Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Nha Trang dấu chân kỷ niệm 2

Nha Trang dấu chân kỷ niệm 2

CHƯƠNG 12
Bốn người may mắn đón được chiếc xe lam để đi về Thành. Xuống bến xe Thành, cô Sáu, cô Út, má Hạ và Hạ tiếp tục mướn xe đi về phía Thanh Minh. Những người lớn than van với nhau về cái giá cắt cổ mà mấy ông tài xế “chém.” Hạ thì buồn hơn những người này vì chiếc nhẫn vàng tây có hình trái tim rỗng của Hạ bị rơi mất khi chen chúc trên những chiếc xe đò và xe lam. Chiếc nhẫn này là vật kỷ niệm của Hạ. Hạ sắm nó với số tiền dành dụm mà Hạ móc “crochet” những cái khăn trải bàn và khăn màn cửa gửi cho cô Sáu bán. Hạ muốn nói về chuyện đánh mất chiếc nhẫn và trách má sao nỡ bỏ nhà đi, nhưng Hạ cảm thấy lười biếng nên im lặng và bước theo mọi người vào căn nhà có cái sân xi măng rộng và xung quanh có những khóm hoa trang. Vào đến phòng khách, Hạ vâng lời má chào từng người trong nhà. Thoạt tiên là bà lão có mái tóc bạc, rồi đến người đàn ông vạm vỡ có giọng to và vồn vã, rồi người đàn bà có nụ cười hiền lành, rồi một anh con trai cao lớn, một đứa bé gái và ba đứa con trai nhỏ.
Qua giới thiệu, Hạ biết được người đàn ông vạm vỡ kia là chồng của dì Tư. Dì Tư là bạn buôn bán với má Hạ. Ông bà có năm người con. Bốn người con trai và duy nhất một cô gái út. Bà lão là mẹ của ông dượng Tư.
Tất cả mọi người trong gia đình này đều hiếu khách nên má và hai cô của Hạ tự nhiên như ở nhà. Còn Hạ vẫn nhăn nhó như lúc rời Nha Trang. Hạ cảm thấy không tự nhiên khi ở chung một nhà với người con trai bằng tuổi mình và nhất là phải nằm ngủ trống trải trong phòng khách với má và các cô.
Mỗi ngày, Hạ phụ giúp những người lớn nấu ăn, rửa chén rồi ngồi yên nhìn những đứa nhỏ chơi đùa trước sân. Thỉnh thoảng Hạ đến cái góc bên cạnh bàn thờ tìm sự yên lặng với quyển nhật ký, những bài thơ, những vật kỷ niệm và hình của bạn bè. Hạ cảm thấy nhớ Nha Trang, nhớ bạn bè, nhớ thầy cô và những buổi dạ vũ. Nhớ nhất là nhỏ Anh thân thương với giọng kêu ơi ới ngoài bức thành. Chìm đắm trong nỗi nhớ, Hạ tìm những bài thơ dễ thương với chữ viết tuyệt đẹp của Anh trao cho Hạ ngày nào. Hạ thích đọc đi đọc lại bài thơ “ Răng Khểnh” được tặng để mơ mộng như thể đang ngồi trên ghế xích đu bên cạnh khóm hồng nhà Anh:
“Ơi cái răng khểnh dễ thương dễ ghét.
Ơi tiếng cười rúc rích như chuột gặm nát trái tim anh.
Nhỏ trông buồn cười như trái ớt.
Ớt xanh nho nhỏ đo đỏ mà cay khôn cùng.
Cay mờ mắt anh...
Nhỏ, cho nhỏ chùm tỉ muội.
Đừng chớp mắt tội tình anh...”
Bên cạnh những cánh hoa ép khô, những bài thơ, bài nhạc và hình vẽ, bài thơ năm chữ của người con trai mang kính cận trong lớp cha Phương vô tình gợi lại cho Hạ những ngày thân ái xa xưa:
“O nớ mang răng khểnh.
Trông mê mệt vậy thê.
Mỗi khi cô nhích lệch
Mình cảm thấy lạnh tê
Bữa kia bạn cho kẹo
Cô vội cười mỉm chi
Nhưng trông lại cô héo
Cục kẹo có tí ti...”
Nhìn lại những kỷ vật, Hạ thấy nhớ Nha Trang và bạn bè rất nhiều. Không biết bạn bè Hạ bấy giờ lưu lạc ở những nơi nào? Có phải họ đang nhớ kỷ niệm cũ, những ngày xưa cũ như Hạ đang khoắc khoải mong nhớ không? Ngày mai của Hạ ra sao và tương lai của Hạ như thể nào khi Hạ không thể kết thúc kỳ thi tú tài? Còn Thảo Vy nữa, có phải chị em Hạ mãi mãi không bao giờ được gặp nhau không? Hạ không tìm được câu trả lời cho bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Niềm hy vọng trong Hạ càng lúc, càng trở nên nhỏ bé và mong manh. Nỗi buồn thầm kín quyện với cái mất mát lớn lao của hiện tại làm Hạ cảm thấy chơi vơi và đơn độc. Hạ muốn khóc thật nhiều để được vơi buồn và nỗi u uất trong tâm trí. Như hiểu lòng Hạ, mỗi ngày má và hai cô của Hạ luôn nhắc khéo: “Tới ở nhà người lạ phải luôn luôn vui vẻ nghe con.” Cho nên, Hạ không làm gì khác hơn là im lặng và im lặng.
Buổi trưa thật là yên lặng. Những người lớn tụ họp ở vệ đường trước mặt nhà để bàn tán về tin tức ở Nha Trang và túc trực nghe truyền thanh để biết tin tức ở Sài gòn. Hạ thờ ơ nhìn những đứa nhỏ chơi đùa trước sân. Mỗi buổi trưa, tụi nhỏ trong xóm thường tụ lại trước nhà để chơi lò cò hay nhảy dây.
Con bé gái của dì Tư lân la đến làm quen:
- Chị Hạ muốn chơi với tụi em không?
Hạ lắc đầu:
- Không! Cảm ơn các em!
Con bé và bạn nó ngồi sát vào Hạ:
- Tóc chị Hạ rối quá. Chị muốn tụi em chải cho chị không?
Thấy Hạ gật đầu, hai đứa nhỏ bỏ mặc bạn bè nhảy nhót trên sân, chạy vào nhà tìm lược. Một lát sau, chúng chạy đến bên Hạ, chia ranh giới trên đầu để chải bới. Mấy đứa khác thấy ngộ, ngừng chơi, lân la tới nhìn Hạ. Chúng cười nói đủ chuyện rồi chia nhau hái hoa lá. Những bàn tay non, mềm mại mơn trớn trên mái tóc, những chiếc răng lược quyện trong tóc, cộng với gió hiu hiu thơm mát của vùng quê làm Hạ muốn rơi vào giấc ngủ.
- Chị Hạ, nhìn trong gương xem! Chị có giống công chúa hay cô dâu không?
Liếc vào tấm gương, Hạ bật cười khi thấy khuôn mặt mình thật tếu. Hạ không bao giờ thích đeo bông tai hay gắn bất cứ kiểu hoa nào trên đầu, vậy mà tụi nhỏ gắn trên tóc Hạ đủ các loại hoa. Màu sắc rực rỡ của những đóa hoa tương phản trên làn da nâu xẫm đã tạo cho Hạ một khuôn mặt giống cô gái của người thiểu số. Nhìn những ánh mắt chờ đợi của chúng, Hạ gật đầu và nói dối:
- Đẹp! Chị thích lắm.
Cả bọn căn dặn:
- Chị đừng gỡ tóc xuống nghe! Tụi em làm lâu lắm mới được như vậy đó!
Hạ gật đầu và mỉm cười.
- Chị có thích ăn trái cây không?
- Chị thích lắm.
- Chị ngồi yên đây nghe. Tụi em về nhà hái trái cây cho chị.
Mấy đứa nhỏ con dì Tư chạy theo bạn hái trái. Hạ nhìn theo chúng và mỉm cười bâng quơ. Đây là ngày ở trên Thanh Minh mà Hạ cảm thấy vui. Câu nói ngây ngô, nụ cười hồn nhiên và việc làm vô vị lợi của những đứa nhỏ đã làm cho Hạ vơi bớt buồn.
Suốt buổi chiều hôm ấy, Hạ ăn trái cây với mấy đứa nhỏ con dì Tư và những đứa nhỏ trong xóm. Hết ổi, lại xoài, mít, rồi đu đủ. Tụi nhỏ cố gắng lục lọi các loại trái cây trong vườn để làm Hạ vui và Hạ thì không từ một loại trái nào mà chúng cho. Mê nhứt là những múi mít dừa! Hạ vô tư ăn hết nửa trái mít và nghĩ bụng ăn để thế cho bữa cơm chiều. Tác hại thay, tối hôm ấy, tất cả trái cây mà Hạ ăn biểu tình dữ dội. Hạ bị đau bụng và muốn ói nhưng lại không thể ói ra được. Má Hạ, các cô và những người lớn trong nhà dì Tư lăng xăng tìm cách chữa cho Hạ. Người cắt lể, người cạo gió, người xoa dầu. Mọi người xúm xít bàn tán:
- Nó bị trúng thực rồi. Ăn nhiều trái cây mà không tiêu là bị vật.
- Mít độc lắm, ăn nhiều không tiêu đâu. Bụng yếu mà ăn nhiều mít thì làm sao tiêu được!
Dì Tư lo lắng:
- Cầu cho nó mửa ra. Chỉ có mửa ra được thì nó mới khỏe lại thôi.
Những cơn ói khan làm Hạ kiệt sức. Dì Tư và dượng Tư quyết định đưa Hạ lên nằm trên giường của người con trai lớn của ông bà. Hạ quá yếu nên không thể từ chối. Người con trai lớn của dì Tư đã chạy đi tìm các loại lá cây và vỏ măng cụt như lời mẹ anh ta nói: “ Trúng thực thì chỉ có nước uống nước vỏ măng cụt sao mới khỏi thôi.”
Khi anh ta đến bên giường và đưa cho Hạ chén nước thuốc do chính anh ta làm, Hạ thấy sợ. Nhìn màu nâu xẩm của nước thuốc, Hạ muốn quay mặt đi, nhưng rồi vị tình, nên Hạ đành nhận và cố uống cho xong.
Cô Sáu nói:
- Uống đi con. Anh Hùng phải đi tìm suốt buổi tối mới có mấy cái vỏ măng cụt này đó. Tình hình bây giờ đâu có thể đi chợ được mà tìm thuốc dễ dàng.
Nuốt đến ngụm thuốc thứ hai, chất đắng và mùi hôi của thuốc làm cổ họng Hạ khó chịu. Hạ càng cố nén thì mùi nồng của thuốc càng kích thích mạnh hơn khiến cho nước thuốc bộc mạnh lên cổ rồi ào tuôn ra khỏi miệng kèm theo vô số thức ăn. Mọi người xúm xít dọn dẹp giường chiếu và cho Hạ uống nước nóng. Lúc này cổ họng Hạ vừa chua, vừa đắng nhưng Hạ bớt mệt và không còn bị ngạt thở để bắt đầu cho một giấc ngủ bình yên.
Sáng hôm sau Hạ tỉnh táo hơn. Nằm yên nhìn mọi người lui tới chăm sóc, Hạ cảm động nhưng không nói gì. Mấy đứa nhỏ bẽn lẽn đến cạnh giường xem Hạ ra sao và tỏ ý muốn nói chuyện. Lúc này, Hạ cởi mở hơn và nói chuyện với từng đứa. Hạ không nhớ là đã nói với chúng những gì và đã kể cho chúng nghe những gì. Nhìn những đôi mắt thơ ngây chăm chú nghe chuyện, Hạ thấy thích thú, nghĩ rằng mình đã thu hút chúng bằng giọng nói Nha Trang chứ không phải vì câu chuyện kể. Mấy đứa nhỏ dường như hãnh diện khi được làm bạn với Hạ. Chúng cười vui tíu tít quanh giường và rủ Hạ đi sang nhà hàng xóm chơi với chúng.
Những người lớn xầm xì, bàn tán về công lao của anh Hùng. Cô Sáu nói bóng gió:
- Người lo cho mình lúc hoạn nạn sẽ là người chồng tốt. Mình ơn nghĩa với gia đình chị Tư này không biết đến bao giờ mới trả được?
- Gia đình ảnh, chỉ thật tốt và phước đức ghê. Ai làm dâu nhà này sướng lắm đó.
Chồng con? Lập gia đình? Chưa bao giờ Hạ nghĩ đến điều này. Hạ vẫn còn rất nhiều ước mơ. Hạ vẫn còn chờ đợi và hy vọng. Hạ chỉ muốn kiếm lời nào đó để cảm ơn người tìm thuốc cho Hạ, chứ không muốn nghĩ gì xa xôi. Ơn nghiã của các cô con gái với các chàng trai nảy sinh tình yêu, và kết thúc bằng đám cưới thường xảy ra trong truyện tiểu thuyết. Các câu truyện viết thường được đơn giản hóa. Còn trong thực tế, Hạ thấy nhiều thứ tình cảm khác biệt nhau mà không thể lầm lẫn được. Tình thương hại và ơn nghĩa không phải là tình yêu và không thể nào khỏa lấp được tình yêu.
Niềm vui trong chốc lát của Hạ biến mất ngay sau đó và nỗi buồn cũ lại trở về. Hạ thấy nhớ da diết Nha Trang và những ngày vui đùa cùng nhóm bạn dễ thương. Hạ còn nhớ những người bạn không phải học sinh của Nữ Trung học Huyền Trân và ao ước được đi dự những buổi dạ vũ để còn thấy được niềm đau hơn là mất tất cả. Cảm giác không muốn ngồi dậy, không muốn đi đâu, Hạ xin lỗi mấy đứa nhỏ để tiếp tục nằm yên trên giường.
Niềm vui hay nỗi buồn cũng phải bỏ lại sau lưng khi dượng Tư báo cho mọi người về cuộc họp mặt với quân đội niềm Bắc ở đình làng.
Buổi tối hôm ấy, ngoài những đứa nhỏ ra, tất cả mọi người phải tập họp ở sân làng để nghe “ bộ đội” miền Bắc nói chuyện.
Một số đông đàn ông mặc đồng phục xanh rêu bạc màu, đội nón cối sắt ngồi thành một nhóm lớn trước những người dân làng. Hai người đại diện thay phiên nói về những việc họ đã làm và sắp làm. Quan sát họ, Hạ không cảm thấy sợ như lời đồn, nhưng khi nghe họ nói chuyện với những từ dùng mạnh mẽ và lạ lùng như “ cách mạng”, “giải phóng”, “tích cực”, “phấn đấu”, “bác Hồ”, “Đảng và nhà nước” thì Hạ cảm thấy sợ. Hạ cảm thấy sợ hơn và khó chịu hơn khi họ dùng từ “Mỹ Ngụy đồi trụy” mà lờ mờ không hiểu mình có phải là “Ngụy” như họ ám chỉ không. Chưa bao giờ Hạ nghe tiếng Bắc với âm thanh rắn chắc và nặng nề như giọng nói mà họ sử dụng. Hạ thất vọng khi biết họ đã thật sự chiếm Nha Trang và chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. Hạ hồi tưởng lại hình ảnh người lính Cộng Hòa với quân phục gọn gàng hùng dũng ngày xưa, nhưng rồi cảm thấy chán nản vì linh tính là những người lính miền Nam không giữ được những sự nguyên vẹn cũ.
Má và các cô của Hạ quyết định trở về nhà. Trước khi trở lại Nha Trang, má Hạ căn dặn: “Từ nay con phải giữ miệng, không được nói năng bừa bãi, không được kêu Việt cộng mà phải là mấy ông Cách Mạng. Áo quần tây, tàu cũ cũng bỏ hết đi, má sẽ mua vải đen hay nâu về may đồ cho con mặc.”
Vừa đến nhà là Hạ tìm Ái ngay. Con nhỏ sống thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra bên ngoài khu vườn nhà nội. Con nhỏ khoe các món bánh mà nó làm và mấy chiếc áo “hoa hòe, hoa sói” tự may. Đi ngang khi vườn thấy một cái hố nhỏ có đậy tấm cửa gỗ cũ bên trên, Hạ hỏi:
- Cái gì đây?
- Chỗ tránh bom của bác trai.
- Ai đào lỗ này cho bác.
- Tui phụ bác đào.
Hạ ngẫm nghĩ về điều Ái tiết lộ mà không tìm câu trả lời thích đáng. Ngày Nha Trang bị bỏ bom, bác cả của Hạ không hốt hoảng chạy trốn như những người trong nhà, nhưng những ngày sau đó lại cố sức đào cái
hố nhỏ trong vườn để tránh bom. Quan sát nhìn cái “hầm tránh bom”tí tẹo ấy, Hạ hỏi:
- Chỗ này chỉ đủ cho một người ngồi à! Vậy bà ở đâu?
- Tui ở trong phòng chứ ở đâu! Chạy trốn ở đâu chi cho mệt. Bom rớt xuống, chết trên giường nệm sướng hơn ở cái hố cát này!
Hạ gật đầu:
- Đi đâu rồi cũng trở lại chỗ cũ nhưng mà cái sợ làm người ta thiếu bình tĩnh.
Hạ không ngạc nhiên về tính bất cần của Ái. Biến cố Mậu Thân năm 1968 và mùa hè đỏ lửa 1972 đã làm con nhỏ quá quen thuộc với chiến tranh. Mệt mỏi và chán chường với tàn khốc đã từng chứng kiến, Ái thực sự xem thường những gì mà người khác sợ hãi.
CHƯƠNG 13
Ngày ba mươi tháng tư năm 1975, quân đội miền Bắc hoàn toàn chiếm miền Nam. Cuộc chiến tranh kết thúc thật nhanh bởi vì sự rút chạy nhiều hơn là chống trả. Những đoàn người hoảng hốt chạy vào Sài Gòn tị nạn trước đây, bấy giờ thi nhau tìm cách trở về quê quán. Người thành phố Nha Trang cũng như những người dân miền Nam ở các nơi khác đều hồi hộp chờ những biến cố mới xảy ra.
Thành phố Nha Trang lúc này được chia thành các khóm, phường rõ rệt. Các tên đường trong thành phố cũng bị thay tên mới. Và mọi người thường bị kêu đi họp vào những buổi tối để nghe thông báo tình hình hay để tự kiểm điểm và phê bình. Bản kê khai lý lịch và danh sách những người trong gia đình được phát ra cho từng người, từng nhà.
Riêng Hạ, Hạ thực sự rơi vào thế giới hoàn toàn đảo ngược. Những từ dùng dành cho Việt Cộng nay phải nói là “quân Cách Mạng” hay “quân Giải Phóng”, còn quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũ thì phải gọi là “quân bán nước” hay “ngụy quân”. Hạ không tự giải đáp được vì sao quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũ là quân bán nước? Hạ cảm thấy sợ khi nghĩ đến hoàn cảnh của những người bạn trai cũ của Hạ. Nếu ngày xưa họ rớt Tú Tài và đi lính để trở thành người của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì số phận của họ như những người “lính ngụy” hiện tại là phải đi học tập cải tạo mà nôm na như cô Út của Hạ nói là bị đi tẩy não ư?
Hạ cảm thấy buồn cười cho sự tương phản trong đại gia đình của mình. Bà con trong gia đình Hạ có nhiều biệt danh khác nhau; người bị coi là Việt gian bán nước hay tư bản mại sản, người được gọi là Việt Minh yêu nước, người được vinh thăng, người bị đi học tập cải tạo, người phải chuẩn bị đi kinh tế mới, người lo trốn ra nước ngoài. “Chiến tranh và hòa bình” của Việt Nam đã để lại cho Hạ bao nhiêu câu hỏi mà Hạ không thể nào toại nguyện với những câu trả lời thiên vị một chiều.
Tiếng của Anh vang ngoài bức thành:
- Đan Hạ ơi! Đan Hạ ơi!
Hạ thò đầu ra:
- Gì vậy Anh?
- Long chết rồi!
- Long chết? Hạ hốt hoảng la lên, rồi vội vã hỏi tiếp - Vì sao?
- Long tự tử!
Hạ lặng người mà không hỏi thêm về nguyên nhân. Chuyện tự vận trong những ngày sắp xảy ra chiến tranh và sau chiến tranh không là chuyện lạ, nhưng hình ảnh của người bạn trai vui vẻ và hiền lành mới hôm nào, nay trở thành người thiên cổ là chuyện không thể nào tin được. Hạ nhớ khuôn mặt Long và những câu nói đùa muốn làm em rể. Hình ảnh ấy,lời nói ấy cứ như mới hôm qua.Lẽ nào một người vui vẻ như Long có thể làm một việc đáng kinh ngạc như thế? Tin Long chết như là chuyện đùa. Hạ ngớ ngẩn hỏi Anh thêm một lần nữa:
- Long đã chết?
- Anh nói rồi! Long tự tử và đã chết rồi! Ngày mai gia đình sẽ đưa đám Long. Bây giờ Hạ đi lên nhà Long chia buồn với Anh nghe.
Hạ từ chối:
- Ngày mai Hạ sẽ đi với Anh đến nhà Long chia buồn và đưa đám luôn.
Quá nhiều biến cố xảy ra đã khiến Hạ lạnh lùng với tin dữ vừa nghe được. Hạ không muốn nhìn Long lần cuối để còn tin rằng Long vẫn còn sống trên đời và cũng không muốn gặp những người bạn cũ để khỏi phải ngậm ngùi trước những đổi thay.
Trái với suy tính, Hạ đã nhìn thấy Long lần cuối cùng khi Hạ cùng Anh đến nhà đưa đám anh ta. Trong chiếc quan tài gỗ mỏng và đơn sơ, Long nằm cứng đờ với đôi mắt nhắm nghiền như người đang ngủ. Đôi môi thâm tím trên khuôn mặt trắng toát tạo cho anh cái vẻ lạnh lùng và huyền bí.
Hạ chưa bao giờ thấy một xác chết, cũng như chưa bao giờ tưởng tượng người nằm trong quan tài là người bạn thân thiết với Hạ, cho nên sự thật trước mắt gây cho Hạ kích động đến tột độ. Đứng trước quan tài, xung quanh là những người mặc áo sô trắng lụp xụp quỳ lạy,than khóc nức nở, Hạ lúng túng không hiểu mình phải có thái độ như thế nào cho thích hợp. Chằm chằm nhìn vào quan tài một lúc Hạ đưa mắt hướng về chiếc ảnh bán thân khổ sáu tám của Long trên bàn thờ. Bàn thờ Long được đặt sát ngay sau chiếc quan tài mở nắp. Hai ngọn nến lung linh trên bàn thờ như muốn đưa những tia sáng nối từ khuôn mặt trắng toát lạnh lùng của Long đến khuôn mặt tươi vui của anh ta trong bức ảnh thờ. Không hiểu những tia sáng này muốn hòa hợp sự tương phản của thực tế với quá khứ để động viên người chết “Cái gì mất thì trở nên đẹp mãi mãi” hay là để gây thêm sự đau thương của những người còn lại trên đời.
Một anh con trai, có khuôn mặt giống Long như tạc, đốt hai cây nhang rồi trao cho Hạ và Anh. Giọng anh ta trầm trầm:
- Hai em lạy từ giã Long để chuẩn bị đưa đám. Đến giờ đóng hòm rồi.
Như cái xác không hồn, Hạ đón lấy cây nhang. Mọi thứ trên bàn thờ gợi cho Hạ những buổi tối thắp hương cầu nguyện ba. Nải chuối, bình hoa, lư hương, đèn cầy đặt trước hình thờ là những biểu tượng để người còn sống có thể kết hợp với khói hương khấn nguyện và cầu xin với người đã chết. Hạ thường cầu nguyện ba phù hộ cho Hạ học giỏi, gặp nhiều điều may mắn để trở thành con gái ngoan mà không phải làm tủi hổ hương hồn ba dưới suối vàng. Với Long, Hạ không biết mình sẽ cầu nguyện điều gì. Tương lai đối với anh ta mù mịt đến độ không giải quyết được thì làm sao anh ta giúp Hạ đây? Tuy nhiên nếu có thể nói được với Long, Hạ sẽ trách vì sao anh nỡ hủy diệt thân thể mà gây thêm đau thương cho những người thân còn lại trên đời.
Vừa cắm cây nhang vào cái lư nhỏ, Hạ nghe tiếng khóc thổn thức và nức nở của mọi người xung quanh lớn hơn và dồn dập hơn. Mẹ Long vật vã vói đến nơi mà hai thanh niên lực lưỡng đang nâng cái nắp quan tài lên. Mặc cho tiếng khóc thê thảm bao nhiêu, cái nắp hòm vẫn vô tình đậy kín thi thể Long trong mấy tấm ván gỗ. Trong khi mọi người tiến gần đến chỗ quan tài, Hạ cảm thấy như mình bị tuột về phía sau. Rồi như một cái máy, Hạ bước theo đoàn người đi theo sau chiếc quan tài đến hai chiếc xe đậu trước cổng nhà.
Chỉ có hai chiếc xe đưa Long về nơi an nghỉ cuối cùng. Chiếc xe lam nhỏ dùng để chở quan tài của anh và vài người trong gia đình. Còn lại mọi người lần lượt leo lên chiếc xe lớn hơn. Chiếc xe nhà binh cũ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Dù là loại xe gì, xe đưa đám vẫn là xe đưa đám. Thế mà hai chiếc xe này chạy nhanh hơn những đoàn xe tang mà Hạ từng chứng kiến trước đây. Khi hai chiếc xe chạy đến ngã ba Thành và tiến về Suối Dầu, Hạ mới nhận ra người ngồi đối diện là Triệu. Đầu tóc dài và nước da đen xạm tạo cho anh cái vẻ dày dặn hơn xưa. Hạ đưa mắt nhìn từng người. Ngoài Triệu ra, không có người quen biết nào trong đám thanh niên đứng ngồi trên xe. Khuôn mặt Triệu lạnh lùng và im lặng. Khi chiếc xe dừng lại, mặc cho Hạ và Anh đứng sau lưng anh ta để chờ leo xuống xe, Triệu vẫn lạnh lùng, không chào hỏi một ai. Trên đường đến nhà đưa đám Long, Anh cho Hạ biết là Triệu đã có bạn gái và hình như sắp lập gia đình. Cô gái này ở cùng chung khóm và phường nơi Triệu cư ngụ. Có bạn gái đâu phải là gì mà anh ta không muốn tiếp xúc với hai đứa Hạ? Phải chăng cái chết của Long đã gây cho anh ta xúc động cực kỳ khiến anh ta không còn muốn liên hệ với những gì thuộc về ngày xưa. Nếu anh ta nghĩ như thế, thì đó cũng chính là ý nghĩ của Hạ. Khi nhìn chiếc hòm đặt dưới lòng đất sâu và những thanh niên lực lưỡng thi nhau xúc đất phủ đầy trên ấy, Hạ thực sự hiểu rằng không phải Hạ chỉ mất một người,mà cả những người bạn còn lại của ngày xưa. Hạ sẽ trốn chạy quá khứ để quên đi tổn thương trong Hạ.
Trên đường về, hai chiếc xe chạy còn nhanh hơn lúc khởi hành. Trời nắng chang chang khiến cho ai nấy đều phải nhăn mặt vì chiếc xe nhà binh không có mui trần. Ba người thanh niên lực lưỡng trên xe đột nhiên cởi áo rồi dùng chúng lau mồ hôi. Cả ba đến mấy chiếc thùng chứa nước và múc nước uống. Nước uống còn dư không biết làm gì họ tạt xuống đường và vô tình làm ướt người đang đạp xe trên đường. Một vài tiếng chửi rủa vang lên. Tiếng chửi của những người dưới đường kích thích mấy thanh niên lực lưỡng này có trò chơi mới. Họ thi nhau múc những ca đầy ắp nước và tạt không ngừng. Lần này nước tạt không phải là vô tình mà hoàn toàn cố ý. Một cô gái đang vô tư đạp xe, bất thần lãnh trọn một ca nước lớn. Mặt mũi, tóc tai, và áo quần cô ướt sũng trông thật thảm thương. Hạ cảm thấy thương hại khi nhìn thái độ hốt hoảng và kinh ngạc của cô ta trước tình cảnh khó xử. Mấy thanh niên cười nói một cách khả ố và giành nhau những cái thùng còn sót nước để đổ ập hết xuống người đi đường. Lúc này, ánh nhìn lạnh lùng của Triệu dịu đi và thay bằng nỗi kinh ngạc. Không những chỉ có mình Triệu, Hạ và Anh cũng đưa những con mắt hoang mang, im lặng nhìn nhau. Hạ không hiểu những thanh niên lực lưỡng trên xe là ai và có quan hệ như thế nào trong gia đình Long, nhưng thái độ của họ thật là không thích hợp. Cho dù họ giúp gia đình chôn cất Long như thế nào chăng nữa, tạo nên những trò chơi gây tiếng cười bất nhã sau đám tang là việc không nên làm.
Xe vừa tới nhà Long, Hạ và Anh lầm lũi đến chỗ để xe đạp. Mẹ Long bước đến gần:
- Bác cảm ơn hai cháu đã có lòng đến đưa đám tang con của bác. Hai cháu là bạn của Long phải không?
Hai đứa đồng trả lời:
- Dạ
Nói trong nước mắt, mẹ Long tâm sự:
- Bác đâu biết nó dại dột như vậy. Bao nhiêu thuốc trong nhà nó lấy uống hết cả, đến khi phát hiện ra thì nó đã chết rồi, không còn cứu được nữa.
Lúc này Hạ mới bạo gan hỏi:
- Bác có biết vì sao Long tự tử không?
Dùng vạt áo trắng lau nước mắt, bà nức nở:
- Vì thất chí đó. Nó nghĩ học hành dang dở, tương lai không ra gì nên tuyệt vọng mà làm chuyện bậy bạ. Nó làm sao hiểu được bác đau khổ như thế nào khi mất nó.

Về nhà, hình ảnh mẹ Long khóc vật vã vì thương tiếc con ám ảnh mãi trong tâm trí Hạ. Hạ cảm thấy thương Long và mẹ của anh ta. Từ chuyện của Long, Hạ tâm nguyện sẽ không bao giờ làm cho má Hạ đau khổ và chuẩn bị tinh thần đương đầu với bất cứ tình huống nào xảy ra.
CHƯƠNG 14
Không như sự tuyệt vọng của Long, các trường trong thành phố Nha Trang đã được mở lại và một số thầy cô làm việc trong các trường cũ vẫn giữ tạm thời những công việc đang làm trong lúc “lâm thời” để chờ xét lý lịch. Hạ trở lại trường để tiếp tục học tháng cuối cùng trước khi thi.
Tấm bảng tên Huyền Trân của ngôi trường bị lấy đi từ lúc nào. Những người nữ sinh trung học ngày xưa xếp cất tất cả những chiếc áo dài trắng cũ để rồi đến trường với những bộ áo quần đơn giản. Trường Nữ Trung Học Huyền Trân xưa không còn là chỗ độc quyền của bọn con gái mà chen lẫn sự hiện diện của học sinh nam của trường Võ Tánh với châm ngôn “Nam Nữ Bình Đẳng”. Tất cả bất cứ là trai hay gái đều phải làm lao động. Công việc lao động cho những đứa học sinh lúc này là sắp xếp bàn ghế và quét dọn các phòng, để chuẩn bị cho những chương trình học của năm chưa được hoàn tất.
Vào một sáng thứ hai, tất cả học sinh nam nữ phải tập trung tại trường Nữ Trung Học Huyền Trân xưa để dự lễ khai giảng cho những ngày học dở dang của năm học 1974-1975. Toàn bộ thầy cô giáo và học sinh có mặt trong trường phải làm lễ chào cờ và nghe những lời huấn thị. Trùng hợp thay, vị trí xếp hàng của Hạ đúng ngay vào vị trí nơi mà Hạ đứng chào cờ trong những ngày trước biến cố chiến tranh. Tuy nhiên, trước tầm nhìn của Hạ bây giờ là bao nhiêu thay đổi: Những hàng áo trắng ngoan hiền ngày xưa thay thế bằng các học nam nữ với đủ loại áo quần khác nhau. Lá cờ vàng ba sọc đỏ ngày xưa đã thay bằng lá cờ đỏ chói với ngôi sao vàng.
Khi lá cờ đỏ lên tận đỉnh, tiếng hát khá cao của một số người nào đó lanh lảnh vang lên “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước...” Giọng ca quyết liệt, mạnh mẽ của bài hát khiến Hạ cảm thấy gai ốc nổi đầy người. Sau khi bài hát này chấm dứt, tiếng thét to của một người nào đó vang lên “Quốc ca”. Hai từ này làm Hạ suýt thốt lên những lời hát quen thuộc “Này công dân ơi quốc gia..” như phản xạ từng có trước đây, nhưng rồi giọng ca của ai đó lại cất cao vi vút làm Hạ giật mình khựng lại, cố gắng giữ cho đôi chân đứng thật ngay trong cái im lặng ngột ngạt. “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc...” Âm điệu của bản nhạc này không mạnh mẽ quyết liệt như bài hát trước nhưng hùng khí dồn dập của bài đã làm cho Hạ thấy sợ không kém.
Sau giờ chào cờ, học sinh của lớp 12C phải vào hội trường để học. Lớp C là lớp học văn chương và sinh ngữ. Trước đây lớp 12C của Hạ có hai nhóm học hai sinh ngữ chính khác nhau: Pháp văn và Anh văn. Nhóm Pháp văn của Hạ chỉ có bảy đứa con gái và ba đứa con trai Võ Tánh, còn lại nhóm Anh Văn khoảng hơn ba mươi đứa con gái. Mặc dù học chung các môn học khác và có cùng cô giáo chủ nhiệm, hai nhóm Pháp văn và Anh văn rất ít thân nhau. Sau biến cố tháng tư 1975, số lượng học sinh trong các trường trung học Huyền Trân và Võ Tánh giảm hơn xưa rất nhiều nên các lớp bị dồn lại để học chung trong hội trường. Lớp 12C Võ Tánh và Huyền Trân đều dồn vào học chung tại “trường Nữ Trung Học Huyền Trân cũ.” Sở dĩ phải gọi như vậy vì trường mất tên và phải chờ tên mới. Thời gian ấy, không hiểu vì con gái không còn áo trắng như xưa hay vì cái nghĩa “ Nam Nữ Bình Đẳng” mà con trai quên mất cái e dè của ngày cũ. Chỉ biết là từ lúc nam, nữ, Pháp văn, lẫn Anh Văn học chung, bọn con trai và con gái lớp 12C trở nên dạn dĩ hơn, gần gũi hơn và thân nhau hơn.
Mặc dù các trường ở Nha Trang đều được mở cửa nhưng do hoàn cảnh mà nhiều học sinh phải bỏ học. Thay vì đi học, Ái xin được việc thư ký tại trường để tìm phương kế sinh nhai. Con nhỏ may mắn được cấp chỗ ở ngay trong trường nên có điều kiện cưu mang những người bà con bị mất nhà tại Pleiku. Còn nhóm năm đứa con gái, chỉ còn Hạ và Đoan Hạnh đến lớp. Trang và Hương quyết định lập gia đình chứ không muốn tiếp tục học. Anh nghỉ học không hiểu lý do gì. Hạ chờ Anh từng ngày để mong tin về những người bạn cũ nhưng thời gian họp tổ, khóm, phường ở mỗi địa phương khác nhau như là sự ngăn cách lớn giữa hai đứa.
Sự thay đổi lớn nhất và thú vị nhất mà Hạ có được là sự trở về của Thảo Vy. Trước khi Việt Cộng tấn công vào Sài Gòn, chị họ của Hạ đã bảo lãnh gia đình bác Tư sang Mỹ. Vy ở lại cùng gia đình cô bảy Mỹ chăm sóc cho bà nội rồi đưa bà nội về Nha Trang.
Từ ngày có Thảo Vy về, nhà Hạ vui hẳn lên. Chị em Hạ nói chuyện tíu tít suốt ngày suốt đêm. Ngoài Thảo Vy ra, khuôn viên nhà nội còn có nhiều người bà con cùng lứa tuổi của Hạ. Mặc cho những người lớn trong gia đình lo lắng và buồn phiền vì cảnh mất nhà, mất việc, và tương lai mù mịt, tụi nhỏ như bọn Hạ vô tư quây quần bên nhau.
Khác hẳn với Anh, mặc dù Đoan Hạnh phải dời chỗ ở xa hơn nhưng Đoan Hạnh đến nhà Hạ thường xuyên. Ngay sau khi Nha Trang bị chiếm, những khu gia binh và khu thương phế binh đều bị giải tán, như khu thương phế binh ở trước ga xe lửa, khu gia binh Nguyễn Thiện Thuật và khu gia binh của không quân gần phi trường Nha Trang. Từ lúc khu nhà Đoan Hạnh bị giải tán, gia đình Đoan Hạnh phải tìm đến vùng đất trống vắng sau đường Nguyễn Thiện Thuật để dựng những tấm tôn tạm trú. Hạnh thường đến nhà Hạ để kể tình trạng kém may mắn của mình rồi lân la trò chuyện với Vy. Ngày ngày hai đứa Đoan Hạnh, Thảo Vy bàn bạc đủ thứ về chuyện kiếm tiền để sinh sống và giúp đỡ gia đình. Thời gian này khoai mì và bột mì gần như là thức ăn chính trong những bữa ăn. Hạ không dám hỏi má vì sao không nấu cơm như những ngày cũ mà phải độn các loại khoai. Những khi thấy má ngâm những miếng khoai khô là Hạ hiểu mình sẽ nhịn ăn hay chỉ ăn qua loa, lấy lệ. Bị ăn khoai mỗi ngày và đi đâu cũng gặp mọi người ăn khoai độn với cơm hoặc thế cơm, vậy mà, hai đứa Đoan Hạnh và Thảo Vy cứ lục đục tối ngày làm những món bánh khoai mì để bán.
Cứ mỗi trưa sau khi đi học về, Đoan Hạnh đến nhà Hạ để tìm Thảo Vy. Hai đứa lục lọi, lăng xăng trong bếp một lúc lại ngồi dạng chân mỗi người một góc trên sân trước nhà để bóc vỏ và mài những củ khoai mì. Hạ không thích nhìn cảnh Đoan Hạnh và Vy vất vả nhưng lại thích có Đoan Hạnh ở trong nhà để nghe những bản nhạc của con nhỏ hát khi làm việc.
- “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? Tìm đâu những ngày xanh như mộng? Tìm đâu những ngày thơ? Tìm đâu những chiều mơ? Tìm đâu biết tìm đâu bây giờ...”
Tiếng hát đột nhiên ngưng bặt. Hạ thò đầu ra sân:
- Hát nữa đi Hạnh!
Đoan Hạnh đứng dậy, mang vỏ khoai đi ra giếng, hát tiếp:
“...Còn đâu những ngày chưa biết yêu. Chỉ thấy thấy lòng nhớ nhung nhiều rồi đêm ta nằm mơ, Hồn say ta...”
Nhớ đến đóa hoa “pensée” của Đoan Hạnh ngày xưa, trái tim Hạ như bị ai bóp nát. Hạ cắt ngang:
- Thôi, mi đừng hát bài này nữa.
Đoan Hạnh nói to vọng vào phòng:
- Hạ!
- Gì?
- Tau đập một cái là mi bẹp dí nghe chưa!
- Sao?
- Lúc thích, mi yêu cầu tau hát, lúc khùng khùng bắt tau ngưng. Mi nỡ lòng nào đối xử với ca sĩ “nổi danh” như rứa?
Hạ bước ra sân. Đoan Hạnh chú tâm đập cái rổ tre xuống sân giếng cho những mảnh vỏ khoai rớt ra. Thấy con nhỏ không chút mảy may nhớ chuyện cũ, Hạ tiếp tục tranh cãi:
- Tụi bây khùng thì có. Thời buổi này thiên hạ ăn khoai mì đến mòn răng vậy mà còn làm bánh khoai mì đem bán. Ai mà thèm mua!
- Vy ơi! Có lửa cho tau hui miệng con ni. Nó ăn mắm, ăn muối, nói bậy bạ tụi mình bán ế mần răng?
Nhìn thấy đồ đạc nấu nướng ngổn ngang ngoài sân, Hạ chán nản trở vào nhà.
Chiều chiều, sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, Đoan Hạnh và Thảo Vy thường đem các thứ đến góc đường Yersin để bán. Đến tối mịt, hai đứa kéo nhau về, lục đục dọn dẹp, chia tiền lời và chia những chiếc bánh còn sót lại. Mặc dù không thích Đoan Hạnh và Vy đi bán bánh khoai mì, không thích đến chỗ hai đứa bán nhưng Hạ thích chờ xem kết quả lời lỗ của hai đứa. Hôm nào Hạ cũng được ăn bánh dư và chờ Đoan Hạnh ra về mới đi ngủ. Càng buôn bán, hai đứa càng tròn trịa như hột mít vì càng ngày bánh ế nhiều hơn tiền lời. Vì uổng công sức bỏ ra, hai đứa cố ăn cho bằng hết bánh ế để “trả thù”. Hình ảnh “tuổi hoa, tuổi ngọc” của Vy từ từ biến mất sau những lần ăn bánh ế. Hình ảnh nữ sinh trung học trong tà áo dài trắng ngày xưa của Đoan Hạnh cũng tan biến như hình ảnh của Vy. Hai đứa bây giờ thực sự trở thành hai em “bé bự”, nếu không nói là bự quá xá! Có hôm vì bán quá khuya, Đoan Hạnh phải ở lại ngủ với chị em Hạ. Vậy là ba đứa có dịp đấu láo với nhau suốt cả đêm.
Nằm trong bóng tối Hạ lên tiếng:
-Sáng mai hai đứa muốn ăn sáng thì dậy chiên cơm ăn mà đi học. Hôm nay còn ít cơm dư. Ta không ăn sáng đâu, nhường cho hai đứa mi đó!
Thấy cả hai im lặng nên Hạ hỏi tiếp:
- Mi có thường ăn sáng không Hạnh?
Đoan Hạnh bốc khoác:
-Tau có ăn sáng chứ! Một là tau ăn sáng như phở, hủ tiếu hay bún bò, hai là nhịn đói chứ không thèm ăn cơm chiên đâu. Mà tau thường nhịn đói hơn là ăn sáng!
Hạ và Thảo Vy cười rũ rượi:
- Đúng mà! Mi là người “khoái ăn sang” nên sáng nào cũng ăn khoai.
Những buổi tối như thế, ba đứa không hề hỏi hay nhắc gì đến chuyện ngày xưa, chuyện trước ngày ba mươi tháng tư năm 1975. Hình như mỗi đứa đều sợ khơi lại niềm đau buồn của sự mất mát.
Hạ nhớ những buổi đưa đón của Vân và Hạnh trước cổng trường và tình yêu ngọt ngào của hai người mà cảm thấy xót xa. Sau di tản, Vân biệt tin đã khiến cánh hoa “pensée” ngày nào trở thành cái gai “chia cách”. Còn Đoan Hạnh dần dà quen với hoàn cảnh cực khổ và tìm vui với những chuyện tếu lâm tự đặt ra.
Bởi vì không còn được đi học thêm và chương trình học thay đổi hoàn toàn nên Hạ dành hết thời giờ cho việc học để chuẩn bị ôn thi. Song song với việc bận học, Hạ dành thời gian cho quyển lưu bút. Mỗi ngày đến trường, Hạ thường mang nó theo để đưa cho bạn bè ghi những giòng chữ kỷ niệm.
Một bàn tay tuyệt đẹp với những ngón ngòi viết thon mền đưa tập vở trước mặt Hạ:
- Có phải Đan Hạ đang tìm cái này không?
Hạ ngước lên và hồi hộp. Ngọc Bích, người bạn lớp trưởng xinh đẹp và duyên dáng nhất của trường đang đứng trước mặt Hạ. Hạ cảm thấy bối rối khi gần người bạn gái có vẻ đẹp thanh tú như tây phương này. Cầm tập vở, lật vội những trang giấy bên trong, Hạ gật đầu với ánh mắt biết ơn:
- Ngọc Bích thấy nó ở đâu vậy?
- Trên bàn của giáo sư đó! Đan Hạ để quên ở đó hả?
- Không phải! Hạ đưa cho Đoan Hạnh để Đoan Hạnh viết cho Hạ. Chắc Hạnh để quên.
- Vậy Đan Hạ đưa lại cho Đoan Hạnh đi, nếu không Đoan Hạnh sẽ đi tìm đó. Ngọc Bích không biết tưởng Đan Hạ bỏ quên nên đưa lại.
- Sắp đến tiết học rồi. Sau giờ học Hạ sẽ đưa lại cho Đoan Hạnh. Hạ cảm ơn Ngọc Bích.
Nói xong, Hạ hy vọng Ngọc Bích sẽ đi ngay để khỏi phải ngượng nghịu khi tiếp xúc gần gũi với con nhỏ. Sắc đẹp và sự học giỏi cực kỳ của Ngọc Bích làm Hạ cảm thấy thua sút và mặc cảm khi phải tiếp xúc cận kề. Thế nhưng, Ngọc Bích dịu dàng hỏi:
- Ngọc Bích có thể ngồi ở đây không?
Hạ nhíu mày nhìn chiếc ghế dài mà mình đang ngồi rồi nhìn những dãy ghế trống khác trước mặt.
Trong lớp học cũ, Ngọc Bích thường ngồi ngoài dãy bàn cuối lớp. Cô nhỏ này thường ghi điểm danh rồi đến văn phòng cô Tổng giám thị báo cáo. Mặc dù ăn mặc đơn giản trong chiếc áo dài tơ trắng và đôi guốc gỗ vông với đôi quai nhựa trong giản dị, nhưng cái mũi cao thanh tú cộng thêm mái tóc dài thẳng mượt đã làm tăng thêm cho cô nhỏ hình ảnh cao sang và kiêu kỳ một cách đặc biệt. Hôm nay Ngọc Bích không còn mặc áo dài tơ nữa nhưng cái áo ngắn trắng cổ thuyền và chiếc quần tây đen đơn giản không làm giảm bớt cái vẻ đẹp cao sang ngày nào.
- Được chứ! Hạ miễn cưỡng.
- Vậy thì nhích vào cho Ngọc Bích ngồi đi.
Hạ nhường chỗ mình rồi ngồi cạnh nhỏ bạn xinh đẹp mà trong lòng không hết ngượng. Ngọc Bích phá tan yên lặng:
- Đan Hạ có muốn Ngọc Bích ghi lưu bút cho Đan Hạ không?
Hạ thật lòng:
- Muốn chứ, chỉ sợ Ngọc Bích không thích ghi.
Ngọc Bích cười:
- Sao lại không? Khi nào các bạn viết xong, Đan Hạ đưa cho Ngọc Bích viết nghe.
Hôm đó, khi đi học về, Hạ cảm thấy vui vì được đối thoại với cô bạn gái thần tượng của mình nhưng lo lắng vì khá lâu không gặp Anh đến lớp. Hạ nhớ Anh, và muốn thăm Anh. Câu nói đầy cảm động của Anh khi hai đứa đi trên đường Bá Đa Lộc, trước khi Việt cộng tấn công vào thành phố, ám ảnh mãi mãi trong ký ức của Hạ. Hạ bị dằn vặt nhiều lần khi phủ nhận ý nghĩ tìm thăm con nhỏ. Nhớ đến căn nhà Anh với sự lui tới của những người bạn trai cũ và sự lạnh lùng của họ, Hạ bằng lòng cam chịu là người có tội hờ hững với bạn bè hơn là đau lòng nhìn thấy sự thay đổi của những người xưa. Tin loáng thoáng, từ một số bạn ở Nguyễn Hoàng và Phước Hải, là Triệu sắp lập gia đình càng làm cho Hạ nhất quyết ẩn trốn những gì thuộc về quá khứ..
Sau buổi nói chuyện trong trường, Ngọc Bích thường đến nhà chơi với Hạ. Cô bạn lớp trưởng kiêu kỳ ngày xưa như là thần tượng xa vời nay lại là bạn thân của Hạ. Mỗi buổi trưa, sau khi đi học về, Ngọc Bích thường theo Hạ ra chợ để đem cơm cho má và phụ má bán hàng. Hai đứa len lỏi qua các dãy hàng “chợ trời” với hàng triệu vật dụng bày dưới đất. Những vật dụng mà người ta thu nhặt trong thời gian loạn lạc khi chiến tranh. Những người buôn bán với của không vốn thì không hồi hộp như má của Hạ. Người Nha Trang không còn muốn mua hoa, quả. Cho nên, càng buôn bán thì má Hạ càng thua lỗ và có nhiều trái cây cúng Phật hơn.
Thời gian này, nhiều sinh viên Nha Trang học ở các trường đại học Sài Gòn và Đà Lạt kéo về rất đông. Họ thường mời Ngọc Bích đi chơi suối, thăm vườn và tham quan nhà Thủy Tạ ở Suối Dầu. Mỗi lần được mời đi chơi, Ngọc Bích thường kéo Hạ đi cùng. Và mỗi lần đi chơi như thế, len lỏi giữa những vườn cây, Hạ cảm thấy nhớ nhóm bạn cũ, nhớ tiếng cười nói rộn ràng, tự nhiên ngày nào. Nhóm bạn Ngũ cô nương “xóm nhà lá” của bọn Hạ thì hồn nhiên giành giựt, nói cười ồn ào, trái lại, Ngọc Bích thì chừng mực, phớt lờ và bất cần. Mặc cho vườn có nhiều ăn trái bao nhiêu, Ngọc Bích không thèm hái trái nào. Thỉnh thoảng con nhỏ níu nhẹ các cành có trái để ngắm chúng rồi thả ra cho chúng trở về vị trí cũ. Các anh chàng cựu sinh viên Sài Gòn và Đà Lạt dùng những bản nhạc tình yêu ngoại quốc huýt gió liên hồi “ Tất cả tình yêu anh chỉ dành cho em...”, “...yêu anh, yêu anh nghe em bằng muôn trái tim...” để mong thố lộ tình cảm của mình. Họ thi nhau chăm sóc tận tình từ thức ăn đến nước uống, và tìm hái những trái cây đặc biệt nhất để dành cho người đẹp.
Trên đường về, Ngọc Bích hành tội các chàng cùng đưa Hạ về đến tận nhà. Tới cổng nhà Hạ, Bích đưa cho Hạ tất cả trái cây mà công trình các chàng chọn lựa suốt cả ngày. Hạ vừa ái ngại khi phải nhận những cái mà không phải dành cho mình, vừa thấy tộicho mấy anh chàng bị “hành hạ tàn nhẫn”. Văy mà lời nói của Ngọc Bích như là sự bắt buộc:
- Đan Hạ đem hết tất cả những trái cây này vào nhà đi. Cho Thảo Vy nữa!
- Nhưng...
- Không nhưng gì hết! Ngọc Bích không thích lấy cái gì cả. Ngày mai đi học, mình gặp lại.
Hạ như đối diện một đóa hoa lạ. Ngọc Bích không những đẹp ngoài dung mạo mà sự cao ngạo của con nhỏ như là một đóa hoa với hương sắc khó tìm. Những người đẹp trong trường Hạ thường bị theo dõi kỹ không kém gì những ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng. Mấy đứa trong trường đồn Ngọc Bích yêu anh chàng nào đó rất “đẹp trai, con nhà giàu và học giỏi”. Anh chàng này được du học tại Mỹ vì đậu ưu trong kỳ thi Tú Tài toàn tại Nha Trang năm 1973-1974. Với những lời đồn đãi mà Hạ nghe trước đây, Hạ hiểu Ngọc Bích đang tự tạo một vòng vây đối với những người có tình ý. Hạ chợt nhớ đến câu “Theo tình tình đuổi, đuổi tình tình theo” và thầm buồn cho bạn. Biết đến bao giờ nhỏ bạn này của Hạ mới tìm được người cũ? Ở Mỹ ư? Trái đất hình như không nhỏ như người ta nói. Hạ nhủ thầm: “Hãy quên đi những mối tình của tuổi học trò, những mối tình đơn phương. Ta phải nhất quyết đậu tú tài hay phổ thông cấp ba gì đó để được vào Đại Học.”
Rốt cuộc, Hạ được đền đáp xứng đáng cho công sức mình. Hạ được giấy báo đậu tốt nghiệp phổ thông. Đoan Hạnh và Ngọc Bích đều được thi đậu như Hạ. Hạ cảm thấy mừng cho hai người bạn này vì họ được qua cái ải “lý lịch không tốt.”
Trước chiến tranh, trường Đại Học Duyên Hải Nha Trang rất nổi tiếng nhưng thời gian này trường không hoạt động nên những người thi đậu như bọn Hạ tíu tít ghi danh thi vào trường Cao Đẳng Sư phạm Nha Trang và các trường Đại Học Sài Gòn. Tình trạng thiếu giáo sư ở các trường và lối học nam nữ bình đẳng lẫn lộn đã khiến cho nhiều trường trong thành phố phải dồn lại. Trường Võ Tánh trở thành trường trung học cấp ba với tên mới là Lý Tự Trọng. Trường Huyền Trân trở thành trường cấp hai Thái Nguyên. Trường Pháp Hàn Thuyên trở thành Sở Giáo dục của tỉnh. Trường Đăng Khoa trên đường Lê thánh Tôn trở thành Phòng Giáo dục của thành phố. Còn trường dòng Bá Ninh thì trở thành trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang.
Cao đẳng Sư phạm Nha Trang là trường sư phạm đầu tiên của chính quyền mới tổ chức. Hạ thích đậu vào trường này để được học gần nhà và khỏi phải gây khó khăn tài chính cho má. Sau khi thi đậu Tốt nghiệp Phổ Thông trung học, Hạ, Ngọc Bích và Đoan Hạnh rủ nhau cùng làm đơn thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang. Như mơ ước, Hạ toại nguyện cầm giấy báo đậu trong tay. Đoan Hạnh cũng được may mắn như Hạ. Chỉ có cô bạn thông minh nhất của lớp Hạ không những bị rớt Cao Đẳng mà liên tiếp nhận những điều không may dồn dập xảy đến. Ngày Ngọc Bích tuyệt vọng không thấy tên mình trên bảng điểm là ngày con nhỏ cùng gia đình tìm cách chạy trốn ra khỏi nhà. Đến thăm Hạ, Bích nói vội vàng:
- Ngọc Bích tặng Đan Hạ cái này.
Hạ mở cái gói giấy nhỏ ra và kinh ngạc:
- Chiếc nhẫn cẩm thạch?
- Đây là chiếc nhẫn me Ngọc Bích cho. Ngọc Bích tặng Đan Hạ để kỷ niệm.
Hạ cười:
- Hạ không lấy đâu. Hạ không thích đeo trang sức đắt tiền.
- Không lấy thì Ngọc Bích giận đó vì mai Ngọc Bích đi rồi.
- Ngọc Bích đi đâu?
Hạ không hỏi thêm vì không muốn khơi dậy nỗi buồn của bạn. Học giỏi thông minh như Ngọc Bích mà thi rớt quả là chuyện khó tin. Hạ biết và tin là những người chấm thi chấm cả lý lịch học sinh. Ba Ngọc Bích bị gán chức là “ Ngụy Quyền” nên phải lao đao với những xét duyệt gắt gao của chính quyền mới. Ngọc Bích cũng là nạn nhân như ba mình.
- Gia đình Ngọc Bích phải vào Sài Gòn vì họ sắp lấy nhà.
- Lấy nhà? Vì sao vậy? Nhà của ba mẹ Ngọc Bích mà?
- Đúng vậy. Nhưng họ nói là họ sẽ tịch thu tất cả những nhà của những người có chức vị lớn ngày xưa vì những người này có tội với nhân dân.
- Có tội? Tội gì?
Ngọc Bích mỉa mai:
- Tội là làm lớn, nhiều tiền, và “bóc lột nhân dân”. Vì chỉ có những tội này nên gia đình Bích mới có nhà lớn để ở.
Hạ ái ngại:
- Làm lớn mà có tội sao? Hiền lành như ba Ngọc Bích mà hại người nào?
Ngọc Bích thở dài:
- Người ta nói vậy, mình phải chịu vậy.
- Gia đình Ngọc Bích phải đi cả sao? Làm sao chuyển đồ đạc?
- Phải bỏ lại tất cả thôi Đan Hạ à! Gia đình Ngọc Bích trốn đi để khỏi bị bắt, chứ đâu phải dọn đi đâu mà chuyển đồ.
Hạ lặng người không hiểu an ủi Ngọc Bích như thế nào. Vài ngày trước đây, con nhỏ buồn tênh vì tin thi rớt, nay lại bị mất nhà. Hạ lo lắng:
- Rồi gia đình Ngọc Bích sẽ ở đâu trong Sài Gòn?
- Ngọc Bích chưa biết nữa. Có lẽ thuê nhà.
-Ngọc Bích nhớ viết thư và cho Hạ địa chỉ. Khi nào Hạ nghỉ hè, Hạ sẽ vào Sài Gòn thăm Ngọc Bích. Giữ dùm Hạ chiếc nhẫn này bởi vì nó là quà của me Ngọc Bích kia mà.
CHƯƠNG 15
T
ừ lúc Ngọc Bích rời thành phố, ngoài Đoan Hạnh ra, Hạ hoàn toàn không liên lạc với người bạn nào trong lớp 12C Huyền Trân ngày xưa. Tám tháng học ở trường Cao Đẳng cùng với những cựu sinh viên Đại Học của các trường Đại học các nơi về, Hạ không thích sự chênh lệch tuổi tác và lối xưng hô “anh, chị và tôi” hay “tao và mày” của họ. Tuy nhiên, khóa học Cao Đẳng Sư Phạm đầu tiên được tổ chức tại Nha Trang này là nơi thử thách của giáo viên miền Bắc với những câu hỏi hóc búa của sinh viên miền Nam và là nơi sinh viên miền Nam có cơ hội so sánh những gì họ đang tiếp nhận với những điều họ đã hiểu biết. Trong những buổi thảo luận về lịch sử, chính trị, hay xã hội, Hạ thích nghe những lý luận của hai nhóm sinh viên cũ từ Sài Gòn, Đà Lạt và nhóm xu thời. Hai nhóm này luôn luôn tranh cãi nhau về hai thuyết khác nhau là duy vật và duy tâm. Một lý thuyết nêu cao vai trò tập thể, còn thuyết kia đề cập đến cố gắng của cá nhân. Lý thuyết duy vật được áp dụng ở các nước Cộng Sản và tôn thờ bởi những người tin chủ nghĩa Cộng Sản. Nhóm tin vào chủ nghĩa duy vật dùng nhiều bằng chứng để hùng hồn chứng minh vai trò tập thể và ích lợi của việc làm ăn tập thể nhưng họ lại ngớ ngẩn khi bị vặn về trường hợp cá nhân đặc biệt của Jules Vernes do nhóm sinh viên cũ ở Sài Gòn và Đà Lạt đưa ra. Hạ không hiểu những người xu thời có biết Jules Vernes là ai và những truyện khoa học giả tưởng của ông đã trở thành hiện thực như thế nào không. Hạ chỉ biết là chứng kiến những buổi tranh cãi như thế rất cần thiết và có ích cho sự hiểu biết của Hạ. Học chung với những người lớn tuổi, những người đã từng học đại học ngày xưa thật là thú vị bởi vì trình độ hiểu biết khá rộng khiến cho họ có những lý luận rất xác đáng và thực tế mà không có một kiến thức đơn phương nào có thể lung lạc họ được. Trong những buổi sinh hoạt chung, mấy anh chị cựu sinh viên trong lớp Hạ đã bày cho nhau những bài hát với âm điệu nhẹ nhàng ngày xưa:

“Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người.
Gần nhau trao cho nhau tim yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này
Tình yêu trao cho nhau xây đắp trên tình người.
Cho dù rừng thay lá xanh đi Cho dù bầu trời thiếu mây bay
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi...”
Những âm điệu này có thể bị cho là loại nhạc ru ngủ nhưng vì lời nhạc không có ý gì phản lại chính quyền mới nên những giáo viên trong trường bỏ lơ đi. Còn tụi sinh viên miền Nam của bọn Hạ vẫn sống yêu thương nhau với dư âm ngày xưa, cho dù mọi cái hoàn toàn thay đổi.
Sau khi đi lao động và thực tập, Hạ chính thức ra trường. Thời gian học trong trường Cao đẳng Sư Phạm, Hạ không tìm thấy điều gì mới lạ trong tình cảm để thay đổi nỗi buồn riêng. Những chiều chuộng và lời nói văn hoa của những người bạn trong trường không chinh phục được trái tim ngang bướng của Hạ. Từ lúc bặt tin Anh, Hạ không biết những người ngày xưa thay đổi như thế nào. Đi giữa Nha Trang, đi trên cát biển,
Hạ mơ hồ như mình sống ở kiếp nào khác mà trong đó thời gian xưa như một giấc mơ. Hạ không hiểu giấc mơ xưa đang từ từ lần chết trong Hạ hay Hạ đang sống như người đang chết trong giấc mơ xưa.
Sau khi ra trường, Hạ lập tức đăng ký tình nguyện ra khỏi tỉnh Khánh Hòa, mà lúc đó gọi là Phú Khánh, để không còn phải ở lại Nha Trang. Ngày nhận giấy báo đi Thuận Hải, má buồn không hiểu lý do gì khiến Hạ muốn rời thành phố. Còn nhỏ Vy thì ấm ức:
- Chị Hạ đã không hứa là chị em mình sẽ ở chung với nhau sao? Sao chị bỏ em?
Hạ muốn tâm sự thật nhiều với Vy nhưng thấy không ích gì nên đành im lặng:
- Chị sẽ luôn gửi tiền về giúp má và giúp Vy học đến lúc ra trường. Chị sẽ về thường xuyên thăm Vy mà.
Đầu tháng tư năm 1976, Hạ chính thức là giáo viên cấp hai của trường Hải Ninh, Sông Mao. Hạ dạy môn địa lý từ khối lớp sáu cho đến khối lớp chín. Một tháng làm cô giáo cấp hai thực sự là việc quá mức đối với Hạ. Những đứa học sinh to lớn, nghịch ngợm như câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” làm Hạ phải tự tập cho giọng nói mình cứng hơn và cặp mắt nhìn thẳng nghiêm nghị hơn.
Hết một tháng làm cô giáo, Hạ vào Sài Gòn thăm Ngọc Bích như đã hứa. Ngọc Bích làm ở một nhà máy dệt tơ lụa gần Lăng Cha Cả. Bích đưa Hạ thăm gia đình, chỗ làm và mọi nơi trong thành phố Sài Gòn.
Khi đến chỗ ở của Ngọc Bích, nhìn cảnh chật chội trong căn phòng thuê, Hạ thấy buồn cho gia đình Ngọc Bích, nhưng cảm thấy yên tâm vì con nhỏ đã thích nghi với môi trường mới. Hạ ngạc nhiên biết bao khi thấy con nhỏ đạp xe đạp đòn dông thành thạo đến độ không thể tin được. Dáng người cao thanh mảnh với mái tóc dài thẳng mượt đến lưng đã tạo cho nhỏ một cái vẻ ưa nhìn bên chiếc xe loại này. Ngọc Bích bày Hạ ngồi ở đòn dông rồi chở Hạ đi dưới những con đường có lá me bay như Hạ từng mơ ước trước đây. Mùi thơm dìu dịu trong tóc nhỏ toát ra. Hạ mỉm cười không hiểu sao cái người đẹp này hay làm khổ bao nhiêu người con trai lại là người thương yêu và chiều chuộng Hạ hết lòng.
Ngọc Bích lên tiếng bên tai:
- Ghét thật! Khuôn mặt Đan Hạ cái gì cũng dễ thương, ngoại trừ cái miệng móm.
Hạ cãi lại:
- Không đâu, Hạ thích cái miệng móm này vì như thế Hạ mới giống ba Hạ. Hạ chỉ có cái này của ba khi ba Hạ qua đời.
Ngọc Bích chọc:
- Mới làm cô giáo có một tháng mà giọng nói của Đan Hạ cứng kinh khủng.
Hạ đỏ mặt:
- Cũng chịu thôi chứ giọng nhão nhoẹt tụi học trò chọc hoài chán lắm.
Im lặng một lúc, Ngọc Bích nói:
- Ngọc Bích nhớ Nha Trang và biển!
-Vậy thì về Nha Trang với Hạ đi.
- Ngọc Bích sẽ về mà.
Ngọc Bích đã trở lại thăm Nha Trang như đã hứa. Không như ở Sài Gòn, Hạ và Ngọc Bích đạp xe mini song đôi dạo thành phố rồi tắm biển. Vì chỉ được ở Nha Trang một ngày duy nhất nên Ngọc Bích dành tất cả thời gian cho biển. Con nhỏ bơi sải xa thật xa ngoài khơi như muốn ôm hết biển vào lòng, rồi thả người nổi lềnh bềnh một nơi riêng biệt để nhìn lên trời.
Khi trở vào bờ, nằm dài trên bờ cát, con nhỏ nói:
- Ngọc Bích phải lấy hết nắng Nha Trang để khi vào Sài Gòn đỡ nhớ nhà!
Hạ buồn lo:
- Ngọc Bích còn có về đây không?
- Nếu Ngọc Bích còn ở Việt Nam, Ngọc Bích sẽ luôn về thăm Nha Trang, thăm biển và thăm Đan Hạ.
Hạ hiểu là Ngọc Bích sẽ rời Việt Nam một ngày nào đó bởi vì không ít người muốn đưa Ngọc Bích ra nước ngoài dù với hình thức nào. Thời gian này, thành phố vắng vẻ hơn vì mọi người ít đi lại. Thêm vào đó, những chuyến vượt biển thành công làm số người ở Nha Trang ngày xưa đã ít, càng ít đi. Mà không riêng gì ở Nha Trang, hầu như thanh niên miền Nam âm thầm tìm cách trốn khỏi quê hương bằng đường biển. Những bức thư của những người thành công hun đúc thêm sự kiên nhẫn của những người đang thực hiện. Ngọc Bích sẽ là một trong những người kiên nhẫn ấy.
Khi hai đứa chia tay nhau, Hạ thực sự hiểu rằng những gì thuộc về ngày xưa sẽ mất đi vĩnh viễn. Hạ sẽ trở lại Sông Mao và Ngọc Bích sẽ biền biệt ở Sài Gòn hay nơi nào xa xôi hơn nữa, còn Nha Trang thì trả lại cho biển.
CHƯƠNG 16 - BA NĂM SAU
Khoảng nắng rộng trước căn nhà trọ như dần dần thu nhỏ lại trên con đường đất trước mặt. Màu nắng nhạt của chiều khơi lên nỗi nhớ nhà. Hạ lấy vội vài chiếc áo nhét vào ba lô, khóa cửa nhà, và đi đến ga Sông Mao. “Tàu chợ” từ Sài Gòn ra Nha Trang thường ngừng tại Sông Mao vào lúc bốn giờ chiều. May mắn thay, Hạ vừa đến ga là đúng lúc tàu vừa ngừng. Cầm chiếc vé trên tay để theo hàng leo lên toa xe lửa đầy ắp những người buôn, Hạ cố gắng len lỏi đến gần thanh sắt, tì tay vào.
Tàu vừa chạy, người người đứng chen chúc sát vào nhau như cá hộp. Thỉnh thoảng, họ phải tránh đường cho những đứa bé bán trà đá hay thuốc lá đi ngang. Học trò Hạ thường là một hay vài đứa trong những đứa bé này. Hạ vội cuộn vé tàu và tiền vào cánh tay áo và gấp nó lên. Những đứa học trò hay buôn bán trên tàu thường kể cho Hạ nghe những chuyện cướp hay các vụ rạch các túi xách, móc túi trên tàu của những kẻ bất lương cho nên Hạ phải giữ gìn cẩn thận cái số tiền nho nhỏ mà Hạ có được. Lặng yên nhìn cảnh vật thụt lùi đằng sau và nghe tiếng xình xịch của đoàn tàu, Hạ thầm mong khi đến Phan Rí hay Phan Rang sẽ có người xuống tàu và sẽ có chỗ ngồi cho đở mỏi chân.
Khoảng tám giờ tối, Hạ ra khỏi ga Nha Trang. Buổi tối đi bộ trên những con đường về nhà, Hạ cảm thấy như người tha phương trong thành phố lạ. May mắn thay, tối hôm ấy trên con đường đến nhà Hạ có đèn. Những ngày này các khu vực trong thành phố có hôm có điện, có hôm chỉ có vài ánh đèn dầu leo lét.
Đến cổng nhà, Hạ cố giữ cho chiếc khoen cài không gây tiếng động. Khép cánh cổng lại, Hạ đặt chiếc khoen trở lại vị trí cũ. Hai cánh cửa của nhà bác cả khép kín. Từ lúc thất nghiệp, bác gần như ở vào thế giới riêng biệt và không muốn tiếp xúc với bất cứ người khách nào. Căn nhà lớn trông thật là hoang vắng. Hạ đi thật nhẹ qua bụi hoàng anh, hoa lài, dâm bụt, cây vú sữa, cây dừa, rồi đến nhà bếp của má tìm chỗ bí mật của chiếc chìa khóa nhà. Giờ này có lẽ mấy con chó trong nội đang ăn tối, cho nên chúng không biết Hạ về.
Bật công tắc điện lên, Hạ bồi hồi khi nhìn những vật dụng trong nhà. Tất cả đều y nguyên như vị trí Hạ từng sắp đặt. Tuy nhiên, mọi thứ đều bị bụi bám đầy. Mấy ngày này, có lẽ Thảo Vy đi dạy xa chưa về, còn má Hạ đã về quê ngoại. Hạ quét vội nền nhà rồi ra giếng xách nước vào lau nhà và bàn tủ. Hạ có thói quen nằm trên nền xi măng và nhìn lên các mái ngói trên trần nhà. Hạ cũng thích nhìn ngọn đèn điện bóng dài trên cây gỗ đòn dông và nhìn ánh sáng nhạt trên màu xanh ngọc của những bức tường, nơi mà thỉnh thoảng những con thằn lằn bò qua lại cắn đuôi nhau.
Nền nhà vừa khô nước, Hạ quẳng chiếc gối xuống và định bụng sẽ ngủ một giấc tới sáng dưới ánh đèn “néon”. Vừa đặt được chiếc lưng xuống, đã nghe tiếng gõ cửa vang lên, Hạ chép miệng, nghĩ thầm, “Cô Út gọi vào ăn cơm.”
Vẫn nằm yên, Hạ nói thật lớn:
- Con không ăn cơm đâu cô ơi. Con muốn ngủ thôi.
Không có tiếng trả lời, nhưng tiếng gõ cửa vẫn tiếp tục vang lên. Hạ uể oải đứng dậy, bước đến cửa, mở cái khoen cài. Đẩy cánh cửa ra, Hạ cằn nhằn:
- Con không muốn ăn cơm, con...
Chưa hết câu Hạ phải im bặt vì sửng sốt. Người đang đứng trước mặt Hạ là Quân. Hạ tròn mắt nhìn anh ta như thể mình đang ở trong mơ.
Vẫn khuôn mặt linh lợi và giọng nói tự tin ngày xưa:
- Không mời vào nhà sao?
Hạ chớp mắt, nói ngập ngừng:
- Mời vào.
Vội vàng nhặt chiếc gối lên, Hạ ôm ghì nó vào bụng, rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện trước mặt anh ta mà không biết mở lời ra sao.
Vẫn thái độ tự nhiên và bình thản như xưa, Quân hỏi:
- Khỏe không?
Hạ gật đầu và ngơ ngẩn. Từ nhà nội qua đến nhà Hạ là khu vườn rộng. Những con chó nhà nội rất dữ. Chúng không để bất cứ ai vào đến nhà Hạ dễ dàng, thế mà không hiểu sao anh ta có thể đi ngang khu vườn của nội. Chưa biết mở đầu thăm hỏi ra sao đã nghe tiếng cô Sáu gọi ngoài vườn:
- Hạ hay Vy về đó? Vào ăn cơm đi con.
Hạ cau mày, không đứng dậy, cũng không trả lời cô. Giờ này mà cô Sáu vào nhà bắt gặp chỉ có Quân và Hạ chắc hẳn Hạ sẽ bị hiểu lầm. Lúng túng không biết phải làm sao thì cô Sáu đã bước vào nhà cùng mấy con chó:
- Con mới về hả Hạ?
Bối rối chưa trả lời, cô Sáu đã vồn vã nói tiếp:
- Ủa! Quân mới xuống hả con?
Tròn mắt vì ngạc nhiên, Hạ chăm chú nhìn hai người. Ngạc nhiên hơn, khi mấy con chó dữ tợn của cô Út vẫy đuôi quấn quít xung quanh chân Quân. Cô Sáu nhấc chiếc ghế ngồi cạnh Quân, thân mật:
- Me khỏe không con? Mấy hôm trước, me con còn rảnh để xuống thăm o, còn dạo ni o không thấy me con nữa. Ba làm cảnh sát chắc bị “học tập” lâu lắm.Tội nghiệp cho me con ghê! Lo cho đàn con lại còn lo cho chồng. Thời buổi này mà lo cho nhiều người đâu phải là dễ.
Quay sang Hạ, cô nói không ngừng:
- Hạ biết không, me Quân là bạn thân của cô đó. Khi còn đi học, hai cô thương nhau lắm. O Hạnh, me của Quân, tốt lắm con à!
Hạ chưa biết nói sao, cô lại nói tiếp:
- Thôi con nói chuyện với Quân đi, chập nữa vào ăn cơm. Lâu ni Vy nó không về, còn mạ con thì cứ lo mót lúa ngoài Tuy Hòa chứ buôn bán giờ không được nữa.
Vừa nói xong cô đứng dậy nhắc chiếc ghế lại vị trí cũ:
- Quân ngồi chơi, o phải vào nhà làm bánh. Cho o gửi lời thăm me nghe con. Hôm nào rảnh o nói nhiều hơn. Hạ tiếp bạn xong, vào nhà trong chào nội và ăn cơm nghe con.
Cô Sáu vừa khuất dạng, Hạ cau mày hỏi ngay:
- Vì sao cô Sáu biết Quân?
- Quân thường xuống nhà Hạ chơi nên gặp cô Sáu. Hỏi lòng vòng mới biết me Quân và o Sáu là bạn thân ngày xưa.
Hạ nhìn anh ta không chớp mắt:
- Quân xuống đây chơi với ai?
- Với Thảo Vy. Thời gian Vy chưa đi thực tập.
Hạ muốn vặn anh ta xuống chơi với Vy để làm gì, nhưng chỉ thở dài:
- Hạ tưởng Quân đã đi rồi.
Quân ngơ ngác:
- Đi đâu?
- Đi Mỹ. Có quá nhiều người trốn đi vượt biển. Thành phố Nha Trang bây giờ mất rất nhiều người. Hạ không biết ai còn, ai đi.
Im lặng một lúc, Hạ nói tiếp:
- Lâu lắm Hạ không liên lạc với bạn bè xưa. Hạ hề không biết tin bạn cũ ở xóm Nguyễn Hoàng và Phước Hải. Quân có thường gặp Anh không?
- Anh đã lập gia đình. Gặp nhau làm gì?
- Còn Anh Thư thì sao?
- Lấy chồng giàu lắm, bây giờ chắc đi Mỹ rồi.
- Còn Quân làm gì?
- Công nhân cho nhà máy điện.
Hạ đưa ngón tay vẽ nghệch ngoạc trên miếng trải bàn, thầm nghĩ: Chuyện của anh ta giống như tiểu thuyết. Người yêu bỏ đi lấy chồng, chán đời, buồn tình, đi tìm người quen cũ. Hạ có đang là “người quen cũ” của quyển tiểu thuyết “cải lương chi bảo” này không?
- Đan Hạ có muốn ra phố với Quân ăn chút gì không? Quân hỏi.
- Không! Hạ chỉ về thăm nhà chứ không muốn đi đâu.
Ngừng một lúc, Hạ nói tiếp:
- Hạ muốn ngủ sớm để sáng sớm ngày mai Hạ đi tàu vào lại Sông Mao.
Quân ngạc nhiên:
- Hạ chỉ về nhà vài giờ thôi sao?
Hạ nhìn thẳng vào mắt anh ta:
- Phải! Khi nào nhớ nhà, Hạ chỉ về vài giờ rồi trở lại Sông Mao.
Quân đứng lên:
-Vậy Quân về cho Hạ nghỉ.
Khi đưa Quân ngang khu vườn và chờ anh ta lấy xe, Hạ để ý anh ta kỹ hơn. Khuôn mặt đẹp, cương nghị đàn ông và dáng cao ráo đã tạo cho anh ta cái vẻ phong trần. Vậy mà bao nhiêu lâu nay, chưa bao giờ Hạ có ý nghĩ nỗi buồn riêng của Hạ xuất phát từ cái bề ngoài này.
Tiễn Quân về xong, Hạ mới cảm thấy cô đơn. Thay vì vào nhà nhìn ánh đèn “néon”, và những con thằn lằn, Hạ gieo mình trên chiếc võng giữa vườn để nhìn những tán lá của cây vú sữa, những tàu lá dừa đu đưa trong gió, và chiếc sạp gỗ bán hàng trái cây của má. Chiếc sạp gỗ này được đặt nằm cạnh gốc vú sữa từ lúc má buôn bán thua lỗ vì ế ẩm. Nhìn nó, Hạ thấy nhớ má nhiều hơn.
Từ lúc buôn bán thất bại và không còn đủ vốn, má đã làm thuê cho bà dì Tư. Năm ngoái, khi Hạ được dịp về thăm nhà là lúc má đưa một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa chợ về. Tất cả hàng xóm đổ xô đến nhà Hạ thăm thằng bé. Nhìn đứa bé trai non nớt trong chiếc khăn, Hạ thích thú xin má ẵm nó ngay. Mọi người xúm xít, hỏi han má đủ chuyện:
- Chị thấy nó ở đâu vậy?
- Tôi và chị Tư chủ xạp trái cây nghe tiếng oe oe trong chiếc sọt giỏ trái cây, tưởng đâu là con mèo.
- Đến khi mở ra mới thấy là đứa nhỏ này. Nó chưa rụng rún mấy chị ơi!
Mọi người chép miệng:
- Tội nghiệp! Không biết mẹ nó bị làm sao mà lại bỏ con như vậy?
- Coi nè chị Năm, rún nó vẫn còn đỏ au chứng tỏ mẹ nó vừa sanh nó ra thôi.
- Thời buổi này nhiều người nuôi con không nổi nên phải đành vậy thôi.
Có tiếng cãi lại:
- Biết đâu được mà nói. Nhiều khi mẹ nó không có chồng mà lỡ có con thì sao?
- Ừ, có lẽ mẹ nó có hoàn cảnh hay nỗi khổ tâm nào đó.
- Chị Năm ơi! Rồi làm sao chị mua sữa cho nó bú? Sữa bây giờ không phải rẻ đâu nghe chị.
- Nội cái củi, chỉ còn không có tiền mua để chụm, phải xin vỏ dừa ở các hàng bán dừa, huống hồ gì sữa.
- Còn vụ áo quần em bé nữa chứ! Chị em nào gần đây biết ai có con nhỏ, xin ít quần áo cũ cho chỉ, để chỉ cho nó mặc đi.
- Chưa bao giờ Hạ có em trai. Một đứa bé sơ sinh trai nhỏ nhắn, dễ thương với hoàn cảnh tội nghiệp đã làm cho Hạ thấy thương và ôm nó chặt hơn. Thời gian này nuôi một đứa bé thật sự khó khăn cho những người nhà nghèo. Đúng như mọi người bàn tán, gia đình Hạ không thể nào nuôi nó giống như hoàn cảnh khó khăn nào của mẹ ruột của nó vậy. Mẹ đứa bé này là ai? Bà ta có nỗi khổ tâm gì mà phải bỏ đứa con ngây thơ tội nghiệp như thế này? Tò mò tìm hiểu, Hạ mở cái khăn quấn để rờ được bàn tay của nó. Thằng bé bất chợt mở mắt ra và chu miệng mút lấy mút để rồi cất tiếng khóc to. Hạ vội vàng vuốt nhẹ trên ngực và bụng của nó. Bộ đồ nó mặc có viền rất sang. Trước khi đưa nó sang cho má, Hạ còn cẩn thận xem xét dấu tích trên chiếc khăn lông thêu hy vọng tìm được tên của mẹ đứa bé. Hạ căn dặn:
- Má nhớ giữ những vật mà nó có hiện giờ để sau này tìm mẹ cho nó nghe má.
Đứa bé khóc to như khát sữa. Những người hàng xóm tốt bụng thi nhau tìm các bình nhựa và sữa cho nó.
Người hàng xóm cạnh nhà Hạ nói:
- Chị Năm à! Trên phố Độc Lập có cặp vợ chồng giàu lắm mà không có con cái gì cả. Chị cho họ đứa bé này đi. Bây giờ mà nuôi con nhỏ cực lắm.
Người khác chen vào:
- Chị có hai đứa con gái lớn lâu lâu đi làm xa mới về. Nuôi nó, người ta sẽ dị nghị là con gái chị đã chửa hoang rồi đóng kịch. Chị nên cho người ta nuôi đi. Miệng đời mà...
Thấy má ôm ghì đứa nhỏ cho bú mà không trả lời, Hạ nhắc:
- Má có nghe bác Tám và bác Hai nói gì không?
Má bực bội:
- Nghe rồi! Nhưng ai muốn nói gì nói. Trời cho tôi gặp nó thì tôi nuôi. Biết ai giàu? Biết họ ở đâu mà tìm đưa cho họ? Hơn nữa, giàu mà họ có tốt không?
Nhìn đứa bé ngoan ngoãn nằm bú, Hạ thấy thương và muốn giữ nó như má, nhưng nhớ đến những ngày tháng cơ cực, Hạ cảm thấy cần vất đi nỗi ích kỷ và ham muốn của cá nhân.
Chờ mọi người về hết. Hạ khuyên má:
- Má nên tìm người giàu có và lương thiện để giao cho họ nuôi, cho nó có cuộc sống sung sướng hơn.
Má Hạ nổi nóng như thể ai muốn bắt đứa con ruột của bà:
- Má nuôi nó! Trời cho má gặp nó thì nó là con của má. Ai nói gì thì nói, má vẫn nuôi nó.
Hạ tức giận:
- Nó không phải là con của má. Má muốn giữ nó chỉ vì má không có con trai. Má muốn giữ nó là vậy!
- Cho con ăn học khôn lớn để bây giờ nói với mẹ những lời này phải không? Tôi biết cô bây giờ đủ lông, đủ cánh nên dạy lại tôi.
Hạ nhỏ giọng hơn:
- Má nghĩ coi, cuộc đời của má không sung sướng được thì tại sao má lại giữ nó sống theo cái khổ của má? Tại sao má không để cho nó có điều kiện ở với những người giàu có, để nó được sung sướng hơn?
Má la to:
- Bây giờ cô là cô giáo rồi cho nên cô muốn dạy ai thì dạy. Con mà dạy mẹ! Tốt lắm đó!
Hạ tự ái khi nghe những lời nói này và không thèm đề cập gì về quyết định của má nữa. Hôm ấy, Thảo Vy không có ở nhà, thành ra, Hạ chẳng biết phân trần hay tâm sự cùng ai. Chiều theo ý má, khi trở lại Sông Mao, Hạ thường gửi tiền và nhu yếu phẩm giúp má nuôi bé Trực. Xong thực tập lao động, Thảo Vy về ở với má và Trực. Con nhỏ thường viết thư kể cho Hạ nghe mọi sinh hoạt trong gia đình. Qua thư Vy, Hạ thấy thương má và Trực nhiều hơn.

Gió đêm lành lạnh như giục Hạ trở vào nhà. Khi cánh cửa khép lại, cô đơn với mọi vật xung quanh, Hạ thấy nhớ má, nhớ Thảo Vy, nhớ bé Trực. Hạ mong gặp lại tất cả những người trong gia đình Hạ, nhất là con nhỏ Thảo Vy để tra hỏi những gì xảy ra trong thời gian Hạ không có ở nhà. Chủ nhật tuần tới Hạ sẽ đón tàu về cho đến khi nào gặp được Thảo Vy và hỏi cho ra chuyện mới thôi.
CHƯƠNG 17
Biết bao lần Hạ chịu khó đu theo những chuyến tàu chợ, len lỏi đứng trong đám đông người và hàng hóa để hy vọng về nhà gặp lại Thảo Vy. Nhưng, ý định của Hạ không thể được toại nguyện. Nhỏ Thảo Vy lười viết thư cho nên hai chị em không có dịp hẹn nhau về nhà cùng một lúc. Những lần về nhà như thế, Hạ thường treo võng, nằm giữa cây dừa và cây vú sữa để nhìn lên những cành cây, tán lá, mơ mộng chuyện xa xôi và để lắng nghe những tiếng kêu của chiếc khoen cổng gỗ trước nhà bác Cả.
Quân thường xuất hiện, khi ngọn đèn nhà Hạ sáng lên vài phút, và ngồi trên sạp gỗ để nói chuyện với Hạ. Sự xuất hiện của Quân trong lúc má và Thảo Vy không có ở nhà làm cho Hạ cảm thấy vơi buồn và đỡ nhớ hai người hơn. Tuy nhiên, Hạ khẳng định với lòng: không bao giờ là nạn nhân lấp khoảng trống của anh ta.
- Quân xuống nhà Hạ chơi hoài không sợ bạn gái thắc mắc sao?
Đôi mắt Quân long lanh trong bóng tối:
- Quân đâu có bạn gái mà sợ bị hiểu lầm hay thắc mắc?
- Nhưng Hạ sợ lắm!
- Sợ gì?
- Sợ bạn trai Hạ thắc mắc chứ còn gì nữa? Đan Hạ có bạn trai sao? Triệu đã có vợ rồi mà?
Hạ bực bội, nghĩ thầm, “Anh ta nghĩ trên đời này chỉ có anh ta và Triệu thôi ư?” và lớn tiếng cãi:
- Ai nói Triệu là bạn trai của Hạ hồi nào?
-Vậy bạn trai của Hạ là ai?
Hạ nhìn thẳng vào mắt Quân, như đã từng luyện khi nhìn học trò, và cố giữ giọng nói hết sức thành thật.
- Một người trong thành phố này cũng đi dạy như Hạ. Người này không xa lạ với Quân đâu.
- Sao kỳ vậy?
- Kỳ gì?
- Hai người có tình cảm mà sao không bao giờ gặp nhau vậy?
- Bộ khi nào Hạ gặp bạn trai phải báo cho Quân biết sao?
- Có phải anh Hùng nào đó ở Thanh Minh không?
Hạ nhíu mày, trừng trừng nhìn Quân. Vì sao anh ta biết chuyện anh Hùng ở Thanh Minh? Các cô của Hạ hay là Thảo Vy? Cơn tức giận tràn dâng. Nếu nhỏ Vy mà lép xép bí mật của Hạ thì phải biết! Không hiểu sao con nhỏ lại thân thiết với cái người này?
Thấy Hạ im lặng, Quân lên tiếng:
- Không phải Thảo Vy kể chuyện anh Hùng cho Quân nghe đâu, đừng có chờ con bé về mà la nó, oan cho nó lắm.
Hạ nhíu mày nhiều hơn, nheo mắt nhìn Quân rồi thầm nghĩ: “Sao Quân đọc được tư tưởng mình chứ? Cô Út hay cô Sáu đó thôi! Qua một trong hai người này, anh ta sẽ biết Hạ không có mối quan hệ gì với anh Hùng. Nhưng mà, tại sao hai cô lại tin người con trai này nhiều đến độ đem chuyện riêng của Hạ kể cho anh ta nghe?”
Tiếp tục giữ giọng nói thành thật, Hạ phân trần:
- Không phải anh Hùng, người này ở Nha Trang. Hai đứa Hạ đang giận nhau nên chưa gặp lại. Hạ không muốn Quân đến nhà hoài sợ anh ta hiểu lầm. Nha Trang rất nhỏ và Hạ rất sợ dư luận. Chuyện gì chút xíu hay bị đồn ra to.
- Giữa Hạ và Quân chỉ là bạn thôi, có gì mà sợ chứ? Hơn nữa, lúc Hạ không có ở nhà, Quân thường đến chơi với Thảo Vy. Quân và Thảo Vy như anh em ruột. Quân đến đây để thăm bác gái, bé Trực và các o chứ đâu phải chỉ thăm Hạ đâu?
Nghe Quân nói vậy, Hạ không biết trả lời như thế nào, đành phải im lặng.
Rốt cuộc, hè năm 1979, Hạ gặp lại Thảo Vy và má. Chưa kịp chất vấn con nhỏ, đã nghe nó nói:
- Bây giờ em mới biết chị không hề yêu anh Triệu. Hèn chi, lúc anh ta đi lấy vợ, thấy chị dửng dưng.
Hạ ngắt lời:
- Nói bậy gì vậy Vy? Vy nghĩ là lúc đó chị phải khóc và la làng là: “Trời ơi! Người yêu của tôi đã đi lấy vợ rồi!” hả?
- Em biết chị là người thích giữ bí mật. Chị không muốn tiết lộ tư tưởng chị có.
Hạ chống chế:
-Vậy Vy nói xem chị đi chơi với anh Triệu để làm gì? Để bị mang tiếng sao? Nha Trang nhỏ lắm à!
- Em nghĩ là chị đang giấu em. Chị không nói sự thật.
Nghe hai đứa lớn tiếng, má la lên:
-Tụi bây đi xa thì than nhớ. Gặp nhau thì cãi um sùm!
Chiều hôm đó Quân đến nhà. Hạ thấy giận vì không biết anh ta đã nói gì với Vy. Để mặc cho Quân trò chuyện với Vy và mấy đứa bạn gái của con nhỏ, Hạ vào phòng trong nằm nghỉ.
Khi tất cả mọi người rời nhà, Hạ suy nghĩ mông lung, “Cái gì đã khiến Vy nói điều này? Có lẽ Quân đã nói với Vy là Hạ không hề yêu Triệu. Làm sao anh ta biết Hạ không yêu Triệu?” Hạ cố lục lọi trong trí nhớ những kỷ niệm cũ. Cố gắng mường tượng những khung cảnh của những đêm dạ vũ và sự hiện diện của mình lúc đó như thế nào. “Thái độ gì của Hạ lúc đó đã tiết lộ cho Quân biết là Hạ không có tình ý với Triệu?” Bạn Hạ thường nói đôi mắt Hạ buồn. “Ngoài cái buồn ra, chúng còn lắm điều, lắm chuyện gì nữa không? Chúng có nói gì, có tiết lộ điều gì khi Hạ nhìn hai người khiêu vũ không?” “Không thể như vậy đâu! Bởi vì tất cả những người quen biết và bạn bè Huyền Trân luôn nghĩ Hạ và Triệu là một cặp nhân tình kia mà!” “Ngày Triệu cưới vợ, Hạ tránh tiếp xúc với nhóm bạn trên Phước Hải đã làm cho Vy tin là Hạ buồn vì thất tình, thế sao bây giờ con nhỏ lại nói những lời lung tung, mập mờ, khó hiểu?”
Suy nghĩ vẩn vơ đến độ Hạ quên mất là mình phải trông bé Trực. Nó bò đến gần, vít vào Hạ rồi đứng lên, đòi ẵm. Hạ nhấc bổng nó lên và thì thầm:
- Phải cố gắng tập đi nghe Trực.
Thằng bé giơ tay chỉ về phía bình sữa:
- Ti... Ti...
- Muốn bú ti hả? Mới ăn bột xong mà còn đòi ti ti. Bụng to ích ních đây nè!
Hạ đưa nó lên cao đu đưa làm thằng bé cười nắc nẻ.
- Ti ti ti ti...Ti ti ti ti...
Nó lại cười vui vẻ rồi ngả ngớn, ưỡn người ra sau. Hạ gọi to:
- Má ơi! Đặt tên cho Trực là Ti đi vì nó thích nghe chữ ti ti nè.
Thằng bé không hiểu Hạ nói gì nhưng lại tiếp tục cười nắc nẻ khi nghe chữ “ti”.
Không nghe tiếng má trả lời. Hạ nói vào tai nó:
-Chị sẽ gọi em là Ti. Cu Ti!
Thằng bé tiếp tục cười nhưng không quên giơ tay đòi bình. Hạ thua cuộc, vói tay lấy chiếc bình sữa đục chứa nước gạo nấu với đường cho nó.
CHƯƠNG 18
Mùa hè năm đó, má Hạ vẫn còn lam lũ chạy gạo nuôi những người trong gia đình. Tuy nhiên, nhờ số lương ít ỏi của chị em Hạ cộng thêm sự giỏi tính toán và khéo tay của Thảo Vy đã tạo cho gia đình Hạ có những món ăn ngon. Hàng ngày,Vy thường lo nấu nướng và làm bánh còn Hạ thì lục lọi những quần áo cũ cắt lại may đồ cho Cu Ti. Lăng xăng làm việc bên nhau hai đứa huyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời. Chỉ có một chuyện mà Hạ tránh đề cập là chuyện về Quân mặc dù anh ta xuất hiện hàng ngày trong nhà Hạ.
Quân thường đến nhà Hạ vào buổi tối và mời hai chị em Hạ ẵm Cu Ti ra quán gần nhà ăn chè. Mỗi lần đi ăn chè về, con nhỏ Thảo Vy cố tình đi chơi với đám bạn gái của nó hay ẵm Ti vào nhà nội chơi để Quân có dịp nói chuyện riêng với Hạ.
Những ngày ấy, Quân đối với Hạ hết sức dịu dàng và ân cần. Sự chiều chuộng khác với ngày xưa đã làm Hạ phân vân và áy náy. Hạ nhớ đến hình ảnh bất cần ngạo nghễ của anh ta, khuôn mặt tuyệt đẹp của Anh Thư và nỗi buồn thầm kín của mình, rồi cảm thấy mình là nạn nhân của sự trống vắng. Nỗi nhớ về kỷ niệm xưa đã tạo cho Hạ cảm nhận rằng tất cả những dịu dàng của hiện tại chỉ là những mua chuộc cho việc khỏa lấp cái mất mát mà anh ta phải chịu đựng. Hạ sẽ cho Quân hiểu là không phải lúc nào anh ta muốn yêu cô gái nào cũng được đâu.
Hạ nói:
- Quân biết không, Có Quân đến nhà chơi má Hạ và chị em Hạ, gia đình Hạ vui hơn nhưng vì Hạ và bạn trai của Hạ đang giận nhau cho nên Hạ không thích anh ta hiểu lầm khi Quân đến đây.
- Quân đến chơi với Vy và Ti, không phải với Đan Hạ.
- Đúng rồi! Không phải với Hạ nhưng chị em Hạ ở chung một nhà.
- Sao khó khăn quá vậy? Quân cau có.
- Đâu có khó khăn, chỉ trừ phi Quân đến đây chơi với một điều kiện.
- Điều kiện gì?
- Quân phải chứng minh là Quân có bạn gái. Quân phải đưa bạn gái của Quân đến đây giới thiệu.
Im lặng vài phút Quân nói:
- Được, Quân sẽ đưa bạn gái của Quân đến đây chơi. Bây giờ Quân về.
Hạ sững sờ khi nghe những lời nói này. Bỏ mặc anh ta bước ra khỏi nhà, Hạ không tiễn ra cổng.
- Đan Hạ ơi! Đan Hạ ơi!
Nghe tiếng Quân ngoài thành, Hạ nhíu mày ngạc nhiên. Sao anh ta không vào nhà mà lại gọi Hạ ngoài đường như thế? Hạ lừ đừ đưa chân vào đôi dép nhựa và đi vội về phiá bức tường thành. Quân nhô đầu trên bức tường, đưa tay ra hiệu Hạ đến gần:
- Cho Đan Hạ coi cái này.
- Cái gì vậy?
- Cái móc áo.
Tì hai tay lên trên bức thành và cố gắng vói người vào trong để đưa cho Hạ nhìn những đường chữ được thắt bằng dây kẽm trên chiếc móc áo, Quân nói:
- Cái móc áo này là do Quân làm để tặng cho Ân. Hạ thấy chưa? Đây là tên Quân với Ân.
Quân chìa cái móc áo tận mắt Hạ chỉ trỏ:
- Đáng lý Quân chỉ bẻ chữ Quân thôi vì tên Ân nằm trong tên Quân rồi,nhưng Quân phải làm rõ ràng tên hai người để Ân hiểu là Quân có cảm tình với Ân.
Nhìn hai cái tên bẻ bằng dây kẽm của cái móc áo, Hạ không ngờ anh ta lại khéo tay như thế. Nhếch mép với vẻ lạnh lùng, Hạ hỏi:
- Làm xong sao chưa đưa cho người ta mà đến đây làm gì?
- Để cho Đan Hạ xem và biết là Quân đã có bạn gái.
Hạ khoanh tay trước bụng, vẻ mặt không đổi:
- Khi nào đưa bạn gái tới đây thì hãy nói.
Dứt câu Hạ quay mặt vào nhà.
Quả như Quân nói, hai hôm sau anh ta đến nhà Hạ với Ân. Ân là bạn của Vy. Tuy không đẹp như những người con gái khác nhưng con nhỏ có nước da trắng hồng và tính tình rất nhu mì, dễ thương. Những ngày này, con trai cao ráo trong thành phố lần lượt bỏ đi vượt biên, chỉ còn lại những người thấp và nhỏ con mà tụi con gái hay chọc là “bộ đội”. Dạng con trai cao ráo như Quân rất có giá cho nên sự chinh phục dễ dàng của anh chàng không gây cho Hạ một chút ngạc nhiên nào. Hạ tiếp hai người với thái độ tự nhiên, trong khi Thảo Vy có lẽ vì quá ngạc nhiên nên kéo riêng Ân xuống bếp. Chờ Ân và Vy khuất sau cánh cửa, Hạ gật đầu cười nhạt:
- Tốt lắm! Từ nay Quân có thể đến nhà chơi với gia đình Hạ.
- Hạ!
- Gì?
- Đừng bao giờ nói “tốt lắm” hay “tốt thôi” nghe?
- Sao vậy?
-Nghe kiểu dùng từ giống “bộ đội” nói chuyện lắm!
-”Tốt thôi” mới là từ của “bộ đội” dùng. Còn”tốt lắm” là từ của cô giáo dùng.
- Chữ tốt nào cũng thấy không hay hết trọi. Từ miền Nam dùng là giỏi chứ không phải tốt.
Hạ nguýt dài, không thèm cãi nữa.
Chiều tối hôm đó, khi Quân và Ân về, Thảo Vy tìm Hạ vặn vẹo:
- Không hiểu chị làm cái gì mà nay anh Quân cặp với nhỏ Ân?
Hạ cố giữ bình tĩnh:
- Con trai độc thân có quyền có bạn gái chứ. Chị có quyền gì bắt anh ta quen với ai? Đó là ý thích của anh ta mà thôi.
- Em hỏi Ân, nó kể là ảnh “tán” nó và tặng cho nó chiếc móc áo.
Vy thở dài nói tiếp:
- Em không hiểu được mọi người đang làm gì?
Không muốn Vy hỏi nhiều thêm, Hạ vội vã xin phép má đi chơi đạp xe ra phố. Lòng vòng xung quanh trong thành phố trên những con đường, Hạ cảm thấy thật cô đơn. Những con đường ngày xưa hoàn toàn đổi tên mới của những người mới. Những con người xa lạ đã chiếm hữu những căn nhà của những người xưa. Quang cảnh sầm uất nhộn nhịp trên phố Độc Lập ngày xưa đã biến mất nơi đâu. Căn nhà lớn của cô Mỹ đã bị “Nhà Nước” tịch thu từ lâu và vẫn còn đóng cửa. Khu lầu bảy nhộn nhịp ngày xưa, nay chỉ còn vài ngọn đèn loe hoe. Sau ba năm, người Nha Trang vẫn chưa nguôi với sự thay đổi. Những người mới thay thế chủ nhân của những căn nhà trên phố không đủ sức làm cho thành phố biển này nhộn nhịp với cái nghĩa hòa bình và thống nhất đất nước mà họ đã tự hào. Hôm nay phố không có điện, Hạ rẽ qua đường Trần Quý Cáp để quay về. Ngang nhà Ân, Hạ nghe tiếng kêu:
- Đan Hạ! Đan Hạ!
Ngước nhìn lên hiên lầu hướng về tiếng kêu, Hạ thấy Quân nhoài người ra ngoài lan can giơ tay chào. Mặt anh chàng hớn hở như đang được thưởng. Bên cạnh Quân, thấp thoáng dáng Ân trong bóng tối. Hạ nhíu mày, gật đầu chào và thầm trách sao mình đi về trên con đường này.
Tối hôm ấy, trời khuya lắm nhưng Hạ không ngủ được. Đem ghế ngồi trước nhà, Hạ ngắm những búp hoa Quỳnh lòng thòng, đu đưa trong gió. Chậu hoa Quỳnh này Hạ trồng từ năm học lớp chín. Lúc Hạ trồng nó, má và các cô cản không cho vì dị đoan. Những người lớn này nghĩ là con gái không nên trồng những loài hoa nở về đêm như Lài, Quỳnh, Thiên Lý... bởi vì con gái mà trồng những loài hoa này sẽ đem lại những sự không may mắn trong tình cảm. Hạ không hiểu có phải tình cảm của Hạ không may mắn vì trồng loại hoa này không? Hạ không tự trách mình đã trồng cái khóm Quỳnh này, cũng như không trách mình đã làm mất những gì mình đang có. Hạ xót xa khi nhận thức được tất cả những gì Hạ muốn lúc nào cũng ngoài tầm tay với, như những bọt bóng dễ vỡ. Cánh tay run khi xưa thật sự chỉ là cảm xúc nhất thời tại sao Hạ cứ phải bận tâm, tại sao Hạ không thể quên nó đi? Còn vài tuần nữa mới hết hè, Hạ mong thời gian qua thật mau để vào lại Sông Mao.
Tiếng mở cửa kèm theo tiếng của Thảo Vy:
- Chị Hạ chưa ngủ sao?
Hạ cố giữ giọng nói thật tự nhiên:
- Chưa! Chị muốn nhìn những chiếc hoa Quỳnh này.
Vy nhấc chiếc ghế ngồi cạnh Hạ:
- Những cái hoa còn nhỏ. Phải đến hai ngày nữa chúng mới nở được
Ngước mặt lên trời, Vy nói tiếp:
- Còn hai ngày nữa là đến rằm. Em thích hoa nở đúng rằm.
Hạ ngạc nhiên:
- Vy mong hoa nở lúc có trăng để làm gì?
- Để nhìn trăng, ngắm Quỳnh nở và ăn bánh uống trà.
- Uống trà? Uống với ai?
-Với nhóm bạn của em.
Hạ đùa:
- Vy hư ghê, biết uống trà, uống cà phê, may là chưa uống rượu.
Vy phân bua:
- Không phải em hư mà tại vì biển. Biển đã làm em biết uống trà! Tụi em thường đem trà và bánh ra biển ngồi ngắm trăng và nhâm nhi. Bộ chị Hạ không nhớ bài thơ của nhóm bạn em và chị đặt ra trên dốc đá Hòn chồng sao?
Nhớ lại lúc chị em đoàn tụ, Vy thường rủ Hạ đi chơi cùng với nhóm bạn trường Lê Quý Đôn của nó, Hạ tủm tỉm cười:
- Bài thơ mà chị đã bắt đầu bằng câu: “Trăng còn e thẹn chưa muốn lên,” phải không?
Vy reo lên:
- Đúng rồi! Em tưởng chị quên rồi chứ!
Nói xong, con nhỏ ngâm nga từng câu một:
“Trăng còn e thẹn chưa muốn lên.
Lác đác mây đen phủ khắp đầu.
Từ chốn xa xôi ta tìm đến.
Trời rắc hương nồng, biển mông mênh.”
Im lặng một lúc, Vy hỏi:
- Chị có nhớ ai đặt câu cuối không?

- Nhớ chứ! Anh Thiện phải không? Anh ấy tài ghê. Trong khi cả nhóm đều bí, không ngờ anh ta đã đặt được câu ấy.
- Anh ta chết rồi!
- Chết? Vì sao?
- Anh ta đi bộ đội và chết tại Cam Bu Chia.
- Vì sao đi bộ đội?
- Em không biết, chắc ảnh bị bắt đi.
Hạ yên lặng khi nghe tin này. Có một lần, người này đã trao cho Hạ chiếc thuyền được xếp bằng giấy với những hàng chữ thật đẹp:
“Đừng hối thúc khi tình mình chưa chín tới.
Vì hôm nay trái nhớ chẳng ngọt ngào.
Ơi hạnh phúc chưa bao giờ với hái.
Nước mắt ngập ngừng khổ biết dường bao.”
Sau khi đọc những lời thơ này, Hạ đã giận kinh khủng vì hai chữ “hối thúc”. “Ai hối thúc anh ta điều gì chứ? Vô duyên!” Đến khi đọc mãi bài thơ, Hạ mới hiểu ý câu thơ mà Thiện diễn đạt: Anh ta tự nói với chính anh ta chứ không phải nói với Hạ. Nhưng mà, lúc Hạ hiểu được ý nghĩa bài thơ là lúc Hạ tuyệt giao với anh ta rồi. Hạ không hiểu được con trai. Khi mấy đứa trong nhóm bạn Thảo Vy “làm mai” nhỏ Phương cho anh ta thì anh ta vui vẻ như yêu thương Phương lắm, nhưng sau đó, lại làm thơ cho người khác thì quả là “rắc rối cuộc đời”! Người ta thường nói tình yêu là một cuộc đuổi bắt không ngừng. Những người yêu nhau chạy lòng vòng trong cái vòng lẩn quẩn, không bao giờ dừng lại được. Hạ chưa bao giờ thưởng thức được hương vị yêu thương ngọt ngào của hai người yêu nhau vì vậy khi nhớ đến cuộc tình của Quân và Anh Thư, Hạ thấy tiếc cho hai người đã không hoàn thành một chuyện tình đẹp.
Hạ thở dài buồn bã lẩm bẩm:
- Cái gì cũng mất, cái gì cũng tiêu ma.
- Chị Hạ buồn hở?
- Buồn chứ! Nghe người quen mất thì phải buồn rồi.
Vy nghiêng mặt nhìn Hạ:
- Còn chuyện anh Quân có bạn gái, chị có buồn không?
- Việc gì phải buồn? Anh ấy có phải là người yêu của chị đâu?
Vừa dứt câu, Hạ đứng dậy nhắc chiếc ghế:
- Chị buồn ngủ rồi. Chị phải vào nhà đây.
CHƯƠNG 19
Hơn một tuần, Quân không đến nhà. Má Hạ thắc mắc hỏi Vy:
- Dạo này sao không thấy Quân và Ân đến chơi vậy con?
Hạ im lặng nghe Vy trả lời:
- Anh Quân đi chơi với Ân. Ảnh thường đưa Ân lên nhà ảnh. Con nhỏ Ân giờ chơi với em gái út của anh Quân thân lắm nên nó không xuống đây chơi nữa.
Tiếng thở dài của má và lời nói của nhỏ Vy đã khiến Hạ nhớ lại ngày Hạ cùng Anh đến nhà Quân. Hạ nhớ khẩu súng Quân để trên bàn khi Hạ than vãn buồn chán. Hạ nhớ đến sự ngạo nghễ và ngang tàng của anh ta, kèm theo hình ảnh Hạ say rượu nằm sóng xoài trên đường. Hạ thật sự cần tỏ ra lạnh lùng và cao ngạo hơn là mong mùa hè qua thật mau.
Tối hôm đó, Hạ rủ Vy đi biển chơi. Hai chị em đạp hai chiếc xe song song nhau trên đường Duy Tân đến tận khu Nguyễn Thiện Thuật.Vy nói:
- Đến đường này nhớ chị Đoan Hạnh và Ái. Chị Đoan Hạnh từ lúc đi dạy xa, ít khi về. Em nghe nói chị bị suyễn nặng lắm. Còn nhỏ Ái từ lúc đi làm thư ký cho trường Lê Quý Đôn thì biệt tích luôn.
Con nhỏ liên tục nhắc tới những người bạn ngày xưa làm Hạ bâng khuâng, muốn khóc. Hạ cố quên đi những ngày cũ để tự tạo cho mình một con người đang sống ở một thế giới khác, nhưng có được đâu. Những con đường Nha Trang và biển luôn luôn gợi nhớ những kỷ niệm mà Hạ đã cố quên đi. Rồi sự hiện về của một người. Một người không hiểu vô tình hay cố ý khơi lại niềm đau xưa. Hiện tại, Hạ là người vừa ở trong mơ, vừa sống trong những cái có thực. Những cái thay đổi trái nghịch của hai thế giới tồn tại trong tâm hồn Hạ, làm Hạ cảm thấy chơi vơi và đau thương. Hạ phải làm gì đây? Phải làm gì để thoát khỏi những muộn phiền trong tư tưởng?
- Quay lại đi Vy. Em có muốn xuống biển ngồi với chị một chút không? Hạ đề nghị.
Vy gật đầu hớn hở:
- Em thích ngồi dưới biển và tâm sự với chị lắm...
Đặt hai chiếc xe nằm trên cát, hai chị em ngồi cạnh nhau. Trước mặt hai đứa là biển và bầu trời như gắn liền. Hôm nay vẫn còn có trăng. Mặc dù trăng không còn tròn đẹp như ngày rằm nhưng ánh sáng của nó vẫn còn đủ chiếu khắp mọi nơi trên biển. Màu đen thẫm của biển và lam nhạt của trời làm rõ hơn đường chân trời, nơi mà cái mũi nhọn của Hòn Yến như cái nón lá úp lên trên. Các hòn đảo xa hơn mờ ảo, mơ màng như khuất trong sương mù. Vài chiếc ghe đánh cá lập loè ánh đèn lúc ẩn, lúc hiện, nhè nhẹ di chuyển từ nơi này sang nơi khác như muốn trang trí thêm cho cảnh đêm của biển. Biển về đêm là lúc biển phẳng lặng yên nghỉ sau một ngày nô đùa với những người trong thành phố. Nhưng mà, lúc này biển phải gợn lên chập chờn để lắng nghe gió mang những lời thì thầm từ những hòn đảo xa về. Gần bờ, những con sóng nhỏ lăn tăn thi nhau vuốt ve cát vàng, vô tình tạo nên một viền bọt trắng dài xa tắp. Vẻ đẹp thơ mộng và hiền hòa của biển như làm thi vị hơn cho những đôi nhân tình đang ngồi trên cát.
Yên lặng một lúc để chiêm ngưỡng tuyệt tác của thiên nhiên, Hạ ngước mặt, nhìn lên trời. Hàng ngàn vì sao ngự trị trên cao như những hạt kim tuyến lấp lánh.
- Vy có thích nhìn sao băng không?
- Khi thấy sao băng là thấy dấu hiệu một người vừa mới chết. Cho nên, nhìn sao băng có gì hay đâu?
Hạ hỏi:
- Ai nói cho Vy cái này?
- Em nghe bạn em nói, mà em nghĩ là đúng, vì mỗi ngôi sao tượng trưng cho một người ở trên đời.
Thấy Hạ yên lặng, Vy hỏi tiếp:
- Chị không tin sao?
Hạ lắc đầu:
- Chị không biết, nhưng có thể lắm chứ, vì mỗi người là một thế giới, một hành tinh mà!
Vy hỏi:
- Chị thích nhìn sao băng hả?
- Ừ.
- Vì sao kỳ vậy?
- Trước năm 1975, chị thường ngồi ngoài biển chờ sao băng để ước điều mình muốn được xảy ra.
Vy cười khúc khích:
- Ai nói chị cái này vậy? Chị ước bằng cách nào?
Hạ đỏ mặt:
- Chị thường đặt tay lên hột nút đầu tiên trên áo, chờ khi thấy sao băng, mở ngay hột nút đó ra, rồi nói điều mình ước.
Hạ nói thêm:
- Bạn chị bày khi chị đi biển chơi với tụi nó. Chị làm nhiều lần, nhưng khi ước chỉ ước thầm thôi không cho tụi nó nghe.
Vy tiếp tục cười:
- Hôm nay em không ước được gì rồi vì em mặc áo tròng đầu, không có nút.
Đột nhiên, con nhỏ chăm chú nhìn Hạ:
- Có khi nào điều chị ước trở thành sự thật không?
- Có chứ, chẳng hạn như ước mơ Vy về Nha Trang ở với chị đó.
Vy thở dài:
- Nhưng mà lúc em về, chị lại bỏ đi.
Hạ cúi thấp đầu:
- Chị có nỗi khổ tâm riêng. Chị sợ kỷ niệm, mà kỷ niệm xưa luôn hiện về khi chị còn ở Nha Trang.
Giọng Vy đều đều:
- Chị biết không. Khi chị đi, em thường ngồi khóc một mình vì nhớ chị, còn má thì buồn lắm. Từ lúc có Ti, má đỡ buồn hơn vì bận rộn lo cho nó. Má làm cật lực để chạy từng đồng mua sữa. Cuối cùng, vì không thể nào kiếm tiềnđủ tiền mua sữa, má phải nấu cháo gạo, lấy nước hòa đường cho nó bú, và cho nó ăn bột dặm thêm.
Ngưng một lúc, Vy nói tiếp:
-Vì ăn thiếu thốn, Ti bị ghẻ lở đầy mình. Em cảm thấy bất lực vì không có một người nào giúp đỡ cho. Thời gian đó, anh Quân đến nhà mình chơi, giúp má và gia đình mình nhiều lắm.
Hạ hồi hộp:
- Quân đến nhà mình từ sau khi má nuôi Ti sao?
- Đúng vậy. Anh ta thương nó lắm. Ảnh phụ má và em chăm sóc nó mà không ngại nó ghẻ lở gì cả.
Hạ cúi đầu, dùng ngón tay vẽ ngoằn nghèo vô nghĩa trên cát. Hạ hiểu tính tình Quân. Bề ngoài ngang tàng và bất cần nhưng anh ta vốn dĩ là người luôn luôn giúp đỡ người khác thật lòng và vô vụ lợi. Chính vì điều này mà Hạ không thể quên nỗi buồn riêng của mình, cũng như cánh tay run ngày xưa. Khổ nỗi cái ngang tàng tự cao tự đại của cả hai đã không đem lại được gì cho nhau.
Thấy Hạ im lặng lắc đầu, Vy nói:
- Anh Quân thương chị lắm đó chị Hạ. Anh đến nhà chơi hoài với hy vọng được gặp chị, nhưng không thấy chị về.
Hạ cười buồn lắc đầu:
- Em không hiểu được chị đâu Vy. Thôi, mình về nghe, hôm nay không có sao băng. Chị hy vọng là ngày mai đi chơi biển, chị em mình sẽ ước được những điều chị em mình muốn.
Tối ngày hôm sau, Hạ và Vy không đi biển được vì Quân đến nhà, sau đó Ân lại đến. Để Thảo Vy tiếp chuyện với hai người, Hạ đem chiếc võng mắc ngoài vườn nằm với Ti và chờ hai người về. Ngọn đèn đường chiếu vào vườn làm rõ hai chiếc xe đạp của Quân và Ân kề nhau. Hạ lầm bầm:
- Giờ này mà còn chưa đi chơi để tự tình, còn lân la gì không hiểu.
Thằng bé Ti không chịu nằm yên trên võng. Thỉnh thoảng, nó ngẩng đầu lên, quay cổ vào nhà. Thình lình, có tiếng hỏi sau lưng:
- Không đi chơi đâu sao?
Hạ giật mình, ngồi bật dậy và quay người ra sau nhìn người vừa lên tiếng:
- Ủa! Sao không ở trong đó, ra đây làm gì?
Quân nói:
- Ra đây cho mát một chút. Hạ muốn đi ăn chè không?
Giọng Hạ chua như dấm:
- Hạ đi làm gì? Không có Hạ sẽ vui vẻ hơn.
Quân tỉnh bơ:
-Không đi thì đỡ tốn mấy đồng. Mai gặp lại Hạ vậy.
Hạ ấm ức, xốc cu Ti đứng dậy và bỏ vào nhà để mặc anh ta ngồi ngoài vườn một mình. Thấy Vy và Ân thì thầm tâm sự, Hạ không biết nói chuyện với ai đành vào giường nằm chơi với Ti.
Tối hôm đó, Hạ không ngủ được vì tức thái độ bất cần của Quân, mất một buổi tối đi chơi biển, và cái tội nói dông dài nhiều chuyện của Thảo Vy. Khi con nhỏ chun vào giường và nhét cửa mùng, Hạ nhắm nghiền mắt như đã ngủ say. Đợi lúc Hạ trở mình, nó lên tiếng ngay:
- Chị Hạ biết không! Ân tâm sự với em là mấy ngày nay, anh Quân hờ hững với nó lắm. Cử chỉ của ảnh khác những ngày đầu tiên làm nó buồn.
Hạ mở mắt, cố nhìn Vy trong bóng tối:
- Tại sao em lại kể chuyện Ân tâm sự với em cho chị nghe?
- Bởi vì em biết chị hiểu những gì đang xảy ra.
Hạ bình thản:
- Làm sao chị hiểu Quân được? Anh ta tự cao tự đại, nghĩ rằng mình cao giá nên cố tình đùa giỡn với tình cảm của người khác. Không cứng rắn thì sẽ vướng vào cái trò đùa của anh ta mà thôi.
- Nhưng em biết anh yêu ai và em đã nói với chị rồi.
- Làm sao em đọc được tư tưởng anh ta được?
- Ảnh nói với em. Anh nói là anh nghĩ rất nhiều về chị và mong được gặp chị. Mỗi lần má và em về nhà, bật đèn sáng lên là vài phút sau ảnh vào nhà mình ngay, nhưng không bao giờ anh gặp chị cả.
- Vy nói cái này với chị mấy lần rồi.
- Nhưng mà em chưa nói hết chị đã cắt ngang. Ảnh tâm sự với em nhiều lắm.
Xoay mặt nhìn lên nóc mùng, Hạ nói:
- Em biết chị Anh Thư phải không? Chị đẹp đến mình còn thích, huống gì con trai. Anh ta mất chị Thư nên muốn tìm người lấp vào khoảng trống thôi. Chị không thích ở vào khoảng trống ấy. Sau 1975, chị Thư lấy chồng đi Mỹ, bỏ ảnh, nên sau đó ảnh mới tìm đến chị.
Tiếng Vy vội vã bên tai:
- Đâu phải ảnh bị chị Anh Thư bỏ lấy chồng mới tìm đến chị đâu!
Hạ xoay lưng về phía Vy, nhưng tiếp tục hỏi:
- Vậy em nói ảnh tìm chị lúc nào?
Vy đáp ngay:
- Năm ngoái.
Hạ cười chua chát:
- Năm ngoái. Đúng là năm ngoái. Vậy không phải là thời gian anh ta chờ đợi Anh Thư lấy chồng xong mới đến nhà mình sao?
Vy cãi:
- Sao ảnh xuống đây được? Ảnh bị tù ngay khi mấy ông “Cách Mạng” vào Nha Trang mà.
Hạ không quay mặt lại nhìn Vy. Cái tin nó tiết lộ thật là quá kinh ngạc. Từ lâu Hạ không liên lạc với Anh và những người bạn xưa vì không muốn tìm hiểu về những người liên quan đến chuyện buồn thầm kín của mình. Hạ chưa bao giờ nghĩ Quân bị bắt. Tại sao Quân bị bắt? Anh ta có phải là lính Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa đâu? Hạ nhớ lại khẩu súng ngày xưa Quân để trên bàn và nghĩ đến tính tình của anh ta. Có phải anh ta đã chống lại những người Việt cộng khi họ tấn công vào Nha Trang không? Có phải Việt cộng đã phát hiện anh ta có súng không? Hay là Quân đã kháng cự khi người ta bắt ba của anh ta? Hạ không hỏi thêm gì, cũng không cãi lại lời nào với Thảo Vy. Bây giờ mọi việc đã lỡ cả rồi. Quân đã quen Ân, đã hứa hẹn, và đã gieo hy vọng cho con bé. Nhỏ Ân đã được giới thiệu với những người nhà trong gia đình của anh ta. Còn Hạ chẳng là gì. Hạ chỉ là một cái bóng vô hình mà chẳng người nào trong gia đình Quân biết Hạ là ai. Hạ tự trách mình là đứa ngu muội nên mới trồng khóm Quỳnh. Vì đã không nghe lời người lớn cho nên phải chuốc cái không may trong tình cảm. Tuy nhiên, Hạ chấp nhận chịu đựng thêm đau khổ để khỏi phải đưa con bé Ân rơi vào tình trạng của Hạ ngày xưa.
Thấy Hạ yên lặng, Vy tiếp tục thao thao:
- Anh Quân không coi chị là người thay thế khoảng trống nào đâu. Người mà anh ta yêu thật tình là chị. Tại vì chị tự đánh mất cái chị có mà thôi. Chị đừng để mọi sự trầm trọng hơn nữa.
Đầu Hạ chứa nhiều thứ hỗn độn đến độ Hạ hiểu mình phải làm như thế nào.Vài phút sau, không nghe nhỏ Vy nói, chỉ nghe tiếng ngáy đều đều của con bé, Hạ vẫn không tìm được một giải pháp nào để dứt khoát mối tình câm ngoại trừ những giọt nước mắt ứa đầy trên mặt gối.
CHƯƠNG 20
Những ngày tiếp theo đó, Hạ thường xuyên đi chơi với những người bạn sinh viên cùng học chung trong trường Cao Đẳng Sư Phạm trước đây. Quân vẫn thường xuyên tới thăm má Hạ, Thảo Vy, và bé Trực. Trái lại, Ân không đến nhà. Thảo Vy vẫn bận rộn muôn đời với bánh trái và bếp núc, lẫn bạn bè. Con nhỏ thích làm những món ăn lạ mà nó học được khi còn ở Sài Gòn rồi mời bạn bè đến thưởng thức để được khen.

Một buổi chiều, khi căn nhà Hạ vui nhộn vì tiếng nói tiếng cười của đám bạn nhỏ Vy và Quân. Hạ ở nhà với mọi người. Chờ lúc không có ai trong nhà, Quân lần đến hỏi chuyện:
- Đan Hạ có biết lòng người hay thay đổi không?
Hạ đáp ngay:
- Có chứ, những ngày này, cái câu: “Gió phất chiều nào, theo chiều ấy” nghe thuộc như cơm bữa đó.
- Nhiều người hiểu như vậy là không đúng mà vẫn làm.
- Ý Quân muốn nói gì?
- Quân nghĩ ngày xưa bạn học cùng chung khối lớp. Sau chiến cuộc, vì hoàn cảnh mình không có bằng cấp làm công nhân quèn bị người ta khi dễ.
- Sao Quân biết người ta khi dễ?
-Biết chứ! Như Đan Hạ vậy đó. Đan Hạ chỉ quen những người làm thầy cô giáo chứ đâu thèm chơi với những người làm công nhân như Quân.
- Ý Quân muốn nói Hạ là người phản bội bạn bè hay người ham danh lợi?
- Không biết!
- Không biết tại sao nói?
- Tại buồn.
Im lặng một lúc, Quân hỏi:
- Bây giờ “bạn bè” mình đi xi nê nghe?
- Phim gì?
- Không biết!
- Không biết sao rủ “người ta” đi?
- Tại Quân đâu biết Đan Hạ nhận lời. Đi nghe?
Hạ cười:
- Ừ! Chờ Hạ một chút.
Dứt lời, Hạ thoăn thoắt những bước chân tươi vui vào phòng để tìm chiếc áo hợp ý nhất.
Hôm ấy, Hạ đã làm cho mọi người trong gia đình ngạc nhiên vì Hạ đi với Quân ra khỏi khuôn viên nhà. Ngồi sau lưng Quân trên cái xe đạp cũ kỹ, Hạ cười thầm khi nghĩ đến chữ “công nhân quèn” mà anh ta dùng.
Ra đến phố Độc Lập, loanh quanh các góc phố, Quân quyết định coi phim trinh thám do Nguyễn Chánh Tín đóng. Được vé trên lầu ngồi gần lan can, Hạ có thể nhìn thấy quang cảnh xung quanh rõ ràng. Khán giả đi xem ăn mặc hết sức giản dị nếu không nói là luộm thuộm. Hoàn cảnh mới khiến mọi người cảm thấy bề ngoài không giá trị nữa. Nhiều người con gái mặc quần áo nhàu nhèo, xốc xếch như thể họ đang ở nhà. “Xi nê” bây giờ không là điểm của các cô gái điệu đà chưng diện quần áo mới, kiểu mới, cũng không phải là chỗ hẹn hò lịch sự của những đôi tình nhân mới quen nhau. Hạ nhớ quanh cảnh ngày xưa đi xi nê cùng bạn bè.
Cũng cái rạp Tân Tân này, cả nhóm mặc áo dài trắng vào xem phim “Romeo và Juliette” với một bao xoài ngâm, một bọc nhãn và một bó mía chẻ. Người soát vé rạp lắc đầu nhưng lại mỉm cười. Lũ “con gái Huyền Trân” xưa chuyên môn ngịch ngợm khi đi cả đám. Trái lại, khi chỉ hai ba đứa đi xem phim thôi thì mấy cô nữ sinh này trở nên nhu mì, nhai chầm chậm những mẫu kẹo cao su xanh hoặc trắng.
- Hạ ăn kẹo nè. Quân chìa mấy thỏi kẹo trước mặt Hạ.
Hạ ngơ ngác, không hiểu anh chàng mua từ lúc nào. Chưa kịp nói gì, Quân đã nói tiếp:
- Ăn ngọt thì được nhưng phải giữ hai chiếc răng khểnh cho Quân. Đừng để mất chúng.
Nói xong, anh ta huyên thuyên kể cho Hạ nghe cốt truyện và tóm ý những tập đầu của cuốn phim sắp chiếu. Hạ mơ màng nghe anh ta nói nhưng không nhớ được gì. Câu dặn dò của Quân về hai cái răng khểnh làm Hạ nhớ lại câu nói mà Hạ đã nghe bốn năm về trước trên đường đến nhà Anh dự tiệc sinh nhật. Vậy mà, lúc đó Hạ cho rằng câu nói ấy chỉ là bâng quơ vô nghĩa. Thực sự, muốn hiểu con trai không phải là chuyện dễ dàng.
Cuốn phim Việt Nam mà Hạ xem với Quân có lẽ là cuốn phim mà lần đầu tiên diễn viên miền Nam đóng chung với diễn viên miền Bắc. Hạ không hiểu rõ câu chuyện mà chỉ nhớ Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân với cái áo “măng tô” phong trần và cái răng khểnh có duyên. Lần đầu tiên, Hạ thấy diễn viên miền Nam ngày xưa đóng vai chính trong phim “Cách Mạng”. Hạ không hiểu tại sao Quân đưa Hạ đi xem cái phim không đầu và còn phải chờ những phần kế tiếp của khúc đuôi. Vài hôm nữa thôi là Hạ phải trở lại miền khô khan và nóng bỏng của Sông Mao; lúc đó, cho dù rạp hát Tân Tân này được phép chiếu những phim tình cảm lãng mạn ngày xưa, Hạ cũng không thể nào xem được nữa. Hạ nghĩ đến ngày trở về Nha Trang, nơi mà Hạ đã sinh ra và lớn lên với hy vọng niềm đau trong tâm hồn sẽ được xoa dịu lại.
Quân thường xuyên đến nhà để nói chuyện với Hạ nhưng không bao giờ anh ta đề cập đến những kỷ niệm của ngày xưa. Cái thường xuyên mà cả hai thường làm là đạp xe song đôi dọc trên đường biển Duy Tân khi trời xẩm tối.
Một hôm, khi đạp xe trên đường biển, anh ta đưa tay chỉ xuống bãi cát trước viện Yersin:
- Hạ muốn xuống biển ngồi không?
- Muốn.
Đặt hai chiếc xe tựa vào nhau, Hạ đến ngồi cạnh bên Quân. Nhìn những cặp tình nhân ngồi tự tình bên nhau, Hạ cảm thấy ngượng ngập không hiểu anh ta sẽ nói điều gì và Hạ sẽ phải nói điều gì? Tiếng của Quân phảng phất trong gió:
- Đan Hạ!
- Hở?
- Đan Hạ có biết Quân bị ở tù không?
- Có.
Giọng nói anh chàng đều đều:
- Những ngày Quân bị tù khủng khiếp lắm. Tụi Việt Cộng đối xử với Quân rất dã man. Tụi nó nhốt Quân dưới hầm tối cùng với một vị sư. Chỗ nhốt chỉ vừa đủ hai người ngồi. Ăn, ngồi, tiêu, tiểu chỉ trong phạm vi chỗ nhốt. Mỗi ngày họ cho Quân chỉ một chén cơm. Quân ăn trong bóng tối với mùi hôi thối bởi vì trong hầm chỉ toàn là nước tiểu và phân. Lúc đó, Quân thật muốn tự tử chết cho xong.
Hạ lặng người khi nghe anh ta nói. Hạ muốn nói một vài lời để an ủi nhưng cổ Hạ như bị một vật gì chặn ngang.
Quân nhìn Hạ và nói tiếp:
- Vị sư bị nhốt cùng với Quân đã bày cho Quân cách quên đi nổi khổ sở và mùi hôi thối xung quanh. Thầy ấy khuyên Quân nhắm mắt lại và mơ tưởng đến những gì mình thích nhất. Lúc đó, Quân nghĩ đến Hạ. Và suốt bao nhiêu ngày dưới hầm tối ấy, Quân dùng khuôn mặt Hạ để quên những nỗi cực khổ trong hầm tù mà Quân chịu đựng.
Chăm chú nhìn Quân, Hạ không tin được những điều vừa nghe. Nhưng khi nhìn biển yên lặng với những cơn sóng hiền hòa, Hạ cảm tưởng như chúng đang reo vui như niềm vui trong trái tim của Hạ. Những lời nói của anh ta đơn giản và mộc mạc không như những lời chân thành chau chuốt trong cuốn sách “Uyên Ương Gãy Cánh”, nhưng chúng đã đưa bao nhiêu hạnh phúc và tin yêu của Hạ dâng cao. Hạ muốn nói gì đó để đáp lại niềm thương yêu vô hạn của Quân, nhưng dường như tất cả những ý tưởng của Hạ đã trốn chạy mất.
Bẽn lẽn cúi mặt và tựa cằm vào hai đầu gối, Hạ
vẽ nguệch ngoạc trên cát rồi hỏi bâng quơ:
- Vì sao Quân bị bắt?
Im lặng một lúc, Quân ấp úng:
- Quân... Quân dính líu đến vụ cướp trên đường Độc Lập khi Việt Cộng tiến vào thành phố.
Hạ bật đầu lên, lắp bắp hỏi:
- Quân nói là vụ cướp trên đường Độc Lập?
Quân cúi mặt:
- Phải. Quân đã bị lừa.
Hạ chau mày, lo lắng:
- Vì sao? Vì sao vậy?
- Một người anh của bạn Quân nhờ Quân canh chừng dùm cho nhóm bạn ông ta khi họ vào mấy cái tiệm ở đường Độc Lập lấy đồ. Họ lấy xong, trốn đi cả, còn Quân đứng canh bị tụi Việt cộng nằm vùng chỉ điểm bắt.
Nước mắt ứa ra, giọng Hạ run run:
- Vì sao họ biết Quân canh cho tụi cướp mà bắt?
Ngập ngừng, Quân trả lời:
- Vì Quân có súng.
Như bị ai bóp ngẹt hơi thở, Hạ nghẹn ngào:
- Quân đã tham gia cướp với mấy người đó! Quân đã cùng nhóm với họ!
Quân lắc đầu, nài nỉ:
- Đan Hạ không hiểu đâu. Quân vô tội.
Hạ không hỏi anh ta vô tội như thế nào, và vì sao anh ta có thể vô tội. Hạ chỉ biết nước mắt mình tuôn ra không ngừng, thần kinh tê cứng và tay chân lạnh ngắt. Hạ nhớ lại ngày mà Hạ đến tiệm Vĩnh Thạnh của cô Mỹ sau khi các dãy phố Nha Trang bị cướp, rồi Hạ nghe tiếng chị Huế vang vọng trong tai. Hình ảnh trần truồng của chị la lết từ nơi này sang nơi khác xin bọn cướp tha tội chết hiện ra trên biển. Tiếng cười khả ố của bọn cướp gớm ghiết hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng xoáy buốt vào tận trong óc khiến cho Hạ thấy chơi vơi. Nghiêng mặt cho những giọt nước mắt thấm vào đầu gối, Hạ lại hỏi:
- Vì sao Quân phải làm như vậy? Vì sao Quân giúp những người ăn cướp?
Quân cúi đầu:
- Quân không biết.
Cũng may là anh ta không giải thích điều gì và cũng không nói thêm gì nữa. Nếu không, lời biện hộ dù có thích đáng bao nhiêu cũng sẽ xé nát trái tim Hạ.
Rất lâu, Hạ mới lên tiếng:
- Quân biết không, Hạ không có bạn trai.
- Quân biết mà.
Không nhìn mặt anh ta, Hạ cố gắng lấy hết can đảm để nói tiếp:
- Mà Hạ không thể nào có bạn trai được.
Tiếng Quân bên tai:
- Vì sao vậy?
- Hạ có bệnh.
- Bệnh gì mà không thể có bạn trai?
Hạ bối rối không biết bệnh gì để nói. Thấy tim mình đập thình thịch, Hạ nói nhanh:
- Bệnh tim. Bác sĩ nói Hạ không thể lập gia đình. Nếu Hạ lập gia đình thì sẽ bị chết ngay. Hạ cũng không thể có con được vì chứng bệnh tim của Hạ nguy kịch lắm.
- Bác gái biết không?
- Không, Hạ giấu không cho biết vì sợ má buồn. Hạ cũng không cho ai biết cả.
Quân thở dài mà không nói gì. Hạ lo lo, không hiểu anh chàng có tin lời mình không.
Một lúc sau, Quân nói:
- Hạ khám bệnh lâu chưa?
- Lâu rồi, khi còn ở trong Sông Mao.
- Không chữa được sao?
- Không. Bệnh nan y mà! Vì vậy, Hạ nhất định không muốn quen ai cả.
Giọng nói của Hạ run run và lạt đi nhưng Hạ cố gắng kết thúc lời khẳng định của mình:
- Hạ không thể nào lập gia đình được thì có bạn trai làm gì? Hạ không muốn tự làm khổ chính mình cũng như không muốn làm khổ người khác.
Quân lại thở dài và cũng không nói gì mà chỉ thòng hai cánh tay dài trên đầu gối và nhìn xa xa ra biển. Nhìn nét lo âu, căng thẳng trên mặt anh ta, Hạ muốn cầm hai bàn tay ấy và nói với anh ta rằng những lời Hạ vừa nói chỉ là những lời Hạ bịa đặt. Hơn thế nữa, Hạ sẽ nói là Hạ đã yêu anh ta vô cùng tha thiết. Hạ sẽ nói là Hạ đã cảm động với những lời anh ta nói về khuôn mặt của Hạ, và Hạ sẽ nói nhiều hơn nữa về mối tình câm nín mà Hạ đã cố giữ kín bao nhiêu năm qua. Thế nhưng, hình ảnh chị Huế trần truồng với khuôn mặt hoảng hốt, với dáng đi khúm rúm cố gắng che người trên những con đường, và hình ảnh Quân cầm cây súng đứng trên một góc đường nào đó lại hiện ra trong đầu Hạ.
Mới chỉ vài phút thôi! Mới chỉ vài phút mà những hình ảnh kinh hoàng này lại hiện ra trong tâm trí Hạ thì làm sao Hạ có thể cùng anh ta an lành với những ngày sắp đến? Hạ muốn về nhà, muốn có một giấc ngủ dài thật dài để tin rằng những gì nghe được trên biển này chỉ là những lời mơ hồ trong mơ. Thở dài tuyệt vọng, Hạ chìa cánh tay phải trước mặt Quân:
- Cho Hạ mượn một bàn tay của Quân đi.
Quân ngạc nhiên nhưng từ từ đặt cánh tay trái của mình lên trên tay của Hạ. Hạ đặt bàn tay còn lại lên bàn tay của anh rồi nói:
-Tay Quân ấm thật! Tay Hạ lạnh ghê chưa? Mình phải về thôi, nếu không Hạ sẽ bị bệnh.
Vừa nói xong, Hạ buông tay của anh ta ra. Thấy Quân không có phản ứng gì, Hạ bối rối dùng hai bàn tay múc hai nắm cát bên cạnh chỗ ngồi rồi từ từ mở chúng ra cho những hạt cát trắng tuôn rơi qua các kẽ tay. Nước mắt Hạ lại tiếp tục rơi theo những giòng tuôn của cát. Hạ phải cần can đảm. Can đảm để tiếp tục giữ sự câm nín của niềm đau và hình ảnh đẹp cũ cho đến muôn đời. Phủi những hạt cát còn lại, Hạ đứng dậy, đợi Quân đứng lên, rồi cùng nhắc xe lên đường. Trên đường về, không ai nói với ai một lời nào, mỗi người có riêng một niềm đau, niềm u hoài mà không thể giải tỏa được.
CHƯƠNG 21
Thấy Hạ chuẩn bị hành lý, Thảo Vy lên tiếng:
- Chị Hạ không cần đi Sông Mao sớm như vậy đâu.
Hạ hỏi vặn:
- Vì sao em biết chị đi?
- Em biết chứ! Và em biết chị không cần đi.
Hạ bực tức, la to:
- Làm sao mà em biết chị cần cái gì và không cần cái gì?
Con nhỏ ngang bướng như am hiểu mọi chuyện:
- Biết chứ! Chị muốn trốn chạy! Nhưng chị không cần nữa vì người chị muốn trốn đã bỏ đi rồi.
- Ai?
- Anh Quân đã xin nghỉ việc. Anh ấy bỏ Nha Trang và đi Buôn Mê Thuột rồi.
-.....
- Chị luôn luôn nói hạnh phúc đối với chị như là những bọt bóng dễ vỡ; thế nhưng, chính chị là người làm vỡ những chiếc bong bóng đó.
-.....
Nhưng mà thôi, em thấy chị và ảnh luôn luôn cãi nhau. Hai người đều tự cao tự đại, thà không quen nhau mà hay hơn!

Chiều hôm ấy, thẩn thờ ra biển một mình, Hạ vọc nước biển rồi in những dấu chân trần trên cát ướt. Vị mằn mặn trên môi làm Hạ mơ hồ không hiểu nước do sóng đánh văng lên hay những giọt nước mắt của chính mình. Cảm giác cô đơn tràn ngập, Hạ chờ những cơn sóng cuốn trôi những dấu chân buồn và nhờ chúng chôn sâu niềm đau vào lòng của biển.

11/7/2015
Cung Thị Lan
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...