Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Hồ Ngọc Quang: Giá phải trả

Truyện ngắn Hồ
Ngọc Quang: Giá phải trả

Ông Phạm Thế Hùng, phó bí thư huyện Hói Nồi, tay cầm tờ báo đứng thập thò trước cửa phòng ông Nguyễn Đình Trung, bí thư huyện ủy, với tâm trạng lo lắng, bất an. Qua khe hở cánh cửa, Hùng thấy ông Trung đang gọi điện thoại cho ai đó, tay chém lia lịa, nét mặt đỏ au lộ vẻ rất căng thẳng. Khi ông Trung buông điện thoại, Hùng lại sợ không dám vào, cúi mặt lủi nhanh về phòng, ngồi phịch xuống ghế bóp trán suy nghĩ.
Suy nghĩ, nhưng Hùng vẫn thấy có chút cảm giác hả hê trong lòng. Sáng nay vừa bước chân vào cổng cơ quan, ông đã thấy điều chờ mong đang diễn ra. Sẽ có một cơn lốc, ít ra cũng là gió xoáy tràn qua cái cơ quan này. Hình bóng những nhân viên trong cơ quan đi lại vội vàng, không tiếng động, tụm hai tụm ba thì thầm nhỏ nhẹ, những ánh mắt nhìn nhau tò mò, dò xét và bao trùm là cái gì đó lặng lẽ bất an và dè chừng.
Nhà văn Hồ Ngọc Quang
Hùng cố ý đến cơ quan muộn hơn thường ngày, không phải bận, ông không hề bận, đến muộn chỉ là để tự thưởng cho mình cái cảm giác hả hê, thỏa mãn ngấm ngầm. Người làm nên cái bão ngầm trong một cơ quan đầu não cấp huyện này là ông nhưng phải giấu kín, che lấp, ngụy trang cực kì khéo léo. Cái pha vừa rồi ông đến mà không gõ cửa phòng bí thư Trung là một cảnh trong vở kịch dài, “Ném đá giấu tay” mà ông vừa là tác giả vừa là đạo diễn. Một vở kịch có cao trào và kết thúc phải có hậu, chiến thắng phải thuộc về ôngđã đóng vai thiện rất nhuần nhuyễn, rất có nghề.
Hùng với Trung, quê cùng một huyện miền xuôi, lên công tác miền núi, một huyện nghèo khó khăn. Ra trường, hai chàng thanh niên đẹp trai, kẻ trước người sau, tự nguyện xin về cơ quan huyện đoàn, một sách lược được anh em tính đi tính lại chu đáo. Kế hoạch hay là quy trình, lộ trình vạch ra rất rõ ràng: Làm công tác Đoàn với tinh thần xung phong của tuổi trẻ đến những nơi khó khăn, nơi mà bà con nhân dân đang phải sống hết sức thiếu thốn cả về đời sống vật chất và tinh thần,… Đó là một lợi thế để có thế leo cao hơn trên con đường hoan lộ. Kế hoạch được vạch ra rất cụ thể và chi tiết, sau hai năm làm việc phải phấn đấu làm sao được kết nạp vào Đảng, ba năm sau phấn đấu cho được vào thường vụ huyện đoàn rồi phó bí thư, bí thư và tiến lên trưởng ban của huyện ủy hoặc phó chủ tịch huyện, vân vân. Mọi sự dần đi theo quỹ đạo và được hai chàng hoàn thành một cách xuất sắc. Hai chàng cũng có kiến thức cộng với tham vọng và sự nâng đỡ, chỉ bảo của những người đi trước. Chỉ sau hơn hai năm tí chút Trung trước Hùng sau, đều được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, đây chính là bệ đỡ chắc chắn của hai người.
Theo kinh nghiệm đúc kết cả một đời của ông bố Trung, nông dân làng đỏ xô viết say mê theo dõi tin tức thời sự trong nước và thế giới không sót một buổi nào thì các lãnh tụ, các vĩ nhân đều trưởng thành từ Đoàn thanh niên cộng sản.
Thế là Trung đi trước, Hùng nối gót theo sau. Cùng nhau leo lên nấc thang danh vọng, cái gì cũng cùng nhau, hơn hai mươi năm cùng nhau làm công tác đoàn, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, lúc đói chia nhau từng củ sắn, củ khoai, chiếc xe đạp không phanh không gác đờ bu cùng nhau đi từ đầu đến cuối huyện. Đêm đi cơ sở các xã miền núi cheo leo, thác ghềnh trời tối không về được, đành đốt lửa sưởi trắng đêm, sáng hôm sau người nào cũng phờ phạc rồi lại cùng nhau vượt núi về cho đúng ngày hội niên.
Công việc thuận buồm xuôi gió, anh em nâng đỡ bao bọc nhau, Đình Trung đang bí thư huyện đoàn, được đề bạt, chuyển sang trưởng ban đảng, rồi lên  phó bí thư huyện ủy, con đường quan lộ của anh bắt đầu rộng mở và đúng quy trình. May mắn nữa là mới chỉ được hai năm, Trung lên bí thư huyện ủy. Còn Hùng lên thay Trung làm bí thư huyện đoàn được hai năm rồi chuyển về tỉnh, cuối cùng lại quay về với nhau. Trung bí thư huyện ủy còn Hùng phó bí thư. Con đường vinh quang của hai người thật đẹp như mơ, dắt tay nhau tiến lên, hai người thường tự hào là đã thực hiện được hoạch định của mình từ khi mới bước vào đời.
Nhưng đến năm nay, và đến lúc này, phép tính đặt ra quá khắc ngiệt. Trung năm năm nữa đến tuổi nghỉ hưu, Hùng mười năm nữa cũng nghỉ chế độ, nếu anh Trung làm thêm nhiệm kỳ nữa ở đây, coi như Hùng hết cửa lên. Khi ấy Hùng không còn tuổi trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo. Hùng suy nghĩ mông lung. Có tàn nhẫn quá không? Anh ấy giúp mình nhiều, mình có ăn cháo đái bát không? Những chuyện mình đã biết như người trong cuộc có gì sai sự thật đâu, chỉ hơi băn khoăn khi chính mình khuyên anh ấy nhận con Hiền là con nuôi thôi, như vậy mình có độc ác không, sao anh ấy không nghĩ đến cấp dưới là Hùng đây, đang vò võ chờ thời cơ bao nhiêu năm nay. Hùng đã bóng gió mấy lần với Trung là chạy cho anh vào tỉnh, làm giám đốc một sở nào đó, cũng nhiều lộc. Khi ấy, Hùng mới có cơ hội ngồi vào chiếc ghế bí thư. Nhưng Trung nhất quyết không nghe, muốn tiếp tục nhiệm kì nữa, để được cống hiến cho huyện miền núi phần đời còn lại. Mà anh ở lại thì Hùng hết cơ hội, chức quyền cao nhất của cả cuộc đời của mình cũng chỉ là phó bí thư cấp huyện. Hùng ức quá, chẳng lẽ anh Trung không hiểu ước vọng lớn lao của mình ư? Thế thì tham quá! Chẹn đường thằng em phụng sự anh suốt đời này ư? Mà dạo này làm sao Trung lại hay rất vô cớ cáu giận Hùng thường xuyên, xem Hùng như người xa lạ không bằng.
Thôi lỡ rồi đâm lao theo lao thôi, cuộc đời mình, gia đình mình là quan trọng nhất, không lo trời chu đất diệt, cơ hội chỉ có một, đại hội này không lên thì coi như tay trắng. Nếu Trung bị kỷ luật hay bị điều chuyển, vị trí quyền lực của cái huyện này sẽ là mình, giang sơn huyện sơn cước này sẽ là của mình tất cả, ôi  cố lên Hùng ơi!…
Hùng hít một hơi thật sâu lấy tinh thần, xoay quả đấm cửa, bước vào phòng thấy vẻ mặt bí thư Trung nhợt nhạt, thất thần. Trung chỉ tay vào ghế sa lông nói luôn, không nhìn Hùng:
– Cậu ngồi xuống đây, uống nước vừa pha. Mình cũng đang định gọi điện cho cậu để hỏi về bài báo đây.
– Vâng, em cũng thấy anh em trong văn phòng tụm ba tụm bảy, bàn tán xôn xao, nên em cầm ngay tờ báo ấy lên anh để…
– Cậu thấy thế nào?
– Thế nào là thế nào hả anh? Không biết anh hỏi về cách xử lý hay nội dung tờ báo đúng sai? Nếu về nội dung thì thú thật em cũng chưa đọc. Nghe lời đồn thổi em lên đây ngay.
– Vậy thì đọc đi. Nhớ chú ý đằng sau câu chữ, quân chó má cắn đểu sau lưng thế nào!
Hùng mở tờ báo cầm tay, bắt gặp ngay cái tít in đậm nổi bật trong chuyên mục “Thư bạn đọc” mà anh đã thuộc làu làu rồi: “Nếu đúng vậy thì nhà dột từ nóc”. Hùng ngước mắt, len lén nhìn bí thư, vừa đọc vừa run run:
“Phòng bạn đọc báo Hà Bắc đã nhận được thư phản ánh của công dân Đ.T cho biết: Ông Nguyễn Đình Trung,bí thư huyện ủy Hói Nồi, có vợ Phạm Thị Huệ, hiện làm nhân viên của trường tiểu học huyện dưới xuôi, trong lý lịch đã khai sụt xuống bốn tuổi để được tuyển dụng vào biên chế nhà nước.
Chưa hết, ông Trung quan hệ bất chính ở đâu, mấy năm trước đưa về một cháu bé gái nhận làm con nuôi, theo dư luận thì cháu bé gái này giống ông Trung như đúc. Nghiêm trọng hơn, ông Trung có con trai tên là Nguyễn Đình Toàn, hiện nay đang chức phó phòng tài nguyên và môi trường huyện. Không rõ cái anh này giỏi đến mức nào mà chưa hết thời hạn tập sự đã được đôn lên chức phó phòng. Dư luận cho rằng, phải có sức ép từ ông Trung, người đứng đầu huyện, thì vợ và con trai mới được vị trí như vậy. Thiết nghĩ, hiện nay chúng ta đang quét sạch tham nhũng, nhất là trong cán bộ, đảng viên, để tiến hành đại hội đảng có chất lượng. Nếu đúng như thư phản ánh thì ngôi nhà huyện Hói Nồi đã dột từ nóc dột xuống”.
 Đọc xong, Hùng gấp tờ báo, vất xuống bàn, giương đôi mắt trắng phếch nhìn lên trần nhà chửi độc:
– Chà giọng lưỡi ác hơn rắn hổ chúa. Nhưng cứ nghe văn phong và dẫn chứng của công dân Đ.T thì lộ nguyên hình thằng Đặng Tuấn bên ủy ban, chứ chẳng ai khác. Anh cứ gọi sang đối chất là ra ngay thôi mà.
– Chưa gọi được, bởi vì chưa rõ động cơ người viết là gì? Anh ta làm phó chủ tịch kinh tế bên ủy ban thì có liên quan đến ghế bên này đâu?
– Thế là anh hiền hậu quá hóa dại, chả trách họ nói ông Trung bị bọn xấu đảo chính đến nơi cũng không biết. Tay Tuấn lâu nay cậy mình tài giỏi hơn người, họp hành phát ngôn lung tung, nói chẳng nể nang ông nào, anh biết rồi đấy. Bây giờ, nhân kỳ đại hội này, hắn muốn anh thôi chức bí thư để anh Cải, chủ tịch sang ngồi ghế anh và anh ta có chỗ trống ngoi lên ghế chủ tịch đấy thôi. Nước cờ sâu xa, lắt léo lắm.      Thấy bí thư ngần ngừ có vẻ nghe theo, Hùng tiếp tục bồi thêm:
– Ý đồ thâm độc đó hắn lại có điều kiện thực hiện. Vừa rồi hắn khoe với em có đứa cháu họ là Đặng Huy Hoàng đang làm việc bên báo Hà Bắc đấy. Qua đây, anh đã thấy tai hại của bài học thương người, trọng tài, đưa Tuấn lên vị trí ấy chưa nhỉ? Đã thấy mình nuôi ong tay áo rồi chứ?
Vừa nói đến đấy, cửa lại gõ và một cái đầu hoa râm ló vào. Là Vũ Hạnh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra huyện ủy, hắc xì dầu, thẳng ruột ngựa, Hùng gật đầu chào hai người rồi cun cút ra phỏi phòng, khép cửa lại. Trong phòng, ông Trung mời ông Hạnh uống nước, thở dài ngao ngán. Ông Hạnh vào đề ngay:
– Anh gọi điện, tôi sang đây ngay, ở ngoài cửa tôi vô tình nghe được Hùng quy chụp cho anh Đặng Tuấn viết bài báo hại anh. Tôi thấy cũng lạ, hai tay này như nước với lửa. Tuấn khinh Hùng ra mặt. Nhưng mà vụ này khéo “gà đẻ gà cục tác” cũng nên anh ạ. Anh có điều gì nghi ngờ về Hùng trong chuyện này không?
– Anh ngồi xuống đây, hôm nay tôi cũng có tâm trạng, sẻ chia với anh tất cả. Tôi và anh đều nghi ngờ về một người gần gũi bao lâu nay. Tôi và Phạm Thế Hùng cùng quê, Hùng kém tôi 9 tuổi. Ngày tôi đang làm thường vụ huyện đoàn, đã đề nghị và trực tiếp ra trường đại học xin chú ấy về cơ quan làm cán bộ phụ trách kinh tế. Tôi đã bồi dưỡng, giúp đỡ từ khi sinh viên mới ra trường còn bỡ ngỡ. Cậu ấy là người có năng lực, có chuyên môn, đặc biệt là nhiều tài lẻ, cầm kỳ thi họa cái gì cũng giỏi, nhưng có hai khuyết điểm khó sửa là tự tin quá, bao giờ cũng coi mình là nhất, hai là làm gì cũng nóng vội. Hai mươi năm công tác với nhau, chúng tôi xem như anh em ruột thịt không giấu nhau điều gì. Hồi đó, vợ tôi ở nông thôn, chú ấy bàn xin vào làm tạp vụ ở trường học, để sau về hưu có lương hưu cho đỡ vất vả, nhưng lúc đó, vợ tôi quá 4 tuổi so với quy định tuyển dụng, chú ấy nói để em đi làm hồ sơ lại cho, sai chút tuổi tác quan trọng gì. Mấy năm gần đây, tôi muốn xin cho vợ về hưu trước tuổi vì cũng thấy áy náy, chú ấy lại bàn ở thêm vài năm nữa, chứ giờ về được mấy đồng. Anh biết đấy, vợ chồng tôi chỉ có duy nhất đứa con trai, cả hai đều nhiều tuổi rồi khó sinh nở, trong một lần uống rượu tại nhà tôi, chú ấy bàn hay anh chị xin đứa con nuôi, em có quen bác sỹ khoa sản ở bệnh viện, muốn trai gái gì cũng được. Nghe thế, vợ tôi đồng ý ngay và cháu Hiền bây giờ cũng được 14 tuổi rồi đó. Những chuyện như thế, ở dưới quê hay trên huyện này chỉ tôi và chú ấy biết thôi. Còn đứa con trai của tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, nguyện vọng cháu muốn ở quê công tác cho gần nhà, gần mẹ, nhưng chú Hùng lại bàn bây giờ anh là lãnh đạo cao nhất của huyện này, lo cho cả huyện được mà không lo cho con mình được, sau này có chuyện gì cháu nó trách. đó. Trong lúc bên ủy ban có đợt tuyển dụng mới, cháu làm đơn và trúng tuyển, nhưng khi chưa hết tập sự, chú ấy bàn cho làm quy trình để bổ nhiệm phó phòng, vì lý do phòng đó từ khi thành lập chưa có phó mà công việc thì nhiều, cộng thêm cậu trưởng phòng cũng lên đề xuất nhiều lần nữa, đưa ra lấy phiếu tín nhiệm ở phòng, rồi ủy ban, rồi thường vụ đều 100% như anh biết đó. Thế là tôi đề nghị thường vụ thông qua vội vàng, nghĩ lại đúng là mình sai thật, sai với quy định của đảng. Hai việc đó là tôi sai thật rồi. Có lẽ tôi sẽ nhận hình thức kỷ luật đảng thôi anh ạ! Trước mắt, xin cho vợ về hưu trước tuổi, rồi cho thằng con trai nghỉ việc, ra ngoài làm doanh nghiệp, mình chỉ thiếu suy nghĩ tý mà bây giờ gia đình thật buồn phiền. Sau vụ này, tôi phải nhìn lại chính mình, mải chú tâm làm việc, tôi quên đi nhiều thứ, nhất là nhìn nhận con người và cách đối nhân xử thế với anh em trong thường vụ. Tôi biết hiện nay nhiều anh chị em cùng làm việc, kể cả các anh bên công an và quân sự chưa thật đồng thuận với tôi, chưa nói là có khoảng cách rất lớn, khó bù đắp nổi. Tôi có sự ưu ái của cấp trên bổ sung tỉnh ủy viên khi ngồi ghế bí thư chưa được bao lâu, lại vấp vụ việc này, làm anh em không phục, thậm chí còn coi thường. Gần ba mươi năm gian khổ lăn lộn với phong trào, được nhân dân anh em bạn bè yêu mến, chỉ hơn một năm trên đài vinh quang, danh vọng, tôi đã mất mát nhiều về…tôi anh ạ, nhận ra thì đã muộn mất rồi.
Ông Hạnh nhìn bí thư ái ngại rồi chậm rãi nói:
– Tôi nghĩ cái quan trọng không phải là sự thật đến mức độ nào, sai nhiều hay sai ít, chuyện như thế, anh em đồng chí với nhau không góp ý thẳng mà bày đặt kiện cáo và báo chí, tôi nghĩ ai đó có ý đồ không trong sáng, có mục đích cá nhân, người này còn xấu hơn trăm lần. Anh cho tôi đi xác minh tác giả Đ.T là ai, rồi mới biết động cơ của họ được, nghe nói đơn này có gửi vào ủy ban kiểm tra tỉnh ủy rồi.
Nói rồi, uống vội chén nước, ôm cặp đứng dậy ngay. Trước khi ra khỏi phòng, ông Hạnh quay lại nhìn bí thư:
– Thôi được, biết thế. Anh cứ bình tĩnh. À, mà anh cho tôi mượn cái áo mưa, trời đang mưa to, tôi đi ngay bây giờ.
– Đi đâu vậy anh?
– Tôi phải vào ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, các anh ấy cũng vừa gọi, rồi đến tòa báo. Không vội sao được, khi đại hội đến nơi rồi. Bọn tiểu nhân chúng nó vừa đánh vỗ mặt, mình phải lên tiếng bảo vệ lẽ phải chứ anh.
Bí thư Trung ái ngại, định nói, trời đang mưa to để tôi nói văn phòng điều xe cho anh đi, nhưng nghĩ lại có mấy lần điều động văn phòng phục vụ khách đã bị phó bí thư ngăn lại, với lý do không đúng tiêu chuẩn. Những lần như vậy mất mặt lắm nên thôi, đưa cho ông Hạnh tấm áo mưa. Ông khoác lên vai, vội vã mở cửa, bước xuống sân. Nước trên mái tôn chảy xuống ồ ồ. Khoảng sân thấp nước đã lấp xấp. Ông lội bì bõm. Tiếng côn trùng, nhái, dế, kêu ran ran, được bữa hả hê trong trận mưa đầu mùa hạ.
***
Sau khi làm việc chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh ủy và may mắn được phó bí thư thường trực tỉnh cùng nghe. Phó bí thư không đồng tình với bài báo cho đăng trong dịp nhạy cảm này, ông gọi điện thoại cho Tổng biên tập báo Hà Bắc, yêu cầu họ tạo điều kiện cho cuộc kiểm tra, xác minh thư bạn đọc đúng sai thế nào cho rõ ràng minh bạch. Ông nhấn mạnh, làm rõ nội dung thư về một bí thư đã được tỉnh duyệt phương án nhân sự là nhằm phục vụ tốt cho đại hội đảng bộ huyện Hói Nồi. Ông Hạnh thấy vui, cám ơn, đi ra khỏi phòng, bắt taxi đến tòa soạn báo.
Đến nơi đã thấy Tổng biên tập và nhà báo Đặng Hoàng phụ trách mục “Thư bạn đọc” của báo ngồi chờ ở đó. Tổng biên tập báo nói ngay, khi Vũ Hạnh vừa ngồi xuống:
– Đây là bác Vũ Hạnh, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Huyện ủy Hói Nồi. Bác ấy đến đề nghị cho xem bản gốc đơn thư của bài báo sáng nay ta đăng trong mục “Thư bạn đọc”.
– Nhưng thưa thủ trưởng, trong lá đơn ấy có ghi rõ tên địa chỉ người viết. Người viết đơn đã đến tận cơ quan báo để nộp ạ. Bác ấy là một lão thành cách mạng có sáu mươi năm tuổi đảng.
– Chính thế mới cần xác minh.
– Như thủ trưởng đã biết, luật định, người nhận đơn thư không được tiết lộ danh tính người gửi đơn thư.
Tổng biên tập, lên giọng, nói rành rọt:
– Đ.T là ai? Tên thật hay bút danh? Thôi đừng vụng đẽo khéo chữa nữa. Luật cũng quy định ngay câu đó vế thứ hai: “Trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu”. Ở đây, phó bí thư thường trực tỉnh ủy, đại diện cơ quan quản lý báo đảng là có thẩm quyền đấy. Thôi đừng lý sự cùn nữa, đưa đơn thư ấy ra đi. Và nếu chưa đến tận nơi xác minh thì… cùng đi với bác đây, về xã Vực Thọ ngay khi chưa muộn.          Mặt Hoàng cắt không ra máu, run run mở cặp lấy ra hai tờ giấy đã được đánh máy. Trên văn bản lem nhem những lời viết mực đỏ, mũi tên, câu hỏi của người đã biên tập. Mặc dầu ghi người gửi là Đ.T nhưng địa chỉ phía dưới ghi rõ: Phạm Thiên, xóm 5, xã Vực Thọ, huyện Hói Nồi.
Lát sau, anh ta lấy xe riêng của mình cùng ông Hạnh lên xã Vực Thọ nơi có địa chỉ người gửi đơn tố cáo.
Ngồi trên xe, với quãng đường dài gần sáu mươi cây số mà hai người chẳng mấy thân thiện, cởi mở mặc dù ông Hạnh cố gợi chuyện nhưng nhà báo Hoàng chẳng mặn mà. Bởi Hoàng đang nhớ lại chuyện rắc rối này. Hôm ấy, cũng mưa lất phất như thế này đang làm việc tập hợp các đơn thư thì có một giám đốc doanh nghiệp xây dựng ở huyện Hói Nồi rất thân quen gọi điện bảo xuống tầng dưới có việc quan trọng.  Hoàng xuống thấy một cụ già khoảng 90 tuổi râu tóc bạc phơ, ngồi rét run cầm cập. Giám đốc doanh nghiệp giới thiệu: “ Đây là cụ Phạm Thiên ở xã Vực Thọ, năm nay đã 88 tuổi, có 60 năm tuổi đảng. Không chịu được cảnh ngang ngược của bí thư huyện ủy huyện Hói Nồi, cụ làm đơn thư gửi quý báo, nhà báo xem giúp. Cụ là người có uy tín, đại diện cho tất cả tầng lớp nhân dân ở huyện…”. Cụ Thiên chỉ chớp chớp mắt tay run run chỉ nói được một câu: “Nhờ đồng chí để ý”, rồi chủ doanh nghiệp đỡ ra xe ngay, trên xe có một người nữa, thấy Hoàng vội quay mặt đi, Hoàng không nhận ra ai. Bỗng chủ doanh nghiệp nói to: “Nhà báo kính mến ơi đây là đơn của doanh nghiệp nữa này”, nói như để người trong xe nghe, và trao cho Hoàng chiếc phong bì dày. Về nhà anh mở ra thấy 10 triệu. Hoàng nghĩ ngay chuyện không bình thường rồi, bây giờ thẩm tra thì khó quá, thôi thì mình cứ đóng vai người đưa đường.
Mải suy nghĩ xe đã đến địa bàn xã Vực Thọ. Tới đầu xã hỏi thăm nhà ông Thiên, người dân từ trẻ đến già ai cũng biết, lại còn thêm “Cụ Thiên làm chủ tịch xã mười năm, làm bí thư mười năm phải không?”. Vào nhà của người từng làm bí thư, chủ tịch xã nhưng cửa nhà tuềnh toàng. Thấy khách, cụ Thiên nhỏm dậy hai, ba lần mà không ngồi được.
Ông Hạnh thấy thế vội chạy đến đỡ lưng, rồi đưa túi hoa quả biếu, giới thiệu mình và nhà báo Huy Hoàng đến thăm. Cụ cám ơn rối rít đến khi biết hai khách tìm hiểu thêm về bài gửi báo. Cụ càng tỏ ra phấn khởi xưng hô ngay “đồng chí” và hồn nhiên kể:
– Thật là lão lai tài tận các đồng chí ạ. Tôi năm nay tám mươi tám tuổi, tai điếc mắt lòa, trí nhớ kém không am hiểu thời sự chính trị đất nước nữa nhưng vẫn giữ nguyên được tấm lòng theo đảng như xưa. Vừa qua anh Hùng, phó bí thư huyện ủy phụ trách công tác đảng đến đây nói: “Có ông Nguyễn Đình Trung, bí thư huyện ủy, thời này mà còn sống cậy quyền, ngang nhiên vi phạm công tác đảng, vi phạm pháp luật. Lại nghe anh ấy bảo, chuyện đó các đồng chí trong thường vụ đều biết nhưng ngại không dám đấu tranh phê bình vì sắp đại hội ai cũng sợ liên lụy mất phiếu. Bây giờ chỉ trông chờ vào bác, vừa cán bộ lão thành vừa có uy tín, bác nói ai cũng phải nghe, người như bác mới giúp huyện được”. Tôi bảo với phó bí thư: “Mọi người đã tin tưởng tôi như thế thì chú cứ viết ra, sợ bị trù thì tôi ký tên chịu trách nhiệm cho”. Chú ấy về viết, tôi ký tên đích danh liền. Nhân có nhà báo đây tôi hỏi không biết bài viết đó đã đăng báo chưa?
Vẫn ông Hạnh dò hỏi:
– Vậy khi lấy bản đánh máy, chú ấy có đọc lại cho cụ nghe rồi mới ký tên không? Và chú ấy có dặn hay biếu cụ món quà gì không?
– Ồ đồng chí sao hay nghi ngờ vậy, cương vị đồng chí ấy to thế thì ai lại không tin tưởng được kia chứ? Đồng chí chỉ dặn đúng một câu: “Ai hỏi thì bác cứ nói đúng chữ ký, nội dung do bác viết”, vậy thôi. Còn biếu thì cũng có đấy. Đấy, cái ti vi như tấm phản này. Hôm ấy, tôi không nhận quà nhưng chú ấy nói mãi: “Chẳng qua biếu bác cái phương tiện để nghe thời sự, thấy lãnh đạo trung ương nói về chống tham nhũng, phấn khởi sống thêm mươi tuổi nữa ấy chứ”. Thế là tôi đồng ý. Ti vi màn hình phẳng nom đơn giản thế này mà hình rõ nét lắm các đồng chí ạ. À mà khi tôi đồng ý nhận cái tivi, chú Hùng bảo ngồi xe lên thị xã lấy, luôn tiện vào tòa soạn báo nạp bài luôn, gặp nhà báo này đây, đồng chí khỏe không, nhớ tôi không?”.
Tạm biệt cụ Thiên ra về, ông Hạnh cứ nghĩ mãi về người 60 tuổi đảng này. Cụ Thiên chân thật, hồn nhiên đang bị người có chức quyền lợi dụng mà không hề biết. Xót xa, cay đắng cho cuộc sống bây giờ.
Đại hội huyện Đảng bộ Hói Nồi xong, người ta không bàn luận về nghị quyết, chương trình hành động mà lại bàn chuyện cắc cớ ngoài lề của đại hội. Đầu tiên là chuyện bí thư huyện ủy Nguyễn Đình Trung mặc dầu vẫn trúng  chấp hành nhưng phiếu không cao. Tỉnh đang làm quy trình để luân chuyển bí thư mới ở Sở Nông nghiệp về tăng cường, còn ông Trung sẽ được điều chuyển vào tỉnh làm phó của một ban nào đó. Đau nhất là phó bí thư thường trực Phạm Thế Hùng thế đang lên như cờ được gió bỗng dưng bị gãy cán, rách tươm, trượt cấp ủy thẳng cẳng, nghe đâu chỉ được hai mươi phần trăm số phiếu. Tỉnh đang định điều vào tỉnh đoàn bố trí cán bộ cho mấy đơn vị cấp hai nhưng họ chưa nhận. Thế mới biết quần chúng, đảng viên đánh giá con người chính xác lắm, và đâu có cần phải có hình thức kỷ luật của cấp trên.
6/4/2021
Hồ Ngọc Quang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, như...