Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

"Ông vua phóng sự" Vũ Trọng Phụng tác nghiệp

"Ông vua phóng sự" 
Vũ Trọng Phụng tác nghiệp
Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, thể phóng sự đã nhanh chóng được du nhập và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa - văn học lúc bấy giờ. Làng phóng sự thời ấy hay nhắc đến “ba cái mặt của Hà Nội”, “ba thằng họ Vũ” (lời Lê Tràng Kiều): Tam Lang Vũ Đình Chí, Tiêu Liêu Vũ Bằng và Thiên Hư Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Phụng tuy đến với phóng sự muộn hơn tác giả Tôi kéo xe nhưng ông đã nhanh chóng vượt lên giữ vị trí “chiếu nhất”, trở thành “tay viết phóng sự cứng nhất trong số những nhà văn hiện thực nổi tiếng thời bấy giờ” (Vũ Ngọc Phan). Hàng loạt phóng sự nổi tiếng như Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Cơm thầy cơm cô (1936), Lục xì (1937), Một huyện ăn Tết (1939)... đã đưa tên tuổi Vũ Trọng Phụng lên hàng “ông vua phóng sự”, mà có thể nói, cho đến nay vẫn chưa có ai “kế vị”.
Phóng sự là một thể loại thuộc loại hình ký với yêu cầu hàng đầu là cung cấp thông tin mang tính thời sự và đáp ứng một vấn đề cấp bách nào đó mà xã hội đang quan tâm. Mục đích của phóng sự là cung cấp cho công chúng những tin tức chính xác, đầy đủ, phong phú để họ tự nhận thức, đánh giá đúng người và việc mà họ đang quan tâm theo dõi. Muốn đạt được điều đó, người viết phóng sự thường sử dụng những biện pháp nghiệp vụ như điều tra, phỏng vấn, đối thoại, ghi chép tại chỗ...
Vào nửa đầu thế kỷ trước, chắc chắn các ký giả không có các phương tiện hiện đại như máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim... để tác nghiệp. Tam Lang muốn làm phóng sự một cách thuyết phục cũng chỉ đến “mượn bộ quần áo nâu của một bạn áo ngắn, khoác vào mình, rồi mạnh dạn đi làm xe” (Tôi kéo xe). Vũ Trọng Phụng tuy đã có lần đã sắm vai một “thằng cơm thầy cơm cô một trăm phần trăm” (Cơm thầy cơm cô) để thâm nhập vào thế giới của những “con sen thằng quít” nhưng không thể khẳng định rằng ông đã trải nghiệm, lăn lóc kỹ lưỡng trong giang sơn của những me Tây, gái điếm, cờ gian bạc bịp... để cho ra đời những thiên phóng sự được đánh giá là “những tác phẩm đã làm vinh dự cho văn học nước nhà” (lời Nguyễn Vỹ).  
Giới văn sĩ Bắc Hà vẫn “chúng khẩu đồng từ” về tính cách và lối sống nghiêm túc và đứng đắn của Vũ Trọng Phụng. Vũ Ngọc Phan khẳng định: “Trong làng văn xưa, Phụng là người đứng đắn”, là “con người mực thước”. Theo Vũ Bằng, người anh em cùng học một lớp, cùng ngồi một bàn từ thuở nhỏ ở trường Hàng Vôi, lớn lên làm báo, ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu với Vũ Trọng Phụng, thì: “Trong tất cả anh em quen biết, Phụng có lẽ là người “chân chỉ hạt bột” nhất, hiền lành nhất mà tương đối cũng là đạo đức nhất”, “nhiều khi anh em đi hát hay chè rượu, phiện phò thì anh ngồi uống nước, hút thuốc lào một mình và viết bài cho báo khác để kiếm thêm giúp bà, nuôi mẹ và để tiền lấy vợ” (1). Lưu Trọng Lư cũng công nhận Vũ Trọng Phụng là “một người bình dị, một người cha đứng đắn, một người chồng đứng đắn hơn, một người con rất hiếu, người của khuôn phép, người của nề nếp” (2).   
Vậy đâu là nguyên nhân của những thành công vượt bậc của một nhà văn chuyên viết về ăn chơi trụy lạc, gái điếm, lưu manh, trộm cắp... nhưng luôn sống khuôn phép, mực thước trong thiếu thốn, nghèo đói?
Đặc trưng của phóng sự là “thăm dò lấy việc và ghi lấy việc” (Vũ Ngọc Phan),  một ngòi bút phóng sự không thể hời hợt, nông nổi hoặc lười biếng, qua quýt. Vũ Trọng Phụng tuy sống ngắn nhưng sống sâu, kết quả một tuổi thơ cay đắng của “thằng Tý” (tên sữa của Vũ Trọng Phụng) sống chung đụng với biết bao hạng người khố rách áo ôm, đầu đường xó chợ ở Hà thành. Hoàn cảnh xuất thân thấp kém một mặt đã tạo ở ông một thái độ hằn học, thậm chí là cay độc đối với những xấu xa của xã hội, mặt khác đã tạo điều kiện cho ông dò la, nghe ngóng, săm soi, lật tẩy... mặt trái của xã hội “chó đểu, khốn nạn” ấy. Qua sự thật được phơi bày trong các thiên phóng sự, Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “đứa con trực tiếp của cuộc đời” với lối “văn chương sặc mùi tiêu ớt” (Trương Tửu).
Đã có biết bao “giai thoại” về nghệ thuật tác nghiệp của Vũ Trọng Phụng. Cạm bẫy người là do ông Trưởng Tạo, người có cửa hàng vàng bạc trên phố Hàng Bạc, biết rất nhiều mánh khóe của con bạc gian lận, kể lại cho nghe. Tệ quan tham lại nhũng trong Một huyện ăn Tết là thành quả của việc tác giả “năng được nằm bên khay đèn của một ông lục sự già” - kẻ “biết đục khoét thành thánh” rất trắng trợn, không thèm che đậy hành vi xấu xa của giới quan trường. Lục xì là kết quả điều tra, nghiên cứu tài liệu của các bác sĩ Pháp về bọn nhà thổ hàng tuần phải đi khám bệnh hoa liễu... Đó là những cách khai thác gián tiếp nhưng quả là “cách khai thác của ông khéo léo quá, môi giới của ông đích đáng quá, nên không ai dám nghi ngờ” (3). Đọc những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng, “ta thấy công phu điều tra, khiếu quan sát, sự lịch duyệt của tác giả” (Phạm Thế Ngũ).
Vũ Trọng Phụng nổi tiếng là người hành nghề nghiêm cẩn. Ông thường có mặt rất sớm bên những chuyến tàu chở hàng từ Pháp sang để đón sách báo. Ông ham đọc, chịu khó nghe kể, ghi chép tỉ mỉ, tự tích lũy, tham khảo các bậc thầy phương Tây như V. Hugo, A.Gide... Nhà văn Vũ Bằng kể lại: “Trong tất cả anh em, Phụng là người có thứ tự, phàm có tài liệu gì hay, lạ thì cất đi, cho nên vào lúc một tuần báo ở Huế đả kích anh viết văn khiêu dâm, anh đã lên tiếng trả lời rất vững, kèm nhiều chứng cớ và tài liệu rất “búa” làm cho một linh mục phải nhận là anh có lý” (4). Cũng theo Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng viết cẩn trọng, khi viết “phủ phục xuống giường như con voi, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn”, “mặt anh liếng, miệng anh há ra, viết nhanh, nhưng trông rất vất vả, nên anh em thường đùa, gọi là “bộ Việt Nam vong quốc sử” hay “bức tượng tổ sư loài người” (5).
Vũ Trọng Phụng còn nổi tiếng có khả năng nắm bắt nhanh nhạy, óc quan sát mau lẹ và kỹ năng tái hiện sắc sảo. Điều cốt lõi là cái cách ông trông thấy, lắng nghe những vang vọng từ “cổng hậu” của cuộc đời, đúng như Nguyễn Đăng Mạnh đã nói : “Điều quan trọng nhất đối với một cây bút hiện thực chủ nghĩa không phải là đi thực tế dài hay ngắn, được “tham quan” nhiều hay ít. Điều quyết định là tấm lòng có nhập cuộc hay không, tâm huyết có để vào những điều mình tìm hiểu và thuật kể hay không” (6). Cộng thêm vào đó là tài tái tạo vừa chân xác vừa thăng hoa đã làm cho Vũ Trọng Phụng được đánh giá sinh ra là để viết phóng sự. Các tiểu thuyết của ông như Vỡ đê, Giông tố, Số đỏ... được các nhà nghiên cứu nhận xét là những thiên phóng sự được tiểu thuyết hóa, có mối quan hệ ràng rịt với thể phóng sự. Ngược lại, phóng sự của Vũ Trọng Phụng lại có nhiều yếu tố truyện với lối dẫn dắt của một cái tôi trần thuật biến hóa linh hoạt, nghệ thuật tạo tình huống bất ngờ, sở trường dựng đối thoại sống động... nên rất giàu giá trị thẩm mỹ, vượt ra ngoài khuôn khổ của những phóng sự báo chí thuần túy.   
Ngoài ra, không thể không kể đến một nguyên nhân nữa là thời Vũ Trọng Phụng cầm bút, sự nở rộ của báo chí và tình trạng “văn báo bất phân” là mảnh đất tốt cho những thể văn rất gần với báo như du ký, bút ký, phóng sự... nảy nở, phát triển. Thêm vào đó, cái gánh nặng cơm áo cũng đã thôi thúc nhà báo họ Vũ vắt kiệt mình, tạo những bước đột phá trên thể tài phóng sự, thể tài “chuyên ghi chép sự thật” được xem là anh em song sinh với “tiểu thuyết tả chân” – thể loại sở trường của ngòi bút Vũ Trọng Phụng.   
Vũ Trọng Phụng là một nhà văn tài hoa trên cả hai lĩnh vực phóng sự và tiểu thuyết. Song, trước hết, Vũ Trọng Phụng là một “kiện tướng” về phóng sự, bởi “xét về mặt thể tài thuần tuý, phóng sự của Vũ Trọng Phụng đã là một cái gì rất chín, rất thành thục không chê vào đâu được. Sở dĩ nói Vũ Trọng Phụng đi xa hơn cả, so với nhiều cây bút phóng sự khác là ở chỗ trong khi miêu tả những sự đời ấy, ông biết làm cho nó lung linh lên, thật đấy, mà huyễn hoặc đấy, ma quái đấy, những sự thật được ông khai thác đôi khi tưởng như riêng lẻ, cá biệt, song lại nói được bản chất sự vật” (7). Danh hiệu “ông vua phóng sự” quả là xứng đáng với tài năng và cống hiến to lớn của Vũ Trọng Phụng trong việc phát triển, hoàn thiện thể phóng sự, góp phần khẳng định tên tuổi một nhà văn hiện thực lớn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Chú thích:
(1), (4) Vũ Bằng - Bốn mươi năm nói láo - NXB Văn hóa Thông tin, 2001.
(2), (6) Nguyễn Ngọc Thiện (tuyển chọn và giới thiệu) - Vũ Trọng Phụng, Về tác gia và tác phẩm - NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.  
(3), (7) Vương Trí Nhàn - Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới 1945 - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005. 
(5) Vũ Bằng - Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp - NXB Hội nhà văn, 2004.
8/6/2011
Chế Diễm Trâm
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXThời của thánh thần 4

Thời của thánh thần 4 Chương 22 Người trở về Cơn mưa rả rích khiến đêm thật dài. Nghe rất rõ cành cây khô bên đầu trái nhà rơi xuống m...