Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Tập tành câu cá

Tập tành câu cá

Anh chị Năm ở cạnh nhà tôi, chị là chị cô cậu ruột với tôi. Một cặp vợ chồng độ tuổi U50 nhưng vẫn còn teen dữ lắm. Sáng nào anh Năm không đi làm là anh chị cùng nhau đi tập thể dục, rồi cùng đi chợ. Nhà bếp anh chị cách nhà sau của tôi có một đường lưới rào B40 nên sự vui vẻ tíu tít của họ trong việc nấu nướng luôn làm tôi ngưỡng mộ.
Vậy mà chiều nay, khi anh Năm đi câu về thì vợ anh la bài hãi:
– Trời ơi ngó xuống mà coi nè trời! Đi câu sông câu suối mà không dính cá Mè, cá Sặc lại đi dính cá Mối nè trời!
Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang ở Tây Ninh
Anh Năm được tiếng siêng năng, anh làm tài xế xe tải đường dài, tháng đi hai mươi ngày còn mười ngày nghỉ. Ở không phí thời gian mà chỉ ăn rồi nằm ngủ, hoặc gầy sòng nhậu nên anh gia nhập nhóm anh em câu cá.
Anh hí hửng:
– Thằng Tùng mày không biết là tao đầu tư hết bao nhiêu đâu nha! Bí mật đừng nói với chị Năm mày nha, cái cần câu này ba triệu á, nhưng tao nói với bả có triệu ba hà! Còn mớ bơ, sữa, bánh pía, phô mai…này cũng đứt gần một triệu nhưng tao nói anh em hùn mỗi thằng hai trăm thôi. Để mày coi nha, kì này tao câu con tra mười tám ký cho chị mày lé con mắt chơi!
Tôi nhìn anh nhồi “mồi” mà phát thèm, con Mực nằm bên cứ hừng hực chồm lên. Nào bánh pía bóp nhỏ ra, phô mai trộn vào cả hộp, bơ dích nửa hộp cho vào, thêm nửa chén cám nhồi lên. Khô quá…khô không vắt cục vò viên được nên chế hộp sữa vào cho ngon ngọt
– Trời ơi…mồi ngon vầy, em còn muốn ăn huống chi cá hả anh Năm! Tôi nói nịnh
– Đó đó…ta nói đàn ông hợp nhau cái chỗ đó đó. Mày coi kiếm ba triệu mua cái cần đi rồi theo tụi anh. Bảo đảm cá ăn không hết, xẻ khô nhậu dài dài. Ngày mưa tháng hạn nhà hết đồ ăn lấy khô ra chiên nướng gì cũng ngon. Ta nói chị Năm mày á nha, thông minh nhất đời mới lấy tao làm chồng đó.
Tôi không có sở thích câu cá, khu vườn bưởi da xanh kiểu VietGap này cùng ba chú bò thịt đã khiến tôi mệt nhoài rồi. Rảnh ra là nằm ngủ quay lơ chứ ở đó mà đi câu cá. Thời gian ngồi im không dám thở để chờ cá ăn câu ấy, rồi kéo cần từ từng cho khỏi động nước ấy, sao mà tỉ mĩ quá. Tôi thà vác máy đi cắt cỏ rào rào, bật mô- tưa tưới ào ào hoặc cầm cây róc lá bưởi vun vút chứ ngồi như pho tượng chờ cá ăn câu sao nghe mệt mỏi quá.
Mà nếu không câu cá như anh Năm thì nuôi mấy bầy gà thả vườn cũng có cái gọi là giải trí mà. Con cá tra tám ký của anh Năm đâu không thấy, chứ con gà hai ký của tôi là có à. Chỉ cần rượt một phút ba mươi giây, mất thêm bốn mươi phút sau là có món “gà lên mâm” với cháo gỏi bắp chuối, lòng xào mướp, cánh gà chiên nước mắm giòn rụm rồi.
Thế nhưng tôi đâu dám bàn ra với anh như vậy. Người đời hay nói “có kiêng có lành” đấy! Nghe đâu thấy nguời ta sắp đi câu cá mà dặn “Tí về chừa phần tao vài con nhen” là xem như buổi câu đó chỉ dính rong. Tôi cũng không dám bàn với anh việc thời buổi mật ít ruồi nhiều này, cá to như tra, lóc, trê, chạch bông… còn đâu mà câu. Họa hoằm lắm chỉ dính vài con cá chốt, cá mè hoặc vài con rô ron lạc mẹ mới dính vào lưỡi hái tử thần của anh thôi.
Công bằng mà nói, hai hôm nay anh Năm về cũng được một chảo khi quẹt cá lòng tong đá, cá chốt, cá sặc. Nhưng nó chỉ có tính chất…kho tiêu thôi, chứ làm sao đủ mà xẻ khô cho được. Tôi không hỏi sao chưa thấy con tra mười tám ký, bởi anh bảo câu suối câu mương tự do thoải mái hơn. Còn muốn kiếm con tra to như thế phải vô câu hầm. Mà một tiếng đồng hồ câu hầm là một trăm năm chục ngàn. “Chủ hầm cũng khôn lắm mày ơi! Cho cá ăn no nhóc rồi nên nó đâu thèm mồi của mình nữa. Nói chung là cá sự nghiệp câu cá này á, là phải tùy ông bà độ, như lù khù vác cái lu mà chạy vậy đó, mày hiểu hôn?”
Tôi hiểu chứ sao không. Như vườn nhãn nhà tôi nè, hôm qua lái tới cân giá mười hai ngàn, bà con trề môi cả thước, cho rằng, hôm kia chín ngàn, nay mười hai là còn lên nữa. Để mai coi sao, chắc chắn mười ba ngàn năm trăm. Một ký lên được ngàn rưỡi, một trăm ký là trăm năm chục ngàn, một tấn là triệu rưỡi. Thấy chưa, ngủ một giấc, một tấn nhãn tăng triệu rưỡi, vườn 2 mẫu, 3 mẫu là bao nhiêu tấn tính thử xem!
Câu cá cũng vậy đó! Nay con nhỏ chứ biết đâu mai dính con chục ký!
Nhưng cũng không hiếm khi nay không chịu bán nhãn giá mười hai ngàn, mai nó xuống còn tám ngàn! Bán hay không thì tùy, nhãn chín thối chua cả gốc ráng chịu.
Vậy mà hôm nay anh Năm đi câu ở đâu lại dính cá Mối hay quá vậy ta?
Tiếng chị Năm hờ hờ khóc:
– Tui biết mà…hức hức…ông nói đi câu cá là tui nghi lắm…giờ cháy nhà lòi ra mặt chuột rồi hén! Ông nói đi…tại sao câu suối câu đìa mà dính cá Mối?
– Bà coi lại đi, cá lóc chứ cá Mối gì? Anh Năm giọng nhỏ như gió thoảng
– Lóc ông nội tui chứ lóc…huhu…Tui năm chục tuổi đầu, ba mươi năm lội ruộng mà nhìn lộn con cá hay sao? Cá lóc mà trắng vầy hả? Trên lưng cá lóc chỉ có một cái vây vầy hả?
– Ờ thì…thì…
– Thì thì cái gì? Nói cho ông biết luôn, nãy ông đi tắm tui đã coi lịch sử điện thoại ông rồi, câu cá mà vô quai-phai quán ăn Nhà Lá hả? Câu cá mà năm bảy thằng đàn ông với ba bốn con đàn bà cụng ly còn đăng hình lên phây- bút và “tang” tên ông vô hả?
– Trời ơi…
– Trời cái gì mà trời? Tui nói sai hả? Ông vô phây- bút của ông mà coi đi!
Liền sau đó là tiếng lon, keo, lọ, hủ văng loảng xoảng. Tiếng dao rựa gì đó chém phầm phập lên vật bằng nhựa nên cứ nghe bịch…bịch…
Anh Năm tội nghiệp của tôi cứ la nho nhỏ “Bà…bà làm gì vậy? Nó có tội gì đâu…Tui lỡ lần này thôi mà…”
“Cho ông cùi luôn chứ lỡ gì! Chút nữa con Bình thằng An về tui cho tụi nó biết chuyện ông có bồ nhí, ông thay lòng đổi dạ, ông đi nhậu bia ôm…Rồi tui ly hôn luôn”.
Chuyện mà đến tai bọn trẻ là lớn chứ chẳng chơi. Bởi lâu nay ba chủa chúng là ông thần sống trong lòng các con. Anh siêng năng giỏi giắn biết bao nhiêu. Hồi đó cậu mợ tôi đâu có chị gả chị Năm tôi cho anh, là vì chê ảnh mồ côi, tứ cô vô thân thì làm sao nuôi vợ con được. vậy mà vì yêu anh nên chị tôi quyết lấy, dù cha mẹ hăm dọa sẽ “từ con”. Đám cưới nhỏ xíu, đàng trai chỉ có hai ông chú của chủ rể. Cưới xong, chị Năm tôi xin thẻo đất có hai bụi tre mạnh tông to đùng của cha mẹ để cất cái tiệm may. Hàng ngày vợ chồng thi nhau đào bứng cuốc xới đến nửa tháng mới đánh văng hai bụi tre đó. Cái tiệm may kiêm căn nhà lá cất lên, ngay cả tiến lá lợp cũng mua thiếu của chòm xóm. Nhưng anh Năm siêng năng lắm, ban ngày đi làm thuê vác mướn, chiều về bằm chuối nuôi gà vịt, gầy đàn đến trăm con. Chị Năm tôi ở nhà may vá, chi tiêu tằn tiện đến từng cọng rau con cá. Khi kinh tế khá khá thì chị tìm chỗ học tài xế cho anh đi học, thoát cảnh sáng vác cuốc ra đồng đến tối mịt mới về.
Một năm ròng anh đi học tài xế, chị căng mình ra nuôi chồng ăn học dù tay ôm con đỏ, việc nghề phải thức đến nửa đêm.
Vậy rồi anh cũng học xong, lãnh tháng lương đầu về đưa vợ, chị cầm tiền mà cứ khóc hu hu vì vui mừng. Rằng cuộc đời chúng ta từ nay hết khổ, em hi vọng đời này anh mãi thương em như bây giờ là được. Con cái lớn lên, đi học Sài Gòn biết bao tốn kém, lương tài xế tuyến cố định không đủ nuôi con, anh phải nhận chạy xe đường dài, chấp nhận cảnh mỗi tháng ra nhau hai mươi ngày để có tiền đủ cho con học hành đến nơi đến chốn.
Vậy mà giờ chúng thành đạt hết, cuộc sống không còn vất vả nữa, thì anh sanh tâm rượu chè bồ bịch sao trời?
– Thôi mà em…anh xin lỗi… đừng méc tụi nhỏ tội nghiệp anh. Chỉ là bữa nay mấy ông bạn rủ quá, nói quán đó có món khô cá đuối một nắng chiên nước mắm ngon lắm nên vô thử. Đàn ông mà, ai mà không nhậu? Giọng anh Năm tôi xuống nước kiệu
– Vậy còn mấy con mẹ cụng ly với mấy ông thì sao? Đừng nói là mấy ổng cũng rủ theo luôn nha!
– Mấy bà đó ngồi bàn đối diện, thấy tụi anh vui quá nên qua uống hùn vui chút vậy mà!
– Ông nói sao mà trơn lùi như thoa mỡ bò á! Xin cụng ly, xin uống hùn rồi xin câu vái bá cổ mấy ông luôn chứ gì?
– Bậy hông? Em coi lại clip đi, chỉ là cụng ly thôi mà!
– Tui không biết, cái clip có quay tàn cuộc nhậu đâu! Mà tui hỏi ông, không đi câu cá thì thôi, mắc mớ gì mua hai con cá mối về gạt tui nói là cá lóc câu được? Bộ tưởng tui đui hả?
– Ờ thì…em không có đui, chỉ có anh đui. Không câu được cá, sợ lần sau em không cho đi nữa nên mới ghé chợ mua đại mà quên nhìn kỹ!
– Ông thề đi! Thề trời đánh thánh vật nếu gạt tui đi, thì tui mới tin!
– Anh thề…anh mà gạt em thì cho trời…
– Thôi…thôi…trời đánh ông để tui ở giá hả? Tui nói cho ông biết nha, muốn người khác đừng biết thì mình đừng có làm. Nếu lỡ làm rồi thì chịu thiệt đi chứ đừng gạt vợ mình như vậy. Không yên với tui đâu!
– Anh hứa mà. Cảm ơn vợ yêu!
Chuyện câu cá của anh Năm tôi từ đó cũng kết thúc luôn, cái cần câu giá ba triệu bạc anh treo tòng teng trên vách nhà để coi như là kỉ niệm nhớ đời dù mấy ông bạn chia lại bằng giá mua ban đầu nhưng anh vẫn không chịu bán.
8/4/2021
Đào Phạm Thùy Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...