Con người đã có sinh thì có hoại, tử, tức không thể thoát được
vòng sinh bệnh lão tử của nhà Phật hoặc khẳng quyết tam đoạn luận của Aristote.
Đã mang thân phận làm người, ai cũng sẽ đi đến tình trạng và giai đoạn cuối đó.
Dù biện luận hay tìm kiếm con đường thoát khác, cái Chết vẫn là một tất yếu, một
xác-thực lớn nhất mà từ đó, trên đó, con người có thể dựa vào để dựng xây cuộc
đời, tức là cuộc sống đem ý nghĩa đến cho cái Chết hay nói khác, vì cái Chết mà
cuộc sống có ý nghĩa.
Cái Chết, thể xác hay tinh thần, đều đã là đề tài chính của
văn-học nghệ-thuật, là một đề tài đã cũ như trái đất, như từ khi có con người.
Về hình-thức diễn đạt, con người hoang sơ tiền cổ đã ghi lại cái Chết qua các
hình-tượng trên các giáp-cốt hoặc tường đá hang động. Về hình-thức tống táng,
các nền văn-hóa văn minh khác nhau đã có những nghi lễ và tin tưởng khác nhau:
hỏa táng rồi thủy táng tro ở sông Hằng, những xác ướp Ai-Cập, những ngôi mộ
thênh thang đông đúc như mộ Tần Thủy-Hoàng đã chết mà vẫn còn muốn duy trì cung
đình, bộ hạ; hay những ngôi mộ treo, những trả về hư vô không để lại dấu vết hiện
hữu theo kiểu điểu-táng của người Tây-Tạng, v.v... Người Việt coi trọng cái Chết
và thần linh. Đứa trẻ chào đời là một biến cố quan trọng, nhưng người Chết càng
được chú tâm qua các nghi lễ và hình thức. Chôn cất, tang lễ với đủ chuẩn bị, rồi
49 ngày, 100 ngày, rồi những ngày giỗ, kị, thời gian để tang, lễ Vu lan, v.v... Hồn
người quá vãng được tôn kính (bàn thờ, mộ chí) và luôn tương đối hiện diện
trong cõi sống! Rồi sinh ra những quan-niệm đạo-lý "nghĩa tử là nghĩa tận",
"sống ở, thác về", v.v...
Văn-chương về cái Chết đã có một thời thịnh hành, cổ điển,
trước thế kỷ XVI. Trong thế giới văn-chương, cái Chết đã được nhân bản hóa và
hiện đại hóa từ mấy thế kỷ gần đây và đã có những tác-phẩm vừa độc đáo vừa đa dạng,
qua nhiều thể loại khác nhau. Nhưng văn-chương về cái Chết là một thứ văn không
yên ổn, vì con người bị bứng ra khỏi đất, từ một thế giới chuyển qua thế giới
khác, cõi sống/cõi chết, từ một hiện hữu bình thường đổi sang một thể-trạng
không thể định nghĩa, từ "to be" sang "not to be" ("đổi
sang từ trần"). Cái Chết nói chung xưa nay vẫn là mối kinh hoàng, là nỗi sợ
chính của con người : sợ cõi lạ, cõi hư vô không thể biết vì không thể có kinh
nghiệm khi sống, khi còn ở một trạng thái trước, khác. Tuy từng được xem là một
cấm-kỵ, nhưng tabou cái Chết không là một đối tượng, mà là một thứ trực giác, cảm
nghiệm cá nhân. Cái Chết là một biểu tượng, là một chấm dứt; nhưng vì không phải
là mục-đích tự thân, cái Chết không phải là hết, là kết thúc một cuộc đời hay
cái gì, mà là một bắt đầu khác, một sự sống khác tùy theo cách cắt nghĩa của
các tín ngưỡng, tin tưởng (Thiên đàng, Vương quốc trí tuệ, Trí huệ, Cõi sống
đích thực!). Đi tìm cuộc sống vĩnh cữu hay hạnh phúc đích thực của con người mortel
như Ulysses!
Từ tàn khốc, "cái Chết" trở thành bình thường nhưng
thường được tránh đề cập hoặc được giảm thiểu vai trò và sự hiện hữu. Xã hội
Tây phương và kinh tế hoàn cầu hóa cạnh tranh và tiến mạnh đã không có chỗ đứng
cho từ cái Chết; trở thành một cấm kỵ, cái Chết đã phải tự giết! Những thế kỷ gần
đây, từ "cái Chết" ít xuất hiện trong các tựa đề, nhưng nội dung thì
vẫn là một vấn nạn (sinh-từ, tâm linh) được đề cập.
Cái Chết siêu hình
Albert Camus qua L'Étranger (Người xa lạ) đưa cái
Chết đến với người đọc như một phi lý tột cùng, phi lý hoàn toàn, không thể cắt
nghĩa, lý luận. Phi lý vì cho rằng vụ ám-sát có thể gây ra bởi ánh nắng mặt trời,
bởi mồ hôi chảy dầm dề làm cay mắt, nhưng phi lý vì không chấp nhận sự thù hằn
hoặc động cơ cá nhân nào đó là nguyên nhân án mạng. Cây súng sẵn trong túi và
tia mặt trời làm chói mắt, đã đủ đẻ giết người. Cái Chết ở đây không có đoạn kết
bình thường vì vụ xử án cũng phi lý và bản án cho thủ phạm không phải vì tội giết
người mà vì đã không khóc trong đám táng người mẹ! Với câu nổi tiếng mở đầu:
"Aujourd'hui, maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas"
("Hôm nay mẹ tôi chết. Hoặc có thể hôm qua, tôi không biết"). Trong
tiểu-thuyết này, tính phi lý và đảo lộn trật tự bình thường đưa tác-phẩm của
Camus đến gần tiểu-thuyết đen: cái nhìn lạnh lùng, không 'nhân tính' của nhân-vật
về những người chung quanh cũng như ngôn-ngữ sử-dụng quá giản đơn (!) và những
nhân chứng tỉnh táo nhưng bất lực trong truyện. Rồi để mở đầu tiểu luận về
phi-lý Le Mythe de Sisyphe, Camus loan báo tầm quan trọng triết lý của cái
Chết qua tự tử: "Il n'y a qu'un problème philosophique vraiment sérieux:
c'est le suicide" (Chỉ có mỗi một vấn đề triết học thực sự nghiêm chỉnh:
việc tự tử)! Trong tiểu thuyết Dịch Hạch (La Peste), Camus tuyên bố
"chính cái Chết giải quyết trật tự thế giới" (1). Như vậy hiện sinh
hay Phật giáo đều tin rằng con người phải đối đầu với cái Chết để có cuộc hiện-sinh
đích thực.
Dù con người sinh ra là để chết (mortel), nhưng cái Chết
không thể là kinh nghiệm của ai cả, vì còn sống thì chưa chết, không thể biết
cái Chết là gì, nên không có việc khách quan hay chủ quan. Điều đó khiến cái Chết
là nghịch lý, phi lý. Một nhân-vật của Louis-Ferdinand Céline trong Mort à
Crédit (1936) đã mỉa mai thách đố nhân-viên bệnh viện: "- Tu les
crois malades?... Ca gémit... ça rote... ça titube... ça pustule... Tu veux
vider ta salle d'attente? Instantanément? (...) Ah! s'amuser avec sa mort
tout pendant qu'il la fabrique, ca c'est tout l'Homme, Ferdinand!" (2).
Ngôn-ngữ bạt mạng của những trầm tư triết lý!
Cái Chết nặng nề và thường trực hơn với André Malraux. Ông viết
trong Antimémoires : "con chữ 'cái Chết' làm phiền não tôi, với
tiếng chiêng dập dồn". Và ông cho rằng "cái Chết luôn có mặt ở đó,
như một chứng cứ không thể bác được về sự phi lý của cuộc sống" (La Voie
Royale). Ông đào sâu vấn nạn cái Chết (mort, trépas) qua 3 điểm: 1- quan niệm
khác biệt của con người và sự liên hệ với thế giới, 2- quan niệm khác biệt về
thời gian và cái Chết và 3- khoảng cách giữa nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật
tư duy. Cái Chết là nguyên lý cốt lõi bao trùm tác-phẩm André Malraux; phiêu
lưu, cách-mạng, sáng-tạo, tư duy và cả tình-yêu... tất cả đều được
dự kiến trong quan điểm của không thể vãn hồi "ngươi sẽ không bao giờ biết
tất cả những thứ đó muốn nói gì...", những hóa thân, hy vọng, hấp hối và
suy tàn. Cuộc đời André Malraux đã là môt chuỗi dài bi thảm với những cái Chết
của người thân, người tình, đồng chí, bằng hữu và liên tục suốt cuộc đời, những
cái Chết bi đát bệnh tật, tự tử (người cha), tai nạn (2 con trai,...), xử tử (2
người em), v.v. ở Pháp, Tây-ban-nha, Đông dương, vào thời chiến-tranh kháng chiến
và chống phát-xít. Cái Chết đưa vào trong tác-phẩm ông hoặc nhân-vật chết, tự tử,
bị giết, Puig (Espoir) bị đạn bắn, Tchen (Condition humaine) bị ám sát,
Dietrich Berger (Noyers de l'Altenburg) tự sát, Perken (Voie royale và
Antimémoires) bệnh nặng chết ở nhà chờ chết... Những cái Chết đó không thể
không ảnh hưởng đến tư tưởng và tác-phẩm André Malraux. Nếu người đọc không biết
gì về cuộc đời nhà văn, liệu họ có thể có cùng cảm nhận với nếu đã biết rõ
không? Bộ ba (tryptique) rõ nét ở André Malraux: cái Chết như điều khiển, sắp xếp
toàn thể dự án nghệ thuật qua ba cách thể : cái Chết làm suy mòn, cái Chết biến
hóa và cái Chết vượt qua cái Chết; đó là ba hình thức của cái Chết: hấp-hối,
biến thái và hy vọng. Nhân vật Perken đã nói thay Malraux: "Không phải vì
chết mà tôi nghĩa đến cái Chết của tôi, chính ra là để sống"!
Cái Chết là đề tài mà Simone de Beauvoir đã đưa đến cho sáng
tác văn-chương của bà cái nhạy-cảm rất hiện đại và một trực giác hiện sinh, thực
hữu: cái Chết có mặt ở hầu hết các tác-phẩm văn-chương của bà, trong dàn dựng
hình thức, nội dung cũng như tâm lý các nhân-vật chủ chốt. Với bà, và một số
tác-giả hiện sinh, con người làm chủ trọn vẹn mọi hành-cử của mình với ý-thức nắm
bắt ý nghĩa của hành cử, lấy lại tự do, dựng xây luân lý mới, hòa nhập vào lịch-sử.
Cái Chết trở thành một đối đầu bi thảm, một thất bại, một bất công tuyệt đối,
nhưng đồng thời cái Chết khiến cho cuộc sống có ý nghĩa, giá trị và cuối cùng,
sự khẩn thiết phải sống và hiện hữu!
L'Invitée (Người khách, 1943) giải thích phân tâm về cái
Chết của tha-nhân, người khác. Lời khai-từ dùng lại của Hegel trở thành chủ đạo
của tác-phẩm: "Chaque conscience poursuit la mort de l'autre" (ý thức
này đuổi theo cái Chết của ý thức kia). Cái Chết đã được xem như đồng nghĩa với
hư-vô (néant). Les Mandarins đi sâu vào đề tài cái Chết và ám ảnh của
tự tử: ám ảnh của cái Chết, của những người chết và của tự tử được phân tích bề
sâu nến tảng của những ám ảnh hiện sinh đó. Các tiểu-thuyết Tous les
hommes sont mortels (Mọi người đều chết), Le sang des autres (Máu
kẻ khác) và vở kịch Les Bouches inutiles (Những miệng ăn vô dụng) là
những ám ảnh về cái Chết vào cuối Đại thế chiến thứ hai, những ám ảnh do những
khủng khiếp của chiến-tranh, khung cảnh tiểu-thuyết đầy bạo động. Có lúc bà
dùng con chữ để xua đuổi cái Chết, để trừ ám ảnh quỷ quái về hư vô. Đề từ của
Dostoĩevski "mỗi người có trách nhiệm về mọi sự trước mọi người" như
được trãi rộng trong Le Sang des autres. Trong các tác-phẩm tiểu-thuyết cuối
cùng, đề tài chuyển sang thời gian, tuổi già và cái Chết. La Femme rompue (Người
đàn bà mệt nhoài) và Les Belles Images (Những Hình ảnh đẹp) tiếp nối
ám ảnh về cái Chết, nhưng nhẹ tần số hơn. Hệ quả tuổi già tăng ám ảnh về thời
gian qua mau và việc nhận dạng những kẻ chủ động giảm thiểu nhiều. Từ đây không
phải là cái Chết mà chính tuổi già chống chọi lại sự sống! Đoạn cuối La
Force de l'Âge (1960), bà đã nghĩ rằng "cái Chết không phải lúc nào
cũng là một tai nạn đơn độc phi-lý; có khi cái Chết nối kết cái liên hệ sống động
với người khác; do đó cái Chết có ý nghĩa và tự chứng thực" (3). Các
nhân-vật trong tác-phẩm của bà thường thay mặt cho chính bà (Françoise
trang L'Invitée, Anne trong Les Mandarins,…) và Jean-Paul Sartre người
đồng hành của đời bà (Pierre trong L'Invitée, Robert trong Les
Mandarins, v.v...).
Simone de Beauvoir đã dành trọn một cuốn tiểu-thuyết, Une
Mort très douce (1964) để trình bày tỉ mỉ cái Chết của người mẹ, từ khi
vào nhà thương đến khi trút hơi thở cuối cùng. So với những người khác, cái Chết
vì bệnh nặng của mẹ bà thật dịu nhẹ, "một cái Chết được ưu đãi" (4).
Chứng kiến diễn trình đưa đến cái Chết của người thân, bà đi đến kết luận:
"Người ta không chết vì đã được sinh ra, cũng không vì đã sống và cả không
vì tuổi già. Người ta chết (luôn) là vì một cái gì đó" (5). Như vậy là cái
Chết đã qua được thời kỳ khủng hoảng của cuốn Tous les hommes sont mortels (1946).
Sức mạnh của chốc-lát phù du giữa hư-không và toàn-bộ đã là đề tài khó khăn của
nhiều nhà văn thơ khi vẽ lại cái Chết. Giây phút đầy xúc động mang ý nghĩa của
Vô và Hữu, của Sinh và Tử, being / nonbeing, biến cố tột cùng mà Karl Jaspers gọi
là grenzsituation (tình trạng ranh giới) (6).
Cũng cần nói đến Jean-Paul Sartre, người đã nói đến cái Chết
như là quên lãng của thân xác, cái Chết không thể làm cho cuộc sống mất hết ý
nghĩa (L'Être et le Néant). Ông đã nói đến hiện-tượng cái Chết và
siêu nghiệm, vượt ngoài thực thể nội tại, một quên lãng thân thể: "Cái
Tôi siêu nghiệm chính là cái Chết của ý thức" ("le Je transcendental,
c'est la mort de la conscience"). Cái Chết kinh nghiệm là ngẫu nhiên, một
khía cạnh của sự-kiện tính, cái Chết không tan chảy. Cái Chết không là một phần
câú trúc bản-thể của thực-thể cũng không của chủ quan tính. Theo ông, bản-thể
tách rời vật-cho-nó (pour-soi) và thân xác là một yếu tính cho vật-cho-nó.
Đối với nhà văn hữu thần như Roger Martin du Gard, cái Chết
đã hiện diện như một xâu-xé khôn nguôi và đã trở thành đề tài thường trực của
toàn bộ tác phẩm ông. Nỗi sợ cái Chết đã là chìa khóa bí mật của thiên-tư và cuộc
đời ông. Các tác phẩm của ông cho thấy những ám ảnh của ông về tuổi già, tự tử,
cuộc sống sau cái Chết,... Antoine, một nhân vật của ông đã phát ngôn cho ông: "Rốt cùng thì chỉ có cái Chết hiện hữu thật : nó bác bỏ tất cả, nó vượt
qua tất cả... một cách phi lý".
Các nhà thơ văn trường phái Siêu-thực nêu lên những tương
quan nghịch thường của cá nhân vô thần trước cái Chết để rồi chống cái Chết như
Breton trong Premier manifeste du surréalisme. Với phái Siêu-thực, cái Chết
thường trực hiện diện và qui hồi qua những hình ảnh sọ người, xương cốt, ma quỷ,
quỷ hút máu, quái vật (sứa, nhân ngư và nhân sư), v.v... Ma trở thành nhân vật
văn-học và giấc mơ được dùng như tâm điểm và bước đầu của sáng tạo! Để chống
cái Chết, thơ văn siêu-thực dùng con người để tra vấn sự im lặng, tìm bí mật của
sự hiện diện và biến mất của im lặng.
Nữ tác-giả Pháp gốc Nga Nathalie Sarraute viết nhiều về cái
Chết, về những hiểm họa và biến thân của cái Chết. Bà không ngừng đục khoét
ngôn-ngữ từ bên trong, tìm ra những sử-dụng thiết thực của con chữ, lột mặt nạ
những bạo-động được che đậy hoặc vờ vĩnh của những trao đổi qua ngôn-ngữ. Bà
dùng con chữ để vạch mặt sự tàn bạo không thể chối cãi của vô-ngôn. Bà đã trình
bày rõ ràng sự bạo-động mờ ám của những im hơi lặng tiếng. Thế kỷ XX đã có những
cuộc tranh cãi chữ nghĩa có tính lý thuyết và chính trị dữ dội, công trình
ngôn-ngữ dài hơi của bà đưa ra ánh sáng những độc đoán bạo ngược nhất của sâu
kín riêng tư. Nathalie Sarraute nhắc nhở sự hiển nhiên của thông cảm, truyền đạt
đến nơi đến chốn qua những vết thương thực hữu của bà, trong khi thế giới nở rộ
thứ văn-chương 'bất khả cảm thông' ngược lại. Có thời bà nhập dòng Tiểu-thuyết
mới (Nouveau Roman) với Tropismes xuất bản năm 1939, chủ trì 'bất khả
cảm thông' ù lì, khách quan, qua những kinh nghiệm kiểu phòng thí nghiệm khoa học,
nhưng cũng chính bà thực sự đã đem đến ý nghĩa mới về một sự tự chủ động/chủ thể
hóa xuất từ những chạm trán khó nhận ra nhưng gây khủng-hoảng. Bà đã để lại một
gia tài những tác-phẩm về một cách nhìn con chữ và thế giới, một cái nhìn sâu
xa tận căn nguyên, không thể dễ xóa bỏ. Sử dụng con chữ với bà, trở thành một
bài học về cuộc đời và khôn ngoan! Trong L'usage de la parole, ngay bài đầu
tập, bà luận về lời nhà văn bác sĩ Nga Anton Tchekhov khi biết mình chết đã thốt
ra câu rất ngắn 'Ich sterbe' ('tôi chết') rồi ngã xuống chết. Tại sao lại tiếng
Đức, với bác sĩ người Đức bên cạnh người vợ Nga của nhà văn, trong nhà thương
xa xôi để trị bệnh lao giai đoạn chót? Ẩn mình để chết và trối trăn bằng tiếng
nước ngoài! Tình cảnh nơi thật xa xôi, vắng lặng thân quen, khi đẩy quá xa, lời
thú 'Ich sterbe' sẽ qui hồi trở lại trên chính bản thân mình, thật mạnh mẽ làm
lung lay toàn diện xác thần con người. (7).
Hiện-tượng tự chủ động/chủ thể hóa tức đi tìm sự sống lại, sự
biến hóa thay đổi toàn diện, tìm thấy ở những tác-giả như H.G. Wells, R.
Wright, nhất là Nathalie Sarraute. Nhân-vật dồn đẩy lùi quá khứ vào quên lãng,
dựng một câu chuyện mới, và đóng một vai trò nào đó một cách lâu dài. Hành cử
này được xem là phương tiện chống cái Ác. Trong tiểu luận L'ère du soupçon
: essais sur le roman (1956), bà nói đến nhu cầu phân tâm con người nhân-vật
và tiểu-thuyết đối với bà luôn là một câu chuyện trong đó nhân-vật hành cử và sống
(8). Tiểu-thuyết bị nghi ngờ và bỏ rơi nhân-vật cho nghệ thuật phim ảnh vì
thành kiến rằng tác-giả phân tích tình cảm tâm lý như một cắt nghĩa, trình bày.
Theo bà, nhà văn phải dõi theo diễn trình tâm lý chôn kín và trình với người đọc
như đang xảy ra và tại sao. Nhân-vật từ khuyết danh bước ra. Kỹ thuật và kiếm
tìm do đó vẫn quan trọng.
Thần Chết đã được nhà thơ Wislawa Szymborska, giải Nobel
văn-học 1996, văn-chương hóa :
"Elle ne comprend rien aux plaisanteries,
ni aux étoiles, ni aux ponts,
ni au tissage, ni aux mines, ni au labourage,
ni aux chantiers navals, ni à la pâtisserie
Elle se mêle de nos projets et de nos agendas,
elle a son dernier mot
hors sujet.
Elle ne sait même pas faire
ce qui directement se rapporte à son art:
ni creuser une tombe,
ni bricoler un cercueil,
ni nettoyer après.
Toute à sa tuerie,
elle le fait gauchement
sans méthode ni doigté
comme si sur chacun de nous elle faisait ses gammes.
Plus d'un triomphe sans doute,
mais combien de défaites,
de coups pour rien,
expériences à recommencer
(...) Quiconque prétend qu'elle est omnipotente
est la preuve vivante
qu'il n'en est rien
Il n'est point de vie qui,
Même un court instant,
Ne soit immortelle.
La mort
est toujours en retard de cet instant précis" (9).
Những vần thơ nhốm đậm suy tư siêu hình và triết lý, với
Wislawa Szymborska, cái Chết chỉ có giá trị tham chiếu và ý thức!
Cái Chết lãng mạn
Nhân-vật chính trong L'Amant của Marguerite Duras
chết cái Chết lãng-mạn: yêu đến chết, yêu dù phải chết. Người chết không bao
giờ chết ("Le mort n'est jamais mort", nói khác đi, 'anh không chết
đâu anh!' như lời ca về cái Chết của một người lính)!. Trước đó, Beaudelaire, có
nỗi ám ảnh của cái Chết như là sự trừng phạt của tình yêu : "đĩ điếm và
cái Chết là hai người nữ khả ái (...) Khi nào thì nhà ngươi muốn chôn ta, đĩ điếm
trong vòng tay dơ nhớp?" (Fleurs du Mal, CXII - Les 2 bonnes soeurs).
Lãng-mạn ở chỗ cái Chết trở nên nguồn hy vọng và là chính sự sống: "C'est
la mort qui console, hélas! et qui fait vivre/ C'est le but de la vie, et
c'est le seul espoir ..." (CXXII - La Mort des pauvres). Jorge Luis Borges
một thời đã mê Fleurs du mal, lúc thoát ra được thì ông thấy tác phẩm này
có cái gì đó không ổn, Beaudelaire quá ưu tư đến thân phận cá nhân của mình, quá
quan tâm đến những hạnh phúc và bất hạnh riêng của mình. Lãng-mạn là ở đó! Ở
Edgar Allan Poe, hình ảnh nước nặng nề, nước hồ tù hãm đã ngũ dĩ nhiên là nặng
nề, chết sâu. Gaston Bachelard viết về tình trạng nhập nhằng nước đôi tương đối
của nước trong văn của Poe: "nước thật sâu lắng, thật đã chết, thật ngũ
say hơn bất cứ mặt nước chết nào, hơn bất cứ đáy nước sâu nào mà con
người có thể tìm thấy", nước được so với cơn thèm chết. Nước mời chết, nhập
vào với vật thể, trốn (tự tử thường trực/ dipsoma nie de la mort) (10).
Honoré de Balzac và Guy de Maupassant nhiều lần đề cập đến
cái Chết. Với tác-giả sau, nổi ám ảnh của cái Chết, nỗi sợ hãi về cô đơn, về thời
gian, về cánh cửa, cửa sổ, đêm tối, bàn tay, người điên xuất hiện trong một số
truyện như Bên một người chết (Auprès d'un mort), Tự sát (Suicide), Bức thư tìm
thấy ở người chết đuối (Lettre trouvée sur un noyé), Người chết đuối (Le noyé),
Người đã chết (La morte), Ngôi mộ (La tombe),... Cái Chết ở Gabriel García
Márquez vừa lãng mạn vừa hiện thực huyền-ảo. Chronicle of a death foretold trình
bày cái Chết bi đát theo truyền thống bi kịch Hy-Lạp. Người thanh niên Santiago
Nasar ngay từ những trang đầu đã bị án chết, dù oan và bất công, một cái Chết
được loan báo rất sớm. Như tiểu-thuyết trinh thám, người ta đi tìm thủ phạm và
lý do đế kết án, nhưng không hẳn là trinh-thám vì phong hóa, hủ tục địa phương
của nước Columbia được xoi chiếu tận tình qua hình ảnh những định mệnh
khắc nghiệt! Trong One hundred years of solitude chuyện người chuyện
ma của bảy thế hệ dòng họ nhà Buendia ở làng Macondo đâu đó trong rừng
sâu Nam Mỹ-châu.
Theo Frederick J. Hoffman, văn-học về cái Chết không có mục
đích phá hủy thể-nền của giá trị nhân bản, mà là cốt nhìn lại nền tảng những
ngôn-ngữ đã được sử-dụng. Qua tập tiểu luận The Mortal No: Death and the
Modern Imagination, ông đi tìm những hình thức và kỹ thuật văn-chương trung thực
về phương cách trình bày những xung động bản năng, sự lôi cuốn sống động không
thể không biết đến, tức vai trò thật sự của sáng tạo văn-chương đối với đề tài
cái Chết (11). Cái Chết tàn khốc trong The Naked and the Dead (Trần
Truồng và Cái Chết, 1948) của Norman Mailer, tác-phẩm được tạp chí Modern
Library xếp vào số 100 truyện tiếng Anh hay nhất. Mailer, một tác-giả
Hoa-Kỳ tự xưng theo chủ nghĩa hiện sinh. Truyện về những tàn bạo của chiến-tranh,
của kẻ thù Nhật-bản và cả chính chỉ huy người Mỹ trong khung cảnh Đại thế chiến
thứ Hai. Những cái Chết vì guồng máy chiến-tranh, khủng hoảng giữa nhân phẩm
con người và sức mạnh máy móc, có khi vô hình, của cả một hệ thống, giữa nhân bản
và máy móc. Đây là vấn nạn lớn của đời sống hiện đại, đề tài cùng được E.
Hemingway, W. Faulkner, J. Steinbeck, Cummings, Dos Pasos, v.v... đề cập, riêng
Mailer trội nhất, nhờ kinh nghiệm sống.
Với người Tây phương, thần Chết thường tượng trưng bởi bộ
xương hoặc chiếc hái hoặc khủng khiếp cả hai. Có thời khuôn mặt người phụ nữ bị/ được
dùng cho hình ảnh cái Chết: ở Beaudelaire, "mắt nàng đầy ánh sáng cử hành
cái Chết" (yeux pleins de lumière célèbrent la mort - Flambeau vivant); ở
Cesare Vavesse: "cái Chết sẽ đến và nó sẽ chiếm hữu mắt nhà người"(la
mort viendra et elle aura tes yeux). Nhân-vật nữ chết nổi tiếng: Manon Lescaut,
Emma Bovary, Anna Karénine, Nastassia Philippowa, v.v... Vì tình yêu bị nguyền rủa,
người nữ được yêu phải chết đơn giản chỉ vì bị tình yêu đó bị cấm, và tình cấm
vì thuộc về người chủ (hay người cha!). Âu lo về cái Chết cũng là mối lo bị bỏ
rơi, khi mất hay xa người mẹ. Mặt khác, tình yêu mạnh hơn cái Chết nên đã có những
cái Chết và những hy sinh: Paul và Virginie của Bernardin de Saint-Pierre, người
vợ trong Anh Phải Sống của Khái Hưng-Nhất Linh,... Ngày xưa đã có những hiến tế
mạng người, hy sinh tế thần để tập thể được sống! Và có yêu nên có Chết, đây là
một vài chân dung cái Chết tình yêu:
- "Lúc đó, nàng dán chặt vào chàng, hôn mặt hôn môi, ôm ghì
chặt chàng, hai thân mình quấn vào nhau, miệng trong miệng, và lúc bấy giờ một
hơi thở dài phóng ra; tim ngừng đập và hồn nàng bay cao" (Tristan và
Iseult).
- "Em muốn hôn môi chàng. Ôi, chiếc gươm (nàng chụp gươm
của Roméo), đây là bao kiếm của chàng (nàng tự đánh mình), đây là mô chôn và
hãy để em chết (Juliette ngã lên xác Roméo và chết" (Roméo và Juliette, V
3).
Từ cõi chết, con người hướng thượng tìm sự sống : những
nhân-vật của Notre-Dame de Paris của Victor Hugo ngoi lên từ hầm mộ
xương và xác người, hoặc Jean Valjean của Những kẻ khốn cùng, v.v. Sống
vì phải sống và khi tình cảnh xảy ra, có thể chấp nhận chết để người khác được
sống!
Cái Chết Á Đông
Phía văn-học Trung quốc, Trang Tử chủ trương vui cái sống gắn
liền với cái Chết. Ngoại thiên Chí Lạc chép truyện Trang Tử gõ bồn, theo đó sống
chết cùng một thể, thế nên cứ vui sống cái sống gắn liền với cái Chết. Cái Chết
hiện hình trong chiếc đầu lâu khô-khốc bên đường của cái sống. Cái Chết kề bên
như trời che đất chở, và cái sống kề bên cái Chết, đầu lâu nói với Trang Tử
trong mộng: chết còn vui sướng hơn sống nữa. Và thế là quên hẳn cả cái sống
cùng cái Chết. Đó là đạt được thuật chí lạc đạt tới Đạo và quên hẳn cái sống và
cái Chết. Bồ Tùng Linh thì mê hoặc người đọc chìm trong thế giới của người chết,
những người chết có duyên có liên hệ với người sống: qua những chuyện liêu
trai, thật-giả giả-thật không biên giới! Trước họ Bồ nhiều thế kỷ, văn học
Trung Hoa đã ghi nhận những Oan Hồn Chí của Nhan Chi Thôi, Sưu
Thần Ký của Can Bảo, v.v. về những oan hồn, bóng quế và những bài học đạo
đức ở đời.
Trong văn-học chữ quốc ngữ của Việt Nam, đề tài cái Chết
đã có mặt ở nhiều giai đoạn và mỗi thời đã có những đặc tính riêng. Thời trước
1945, có những tác-phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyên Hồng,
Nguyễn Công Hoan, Tchya Đái Đức Tuấn, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân, v.v... về những
cái Chết của đời thường hoặc hồn ma. Riêng Nhất Linh đã đi từ cái Chết vì phong
hóa của Thân trong Đoạn Tuyệt đến cái Chết non của Trương trong Bướm
Trắng; phân tâm đặc sắc về nhân-vật Trương, về những tâm trạng chập chờn vô định
của con người trước cái Chết: "Chàng sẽ ném đủ các khoái lạc ở đời, chàng
sẽ sống đến cực điểm, sống cho hết để không còn ao ước gì nữa, sống cho chán
chường. Trương thấy mình nô nức hồi hộp mà lại sung sướng nữa. Chàng sung sướng
chỉ vì chàng thấy mình như một con chim thoát khỏi lồng, nhẹ nhàng trong sự tự
do không bờ bến. Những cái ràng buộc, đèn nén của đời sống thường không còn nữa,
chàng sẽ hết băn khoăn, hết e dè hoàn toàn sống như ý mình. Chết thì còn cần gì
nữa?. Bao nhiêu điều ham muốn bấy lâu, nhưng ham muốn không dám tự
thú, hay bị đè nén đi trong một phút bùng bùng nổi dậy: một đời mới đợi chàng.
Chàng thấy nóng ở hai tai".
Vào cuối giai đoạn xuất hiện tiếng thơ hoài cổ pha không khí
siêu-thực của Xuân Thu Nhã Tập:
"Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa Tần Phi!
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh..."
( Đoàn Phú Tứ, Màu thời gian).
Thời văn-học miền Nam 1954-75, Bình-Nguyên Lộc đưa người đọc
đến với vùng đất mới nơi đã có những cái Chết và những hồn ma: Ba con cáo, Ba
sao giữa trời, Hồn ma cũ,... Ở Ba con cáo, là bản năng động vật, là cuộc tranh
giành sự sống giữa người và vật, trong vật vã đói khát giữa một bãi tha ma, cuối
cùng con người cũng chiến thắng về vật chất, nhưng lại trĩu nặng những di chứng
tinh tâm: "Hồ ly rùng mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì
sợ ma, mà vì chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất
người.". Sài-Gòn còn là bãi chiến trường của nhiều cuộc tranh hùng Miên-Việt,
Đàng Trong-Đàng Ngoài, và cuối cùng là Pháp-Việt. Thời Minh Mạng rồi người Pháp
đến xâm lăng, Sài-Gòn mọc thêm nhiều bãi tha-ma và bình địa. Từ những hoang tàn
đó, mọc lên Sài-Gòn hôm nay, lớn rộng theo đà đô thị hóa, người sống-người chết
và mới-cũ sống chung và cả tiêu diệt nhau. Truyện liêu trai Cõi Âm Nơi
Quán Cây Dương căn bản là chuyện tình cảm giữa người sống và người chết,
liên hệ hôm nay với hôm qua, mà còn là lời ta thán của những hồn oan của dân
lành thời Pháp thuộc. Quán nhậu Cây Dương ở giữa đường Thủ-Đức-Sài-Gòn vốn là
biệt thự dùng làm đồn bót cho phòng Hai của Pháp. Bãi đất chung quanh đã là nơi
chôn cất của những người dân sau khi bị tra tấn, đọa đày ở trong ngôi biệt thự.
Người sống và người chết tôn trọng lãnh địa của nhau (tôn trọng hài cốt chẳng hạn),
đời ai nấy sống, thì đã không có những chuyện quấy phá, làm ... sợ!. Cũng như
những ngộ nhận về quyền lực của ma: "Nếu người cõi Âm mà đủ quyền lực hại
người của cõi Dương thì bao nhiêu kẻ sát nhơn đã bị lôi đầu xuống âm phủ hết cả
rồi chớ có đâu mà cứ phây phây an hưởng nơi trần thế" (tr. 151). Truyện
trong hai tập Tân Liêu Trai (1959) và Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương có
vẻ quái đản nhưng kết cục khoa học thuần lý thay vì phải là hoang đường như các
truyện thuộc cùng loại. Với Bình-Nguyên Lộc, người đọc biết không có... ma, và ma nếu... có thì cũng là thân thiết, có duyên nợ (hoặc là ruột thịt)
mới được gặp nhất là gặp thường xuyên như nhân vật xưng Tôi với ma-nữ Trường-Lệ!
Doãn Quốc Sỹ trong Cái Chết Của Một Người viết về cái Chết của
Thinh vì tai nạn cây ngã lên người, đã là một cái Chết không vô ích: "Cái
chết của Thinh không còn là cái chết của Thinh nữa mà là cái Chết của một Người".
Dương Nghiễm Mậu cũng viết về Kẻ Sống Đã Chết và một cái Chết không
tên, Cái Chết Của... (1971) một lão ăn mày, một cái Chết đáng suy
nghĩ và sự mất tích của quan-án, đã xảy ra thời Từ Hải và Thúc Sinh của truyện
Kiều!
Chiến-tranh 1957-1975 với hậu quả là những cảnh chết và những
cái Chết tàn bạo, bất ngờ; cái Chết trong cuộc đời còn đa dạng và quá nhiều,
hơn cả tác-phẩm của mọi thời đại văn-học. Trong thế giới chữ nghĩa, chúng ta có
những cái Chết ký sự và kinh-qua của Thảo Trường (Vuốt Mắt 1969), Thế Uyên
(Những Hạt Cát 1964, Ngoài Đêm 1965, Nỗi Chết Không Rời 1966),
Nguyên Vũ (Trở Về Từ Cõi Chết 1967, Chết Không Nhắm Mắt 1968, Thềm
Địa Ngục 1969, Khung Cửa Chết Của Người Tình Si 1969, Bóng
Tối, Tiếng Cười Môi Hôn Và Nghĩa Trang 1973), Trang Châu (Y Sĩ Tiền Tuyến 1970),
Nguyễn Minh Nữu (Những Giọt Máu Giăng Ngang), Trần Hoài Thư (Những Vì Sao
Vĩnh Biệt 1971), v.v.
Tàn cuộc chiến đó thì lại mở màn cho những cái Chết khác chưa
từng xảy ra: những cái Chết 'cải tạo', khổ nhục 'tù đày không xét xử' và những
cái Chết trên biển cả trong rừng sâu của những cuộc vượt biên tìm tự do và tình
người! Ở ngoài nước sau biến cố 30-4-1975, một cộng đồng người Việt được thành
hình từ những tai-ương và chết chóc. Đề tài cái Chết trở lại thường xuyên với
người viết lưu-đày. Du Tử Lê đem vào thơ hình ảnh cái Chết non, tức tưởi, kết
thúc một cuộc sống đứt đoạn, từ chối hội nhập và đời sống mới.
"... Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
(... ) Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn"
Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển) (12).
Di chúc sớm cho người cùng thời mà như cho người sau, vì với
những kẻ vì hoàn cảnh phải ra đi thì cái Chết không là nỗi hãi sợ lớn, có khi
cái Chết trở thành nỗi ám ảnh biết là đang chờ đợi ! Ngoài ra càng về sau càng
có những nhà văn thơ 'can đảm', lấy cái Chết làm đề tài, như Xuyên
Trà:
"... khi ta chết, đất nơi nào cũng vậy
Thịt xương này đâu trở lại quê hương
Nơi sông núi mạch nguồn ta cắt rốn
Là trăm năm người hát khúc đoạn trường..."
(Lời Cuối, 13).
Người theo dõi văn học hải ngoại có khi giật mình đọc những
văn bản văn học mà có cảm tưởng đọc di chúc. Cái Chết là trực diện, còn kiếp
sau thì nói cho qua, dễ nói: kiếp này không yêu được đến nơi đến chốn thì hẹn
kiếp sau, đời sống dĩ lỡ, thôi chờ kiếp khác, mơ mộng đổi đời ở kiếp sau, v.v... Nhưng cái Chết là chuyện không thể tránh, cái sẽ đến và sẽ đến, như cuối một đoạn
đường, chỉ có trước hay sau; trong tình cảnh lưu-đày trở thành cái tức tưởi, đớn
đau vì như thiếu sót gì đó, như không tự nhiên! Thành thử phải lên tiếng, phải
cho người khác biết tâm thức bất thường đó! Nhưng cái Chết dù sao cũng trở
thành thiết yếu cho tương lai, như màu mỡ cho đất lạ, trở thành bông hoa, mầm sống,
nhưng trong một không gian xa lạ, lạ từ khí hậu, cây cỏ, cảnh vật đến nhịp sống,
khiến tâm thức lưu-đày trỗi dậy. Hình ảnh miếu đền hiện ra trên hành trình tâm
thức đến với cái Chết như là ý nghĩa sau cùng, lúc thân xác suy thoái, hủy hoại.
Với Du Tử Lê, chết là đi về quê nhà, lướt qua biển, gió, không trung,... không
còn giới hạn trần gian. Nước, biển là nơi trú ẩn tìm kiếm, tuyệt diệu, nơi quy ẩn
tránh đời, cũng là chốn cuối cùng mong về, như lẽ đương nhiên dịch lý. Những
hình ảnh này hay thây trong văn chương lưu-đày. Viên Linh dựng hình ảnh Thủy
Mộ Quan (cũng là tựa tập thơ của ông, 1982). Hình ảnh con nước từng đem đến
sự sống lúc quyết định ra đi :
"Hai ngọn sóng ngược chiều về mỗi ngã
Ngọn quá khứ mịt mùng không thấy nữa
... Một tiếng biển chỉ một tiếng biển thôi
Một tiếng biển thì thầm mà lớn tới mênh mông
Lạc róc rách trôi vào cửa sống ..."
(Mai Thảo. Hỏi Mình Giữa Biển) (14)
Thế giới mơ hồ, giả thật, sống chết, thế giới của Trang Tử.
Giữa đời sống lưu đày thực và cơn mộng, nhà thơ vẫn lựa chọn mộng mơ, hoặc nói
rằng họ sống cuộc đời hiện thực như trong một cơn mơ!
Lưu đày có thể trở nên nội tâm, nhập ngã thể. Nhà thơ Thái Tú
Hạp thì nhìn cái Chết qua ngã tâm linh, một cuộc phiêu lưu thường là cá nhân.
Tác phẩm ra đời từ âu lo, đau khổ phận người, lời thơ trở nên cứu rỗi, giải
thoát, cho cá nhân mà cũng là cho tập thể cùng hoàn cảnh. Nhưng cái Chết từ điểm
ngộ này hết là cá nhân, mà trở thành xã hội, tập thể. Những nổ lực gây dựng cộng
đồng xác nhận cái Chết không phải là mục đích, mà là một tái dựng, không phải
là đêm tối hay trống không mà là ánh sáng dù le lói yếu ớt nhưng loan báo một
cuộc đời mới! Một trú ẩn vĩnh cữu!
Trong tình cảnh lưu-đày, nhìn ra cảnh vật xứ người, thiên
nhiên, cây cối, cảnh vật trở nên nhẹ tênh, như hương khói, như trở nên không vật
chất, không trọng lượng! Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ cho nên
cảnh vật, thế giới bị chặt nhỏ ra, bị tan tác, rời rã,... Nguyễn Xuân Thiệp (Tôi
Cùng Gió Mùa) nhận chân bản ngã từ cảnh vật, từ những cây cỏ ở xứ người. Thơ
Luân Hoán (Ngơ Ngác Cõi Người, v.v...) nói đến con người bị tuyết chôn vùi, trong
lạnh vắng, như một giấc mơ. Không còn là tuyết phất phới bay trong những phim ảnh
hay tác phẩm văn chương của người mà ta từng đọc hay xem ở quê nhà!.
Trở thành vong thân, mất bản ngã, mất hiện sinh, đưa đến cái
Chết và xương, và miếu đền,... Có người muốn trở về tuổi thơ và thời ngây thơ
đã mất; ở đây ý thức mưu toan trốn tránh hiện tại. Tất cả mọi di dân đều lưu giữ
chất truyền thống trong thân xác và tâm thức, trong người họ luôn có một phần
lưu đày! Người nghệ sĩ lưu dân đem một phần quá khứ đến cho hiện tại, đem giấc
mơ gắn vào thực tại. Nhưng trong một tình cảnh bi đát vì bản ngã đang bị pha trộn,
giữa hai chọn lựa, cả lâm vào tình trạng bị tước đoạt bản ngã văn hóa, sau khi
đã mất bản ngã chính trị và kinh tế! Ta có thể trung thành với bản ngã, với
mình, hơn là chấp nhận sống trong một xã hội "vay mượn"! Thành thử nếu
rơi vào tình trạng đi trên mây, lạc lõng, là một hình thức lưu đày nhưng phải
chăng lại là một tình cảm chưa trưởng thành? Điên loạn tâm thần, ứng xử cũng là
một đề tài được nhiều người viết đụng đến, riêng những truyện của Kiệt Tấn là
thành công nhất!
Sau Nguyễn Mộng Giác của Sông Côn Mùa Lũ có Trần Vũ
khai thác những Cải Chết Sau Quả Khứ (1992) trong cùng vệ tinh, chiều
kích của Nguyễn Huy Thiệp - dựng người chết sống lại, trong một bút pháp nét
riêng. Bên cạnh những cái Chết trong salon chữ nghĩa là những cái Chết của
goulag, của hồi ký; những cái Chết hiện thực của phi nhân, của chính-trị tà đạo
hy sinh con người cho mục đích ngoài con người. Người viết là những người bị khổ
nhục và trực diện với cái Chết nhưng vẫn tự tin và bất khuất. Khối hồi ký và
bút ký về những cái Chết này bắt đầu với Trần Huỳnh Châu (Những Năm Cải Tạo Ở Bắc
Việt 1981), v.v... cho đến nay 2008 vẫn còn tiếp tục.
Ở trong nước, từ khi chiến-tranh chấm dứt và từ khi nhà văn
được 'cởi trói' (1987), đã có những hồn ma, xác chết đến với người đọc. Gia
Long, Nguyễn Huệ, v.v... được Nguyễn Huy Thiệp cho sống lại và chịu tra vấn của
con người bị dồn nén và bị trị hôm nay. Nguyễn Khắc Trường với Mảnh Đất Lắm
Người Nhiều Ma (1990) bi quan khi tả những con ma vẫn tiếp tục lộng hành
và đàn áp cả những người sống lên tiếng. Có nhân vật như ông bí thư đảng và trưởng
tộc họ còn mượn danh ma nấp bóng ma để chiến thắng kẻ thù đang tấn công gia
đình họ lên là nhờ lợi dụng thần thế. Truyện như không có hậu, có thể vì ma hãy
còn đầy rẫy trong xã hội chăng? Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh
(1990) kể chuyện người lính trinh sát tên Kiên; anh gia nhập chiến tranh với lý
tưởng, được gửi vào Nam, nhưng đã bị thực tế chiến trường làm hèn đi. Những trận
mưa mọt xương, chui rúc hầm hố, lượm xác đồng đội, những đồi ma ở cao nguyên
Ban Mê Thuột, những xác chết và những xương xác người chết. Những tuyệt vọng của
Kiên và đồng đội, những nỗi sợ máy bay thả bom, những tàn bạo của cuộc chiến,
những thấp hèn của chỉ huy, đồng đội. Gọi là 'cởi trói' nhưng xã hội toàn trị
không pháp-định thì lại có những cái Chết khác, như kiểu Một Cái Chết
Thong Thả của Nhật Tuấn - thong thả nhưng vẫn chết! Những năm gần đây nổi
lên thị trường sách dịch tác-phẩm của các tác-giả Âu Mỹ trong đó ấn phẩm về đề-tài
cái Chết chiếm số lượng đáng kể. Con người sống và kiếm tìm tâm linh nhiều hơn,
hay cái Chết là một lối thoát đáng được chuẩn bị hơn?
Cái Chết kinh dị, trinh thám
Sau những cái Chết siêu nhiên, tâm linh, tự nhiên và nhân bản,
là những cái Chết tức tưởi, bí ẩn, đích đáng, v.v... của các tiểu-thuyết
trinh-thám đen. Con người vốn ham sống sợ chết, đó cũng là yếu tố tâm điểm được
các tác giả trinh thám khai thác. Từ 'roman noir' được tác-giả người Pháp sử dụng
đầu tiên. Tiểu thuyết trinh thám đen không có đất cho cái kì ảo tồn tại, nghĩa
là, nó vẫn được giải thích, dẫu đến cuối truyện mọi việc vẫn có thể còn chìm
trong sương mù - trong các thể loại truyện hư cấu khác, cái kết có thể có những
màu hồng, xanh, vàng, v.v... , tức là có đáp số, nếu đen cũng đã phải pha loảng,
nhuốm màu. Thể loại trinh-thám và tiểu-thuyết đen một thời khá lâu từng được
xem như là thể-loại phụ (paralittérature, cận văn-chương) chúng tôi gộp tổng
quát không phân biệt chi tiết vì không phải là mục đích của bài viết, những tiểu-thuyết
giả tưởng (fiction) gián điệp, trinh-thám (thriller/polar, néo-polar), polar,
roman noir, roman à suspense, thriller, roman-problème, v.v. Gốc Anh của tiểu-thuyết
đen còn được gọi là tiểu-thuyết trung-đại (gothic) đã khởi từ Horace Walpole
(Château d'Otrante, 1764). Nghệ-thuật trung-đại là một nghệ-thuật lấn lướt,
khai thác cái Chết một cách tàn bạo.
Nếu cái Chết là bình thường, tất yếu trong văn-chương tình cảm,
xã hội, lịch sử, thì trong thế giới trinh-thám, cái Chết trở thành bất bình thường,
như đã có sắp đặt tỉ mỉ, như biết trước, chờ đón. Ở đây xin mở dấu ngoặc để xác
định rằng cái Chết trong các 'tác-phẩm' minh họa của các chế độ toàn trị được cấu
trúc bởi ý thức hệ, do đó mất đi tính tiểu-thuyết và trở nên ảo tưởng vì không
mang tính nhân-bản - trinh thám trở thành tình báo, mưu đồ, cốt truyện và kết
thúc đã được đoán trước.
Màu Đen được gán cho cái Chết, thần chết, sự hoặc cái tiêu cực,
gợi lạnh lùng, bóng tối thời hồng hoang, hư không vĩnh viễn, hư vô, gợi màu
tang tóc - một màu tang tóc nặng nề, vô vọng (khác với màu trắng tang tóc nhất
thời và ẩn tàng sự cứu rỗi hoặc hồi sinh). Đen cũng là màu của trừng phạt và mặt
khác đồng nghĩa với sự chối-từ hư-danh trần thế. Trong văn-chương, màu đen ngầm
chứa màu mỡ, cần khám phá. Thần vệ nữ Vénus được tôn sùng như là đêm đen nguồn
cội của tạo vật, mẹ của thần linh và loài người! Nhưng nói chung,
màu đen ở tiểu-thuyết đen gắn liền với cái Ác và vô thức, như ý đồ đen tối, tâm
đen, tương ứng với khí Âm có tính thế tục, bản năng, do đó dễ sắp đặt chằng chịt,
như mạng nhện và trở thành là cái phải được khai thác, tìm hiểu - như những ẩn
ngữ! Những trang trí, hình ảnh nghĩa địa, hầm mộ, cái hòm, những hành lang và
tầng dưới mặt đất, tầng hầm tối tăm và nguy hiểm, những bên trong, v.v. thường
được các tác-giả tiểu-thuyết đen sử-dụng. Ma quỷ thường có mặt, rốt cùng chính
là lương tâm của người sống, thay mặt cho ý thức và lương tâm, theo dõi và trừng
trị người làm lỗi; một loại siêu-ngã (surmoi) mẫu tử lộn xộn, chuyên chế. Giới
tính của ma quỷ không quan trọng, nhưng nam nữ, Cha hay Mẹ cũng như thế hệ, thời
đại đều có những đặc tính riêng. Tiểu-thuyết đen liên hệ đến cái Chết và thường
là cái Chết Động. Tiểu-thuyết đen ngay từ buổi đầu, nó đã bị kỳ thị, khinh
khi bởi giới trí thức, vì sự có mặt của nó là để phục vụ đám đông; chúng đã bị
rẻ rúng, xem như không phải là văn-chương vốn được xem là cao quý, thượng lưu.
Edgar Allan Poe đã có cái nhìn siêu hình bi quan trộn lẫn với
những yếu tố của chủ nghĩa hiện thực, hài hước và châm biếm. Ông đã cách tân thể
loại truyện ngắn dự báo sự ra đời của tiểu thuyết khoa học giả tưởng, kinh dị
và huyễn hoặc. Chủ đề về cái chết-trong-khi-đang-sống, đặc biệt là bị chôn sống
hoặc trở về từ nấm mồ như một con ma-cà-rồng, xuất hiện trong nhiều tác phẩm của
ông. Cái thế giới hỗn mang giữa sống và chết của Poe và những bối cảnh mang
tính Gothic, màu mè, hào nhoáng của ông không chỉ thuần túy để làm phông trang
trí (15). Chúng phản ánh đời sống nội tâm đã tiến bộ, văn minh nhưng vẫn đượm
màu chết chóc hoặc là tâm thần bấn loạn của những nhân vật của ông và chúng là
những biểu hiện tượng trưng của vô thức, và do vậy là trung tâm trong thẩm mỹ học
của ông. Poe đã mô tả chính xác mặt trái của giấc mơ Mỹ về con người tự lập và
phơi bày cái giá phải trả của chủ nghĩa thực dụng và cuộc cạnh tranh tàn bạo -
sự cô đơn, tha hóa, và những hình ảnh của cái Chết-trong-lúc-đang-sống. Auguste
Dupin là nhân vật thám tử tài tử trong các truyện trinh thám của ông xuất bản từ
năm 1841 tới năm 1844, gần 50 năm trước khi Sherlock Holmes ra đời. Nếu những
câu chuyện kinh dị của ông dự báo trước những tác phẩm của các tác giả chuyên
viết truyện kinh dị Mỹ như H.P. Lovecraft và Stephen King, còn những truyện suy
lý là những con chim báo hiệu của loại tiểu thuyết trinh thám của Dashiell
Hammett, Raymond Chandler, Ross Macdonald, và John D. MacDonald. Nhân-vật Dupin
được xem là nhà thám tử đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới và Poe đã được
xem là cha đẻ của tiểu thuyết trinh thám hiện đại.
Ngay từ Jules Verne, Victor Hugo và Edgar Allan Poe, ngoài sự
mô tả tình tiết của phạm nhân hay kẻ sống ngoài vòng pháp luật, đã có trình bày
quá trình suy luận để vén màn bí mật của câu chuyện. Rồi đến những truyện của
Arthur Conan Doyle (1859-1930) với thám tử quen thuộc Sherlock Holmes có khả
năng quan sát thần tốc và biệt tài dùng khoa học suy luận để giải đoán sự việc
một cách thần diệu, và Maurice Leblanc (1864-1941) với nhân-vật ông vua ăn trộm
Arsène Lupin, Georges Simenon (1903-1989) với nhân vật thám tử Maigret, khởi từ
phi lý đi đến dấn thân, hướng động, hiện thực cụ thể và kín đáo. Rồi nào Gaston
Leroux (1868-1927), Agatha Christie (1890 - 1976), F. W. Crofts (1879 - 1957),
v.v. Các tác-giả Anh có thể kể thêm James Hadley Chase (Eva), John Le Carré,
Niall Griffiths (Grits, Wreckage),... Kazuo Ishiguro (1954-) người Anh gốc
Nhật, với truyện trinh-thám viễn tưởng Never Let Me Go (2005), v.v... Tác-giả tiên phong về thể-loại của Nga-sô là Alexandre Chkliarevski
(1837-1883) với Enquête secrète, L'esprit des péninsules, ...
Tác-giả nữ Hoa Kỳ đầu tiên là Anna-Katherine Green với The
Leavenworth Case 1878, The Mystery of the Hasty Arrow 1917. Hiện
nay các tác giả nữ nổi tiếng là Mary Higgins Clark, Elizabeth George, Patricia
Cornwell, v.v... Được báo chí phong là nữ hoàng của truyện trinh thám Hoa-Kỳ, bà
Patricia Cornwell (cũng như bà Elizabeth George) nổi tiếng với những truyện
trinh thám về những tên sát nhân hàng loạt (serial killer) và những cuộc săn đuổi
truy tìm thủ phạm gay cấn và khoa học của nữ thám tử giảo nghiệm tử-thi Kay
Scarpetta, Kay Scarpetta series đã xuất bản được 15 tựa; ngoài ra tập Portrait
of a Killer: Jack the Ripper - Case Closed (2002) gây chấn động khi bà kết
luận rằng thủ phạm giết Jack the Ripper là họa sĩ Walter Sickert, giải tỏa bí ẩn
hình sự đó.
Agatha Christie (1890-1976) một thời được xem là Nữ hoàng
trinh thám, tác-giả 66 tiểu thuyết trinh thám, với hai nhân vật thám tử nổi tiếng,
Hercule Poirot (thám tử lập dị người Bỉ) và Jane Marple (Miss Marple, bà phải
là một thám tử nhưng phá giải được nhiều vụ án chỉ bằng trực giác nhạy bén và sự
tập trung cao độ). Tiểu thuyết trinh-thám đầu tay, The Mysterious Affair at
Styles, xuất bản năm 1920 giới thiệu cho độc giả nhân vật thám tử nổi tiếng
Hercule Poirot, người sẽ xuất hiện trong 30 tiểu thuyết và 50 truyện ngắn khác.
Còn nhân-vật thám tử kia, Bà Marple xuất hiện lần đầu trong The Murder at
the Vicarage năm 1930 và 11 tập khác.
Hiện tượng loại tiểu thuyết đen (romans noirs) còn gọi
là loại gây xúc động (thrillers) của các tác-giả Hoa-Kỳ. Raymond Chandler
(1888-1959 với nhân-vật Philippe Marlowe nổi tiếng). Rồi Dashiell Hammett
(1894-1961) mà nhân-vật Sam Spade được Humphrey Bogart làm cho bất tử trong
phim The Maltese Falcon. Truyện nổi nhất, Mặt Nạ Đen, trong đó, ông đưa ra tay
thám tử tư đầu tiên nhưng không tên, ‘Continental Op’ (Red Harvest, The Dain Curse), sau đó
là các thám tử Sam
Spade (The
Maltese Falcon), Nick and Nora Charles (The Thin Man). Năm
1927 Mùa Gặt Đỏ (Red Harvest), trong đó, người ta gặt người, và đỏ, máu. Nhân vật
chính, một ‘operateur’, một thám tử, tới một thành phố ô nhiễm, Poisonville,
làm sạch nó. Tại những ngã tư, nhìn mấy ông phú lít râu ria lởm chởm, quần áo
lôi thôi, tay này vừa lái xe vừa gật gù cái đầu, thành phố này có vấn đề.
Hammett không làm văn chương, hành văn khô khan nhưng gợi hình. Văn của ông trần
trụi. Ông bệ tiếng lóng từ đường phố vào văn-học. Sau thế chiến 2, ông bị kết
án là cộng sản và tiểu-thuyết của ông bị lấy ra khỏi các thư viện công cộng.
Các tác-phẩm đầu tay của ông như The Big Knockover xuất bản đầu thập
niên 1920 trong loại sách được gọi là 'Pulp' (in trên loại giấy còn vẩn gỗ
nát). Tác-giả Mickey Spillane (1918-2006) dựng thám tử tư Mike Hammer - chính
tác-giả đã thủ vai thám tử Hammer trong bộ phim Girl Hunters. Ông còn dựng lên
nhân-vật siêu điệp viên Tiger Mann được ưa chuộng trong thập niên 1960. Nhân-vật
của ông có khuynh hướng ‘chơi rắn’ và ‘gợi cảm’. Nguyên tắc sáng tác của ông là
viết những gì mà ông cũng thích đọc và nếu độc giả ưa chuộng lại càng hay. Cốt
truyện giản đơn, không cần triết lý cao siêu, phức tạp cũng không cần những dằn
vặt nội tâm; ngay cả không quan trọng việc ông thích hay không thích hành vi của
các nhân vật. Mickey Spillane tác-giả tuyệt phẩm One Lonely Night (1951),
về một viễn ảnh đen tối luật rừng của đô thị sau Đại thế chiến Hai, và The
Deep (1961) (16).
Người viết theo khuynh hướng và được gọi là trường phái
Hard-boiled School (‘dân chai đá’ ‘cứng cựa’, ‘un dur à cuire’), tiểu-thuyết
đen (roman dur) này thường là miêu tả hành động tàn bạo, ‘giết người như ngóe’
đam mê tốc độ và dục tình trong khung cảnh thành phố hay trên đường nhựa.
Nhân-vật thường chai đá bạo động và không chấp nhận sống theo khuôn khổ. Thể-loại
này được các tác-giả Hoa-Kỳ như ba tác-giả vừa nói và Jim Thompson, David
Goodis, v.v. mở đầu từ những thập niên 1920-1930 với những nhân-vật chính thường
là ông cò, thám tử, xếp băng cướp hành xử một loại công lý hảo hán vì thế nhân
mà hành đạo (nhưng chính các tác-giả người Anh đưa thể-loại lên đỉnh cao của
nghệ-thuật, thường được gọi là tiểu-thuyết polar hay polar đen). Tiểu thuyết
trinh thám đen của Hoa-Kỳ có thể xuất thân từ tiểu thuyết phiêu lưu viễn Tây,
tìm vàng, giết người như ngoé, không khí bạo động hoang dã, tột cùng. Có tác-giả
như Hammett đã đạt tới đỉnh cao thể loại khi miêu tả nhân vật và hành động rất ấn
tượng, đã đem các nhân-vật từ miền Viễn Tây đến các đô thị với cùng luật của kẻ
mạnh 'bắn chậm thì chết'. Tác-giả khác như Chandler thì đào sâu tâm
trạng các nhân-vật, trình bày những diễn tiến tâm lý sâu xa. Nhu các nhà phê
bình văn-học Hoa-Kỳ đã nhận xét, chính cái không khí căng thẳng của hậu thế chiến
thứ Hai với những luật lệ căng thẳng như cấm rượu, như lùng bắt những kẻ thân Cộng,
những thứ đã biến tất cả những người công dân của nó trở thành những kẻ phạm
pháp.Nói chung, các tác-giả tiểu-thuyết đen này đã ảnh hưởng lên nền điện ảnh
Hoa-Kỳ cho đến gần đây.
Cuối cùng là thế hệ tiếp nối của những Stephen King, Dan
Brown, v.v... Stephen King, được gọi là ông vua của tiểu thuyết kinh dị hoặc ông
vua toàn cầu về tiểu-thuyết bán được, từ tập tiểu thuyết đầu tay Carrie (1974).
Ông có một lối viết rất mới, rất bình dân, đi thẳng vào cốt truyện, gài những sự
kiện, gây tâm lý chờ đợi hồi hộp để đến một lúc nào đó bung cả ra tạo những bất
ngờ lớn làm say mê người đọc.
Tóm, đề tài thường khủng khiếp, nhưng chính kỹ thuật tình tiết
(gây ngạc nhiên và rối loạn nơi người đọc) và nước đôi thực-giả khiến các tiểu-thuyết
này trở thành phổ cập và đại chúng. Theo một số lý thuyết gia văn-học
như Gérard Genette (17) thì thể-loại này thuộc về tưởng tượng, phi thực nhưng
liên quan và bén rễ trong những thực tại xã hội và chính-trị của thời đại,
nhưng nguyên tắc vẫn là thực giả mờ ảo hoặc hoà tan (có tác-giả như Thierry
Jonquet 1998,... từng bị đưa ra tòa). Da Vinci Code (2003) của Dan
Brown muốn giải mã một số bí mật và ẩn-số lịch sử xa xôi, và đã đụng chạm nhiều
tôn giáo, quốc gia. Tính ngụy trang thực tại (tham khảo và tin vặt của đời sống)
của tiểu-thuyết đen đã khiến thể-loại này bị loại ra ngoài sáng-tạo
văn-chương - ngoài yếu tố ngôn-ngữ không được xem trọng tâm ở tiểu-thuyết đen
(cũng như trinh-thám. Kỹ thuật tham chiếu và hư-cấu sáng-tạo khác biệt nhưng
hòa hợp ở tiểu-thuyết đen, nói như Jim Harrison, "Il n'y a pas de vérité,
il n'y a que des histoires" (không có sự thật, chỉ có những chuyện được kể
lại). Có những tác-giả đi xa, trở lùi thời gian như Bernard Knight đặt truyện
trong bối cảnh thời Trung-cổ và ở nhiều nơi khác là đất Anh của ông. Có thể nói
một số cây viết Việt Nam gần đây đi vào con đường này, như Trần Vũ trong truyện
điếm đàng lịch sử "Giáo sĩ" (18). Một tùy tiện sử dụng lịch sử mà
giáo sư Nguyễn Văn Trung đã lên tiếng cảnh báo. Trần Vũ đã phản ứng lại trong
bài "Lịch sử trong tiểu thuyết - một tùy tiện ý thức" kết luận rằng
"Sự thật nằm trong kinh thánh. Cựu Ước và Tân Ước, những cuốn tiểu thuyết
hiện thực huyền ảo") (19). Thiển nghĩ cần phân biệt chân-lý phổ quát với sự
kiện lịch sử!
Gần đây thể-loại tiểu-thuyết đen tự phân thân ra những
trinh-thám suy-luận chính-trị, tư pháp, y khoa, tâm lý, kinh tế, tài chánh, lịch-sử,
và dĩ nhiên hình-án. Biên giới giữa các loại tiểu-thuyết đen rất mơ hồ, nhập nhằng
không dễ phân biệt. Nếu phải phân loại thì nói chung có thể ghi nhận ba loại :
tiểu-thuyết hình án (cảnh sát), tiểu-thuyết kinh dị và tiểu-thuyết thực sự đen.
Hoặc thu gọn trong hai loại: tiểu thuyết bí ẩn (roman énigme) và tiểu thuyết
đen (roman noir). Đối với roman énigme, người điều tra sẽ đứng bên ngoài và
quan sát diễn biến sự việc. Còn đối với roman noir, người điều tra cũng là một
mắt xích trong câu chuyện. Nếu tiểu-thuyết đen của Pháp đặt nặng vai trò của tội-phạm
thì các tác-giả Anh lại cho thám tử vai trò quan trọng và thường là
nhân-vật chính. Trinh thám Pháp thường đi sâu vào phần điều tra và phân tích
tâm lý, trong khi tiểu thuyết trinh thám Mỹ lại nhấn mạnh vào phần hành động của
nhân vật. Dòng tiểu thuyết trinh thám Pháp đã từng phôi thai từ rất lâu trước
đó với các tác phẩm của Alexandre Dumas, Eugène Sue và gần hơn là Eugène Dabit.
Trong loại tiểu-thuyết hình án, có hai câu chuyện: chuyện cái
Chết và chuyện điều tra. Hai câu chuyện như một lưỡng đầu đọ sức, đọ thông minh
và trực giác. Những bí mật, tiềm ẩn sẽ được khám phá, đưa ra ánh sáng. Suốt câu
chuyện sẽ là những hồi hộp, ngạc nhiên liên tục, tiếp nối. Tiểu-thuyết đen xuất
hiện từ văn minh kỹ nghệ và đời sống đô thị, đem xã hội vào tiểu-thuyết
hình-án. Thế giới bạo động thực sự này được đưa vào tiểu-thuyết khiến tiểu-thuyết
đen trở nên hình ảnh của một thế giới mà cái Thiện và Ác khó có thể phân biệt
và các giá trị luân lý, văn hóa cũng mất dần tầm quan trọng. Tiền bạc và quyền
lực sẽ thay thế luân lý và trí thức. Từ vũng lầy đó, ảo tưởng sẽ ngự trị, con
người sẽ phải đối đầu với đảo lộn tôn ti và tương quan lực lượng.
Trong số các tác-giả Pháp hiện nay, xin nói đến Didier
Daeninckx và Jean-Patrick Manchette (1942-1995). Manchette nhập dòng
trinh-thám Série noire năm 1971 với Laissez bronzer les cadavres (avec
Jean-Pierre Bastid) và L'Affaire N'Gustro. Tác phẩm Laissez bronzer
les cadavres (Cứ để cho xác chết bị mặt trời nướng chín) báo hiệu sự khôi
phục mạnh mẽ của dòng tiểu thuyết trinh thám Pháp, với trường phái mới của
trinh thám Pháp ra đời dưới danh hiệu "néopolar".
Didier Daeninckx mà tác-phẩm đầu là Mort au premier tour (1982,
Giải thưởng văn học trinh thám/ Grand prix de littérature policière năm 1985,
sau ông viết lại, chỉ giữ ba dòng đầu), Meurtres pour mémoire (1984), La
Mort n'oublie personne (1989), La Mort en dédicace (2001) đến những
tập gần đây Je tue il (2003), Le Crime de Saint-Adresse (2004), Itinéraire
d'un salaud ordinaire (2006) và Histoire et faux-semblants (2007).
Nhân-vật thám tử Cadin thiên tả có mặt từ tiểu-thuyết đầu Mort au premier
tour (tranh đấu bảo vệ môi sinh) đã được tác-giả cho chết vào năm 1989
trong Le Facteur fatal. Truyện Je tue il về đề tài xâm-phạm
tác-quyền văn-học và xuất-bản, khởi từ bí mật của nhân-vật tự xưng là René
Trager, tự nhận là nhà văn Paris. Chuyện xảy ra ở Nouvelle- Calédonie, vào thời
Mỹ rút quân khỏi đảo sau đệ nhị thế chiến chiến thắng chống Nhật. Nhân-vật
Viviane xưng 'tôi' lầm tưởng thật nên đã lập gia đình với nhà văn giả mạo. Y
('Il') trốn ở đảo, ngày ngày vào thư viện xóa tráo tên các tác-giả trên sách
báo; khi y chết bà vợ Vivianne mới khám phá ra đã mạo danh René Trager nhà văn
thật sống ở Paris. Chính Daeninckx từng là nạn nhân tương tự năm 1990.
Didier Daeninckx vẫn dùng đề tài thời sự ở Pháp và các thuộc
địa, lãnh địa của Pháp như lịch-sử như cuộc thảm sát ở Algérie thuộc địa Pháp
ngày 17 octobre 1961, những đòi hỏi của dân tộc kanak thuộc đảo
Nouvelle-Calédonie (Le Retour d'Ataï, 2002), v.v... Ông có đến Việt-Nam năm 2006
cổ động tiểu-thuyết Pháp và cuốn La Route du Rom (2003) của ông dịch
ra Việt ngữ với tựa Đường Du Mục. Trong tác-phẩm của ông, cái Chết đa phần
là khả nghi và do thủ đoạn, tà tâm; và ông tự cho có sứ mạng 'bổn-phận
không-vâng-lời' vốn là kim chỉ nam của ông từ khi bắt đầu viết truyện
trinh-thám : sứ mạng đấu tranh chống lại những im lặng, những mờ ám của lịch sử
(chủ nghĩa bài Do Thái, chiến tranh tại Algerie, chủ nghĩa thuộc địa, ...),
phơi bày chúng ra trước ánh sáng công luận và lịch-sử!
Tác-giả người Việt Pháp-thoại Trân Nhut Thanh Van và Trân
Nhut Kim, hai chị em, cùng là tác-giả của Le Temple de la grue écarlate (1999), L'Ombre
du prince (2000), La Poudre noire de Maĩtre Hou (2002), L'Aile
d'airain (2003, Trân Nhựt Thanh Vân ký), L'Esprit de la renarde (2005), Les
Travers du docteur Porc (2007); tất cả đều do nhà xuất bản Philippe
Picquier. Một phần bộ truyện đã được dịch ra tiếng Nga, Tây-ban-nha, Nhật-Bản,
Ý. Vừa là tiểu-thuyết lịch-sử vừa là trinh-thám, bộ truyện được đặt
vào khung cảnh Đại Việt thời Trịnh-Nguyễn phân-tranh thế kỷ XVII trở đi với
nhân-vật chính là quan Tân, từ khi thi Hương xong được cử về tỉnh nhỏ đến khi
được bổ về triều làm đến thượng thư; từ những vụ án ở kinh thành Thăng Long đến
thời nhiểu nhương Việt Nam trở nên cái đích của thương nhân và thực dân Tây
phương (tác-giả cho rằng người Việt cởi mở về tín ngưỡng). Hai tác-giả dựng nên
nhân-vật quan Tân, một ông quan án lý tưởng vừa công minh vừa dào dạt tình người,
từ những hiểu biết về một ông cố ngoại năng động và trực tính từng được bổ nhiệm
làm quan án khi hãy còn rất trẻ. Quan Tân dù trẻ nhưng vẫn có những dị đoan và
hành xử trung với vua như người thời đó (cũng vì trung nên sau theo phe chúa Trịnh
dù biết là phe thua), đã phải vận dụng tài trí và khả năng hơn người để đối phó
với nhiều thành phần và nhóm người thế lực trong xã hội, từ các quan, công chức,
đến các nhà nho, tăng sĩ, băng đảng, và cả hoàn cảnh cá nhân (quan trẻ lọt vào
mắt của cha mẹ các thiếu nữ tới tuần cập kê), gia đình (trong l'Aile d'airain
ma nữ đồng trinh trả thù sex đàn ông, quan Tân phải đi lùi quá khứ gia phả để
phân xử và hóa giải những ác lực tối tăm đang bủa vây lên người trong làng và cả
chính tâm hồn ông), v.v... Cái nền văn-hóa, phong tục (vai trò người phụ nữ, những
liên hệ với Chàm) và con người Việt Nam được chủ tâm đề cập và phân tích. Những
thần thánh, ma quỷ và mê tín dị đoan (thờ cúng tổ tiên, bái vật, ma thần vòng,
ma nhập, thú vật đầu thai,...), những sinh hoạt tính dục thăng hoa trường
sinh, v.v. cũng được vận dụng trong những kỹ thuật và tâm lý điều tra. Nhãn
quan hiện đại được các tác-giả tài tình hội nhập vào suy nghĩ và hành động của
các nhân-vật chính cũng như phản diện. Hai bà đã thành công đánh vào thị hiếu của
độc giả người Pháp vốn không dễ tính.
Ở đây không thể không nhắc nhở bộ tiểu thuyết công án Trung
Hoa được nhà Đông-phương học Robert Van Gulik viết lại, Celebrated Cases
of Judge Dee ('Địch Công Án'/Những cuộc điều tra của quan Đề, 1968) gồm 17
tập. Một loại tiểu-thuyết trinh-thám về quan án Địch Công được xây dựng dựa
trên nguyên mẫu của tể tướng Địch Nhân Kiệt (630-700) một nhân-vật có thật sống
vào đời nhà Đường thế kỷ thứ VII, một quan toà cổ đại Trung Quốc mang dáng dấp
của những Philippe Marlowe, Sherlock Holmes,... dưới ngòi bút của tác-giả. Xuất
phát từ bộ Đường Âm Tỉ Sự tác phẩm Trung Quốc thế kỷ 13, Robert Van
Gulik cũng khéo léo đưa vào bộ tiểu thuyết trinh thám này những nét văn hóa, lịch
sử, phong tục của Trung Quốc, khiến truyện thêm nét độc đáo. Một phần bộ truyện
đã được dịch ra tiếng Việt : Xử án trong tu viện, Bí mật quả chuông, v.v...
Dân Á châu, Trung Hoa, Nhật hay Việt-Nam, đọc trinh thám chủ
yếu từ những bản dịch của tiểu-thuyết phương Tây. Thể loại này không được coi
là nghệ thuật và không được khuyến khích. Thể loại tiểu thuyết hình án xuất hiện
hơi trễ ở Nhật. Có thể nói sau Đường Âm Tỉ Sự, tác phẩm Trung Quốc thế kỷ
13, đến những năm 1950 mới thực sự có hiện tượng nhập cảng loại tiểu thuyết đen
được xem như một loại văn học đại chúng mà tiểu thuyết trinh thám và khoa học
giả tưởng là bộ phận chính, dù trước đó đã có những phóng tác truyện của Edgar
Allan Poe, Arthur Conan Doyle, Maurice Leblanc, Gaston Leroux, Agatha Christie,
v.v... Khác với người Hoa và Việt, thể trinh-thám được tác-giả người Nhật thử
nghiệm và được độc giả đón nhận. Thám tử lừng danh Conan, còn được biết đến
dưới tên tiếng Nhật Meitantei Konan là một bộ truyện tranh trinh thám
của tác giả Gosho Aoyama, từng được đăng trên tuần báo Shonen Sunday từ
năm 1994. Nhà xuất bản VIZ Media đã phát hành bộ truyện tranh Thám tử lừng
danh Conan tại Mỹ dưới cái tên tiếng Anh là Case Closed (Vụ án
đã được khép lại). Nhân vật chính trong truyện được gọi theo tên tiếng Anh,
trong khi các nhân vật phụ vẫn được gọi tên theo tên gốc bằng tiếng Nhật. Thám
tử lừng danh Conan được viết theo thể văn trinh thám cổ điển, với cách bố trí cổ
điển của những vụ sát nhân trong nhà, và những vụ án có vô số kẻ tình nghi. Bao
trùm lên các vụ án cũng là cách lập luận phá án hết sức điển hình của văn trinh
thám cổ điển. Ngoài ra, tác-giả Akagawa Jiro (1948-) đã xuất bản cả 400 tựa
liên tục khởi từ Ghost Train (1976) đến những Incident in the
Bedroom Suburb, Voice from Heaven, Sailor Fuku to Kikanju, v.v...
Phía Trung Hoa chậm hơn. Cảnh sát, công an là những lãnh vực
cấm kỵ ít ai muốn đụng đến. Năm 2007 có hai tiểu thuyết Trung Hoa được xuất bản,
một cuốn sách dí dỏm và gay cấn của Nury Vittachi mang tên Công đoàn những thần
bí công nghiệp thành phố Thượng Hải (The Shanghai Union of Industrial Mystics)
và cuốn tiểu thuyết trinh thám của Cầu Tiểu Long (Qiu Xiaolong) về quan thanh
tra họ Trần mang tên Khi Đỏ Là Đen (When Red Is Black). Những tiểu thuyết này sử
dụng lối kể chuyện của phương Tây, xa những hình án bí hiểm thời nhà Đường!
Cho đến đầu thế kỷ 20, văn học Việt-Nam vẫn
chưa có những thể loại tiểu thuyết giàu trí tưởng tượng như võ hiệp và giàu óc
phán-đoán như công án của văn học Trung Quốc. Riêng về tiểu thuyết trinh thám tới
giữa những năm 1920, trong Nam có Nguyễn Chánh Sắt nhưng nói tới tiểu thuyết kiếm
hiệp phải nói tới Phú Đức với Gái Trả Thù Cha (1920-) bộ tiểu thuyết
trinh thám gồm 4 tập mỗi tập khoảng 220 trang. Ông lợi dụng phong trào võ tạ và
quyền Anh có sự thách thức giữa võ sĩ Tạ Ánh Xém và Amadou vào khoảng năm 1924.
Tiểu thuyết kiếm hiệp có pha lẫn loại trinh thám, một thể loại mới lạ và có phần
gần gủi với truyện Tàu. Thế Lữ xuất bản Tiếng hú hồn mụ Ké, và một vài truyện
mang yếu tố trinh thám khác (Lê Phong Phóng Viên,...). Nhưng Phạm Cao Củng mới
là tác-giả chuyên nghiệp của những tiểu thuyết trinh thám theo phương Tây. Ông
khai thác hai thể loại: trinh thám suy luận và trinh thám mạo hiểm. Loại đầu
có Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Cái kho tàng nhà
họ Đặng, Ba viên ngọc bích (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người
(1941), Nhà sư thọt (1941), Đôi hoa tai của bà Chúa (1942), Đám cưới Kỳ Phát
(1942)... với nhân vật thám tử Kỳ Phát. Loại sau có Bàn tay sáu ngón,
Hai người lên máy chém (1950, Người chó sói (1950), Chiếc gối đẫm máu (1951)...
mà nhân vật trung tâm là Tám Huỳnh Kỳ. Loạt truyện về thám tử Kỳ Phát chịu ảnh
hưởng nhiều của Conan Doyle, mang nhiều dáng dấp Sherlock Holmes. Còn Tám Huỳnh
Kỳ là sự pha trộn của Arsène Lupin (nhân vật của Maurice Leblanc). Tuy vay mượn
thể loại nhưng ông đã Việt hóa rất tài tình, cả sáng tạo. Nhân vật thám tử Kỳ
Phát đã được ông gán cho những phẩm chất vốn được ưa chuộng ở phương Đông như
coi khinh quyền thế, tiền tài, cảm thông với người dân thấp hèn, không quản ngại
nguy hiểm cốt lẽ phải được sáng tỏ. Kỳ Phát tôn trọng pháp luật cũng như tôn
quý tình cảm và đạo đức mang dáng dấp của hiệp sĩ hảo hán của tiểu thuyết cổ
Trung Hoa.
Các nhà văn và độc giả Việt-Nam vẫn xem truyện trinh thám
là văn học hạng hai, không phải là văn-chương chính-thống. Một phần vì
truyện trinh thám Việt-Nam cấu trúc đơn giản, thiếu kỹ thuật trinh-thám và tưởng
tượng. Các tác-giả lại không có kinh nghiệm và kiến thức. Gần đây ở ngoài nước
xuất hiện T. Mất Tích mang hình thức của một tiểu thuyết trinh thám,
cảnh sát hình sự nhập xuất, nhưng thật ra là một thử nghiệm về hình thức sáng
tác; tác-giả Thuận không đưa người đọc đi tìm dấu vết của T, mà như là trình
bày diễn trình hội nhập đời sống Pháp của nhân-vật T. Trong nước nay đầy dẫy
sách dịch, từ những Edgar Allan Poe, Sir Arthur Conan Doyle, Agatha Christie,
Bram Stoker, James Hadley Chase, v.v... Về phần sáng tác đã có những tiểu thuyết
hình-án, trinh thám như truyện Vũ Điệu Tử Thần (2007) của Trần Thanh
Hà, trinh thám, kinh dị như các tập truyện Điệu Valse Địa Ngục (2007,
truyện Vong hồn trên những cánh đồng chết), Tầng thứ nhất (2007), Trang
Trại,... của DiLi,... tiểu-thuyết Vũ Điệu Tử Thần ‘biên tập’
lại từ kịch bản phim cùng tên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và tác-giả Trần Thanh
Hà là người từng biên tập nhiều truyện trinh thám ngoại quốc và Việt-Nam. Cuộc
tìm thủ phạm đã giết cô gái nhảy bốc lửa được thuê cho những cuộc ăn chơi, qua
những cái Chết bí ẩn liên quan đến loại ma túy tổng hợp có tên Freelay và những
cuộc trình diễn ma túy điên trong thành phố... Đoàn Minh Phượng với Và Khi
Tro Bụi (2007), mang hình thức trinh thám nhưng đặc biệt viết về cái Chết
và nỗi hoang mang về tương lai cô đơn! Tiếc rằng loại này chối từ tác-phẩm như
là sáng tạo văn-chương hoặc họ quan niệm sáng tác vì thương mại! Khuynh hướng
lây sang những nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp muốn bình dân hóa văn-học, với dòng
'tiểu thuyết ba xu' (Tiểu Long Nữ, Gạ Tình Lấy Điểm 2007) mỏng ở độ dày và
kỹ thuật văn-chương! Pierre Jourdi gọi đây là ‘văn-chương rỗng ruột’ (20)
đang diễn ra ở Việt Nam như đã xảy ra ở Âu Mỹ trước đây. Rỗng ruột vì
thử nghiệm hình thức, kỹ thuật, pha trộn các thể loại, viết vội vàng, thiếu
phong cách, v.v. Khoác vẻ tiểu thuyết để xuất bản cho nổi danh hoặc với mục
đích thương mại. Thay vì viết những 'tác-phẩm' không nội-dung, rỗng ruột, không
'sứ điệp', không biết viết cho ai, 'không đầu không đuôi' hay không kỹ thuật,
không văn-chương, không... và không..., tại sao ta không thử nghiệm thể loại
tiểu-thuyết đen và trinh thám? Mặt khác, sau nhiều thế kỷ văn minh vật chất đã
đạt tột đỉnh, thì thế kỷ XXI có thể là thời của tâm linh; tại sao không đi sâu
vào đề tài cái Chết? Văn-chương cổ điển, lãng mạn, chính trị,... đã
qua; thời tiểu-thuyết đen nên đến, với tác-giả Việt!
Nhà văn Việt-Nam coi thường truyện trinh thám. Không thể tổng
quát hóa về bản chất người Việt triết lý, mơ mộng, vì người Việt bác học cũng
nhiều, nhưng theo thiển ý hiện văn-chương đang bế tắc, sau những 'tác-phẩm' nội
dung tự truyện hình thức thử nghiệm. Xã hội Việt-Nam trong cũng như ngoài nước
cũng đầy dẫy đề tài cho tiểu-thuyết trinh-thám. Nếu không là những dây dưa tình
báo, mạng nhiện kinh tài thì những hoạt cảnh của đời sống mới ở trong và ngoài
nước cũng đa dạng và dồi dào. Xã hội kim tiền nhưng đầy bất công và hỗn loạn,
tâm lý con người bị động, bất thường, không hội nhập được, hành hung, án mạng
có thể diễn ra bất cứ ở đâu và lúc nào. Cái Chết dễ có lý do, mà sát nhân có
khi chỉ là nạn nhân và cũng có thể sẽ là cái Chết tiếp theo. Nhân chứng hả? Họ
thường có hai khuôn mặt và cũng có thể là thủ phạm chính hay đồng lõa. Công lý
và ánh sáng có thể tìm thấy ở cuối truyện nhưng nhân cách, con người thật của
nhân-vật, thủ phạm hay đồng lõa, cũng cần đào sâu tâm lý, nhân sinh quan. Có những
tác dụng tinh thần lớn: tiểu thuyết trinh thám giúp họ biết sử dụng lý trí để
tách bạch mọi yếu tố và nhờ đó phán đoán một cách sáng suốt trong cách xử thế,
chớ để cho tình cảm và đam mê mặc tình lôi cuốn. Tiểu thuyết trinh thám luôn là
mảnh đất màu mỡ để các nhà văn thể hiện trí tưởng tượng, khả năng tư duy logic
và nghệ thuật của trò chơi kịch tính.
Về cái Chết thì nếu rời khỏi đường mòn tôn giáo và triết lý,
cái Chết có vị trí chính đáng trong văn-chương nghệ-thuật. Cái Chết trong văn bản
hôm nay được bao gồm để loại bỏ, và bị loại bỏ để được bao gồm, một đường bước
đi nhưng không phải là bước chót, đường cùng. Đưa cái Chết vào văn-chương bằng
cách phân tích, phản ứng,... là một cách thấu hiểu cách dựng xây xã hội của
cái Chết và hiện thực hóa qua cái xác. Hiện tượng tiểu-thuyết đen xác nhận nhu
cầu tái phát hiện cái Chết là một đòi hỏi xã hội và từ đó có thể nói, hiện tượng
phản ảnh vấn nạn thời đại khá lớn mà mọi người không thể tránh. Và nhà văn cũng
không thể tránh đề tài cái Chết! Cái Chết hiện thực qua những cái xác thân
khuyết tật, bệnh hoạn, khủng hoảng, bị nguy khốn, bị bạo hành, nạn nhân của chiến-tranh
rồi chế độ toàn trị, v.v...
Thể loại tiểu-thuyết đen, trinh-thám hiện đại và hậu hiện
đại, và đề tài cái Chết vừa là cách tân nội dung vừa cách tân hình thức, kỹ thuật.
Và vừa thỏa mãn người trí thức vừa đến với độc giả đại-chúng. Lãng mạn, hiện thực
cổ điển, hiện thực quốc tế, hiện đại phản tiểu-thuyết (tiểu-thuyết mới) rồi
cũng qua đi, nếu còn thì cũng sống dở chết dở; văn-chương hôm nay trở lại với
con người, một chủ nghĩa nhân bản mới trong đó môi sinh, lịch sử và văn-hóa địa
phương, đặc thù được chú trọng, đề cao, trong đó tương tác, cộng sinh là những
điều khả dĩ.
Tiểu-thuyết cổ điển Tây phương từ 1860 với những thẩm mỹ học
mới, đã mất đi phần nào tính kể chuyện và hành động. Càng văn-chương thì như
càng phản-truyện, phản-tiểu-thuyết. Bên cạnh đó, tiểu-thuyết đen từ khi xuất hiện
đến nay, ngày càng phát triển - với những cập nhật theo thời đại. Trước hết là
tính đại chúng, nhờ yếu tố mục đích của tiểu-thuyết, tất cả đều đưa đến một cái
đích là giải đáp, là trả lời cho vấn nạn, án mạng,... Câu chuyện và nhân-vật
thám tử như nhập vào trong người đọc; người đọc thắc mắc, hồi hộp, lý luận như
tác-giả lý luận, cả hành động như nhân-vật kể cả đối đầu với cái Chết. Khi thủ
phạm được tìm ra, giải án, người đọc cũng thỏa mãn như nhân-vật trong truyện.
Trong tiểu-thuyết đen, bài học đạo đức không là chính, có thể đạo đức cũng chỉ
là một phương tiện hoặc khía cạnh của câu chuyện. Và tội ác hấp dẫn con người
hơn là luân lý! Ngôn-ngữ của tiểu-thuyết đen gần với đa số người đọc, nghĩa là
không cứ phải văn-chương, kỹ thuật bút pháp cao.
Tiểu-thuyết đen sẽ là tiểu-thuyết của tương lai, của thế kỷ
XXI? Đối nghịch với loại văn-chương rỗng tuếch, không ruột có tính ăn bám và tự
kỷ, tiểu-thuyết đen có thể là lối thoát cho một văn-chương mang tính tôn giáo
hoặc chính trị.
Trong khi tiểu-thuyết cảnh-hình truyền thống Anh quốc cứ khởi
từ tiền đề bản tính con người là xấu (khác con người bản thiện của Mạnh Tử), tiểu-thuyết
trinh-thám bị xem là đề cao bạo lực lại nhìn xã hội bị cái Ác bao trùm, từ đó
đi đến vượt qua cái ác, cái bất thăng bằng, trở thành một thứ văn-chương của khủng
hoảng - đó là lý do loại tiểu-thuyết này đang khởi sắc trở lại. Khởi sắc nhưng
không có nghĩa là được nhà phê bình văn-chương đề cao đúng mức. Tiểu-thuyết đen
thật vậy như một ý thức về cái bạo lực từ tương quan xã hội bao trùm đời sống
các cá nhân và thường trực đặt lại định nghĩa về cái Ác và cái Thiện; thể loại
tiểu-thuyết này sản sinh ra ý nghĩa mới. Các tác-giả gần đây như trở thành những
phóng viên báo chí có mặt tại chỗ, ghi lại những dữ kiện, nêu vấn đề và tìm
cách giải đáp. Pascal Dessaint (Loin des humains, Mourir n'est peut-être pas la
pire des choses) phanh phui những thảm họa môi trường sống do những kẻ khủng bố
môi sinh, những tên khủng bố thời mới. Manuel Vàzquez Montàlban (1939-2003) với
thám tử Pepe Carvalho, tài
tình và hiện thực dữ dội diễn tả đời sống Tây-ban-nha hậu chế độ Franco mà ông
từng bị từ. Sống là cuộc kiếm tìm thường trực và thường con người ta, từ hiền
triết đến người thường, không tìm thấy. Kết quả tìm thấy đa phần thất vọng hoặc
tàn nhẫn. Đó cũng là lý do khiến thám tử ra tay tìm tiếp. Tìm hoài, tìm mãi vì
không còn giải pháp nào khác, dù con đường đi tìm không dễ đưa đến kết quả,
không luân lý, lương tâm, không chắc chắn hết. Trong tiểu-thuyết đen, có hai loại
cái Chết: cái Chết thật của nạn nhân và cái Chết của thủ phạm, cái Chết sau
thường là tượng trưng.
Tiểu thuyết đen cuối cùng cũng được nhìn nhận như một thực thể
và là thể loại văn chương, và đã có những thành công phong cách mỹ học và tham
dự vào diễn văn xã hội. Cản chúng là làm thui chột khả năng làm văn chương.
Chúng tham dự trò chơi văn chương trọn vẹn. Thí dụ như những nhóm hình thức
Ludique và Oulipiens (loạt série Le Poulpe với Jean-Bernard Pouy). OuLiPo (tên
tắt của 'ouvroir de littérature potentielle', xưởng văn chương tiềm lực) chủ
trì văn chương gò bó nhưng hỗn tạp, cổ võ những quy tắc và công thức phức tạp
cho văn chương. Trường phái này cũng áp dụng vào tiểu thuyết trinh thám
như Qui a tué le Duc de Densmore? (Bibliothèque Oulipienne no 67,
1994, Réédition Castor Astral, 2000) của Claude Berge trong đó người đọc chỉ có
thể khám phá thủ phạm bằng một địa lý hình học (théorème) phối hợp của nhà toán
học Hung gia lợi G. Hajós. Trong Le châteaux des destins croisés, Italo
Calvino cấu trúc tác phẩm từ vị trí khác nhau của những lá bài tarot. v.v...
Thế giới hôm nay đang ở trong một giai đoạn đầy cảm giác mạnh,
một thời điểm mang lại một thách thức mới hết sức hấp dẫn đối với những cây viết
bén nhậy và có nhu cầu cập nhật. Với vô số hình thức diễn đạt mới, văn học đại
chúng đã có chỗ đúng bên cạnh văn chương quý phái và đã tạo nên những tầng văn
hóa, nếu được phát triển trong một chiều hướng lành mạnh nghĩa là hợp với nhân
tính, văn chương sẽ giúp cho con người có cuộc sống phong phú, đầy sáng tạo.
Chú thích:
1- "... L'ordre du monde est réglé par la mort". (La
Peste. Paris : Gallimard, 1971, Tr. 147).
2- Mort à Crédit . Paris:
Gallimard/Futuropolis, 1991, p. 16.
3- La Force de l'Âge. Gallimard, 1960, Tr. 617.
4- "Elle a eu une mort très douce; une mort
de privilégié" (Une mort très douce. Gallimard, 1965, tr. 147. Bản dịch của
Vũ Đình Lưu có tựa là Một Cái Chết Dịu Dàng, Văn (Sài-Gòn) 17/1966).
5- "On meurt de quelque chose", Sđd, tr.
164
6- Robert Detweiler. "The moment of death in
modern fiction". Contemporary Literature 13, 3, Summer 1972, p.
269-294.
7- Bản Gallimard 1980, tr. 16.
8- Nathalie Sarraulte. L'ère du soupçon in Oeuvres
complètes. Gallimard 1996, tr. 1577.
9- De la mort sans exagérer; Recueil anthologique,
poésie; traduit du polonais par Piotr Kaminski. Fayard, 1996; tr. 93-94).
10- Gaston Bachelard. L'eau et les rêves : essai sur
l'imagination de la matière, 1942; Paris : J. Corti, 1968. Tr. 64, 77.
11- Frederick J. Hoffman. The Mortal No:
Death and the Modern Imagination. Princeton NJ: Princeton University Press,
1964. 507 tr.
12- Du Tử Lê. "Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển". Thơ
Tình (s.l.: Nhân Chứng, tái bản 1984), tr. 94-96.
13- Thêm, Một Đóa Hồ Nghi. Los Angeles :
Sông Thu, 2004.
14- Mai Thảo. "Hỏi Mình Giữa Biển". Ta
Thấy Hình Ta Những Miếu Đền. Westminster CA: Văn Khoa, 1989, tr. 94, 96.
15- Leslie A. Fiedler. Love and Death in the
American Novel. Champaign, IL: Dalkey Archive Press, 2003. Tr. 430+.
16- Hoàng Hải Thủy đã phóng tác ra Việt ngữ, tựa Gã
Thâm, 196?, sau Gã Thâm trở thành một bút hiệu khác của HHT.
17- Gérard Genette. Fiction et diction. Paris
: Du Seuil, 1991, p. 31.
18- Hợp Lưu, số 68 (12-2002), tr. 226-261.
19- "Lịch sử trong tiểu thuyết - một tùy tiện
ý thức", Hợp Lưu, số 72, 8 & 9/2003, tr. 45.
20- Pierre Jourde. La Littérature sans estomac.
Paris : Pocket, Esprit des Péninsules, 2004. Tr. 185-190.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét