở chỗ ấy. Cho nên, cái mối tình đầu sáng trong và cái mùa thu xa lắc kia cũng trở nên gần gũi hơn nhờ cái day dứt rất thật này. Xa lắc mùa thu nhờ thế mà long lanh như khói sương quá khứ nhưng không hư ảo. Buồn xót xa mà không bi lụy, yếu ớt. Ám ảnh nhưng không xa rời thực tại. Cái tài của Trương Nam Hương cũng là chỗ đó. Cái mùa thu xa lắc xa lơ bỗng gần gũi, sống động với bất kỳ ai từng có một “thuở ban đầu lưu luyến”. |
Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017
Xa lắc mùa thu - Thơ Trương Nam Hương
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Mái tóc người vợ
Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét