Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Tình sơn nữ 1

Tình sơn nữ 1

CHƯƠNG 1
Một đêm, Hàm ngủ ở nhà một dân Thái Đen Bản Bắc (1) chàng thao thức không sao chớp mắt nổi vừa lạ non, lạ nước vừa lạ phong tục tập quán.
Suốt đêm chàng để tay vắt ngang trán nghe những âm thanh của núi rừng Việt Bắc. Cái "lần" nước ở ngoài hiên réo the thé buốt đến mang tai. Dưới gầm nhà, đàn trâu khục khặc xua ruồi muỗi, đập sừng vào cột canh cách, hơi thở phì phì mệt nhọc.
Xa xa tiếng chim rừng hú não nề: "Bắc Quang, Bắc Mục, Hà Giang nước độc"
Tiếng thác reo bên suối ồ ồ hòa lẫn với muôn nghìn âm thanh khác nghe lạnh gáy.
Nghe mãi những tiếng ấy đã quen tai, chàng miên man suy nghĩ chuyện khác. Đang mung lung ở hiện tại, rồi quay về tương lai, cuối cùng tưởng đến câu chuyện xảy ra ban chiều khi mới đến nơi này.
Nàng sơn nữ Thái Đen ban chiều ấy, có thái độ, hình dáng mềm mại quá chừng.
Chàng quên sao được người sơn nữ ấy. Bóng dáng nàng đang quay cuồng rõ ràng trong trí óc. Bộ y phục chẽn xanh đen mầu chàm, cúc áo bướm bạc, chiếc khăn quấn mươi vòng trên mớ tóc mây đen. Thắt lưng đỏ và đôi xà tích bạc lủng lẳng cùng với con dao díp bạc nhỏ nhắn xinh xắn kèm bên mấy đồng hào ván dùi lỗ.
Nhớ nhất là khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen nhánh, hàng môi thắm tươi, hàm răng trắng đều đặn; đến nỗi chàng phải vì đôi mắt đen đẹp tuyệt diệu ấy là phản ảnh của dẫy núi xanh lơ trùng điệp; má hồng tươi vui như muôn ánh nắng bình minh tráng lệ gác bên sườn núi phía đông. Sẵn một tâm hồn trong trắng, chất phác như giòng suối nước dội bên ghềnh!
Nụ cười chào đón gieo trên đôi môi chúm chím đọng sương buổi mai đẹp trời khi mời chàng xơi nước chè.
Bữa cơm đầu trên đất Thái Đen rất ngon lành mặc dầu đặc biệt không có một hạt cơm tẻ.
Những "coóng" cơm xôi trắng trong rất thơm cặp theo mấy xiếp cá nướng với một núi măng đắng chất ở giữa mâm và có bát muối nhỏ để chấm thay nước mắm.
Chủ nhà là một gia đình giàu có, phong lưu trong bản. Qua mấy chục vựa thóc, nhiều gia súc, cách ăn ở xử sự cho khách lạ đánh giá họ cấp bậc nào?
Bộ mặt dắn dỏi, ăn nói nghiêm nghị tử tế của ông chủ trong lúc nói chuyện với Hàm vẫn diễn đều đều trước mặt chàng linh động.
- Ông ở đâu đến đây ạ. Nếu chúng tôi không đoán lầm thì ở về Nam Định, Thái Bình bị một cơn khủng hoảng về nạn đói?
- Vâng, đúng như vậy ạ. Quê chúng tôi ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định.
Tưởng đến lời đáp ấy, Hàm quên những câu xã giao khác tiếp theo, chàng liền nhớ đến cảnh tượng quê chàng với bộ mặt cau có.
Năm nay, quân phát xít quá bạo tàn gây cho dân miền châu thổ lao lung về cuộc sống. Ruộng nương, nhà cửa, tốt đẹp hây hẩy như tuổi cô gái quê bừng sức sống mười tám bị bom đạn chúng đốt phá, đem súng về làng đe giết nếu không trồng đay gai.
Hôm chàng ở tỉnh về quê, giữa đường gặp mẹ. Bà cụ ôm mặt khóc hu hu thảm thê kể lể với chàng câu chuyện giặc phá làng, cắt lúa đang xanh.
Lòng người thanh niên đầy sinh khí nóng như lửa, mặt đỏ bừng chạy ra chạy vào căm hờn oán giận hiện rõ trên nét mặt. Chàng phải thốt thành lời cho đỡ xót xa:
- Quân bạo tàn, người da vàng còn hại lẫn nhau, thế mà chúng còn lớn tiếng tuyên truyền rầm rộ loài da trắng mới dã man độc ác!
Nạn đói lan tràn khắp mọi nơi từ đầu làng cuối xóm. Phú nông di cư lên tỉnh tránh nạn cướp bóc xâu xé, bám riết của kẻ nghèo đói đòi hỏi. Trung nông đem bán những đồ đạc thường dùng hàng ngày hoặc gánh gồng tếch xéo vô Trung, lên mạn ngược Thượng du miền Bắc kiếm miếng ăn cho qua ngày, đoạn tháng, bụng đói dày vò.
Khổ sở nhất là những anh bần nông từ xưa tới nay đã chịu đói khó quen nên cố nằm lì ở quê nhà tần tảo. Họ rủ nhau ra vườn dược, ven ruộng bờ lau nhặt rau sam, rau má độn cơm.
Những đứa trẻ nhoai nhoai lìa bố mẹ tìm cách sống bằng cách đào củ chuối hoặc củ sen ở các đầm ao nhai ngau ngáu rất ngon lành.
Chúng trông thấy chàng ở tỉnh về với con mắt lăm le ăn thịt; chẳng còn kiêng nể như mọi lần khác.
Về đến đây, óc chàng chợt nghĩ ra một câu chuyện mà không hiểu ai nói hoặc nghe lỏm ở đâu: chó ăn thịt người ở quê lân cận.
Trong làng có một gia đình nghèo nhất là bác Xã. Nhà bác bần bách nhất gồm có vợ, hai con và bốn mẹ con chó đen mới đẻ núp ở túp lều hoang cạnh ven sông Ninh Cơ. Trong lúc đói khát ấy, thằng con út bác mới sinh được vài tháng bị ốm rất nặng nề. Chẳng phải nhờ ông thầy thuốc bắt mạch để tìm căn bệnh, vợ chồng bác cũng biết nguyên do:
- Nhà nó ạ, con nó đói quá khéo chết lả mất thôi. Tôi phải ở nhà trông con, nhà nó đi lùng xem có gì ăn không?
Một ngày ròng rã, bác xã trai lang thang khắp mọi nơi từ hang hốc cây hoặc bãi cát ven sông để lần kiếm con cá, cái rau, nhưng khi về cũng chẳng có đến một cái gì. Bác vò đầu gào:
- Con nhỏ ta chiều nay sẽ ra sao? Nếu không kiếm được một tí gì cho mẹ nó ăn? Trời ơi! Lấy sữa đâu cho nó bú!
Bác hình dung tới hai bầu sữa của vợ chỉ là cái bong bóng khô khan nhăn nhó chẳng có đến giọt sữa. Đứa bé cố thò mồm nhai nhầu nát cả hai bên vú chẳng còn hút được một mảy may chất sống. Đầu óc bác rối bù đang lo kế xoay xở.
Nhìn quanh quất chẳng có gì đáng lấy được, ngoài bốn mẹ con chó đen trung thành gầy guộc lông rụn sát vào chân da chạy theo chân bác. Không còn nghĩ ngợi gì hơn, bác cầm dao quắm dài cán đập chết mấy con chó con đem vào bụi cây thui chín xách về nhà.
Con chó Mực đen thấy chủ đập chết con mình, nó lồng lộn nhe răng nhe lợi kêu ầm ĩ rồi cắp đuôi chạy mất. Bác biết nó đau đớn lắm và nói một mình:
- Thôi, mày oán tao làm gì? Con tao sắp chết rồi chẳng có gì cho mẹ nó ăn nên tao phải làm liều.
Quay về nhà, con bác đã chết cứng đờ trên tay vợ bác. Bác chẳng còn biết cách nào ngăn cản dòng nước mắt đã bao ngày chịu nỗi đớn đau trút ra để khóc đứa con và cảnh nước loạn ly. Bác đem xác con lấp ở bên lề chiếc hố nhỏ cạnh nhà.
Ngày hôm sau, vợ dậy sớm ra mả con thì đống đất mới bị xoá lộn. Mả mới chỉ còn là một cái hố rỗng, xác con đã biến đâu mất. Bác hớt hãi khóc bù lu, bù loa về gọi chồng.
Cả hai bổ đi tìm khắp mọi nơi từng bụi cây, tùm ruối chẳng thấy đâu, mãi sau bắt gặp con chó mẹ đang nhai đầu đứa con bác ngay ở dưới gốc bòng (2).
Hàm nghĩ đến đây, chàng thở dài buồn bã, não nề nghĩ: Thì ra người ăn con chó, và chó mẹ lại ăn xơi "con" người.
Và cho đến thân chàng cũng không kém chật vật. Ròng rã nửa tháng trời, Hàm gặp đói khát bao nhiêu lần ở dọc đường. Đã biết nhiều đêm ngủ không nhà, nằm bên xác người chết bên đường bốc mùi hôi tanh, xú uế, khủng khiếp!
Những hàm răng người tử nạn trắng tinh nhe trên bộ mặt xũng tím bám đầy ruồi nhặng. Đâu đâu cũng rải rắc xác chết, ở làng Hành Thiện, quê chàng cũng như các nơi lân cận cùng chung một cảnh.
Ngay cả con đường tầu Hà Nội Lào Kay, có chỗ chất năm bảy thây đủ mặt già, trẻ, lớn, nhoai nhoai; có lẽ chết cả nhà vì đói!
Con đường tầu đã trở nên lối đi của trăm nghìn ruồi nhặng. Tiếng vo ve đú đởn của chúng reo hò hả hê như muôn tiếng hô của đoàn quân chiến thắng.
Nhìn bao nhiêu cảnh diễn ra, chàng không còn đủ tâm lực nghĩ thêm nữa; cố nhắm mắt chờ giấc ngủ, nhưng nào quên được! Nó cứ gan lì bám riết ám ảnh.
Trong đó có một giây vô hình khuyến khích bọn trai trẻ còn sống sót lại, phải cùng nhau đoàn kết chống bọn tham tàn, ác độc, đang tâm giày xéo, gây hiểm hoạ cho dân Việt.
Chàng có một cảm giác như oan hồn xác chết hàng triệu người kia đang nhìn oán trách chàng, cũng như bao thanh niên chỉ than hoài qua cửa miệng!
Bỗng nhiên lửa ở bếp giữa nhà lập loè, mỗi lúc sáng hơn. Chàng nhìn rõ cô sơn nữ vừa tơ tưởng đang đậy xôi cơm. Chàng chép miệng:
- Trời gần về sáng. Chú ta sắp dậy! Hôm nay ông ấy đem thóc gạo về quê. Ta là một vật bán được mấy gánh nhỉ.
Rũ chăn đứng dậy ra sân trước mặt, chàng bắt gặp nàng:
- Thày không ngủ ngon giấc à? Sao dậy sớm thế!
- Cô không dậy sớm hơn tôi là gì đấy? Tôi lạ nhà nên không sao chợp mắt được!
- Tôi quen rồi! Thầy bì sao được!
Dứt lời, nàng đứng dậy ra hiên rót nước nóng mời khách lạ rửa mặt. Đồng thời có tiếng khục khặc, húng hắng ho báo hiệu chú chàng cũng đã dậy.
- Này cháu, hôm nay chú xuôi đây. Ông chủ hứa sẽ cho ta hai tạ gạo. May lắm, không thì chú phải ở lại mấy hôm xay lại chậm. Ở nhà, trông một phút một giây đợi gạo đem về.
Cháu cố ở cho vui lòng ông bà để đáp lại công ơn.
Thày để em cháu sống sót về sau này, đó là công của cháu cả. Dốc một lòng làm việc và coi ông bà cũng như cha mẹ, anh chị như hai chị nhà.
Hàm tự nhủ:" Đời ta đáng giá hai tạ gạo hoặc nói khác đi vì nó ta đã phải nhận hai cha, đôi mẹ".
Chú thích
(1): Nghĩa lộ.
(2): Tôi phỏng ý của một truyện mà quên tên tác giả, xin bạn đọc chỉ dùm.
CHƯƠNG 2
Mấy hôm nay, chàng chưa phải mó máy một công việc nào cả. Như lời ông chủ nói với chàng, mới đến còn lạ nên phải nghỉ ngơi ít lâu cho quen nước đã.
Nước miền thượng du rất độc, sương muối buổi sáng nhức đầu, lắm ma thiêng, hùm beo thú dữ. Cho nên những người đã lên rừng về mỗi người đã đặt cho một tên khác nhau, nào nói ma thiêng nước độc, rừng xanh núi đỏ hổ báo nhiều như châu chấu.
Mỗi buổi sáng tinh sương, gia đình từ người lớn, người bé, ai nấy đều có một việc ở ngoài đồng. Ở nhà chỉ có nàng sơn nữ dệt cửi thêu thùa, nấu cơm, đun nước. Chẳng biết nói chuyện với ai ngoài nàng ra Hàm đành bạo dạn bắt lời:
- Cô dệt cửi đấy à?
- Vâng ạ. Thầy ngồi chơi.
- Sao cô thuộc tiếng chúng tôi thế, ở đây người ta đồn rằng dân Thái không thạo kia mà!
Nàng mỉm cười, tay gỡ sợi chỉ rối và miệng thỏ thẻ đáp:
- Cái đó cũng đúng, nhưng có nhiều người biết sõi tiếng Việt. Còn em không sõi tiếng Việt cho lắm, nhưng cũng nói tạm được. Trước kia em vẫn ra chợ Yên Bái mua đồ ăn.
- Cô vẫn đi chợ Yên Bái đấy à? Dạo này tỉnh buồn bã lắm!
- Thế ư? Thày đã qua, ở đấy em em đang theo học trường “ École de Garcons”.
Hàm ngạc nhiên và không hiểu gia đình này làm chức gì mà văn minh thế. Chàng đáp:
- Hẳn nào, cô sõi là phải. Tôi không ngờ… Thưa cô, ông nhà làm gì ạ?
- Bố em trước là ông Châu và bây giờ đương giữ chức Bang.
Hàm vui vẻ hẳn lên và chàng tự khen lúc vừa rồi sao đã mạnh bạo hỏi được câu ấy và nàng lại trả lời rất chu đáo.
- Ông nhà cũng là một bậc quan quách. Tôi rất cảm ơn cô đã cho tôi hay; hôm qua ông nhà đi đâu đó ạ? Cô có thể cho tôi rõ được chăng?
Chàng hỏi xong, hai mắt dán thẳng vào mặt nàng đợi trả lời. Nhưng đó cũng chỉ là một cớ, lý do chính đáng được nhìn nàng tự nhiên. Chàng cũng chẳng hiểu tại sao hỏi một câu dớ dẩn và vô ích như vậy?
Nàng cũng ngoan ngoãn đáp một cách tự nhiên và đầy đủ:
- Bố em ra Nghĩa lộ thăm anh em, ít lâu về thôi. Thầy cần việc gì đấy? Chắc thầy hỏi ba em có dặn gì phải không?
Hàm thấy câu chuyện vô lý mà lại hóa ra buồn cười, chàng nhận lời xem ra sao?
- Vâng, đúng thế ạ! Tôi định hỏi cô nhưng không ngờ lại được cô cho biết.
Nói xong, tự nhiên vô cớ, lòng chàng sung sướng và cởi mở như lá cờ bay trước gió.
- Bố em dặn nói với Thày cứ an tâm nghỉ ngơi, dưỡng sức ít ngày nữa. Vì đi như thế xa lắm, ròng rã một tháng trời, chồn chân, mỏi gối, mệt nhọc nhiều nên cần phải ở nhà. Lúc nãy, em trông thấy Thày làm việc nên đã định bảo, nhưng lại ngại.
Thật vậy, Hàm nhận rằng mình đến đây ở làm việc cho người ta để rồi chẳng làm được công việc nào mà bày thêm, thực không an tâm.
Chàng không trả lời nhưng nghĩ mãi bóp trán tư lự, để cố tìm một câu chuyện nói với nàng sơn nữ, ấy thế cứ bí rì rì mới bực bội làm sao!
Hàm vẫn im lặng hoài và thời gian chạy nhanh như ngựa vía, bầu không khí càng tẻ nhạt. Nàng sơn nữ bèn tìm cách phá tan:
- Chắc quê thày ở tỉnh. Và hiện giờ thày học gần thi chưa ạ?
- Tôi học ở trên Hải Phòng đáng lẽ ra năm nay thi nếu không bị gián đoạn.
- Thi gì ạ?
- Bằng Thành Chung!
Không thấy nàng nói thêm gì, chàng chẳng hiểu cô này có biết hay không? Chắc hẳn là hiểu chứ lúc nãy cô ấy còn biết “ École de Garcons” cơ mà, Thành Chung thường nôm na là cái bằng Diplôme lẽ nào lại chẳng hay?
Cuối cùng chàng đoán chắc cô này không biết nên hỏi mớm:
- Cô cũng học ở tỉnh rồi đấy chứ? Chắc hẳn là đã qua hết các bậc ở lớp Yên Bái rồi?
Chàng nghĩ một mình, cô ta có học ở Yên Bái chăng nữa cũng chỉ hết bậc tiểu học là cùng cực.
Đúng như lời Hàm đoán, nàng không hiểu nổi “Thành Chung” là cái gì, cấp bậc nào, kém hay cao hơn em nàng? Nàng có được ra Yên Bái học đâu? Ngoài hai năm trời học tiếng Thái đen ra? Péng, tên nàng, chẳng được học thêm một vần quốc ngữ.
Không hãnh diện hão, vốn ưa thực thà, nàng trả lời thẳng thắn:
- Em không được ra tỉnh học đâu, chỉ ở nhà thôi thày ạ.
Hàm cười thầm và nhất định có dịp để phóng đại những chuyện học hành với cô này. Chàng liền vớ dịp may để che lấp những công việc quê mà chàng chẳng biết làm, và chung quy đổ lỗi cho sự học hỏi cả.
- Ấy tôi đi học nên sao nhãng việc nhà quê nên bây giờ chẳng hiểu một ly gì cả. Cho nấu nồi cơm cũng chẳng hay, cày chẳng biết, thật cái đời học sinh không làm nên thân là đúng lắm!
Ngày tháng chỉ ăn nhờ bố mẹ anh chị em, đầu tháng, chậm tiền ăn học một tí là thúc giục cuống lên và cho đến hôm nay phải lìa gia đình nên mới khổ!
Péng thương hại và nàng cố tìm lời an ủi, khuyên nhủ:
- Việc làm dễ thôi thày ạ, lâu ngày nó quen cả. Tuy chẳng biết cày bừa, nhưng thày mở lớp dạy chúng tôi học tiếng Việt là đủ rồi.
- Cô muốn gì, chứ việc học tôi rất sẵn sàng đem sự hiểu biết để dạy. Liệu chừng ở đây có nhiều người theo học không cô?
- Có ạ. À! Em quên mất, tên thày là gì, chốc nữa em còn bảo người nhà lên phủ lấy thẻ?
- Vâng, như vậy thật là hoan hỉ. Tên tôi là Ngô Mạnh Hàm sinh ngày …...... ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, con ông và bà…………. Thôi tôi biên vào giấy cho dễ nhớ.
Viết xong, chàng đưa cho nàng và hỏi:
- Chết, một tí nữa tôi quên tên cô để dễ hỏi khi có một việc cần gọi.
- Péng!
Chàng nhẩm đi nhẩm lại theo sau:
- Péng, Péng…
Péng phì cười, nhưng nhanh và tỉnh hơn nàng lấy chiếc khăn trên đầu che miệng. Rồi nàng chợt nhớ tới giờ làm cơm cho người nhà ở đồng về ăn nên đứng dậy, khép nép chắp tay nói:
- Mời thày đi nghỉ, em xin phép ra xôi cơm, trưa đến nơi rồi ạ!
Chõ cơm xôi trắng ngần, đầy hương vị ngạt ngào tỏa hơi cạnh bên người thái nữ, Hàm lặng nhìn tha thiết, mến thương.
CHƯƠNG 3
Tuy mắc tiếng là con nhà quê, một chánh tổng làng Hành Thiện nhiều nhà cửa ruộng nương, Hàm chẳng bao giờ biết đến một công việc đồng áng.
Cũng như chàng đã thú nhận với Péng hôm vừa đấy, từ thuở nhỏ cho tới ngày hai mươi mốt tuổi đầu, chàng thanh niên chỉ ở ngoài tỉnh.
Thường một đôi khi, những ngày rỗi rãi hoặc buổi lễ nghi, chủ nhật, chàng mới về qua quê nhà thăm bố mẹ, anh em, họ hàng và cũng là một dịp lấy tiền lên tỉnh tiêu xài.
Ngày hôm nay, lần đầu tiên ra ngoài đồng làm việc, chàng hết sức lúng túng và ngượng nghịu.
Péng đã biết trước, nàng phải nghỉ việc dệt cửi để ra đồng với chàng trong cuộc bầu bạn hay chỉ dẫn công việc làm cho người bạn mới.
Cả nhà Péng, ngoài bố nàng lọc lõi tiếng Việt ra, còn mẹ, anh em họ hàng ở nhà ít người hiểu tiếng Việt, nếu có biết chăng nữa cũng chỉ lõm bõm những câu chào thường lệ: "Thưa Ông, Bà hoặc chào Ông, Bà khoẻ mạnh chứ, cảm ơn nhiều" thế là hết!
Péng bảo chàng:
- Em bảo có sai đâu, bố dặn cứ ở nhà chơi đã không nghe; thích ra đồng làm việc, bây giờ thày biết làm công việc gì?
Dứt lời, nàng nhìn chàng, anh chàng này đứng yên không nói năng, nàng lại bảo:
- Thôi thày cầm con dao này phạt cỏ ven bờ nhé lần đầu chưa quen lâu dần sẽ dễ hết. Chắc chắn sẽ phải phồng tay rồi sau mới nắm chặt cán.
- Vâng.
Chàng đứng thẳng người giơ con dao lưỡi cong phạt cỏ, chẳng may đưa ngay vào ống chân, lưỡi dao sáng loáng lại vừa mài nên vết thương khá sâu.
Máu chảy lênh láng Hàm không dám kêu và cũng chẳng bảo cho ai hay. Mỗi lúc máu loang một nhiều rộng hơn, nên một người đàn bà trông thấy. Bà ta gọi Péng, nàng chạy vội lại hốt hoảng hỏi:
- Sao thày không gọi em. Chết thật để máu chảy nhiều thế này à!
Nàng xé thắt lưng buộc cho chàng. Hàm cảm động.
- Có đau lắm không thày, thôi em đưa thày về nhà nhé.
Hàm cười đáp:
- Cảm ơn cô, tôi không đau lắm đâu có đứt tay mới hay thuốc.
Rồi chàng lại cầm dao phát ven ruộng mặc dầu nàng hết sức can ngăn.
Péng không đi xa nữa. Nàng luôn luôn đứng bên cạnh chàng trò chuyện:
- Ở quê nhà thày việc cày bừa chắc là khác đây?
- Vâng, đúng thế.
Vừa đau chân vừa thẹn không biết làm công việc Hàm tự gắt gỏng với mình, nên chàng không muốn bắt chuyện. Chàng chỉ vâng hay gật đầu bất cứ kết thúc một câu chuyện gì cũng vậy.
Đoán được nỗi buồn tẻ tràn ngập trên nét mặt người khách lạ. Péng cố sức làm cho chàng vui.
Nàng lên ven ruộng hái sim ngoã mời chàng ăn và hết sức chiều chuộng.
- Thày xơi thử với em một miếng nào, ngọt lắm thày ạ. Cứ mỗi buổi sau khi đi làm về em thường lên rừng hái sim ăn, đôi khi ăn nhiều quá về chẳng muốn ăn cơm nữa.
Hàm cầm quả sim rừng rồi nhìn mãi chẳng hiểu ăn ra sao, bóc vỏ hoặc ăn cái. Muốn quay hỏi nhưng lại tự ái, sợ người ta chê mình là ngốc và nhất là lời bình phẩm ấy lại thốt tự miệng người đẹp.
- Thày ăn đi.
- Vâng.
- Thày cứ bỏ con dao xuống ven ruộng ấy ăn đã nào. Sao thày chăm thế. Ăn cả vỏ thày ạ.
Dứt lời Péng cầm con dao đặt ra ven ruộng và đưa sim liên tiếp cho chàng.
Mấy người bừa ruộng thỉnh thoảng lại nhìn chàng khúc khích cười và bảo khẽ nhau:
- Thật là làm ruộng một mùa có khác, chưa ra ruộng đã đứt chân, chưa tới rừng đã mất dao. Làm gì được cái ngữ người ấy.
Hàm chẳng biết họ nói những gì, song chàng cũng thầm đoán được bọn kia chê bai việc làm của chàng. Hơn thế nữa, sau khi bọn ấy nói xong Péng mắng thì lại đúng nữa. Quay lại chàng, Péng nói tránh đi:
- Ấy bọn người nhà cứ phải mắng họ mới chịu làm, thày ạ. Cả buổi chú nào cũng nói chuyện đùa với nhau được.
Ăn xong Péng thắt vỏ dao vào thắt lưng và quay lại cười trước khi nói với Hàm:
- Thày cầm dao đi chơi với em.
- Vâng.
Hàm chỉ biết vâng lệnh làm theo lời tiểu chủ. Nàng đưa chàng đi qua những cánh đồng, khi đến ruộng nhà, nàng chỉ bảo:
- Đây là ruộng nhà thày ạ. Một năm chỉ cấy một vụ mà đủ ăn phong lưu lắm.
Chàng nhìn theo tay nàng trỏ. Đó là một cánh đồng dài vô tận vút cánh cò bay. Những thửa ruộng đã bừa hai lượt mới cấy trông như những con sông nhỏ đục làu.
Chàng hỏi nàng:
- Ruộng nhà nhiều quá nhỉ. Những thửa ruộng này do các cụ ngày xưa để lại hay về sau mới có.
Péng nhìn chàng với cặp mắt tinh nhanh và thầm phục anh chàng này gớm lắm đây. Nàng trả lời rất khéo:
- Ruộng của ông cha để lại cũng có một phần thày ạ và ruộng mới người ta cầm ít lâu không có tiền chuộc trở thành của mình.
Tuy Hàm không nói ra như vậy là bóc lột e làm mất lòng nàng, nhưng chàng thầm nghĩ vấn đề cầm cố ruộng nương ở nhà quê thật nhẫn tâm. Còn gì đau đớn hơn nữa. Ruộng cầm với giá quá rẻ để lấy một số tiền khi túng bấn, ít lâu sau không có tiền chuộc là mất.
Cho nên những thằng giàu cứ nhiều của mãi lên và những thằng bần nông mỗi ngày một lụn bại, là đúng lắm.
Chàng nói sang chuyện khác:
- Ruộng đây tốt đấy nhỉ, lúa ngập đầu người, có nói phong lưu cũng không lấy gì làm lạ.
Péng tiếp thêm:
- Sẵn nước nên dễ cày cấy lắm.
Một cái mương kia cũng đủ cung cấp nước cho tất cả cánh đồng này. Đàn bà con gái ở đây ít người biết làm công việc đồng áng, họ chỉ ở nhà dệt cửi thêu thùa thôi, phần nhiều đàn ông đảm nhiệm cả.
Hàm cười và nhìn nàng:
- Thế tại sao cô lại tháo vát công việc đồng áng như vậy.
- Vì em thích thày ạ. Tuy nhà có nhưng sau này nghèo không biết làm ăn thì chết đói chứ. Thôi chúng mình về đi thày ạ. Còn lên trên đầu khe thăm bẫy. Thày có đau chơn lắm không? Có thể đi được chứ?
- Được cô ạ.
Cả hai người lại dắt nhau theo con đường nhỏ lên miền Bắc. Qua những lối heo hút, dốc đá dài thẳng tắp, Hàm thấy mình yếu đuối trước núi rừng.
Nhìn trước mặt, người bạn đường của chàng leo nhanh như vượn. Trong khoảnh khắc nàng đã vượt qua. Nàng thấy chàng vất vả khó nhọc nên đưa dây bắt lên. Hàm thẹn đỏ mặt, chính lúc ấy con người nam nhi hầu như đã bay đi từ lâu mà không hay.
Vượt cái đèo tổn sức lực ấy đã đến chỗ bẫy chim chuột. Hàng nghìn chiếc bẫy dài quá tầm mắt chạy vụt rất xa; không biết đi đến đâu mới hết. Và trong một phút quên mệt nhọc chàng reo lên khi thấy một con vật nằm dưới bẫy.
- Kìa một con chuột rừng nhe răng dưới cạm.
Qua một vài chiếc nữa Hàm lại reo lên:
- Cô này lại một con gà gô còn sống nhưng gẫy cánh và đang đập phì phạch ở bẫy kia.
Tuy nhiên Péng cũng biết trước được rồi nhìn thấy chiếc bẫy sập tất nhiên phải có một con vật thiệt thân.
Nàng lại reo thêm:
- Này thày ơi! Một chú gà rừng nữa chết đây này.
Hàm trêu:
- Cô Péng nhỉ, chẳng thấy một nàng nào chết cả?
Cả hai phá lên cười. Nhận rõ chàng thích nên nàng lại khơi thêm:
- Còn nhiều lắm thày ạ, hôm nay thày đi tất nhiên phải được nhiều.
Hai nụ cười gặp nhau thêm phần thân mật và giải bằng được bao nhiêu lòng mà dùng lời không diễn tả nổi.
Nàng bảo chàng:
- Chúng mình đi nhanh lên thày ạ, kẻo về muộn đấy. Thày đau chân cứ vịn vào vai em mà đi.
CHƯƠNG 4
Thời gian qua ở đây cũng đủ khá lâu. Buổi nay chàng ra đồng làm việc đã thấy quen và vui vẻ hơn. Chàng cho đó là một bổn phận nên đem cả lòng tận tâm hăng hái ra làm.
Péng bảo Hàm:
- Dạo này thày làm ruộng đã giỏi lắm rồi, đắp bờ đã khéo chẳng kém gì con trai trong làng đâu. Dân làng vẫn gửi lời khen thày đấy.
- Thật không Péng?
- Thật đấy. Ừ mà dạo này Hàm phải nói tiếng Thái nhé. Hàm thuộc tiếng em rồi cơ mà.
Hàm nhìn nàng và nàng cũng nhìn chàng nũng nịu:
- Được rồi tôi sẽ chiều cô nhé. Thích chí lớn phổng lên rồi đấy!
Hàm thích đùa cợt với Péng, người con gái quen chàng, quen từ thuở đầu mới tới. Có đôi khi chàng tự hỏi lòng mình đã yêu cô con gái hạt ngọc kia rồi chăng?
Chàng kiểm điểm những ký ức nhận thấy mình vô lý hết sức. Một đôi lúc Péng cười đùa với người trai tráng trong làng, chàng thấy khó chịu và bực bội vô ngần. Chàng tự nhủ:
- Cái thằng này buồn cười nhỉ, người ta có phải là người yêu của mình quái đâu mà giận dỗi suông. Người ta nói chuyện với ai thì mặc, tại sao lại bực tức một cách vô lý điên cuồng như thế?
Lúc nói chuyện với nàng, chàng thấy yêu đời hơn và cũng là một khích lệ đáng quý. Mẩu chuyện tuy nhạt nhẽo đến đâu, nhưng lúc có hai người cũng trở thành hay ho và hứng thú. Chàng nhận xét thấy cử chỉ và hành động của Péng rất thân mật mỗi khi đối diện với chàng: " Có lẽ cả hai chúng ta yêu nhau rồi mà không biết." Chàng quyết định buổi chiều hôm ấy sẽ nói rõ cho nàng hiểu như vậy. Chàng vừa đi vừa nhẩm : " Có lẽ chúng ta yêu nhau mất rồi mà không biết". Dứt lời chàng ngoảnh lại phía sau nhìn như sợ ai nghe mất.
Chàng cứ bối rối tự hỏi lòng mình, đắn đo xem có nên mào đầu như vậy hay không? Hoặc là quá tình tứ và cô ấy mắng cho thì sẽ đối phó ra sao? Chẳng lẽ nào như thế được, nàng săn sóc mình khác hẳn buổi đầu. Từ một mẩu cơm lam lót dạ, hoặc chậu nước nóng rửa mặt về những buổi chiều đông giá rét nàng đều tỏ ra một người vợ ngoan ngoãn, hiền hậu, đáng yêu và thuỳ mị. Nhất định phen này lấy nàng làm vợ. Người sơn cước chiều chồng thì còn gì bằng nữa. Có thể như người đàn bà Nhật đã từng chiếm ưu điểm ấy.
Người Thái đẹp lắm chứ! Búp tay thon thon duyên dáng và đáng yêu lắm. Không phải cái đẹp giả tạo như những nàng thiếu nữ kinh thành; nhờ son, phấn, nước hoa, mà đẹp với dáng mộc mạc thơm tho hơn nhiều.
Chàng đang miên man hướng ý nghĩ về tương lai thì bỗng có tiếng người âu yếm gọi:
- Thày ơi! Chiều nay về sớm nhé! Chúng mình còn đi chơi xem gõ cồn... Đẹp giời mùa thu mà không đi chơi cũng phí mất cái tuổi xuân!
Mới thoạt nghe Hàm đã cho rằng người con gái đường rừng ấy quá lãng mạn; nhưng về sau mới hiểu những lời nói hai nghĩa ấy, chỉ có một nghĩa thành thật mà thôi.
Cả hai trở về nhà vào lúc mặt trời lặn, rồi họ rủ nhau xuống nhà người chú ruột sơn nữ.
Ông Bang, bố Péng, bảo Hàm:
- Hôm nay thày đi chơi xem gõ cồn cho vui. Ở dưới xuôi ta không có trò chơi ấy.
Đôi bạn dắt nhau đi trên con đường làng gồ ghề, lắm lúc lại bùn lầy nữa. Hàm bảo nàng:
- Đường ở đây chẳng bao giờ khô ráo cả.
- Vâng.
Hàm thấy người yêu chiều nay nói ít đi, và nếu có trả lời thì cũng chỉ là cái bóng của chàng, trước đây bất cứ kết thúc của câu chuyện hay hoặc dở chỉ gật gù hoặc vâng là cùng. Chàng cũng không hiểu lý do nàng buồn. Sau bao lần chàng cố can đảm để hỏi:
- Cô Péng sao hôm nay buồn tệ! Cô cho tôi biết được chăng? Nếu có thể chúng mình cùng bàn luận.
Yên lặng trong một phút, nàng ngước mặt nhìn chàng và câu đáp tỏ vẻ cảm động chứa chan:
- Péng có một câu chuyện này muốn hỏi Hàm nhưng liệu Hàm có trả nhời không? Hứa đi nào! Hứa đi! Péng sẽ nhờ Hàm cho biết ý kiến!
Tâm trạng chàng lúc bây giờ cũng chẳng khác gì nàng: lòng yêu đương đang muốn biểu lộ; song chưa ai dám nói ra bằng lời vì sợ rằng quá trắng trợn. Chàng biết Péng rất có ý tứ không muốn thú nhận trước, nhưng lần này tình yêu đã quá nặng, nàng không thể ngăn cản được nữa. Nhất định nàng phải nói. Chàng mừng hơn; trong lòng thúc dục "nhận đi". Hàm gật đầu:
- Péng kể cho Hàm nghe nào.
Nàng rụt rè mãi mới dám nói:
- Trước đây có một người Việt vào bản Bắc làm ăn cũng như Hàm bây giờ, nhà ấy có một cô con gái rất xinh. Sau một thời gian cả hai người trở nên thân mật và cuối cùng yêu nhau. Péng đố thày biết họ có lấy được nhau không nào?
Hàm đáp:
- Việc họ lấy nhau hay không Hàm biết làm sao được? Péng cứ kể hết đầu đuôi câu chuyện cho Hàm nghe.
- Anh ấy trước kia yêu người sơn nữ bao nhiêu rồi sau lại chán bấy nhiêu. Buổi đầu hứa hẹn ngày cưới nồng nàn cuối cùng lại bỏ bẵng chạy theo người con gái khác. Hàm xem có buồn cười không? Nếu vào trường hợp của Hàm thì việc ấy sẽ định liệu ra sao? Và một khi đã yêu, có bao giờ để xảy ra như vậy không?
Hàm cười, chàng thầm khen người sơn nữ ấy rất khéo léo trong việc dò xét tâm lý tình yêu. Nàng thử đem một thí dụ tương tợ ra ướm hỏi để mong lời đáp lại sẽ là câu trả nhời trực tiếp cho đời nàng. Chàng tự nhủ: "Cô gái này nhận xét tinh tế lắm, giỏi đấy...! Ít nhất câu hỏi nàng cũng phải nung nấu biết bao nhiêu đêm trường."
Mắt nàng vẫn nhìn thẳng mong đợi chàng trả lời. Nhưng lâu quá nàng phải dục:
- Kìa anh (chết... thày) trả lời em đi.
Chàng dằn giọng từng câu một rất mạch lạc:
- Em (xin lỗi tôi quên, cô Péng) câu chuyện của Péng vừa kể rất hay nhưng tiếc rằng không phải của chúng mình nên tôi chẳng có ý kiến nào để phát biểu cả. Nếu nó là chuyện của chúng mình thì chắc Péng hoặc tôi đã phải tự bàn từ lâu rồi... Tiếc rằng không phải của ...
Péng ngắt lời đặt tay lên vai chàng âu yếm bảo:
- Anh! Em dư hiểu lòng anh rồi. Chúng ta cùng yêu nhau anh ạ! Péng muốn rằng từ giờ trở đi đừng ai dấu nhau một điều gì nhé. Hàm cứ gọi em Péng là em cũng được. Em thích nghe chữ em hơn chữ noọng nhiều.
Đôi bạn cảm thông với nhau qua mẩu chuyện, tất cả tình yêu chứa chất bao ngày trong một phút đã bộc lộ. Họ rảo bước nhanh hơn và tiến về phía đầu làng.
CHƯƠNG 5
Đến nhà người quen vừa sẩm tối. Tiếng gõ cốm ở ngoài hiên đổ hồi mạnh hơn và tất cả trai gái trong làng đều có mặt.
Những nàng sơn nữ còn son trẻ thường búi tóc dưới gáy để khỏi nhầm lẫn với những cô sắp sang sông hoặc có chồng rồi.
Những người này búi tóc ở đỉnh đầu. Ngay Péng cũng vậy, nàng đi bên chàng với búi tóc trên đỉnh đầu; đã có phút làm chàng ngạc nhiên.
Nàng dẫn chàng đến chỗ "đuống" giã cốm và kể:
- Người Thái rất tự nhiên lựa chọn người yêu anh ạ. Chẳng hạn như em, khi yêu ai, gia đình không có quyền ngăn cấm hoặc gây điều cản trở. Nhưng chỉ phải tội là ở rể ba năm thôi anh ạ.
- Thế thì khắt khe đấy, tục lệ người Thái là của người Việt ngày xưa. Ngay cả chữ viết cũng thế, có một nhà khảo cứu đã tuyên bố rằng đó là chữ cổ của người Việt Nam
- Cùng một giống nòi cả đấy anh nhỉ?
- Lẽ dĩ nhiên.
Péng lại hỏi gặng thêm:
- Anh này, như vậy người Thái lấy được người Việt chứ!
Chàng nhìn nàng rồi trong phút quá yêu đương, chàng hôn khẽ lên mái tóc thốt những lời trìu mến:
- Em tôi gớm lắm kia đấy!
Péng lại nói tiếp câu chuyện cưới xin của người Thái:
- Em biết nói làm sao, khắt khe ư! Tuỳ người thôi anh ạ. Ở đây nghèo nàn hoặc giàu có đều dễ lấy vợ cả. Tất cả mọi người đàn ông có quyền sử dụng luật của trời đất đã đặt sẵn cho; con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, không giàu nghèo chi hết. Muốn có lúa thì hai vợ chồng ra đồng mà cày bừa. Muốn giàu có thì căn cơ rồi chẳng bao lâu giời sẽ cho.
Người con trai muốn lấy vợ, trước hết phải đặt lễ ăn hỏi. Tục lệ như nhau cả, em chắc thế, người Việt xưa phải có một thời kỳ như thế. Bây giờ có khác nữa chỉ một sự thay đổi nhỏ mà thôi.
Nhà trai đem ba chục thước vải chàm xanh, hai trăm quả cau non, một vài nghìn lá trầu không, lá bánh dẻo, đôi vòng tay bằng bạc, một chiếc vòng cổ, mười hai chiếc nhẫn và đôi gà thiến béo.
Xong bữa đó, người con giai đến nhà bố vợ gửi rể trong ba năm giời. Chàng rể phải làm tất cả những công việc của nhà vợ. Việc đồng áng như cày bừa, nhổ mạ, đốn củi, phá móng làm rẫy...
Ở rể xong, chàng rể làm một bữa cưới đón cô dâu về nhà chồng.
Hàm nói đùa:
- Em Péng, nếu anh lấy vợ trên này liệu có gửi rể rất phiền phức, người Việt đã bỏ hủ tục ấy rất phải. Trong ba năm giời, thời gian gần gụi nhiều quá e khi lấy nhau về sẽ không hoà thuận sinh ra chán chường có thể tan vỡ (1)
Péng xua tay ngăn lại, nàng thấy quan điểm của Hàm vừa trình bày khác nên nàng nói như cướp lời:
- Anh nhầm rồi, em cho thời gian chưa cưới là quãng đời sung sướng nhất. Các cụ vẫn thường kể lại tục gửi rể rất có lợi.
Trước kia con nhà giàu có thường hay ỷ lại vào tiền của cha mẹ để lại nên không chịu học hành và làm ăn.
Của nhiều như núi tiêu rồi cũng cạn, vợ nheo nhóc, con cái khổ sở không được đảm bảo đời sống.
Do lẽ ấy đặt ra tục gửi rể ba năm và trong thời kỳ này cô dâu chú rể không được chung màn xẻ gối.
Hàm tặc lưỡi, nhún vai tỏ vẻ sợ cái kiếp ở rể, nếu một khi chàng lấy vợ nơi này.
Và Péng đoán được, nên nàng tiếp nhời luôn:
- Nhưng anh thì không sợ việc gửi rể đâu. Bố mẹ đã biết công việc làm của anh rồi. Bây giờ nếu có cưới vợ chăng nữa thì việc ấy rất dễ dàng, chỉ gửi con trâu một tuổi thay ở rể. Bố mẹ kính mến anh lắm đấy.
Trong óc chàng lúc ấy luôn luôn suy nghĩ sau khi nghe người yêu mình giải thích tục lệ cưới xin.
Người Thái cũng văn minh lắm, họ có một văn hóa riêng biệt và nhất là tình đoàn kết lại rất keo chặt. Họ sống rất thiết thực và sự tương trợ giữa kẻ nghèo, và đó là một hành động đáng để cho người bốn phương kính phục.
Không phải như kiểu lòng thương đồng bào như trọc phú tỉnh thành, môi miệng, họ giúp hẳn về tiền tài thóc lúa.
Thường trong một làng, không có một ai nghèo khổ tột bực. Ít nhất họ cũng có một cái nhà và mấy mẫu ruộng để cung cấp cho gia đình vợ con. Khi một đôi vợ chồng son trẻ ra ở riêng, cần làm nhà thì chỉ việc lên rừng đốn cột và sắm sẵn những dụng cụ thiết yếu. Rồi họ đi mời dân làng cho mỗi người một nhà đến làm giúp, ăn cơm nhà.
Khi nhà cửa xong xuôi, nếu vợ chồng giàu có sẽ mổ lợn, giết gà làm một bữa tiệc “lên nhà mới” để thết anh em, dân làng. Nếu một khi nghèo túng việc ấy được miễn.
Trong bữa tiệc “lên nhà mới” những người đến ăn cỗ phải đem gà, vịt, rượu, gạo đến mừng.
Chàng tặc lưỡi nhủ: “ Chẳng bù cho dân tỉnh thành một chút, người sơn cước quý nhau, trái lại người ở tỉnh thù ghét nhau. Dân núi thờ chủ nghĩa đoàn kết, thời dân thành thị chạy theo chủ nghĩa cá nhân khoái lạc”!
Bỗng Péng chạy từ phía trong nhà ra, nàng bảo chàng:
- Kìa! Anh nghĩ gì thế? Ông bác em mời vào chơi đấy
Chàng gật đầu theo nàng vào nhà trong, lúc ấy người bác nàng chắp tay vái chào trọng vọng mời chàng ngồi lên sập xơi nước.
Phía gần bếp, những cô nàng học trò của chàng cúi đầu chào; địa vị trở nên quan trọng giữa đám người dân đông đúc.
Bác Péng được tiếp thầy giáo làng cũng đã là vinh dự rồi và hơn nữa người ấy lại sắp thành cháu rể tương lai, nên càng quý trọng.
- Mời thày xơi nước.
- Ông để mặc cháu.
- Thày nói tiếng chúng tôi sành sỏi lắm rồi. Có thể gửi rể ở đây được đó. Thày đã ưa cô nào chưa? Tôi làm mối hộ nhé.
Nói xong, chủ nhân nhìn đứa cháu gái, má hồng ửng đỏ hơn chứng nhận nàng đã thẹn.
- Vâng ạ, thế còn gì hơn, trăm sự phải nhờ ông cả.
CHƯƠNG 6
Tối hôm sau, ông giáo ra đình làng dạy học. Trong lúc ông giáo còn ở phía đằng xa, các cô học trò tủm tỉm cười và bảo nhau:
- Thầy giáo đi với Péng trông tốt đôi đấy. Chắc họ yêu nhau lắm đấy nhỉ. Đi đâu cũng có nhau. Hôm nọ tao bắt gặp cả hai đi ra đồng làm việc. Thầy giáo chăm chỉ làm lụng đấy.
Một cô khác trả nhời:
- Đúng rồi, không chăm làm ăn, gửi rể làng này sao được?
Cô khác bấm bạn sẽ nói:
- Thôi tôi xin các cô đừng bàn tán nhiều, thầy sắp đến rồi.
Từ ngày đến đây, Hàm đem tất cả những điều gì ích lợi hấp thụ được ở tỉnh thành đều áp dụng vào làng này cả.
Ngay từ lúc chưa có lệnh bắt buộc mở lớp học bình dân, chàng đã đứng lên mở lớp trưa, tối dạy người làng chữ Việt, Thái.
Lúc đầu, ông giáo chỉ biết nói tiếng Việt, ít lâu sau nhờ người yêu dạy, chàng đã biết cả hai thứ chữ. Đôi khi Péng cũng đến dạy thay chàng môn thổ ngữ.
Là những thứ chữ ngòng – ngoèo gồm có hơn hai mươi chữ cái nào là “tua ló, lua có, mạy kha” v.v…cũng như a, b, c…của ta vậy. Chữ Thái học chóng biết; trong một vài tháng đã đọc được các mặt chữ.
Nhất là Hàm, chàng đã thạo tiếng Thái, hàng ngày nói như thổ dân; việc học chữ càng chóng vánh, đến nỗi người yêu của chàng không ngờ!
Cô giáo riêng của Hàm đã phải kêu:
- Học trò khá lắm, viết đẹp hơn cả cô giáo rồi đấy!
Người Thái cũng chịu khó học hỏi, họ rất ham học tiếng Việt. Những cô gái Thái khi đã biết đọc, họ thường mua sách xem thêm.
Mỗi lần gánh gió ra chợ Vân - Hội hoặc Đan - Thượng (Yên Bái), thế nào lúc trở về họ cố mua được những tập truyện cổ tích như “Hoàng Trừu – ca, Tấm Cám”. Một đôi chỗ không hiểu, họ đã có ông giáo chỉ dẫn.
Chàng còn nhớ một lần, cô Ngăn, một học sinh đến nhà Péng để hỏi chàng, tay cầm quyển Hoàng - Trừu mỏng dính:
- Thày ạ, sao truyện này hay thế. Noọng muốn đọc mãi vui thích quá đi mất. Quả thầy còn câu chuyện gì hay không? Nhớ bảo Noọng nhé, để khi nào ra chợ bán thóc sẽ có dịp dể mua.
Chàng cũng thấy hứng khởi, thầm mừng việc làm có kết quả. Xưa nay đã biết bao nhiêu năm, dân Việt Nam bị quân Tàu xâm lăng và cố sức đồng hoá dân ta bằng văn học. Và bây giờ tuy không có ý nghĩ ấy, chàng chỉ hy vọng gây cho người Thái và Việt yêu nhau hơn, hiểu biết và quý mến, không muốn có một sự phân chia tách bạch.
Chàng thường nói chuyện với các học sinh già, trẻ, lớn, bé, nhoai nhoai rằng:
- Tôi chỉ muốn người Thái và người Việt sống với nhau thân mật, không bao giờ thù hằn gây lòng chia rẽ. Người Thái là người Việt ngày xưa, cùng chung một phong tục tập quán, chữ viết cổ(1), thì không một lẽ nào có thể coi nhau như thù địch được. Người Thái còn giữ phong tục gửi rể, trước đây người Việt chưa văn minh cũng có tục ấy. Người Thái bây giờ tôn sùng đạo phật, tin tưởng vô biên, người Việt cũng vậy.
Người Thái có tình đoàn kết tương thân tưong ái, kẻ giàu có sẵn sàng giúp đỡ người nghèo để cùng nhau chung sống, người Việt cũng thế.
Tại sao người Thái và người Việt còn bị một giống người đứng trung gian làm cho hai phái ghét nhau. Nhưng giờ đây tôi tin rằng không còn nữa.
Những mưu mô ấy chẳng qua do quân xâm lăng đặt ra để hòng hai bên tự tiêu diệt lẫn nhau.
Chàng lợi dụng bất cứ một cơ hội nào cũng nói chuyện về tình đoàn kết. Người sơn cước như Mường, Mán, Thái Đen, Thái Trắng, Lô Lô, v.v…dều là ngưòi Việt cả. Bao nhiêu tục lệ họ là của người Việt ngày xưa còn tồn tại.
Người Mường, Mán thực sự là người Việt trăm phần trăm. Qua lời nói, cách ăn ở, đều giống hệt. Tiếng Mường như tiếng Việt tuy nặng hơn một chút. Chẳng hạn như người Việt nói ăn cơm thì người Mường đọc nặng hơn: “ạn cơm”, đi chơi thì “đi ủn”, mẹ thì “mế” v.v…
Người Mán ăn mặc cách thức đều tương tự. Đàn ông đội khăn nhiễu tam giang, cũng ở nhà đất và phong tục ăn uống cũng chẳng khác gì.
Người Việt bây giờ, một phần đông là người nhà quê vẫn có nhiều tính chất giống người sơn cước.Tỷ dụ như những cuộc hôn nhân ít có cuộc ly dị. Người sơn cước còn hơn thế nữa, cho một trăm đám cưới thì rất ít khi có cuộc bỏ nhau. Còn người tỉnh thành chỉ là một số nhỏ không đáng kể, nhiều sư lố lăng chẳng qua bắt chước những sự đua đòi ngoại lai nhập cảng.
- Chiếng sáy (chào thầy), chiếng ý (chào chị).
Những tiếng chào của học trò ồn ào khiến hai người lúng túng. Chàng và nàng đứng yên một chỗ - cúi đầu đáp lại tất cả đi vào đình học hỏi.
Là một ngôi đình bốn bề gió thổi lùa, bàn ghế bằng lương nứa, bảng đen là cánh cửa đình. Phấn là những cục “đá thối”. Học trò đủ các loại chăm chú học tập. Những nét mặt đạo mạo của các cụ già, nét mặt ngây thơ các cô cậu nhoai nhoai, nét mặt láu lỉnh đáng yêu của các nàng sơn nữ, những nét mặt cương quyết của thanh niên hiện dưới đèn dầu leo lét.
Trên những chiếc bàn, sách vở giấy gió, bút mực nội hoá, mọi người quên tất cả việc đồng áng, để đôi mắt nhìn thầy giáo đứng bên bảng đang chỉ dẫn họ học tập.
Chú thích:
(1) Theo Ngô Thúc Địch trong bài diễn thuyết “Địa vị Hán- Văn trong Việt Ngữ”.
CHƯƠNG 7
Hôm nay anh và em đi “duốc cá” khe Lũng nhé
- Ừ! Thế em đi chặt lá cói trước đi. Anh còn dặm lại mấy cái rổ đã nhé. Đi với ai nữa?
- Cô Ngăn
Dứt lời Péng chạy vào nhà lấy vỏ dao rồi ton ton chạy ra vệ suối chặt gánh lá cói.
Xuống tới suối, nàng gặp Ngăn đi lên phía nhà. Nàng hỏi:
- Mày đi đâu? Không chặt lá à?
- Xong rồi, Mày đi đi, tao lên nhà nhờ thầy dặm “ớp” đây.
- Đi với tao đã nào.
- Thôi mày đi một mình vậy, tí nữa tao xuống ngay bây giờ.
Dứt lời Péng đi thẳng và Ngăn về nhà. Ngăn thầm nghĩ: “Hôm nay ta phải nói chuyện ấy cho thầy hết mới được”. Ngăn cũng yêu Hàm, một chàng thanh niên thân hình mập mạp, cương tính và đẹp trai. Đã bao nhiêu lần, nàng mê mải những câu chuyện duyên dáng của chàng hoặc lời giảng dạy sang sảng trong lớp học.
Lúc nào nàng củng tỏ ra chăm chỉ học tập và luôn luôn tìm hiểu phong tục Việt: Nàng hy vọng sẽ được chàng chú ý và rồi mai đây biết đâu nàng chẳng được cùng chàng chung sống. Có đôi lúc nàng tự nhủ: “Anh ấy yêu Péng rồi thì sao?”. Đôi lúc Ngăn ướm hỏi thì Péng nhất định dấu diếm. Một lần, nàng nghi ngờ Péng và Hàm yêu nhau thực sự. Péng búi tóc ở đỉnh đầu.
Nàng chạy vào gốc cây nhìn xung quanh không có ai, rũ bộ tóc mây rồi quấn lên đỉnh đầu đến chỗ Hàm đang dặm “rổ”.
Chàng ngạc nhiên hỏi:
- Hôm nay cô Ngăn định báo tin cho tôi ăn cỗ chắc?
Ngăn thấy vui vui và trả nhời:
- Em đùa đấy, chưa lấy ai đâu anh ạ.
- Thế cô chẳng sợ người ta cười à? Nếu sau này không có thật.
- Chẳng sao ạ.
Nàng định tâm sẽ bộc lộ cho chàng biết, nhưng rồi trong một phút, nàng lại thấy có sự thay đổi “ Có lẽ Hàm yêu Péng thật, thôi ta không nên bộc lộ nữa. Để dành riêng tình đằm thắm cho kẻ đã đi trước.”
Xong, nàng rũ tóc rồi lại búi xuống gáy.
Trong lúc ấy, Péng vừa kịp về nhà gọi tất cả mọi người đi duốc cá.
Péng bảo hai người:
- Trời hôm nay nắng đấy, đi duốc cá ở Khe Lũng nhất định phải được nhiều. Vì dạo này lắm tôm, cá quá đi mất. Hôm qua mấy thằng bé chăn trâu về bảo vậy.
Ngăn không để ý đến lời chị họ nói, nàng hơi buồn và nghĩ lao lung những chuyện cá nhân giữa hai người.
Hàm không biết nên hỏi đùa:
- Kìa Ngăn, Péng nói có đúng không! Có thật hay cô ấy nói dối đấy?
- Không biết thày ạ, em thấy hơi nhức đầu.
Péng bảo chàng:
- Thôi mặc nó, chúng mình đừng ép nó nói nhiều.
Hàm gật đầu, chàng nói lãng sang câu chuyện khác:
- Nắng rừng đẹp đấy, này nhìn xem, nhũng tia nắng long lanh chiếu xuống rừng như mặt đất loang lổ. Anh thích những cảnh tưọng đó lắm. Chẳng hiểu sao tình quê và tình rừng quyến rũ anh thế. Anh có thể quên được những cảnh tỉnh thành đáng tởm, xa lánh các cô nàng kiều diễm, quyến rũ, cuộc sống khắt khe, bầu không khí chật hẹp.
Về miền rừng, anh thấy cuộc sống phóng khoáng, tinh thần trong sạch và lành mạnh.
Péng nhìn chàng thân mật:
- Em cũng nghĩ thế. Nhưng anh ạ, em muốn anh ở đây với Péng mãi mãi.
Hàm hiểu lắm! Con gái yêu ai, ít khi người thiếu nữ quên được tình yêu sẵn có. Họ không nghĩ gì hơn nữa! Cho nên bất cứ câu chuyện gì, Péng cũng đả động đến mối yêu đương của hai người.
Chàng gật đầu. Péng ngước mắt hỏi:
- Ngày anh học ở tỉnh. Anh đã…
- Làm sao?
Mãi Péng mới nói nốt:
-…Yêu ai chưa? Em hỏi thật đấy.
Thế rồi nàng cười. Lòng vui mừng hể hả. Rồi cả ba bắt đầu leo dốc.
Péng bảo:
- Bắt đền anh đấy: hôm nọ anh đưa em đi xem bẫy đã phải chèo dốc. Buổi nay lại chèo dốc. Anh đi nhanh thế. Anh phải kéo em lên dốc với nào!
Ngăn đi bên cạnh. Nàng nghe người chị làm nũng, nàng tức bực không chịu được. Nàng mắng yêu trong nỗi khổ tâm:
- Gớm! Péng! Sao mày lại quấy anh thế!
Hàm nghe rõ câu chuyện hai người. Chàng liên tưởng đến phong tục người Âu cũng giống hệt người Thái về cách xưng hô. Chàng bảo Ngăn:
- Người Thái xưng hô giống hệt Tây.
- Cái gì hở thầy! Giống làm sao?
- Chẳng hạn, Tây xưng hô thân mật dùng tao mày thì người Thái cũng thế.
Nàng cau mày:
- Em không biết Tây Tàu gì cả. Người Thái có bao giờ tiếp xúc với họ đâu, mà thầy bảo giống hệt họ.
Hàm bảo:
- Thôi, xin lỗi nhé. Tôi chót nhỡ nhời.
Chàng ngưng lời. Điểm giống nhau chẳng qua chỉ là sự tự nhiên mà có, chưa chắc ai đã bắt chước của ai? Chàng hiểu mình thiên lệch ngu độn, Thái Tày đồng một tập tục ấy, chàng lại cho Thái bắt chước Âu chẳng qua sự ghép bắt chước ấy, cho Thái theo Âu bởi Âu văn minh; “Cái” gì văn minh của nước văn minh vẫn là điều hay!
Ngăn vẫn nói chuyện. Nàng chỉ tay, miệng thốt lời căm giận:
- Em ghét lắm rồi. Trước đây một ông quan đến “bản” này, bố Péng làm quan Châu chiều chuộng họ quá đáng! Nào là nửa đêm lùng con gái đẹp “xoè” múa cho họ xem! Lại định bắt cả em nữa kia chứ.
Hàm cười:
- Các thiếu nữ xoè múa cho quan xem được thưởng tiền cơ mà! Sao cô lại ghét?
Ngăn bĩu môi:
- Tiền mà làm gì? Họ coi rẻ mình như bèo ấy? Xoè dạc người, mệt xác, thế mà họ thưởng tiền như ăn mày. Cầm tờ giấy bạc ném xuống đất, không thèm đưa tận tay. Thầy bảo họ tử tế gì?
Péng nhìn hai người nói truyện với nhau, nàng rất ghen tức. Tuy nhiên nàng cũng không muốn ngắt câu truyện của họ nên lãng bằng cách bước thoăn thoắt lên trước.
Khi tới khe Lũng, nàng gọi hai người:
- Đến rồi, Ngăn gánh lá cói xuống đây giã chứ!
Hai gánh lá cói đặt trên bãi sỏi chất thành đống.
Hàm chạy lên bụi chặt ba cây gỗ nhỏ vạt nhọn dùng làm chày giã.
Cả ba thi nhau trong công việc. Những tiếng chày nhanh nhanh, đều đều, gây niềm vui phấn khởi. Péng bảo:
- Giã khoẻ nhé. Lát nữa nước cói tan chảy xuống khe, vô số cá say.
Nói xong, nàng giơ chày thật cao giã mạnh. Ngăn nói đùa:
- Con gái có khác!
- Mày thì không? Ra giọng bà cụ, tao ghét lắm!
Ngăn trêu trọc thầy giáo:
- Em khen thầy vậy nhé. Thầy giã khoẻ lắm! Con giai mà.
Hàm thèn thẹn tự nhủ: “Ngăn nói táo bạo quá”.
Péng nun vào:
- Con giai mà giã thua con gái thì ngượng chết!
Câu truyện vui, lời nói bông đùa đều đều trong gần tiếng đồng hố, lá cói nhỏ như cám. Péng bảo Hàm:
- Anh đem cái “nắn” (1) này xuống đặt ở dưới kia nhé không cá nó ngửi thấy mùi cói, chạy xuôi hết. Hôm nay thế nào cũng được nhiều. Em thấy ở vũng kia hàng đàn cơ đấy!
Anh nhớ đặt dưới vũng mới ăn thua.
Hàm gật đầu.
Còn hai nàng, đấy cối lá cói xuống luồng nước. Ngăn tát nước ở suối lên để cho những vũng nước cói chảy theo giòng.
Mầu nước xanh biếc trôi theo nước suối trong veo, pha trộn với nhau. Nước cới chảy tới đâu, cá ngoi lên tới đó.
Péng vỗ tay reo:
- Cá nhiều lắm!
Không thấy Ngăn đáp, nàng gọi Hàm:
- Anh đặt “nắn” xong chưa?
Rồi nàng bỏ Ngăn, chạy lại chỗ Hàm. Hàm vẫn chưa bê đá xong. Ca ngửi thấy mùi lá cới chạy xuôi tán loạn. Péng bảo:
- Anh không biết làm rồi! Cá đi hết mất.
Nàng cầm nắn chạy xuôi và chỉ trong một lát, bê đá đặt nắn xong xuôi. Hàm nhìn phục sự quen của nàng. Chàng khen:
- Em tôi nhanh nhẹn thật!
Quay đi, quay lại, cả hai tự động sát gần nhau. Nàng thủ thỉ:
- Anh sợ Ngăn biết à! Việc quái gì, nó ở đây, anh cứ đàng hoàng trò chuyện. Chẳng sợ ai cả.
- Nhưng anh ngại. Tuy phong tục tự nhiên. Không gì khốn khổ hơn thấy đôi trai gái yêu nhau qua cái hôn nồng nàn, mà Ngăn lẻ loi, cô độc!
Ngăn biết, nàng im lặng. Mặc dầu nàng cảm thấy xót xa. Péng cười, nhận lời Hàm nói đúng tâm trạng.
Cả hai đi lên chỗ Ngăn. Ngăn gạt nỗi buồn:
- Đợi một lát nữa hãy “súc” cá. Bây giờ chúng ta lên rừng lấy chuối ăn đã.
Péng hỏi:
- Thế hôm nọ mày có lên đây à? Chắc mày chặt chuối rừng đem dấm phải không. Đã lâu chưa mà chắc chín?
Ngăn nguýt:
- Mày tưởng tao dốt đấy phải không? Tao đã lấy lá soan ủ hai buồng. Mấy hôm rồi phải chín chứ!
- Chắc gì còn? Người ta lên đấy, thấy chẳng ăn rồi. Họ lại bỏ cho mày?
- Thì mày cứ đi với tao; tin là có.
Hai người theo chân Ngăn dách vào lối rậm rạp. Ngăn cầm dao phạt lá dong tìm lối đi và sục sạo trong hồi lâu:
- Đây rồi. Còn cả hai nhé!
Vừa nói xong, nàng cầm dao khều ra. Cả hai nải quả mập mạp và chín mầu vàng!
Hàm khen:
- Ngăn khéo chọn buồng tốt nhỉ. À, hôm này để làm lễ ăn hỏi cô Ngăn nhé. Lúc nãy tôi thấy…
- Thôi đừng nói nữa thầy ạ. Ăn đi đã!
Biết Ngăn không muốn nhắc lại câu chuyện buồn. Chàng im lặng, tôn trọng. Chàng nói đùa Péng:
- Đùa Ngăn một tí, ấy thế mà chút nữa nàng giận và giận thì mất phần ăn!
- Phần đây, thày ăn đi nhé!
Cả hai người đều bóc chuối. Chuối rừng già có hột, thơm, ngon. Mỗi người ăn hết một nải mười quả đã tặc lưỡi nhìn nhau. Hàm tỏ vẻ luyến tiếc:
- Trông ngon quá mà không tài nào ăn thêm được nữa. Hay là chúng mình chặt ra mà gánh về!
- Phải đấy.
Ngăn đồng ý, nàng rút dao chặt, xâu thành gánh.
- Quay về thôi, có lẽ cá chết nổi lên nhiều lắm rồi.
Péng bảo Ngăn, nàng quay gót. Vừa đến chỗ giã cới lúc nãy, Ngăn reo:
- Y như rằng bao nhiêu cá mương ngoi đầu sặc lá cới.
Ngăn chạy xuống suối. Cầm rổ vớt cá chảng cần bảo Péng và Hàm nữa. Cả hai người cũng chẳng gọi Ngăn nữa; họ đã xuống suối xúc cá và ca khúc hát yêu đời.
Ngăn đi thẳng xuống phía dưới mặc cho Hàm và Péng ở lại sau.
Trong lúc ấy, Hàm và Péng tự do trò chuyện.
- Những cuộc bắt cá thế này thích đấy nhỉ?
Trong một phút, Hàm tưởng đến cuộc đời tương lai sống ở rừng núi. Chàng đáp:
- Ừ! Thú thật! Chúng ta làm ruộng lấy thóc giã gạo; lên khe duốc cá,có thức ăn. Chủng ta thở bầu không khí rộng, mát mẻ; vui vẻ, say sưa bên em chiều chồng. Chao ôi! đời đẹp quá!
Péng cảm thấy lòng hồi hộp. Phải chăng cả hai cùng chung thở nhịp yêu đương. Chàng nhắn nhủ:
- Péng ơi! Buổi nay đẹp quá! Khi anh nhìn thấy em cười. Anh sẽ ở đây mãi mãi, hưởng cuộc đời thanh thoảng như nắng chiều thu bên suối.
Péng lắng tai nghe, cảm thấy đời nàng đắm đuối giây phút của tuổi xuân!
Trên nguồn thác nước vẫn reo những tiếng ngọt ngào. Chim chóc ca điệu hót nhịp nhàng. Muôn hoa lá nở tung như đón chào đôi trẻ lạc vào suối mơ!
Chú thích:
(1) Người Thái gọi “nắn” là “đó”. Tiếng Thái là “tháy”
CHƯƠNG 8
Đã lâu nay, Péng làm việc nhà chăm chỉ. Miệng lúc nào cũng tươi tắn, ít khi nàng gắt gỏng, to tiếng với bất cứ một ai trong nhà.
Người nhà, người cửa, anh em phải kêu vì sung sướng! Họ bảo nhau:
- Dạo này Péng lại vui quá, hiền lành và lại tốt hơn mọi khi một bậc. Hôm nọ thím Păn chăn lợn vô ý đập chết một con nhỏ vì quá bực tức, nóng giận nó sổ vào ăn. Péng không hề nói năng một nhời. Nó còn bảo thím Păn rằng đem ra suối vứt đi, lần sau cẩn thận hơn.
Cháu gái thím Păn đáp:
- Đúng đấy! Chắc là đổi tính rồi. Xưa nó ác lắm, bây giờ tao mến nó, bởi nó hiền lành. Thầy giáo cũng mến nó!
Thím Păn ở đâu bước vào:
- Nhất định rồi. Mày không biết à? Sắp được ăn cưới đấy. Nó đang bắt đầu thêu gối, thùa chăn màu. Đẹp đến nỗi nhìn có thể dại mắt! Trước nó dặn tao nuôi mấy con lợn tám chín yến để mổ làm lễ ăn hỏi.
Mấy con to nhất bên chuồng gần gốc cao ấy. Bây giờ hai ba tạ rồi.
Cháu thím Păn ngẩn người hỏi:
- Sướng nhỉ? Mấy con?
- Năm.
Thầy giáo tốt số đấy. Chúng nó ở trong làng khen thầy đẹp giai và hay trêu ghẹo lắm. Hôm nọ tao nghe thấy con Ngăn, con Tó bàn nhau như thế này: “thầy giáo ấy có lấy năm bẩy vợ. Tao trông thấy cũng muốn thương”.
Thím Păn muốn tỏ mình là người hiểu biết, lên mặt:
- Mày bảo lấy thế nào được nhiều vợ. Chúng mày không biết phong tục người Kinh. Người con giai không bao giờ được lấy nhiều vợ. Ngay “ma” nhà nó cũng không nghe rối. Nó làm cho ốm, đau, chứ mày tưởng!
Đứa cháu nhìn thím nó, mắt tròn xoe kinh ngạc:
- Thế kia á?
- Phải rồi.
- Ai bảo mày mà biết phong tục người ta?
- Sao lại không biết à. Từ bé đến lúc con gái tao vẫn thường gánh gió ra chợ bán biết bao nhiêu bận. Tao đã được nghe người ta nói lại chứ sao?
Đứa cháu lại hỏi tiếp mọt cách buồn cười:
- Này, mày có tin nó lấy được thầy giáo không. Theo tao, người Kinh và người Thái…?
Mày nói dở lắm. Người nào mà không lấy được nhau. Đần đận như mày có khác. Ngu quá, tao không nói truyện nữa.
Rồi thím vùng vằng vào nhà, mặc đứa cháu gái ở lại. Péng nghe thấy có tiếng gắt gỏng, chạy ra hỏi:
- Đứa nào vừa cãi nhau đấy?
- Không đâu.
Đứa cháu thím Păn chối đay đảy khiến nàng phải hỏi đứa khác:
- Chừ! Mày nói cho tao nghe đứa nào vừa cãi nhau? Tao nghe thấy có đứa nào mắng nhau ngu độn cơ mà?
Cháu thím Păn và thằng Chừ nhìn nhau chưa kịp đáp, Péng thúc giục:
- Mầy có nói không?
- Thím Păn mắng Păn đấy mà.
- Tại sao thế? Tao ở trong nhà không ngủ được!
Chừ tiếp:
- Nó nói chuyện với thím Păn rằng người Thái và người Kinh không lấy được nhau. Thế rồi thím nó to tiếng.
- Nói ai? Ở đâu?
Chừ thẹn đỏ mặt không dám trả nhời. Nó nhìn Péng, rồi đáp:
- Nó nói…
Péng thẹn; và hiểu nó nói mình. Nhưng nàng cũng muốn cho nó nói:
- Mày cứ nói:
- Nó bảo Péng và thầy giáo không lấy được nhau?
Nghe dứt, Péng buột miệng cười sung sướng, bước qua ngưỡng cửa vào nhà.
CHƯƠNG 9
Mấy ngày liền, Péng chạy hớt hãi đi khắp mọi nơi. Thầy mo đến cúng cho Hàm. Chàng đã nằm liệt giường ròng rã ba bốn ngày trời. Cơn sốt nặng, liên miên mấy tiếng đồng hố, người nóng ran như lửa. Cả nhà ông Bang lo ngay ngáy. Người khổ tâm nhất là Péng.
Lúc thấy chàng tỉnh, nỗi vui hiện lên trên nét mặt, khi chàng rên hoặc quằn quại trên giường bệnh, nàng lau nước mắt chạy vòng quanh; thỉnh thoảng chảy trên gò má hồng. Nàng hỏi:
- Anh đã đỡ chưa? Ăn cháo gà Péng đi nấu nhé!
Hàm lắc đầu hoài. Đôi lúc thiêm thiếp hoặc tỉnh giấc, nàng vẫn ngồi bên săn sóc.
Lúc tỉnh táo, chàng thấy Péng ngồi bên. Đôi mắt đẹp lo âu lúc nào cũng nhìn lên trần nhà, miệng khấn vái cầu cho chàng chóng khỏi.
Chàng nhìn nàng thương mến. Chàng cố gắng nói cho Péng biết rằng không có ma qủi nào ám ảnh chàng cả. Còn ốm chẳng qua là không chịu nổi thuỷ thổ, nước độc thôi. Đã mấy đêm chàng phải nghe thầy mo “leng cheng” cúng vái, khó chịu vô cùng.
Ông bà Bang, Péng, cả cậu em mới ở tỉnh về cũng không ngớt buồn bã. Chẳng có lúc nào những người ấy không nhắc đến tên chàng.
Bà Bang thúc giục Péng lên bản Dạ mời thầy mo khác về cúng. Bà bảo con gái:
- Này mày có biết nhà ông mo Sin bản Dạ không. Mày cưỡi ngựa đi ngay nhé. Nhớ bảo thằng Chừ đi theo cho có bạn đường.
Khi đến nơi nhớ bảo ông mo Sin phải xuống ngay lập tức không được chậm chễ một phút.
Péng nhóm niềm hi vọng. Chắc ông mo này cũng giỏi lắm nên mẹ ta mới bắt đi mời ngay.Nàng luôn luôn tự hỏi không biết chàng bị ma nào quở phạt mà ốm lâu thế hoặc là hôm nọ đi duốc cá ở khe Lũng chăng?
Đúng rồi, ở vũng ấy có cái đu, chàng leo lên nghịch ngợm bị quở phạt.
Hai con ngựa vẫn phóng như bay trên con đường bản Dạ.
Trời tối đen. Péng cầm chiếc đèn ba bin bấm cho thằng Chừ đi trước. Thỉnh thoảng nó quay lại, định nói truyện vui thì nàng lại hỏi:
- Câu truyện có cần không?
- Không, không cần lắm.
- Thúc ngựa nhanh lên. Đừng truyện trò gì cả.
Hơn ba tiếng đồng hồ, vào khoảng mười giờ tối cả hai đã đến bản Dạ. Ở đây là dân Mường nên làm việc rất chăm chỉ, chưa nhà nào đi ngủ cả.
Péng thúc ngựa qua làng và những người ở đấy bảo nhau:
- Sao con quan Bang đến đây tối thế nhỉ. Chắc có việc gì quan trọng đây?
- Có lẽ lắm, tôi thấy hai người phóng ngựa rất nhanh chắc là có việc cần gọi ông Tạo Mường.
Nàng vừa tới điếm canh, một anh lính gát ra ngoài vái chào cung kính, thưa:
- Quan Bang có vịêc gì cần đấy ạ?
- Nhà mo Sin?
Sẵn ngựa của Chừ còn ngồi được ở phía sau. Anh lính nhẩy lên đưa nàng tới nhà ông mo và dân chúng các bản lân cận đồn là thầy phù thuỷ cao tay bắt ma rất tài tình.
Bất cứ là ai bị một bệnh gì trầm trọng đến đâu ông ta cũng gọi bệnh rất giỏi. Ông ta bảo bệnh nhân chết nhất định người ấy chết, và nói sống thì y như nhời vậy.
Ông mo Sin đã được nhiều người nể phục. Người ta lại còn nói rằng xưa kia ông sang bên Tàu học ngành phù thuỷ và sẵn có ma chài, ma bói, tướng số, địa lý khiến cho bao nhêu người đã làm to tát nhờ đặt mồ mả.
Và hơn nữa, ong bói rất đúng. Có một lần, một quan phủ trị dân, tính tình ác độc, tróc nã, hà hiếp đến tai ông mo. Sau khi bói ông hứa với mọi người rằng quan phủ ấy sẽ phải đổi đi nơi khác, trong một ngày rất gần đây.
Trong cuộc chuyển đồ đạc thế nào cũng có mấy con ngựa thố vàng, bạc bị ngã xuống vực sâu mất ít nhiều.
Ít lâu sau đúng như lời ông nói, quan phủ phải đổi ra Yên Bái và đến dốc Ba – Khe, ngựa lăn xuống đèo đình.
Ông mo lại còn là một tay chài người rất giỏi, những người ác độc, ông có thể dùng thuật chài làm chết (1). Tướng số ông rất thông thạo, nói đâu ra đấy, biết được tất cả vận mạng tiền hậu vận. Ai đã làm những gì, ông nói rõ vanh vách như đi sát với quá vãng họ.
Nhất là bắt mạch đất để đặt mồ mả thì rất tài tình. Chẳng hạn như nhà ông Bang xưa kia rất nghèo nàn, mặc dầu anh em làm quan.
Khi ông tới đặt mồ mả được ít lâu, con cháu làm ăn khá giả, tốt đẹp, nối chức quan Châu Bang.
Bỗng anh lính gát nhẩy xuống ngựa, kính cẩn nói với nàng:
- Nhà ông mo Sin đây ạ.
Nàng gật đầu và gõ cổng vào. Chính ông mo Sin già lụ khụ ra mở cổng và thoáng nhìn đã biết nàng là ai rồi.
Cháu về đây có việc gì cần đấy?
Nửa đêm gà gáy cũng chịu khó lần mò đến gọi bác. Cháu vào nhà uống nước đã.
Péng hớt hãi từ chối nói:
- Thưa ông, bố mẹ cháu mời ông đi ngay cứu sống mạng người. Hiện anh cháu đang ốm liệt giường, liệt chiếu, cơm cháo không ăn.
Ông đưa mắt ra trời nhìn tư lự và trong một phút sau, ông hỏi căn bệnh:
- Anh ấy ốm về bệnh gì, cháu có biết không? Nhức đầu ư, hoặc sốt rét hay làm sao?
Nàng chắp tay cung kính luôn luôn đáp sát lời ông mo.
- Được rồi, tôi đi ngay.
Ông vào nhà, sai người xuống thắng yên ngựa. Trong lúc ấy ông ta gói một ít thuốc Nam mang theo.
Chiếc đàn bầu, cái tráp lớn. Đó là những dụng cụ để chữa người ốm trên miền Việt Bắc.
(1) Đón xem cuốn “Truyện lạ xứ Mường” sẽ hiểu rõ hơn
CHƯƠNG 10
Trước khi ông mo Sin và Péng về đến nhà bà Bang đã sắp sẵn cỗ bàn cúng.
Trên chiếc mâm gỗ cao ba chân đặt ở buồng thờ ma Hóng, hai con gà sống mái luộc chín đặt trong cái đĩa trên mâm gạo đầy.
Một đĩa trầu cau têm sẵn, hai đồng tiền trinh đặt ngay bên bó hương đen.
Thầy mo mở tráp ra cầm quạt phe phẩy, miệng khấn vái những bài tiếng Mường.
- Ho ói là! Pạn, pán, pan, a à!
Ê à, ho ói la, pán, pan, a à!
Xong thầy mo lại gẩy đàn từng tứng tưng lúc lên bổng khi xuống trầm, thanh thanh, đùng đục rất ăn nhịp với những tiếng pạn pán pan.
Bệnh nhân nằm ngay bên cạnh mâm thầy cúng rất khổ tai. Chàng vừa nhức đầu lại phải nghe những tiếng đàn hát sặc sụa nặng nề. Mỗi lúc chàng mở mắt ra, Péng ngồi bên cạnh với cặp mắt thương xót. Hai má hồng của nàng kém tươi hơn, đôi mắt huyền đen xưa, nay đã vơi sắc đẹp quyến rũ và nhường cho một khối buồn bao rộng.
Mỗi lúc thấy chàng mở mắt, nàng lại săn đón hỏi:
- Anh đã đỡ nhiều chưa? Thầy mo Sin đến cúng cho anh đấy. Thầy bảo rằng anh bị gió cảm và ma quở phạt. Nhưng sẽ khỏi ngay anh ạ, không lâu đâu.
Hàm gật đầu và sẽ đáp:
- Anh sắp khỏi rồi, đỡ nhiều.
Rồi chàng lại ngủ và trong khi ấy Péng ra ngoài bếp sắc thuốc lại cho chàng. Nàng đem thuốc đến, lấy quạt thổi gần nguội đợi cho đến lúc Hàm thức giấc mới có cơ hội mời:
- Anh Hàm! Uống thuốc đi cho chóng khỏi bệnh. Lá “cơm kìa” sắc đấy anh ạ. Anh uống một ngụm nhé!
Lời nói của người yêu ngọt ngào không đắng như liều thuốc “cơm kìa” nọ.
Lúc uống vào, chàng sặc sụa muốn nôn ra nhưng lời nói của người yêu đã làm chàng cố nhắm mắt nuốt:
- Thuốc ngọt lắm anh ạ, không đắng đâu, chắc miệng anh đắng đấy thôi.
Péng cũng biết mình đã nói dối người yêu, lá “cơm kìa” là một thứ lá xanh như màu chàm thường hay mọc ở những chố đất ẩm bên bờ suối. “Cơm kìa” một thứ ký – ninh thổ xứ. Những người đường xuôi lên mạn ngược ốm đau đều phải uống thuốc đó.
Có một lần, theo như mẹ nàng bảo rằng Hàm ốm vì không quen thuỷ thổ cần lấy run đất lam với nước lá ổi uống. Nhưng nàng chưa áp dụng.
- Ực, ực.
- Hết rồi! Anh nằm nghỉ đi.
Péng phủ chăn cho người yêu rồi nàng đi ra phía ngoài.
Bỗng mo Sìn gọi nàng;
- Péng ở lại đây.
Nàng chạy đến và thầy cúng bảo:
- Ta đứt dây đàn, con tìm đâu được giây mới bây giờ. Ta e…
Péng đã toan lấy khăn lau mắt, nàng hiểu trước câu nói kia sẽ là một điềm gở. Nàng chạy đi lấy giây đàn trong tâm tự hỏi: “có lẽ đứt thì độc lắm đấy.”
Nàng định quay lại để hỏi ông mo Sin xem rằng có bao giờ đàn đứt không? Và có, ở trong trường hợp nào? Người ốm sẽ ra sao? Nàng quay gót lại được mấy bước rồi lại nghĩ: Ta hãy đi lấy dây đàn đã rồi lúc về hỏi cũng không sao?
Lúc đã lấy được đem về, nàng chạy ba chân, bốn cẳng tới nhà vội vã trèo lên thang chẳng may bước hụt. Nàng ngã lăn xuống đất, ống chân trái tím bằng đồng bạc ván quan xoè.
Nàng lại đứng dậy và quên đau khi nghĩ rằng việc cần nhất là hỏi thầy Mo kết qủa đứt dây đàn.
Nàng vẫn hớt hãi chạy vào nhà, những dát sàn buồng bị nện mạnh nên vang động thành tiếng “thùng, thùng” bật dậy như giường lò xo.
- Con lấy được rồi đấy à?
- Vâng, thưa thầy. Có bao giờ đứt dây đàn mà… Không?
Chợt nghĩ lúc nãy nhỡ nhời, thầy Mo đính chính:
- Con không lo. Lúc nãy thầy bảo rằng có lẽ e chậm thời gian thôi. Còn bệnh của anh con sắp khỏi rồi. Con ngoan và chăm chỉ lắm. Trời đất sẽ đền công.
Tuy nàng không phải là bệnh nhân, những lời nói kia làm nàng vô cùng sung sướng và tin lời thầy thuốc tuyệt đối.
Nàng chạy vào thăm chàng. Đôi mắt nhìn người yêu không chớp như nán chờ từng một giây phút. Hàm mở mắt thức giấc để nghe nàng nói chuyện.
Thấy mồ hôi đẫm ướt trên trán, nàng lấy tay khẽ lau và chàng tỉnh giấc cặp mắt nhìn thấy Péng chan chứa tình yêu. Chưa kịp để cho Hàm nói, nàng đã hỏi han:
- Anh thấy người ra sao?
- Khỏi rồi.
- Em sướng quá!
Nàng kể cho chàng nghe những lời thầy mo dặn, cả hai tin tưởng yêu đời Péng lắng nghe Hàm nói được câu chuyện đầu:
- Péng ạ, hôm nay anh cũng thấy đỡ nhiều lắm, hơn mọi ngày. Anh thấy thích ăn cháo và thèm cơm lắm. Anh kể chuyện cho em nghe cơn sốt hôm nọ sợ quá!
Đầu anh lúc nào cũng nóng bưng bưng và khó chịu hết sức. Nhìn lên đỉnh màn, mắt anh nhận thấy rất nhiều cảnh tượng lạ. Chỉ cần một cái chấm đen rất nhỏ trong một phút nó đã biến thành nhiều vòng lớn…rồi như doạ nạt.
Mỗi lúc nhắm mắt, anh lại càng hoảng hồn. Bao nhiêu ma mãnh, tay người to lớn tát anh và đến nỗi lúc mở mắt mới biết mình qua một cơn khóc lóc hoài!
- Anh nói nhiều quá hãy nghỉ ngơi đã, hôm nào anh khỏi chúng ta sẽ nói những câu chuyện lý thú và hay ho.
Nàng bảo chàng:
- Anh nằm nghỉ nhé, em ra xem cháo chín chưa.
Hàm đã gần khỏi, chàng nghĩ đến chuyện tương lai. Không ngờ Péng lại chịu khó đến thế, ta ốm tuy có hại nhưng biết được lòng cô mình!
Nàng rất khéo chiều chuộng bệnh nhân chẳng khác gì một nữ - y – tá. Tay mát như thạch, mỗi khi đặt lên trán chàng thấy đê mê sung sướng và cảm động: “ Người con gái quan châu ấy đẹp tính và cả người, biết ăn ở với mọi người còn hơn bao nhiêu thiếu nữ tỉnh thành. Nàng đã dung hòa được cả những đức tính của người tỉnh, khéo chiều chồng và thêm vào đấy, tính tình chất phác, thực thà, lễ độ không lắc léo như mọi người xa hoa của đất đế đô. Ta có một người vợ đẹp như vậy, thật cũng phải nói rằng tốt số và hiếm có”.
CHƯƠNG 11
Hàm đã gần bình phục hẳn. Mấy hôm nay chàng đã đi đi, lại lại đứng ngồi như thường lệ.
Péng luôn luôn để ý đến chàng bất cứ một công việc nhỏ nhặt nào đi nữa. Nhà nàng ban ngày đều ra đồng làm việc, ông Bang đi Nghĩa Lộ họp từ mấy hôm nay. Mẹ nàng ra ngoài đồng trông nom công việc. Em nàng ra tỉnh học. Và ở nhà chỉ còn nàng và Hàm. Mỗi lúc chàng chạy ra ngoài gió, nàng lại can ngăn:
- Em biết anh thèm ngắm phong cảnh hay nhìn nơi khoáng đãng lắm! Nhưng chưa khỏi hẳn sợ gió máy đấy.
Hàm nghe lời nàng và nhất là khi người ấy lại săn sóc chàng hơn cả chính thân họ thì lại càng cảm động. Chàng nghe lời Péng.
Lúc chàng bước vào nhà, Péng nói truyện với Hàm trong bầu không khí gia đình:
- Gió độc lắm! Gió rừng thiêng cơ mà! Ốm lại nguy lắm! Chúng mình đều không muốn thế cả.
Hàm thầm nghĩ: “Thật là người yêu lý tưởng nay chàng lại có thể thực hiện được ở trên đất Thái.”
Nếu bảo nàng tham của cải để yêu chàng thì cũng là một điều vô lý hết sức. Với hai bàn tay trắng đem thân lên đây đổi lấy vài tạ gạo; làm gì còn có tiền của để nàng ham mê.
Hoặc nói rằng nhà chàng xưa kia giàu có thì lại càng mơ hồ vô cùng. Nàng có biết đâu cơ đồ gây dựng ở chân trời góc bể xa xôi nào?
Thử đặt lại tình yêu của chàng bắt gốc từ đâu? Nếu không là tính tình và nhân cách của chàng.
Ngẫm tới đây, Hàm thấy đời đẹp lên vô cùng. Chàng đã tự kiêu trong một phút, người yêu của chàng cảm phục và tương lai sáng lạn. Chàng nói một mình:
“Ta đã hơn nhiều người rồi đấy nhé, ngay đến cả con những thằng nhà giàu có, trọc phú”
Các cô yêu chàng biết đâu chẳng là ham tiền của, cái túi bạc đầy phè phỡn, yêu bộ quần áo đẹp bên ngoài hào nhoáng, chắc đâu đã yêu thực cái tính tình hoặc như chàng chẳng hạn.
Chàng bảo người yêu:
- Anh lúc nào cũng nhớ em, một người luôn luôn săn sóc đến anh có lúc lại quên cả chính bản thân.
Péng nhìn chồng sắp cưới đầy hạnh phúc.
Rồi nàng kể chuyện co chàng nghe:
- Anh ạ, hôm anh ốm, thày Mo Sìn đến đây cúng Ma Then trong ba đêm liền. Thày Mo là một phù thủy cao tay nên những con Ma trêu ghẹo anh đều sợ cả.
Chẳng thế, con ma khe Lũng làm anh ốm, thày biết ngay và sau một tuần cúng, nó thả vía anh về nên mới chóng khỏi đấy.
Có phải hôm ấy anh nghịch đu của nó không?
Hàm không tin như vậy.
Nhưng chàng muốn làm đẹp lòng người yêu nên chàng cứ gật đầu hoài và bảo một mình rằng:
“Vợ ta có tin như vậy thì đó là một thường tính của những người thổ dân hay có”.
Người sơn cước tin một đấng thiêng liêng “Ma” như tòa án công lý của người thành thị. Mỗi khi họ làm điều gì sai lầm, họ sợ đấng thiêng liêng ấy biết và trừng trị, hoặc trái lại làm điều hay tin đấng sẽ biết công lao.
Có như vậy, dân chúng mới khỏi làm nhiều điều ác quái hay nhẫn tâm với nhau. Cho nên ở trên miền núi rất ít xảy ra những cuộc đổ máu hoặc ghen ghét nhau.
Ngoài ra lại còn có những ông đứng lên xưng lên là “Ma Chài”, Ma Hóng để thay mặt đấng thiêng liêng trừng trị kẻ ác tâm.
Chàng cũng lấy làm lạ chẳng hiểu Ma Chài tự đâu sinh ra, có đôi lúc tin là sự thật.
Nó có thể giết chết rất dễ dàng những kẻ hay cướp của hay chém giết người. Chỉ một cái kim hoặc hòn đá nhọn chài vào bụng là xong.
Điều ấy thực hay sai không cần biết rõ; chỉ hiểu là một phương sách reo rắc sự yên lành cho dân chúng sống trong chốn xa công lý.
CHƯƠNG 12
Sau khi được tin thày giáo khỏi hẳn, cụ Bang tiếp nên học trò mới có dịp đến thăm.
Ngăn dẫn bọn họ vào chào bằng những câu cố ý bắt chàng phải hiểu và nhận nó là sự thực:
- Hôm nọ em đến thăm thày thì chẳng may thày ngủ nên không dám hỏi, lại phải quay về nhà. Trong mấy hôm chỉ được mỗi một lần gặp thày và hôm ấy thày lại mệt. Bây giờ thày khỏi rồi chứ!
- Vâng cảm ơn em và các bạn đã đến thăm tôi.
Và theo sau chàng là một đoàn người gồm đủ bà già, thanh niên, cậu bé, thiếu nữ đến nhao nhao chúc tụng.
“Chiếng sáy”!
Sau một lúc hỏi han và được biết ít lâu nữa thày giáo lại tiếp tục đi dạy học, họ rất vui mừng.
Họ ra về tất cả, duy chỉ có Ngăn ở lại chơi.
Nàng hỏi:
- Thày đã thấy trong người khỏe khoắn chưa? Bao giờ có tin mừng? Tháng sau hay bao giờ cưới cho em ăn cỗ.
Hàm chẳng biết nói ra sao, chàng lại suy nghĩ nhiều. Cưới xin, ngoài thân chú rễ ra, chàng không còn một đồng tiền để sắm lễ. Tất cả để nhà gái chịu cả.
Chàng thẹn và nhất là trong phút ấy rất dút dát. Chàng chậm rãi trả nhời:
- Cái đó, tôi cũng chưa biết được.
Ngăn cũng tinh ranh nói những câu mà chàng tưởng chừng nàng nhìn thấu tâm trạng mình:
- Thày ạ, ở đây người con giai như thày rất dễ lấy vợ. Chẳng hạn nhà giai vắng mặt ở đây, lẽ tất nhiên nhà gái phải xuất hết mọi thứ: gạo, rượu, lợn, gà, trâu, bò để làm tiệc.
Nhà giai ở đây, điều ấy không nói nữa, họ sẽ phải tự lo lấy.
Em xem nhà Péng rất quý thày, nên chẳng phải bận tâm lo nghĩ đâu. Năm sáu con lợn, Péng đã nuôi sẵn, gà, vịt, giã gạo nếp trắng tinh để sửa soạn cho ngày cưới linh đình của thày.
Hàm không nói năng gì, chàng chỉ lắng nghe một cách ngoan ngoãn, như lời người trên kể co chàng nghe truyện cổ tích.
Ngăn cũng yêu chàng tha thiết nhưng khi đã biết Péng yêu trước nên nàng đành cắn răng chịu đựng.
Ngăn là con một vị chánh tổng bên làng lân cận. Bố nàng xưa nay có tiếng là người ác độc khoét tiền của dân chúng để làm giàu.
Trước kia, nhà nàng rất nghèo, nhưng sau khi được ông Bang giúp đỡ tiền nong và chạy chức chánh tổng. Từ ngày ấy trở đi, nhà nàng giàu có.
Mẹ nàng là em gái ông Bang, một người rất hiền hậu và chiều chuộng chồng. Khi bố nàng đã có chức tước, danh vọng trong làng, tổng thì lại sinh ra mê mẩn gái tơ trong hạt.
Chức chánh tổng trong một nơi hẻo lánh miền thượng du rất to tát. Mỗi khi nghe thấy ông chánh tổng sắp đến kinh lý, tất cả dân làng phải sửa soạn phục dịch.
Hàng trăm phu phen làm đường, sửa sang cầu cống chắc chắn, kết cổng hoa đón rước.
Nếu chẳng may cho một làng nào mà gãy cầu cống, ông chánh ngã thì lại càng tai hại. Làng ấy sẽ bị tội nặng.
Cuộc đi kinh lý làng Đỗng, bố nàng vào nhà lý trưởng đánh chén và thưởng thức cuộc múa xòe.
Trong lúc uống chè, bố nàng nhìn thấy một người con gái rất đẹp, rồi hỏi ra mới biết là con gái ông lý.
Từ lúc ấy trở đi, bố nàng quý mến ông lý vô ngần, bao nhiêu dự định đánh đổ trước đây đều tan ra mây khói.
Ông lý cũng mừng rỡ thấy cụ Chánh săn sóc, quý mến, chiều chuộng không như mọi lần hục hặc đe dọa tước chức.
Rồi sau hết con gái ông được cụ chánh muốn dùng làm vợ hai. Ông ta bảo với mọi người:
- Hèn nào, cụ chánh quý tôi quá! Không bù cho lúc trước, bây giờ câu nào cũng xưng hô: “Thưa bố, thưa mẹ...”
Ngăn nghĩ rằng hoàn cảnh của gia đình, rồi liên tưởng đến tương lai của nàng.
Nếu không yêu được Hàm trước nghĩa là không được chiếm làm vợ cả, cũng phải chiếm địa vị cô vợ hai.

Sau bao nhiêu ngày nàng cương quyết sẽ tỏ bày với chàng, nhưng chưa một lần nào làm nổi.
Hôm nay nàng ướm hỏi:
- Thày ạ, người con giai có chức tước ở đây rất được nhiều người con gái mến chuộng. Như bố em xưa kia nghèo nàn lấy một vợ, khi làm chánh tổng lại cưới thêm vợ hai.
Hôm nọ thày sang em chơi chẳng khen đẹp là gì đấy! Em hỏi thật thày nhé, thày có thích lấy vợ hai không? Em sẽ làm mối người ấy cho.
Hàm sững sốt và chàng hiểu lòng Ngăn lắm. Đã biết bao nhiêu lần, người con gái này đã nhìn chàng bằng cặp mắt ướt át say sưa, đắm đuối.
Chàng đã yêu Péng nên không thể nào đáp lại lòng yêu của người thiếu nữ trinh trắng kia được.
Đứng vào trong vòng hiểm hóc, thật là khó trả nhời, biết nói năng ra sao? Nếu chàng chối từ e Ngăn thất vọng quá mạnh mẽ nếu nhận chàng e gia đình sau này sẽ kém vẻ hòa thuận và cũng là một phương tiện gián tiếp phụ lòng người yêu trung thành buổi đầu.
Bóp óc trầm ngâm một lát, chàng trả nhời:
- Ngăn cứ để cho tôi thong thả suy nghĩ, một vợ còn sợ chết đói đấy. Tôi rất hân hạnh được cô môi giới vợ hai, nhưng bây giờ chưa thể định đoạt nổi. Tôi cưới Péng trước đã. Dầu sao, việc này cũng cần Péng đóng một vai quan trọng.
Ngăn ra về mang một nguồn hy vọng sẽ trở thành người vợ hai.
1/1//2001
Đái Đức Tuấn
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...