Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Tình sơn nữ 2

Tình sơn nữ 2

CHƯƠNG 13
Ngăn mừng rỡ có dịp thổ lộ bầu tâm sự của nàng về việc làm vợ Hàm.
Nàng cố gắng tìm cơ hội rủ Péng đi hái rau cải để có dịp ướm hỏi. Và ít lâu sau, nàng đã rủ được Péng ra đồng với nàng:
- Mày ạ, tao muốn nói với mày câu chuyện này, mày có bằng lòng nghe không?
Péng chẳng hiểu truyện gì mà em nàng ại úp mở như vậy. Tại sao nó lại hỏi ý kiến trước khi nói là ra sao? Và rồi nàng cũng chiều em nên gật đầu để lắng tai nghe câu chuyện bí mật ấy.
Ngăn đĩnh đạc nói truyện:
- Hôm tao đến chơi với thày thì mày đi vắng. Tao đem câu truyện bố tao lấy hai vợ cho thày nghe và rồi hỏi ý kiến thày có thích bắt chước không?
Nói đến chỗ này, nàng ngắt quãng rồi nhìn vào mặt Péng để tìm câu trả nhời im lìm không phát động bằng lời nói, nhưng bằng cử chỉ, hành động rất rõ rệt trên nét mặt.
Péng vẫn yên lặng, Ngăn lại tiếp:
- Thày ấy bảo rằng để lấy mày đã rồi hỏi ý kiến mày. Nếu ưng thuận mày nhớ bảo tao.
Péng hiểu câu chuyện Ngăn nói. Nàng em họ cũng yêu Hàm, nhưng chắc chắn rằng đi bước sau nên phải nhường cho chị đi trước.
Péng không ngu độn, nàng cũng ưa chồng một, vợ một, cuộc sống sẽ êm ả nhiều. Song, nếu em họ nàng muốn vậy, Péng cũng phải bằng lòng để khỏi cho Ngăn đau đớn và làng nước chê bai ích kỷ, ghen tuông. Như vậy phong tục tập quán Thái mai mỉa là kẻ không tốt, nhất là người vợ hai của Hàm là em gái họ.
Sau lúc suy luận kỹ càng, nàng trả lời:
- Ừ, để việc của tao xong đã hãy lo đến mày. Tao và mày cùng chung sống với nó còn vui vẻ hơn người ngoài. Mày cũng yêu nó nhưng liệu nó có yêu mày không?
Ngăn gật đầu với bao niềm tâm tư cởi mở nàng vỗ vai chị họ cảm tạ.
CHƯƠNG 14
Hôm vừa rồi, ông Bang thúc giục chàng chọn ngày tốt để làm lễ ăn hỏi.
Ông bà nhạc đã cho con rể biết sẽ miễn nghỉ tục gửi rể và còn tiệc tùng trong tất cả buổi ăn hỏi, cưới xin đều do nhà gái lo liệu, cung cấp.
Ông chánh tổng, bố Ngăn đứng lên thay mặt nhà trai trong cuộc lễ ăn hỏi Péng.
Chàng nhận lời và trong khi ấy, người đứng bên chàng mừng rơn, đôi má hồng chứng tỏ Péng thẹn thùng.
Vào một ngày thu êm dịu, nhà ông Bang bắt đầu bận rộn từ buổi sớm mai.
Người nhà, người hàng xóm, anh em, dân làng đến làm giúp rất đông trong buổi này.
Có nhà đem đến một đôi gà, chai rượu, yến gạo, bánh trái góp thêm phần vui mừng thầy giáo làng lấy vợ.
Mười hai cái lều chạy dài liên tiếp nhau dùng để tiếp khách trong buổi tiệc sắp tới.
Ngăn, Tó và mấy cô bạn đến têm trầu giúp Péng từ sáng đến trưa không ngớt tay. Một rổ trầu cau đặt ở giữa bàn tiếp các bà, các cô đến thăm.
Năm con lợn hơn một tạ trước đây, thêm vào đấy con nghé và con bò không kể gà vịt, ngan ngổng. Những người làm lòng lợn phải kêu lên rằng:
- Từ xưa tới nay chưa có bữa ăn hỏi nào to như thế !
Trai gái làng đến dự đủ mặt, họ ăn uống cười đùa, mừng cô dâu, chú rể, tiếng ấy gây một hợp âm đến vang trời dậy đất. Và bữa tiệc cưới ấy cũng lại là một dịp tốt cho con giai con gái làm quen nhau và rồi ra cũng có những bữa tiệc tương tự.
Bà chánh tổng, mẹ Ngăn, sau khi ăn uống no say, bà khề khà ra chỗ cô dâu, chú rể nói:
- Này các con cháu ạ, đám cưới của chúng con do Trời đứng chủ cuộc nên mới vĩ đại như vậy. Chịu khó mà ăn ở với nhau để khỏi phụ công người dân làng đến phục dịch. Hình như tao nghe đâu chồng mày sắp lấy vợ hai.
Những tiếng vỗ tay nổ ran và rồi để có người nói vọng lên :
- Chúng ta sắp được chén một bữa ăn hỏi nữa, thày giáo lại lấy vợ hai cơ mà.
Các chàng thanh niên, các cô thiếu nữ chú mừng cô dâu chú rể đến nỗi hai người này đáp lời đến khản tiếng.
Péng hãnh diện và rất sung sướng với dân làng. Lòng nàng lúc ấy nhẹ lắng hình như bao niềm hân hoan đều dồn cả vào trong một phút đó.
Buổi chiều, tất cả mọi người ra về, những người còn ở lại ăn bữa nữa là thân thích họ hàng.
Ngăn, cô vợ hai tương lai của Hàm cố vui gượng gạo, nàng mong từng giây để cho ngầy nào... làng này cũng tấp nập ăn cưới nàng.
Nàng cứ tự hỏi như vậy?
Có một giây lát nàng nghĩ rất ngộ nghĩnh: “Giá thử cưới hai vợ một lúc tốt biết là bao!”
Nàng cố vui, song vẫn không thể giấu nổi tất cả mọi người. Tó, cô bạn gái của Ngăn và Péng hỏi nàng:
- Tại sao hôm nay ngày vui của chúng nó thì mày lại bồn như đi đưa ma, tao biết rồi!
Nàng chỉ ầm ừ trả nhời thường lệ:
- Tao vẫn vui đấy chứ, thế mày nhìn thấy tao buồn à!
Qua hôm trước, ngày ăn hỏi linh đình bao nhiêu, cho đến hôm nay, người nhà dọn dẹp rất khổ sở bấy nhiêu.
Còn gì khổ sở và chán chường hơn là sau bữa tiệc, còn lại rác rướng, cốc chén, bát, đĩa, bày bừa.
Trong bảy ngày ròng rã, ba bốn người làm hợp lực thu dọn mới xong xuôi. Păn bảo thằng Chừ rằng:
- Ấy chúng nó ăn một bữa hỏi còn bận cho chúng mình năm bảy ngày, nếu đúng như bà chánh nói, còn một bữa hỏi nữa thì chết mất. Mày xem rác chất đống như đầu người,dọn dẹp có khổ không?
Chừ tần ngần, nó vẫn làm việc, miệng đáp nhời, tay thu dọn:
- Nó cũng tốt đấy chư, Péng chẳng hứa cho chúng mình tiền là gì? Thày giáo bảo rằng là nhờ chúng mình xếp dọn đấy thôi.
Thím Păn càu nhàu nói:
- Nhưng mà được mồt lời khen của chúng nó thì mình khổ còng lưng, bưng rác đổ.
Còn Păn từ lúc nghe mẹ nó nói, và thằng Chừ nói chuyện đến bây giờ nó mới lên tiếng:
- Thế nó không cho tiền và nhờ vả, chúng mày không phải làm đấy?
CHƯƠNG 15
Ba tháng nữa thì anh lại có một cuộc cưới linh đình đấy! Anh liệu mà thu xếp công việc. Hàm có ra tỉnh chơi không? Hôm vừa rồi bố mẹ em bảo rằng hỏi ý anh? Và cũng là nhân một dịp hai chúng ta ra thăm em.
- Ừ! Phải, thằng em hôm nọ không về dự cuộc lễ ăn hỏi chúng mình, thực là một điều đáng tiếc. Hình như nó ham học lắm thì phải. Thư của nó đâu rồi, nó viết bằng tiếng Thái à?
- Không đâu, anh ạ, nó viết tiếng Việt đấy. Nó có dặn trong thư rằng nó trông giấy ủy quyền của anh lắm đấy. Đây anh xem đi.
Péng nói xong, đưa tay vào túi áo dút bức thư ra cho người yêu. Hàm đọc:
Yên Bái, ngày... tháng... năm 19..
Thưa anh chị,
Em vừa nhận được tin anh chị cho biết đến ngày hôm vừa rồi về nhà để dự cuộc vui nhất trong đời chị Péng em. Song, em đã thất lời, ông giám thị lưu trú trường em khắt khe quá anh ạ. Anh xem như thế này quả là ác số một.
Em đưa giấy của anh chị mời về ăn tiệc cưới, ông ấy bảo rằng không có "giấy phép" của bố mẹ. Ông ấy còn đưa ra những giả thiết và bảo em:
- Mày muốn về nhà nên nhờ ai viết giấy xin phép chứ, nếu thật anh chị mày ăn cưới thì phải có giấy của bố mẹ. Khi mày vào đây, bố mẹ mày có ký giấy nhận với chúng tao rằng chỉ cho về một khi sẵn giấy của cha mẹ hoặc ủy quyền. Vả lại mày gần đi thi Sẹc-ti-phi-ca thì lại càng không có lợi nữa. Mày đang chăm học ấy thế mà vì bữa ăn hỏi, bỏ mấy ngày học không tiếc ư?
Người ta sống trên đời này để học chứ không phải để ăn một bữa cỗ. Bữa này chưa lấy gì làm to tát, nó chỉ là bữa sính lễ, đến kỳ cưới thật sự mày về cũng chưa lấy gì làm muộn mằn.
Đây anh Hàm xem, em còn nói đùa vào đâu được nữa. Vậy em chỉ còn biết gửi thư chúc anh chị luôn luôn vui vẻ chung sống với nhau một cuộc đời hạnh phúc
Phần thưởng quí giá nhất của em ở trong lưu trữ là anh nên gửi thư cho em luôn.
Anh có hiểu thấu tình cảnh buồn bã trong lưu trú không? Chắc anh đã qua rồi. Ăn cơm, học bài, tập thể dục, đi ngủ, nghĩa là con người phải theo lệnh của cái còi sắt và anh giám thị cay nghiệt.
Yên Bái bây giờ cũng vui anh ạ! Buổi sáng sớm có kèn nhạc diễn qua phố xá vào khoảng bây giờ trong lúc sương muối còn bay ngập trên các mái nhà.
Em dậy sớm lắm, và rất đúng giờ, dạo này em luyện tập thân hình rất vạm vỡ, và hy vọng sẽ chiếm được giải thưởng kỳ thi lực sĩ học sinh cuối năm.
Thư dài lắm rồi, em xin chúc anh chị vui vẻ. Nhớ ngày cưới phải báo tin cho em và bảo ba, mẹ em gửi cả giấy ủy quyền. Em gửi lời chúc Thày mẹ và cả nhà.
BẠC CẦM HONG.
Hàm bỏ lá thư xuống nương sắn rồi nhìn người yêu:
- Thằng Hong nó trách chúng mình đây. Anh cũng quên khuấy đi mất! Đáng lẽ phải gửi giấy ủy quyền thì nó mới được về.
Péng chẳng hiểu giấy ủy quyền là gì nên nàng hỏi người yêu:
- Em chẳng hiểu giấy ủy quyền là gì?
- Là giấy thay mặt của bố mẹ; chẳng hạn bây giờ bố mẹ muốn cho thằng Hong về thì bố hay mẹ phải ra tận đấy đón. Nếu không đi được bố hay mẹ phải viết giấy ủy quyền cho em hay anh ra đón về.
Thế ông chánh ra hôm nọ cũng không được về à?
- Họ biết ông chánh là ai? Nếu ngoài địa phận này ra. Ông chánh cũng phải có giấy ủy quyền của bố mẹ mới đón được em về.
- Nó còn ít tuổi gì cho cam, mười hai tuổi đầu rồi. Em cứ tưởng rằng ai ra đón cũng được .
- Em dốt lắm.
Péng quay lại nhìn chàng, vẻ trách móc:
- Em có dốt mới phải hỏi anh nếu không thì đã...
Hàm thấy mình cau có vô lý hết sức. Chàng phải nói lãng:
- Péng ạ, chiều nay ngồi bên nương sắn vối em thật là quên tất cả bao nỗi lo âu trong sự vất vả thường ngày. Em là người khích lệ anh trong những lúc buồn bã âm thầm. Có phải đúng như thế chăng?
- Em cũng thấy vậy, chúng ta đều khuyến khích lẫn nhau.
- Chẳng thế người ta sinh ra gia đình làm gì chứ? Phải không Péng?
- Vâng
Cả hai ngồi cho đến lúc bóng hoàn hôn rũ xuống, mặt trời lấp ló bên trơi tây mới trở lại nhà.
Đôi vợ chồng bắt tay nhau thong thả bước đều.
CHƯƠNG 16
Mùa hè ở trên thượng du rất dễ chịu và mát mẻ. Thường thường nhiệt độ chỉ lên tới một độ ấm áp, ít khi nắng quá quắt như miền xuôi.
Không khí trong sạch, nhè nhẹ, do đó người sơn cước không cần phải đi đâu nghỉ mát, họ ở chính đất họ là đầy đủ qua những ngày hè.
Péng đang lúi húi mài dao, bỗng nàng ngoảnh mặt lên rồi gọi Hàm:
- Hàm ơi ! Nóng quá, chúng mình đi lên rừng đẫu củi rồi tắm.
Có tiếng vọng từ trên nhà xuống đáp lại:
- Thế Péng đã mài dao cho Hàm và Chừ chưa?
- Rồi, dao Hàm em mài, còn thằng Chừ nó mài lấy. Sắc như nước ấy, hôm nay anh tha hồ chặt đóm nhanh.
Tiếng chân người nện hùynh huỵch trên dát nhà, dần dần tới cầu thang.
Khi trông thấy Péng, Hàm nhe răng cười:
- Cám ơn em nhé! Em tôi mài dao đến nỗi mặt đỏ nhừ như anh em Lưu Bị.
Nàng chưa bao giờ được nghe tên lạ nên hỏi:
- Lưu Bị là cái gì hử anh?
Biết mình trót nhỡ nhời ví mặt nàng đỏ nhừ như anh em Lưu Bị nên chàng nói tránh đi.
- Không, anh bảo em mặt đỏ nhừ, thế thôi.
- Anh nói đỏ nhừ như anh em Lưu Bị. Em hỏi anh lại không nói. Anh còn chối cãi sao được? Thôi không giảng giải cho em nghe thời lần sau nhất định em chẳng bảo anh một cái gì nữa. Anh đã hứa với em điều gì chóng quên thế!
Chàng đành gật đầu để đối phương bằng lòng .
- Được rồi, anh sẽ nhớ và trả nhời cho em hiểu. Thôi em gọi thằng Chừ rồi chúng ta cùng đi và anh sẽ nói cho mà nghe.
Mặt Péng vui lên, nàng không phụng phịu và giận dỗi nữa.
Ba bóng người trải dài trên sườn đường, ngược với ánh mặt trời phía tây.
Ai cũng có vỏ dao đeo bên mình, thỉnh thoảng vang lên canh cách. Péng nói đùa:
- Anh lấy lá cây vo tròn cài vào hai bên sườn dao tránh tiếng kêu ấy đi, kêu giống như đuôi ông Hùm gõ vào cây nứa.
Anh không biết à, ông Hùm ngủ trưa, đuôi bao giờ cũng gõ tanh tách vào cây nứa giống như cái dao của anh kêu đấy.
- Thế à?
Bỗng nàng chợt nhớ ra điều gì rồi nàng nhăn nhó kêu:
- Anh tệ lắm, hứa cái gì lại quên béng ngay được.
Hàm giả tảng lờ không biết ngước mắt nhìn trời, cảnh rừng suy nghĩ.
Còn thằng Chừ rũ ra cười:
- À, anh nhớ ra rồi, anh quên trả nhời em về mặt đỏ nhừ như anh em Lưu Bị. Bây giờ kể đến nhé!
- Ngày xưa bên Tàu có ba người ký kết với nhau làm anh em. Họ quý nhau như ruột thịt. Lưu Bị là anh và hai người kia là Quan Công và Trương Phi.
Lưu Bị là anh rất giỏi giang, đa mưu lắm kế, còn hai người em dư sức vô mưu.
Trong số ấy, Quan Công là người tính nóng như lửa, mặt lúc nào cũng đỏ nhừ nên anh vừa ví mặt em giống quan Công là thế ấy.
Nàng ngẩn người ra lặng tai nghe rất chăm chú. Khi thấy Hàm ngừng kể, nàng hỏi:
- Có thế thôi à, chuyện có hay không anh? Bao giờ em được về xuôi, quê anh để xem truỵện thú lắm nhỉ.
Nhưng anh có cho em về theo không? Hay là anh lại nói dối em.
Thằng Chừ thỉnh thoảng mới nghe lỏm được một vài tiếng, nó chẳng hiểu gì hết.
Péng nhìn thương hại và bảo người yêu:
Chúng mình tha hồ nói chuyện, nó chẳng hiểu chi hết. Tỷ dụ chúng ta bàn nhau chuyện cười nó cũng chỉ đành lắc đầu nhìn thôi. Tại vì chúng ta nói tiếng Việt.
Hàm lặng lẽ không nói năng, chàng thầm nghĩ lại: Ờ, người đàn bà con gái thực tế lắm, ngay cả đến người Thái cũng vậy. Họ yêu đều có mục đích, yêu rồi nghĩ đến ngày cưới xin, lập gia đình.
Từ ngày có người yêu, ta cảm thấy rằng bất cứ lúc nào người yêu của ta cũng nói chuyện đến hôn nhân, cưới xin, ngày vui đẹp nhất của hai người.
Còn đàn ông, như mình chẳng hạn rất ít khi nghĩ tới. Phải chăng ái tình chưa phải là một mục tiêu chánh trong đời. Đàn ông còn nghĩ đến nhiều điều quan trọng khác hay sao? Đàn ông cho tình yêu chỉ là một điều giải trí trong lúc sầu muộn, chẳng thế Khái Hưng nói rằng: đố tìm thấy một người đàn ông nào trinh trắng trong xã hội. Thật là chí lý.
Có nhiều người khi được yêu và luc người yêu nói đến ngày cưới, họ lại rùng mình sợ hãi như cọp đuổi. Như vậy nghĩ họ cũng có lý và nghĩ lại cũng lãi là ý tưởng phá hoại.
Ta yêu đàn bà ư? Luc đầu say lắm; nhưng tại sao lúc đề cập đến hôn nhân lại sợ là tại sao? Dã được yêu, họ thấy rằng đã đưa vào vòng suy nghĩ, nào là cơm áo cho vợ, làm cách gì cho vợ con đủ ăn, đủ mặc, đủ diện bằng người.
Nếu chồng có thiếu thốn một chút, bà vợ réo lên những tiếng kinh khủng của tàu bay trước khi nhả bom.
Xã hội tỉnh thành rất ít người đàn bà chịu thương, chịu khó đi làm để cùng chung nỗi lo nghĩ của chồng con. Đa số ra chỉ trông mong vào chồng con đi làm về lấy tiềng ăn diện.
Mùa hè như bây giờ ư? Trong lúc các đức lang quân lúi húi làm việc vất vả trong các công sở hay ngoài ánh mặt trời gay gắt, thì các bà vợ ngồi nhà với buồng quạt máy để chát phấn, bôi vôi vào mặt, mặc quần áo mỏng như tờ hở hênh da thịt phô diễu qua các phố phường.
Khi chồng về nào có được nghỉ ngơi. Vợ làm nũng kêu mệt nhọc, mặc dầu khi vắng chồng các bà đã chén thập cẩm. Chồng sợ hãi hốt hoảng bỏ cơm nứơc, chạy đi mời đốc-tơ hoặc y tá đến khám bệnh và săn sóc vợ rất chu đáo.
Như thế, hỏi rằng người con giai ở tỉnh thành sợ lấy vợ cũng là điều có lý hẳn hòi, ta không nên chỉ trích họ quá đáng! Có đi vào vòng ấy mới hiểu cho tình cảnh người đó!
Yêu mà không hái lấy tình yêu lại là phá hoại. Thật cũng là một điều khó suy nghĩ. Nếu yêu một người đàn bà ư? Khi đã được đền đáp lại rồi mà lãng quên ngày cưới cũng mắc một trọng tội với đàn bà. Họ sẽ cho ta là đùa với tình yêu.
Và không những thế, họ sẽ gán cho bạn giai một danh từ rất ghê gớm “chưa đủ bản năng để đảm bảo tình yêu”, hoặc danh từ của bạn giai vẫn tự gán cho mình là “phá hoại tình yêu”
Trong lúc đôi bên gần nhau có khác nào lửa kề rơm lâu ngày cũng bén; sẽ xảy ra nhiều tội lỗi trong lúc tình yêu quá bồng bột.
Do lẽ đó phải có ngày cưới xin ngay, khi cả hai bên đã yêu nhau.
Hàm nhớ lại những mẩu tâm tình của các bạn học chàng ở tỉnh thành xưa, mỗi lúc đi chơi với nhau ở các nơi chùa chiền hoặc những nơi thắng cảnh.
Hàm vẫn cho tư tưởng mình sống là với dĩ vãng, nhưng tuy khi đó Péng không để cho chàng yên lặng và bắt quay về với nàng.
- Hàm! Em khó hiểu anh quá đi mất! Có lắm khi em nói chuyện anh chẳng để ý gì cả. Anh mải miết nghĩ ở đâu đâu, chẳng hạn như lúc vừa rồi, anh lặng lẽ nghĩ điều gì ấy?
Nói cho em nghe nếu không em quay về nhà đây. Em không đi chặt củi với anh nữa.
Thằng Chừ chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, nhưng nó cũng nhận thấy hai người qua những cử chỉ đối với nhau. Nó kết luận. Cả hai có điều gì xích mích với nhau.
Nó chạy lại bảo Péng:
- Tại sao Péng lại giận dỗi người tháy giáo như vậy. Có điều gì không bằng lòng, nói tao nghe nhé. Hôm nọ tao thấy Péng yêu thầy lắm cơ mà!
Péng đang giận dỗi cũng phải bật cười và không hiểu tại sao cái thừng đần độn nhất, hôm nay nói những câu rất chững chạc và khôi hài hết sức.
Hàm trả nhời gắt gỏng:
- Tôi đang bận nghĩ, tại sao Péng lại cấm tôi yên lặng suy nghĩ. Tôi vẫn nghe chuyện em kể là được rồi chứ gì.
Péng nhăn nhó đáp:
- Nhưng mà anh phải cười nói hoặc tỏ ra những cử chỉ để Péng nhận thấy kia!
Dứt lời, nàng quay lại với thái độ khủng khẳng, Hàm ví nàng như đứa bé giận dỗi mỗi khi tranh quà cả bố mẹ so sánh phần hơn kém.
Chàng cứ để mặc Péng đi và bảo Chừ:
- Mày cứ mặc cho Péng quay về, tao và mày đi lấy củi đóm cũng được rồi.
Nó không nghe nhời chàng chừng một lát rồi chạy theo Péng gọi:
- Péng, thày bảo tao mời Péng quay lại với thày đấy. Ai lại bỏ hai người để về một mình. Về nhà không sợ người ta cười à?
- Không, mày bảo thày lại đây đón tao kia.
Hàm lắng tai nghe, chàng bật cười. Rồi chàng tiến lại phía Péng:
- Thôi Hàm xin lỗi rồi, Hàm sẽ nghe những câu chuyện của Péng kể và để cho Péng nhận thấy qua cử chỉ.
Nàng cười khanh khách như tiếng khướu hót. Rồi nàng lại còn chế riễu Hàm.
- Người ta mới đùa có thế mà đã phải sợ rồi. Thôi em nói đùa đấy, lúc nãy Hàm nghĩ gì phải nói cho em nghe.
Hàm suy nghĩ một lát, chàng nhận định cơ hội trong việc tìm hiểu tâm lý nàng. Chàng gật đầu kể:
- Trong khi chờ Péng nói, nhờ lời của Péng, Hàm đã nhớ tới câu chuyện yêu đương của nngười con trai đối với các nàng thiếu nữ ở tỉnh thành.
Péng vỗ tay:
- Hay quá! Thế anh nói ngay cho em nghe .
Nàng vui qua nên chẳng giữ ý tứ chi thế, nàng nhảy múa ngay ở dọc đường và hát hổng như một đứa bé đang trong tuổi thơ ngây bồng bột, không bao giờ làm một việc gì lại sợ người khác chê cười mình.
- Ở tỉnh thành, con giai rất sợ lấy vợ. Họ cho rằng khi đã được các cô yêu thường hay làm nũng nịu. Từng một đồng tiền mảnh quần, tấm áo, đồng phấn sáp, đều trông mong vào chồng con, không bao giờ họ chịu tự làm lấy để tiêu pha cả.
Trong lúc chồng con làm ăn mửa mặt, vợ phá phách ăn không ngồi rồi.
Péng bĩu môi đáp:
- Thế đáng ghét lắm anh ạ. Đàn bà cũng là một người trong gia đình. Họ phải gánh vác công việc nhà đỡ chồng con; không một lẽ nào chồng đi làm toát mồ hôi, vợ ở nhà ăn bám.
Người chúng em không ưa một chút nào đâu. Anh xem ở làng em chẳng có một ai măc bệnh ấy. Đàn bà lười nhất họ cũng còn biết giúp đỡ những việc thường nhất như dệt cửi may quần áo cho chồng con.
Hàm trêu tức nàng:
- Còn em đấy, mai sau anh mới tin rằng điều ấy có thực. Bay giờ em nói hay cho người làng em sao mà chẳng được nhỉ.
- Từ ngày anh đến làng này, thế chẳng thu thập tìm hiểu được một tí gì về người dân à? Anh dốt lắm, em nói thưc đấy .
Hàm không tưởng câu đáp của Péng là hiểm hóc và đắng cay như vậy.
Hàm cười, cái cười chứa bao nỗi tức bực.
Rồi hàm bảo Péng:
- Câu nói của Péng làm anh bực lắm, nhưng cũng rất phục tài sâu sắc ý nghĩa.
Nàng cũng không muốn đáp lại hoặc nhận lời khen kia, nàng quay về nói câu chuyện của người sơn nữ Bản Bắc.
- Anh biết đấy, bất cứ một người đàn bà bào khi đi lấy chồng rồi đều làm việc chăm chỉ. Họ luôn luôn đi sát với chồng để chung sức làm mọi việc đồng ánh, làm nương rẫy. Anh có bao giờ trông thấy người chồng nào mới cưới vợ đi làm một mình không.
- Vâng, tôi công nhận đúng. Thôi chúng ta lên rừng chặt củi đã tới hôm nọ rồi.
- Tắm đã, nước trong như lọc, mát thế kia, ai không tắm cũng dại. Anh Hàm nghe em một tí nào.
Hàm bác lời đề nghị của Péng rất khéo léo:
- Em ạ, lên rừng chặt củi đã. Bây giờ em tắm rồi sau khi lấy củi xong lại phải tắm một lần nữa cũng tội. Theo anh, một khi tắm rồi, tức là mọi công việc xong xuôi, chứ tắm rồi mà phài đi đẵn củi thì bực lắm.
- Phải đấy.
Cả ba lên rừng. Mỗi người đi theo một lối, nhưng bao giờ cũng gần nhau cách độ năm sáu thước là tột bực.
Nếu một ai đi quá xa rất có thể sợ sự nguy hiểm xay ra mà không ai biết. Ở trên rừng hổ báo rất sẵn, bất cứ một nơi nào rậm rạp, cây cỏ mọc um tùm.
Péng bảo Hàm:
- Anh đừng đi xa chúng em nhé; chỗ này củi tốt lắm. Nứa khô như vậy chắc đem ngay được. Mai nhà ta sửa soạn bữa tiệc để mời các người nhổ mạ giúp và ngày kia mời các cô, các bà đến cấy không lấy công ăn uống.
Hàm ngạc nhiên đáp:
- Thế à! Sao em không bảo anh.
- Em nói anh có thèm nghe đâu. Chẳng thế lúc nãy em phải cau có, giận dỗi với anh.
- Ai bắt em giận?
- Lúc em giận anh, em càng thấy yêu anh nhiều.
Hàm vẫn vừa đóm vẫn lăng tai nghe Péng nói chuyện:
- Mỗi năm về vụ cấy, hoắc vụ gặt, nhà ta đều phải nhờ dân làng làm giúp đấy. Ruộng nương nhiều không làm thế chẳng bao giờ xong được.
Chắc anh cho rằng làm ruộng theo một kiểu lạ lùng đấy nhỉ? Hôm nọ anh hỏi thằng Chừ là: “tại sao ruộng nhà bừa kỹ thế mà lại không nhổ mạ cấy là thế nào”. Nó nói chuyện với em như vậy.
Hàm ngắt lời:
- Hôm nọ, nó cũng trả nhời anh, nhưng không rõ ràng, anh có hiểu được đâu? Bây giờ em nói anh hiểu rồi.
- Mấy chục thửa ruộng làm sẵn để đấy, mạ có sẵn thì đem trầu cau đi mời dân làng đến nhổ mạ rồi cấy giúp cho một buổi. Hàng trăm người làm giúp, chỉ non một buổi là xong xuôi tất cả.
- Như vậy cũng tiện đấy em nhỉ. Và chắc chỉ có nhà quan lại mới lại mới được hương tập quán như vậy.
- Hôm ấy vui lắm, nhiều nam, nữ đến làm giúp. Ngăn, mẹ em đem trầu đi mời từ sáng sớm hôm qua. Anh không thấy mẹ về ăn cơm trưa đấy thôi.
Tiếng động phát ra rừng vắng mỗi lúc một vang thêm. Chừ chẳng nói chuyện với ai hết, nó thui thủi chặt đóm và hát nghêu ngao.
Một lát sau, nó đã chặt xong được ba bó củi lớn lao xuống suối. Lúc bấy giờ nó mới đi tìm Péng để hỏi chuyện:
- Tao được ba rồi, Péng được mấy mà nói nhiều chuyện thế
- Ba
- Thế thầy giáo đâu, được bằng mày chứ.
- Ờ, ba rồi!
- Lấy thêm ba bó nữa chúng mình đi đóng mảng.
- Mày đi chặt nốt đi.
Thằng Chừ lại lủi thủi vào rừng. Nó chặt củi và kéo đến nỗi cành cây sồi rung chuyển như gió bão thổi.
Péng bảo Hàm:
- Thằng Chừ chịu khó lắm Hàm ạ. Nó làm nhanh lắm, đã xong ba bó củi rồi đấy nhe. Nó hỏi chúng mình bằn nó chưa và sao nói nhiều chuyện thế!
Hàm khen thêm:
- Đừng khinh nó ngu dốt đâu, lắm lúc nói ăn người phải biết đấy. Nó ở với nhà ta đã lâu chưa?
Anh chẳng thấy nó về thăm quê quán lần nào cả.
Péng trả nhời và cũng là một dịp kể cho chàng nghe câu chuyện gia đình của nó.
- Nó có bố cũng hóa ra chẳn có bố. Mẹ nó chết đi, nó mới lên ba, lên bốn tuổi. Được đi săn sóc thày mẹ cho đến lúc nó lên chín, mười thồi bố nó đi lấy người vợ kế. Làm ăn sa sút, sưu cao, thuế nặng, không đóng được cả thuế thân, dân làng phải đem con hắn đi bán lấy ba đồng bạc.
Anh tuấn tráng làng Đỗng, tức là cách làng ta vài chục cây số về phía nam, chỗ có nhiều tôm đem nó đến nhà nói với bố để nó ở đời đời kiếp kiếp với giá ba đồng
- Từ lúc nó trở nên vật sở hữu của nhà em, sao Péng không cho phép nó về thăm gia đình. Em phải biết rằng tình phụ tử rất nặng.
Chàng nói lên bộ đạo đức, khiến cho Péng hơi khó chịu:
- Sao anh lại bảo em không cho nó về thăm gia đình? Em cấm nó bao giờ đâu? Hôm nọ em bảo cho tiền về thăm nhà nó trả nhời đén Tết hẵng hay. Nó nói như thế này:
“Có bố, nhưng bố lấy người khác rồi. Nó bán tao đi để lấy tiền thì Tết tao mới về thăm nhà một lần thôi. Ngáy thường miễn cho tao đi thăm. Nó còn nói thêm: tình bố con đã được trả bằng ba đồng rồi” nó cũng có hiểu lầm, hôm mùng một vừa rồi nó xin phép bố em về bảnĐõng thăm mả mẹ và nhân tiên đén chào bà dì
Bố em thường bảo nó rằng phải chịu thương chịu khó làm ăn, lúc nhớn sẽ cưới vợ rồi cho ra ở riêng.
- Chắc thế nào bố chẳng chia ruộng cho nó.
- Có chứ! Các cô trong làng yêu nó lắm đấy nhé. Chẳng tốt số lắm sao!
- Ừ, trời cũng có mắt không ai ở với ai. Nó đã chịu nhiều điều khổ ải, trời phải phú cho nó một vài đặc tính để còn hy vọng sống với đời chứ! Và những đặc tính ấy rất hiếm người được ban.
Péng gật đầu, tay bó củi, miệng vẫn kể chuyện với người chồng:
- Hôm nào anh rỗi phải kể chuyện quê anh cho em nghe. Nhớ rằng mai sau em về làm dâu không biết cách ăn, cách làm ở quê anh, người ta cười em thì sao?
Em đang nói chuyện về thằng Chừ với anh chưa xong mà em nói lảng sang chuyện khác.
Có anh ạ. Nhưng trước hết ta phải nghe chuyện của hai người đã rồi mới bàn đến chuyện người khác.
- Em tôi cãi là giỏi lắm. Ví dụ nếu em vào trường hợp ấy lại bù lu, bù loa làm nũng quấy rầy, giận dỗi. Thôi, anh không nói đến chuyện ấy nữa, cần cắt đứt để xuống suối tắm và đóng mảng thôi.
- Anh xong rồi.
- Ừ! Cả sáu bó tất cả.
- Em cũng thế!
Rồi nàng lên tiếng gọi thằng Chừ:
- Xong chưa?
- Xong rồi, có lên đây ăn ngõa thì đến. Ở đây cày ngõa ngọt lắm thày, Péng ạ.
Péng nhìn Hàm nói:
- Thằng ấy nhanh thật. Có thả nó ra đời chẳng bao giờ chịu chết đói.
- Anh cũng thấy thế. Bất cứ một người nào ở đây, dù nhớn, bé, từ bảy, tám tuổi trở lên cũng đã biết một công viêc tói thiểu để sinh sống.
Khi chúng lên sáu, bẩy, chúng đã biết chăn trâu kiếm miếng cơm, manh quàn tấm áo ấm thân.
Từ mười tuổi trở lên, chúng đã có thể cầm nổi cái bừa gỗ theo sau con trâu.
Ngoài ra, hơn cái tuổi ấy, chúng hết cày bừa, nhổ mạ, lên rừng chặt củi, làm nương rẫy sống.
Như vậy rất ít người ở đây đi vào con đường thất nghiệp, nghèo đói.
Câu chuyện của Hàm bị đứt ngay khi Chừ đến với mấy quả ngõa chín. Nó bảo hai người:
- Đây là phần hai người đay. Ăn đi rồi còn tắm táp và đóng mảng về. Trời tối rồi.
- Láo nào! Mặt trời còn cách núi một con sào, thong thả cũng kịp chán.
Péng nói xong, nàng cầm hai quả ngõa boc vỏ đưa cho Hàm.
Cả bọn ngồi trên mõm đá ăn ngõa, hai chân buông thõng xuống nước suối trong mát.
CHƯƠNG 17
Từ buổi chiều hôm sau, nhà ông Bang bắt đầu bận rộn sửa soạn cỗ bàn cho những người nhổ mạ đến ăn.
Bà Bang bảo Hàm:
- Con ở nhà bảo chúng nó mổ mấy con vịt, vài con gà để thết bọn người nhổ mạ nhé! Mẹ, Péng, Ngăn còn phải đi vào các bản mời thêm người mai đến cấy giúp.
Nói xong, bà Bang ra đi với hai nàng sơn nữ, cháu, con, tuổi đôi tám đẹp như hoa.
Hàm nhìn bóng cả ba người khuất sau con đường làng, chàng trở vào gọi thằng Chừ, thím Păn:
- Chiều rồi, hai người đã đun nước sôi chưa để còn luộc gà, vịt làm cơm thết các bạn nhổ mạ giúp.
- Làm mấy con hở thầy, con chẳng biết mổ con nào nên đợi thầy đấy.
Hàm gọi nó lên và hỏi:
- Sao mày không gọi tao thân mật như mọi người: nghĩa là mày gọi Péng thế nào thời tao cũng như vậy.
Nó ngần ngừ mãi mới trả nhời:
- Người ở cùng một làng với nhau mới dám gọi láo lếu thế. Còn như thầy là người ở phương xa tới đây làm ơn cho làng nứơc, ai lại dám nói thế sợ trái lễ đạo.
Thầy đã dạy dân làng học. Biết bao nhiêu người dốt cũng đã thành người tốt, biết đọc, biết viết, không một ai quên ơn ấy.
Con đi mổ gà vịt rồi thầy đứng bên cạnh nói chuyện nhé. Chúng con sẽ kể chuyện cho thầy nghe nhiều cái hay.
Hàm gật đầu, chàng cũng cần tiếp xúc chuyện trò với nó một buổi xem sao. Thực ra bao nhiêu lần cũng đi làm ruộng, làm nương, hoặc củi nhưng chưa bao giờ được nói chuyện riêng với nó.
Nó vừa vặt lông vịt vừa kể cho Hàm nghe:
- Cái hôm thầy ốm, Ngăn sang đây thăm thầy khóc lóc mãi. Cô ấy bảo chúng con rằng: Nếu mà thầy chết, cô ta sẽ chết mất thôi. Cô ta yêu thầy lắm đây!
Hàm trố mắt như ngạc nhiên:
- Thật à! Chừ biết nhiều chuyện hay đấy nhỉ. Nói cho tao nghe, lát nữa tao sẽ kể cho mày câu chuyện ông Bang nói mầy với tao.
Hôm nay, nó thấy vui vẻ và chính nó cũng không hiểu sao vậy.
Hàm hỏi nó:
- Năm nay Chừ bao nhiêu tuổi rồi. Hôm nọ quan Bang, Péng cũng nói chuyện nhiều về Chừ đấy.
- Gì hở thầy? Thầy nói cho con nghe nhé.
- Hôm qua, trong lúc Péng và tao đang chặt đóm rồi nghe thấy Chừ gọi ăn ngõa. Péng bảo với tao rằng: "Chừ ngoan lắm, rất chịu khó làm việc, ông Bang hứa sẽ cưới vợ, chia ruộng đất cho Chừ làm ăn".
Nét mặt nó vui lên, nó cười và bảo Hàm:
- Cảm ơn thầy nhé. Quan Bang nói thật ư?
- Thật đấy, tao không bao giờ nói sai đâu.
Nó đáp:
- Con sợ thế thôi, chứ bao giờ thầy lại nói sai. Thế con sung sướng quá.
Hàm khuyến khích nó thêm lên:
- Cố làm ăn đi! Nhiều cô cảm Chừ lắm kia ấy.
Nó nhanh nhẹn hơn lên, sau khi làm lòng xong mấy con gà, vịt. Rồi nó bảo Hàm:
- Thày ở nhà bắc chõ xôi lên cho con nhé. Phải hai, ba chõ mới đủ ăn. Con xuống suối mổ gà với chúng nó đây.
- Ừ! Chừ cứ đi xuống suối mổ vịt gà, tôi ở nhà sẽ xôi cơm cho.
Péng và Ngăn đã về nhà, chàng không thấy bà nhạc đâu nên hỏi phủ đầu:
- Mẹ đâu? Péng!
Không để cho chị họ trả nhời, Ngăn đáp:
- Mẹ vợ Hàm còn vào trong khe. Thắm mời ông bà Giáo cựu mai đến ăn cỗ.
Chàng chưa bao giờ được nghe thấy tên ông bà ấy nên hỏi.
- Ông bà Giáo cựu nào?
- Thế Hàm không biết à? Họ sống ở đấy lâu đời lắm rồi. Chồng bà ta cũng là một người Kinh
Péng tiếp ngắt lời em gái:
- Anh đã làm xong chưa ra đây em bảo cái này hay lắm.
Hàm cũng hiểu được ý tưởng của Péng không muốn để chàng và Ngăn nói chuyện, từ lúc về nàng chưa được bắt chuyện với Hàm.
- Hôm nay Péng đi vào các làng mạc mời dân làng đến cấy hộ, người ta cứ hỏi em đến bao giờ mới cưới. Họ khen bữa ăn hỏi hôm nọ to tát lắm.
- Thích quá nhỉ! Chúng ta được mọi người chú ý. Em có thấy vui không?
- Có ạ.
Ngăn gọi:
- Péng và Hàm đâu, ra ngoài này nói chuyện cho vui, ai lại thì thầm như thế! Khách đến chơi cứ quên thôi.
Hàm đáp:
- Người nhà cả, mới dám quên Ngăn đấy thôi. Còn người lạ không dám tiếp thế đâu. Thôi, khách quen hãy nán lòng chờ một chú đã, vì đang mắc dở câu chuyện.
Ngăn chạy vào buồng và hỏi Péng:
- Xôi được rồi, mày ra cho vào cóong đi. Tao muốn nói chuyện với Hàm.
Péng đi ra và đáp:
- Ừ!
Ngăn bảo Hàm:
- Hôm nay anh ở nhà có mệt không? Phải xôi mấy chõ cơm cơ mà. Péng và em cứ bảo nhau ở dọc đường: thầy giáo chiều nay có làm xong bữa cơm cho anh em nhổ mạ ăn đấy không.
- Ngăn nói như Hàm chẳng biết làm đấy. Những buổi đầu thì như vậy thật, nhưng bay giờ đã khác rồi.
Cả hai cùng cười. Ngăn thỏ thẻ nói với người yêu:
Em muốn cho mùa thu chóng tới để anh cưới Péng rồi còn làm lễ ăn hỏi em chứ!
- Vâng, Péng cũng bằng lòng đấy.
- Péng bảo em rồi.
Bọn người nhổ mạ cho ông Bang đã về nhà ăn cơm tối. Péng nhìn thấy bọn họ từ xa nên đã vội bảo nhau:
- Ngăn, Hàm, họ đến nơi rồi! Xong cả chưa?
Chúng minh đi ăn cơm đã để còn tiếp họ chứ. Anh Hàm ở lại ăn sau còn ngồi uống rượu với họ. Nhớ rằng hôm nay có cả các cô, nhất định Hàm bị họ chuốc rượu.
Ngăn nhìn người chồng tương lai rồi bênh vực:
- Nhưng Hàm biết uống rượu rồi cơ mà. Sợ gì nữa, chỉ ngại các cô ấy không đủ sức tiếp thôi.
- Chào thầy.
Mấy chàng thanh niên vẫn là hoc trò Hàm nên bất cứ họ gặp Hàm ở đâu cũng tỏ ra cung kính. Hàm hỏi chuyện họ:
- Các anh có mệt không ?
- Không thầy ạ, có gì đâu, mỗi người nhổ mạ hết sáu bó lạt (300 mạ).
Chúng con đã cho gánh ra ngoài ruộng cả rồi. Mai thầy ra xem, vui lắm nhé. Các cô nhổ mạ hôm nay khen thầy đấy.
- Chiếng sáy (Chào thầy).
- Các em vào ăn cơm.
Đồng thời lúc ấy Péng, Ngăn ra thay mặt tiếp đãi bọn thiếu nữ.
CHƯƠNG 18
Từ sáng tinh mơ, trong khi hai người giáp mặt còn chưa trông thấy nhau thời Ngăn, Péng, Hàm, Chừ, thím Păn và một bọn nam nữ nhổ mạ chiều qua đã có mặt ở ruộng.
Péng bảo Hàm:
- Anh xem phải đẩy mảng chở mạ ra giữa ruộng cho họ cấy đấy. Anh bảo cả máy ông học trò kia nữa nhé, tất cả phải bốn mảng mới đủ được.
Thửa ruộng to nhất làng dành cho ông Bang từ ngà lên chức quan Châu. Nó dài từ phía bắcc cánh đồng giải gần tới phương nam. Người ta bảo rằng đo được chừng hai chục mẫu.
Nó ở vào giữa cánh đồng, hàng năm không cần thả cá giống, tự nhiên cá ở ruộng khác đến ở đây rất nhiều. Phải chăng loài cá cũng biết chọn nơi mát mẻ, rộng lớn ở chăng?
Về cuối tháng sáu, khi tháo khan, nhà ông Bang phải mất rất nhiều công thao thức mấy đêm trường mới tháo cạn nổi. Số cá hàng năm cân được có tới mươi tạ.
Những con cá chép lớn bằng chiếc quạt mo, cá nhỡ, nho nhỏ, cũng tới vài trăm cân và nhỏ nhất bằng bàn tay. Cá béo ngậy mỡ, ăn một con đã thấy chán .
Một cô gái làng gọi Péng:
- Mai kia, thày giáo và mày tha hồ ăn cá ruộng to nhất làng. Thật là mày tốt số vô cùng. Tao chúc cho chúng mày hưởng mãi mãi.
- Cảm ơn! Này gần sáng rồi, mày đã têm giầu xong . có được hai nghìn miếng không? Hoặc mày về nhà tao lấy thêm giầu không ra đây để tao têm vậy.
Cô bạn Péng đứng nhìn đống trầu không to lớn, rồi tần ngần đáp:
- Thôi đủ rồi đấy, tao thấy nhiều lắm rồi.
Bỗng Ngăn gọi Hàm:
- Hàm chổ mảng mạ về phía bắc này. Ở đây chưa có mạ đâu.
Và nàng chợt nghĩ ra, phía bắc hay cạn nước phải trồng lúa nếp "quả vải" nên nàng lại gọi thêm mổt lần nữa:
- Anh Hàm đem quả vải lên đây.
Trong khi ấy Péng cũng gọi Hàm:
- Anh đem mảng mạ "lúa gà gáy" thật tốt xuống xưới này. Ổ đây cần nhiều mạ tốt lắm, ít nhất cao một thước.
Hàm bảo mấy người bạn chở mạ quả vải lên cho Ngăn và chính chàng chổ đến cho Péng.
Péng thấy Hàm, nàng âu yếm bảo:
- Chóng quá anh ạ, mới ngày nào chúng ta còn e thẹn, ôm nay đã gần…
- ...Ngày cưới rồi chứ gì? Sao lúc nào Péng cũng bắt anh cùng nghĩ tối việc ấy hay sao?
Bây giờ em hãy tạm gác nó đã. Trời gần sáng, các cô, các bà ấy ra cấy mà thiếu mạ thì các cô cứ bị mắng như tát nước vào mặt.
Péng nhìn chàng lườm yêu, ngúyt chiều lòng:
- Xong cả rồi anh ạ. Em muốn gọi anh đem lên chỉ là đùa thôi, hoặc đề phòng khi thiếu! Ở đây nhiều lắm rồi.
- Thật là cô mình lăm chuyện.
- À! Ngăn nó gọi anh đem mạ lên trên ấy, anh đã mang chưa?
- Chưa, những anh đã bảo mấy người khác chuyền lên trên ấy rồi. Thôi, em cứ chia mạ nhiều đi, anh lên trên ấy một chút.
- Vâng.
Chàng đẩy chiếc mảng đầy mạ lên phía trên, đồng thời Péng nhìn theo không chớp.
Các cô, các bà ăn mặc rất gọn ghẽ đã tới ruộng cấy. Khi gần tới ruộng lớn, họ gọi cô dâu chú rể:
- Péng đâu, thầy giáo đâu? Đã chia mạ và đầy mảng chuối xong chưa? Năm nay lúa tốt bằng đầu người là ít, xem mạ cũng thấy rồi.
Phải, mùa cưới năm nay của thầy cô, trời phải phù hộ cho lúa tốt để làm cưới to tát chứ!
Một bà già khác nhai trầu xong khề khà tiếp nhời:
- Thầy giáo ơi! Bao giờ cưới vợ nhớ đến mời già nhé! Năm nay già sẽ cấy mạ thật mau để thóc chặt bồ
Quay lại bà ta hỏi Péng:
- Cháu ơi! Mẹ đâu rồi bảo xuống cấy lấy may đi để cho chị em còn cấy chứ! Già chỉ lo hôm nay nắng to quá, cấy không xong thì các cháu tha hồ mà khó nhọc. Bây giờ mỗi người đến cấy giúp chỉ làm hộ vài phút, sau cũng bằng các cháu làm hằng buổi.
Péng vâng lời vừa dứt, bà Bang cũng vừa đến, Péng bảo bà cụ:
- Mẹ cháu tới đây rồi.
Sau lúc bà Bang bước chân xuống ruộng cấy lấy may tất cả đều cấy theo.
Hàng mấy trăm người lố nhố cúi lòm khòm ra tay cấy chẳng mấy lúc thửa ruộng nhỏ dần đi, lúa mỗi lúc một kín ruộng.
Bà Bang mời họ lên bờ ăn giầu, uống nước. Một lát nghỉ ngơi xong, họ lại tiếp tục cấy nốt thửa ruộng lớn và các khu ruộng lân cận.
Trong khi các bà các cô cấy, những chàng thanh niên tung mạ sẵn trên thửa ruộng trống.
Hàm bảo mấy người bạn:
- Hôm nay người đến cấy giúp đông đảo không thể đểm được. Chắc năm nào cũng vui nhỉ.
Một bạn đáp:
- Vụ cấy năm nay vui nhất đấy thày ạ. Có lẽ ai nấy đều mến thầy nên mới đến đông như vậy. Lúc nãy bà Bang bảo rằng có nhiều người chưa kịp mồi họ cũng đến cấy giúp.
Bỗng Péng ở đâu lại, nàng bảo chàng:
- Anh Hàm ơi! Lắm cá quá anh ạ. Ruộng to ấy mà, cá chạy ở chỗ nước sâu lúa vừa cấy nằm dạt xuống với nhau.
Thôi anh về nhà với em đi, chúng mình còn xem họ sửa soạn tiệc tùng chứ!
Chẳng biết thằng Chừ, thím Păn đã mổ xong lợn, gà chưa?
- Em về đi! Anh ở lại đây để xem chứ!
- Không, anh về với Péng đi.
Nể người yêu, Hàm chào mấy người bạn ở lại, rồi cả hai về nhà.
Khi thấy hai người, Chừ gọi:
- Xong rồi thày ạ, bà Bang bảo pha lộn cho vào chão luộc.
- Chừ làm đi. Bảo Péng đi gọt khoai vàng nấu canh nhé.
Tất cả nhà ai nấy đều cuống quýt việc làm, mấy người chuyên ngồi chẻ tăm cho khách ăn.
Péng nấu canh khoai và hôm nay Hàm phải đóng vai chủ bếp.
Ông bà Bang giao cho chàng nấu vài món lạ để dân làng lạ miệng thưởng thức.
Hàng yến miên được đưa ra ngâm nước đợi cuốn lấy những thớ thịt chân giò lợn chiếc xanh lớn.
Péng nói đùa:
- Hôm nay thế nào cũng có nhiều người không biết gắp miến ăn đâu. Họ phải kêu như nó đấy, rồi anh xem. Anh bảo cắt nhỏ ra.
- Ừ. Nếu họ không gắp được, thìa sẽ giúp họ ăn miến một cách dễ dàng. Hôm nay còn lắm món ăn khó gắp đấy. Chẳng hạn món khoai vang hầm với thịt vịt. Anh đố em dùng đũa gắp được?
- Đúng rồi, anh tinh ý nhỉ? Em với anh đi ăn cơm trước đã đói lắm rồi Hàm ạ.
Nàng nói xong, quay lại lấy "cóong" cơm xôi và múc canh, thái thịt sắp ra mâm.
Hàm gọi Chừ, thím Pắn cùng ăn. Chừ bảo Hàm:
- Thày ạ, dạo này thày khỏe lắm rồi. Hôm nào con đưa thày về làng con xem mò tôm. Ở đấy có nhiều tôm lắm thà ạ.
Péng tán đồng:
- Phải đấy, anh ạ! Làng Đỗng ấy mà! Nhất là về mùa cạn, tôm ở đấy lên đẻ rất nhiều. Đêm đêm dân làng vẫn soi đóm đến nơi vợt. Có người được hàng tạ trở lên vào lúc nó lên đẻ nhiều. Dạo này thằng Chừ mến thày giáo nó lắm.
Nó cười và nói:
- Thày giáo người ta mà lại không quý à! Chẳng hạn chồng mày đấy, mày có quý không?
Péng nhìn Hàm và khen Chừ:
- Thằng ấy dạo này dốc tính ra sao ấy? Nói câu nào cũng cứng rắn và sâu sắc mới chết chứ!
Hàm gật đầu, chàng nhớ lại hôm vừa qua, nó được nghe câu chuyện ông Bang hứa sẽ cưới vợ, chia ruộng cho nó nên sự chăm chỉ, làm việc hoặc tinh nhanh càng tăng gấp bội phần.
Nó ăn vội vàng đứng lên rồi quay lại bảo hai người:
- Con đi giải chiếu sắp sửa mâm bát đây. thày nhìn xem họ cấy gần xong hết cả rồi.
Hơn năm chục chiếc chiếu cạp đều giả trên sàn nhà đón mấy trăm khach đến cấy lúa giúp ăn uống.
Trong một lúc, Chừ đã giải xong chiếu, dọn gần trăm cỗ. Nó chạy ra bảo Péng:
- Tao làm xong ngay. Mày xem có nhanh không?
- Giỏi lắm, bao giờ mày cưới vợ thì lại càng nhanh nữa.
Nó quay lại nhìn Péng rồi đáp:
- Bao giờ bữa cưới của mày cũng trước tao rồi. Mày phải bảo rằng: hôm nào tiệc cưới tao, mày phải làm nhanh hơn thế mới đúng.
Dứt lời nó cười hóm hỉnh. Péng bảo:
- Mày lắm trò hay đấy! Thày giáo đi đâu rồi?
- Thày ra ruộng với Ngăn rồi. Lúc nãy thày dặn tao bảo mày trông nhà và cơm nước. Thày ra đồng vì mẹ mày gọi.
- Thày có bảo bao giờ về không? Hay mày trông nhà, tao ra ngoài ấy một lát thôi.
Nó vùng vằng và trêu tức Péng:
- Mày nhớ chồng thế cơ à. Chồng mày vừa ra ngoài đồng đã phải chạy theo ra rồi. Ở nhà lát nữa chồng mày về.
Péng thẹn biết mình nhỡ nhời nên cũng không nhắc lại nữa. Nàng không muốn nó đứng đấy nên sa:
- Chừ ơi! Maỳ ra cho xôi vào cóong đi, không nguội hết rồi. Bảo thím Păn khiêng mấy cóong rượu buộc vào cột nhà đi.
Péng đứng bên lề cửa sổ nhìn xuống ruộng đang cấy dở dang và tự nhủ:
"Chẳng biết bao giờ cho hết mùa hè để lúa trổ bông, cho mùa cưới tới"
Ngày cưới, đối với các cô con gái đã qua thời kỳ lễ ăn hỏi rất lâu. Họ chỉ mong mỏi ngay tháng lứơt qua rất chóng vánh, nhanh như bay để rồi họ cùng với người yêu chung hưởng cụôc đời mà từ khi biết yêu vẫn hằng mong mỏi, ước ao.
Trong óc nàng lúc ấy, chất bao nhiêu hình ảnh đẹp nhỏm dậy.
Nàng nhìn cái nhà mới của vợ chồng nàng bên kia suối rồi nói một mình:
"Trông đẹp đấy, hai vơ chồng ở vừa vặn lắm."
Đã lâu nay ông bà Bang đã sắp sẵn cho hai người ra ở riêng.
Ông bà mua dụng cụ rồi nhờ dân làn dựng hộ ngôi nhà bảy gian, hai trái, cột gỗ thọ, lợp ván thông rất xinh xắn
Xung quanh nhà rào cánh xẻ rất chắc chắn. Phía trước giồng hoa và đằng sau nhà có ba gian nhà phụ để buộc trâu bò và để thóc lúa. Bên cạnh hai trái nhà có hai cây hồng cẩm, hoa mầu đỏ sậm thường nở về mùa xuân, hoa thơm phức.
Nàng nhớ lại hôm nọ vợ chồng nàng đến thăm rồi Hàn bảo nàng:
- Nhà đẹp, người đẹp, cùng nhau chung sống bên dòng suối mơ. Thật là một ước vọng có thể thực hiện được trên miền núi rừng này.
Peng hy vọng rằng mai đây vợ chồng nàng sẽ vui sướng ăn ở với nhau qua một thời trẻ trung tươi đẹp.
Nhìn thấy bọn thợ cấy lên bờ rửâ chân tay, nàng quay vào nhà.
CHƯƠNG 19
Buổi sáng một ngày cuối thu, Péng dậy sớm nhất nhà. Nàng hì hục xôi cơm và nướng lại mấy xếp cá cho những người đi gặt.
Hàm cũng dậy sớm chẳng kém nàng mấy chút. Chàng cũng thích đi gặt với mọi người.
Péng hỏi người yêu :
- Hôm nay anh cùng đi gặt với em nhé, cho nó vui vẻ. Gặt cánh đồng lúa tốt nhất anh tha hồ mà thích. Em bảo cho anh biết trước, các cô ở trong làng khen anh chăm chỉ làm việc lắm. Hôm em đi hái rau với Ngân gặp Tó, Tón và mấy cô bạn gửi nhời em bảo anh thế này: "Có nhời nhắn với thầy giáo, lúa năm nay tốt là nhờ công của thày đấy."
- Anh cũng định đi gặt nên mới dậy sớm đấy chứ! Không hiểu tại sao anh thấy hơi buồn một chút.
Nàng yên lặng cho củi vào bếp rồi mãi sau mới lên tiếng hỏi:
- Anh buồn gì thế? Có thể nói cho em nghe được không ?Hoặc là Ngăn nói điều gì anh không bằng lòng fải không ?
- Không em ạ! Anh thấy nhớ quê hương quá, nhất là cái buồn thu về, anh không sao quên được cánh đồng lúa bát ngát kéo thẳng tới ven sông. Quê anh ở Nam Định xa lắm. Anh có về thì lâu lên một chút. Chùa, đình làng anh đẹp lắm.
Péng tiếp nhời:
- Em biết rồi! Làng Hành Thiện quê của bao người trước đây đã đem bao nhiêu vàng, bạc đổi thóc lúa nhà em đem về xuôi. Họ nói rằng chùa chiền ở đấy đẹp lắm. Làng bao bọc bởi phụ lưu sông Ninh Cơ phải không anh? Những người đàn bà Hành Thiện có một đặc tính riêng sau khi ăn cơm xong cầm đũa chùi miệng.
- Em giỏi quá nhận xét đúng đấy.
Trong lúc ấy Péng vẫn nhìn ánh lửa, nàng ngồi đối diện với Hàm. Qua nét mặt nàng có vẻ buồn, tư lự, mãi sau nàng mới nói:
- Em cũng thấy hơi buồn nếu anh về xuôi. Liệu anh có thể cho em theo về được không?
- Được lắm, một mình em thôi nhé!
Trời đã sáng hẳn, cơm xôi chín tới, cá nướng xong xuôi, các cô thợ gặt cũng vừa kịp tới. Họ gọi Péng từ dưới cổng vọng lên:
- Đi thôi! Trời sáng lắm rồi.
Péng gọi họ lên ăn cơm lót dạ rồi cùng ra đồng. Nàng khoe với cả bọn: hôm nay thấy giáo cũng đi gặt. Rồi nàng bảo họ:
- Cứ lên đây đã.
Có tiếng đáp lại:
- Thì cùng lên nào.
Tó trả lời xong nàng chạy lên nhà, trong lúc ấy cả hai cùng ra cửa đón. Hàm bào:
- Tó, kin khảu cón (Tó ơi ăn cơm đã).
Tất cả mươi người đi gặt lấy còng nhà Péng đều lên nhà ăn uống.
Sau bữa cơm vui vẻ họ gọi nàng và thày giáo đi gặt:
- Péng, sáy, pay. (Péng ơi, thày ơi, đi thôi).
Ra tới đồng Péng bảo Hàm:
- Hái đây, anh tập gặt đi. Anh phải gặt từng bông một rồi tuốt vỏ lúa; cứ hai nắm chặt tay thì anh gọi em lại bó cho thành một "hoa".
Chàng gật đầu làm theo lời người yêu. Phần nhiều lúa mạn ngược là lúa nếp. Họ thường gặt bằng hái nhỏ cả.
Tay phải cầm hái nhỏ, tay trái vơ lúa trong một lúc khá lâu, chàng đã gặt liền được bốn nắm chặt tay, hai hoa lúa rồi mới gọi Péng:
- Péng ơi ! Lại bó hộ nào.
Tó gặt cạnh đó lên tiếng:
- Thôi thầy để đấy noọng buộc cho. Chị Péng ở mãi xa kia kìa. Có lại thì mất nhiều thời giờ.
Đúng ra, đó chỉ là một lẽ, nàng sơn nữ này cũng muốn làm quen với chàng trong những cuộc nói chuyện hoặc được nghe chàng kể những chuyện lạ và hay. Ngăn cùng đi gặt nên cũng có dịp nói đùa:
- Cái người "keo" này gặt nhanh đấy "Noọng" cứ tửơng mới được một hoa, nhìn ra đã thấy gấp đôi rồi. Cố gặt lên nhe!
- Vâng tôi xin nghe theo lời cô sơn nữ sắp đi lấy chồng.
- Ai bảo thày thế?
- người ta chứ còn ai.
Ngăn thẹn đỏ mặt vì Tó trêu thêm:
- Thày ạ, thế mà cô ấy còn nói dối "Noọng" đấy. Nay mai sắp sửa làm vợ lẻ một quan to.
Hàm lắng tai nghe và cũng ngạc nhiên không hiểu sao Tó lại biết chuyện ấy. "Là vợ hai quan to" mà Tó vừa nói đây ám chỉ trực tiếp vào chàng.
Vừa vặn lúc ấy Péng đến chỗ các cô và Hàm đang gặt. Trước khi hỏi chàng, nàng mỉm cười:
- Anh gặt chậm đấy nhé! Chúng em gặt một buổi sớm ít nhất phải được hai mươi bốn hoa. Anh mới được bốn hoa thôi à. Để em gặt đỡ nhé.
Hàm đáp:
- Lúc nãy cô Ngăn khen tôi gật nhanh, bây giờ em lại chê gặt chậm. Thế thi biết nghe lời ai là phải.
Tó xen thêm:
- Thì nghe cả hai người cũng được chớ sao.
Hàm nghe không rõ tưởng rằng cô gái kia bảo chàng lấy hai vợ cũng được, nếu không có Ngăn gọi, nhất định chàng hỏi lại thì buổi nay phải cười vỡ bụng.
- Thày ơi! Có ai lên hỏi thày đấy. Một người mặc quần áo nâu mà trước đây đi với thày.
Ngăn báo tin cho chàng biết. Một hy vọng lớn. Tim chàng đập mạnh. Chàng sung sướng vô hạn. Chú chàng lên chơi thì chàng lại có cớ chinh 1đáng về thăm quê quán. Làng Hành Thiện lúc đó hiện ra trước mắt chàng rõ mồn một. Làng Hành Thiện hình như một ocn cá chép, đầu và đuôi có miếu có chùa. Làng có lũy tre xanh bao bọc. Chỗ kia là nhà chàng không biết rằng cha mẹ anh em còn sống cả hay không ? Tất cả những điều ấy sẽ được trả lời trên môi chú chàng. Chàng chạy vội lại chỗ bóng người quần áo nâu kia rồi hớt hãi gọi lớn từ đằng xa.
- Chú mới lên đấy ạ.
- Vâng! Cháu cũng đi gặt. Độ này chịu khó làm ăn quá nhỉ !
Chàng cảm thấy lời nói kia sao lại hằn học ngay từ buổi đầu và nếu không nhầm thì là mai mỉa. Nhưng chàng cứ đáp lời thản nhiên:
- Thưa chú, hoàn cảnh xã hội tạo nên con người cháu tháo vát, làm lụng.
- Thôi! Chúng ta cùng về cả. Chú sẽ nói chuyện nhà cho cháu hay.
Pếng chạy lại rồi chào người chú họ của chàng, cũng là chú họ tương lại của nàng.
Hàm giới thiệu Péng với chú:
- Đây là con ông Bang, chắc chú chưa quên và cũng là người vợ tương lai của cháu.
Người chú bỗng tái mét mặt đi, trong một lát mới trấn tĩnh được. Ông ta bảo Péng:
- Tôi xin phép cô, chúng tôi về nhà một chút.
Péng chắp tay trịnh trọng thưa lại:
- Thưa ông, để cháu đưa về ạ
Cả ba người đi trên bờ ruộng, không một ai nói năng gì. Mỗi người đều nghĩ riêng.
Péng hơi buồn vì chuyện này Hàm sẽ xa nàng một thời gian, dù chỉ là một ngày cũng dài lắm.
Hàm đang thắc mắc về hành động của chú mình vừa qua. Bao nhiêu câu hỏi quay lộn trong óc: "Có lẽ chú ta lên đây báo tin về nhà lấy vợ. Đúng rồi, khi nghe ta giới thiệu Péng là vợ tương lai, mặt chú tái mét trong một vài phút mới trấn tĩnh lại được. Hay là có việc gì quan trọng xảy ra".
Chú Hàm cũng nghĩ một nẻo. Cái thằng cháu ở trên nay hơn một năm giời, đã chóng quên quê cha đất tổ để rồi yêu con ông chủ. Thật là nó quá nhẫn tâm.
Chẳng biết trong thời gian ấy có bao nhiêu việc quan trong xảy ra từ việc nhà cho đến việc nước.
Gia đình Hàm đã biến chuyển. Bà cụ đã mất đi vì không chịu được nạn đói kém hoành hành.
Khi chú Hàm đem chàng lên miền thượng du để bán lấy một số thóc thì bà cụ đã qua đời. Ông cụ phều phào hết hơi vì đã đói lâu ngày:
- B…à…nó…ch…ết rồi.
Sẵn gạo chú Hàm thổi nấu cho ông cụ ăn nhưng rồi chẳng hiểu ra sao được một ít lâu, ông cụ lăn ra chết. Và trong lúc ấy làng nước còn sót lại cũng bị chết một phần đông. Người ta bảo nhau là "chết no".
Hai chị gái chàng bị một số lính ở phủ về bắt đem đi đâu mất.
Mãi về sau này, có người làng cho biết tin: chúng hành hạ bằng trò dã man, bắt hai chị em chàng làm vợ toàn đội.
Bốn cái làng trong một lúc, gia đình chàng còn đứa em giai lên sáu tuổi sống sót.
Việc nước, quân Nhật đã đầu hành Đồng Minh nên chàng có thể trở về nhà nhận lấy số ruộng của cha mẹ để lại.
Chú Hàm suy nghĩ mãi có nên để cho cháu biết những tin đó không?
Suốt được đường, chú chàng luôn luôn tìm điều lợi hại.
- Đến nhà rồi chú ạ. Kia là bà mẹ tương lai của cháu đấy.
Chú Hàm chào bạ cụ rất kính cẩn và thưa:
- Chúng cháu ở dưới quê lên thăm cháu nó. Được nó cho biết ơn hai cụ rất nhiều.
Bà Bang ngắt lời và bảo Péng :
- Con nói thạo mời ông lên nhà chơi.
Sau khi mời chú người vào sập, Hàm lắng tai nghe kể chuyện tình hình quê nhà.
Péng ngồi ở ngoài bếp lắng tai nghe, đôi khi cũng không thông câu chuyện, nàng cũng đoán được qua nét mặt hơi buồn của người chồng tương lai. Mỗi lúc ông chủ gằn giọng nói, Hàm xót như bụng quặn đau. Chàng cố mím môi lại để nén chịu. Nếu không phải là chàng trai sắt đá, buổi nay đã phải chảy máu mắt.
Bố chết, mẹ chết, hai chị chết, gia đình chết, chỉ còn một người em và ta đang chết dở.
Chàng mơ tưởng lại quê chàng, êm đẹp biết là bao! Con sông bao bọc quanh làng, có miếu đẹp, chùa cổ kính. Nhưng còn để mà làm gì? Nếu chùa bỏ hoang, ruộng đã chôn bao xác người, sông đã uống bao nhiêu máu, miếu đã mất bả đồng và nhà cửa đã bốc mùi xú uế, cỏ mọc xanh um.
Và cái tang đau đớn nhất cho riêng chàng là gia đình đã gần tiệt nọc.
Péng đem ấm nước ra pha chè. Đồng thời lợi dụng nhìn sắc mặt hai chú cháu. Nét mặt của hai người tiêu biểu cho bao dân chúng Thái Bình, Nam Định đã khổ ải vì nạn đói vừa qua. Péng đoán như vậy. Nét mặt họ đầy những uất ức.
Péng không dám hỏi ngay vì sợ chỉ gây cho Hàm nỗi đau đớn xót xa. Nàng nghĩ một mình:
Thôi cứ để cho vết thương ấy dịu đã rồi hãy xoa thuốc thì mới đỡ đau. Nếu khơi ra bây giờ chỉ thêm chảy nhiều máu.
Nàng ra ngoài hiên giả vờ giã cối gạo, mặc cho hai chú cháu tự do đàm luận.
Bà Bang đi vào vừa tới cửa, nàng níu áo lại van nài:
- Mẹ đừng vào vội, để cho anh con nói chuyện tự nhiên. Anh con đang buồn bã vì không biết hai chú cháu nói chuyện gì đó. Con chỉ hiểu hình như gia đình anh con tan nát.
Nói xong nàng gục đầu xuống cối. Bà mẹ chẳng hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao.
CHƯƠNG 20
Đêm ấy, hai chú cháu Hàm đi ngủ sớm hơn tất cả nhà. Bà Bang đợi cho cả nhà đi ngủ rồi gọi con ra chỗ vắng hỏi:
- Péng, tại sao lúc nãy con khóc có việc gì cho bố mẹ biết để còn liệu chứ!
Hai mắt Péng đỏ ngầu, nàng thưa:
- Người nhà anh con bị hại gần hết, bố, mẹ, hai chị đều qua đời.
- Thôi, biết làm sao được khi việc ấy đã xảy ra rồi. Bây giờ mày nghĩ thế nào?
Nàng khẽ đáp:
- Con bối rối nên chưa nghĩ ra sao cả. Đợi anh con nói chuyện đã.
Thấy con mình buồn cũng không muốn hỏi gạn và nếu có khuyên nhủ nàng lại càng khóc to. Ba đành đi ngủ. Còn Péng thao thức khóc ậm ực trong chăn.
Vào khoảng nửa đêm, đoán như vậy, khi sương muối đã làm chủ nơi rừng rú phủ kín khắp nơi nơi. Tất cả mọi vật đều im hơi lặng tiếng thì có tiếng động ở ngoài nhà và bóng đen thẳng tiến vào chỗ nàng ngủ.
Bóng đến gần, nàng nhận rõ được người yêu nên nàng chạy ra. Cả hai cùng ra ngoài hiên.
Péng vẫn khóc. Hàm dỗ mãi nàng mới chịu nín, chàng gặn hỏi:
- Sao em lại khóc? Anh buồn lắm! Việc của anh đáng để cho anh khóc, nhưng nào anh có mất một giọt nước mắt nào đâu? Anh biết tình em đối với anh ra sao rồi; qua những ngày ở lại đây. Đừng khóc nữa anh mới kể truyện cho nghe.
Nàng ngước mắt nhìn chàng nhờ ánh trăng hạ tuần lờ mờ chiếu xuống.
- Vâng.
- Quê anh tan nát rồi, còn đâu nữa! Bố mẹ, hai chị anh đã chết! Thế là hết! Còn anh và đứa em dại, anh sẽ làm gì để gây lại cơ đồ?
Nàng nghẹn ngào chửi rủa:
- Chỉ vì quân phiệt Nhật ác tâm phá hại dân ta.
- Anh sẽ về quê ngay sáng mai.
- Anh đi sửa soạn đi. Em không dám giữ anh vì chẳng nỡ nào ngăn cản một việc vô lý thế! Em vẫn nhớ anh và yêu mãi mãi.
Tiệc cưới hôm nọ chứng tỏ em đã là bạn của anh.
Nàng nói xong bưng mặt khóc.
- Em khóc làm gì! Để anh thêm xót, phải chăng em phản đối anh gián tiếp việc về quê.
Anh quyết phải đi; trước khi quay lại đây cùng em hưởng ngày cưới đẹp đẽ. Khi đã cưới, ta trở về quê anh sống cuộc đời thôn dã.
- Em chỉ sợ rằng người ta cười em thôi.
- Không đâu! Anh chẳng còn bố mẹ chồng, anh chị em chi hết, trừ chú bé em út. Chúng ta sẽ được tự do hơn nhiều.
Mắt nàng sáng hơn lên, cầm khăn lau nước mắt; ròi lặng thinh nghe chồng kể truyện. Nhưng bỗng nàng ngắt quãng và bảo chàng:
- Em vào báo tin cho mẹ biết đã!
- Khoan! Để anh còn nghỉ lại xem sao? Bố vắng nhà chưa về.
Rồi chàng suy luận trong một lát, chàng quyết định đợi ông Bang về đã trước khi xuôi. Hàm bảo người sơn nữ:
- Chậm một phút nữa, anh đã làm một việc thiếu suy xét. Phải đợi bố về hãy hay.
- Phải đấy.
Cả hai quay vào nhà, trong khi ấy gà gáy đổ hồi.
CHƯƠNG 21
Hai hôm sau, khi chú Hàm đến đây, ông Bang ở nghĩa lộ về nhà. Vừa kịp tới suối khe Dung, một khe nước trong, mát lạnh uốn quanh Bản Bắc, thì con gái ông đã ra đón vừa dắt tay bố vừa kể chuyện chồng nàng sắp phải xuôi. Nàng đem những lý do mà đã được Hàm kể lại trình bày cho ông Bang hay. Bố nàng cũng buồn lây và bảo con:
- Phải để cho anh ấy về chứ! Bố mẹ, chị, gia đình người ta chết gần hết xót lắm! Sao mày không bảo anh về sớm đợi bố làm gì?
Nàng nũng nịu đáp:
- Nhưng anh ấy bảo đợi bố về.
Hai bố con lững thững trèo dốc, theo sau là tên lính dõng dắt ngựa.
Sau khi gặp chú Hàm và được nghe thông câu chuyện gia đình con rễ tương lai, ông bà Bang đều cảm động hết sức:
- Ông ạ, cháu nó có hiếu với bố mẹ đẻ thì rồi cái hiếu ấy mới đến chúng tôi sau.
Chú Hàm nghe câu nói đanh thép của ông Bang với niềm cảm phục lòng tốt của hai ông bà.
Vài chục ngựa trong làng sửa soạn ở dưới suối để tiễn chú cháu Hàm về quê. Dân làng bỏ hẳn một công để đưa người con rể quan Bang về quê thăm nhà.
Bộ mặt vui vẻ của buổi ăn hỏi ngày nào đã biến theo thời gian và giờ này đổi thành ủ rũ, u buồn và cảm động đến khóc mếu.
Qua dốc Bản Phưa, nơi gianh giới Làng Bửu (1) với lang Chấn Thịnh, họ quay về sau những câu chào tha thiết, cảm động, nhớ tiếc:
- Chiếng sáy pay đui Mướng keo!
Péng bảo chàng:
- Anh xem người ta “chào anh về đất kinh” có quyến luyến không?
Chàng gật đầu và lặng nhìn bọn họ. Trong lúc ấy chàng thấy Tón, Tó, Ngăn và bà chánh cơm nắm, cơm gói đưa chàng ra bến đò Vân Hội.
Khi đến đây, bà bảo con gái, cô Ngăn:
- Có lẽ anh mày về chuyến này lâu đấy. Péng chẳng nói rằng nhà cửa anh ấy tan nát hết là gì? Sao mày cứ khóc mãi; nó đi thì nó lại về. Nếu một khi lâu về mày cũng chung một nỗi buồn như nó, có phải một mình mày chịu đâu?
Hai cô bạn đi bên Ngăn hết sức khuyên; nhưng Ngăn không thể ngăn nổi nước mắt tiễn biệt nhớ nhung.
Péng và thím Păn, thằng Chừ tiễn Hàm và chú chàng xa nhất! ga Đoan Thượng, nơi con tàu hỏa sẽ đưa chàng về chốn xa miền rừng núi.
Qua buổi chiều ở lại để rồi xa nhau, Hàm và Péng rủ nhau ra phố chợ chơi bời và tâm sự.
Đôi vợ chồng trẻ dẫn nhau qua chợ Đoan Thượng chỉ là một vật kỳ lạ cho những người ở đấy bình phẩm:
- Hai anh chị “lai” đẹp đôi đấy chứ. Trông thằng chồng có vẻ học thức đấy, nhưng tại sao nó lại rước cô vợ Thái về xuôi.
Péng bảo chàng:
- Người ta đang nói chúng mình đấy.
- Mặc họ. Việc mình mình làm, anh không quan tâm đến những lời bình phẩm đó.
Péng nghe chàng và đề cập đến chuyện xảy đến:
- Anh ạ, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ nữa anh và em sẽ phải xa nhau nhiều quá.
Nói đến đây nàng lại sụt sùi khóc lóc. Nàng lại hỏi người yêu:
- Thế bao giờ anh lên đón em?
- Anh sẽ lên đón em một ngày rất gần đây, chỉ ngoài tết ra thôi em ạ. Bây giờ đã đầu mùa đông rồi.
- Lâu quá, một ngày em còn thấy dài huống chi ba tháng.
- Thôi em chịu khó vậy. Em anh có thể chịu đựng được mọi việc gai góc to lớn hơn nhiều, huống chi việc nhỏ mọn này.
- Quê anh có đẹp không? Có giống Bản Bắc chúng ta một điểm nào không?
- Có phụ lưu sông Ninh Cơ chạy quanh làng chẳng khác gì suối khe Dung chạy quanh làng.
- Thế thì vui đấy nhỉ. Anh nhớ chóng lên đón em. Tình của chúng ta có trời đất núi sông chứng nhận đấy nhé.
Hàm nhìn đồng hồ, sắp đến chuyến tàu 8 giờ đêm, chàng bảo Péng:
- Thôi, anh sắp phải ra ga chờ tàu rồi. Chúng ta về nhà rủ chú cùng đi một thể và cũng là một dịp cho thím Păn và Chừ được ngắm xe hỏa.
Péng gật đầu tán thành ý kiến của chồng; cả hai rảo bước trên con đường quay về nhà trọ.
Đợi mãi con tàu xuôi, Hàm bảo nàng:
- Hôm nay tàu về muộn quá em ạ.
Tâm trạng Hàm muốn xuôi nên trong một phút chậm lại chàng cũng thấy nóng lòng sốt ruột.
Còn Péng, nàng ưa thời gian quay lại một quãng xa về quá khứ để nàng có dịp lâu với chàng.
Hai thái cực, hai ý tưởng đồng dị, Péng giả nhời.
- Em lại sợ tàu về sớm vì nó sẽ mang anh đi; nghĩa là em phải lẻ loi cô độc.
Chàng cố tìm một câu an ủi để người vợ tương lai của chàng tin tưởng. Bỗng chàng vui hẳn lên, trong lòng hứng khởi nói thao thao bất tuyệt:
- Em ạ, nếu chúng ta cứ gần với nhau mãi; e rằng không sung sướng bằng xa nhau trong một thời gian lại gặp.
Em thử tưởng tượng đợi ngày anh trở lại có vui biết bao nhiêu! Khoảng thời gian xa cách, em nhớ đến anh, em tin tưởng hy vọng khi anh lên cũng như anh tin ngày gặp em; như vậy cả hai đều hy vọng.
Người ta phải sống về hy vọng; có hy vọng người ta mới ham sống. Riêng anh, xa em trong lòng anh mong mỏi ngày về Bản Bắc để đặt chân trước tiên lên suôid khe Dung, nước trong xanh; quay lại nhà em bao niềm vui sướng. Em và anh lại được cùng nhau ngồi bên nương sắn hưởng ngày cưới tươi đẹp dưới ánh trăng rừng. Anh chỉ lấy một vợ, người ấy là em.
Hy vọng ấy sẽ giúp cả hai chúng ta. Cười lên nào!
Con tàu vừa rú còi tới ga Đoan Thượng. Người xếp ga chạy ra cầm chiếc cờ đỏ vẫy. Con tàu rú một hồi còi cuối cùng rối dừng lại trước ga.
Hành khách tranh nhau xuống lên đông đúc, tấp nập, nhộn nhịp.
Hàm theo chú bước lên toa tàu hạng nhất, phía sau một người sơn nữ nhìn không chớp mắt. Nàng muốn rằng con tàu cứ đỗ mãi cho nàng nhìn mãi người yêu.
Thím Păn và thằng Chừ đập tay vào người nàng để hỏi:
- Thầy giáo ngồi ở chỗ kia đẹp quá! Tay vịn ra ngoài hay đấy nhỉ.
Nàng hất tay nó xuống không nói năng câu nào.
Ngu đần như nó, khi ấy cũng biết chủ đang buồn bã.
Mười phút sau, con tàu rú mạnh lần cuối rồi chuyển bánh trong khi ấy nước mắt người sơn nữ đua nhau chảy ướt đầm chiếc khăn tay.
Nàng nấc lên những tiếng nghẹn ngào và nhìn con tàu khuất dần vào con đường xa vút.
Chiếc khăn ướt vẫn phe phẩy dưới bầu không khí đen tối như cố gọi kẻ gục đầu trên toa tàu quay lại.
Thím Păn bảo nàng:
- Tối rồi, mưa đấy, chúng ta về nhà trọ ngủ kẻo khuya rồi!
Péng xúc động mạnh quá, nàng nấc mạnh khiến hai người nhà tưởng bị cảm gió đêm mưa.
CHƯƠNG 22
Về đến làng Hành Thiện, quê Hàm, chàng thấy đã thay đổi rất nhiều.
Những bờ tre bên xóm đã xơ xác cụt ngọn, lá úa vàng và ngã đổ gục lên những mái nhà vắng người.
Ruộng lúa mọc đầy cỏ gà xanh um, tươi tốt ngập đầu người như rừng cỏ.
Hàm bảo chú chàng:
- Cỏ gà xanh nhờ thây người chết đó chú ạ! Xương thịt của con người còn thứ phân bón nào hơn!
- Ừ, có lẽ như thế.
Hai chú cháu vẫn mạnh bước trên con đường làng lát gạch quanh co.
Bỗng nhiên, Hàm hỏi chú:
- Nhà của cháu chú làm rồi à!
- Ừ, nếu không thì bấy giờ cháu về chỉ còn đống gạch vụn và vườn hoang. Chú đưa thím đến ở cho vui.
Thằng Hoàn dạo này gầy đi nhiều, nó luôn hỏi anh nó đâu?
- Lúc cháu đi nó mới lên bốn.
- Phải.
Vừa đến cổng, đàn con chú họ Hàm chạy ra hỏi:
- Bố! quà của con đâu?
Khi nhìn thấy người lạ, nó không nhận được anh Hàm nên cả thẹn chạy nép vào sau cổng; quên cả vòi vĩnh bố con về!
Gần đấy, có một đứa trẻ lên năm, sáu; mặt mũi nhem nhuốc đứng một chỗ mặt buồn thiu lẳng lặng nhìn các anh có bố!
Hàm trông thấy em mình, chàng gọi:
- Hoàn!
- Dạ
Nó chạy ra và mãi cũng chưa nhận được, chú Hàm bảo:
- Anh Hàm mày kia kìa. Tao đi đón tận miền thượng du, rừng xanh núi đỏ về đấy.
Nó chạy ra nắm lấy tay và tất cả những đứa bé khác thấy thế nên bạo dạn hơn.
CHƯƠNG 23
Chẳng được mấy chốc ở nhà, hôm nay đã hết ba tháng trời đông và qua một cái Tết ở quê.
Trời về mùa xuân ấm áp, chim, loài vật đều có đôi xây dựng tổ ấm. Chàng bảo chú :
- Cháu sắp phải lên trên ấy kẻo vợ cháu mong.
Chú Hàm không bằng lòng và nhất là thím càng muốn cho cháu ở nhà để làm mối cho cái Thôn, cháu gái bà vợ.
- Anh Hàm ở nhà còn phải lên rừng thiên, núi đỏ làm gì cho khổ thân. Người ta mong về xuôi chẳng được, mình lại chạy lên.
Anh muốn lấy vợ, cái Thôn bên cạnh xinh bằng Trời ấy! Anh này lên rừng sinh ra mê gái Thổ Mán. Chắc nó cho ăn bùa mê rồi.
Quay sang bên chồng, bà vợ nói thêm :
- Nhà trông con vợ anh ấy có xinh không mà thích lên rừng ?
- Xấu chứ đẹp gì ? Bằng sao được cái Thôn.
Hàm vẫn im lặng suy nghĩ tới người vợ tương lai của chàng trên núi rừng thượng du ; thì bà thím tưởng cháu nghe lời mình nên thuyết phục thêm :
- Sảy cha còn chú, anh nên nghe chú anh mới được. Anh phải hiểu rằng trong gia đình còn ai nữa. Hơn nữa anh là con trưởng và em Hoàn còn bé bỏng.
Anh phải gây dựng cho chính phân anh và cho nó nữa chứ ! Anh lên trên ấy thì có khổ cho thằng bé không ?
Hàm không muốn làm cho chú thím thất vọng, nên chàng lầm lừ chạy ra ngoài đồng rong chơi.
Hoàn chạy theo anh và bảo :
- Bố chết, mẹ chết, hai chị Dung và Quế cũng chết. Bây giờ anh đi đâu nữa!.

Nhìn đứa em thơ dại sáu tuổi đầu chít bốn cái tang lớn và chịu bao nhiêu nỗi đắng cay của thời loạn.
Chàng thương em khôn cùng, Hàm cuối xuống nhất bổng em và bảo :
- Em tôi đen đúa quá, ít lâu nữa anh đón chị dâu người Thái về, em sẽ được săn sóc chu đáo hơn.
CHƯƠNG 24
Mấy ngày liền mưa tầm tã, không ngớt. Hàm nhìn lên trời phải kêu lên:
- Ông trời gớm quá! Lúc người ta định đi thì mưa như trút. Biết bao giờ để sang đò mới ngược?
Trong khi ấy, chú chàng chạy ở đồng về hổn hển bảo cháu:
- Quân đội Tàu tràn sang đây làm gì mà đông ghê phát rợn người lên! Chúng đóng ở trên phủ cháu ạ. Thanh niên như cháu mà lảng vảng qua đấy chỉ phải gò lưng khiêng đồ đạc.
Và rồi chiến tranh tiếp diễn khắp nơi nơi, con đường lên Bản Bắc bị mắc nghẽn.
Hàm nhìn sông Ninh Cơ tự nhủ lòng:
- Con sông Ninh Cơ hình như chảy ngược mang mối tình trong trắng ấy quay về với miền Việt Bắc.

1/1//2001
Đái Đức Tuấn
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...