Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Hồ Xuân Đà: Những cơn bão

Truyện ngắn Hồ Xuân
Đà: Những cơn bão

1. Đã rất lâu rồi, Trang không buồn cầm đến cuốn sách, bởi cứ mỗi lần lật trang sách tới lui là cảm giác buồn ngủ lại nhanh đến, lại ngủ say, ngủ ngon, mới thật là điều lạ, điều mà từ trước đến nay Trang không nghĩ rằng mình có thể là người đối xử với sách như vậy, dù trong nhà tài sản quý nhất của Trang chỉ có thể là sách. Các kệ sách từ phòng khách đến nhà bếp, vào tận phòng ngủ. Mùi sách luôn hiện diện xung quanh Trang, có lẽ vậy mà nó thành mùi nghiện. Vậy mà, ngay khi Trang không muốn mình ngủ gật như thế, thì giấc ngủ lại càng nhanh đến.
Trang thầm nghĩ, phải chăng việc đọc của Trang đã tới mức bão hòa, nghĩa là Trang không còn cảm thấy trang sách cuốn hút, cũng như những cảm xúc day dứt, đan xen hạnh phúc khi sống  trong từng trang sách. Tất cả những dư vị đó, giờ  chỉ khiến Trang cảm thấy giáo điều, lý thuyết. Phải chăng “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mới mãi mãi xanh tươi”, một câu nói mà Trang đã đọc, đã nghe đâu đó, nhưng không còn nhớ tên tác giả, chỉ nhớ mỗi điều người đó là một nhà thơ nước ngoài.  Trang muốn đọc cái gì đó như trong thực tế của cuộc sống, như là những va vấp mà Trang từng đi qua, câu chuyện đời rất đời của ai đó.  Đúng là, tại suy nghĩ của mỗi người viết mỗi khác nhau, hay là tại cuộc đời của Trang gai góc quá, huyễn hoặc quá, nên Trang cảm thấy những dòng yêu thương, những miêu tả cảnh vật, xúc cảm dạy con người sống chan hòa, buông bỏ sao mà dễ dàng quá. Như mới hôm qua, Trang muốn buông bỏ một công việc đang tới hồi chán ngắt, hay bỏ một cuộc tình đầy chất tầm gửi, mà sao thật sự rất khó khăn. Trang sách của cuộc sống mỗi ngày nó hấp dẫn Trang nhiều hơn. Mọi thứ như những thử thách mà Trang phải vượt qua, hôm nay, hay hôm qua, Trang đã làm được một chuyện người ta cho rằng đơn giản, nhưng Trang cảm thấy thật sự vĩ đại, với bản thân mình. Đó là vượt qua hoàn cảnh trớ ttrê, thương cảm  của gia đình mình.
Trang thắng rồi! Không hề còn sợ hãi! Chẳng còn gì hơn, khi con người ta sống và tồn tại được trong cái cuộc đời dường như bế tắc. Và khi đó, tồn tại được, còn thở được, còn nói được, là vĩ đại lắm rồi. Còn những bước đi kế tiếp, ngày mai ta sẽ biết…
Nhà văn Hồ Xuân Đà
2. Đó là ngày Trang đến bệnh viện, để đăng ký khám bệnh ở khoa tâm lý. Điều mà bạn bè Trang cho rằng hiếm khi xảy ra với một con người bình thường, hoặc một con người bình thường mà để xảy ra điều này thì thật sự tồi tệ. Một cô giáo không thể đứng trên bục giảng với căn bệnh như thế này. Trang sợ lắm, khi mỗi ngày Trang biết rằng mình bệnh, cái cảm giác bệnh mà không dám nói, không dám đến bệnh viện, nó mới thật sự tồi tệ. Trang không ngủ được, cảm giác đó, kéo dài hàng đêm. Trang ngồi một mình trong bóng đêm, Trang vò đầu bứt tóc, rồi thở dài đi ra đi vào, rồi lại nghĩ đến những chuyện ở cơ quan, những chuyện hàng xóm, chuyện gia đình, chuyện con cái.
Trong bóng đêm, máy lạnh chạy đều, với nhiệt độ ổn định, mà Trang lại nóng bức, mồ hôi vả ra, nhịp tim thật bất thường, có một nhịp nào đó rất lạc nhịp. Rồi Trang nghĩ đến những cái chết, bạn bè, người thân của Trang, họ bị ám ảnh rất nhiều căn bệnh: ung thư, đột quỵ, tai nạn giao thông…
Nhìn những hành lang chật kín bệnh nhân, những người có tuổi, những người trẻ, có cả những em bé đang ngồi chờ đợi những dãy số dài khám bệnh. Trang nghe đau, nghe sợ. Sự ám ảnh vây quanh. Bao nhiêu cảm xúc tiêu cực cứ thế bủa vây Trang. Khó thở quá. Ngột ngạt quá.
Bước vào phòng khám, Trang chào bác sĩ, và im lặng chờ đợi những câu hỏi. Một vị bác sĩ già mang kính, nhìn Trang rồi cười:
– Trông cô vẫn ổn đấy chứ!
– Vâng, cháu vẫn ổn.
– Thế sao lại đến đây?
– Bên ngoài ổn, nhưng bên trong có vấn đề bác sĩ ạ.
– Cô làm nghề gì?
– Giáo viên.
– Dạy môn gì?
– Môn Văn.
– Vậy sao cô không tự chữa cho mình bằng việc đọc của công việc của một người được tiếp xúc với rất nhiều sách.
– Không thể Bác sĩ ạ.
– Vì sao?
– Vì cứ cầm tới sách thì cháu buồn ngủ.
– Vậy cô thường chọn sách gì?
– Sách tích cực, sách dạy điều hay lẽ phải.
– Vậy tôi hỏi cô, trên đời này có lẽ phải không?
– Có chứ, nếu không có thì xã hội này liệu có tồn tại.
– Cô biết thế, vậy tại sao cô cần đến bác sĩ tâm lý.
– Bởi cháu dần không tin có lẽ phải.
– Tôi chắc chắn  là cô gặp vấn đề gì đó, bất công và bất hạnh với cô.
– Vâng.
Trang yên lặng… Cô khóc.
– Triệu chứng sức khỏe như thế nào, để cô có động lực tìm đến đây?
– Tim đập nhanh, có lúc khó thở, xen lẫn mất ngủ, luôn lo sợ, và nhìn đâu cũng là những điều luôn tồi tệ, như có ai đó đang theo dõi mình, muốn ám hại mình.
– Vậy cô đang biết mình bệnh. Tôi sẽ cho cô làm kiểm tra thêm một số xét nhiệm, làm vài phương pháp chiếu chụp để cô yên tâm hơn nhé.
– Vâng ạ.
Sau một buổi làm các kiểm tra siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm men gan, mỡ máu… Cuối cùng Trang ra về với kết quả là bệnh rối loạn lo âu, giai đoạn trầm cả không xác định.
Vị bác sĩ già trước khi ký tên trả toa thuốc cho Trang còn nói thêm, “ Muốn không buồn ngủ khi đọc sách, có lẽ cô nên cần những tác giả viết về sự thật cuộc sống, hơn là những tác phẩm ngợi ca, và chỉ nói về màu hồng, trong khi cuộc đời này còn có rất nhiều màu khác”.
– Cô chào vị bác sĩ ra về trong trạng thái an tâm, với toa thuốc là các loại vitamin.
Vậy là Trang đã vượt qua một cơn bão do chính mình tạo ra. Khi có một vị bác sĩ già hiểu mình. Trang nghĩ, sao mình không tìm đến bác sĩ tâm lý sớm hơn…
3. Họ ra đi, ngay khi bản thân chưa hiểu hết cuộc đời, như mới ngày hôm qua đó thôi, Trang nghe điện thoại cô bạn gọi rủ đi viếng lớp trưởng hồi học đại học, vừa nhập viện Chợ Rẫy do bị tai nạn giao thông, chấn thương đầu nghiêm trọng. Để rồi, suốt quãng đường đi về Trang không thể nào cầm tay lái, cũng không thể nhìn ngắm dòng người qua lại trên đường. Biết đâu, tự dưng trong số những người đang cố lướt qua trước mặt Trang, sẽ chết.
Một tai nạn nào đó sẽ xảy ra với mình- với người. Trong trạng thái tâm lý của Trang hình như có một cơn bão vùa đi ngang qua, hoặc là đang hoành hành đầu óc Trang. Mệt không thở nổi. Trang nói:
– Hay là dừng xe đi Hạnh, mình cần uống chút nước.
– Nhưng mình vừa uống lúc ra bãi xe cơ mà!
– Vâng, vừa uống ở bãi xe.
– Mình hiểu rồi. Trang cảm thấy mệt, đúng không?
– Hình như mình không thể nhìn các dòng xe cứ chạy qua chạy lại trước mắt mình. Một sự chật hẹp khó tả, và hình như sắp có điều gì đó xảy ra.
– Trang bị ám ảnh chuyện của Đông Nguyên rồi. Cậu ấy sẽ khỏe lại. Sẽ khỏe nhanh thôi.
– Nhưng mình không thể tưởng tượng, mới hôm qua Đông Nguyên còn gọi mình đi họp lớp.
– Ừ… Mới đó, mà giờ nằm bất động.
– Ừ… Mình không thể chấp nhận được
– Nhưng ít ra Trang hãy nên nghĩ những điều lạc quan, tích cực, sẽ khiến tâm trạng của chúng ta tốt hơn.
– Thì cũng đang cố gắng đây…
– Uống chút vitamin C nhé, cam vắt của bạn nè.
– Vâng, mình hy vọng nó sẽ làm cho mình khá hơn.
4. Cả tháng nay, Trang đi đâu cũng nghe người ta nói về miền Trung, bão chồng bão, lũ chồng lũ, những con người nơi xứ sở ấy đang gồng mình lên để sống chung với bão. Chỉ nhìn thôi, mà căn bệnh sợ hãi của Trang đã quay về. Cuộc sống con người một gần tròn một năm sống chung với dịch bệnh covid19, giờ lại thêm những cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên. Làm sao đây, mỗi khi Trang nghĩ đến thôi, đã thấy tim mình hồi hộp, những nhịp tim loạn xạ, nhào lộn vào nhau những trạng thái lo âu, bất an. Dịch bệnh, khắc nghiệt của thời tiết, cuộc sống không dễ dàng với bất kỳ ai. Nhất là đối với Trang, mọi thứ rất đáng lo. Trang không thể điều khiển nỗi sợ hãi của chính bản thân mình.
Hàng ngày lên mạng xã hội, người ta kêu gọi nhau hướng về miền Trung, người ta quyên góp tiền, hàng cứu trợ, để cùng chung tay hướng tới chia sẻ khó khăn, tương trợ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách. Nhớ tới lời của vị bác sĩ già, Trang nghĩ ngay đến những cơn bão. Cuộc đời con người tự bản thân chúng ta đều tự gánh những cơn bão đi qua đời mình. Cứ nhìn những cơn bão trong tự nhiên đi qua, để thấy rằng sức mạnh của con người cũng thật vô biên, khi họ sẵn sàng đối diện với những hiểm nguy của cuộc sống, những khắc nghiệt của thời tiết với vùng đất luôn gánh chịu với những cơn bão, đã làm cho con người trên dãi đất ấy, mạnh mẽ hơn, kiên nhẫn hơn, nương tựa vào nhau hơn, nên khúc ruột ấy đã làm nên những người con có ý chí, có tấm lòng thương người như thể thương thân. Những cơn bão với cách nhìn bao dung hơn, tích cực hơn, thì nó như những màu sắc của cuộc sống, màu nào cũng đẹp, nếu chúng ta biết rằng đôi khi,  tuyệt vọng cũng là bông hoa đẹp nhất. Bởi trong những lúc đó tình người lại nở rộ.
Những cơn bão ở miền Trung sẽ qua nhanh thôi, những cơn bão trong lòng trang cũng sẽ yên lặng rồi lành lặn trở lại, bởi trong những đoàn thiện nguyện đó, có Trang, cô gái luôn đi theo bên mình những cuốn sách dày, và không còn ngủ gật khi cầm lên nó nữa. Bởi trong những cuốn sách, không chỉ có màu hồng mà có rất nhiều màu pha trộn gia vị nước mắt. Nó làm trang xúc động, và không hề nhàm chán. Trong cuộc đời nào cũng vậy có đau khổ mới có hạnh phúc. Cũng như thời tiết mà mẹ thiên nhiên tạo ra, trong bão lũ bao khó khăn chồng lên màu ảm đạm, nhưng cũng đầy ắp tình người, khi lo lắng, đau đáu cho nhau, chở che đùm bọc, khi con người thật sự là người hơn.
À. Trang nhớ ra rồi, ngày Trang chào đời bằng tiếng khóc đó thôi! Rồi sau những bước lẫy trườn, chập chững, bước những bước đi đầu đời, có khóc rồi có cười. Có đau khổ rồi sẽ được hạnh phúc. Đau nhiều hay đau ít thì cũng nên mỉm cười mà bước qua. Dẫu thế nào đi chăng nữa, thì cuộc sống này vẫn đáng sống. Mùi vị nào cũng sẽ góp phần làm nên bức tranh hài hòa sống động hơn. Trang thôi không còn cảm giác sợ hãi nữa. Bởi dù thế nào, Trang sẽ bình thản đón nhận tất cả. Đón nhận niềm đau như cách đón đợi những niềm vui.
9/4/2021
Hồ Xuân Đà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...