Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn của Đào Sỹ Quang: Chiều muộn

Truyện ngắn của Đào
Sỹ Quang: Chiều muộn

Gã chồng cởi trần, cổ đeo chiếc dây chuyền vàng (hình thức chỉ khác cái xích chó ở màu sắc), tay đeo đồng hồ Rolex. Bộ lông ngực túa ra những sợi đen bóng, xoắn tít chạy xuống tận rốn. Hai con mắt luôn có xu thế trợn trừng. Thế thôi, cũng đủ để nói lên một người giàu có và nếu không may đụng phải tay này sẽ rất dễ  xảy ra những chuyện rắc rối! 
Hắn ngồi trên bộ salon, tay cầm chiếc điều khiển để dò kênh trên màn hình tivi phẳng. Mụ vợ, mặc chiếc váy vừa ngắn vừa mỏng,  môi xăm đỏ màu tiết gà. Móng tay, móng chân cũng cùng màu môi. Đôi mắt lúng liếng, liếc ngang liếc dọc như gái đứng đường đang tìm khách. Hai cánh tay mụ đeo đầy vòng ximen. Hai chiếc răng cửa dạng bàn cuốc, màu cà phê như muốn phóng ra để tạo thành một mái bảo vệ làn môi dưới mỏng tang (một kiến trúc hết sức phản cảm), gợi cho người ta nghĩ tới những bức biếm họa của LAP. Như một minh họa loại đàn bà lẳng lơ và lăng loàn. Nếu giấu khuôn mặt đi, phần cơ thể còn lại quả là hết sức hấp dẫn với một tay chồng đầy tiềm năng sinh dục! Mụ ngồi hớ hênh trên chiếc ghế đôn trước mặt chồng, mà bất kể một nhà văn vĩ đại nào cũng không dám miêu tả, vì nó liên quan tới phần nhạy cảm.  Nghe đồn hắn nhặt được mụ vợ này ở một lần “đi tàu nhanh”. (Lại phải xin lỗi cụ Kim Lân, vợ nhặt cũng có năm bảy loại, nếu được như vợ nhặt của cụ thì lại là cái phúc).  Mụ vợ nhìn chồng hau háu, chờ đợi để định hỏi một câu gì đó…
Nhà văn Đào Sỹ Quang ở Đồng Nai
Từ phòng bên phát ra tiếng ho khụ khụ của “ông già” (cái đại từ mà vợ chồng hắn thường dùng để chỉ bố đẻ – bố chồng).
– Thế tình hình giải quyết ông già sao hả anh? – mụ vợ hỏi.
– Tuần này nó qua đón, mẹ mày phải khéo khéo cái mồm một chút. Nếu ai hỏi, tại sao không để ông ở đây thì phải bảo là: tại chú thím nó cứ đòi đưa ông về, phòng thiên hạ lại bảo mình vừa đưa ông về lại đuổi ông đi ngay!
– Gớm, đứa nào nói vậy? Đuổi! Ai đuổi ?!
– Tử vi coi tháng này là ông già đi theo bà già đấy!
– Thế hả? Mà… có đúng không hay lại giống như Thọ Thả, thầy bảo đi trong hai tuần, giờ cả hai năm vẫn nằm đó ăn hại con cháu! Thế ông già chết thì làm ma ở nhà chú thím ấy à?
– Điên! Thế mà cũng đòi tính! Đúng là đàn bà! Nói không sai!
– Đàn bà nói không sai là thế nào?- Mụ vợ như muốn lao cả bộ mặt về phía chồng.
– Nghe phân tích nhá: nhà mình rộng rãi ở đúng vị trí trung tâm, rất thuận lợi cho khách khứa tới phúng viếng. Thứ nhất, họ hàng nhà mình rất đông. Thứ nhì, chú ấy là sếp, quan hệ rộng, chân tay nhiều, và, do đó… thế nào hiểu chưa? Nghĩ một lúc, mụ vợ liền hất cái mặt lên cười toe toét, chẳng khác gì một vai hề trong chèo:
– Hiểu rồi, chân tay nhiều thì phong bì nhiều, thảo nào thiên hạ nói anh là loại cáo già cũng phải! Hắn cười nhạt thếch, mắt vẫn dán vào màn hình xem những người mẫu biểu diễn thời trang. Mụ vợ lôi cái xác lên như muốn áp cái “của nợ” vào mặt chồng, giọng đỏng đảnh, hỏi tiếp:
– Anh đã chuẩn bị những gì để đưa ông già?
– Quan trọng nhất là ở cái điếu văn. Thuê giáo Lượng rồi!
– Gớm lại phải thuê cơ á!
– Mình viết,  ông ấy chép lại để mang tính khách quan. Trả mấy đồng đáng bao nhiêu!
Một chiều thu vàng vọt, gió heo may,  ông giáo Lượng gò lưng tôm đạp chiếc xe cà tàng tới nhà hắn. Trong đầu ông cứ lung mung những suy tư về ông cụ và bản điếu văn. Lâu lắm rồi hôm nay ông giáo mới ra khỏi nhà…
– Nói về đức độ thì khó ai bằng cụ. Mà hay thật hồi cụ bà còn sống cũng thế, khách tới nhà là tay bắt mặt mừng. Vợ chồng được cả đôi. Còn điếu văn đây bác cả xem tôi viết thế nào? – Ông giáo thận trọng đưa cho hắn bản điếu văn viết tay trên tờ giấy học trò.
Hắn căng đôi mắt xoi mói từng con chữ. Ông giáo Lượng như nín thở để dõi theo hắn đọc nhẩm. Ông quên cả cốc nước hắn rót mời hồi nãy. Đọc xong, bỗng mặt hắn tối xầm lại, rồi nhả ra câu nói chẳng thiện chí chút nào:
– Viết thế này thì hóa ra vợ chồng tôi chẳng có cái công mẹ gì, ông nhìn vợ tôi đây thì biết, người còn một nắm xương? (nói vậy chứ, mụ này, cân vội cũng phải 80 ki-lô).
– Tôi hiểu rồi, ý bác cả là phải nói lên được sự hi sinh chăm sóc ông cụ của vợ chồng bác, đặc biệt là bác dâu trưởng. Nhưng ở đây ai cũng biết vợ chồng chú Đức Phúc chăm cụ rất chu đáo. Vợ chồng chú ấy đúng là bản sao của cụ ông cụ bà nhà ta. Con cháu thì ai cũng có công, cho nên tôi viết: “ mặc dù được sự chăm sóc hết lòng hết sức của con cháu và các thầy thuốc, nhưng do tuổi già sức yếu…”.
– Thôi thôi tốp tốp! Viết lại! Ông sợ tôi không trả tiền hả?
– Chết chết, sao bác cả lại nói vậy, tôi có bao giờ lấy tiền viết điếu văn, nghĩa tử nghĩa tận ai làm thế! Mụ vợ nói chen vào:
– Thầy ca ngợi vợ chồng nhà Đức Phúc là thiên vị đấy. Chú Đức làm lãnh đạo lớn tiền của nhiều, thế mà còn đẩy ông già sang đây cho nhà tôi nuôi, thế mà cũng đòi ca ngợi!
– Tôi thấy vợ chồng chú ấy sống rất giản dị, xóm giềng ai cũng phải kính nể mà?
– Đéo viết được thì thôi, ông chỉ quen cái thói lên lớp dạy đời! Đúng là giáo không sai! Mụ vợ hùa theo:
– Người ta sắp chết rồi mà thuê cái điếu văn cũng không xong! Nói rồi, mụ vợ quay sang chồng:
– Anh chỉ được cái tin người! Giáo có nhiều loại giáo, chứ đâu phải giáo nào cũng giỏi!
Ông giáo Lượng chết lặng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời ông phải chịu một cái đau, cái nhục lớn nhất! Ông giáo như không còn định vị được những gì xung quanh…
Từ trong buồng bất ngờ ông cụ bò ra. Cả tuần nay cụ nằm liệt giường. Giọng cụ phều phào: “Thôi – khỏi – phải – điếu – văn – điếu – viếc – làm – gì…!”. Ông giáo Lượng vội chạy tới đỡ cụ dậy. Mặt ông giáo tái tê: “Con xin lỗi cụ, cụ về đây lúc nào mà con không biết…”.
– Đã yếu lại còn ra hứng chuyện! Gã chồng quắc mắt quát ông cụ. Mụ vợ cũng tớp theo: “ Còn khỏe lắm!” (ý là còn lâu mới chết).
– Vợ – chồng – anh- chị – đưa – tôi – về – nhà – Đức – Phúc…!- Ông cụ nói mà như hết hơi.
– Thích thì đi luôn! – Nói rồi hắn rút trong túi ra chiếc iPhone tìm danh bạ người em ruột…
– Cho đi luôn, chứ tôi cũng mệt mỏi lắm rồi! - mụ vợ kêu như ra lệnh.
– Cha – chúng – mày – chứ – làm – như – tao – là – cái – món – nợ – của – chúng - mày…!
– Câm hết đi! - Hắn quát lên, rồi quay sang vợ:
– Cái loại đàn bà ngu dốt! (ý là, sao lại chửi bố chồng trước mặt hàng xóm). Mụ vợ tức thì nổi loạn:
– Ngu dốt nên mới lấy ông! Không có con này á, có mà chả đi tù mọt gông rồi! Loại lừa dối! Loại giả tạo! Loại hoang dâm! Tưởng hay lắm hả!
Câu “phản pháo” của mụ vợ thật sự  hiệu nghiệm, giống như ai đó cầm chiếc kéo cắt phăng sợi dây nối vào chiếc loa điện động đang gào thét! Hóa ra đến kẻ khốn nạn cũng cần muốn có chút sĩ diện…
Cụ già nằm trên giường, mở to đôi mắt nhìn chằm chằm vào ông giáo Lượng. Một sự im lặng khủng khiếp! Đôi mắt cụ bỗng nhạt nhòa. Đôi mắt ông giáo Lượng cũng nhòa theo. Hồi còn sống cụ và ông giáo là đôi bạn vong niên đàm đạo chuyện đời rôm rả lắm. Ông giáo Lượng định nói câu gì thì bỗng giật mình thấy đôi lòng tử ông cụ giãn ra và trắng dần! Ông gọi giật giọng: “Cụ ơi, cụ ơi…”.
Nước mắt ông giáo chảy ướt góc giường trước sự ra đi đường đột của người tri kỷ.
Dịch vụ trại hòm MX được mời tới, ai vào việc nấy một cách rất chuyên nghiệp.
Đám ma đông chưa từng thấy, có cả những người bán vé số và người ăn xin cũng tìm tới thắp lên nén hương để tỏ lòng tiếc thương. Lo việc tụng niệm cúng kiếng là một nhà sư làm lễ theo nghi thức Phật giáo. Ban nhạc lễ nổi nhạc trống kèn, nghe thê lương thăm thẳm …
Trưởng khu phố G đọc điếu văn nghe thống thiết: “… được sự chăm sóc hết lòng hết sức của vợ chồng người con trai trưởng, nhưng do tuổi già sức yếu cụ đã phải về nơi chín suối…”. Quan khách trong đám tang nhìn nhau tỏ thái độ bất bình. Nhưng họ có hiểu đâu ông trưởng khu phố chỉ là người được gia chủ “chỉ định” đọc! Vợ chồng người con trai thứ – Đức Phúc hai mắt đỏ hoe đứng bên linh cữu cha ngậm ngùi…
Sau lễ bái quan là lễ động quan. Nhân quan chỉ huy các đạo tì, có tới tám người nhấc quan tài để đưa lên nhà vàng. Giữa bao tiếng khóc thương vô hạn, bỗng một âm thanh từ đâu đó phát ra nghe âm u: “ Ác giả thì ác báo!”. Người ta bảo, đó là tiếng của oan hồn ông cụ. Các đạo tì giật mình, chiếc quan tài đung điêng, nhưng không bao giờ có thể rơi được. Đó là điều mà các đạo tì phải hiểu được trước khi đưa những oan hồn về nơi xa khuất…
Tiền phúng viếng đám ma ông cụ thu được hơn ba chục triệu, thấp hơn năm, sáu lần theo dự tính của vợ chồng hắn. Hắn liền mắng người em ruột:
– Mày ăn ở với công nhân viên chức thế nào mà đến đám ma bố mày mà chúng nó đưa cái phong bì lép xẹp không bằng của mấy thằng ăn xin ăn mày?
– Họ đến thắp lên nén hương là tốt lắm rồi, mình đâu sống vì tiền phúng viếng. Phong bì dày thì phải trả nợ dày chứ sung sướng gì!
– Thời này mà mày còn mang cái tư tưởng như vậy. Ngoài kia nó tham ô đầy ra kia kìa! Mày định lên làm Thủ tướng hả! Giỏi!
– Bác đừng có nói xằng bậy như vậy. Kẻ lợi dụng chức quyền để kiếm tiền là xấu chứ đẹp đẽ gì!
– Mày định dạy tao hả, trứng khôn hơn vịt hả?
– Chính em nói với nhân viên rằng, miễn phúng viếng bằng tiền, ai dùng tiền tôi sẽ cho nghỉ việc!
– Ái chà chà! Ra thế! Thảo nào! Mẹ kiếp không bằng cái thằng Xúy lùn, nó chỉ là một cấp phó, mà đám tang mẹ nó thu về hàng trăm triệu! Mẹ kiếp, đời thằng nào ngu thì thằng ấy thiệt! Mà đời bây giờ cũng nhiều kiểu văn lắm, khối thằng mồm nói tình thương mến thương nhưng sẵn sàng giết người ta ngay được! Tao tin chó gì mày!
– Bác thì có bao giờ tin ai, chính thế mà…
– Mà sao? Mà giàu chứ gì. Tất nhiên! Tao đây chẳng vay nợ của thằng chó nào! Mà mày cách mạng thì từ nay khỏi anh em nhá!
Kế nhà hắn có vợ chồng Tư Nghĩa làm nghề mua bán ve chai. Do chịu khó làm ăn mà trở nên khấm khá, có nhà xây mặt tiền, con cái học hành giỏi giang. Hắn ghen ghét ra mặt. Trong đầu hắn, tất cả mọi người xung quanh đều là kẻ thù, nếu như tỏ ra giàu có. Thế rồi bất ngờ nhà Tư Nghĩa gặp rủi ro, do người chồng bị bệnh nan y. Tiền của cứ lao ra khỏi nhà. Thương chồng, người vợ tên Nghĩa đã quyết định bán đi ngôi nhà để chữa bệnh cho chồng. “Còn người còn của”- người vợ nghĩ vậy. Nhưng nhà Tư Nghĩa rất khó bán vì một lý do “quan trọng” là ở gần nhà một “kẻ xấu bụng”- cái hỗn danh mà mọi người đặt cho hắn! Người đi mua nhà bao giờ cũng mong muốn kiếm được nơi: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ở cạnh nhà hắn thì làm sao mà có nhân hòa!…
Cuối cùng thì lợi thế vẫn thuộc về vợ chồng hắn. Hắn đã “cò kè bớt một thêm hai” để mua bằng được ngôi nhà của vợ chồng Tư Nghĩa với giá bọt bèo. Vợ chồng nhà Tư Nghĩa, sau đó biết mình bán hớ, liền cầu cứu xin hắn trả lại, không bán nữa. Hắn lồi hai con mắt nhìn người phụ nữ tội nghiệp, rít lên câu lạnh ngắt: “Tiền trao cháo múc! Mua đoạn bán rồi!”. Đúng là “họa vô đơn chí”,  tới lúc này thì nạn nhân chỉ còn biết kêu Trời!...
Mặc dù giữa mùa bão giông nhưng hai vợ chồng hắn vẫn rủ nhau đến một ngôi chùa rất thiêng cách xa nhà chừng hơn trăm cây số để cầu vận may. Ngồi trên chiếc xe hơi đời mới – “khủng” mua ở một salon lớn nhất thành phố, hắn tự hào mình là chủ chiếc xe mang đầy đủ những tuyệt mỹ của kỹ thuật hiện đại. Hắn đặt tên cho con xe của mình là “con sư tử vàng phai-sình-na-bờ”.
– Ngồi trên chiếc xe phai-sình-na-bờ (fashionable - thời thượng) em thấy sao ? – Hắn hỏi mụ vợ:
– Thấy sướng cái người chứ sao. Xe mình không những phai -sình… mà còn hai - lờ - vờ nữa ( highlevel – đẳng cấp).
– Vợ mình giỏi Anh quốc gớm! – hắn cười khoái chí. Mụ vợ nhả câu nịnh chồng:
– Không giỏi sao lấy được đại ca!
– Em thì chỉ được giỏi mỗi cái chuyện ấy thôi!
– Gớm không giỏi cái ấy thì có mà chả đi theo mấy con mắt xanh mỏ đỏ rồi! –  Mụ vợ nói xong liền cười nắc nẻ. Sực nhớ ra điều gì, mụ hỏi nhanh:
– Anh đoán xem lần này cầu Thánh Phật, mình sẽ lãi lời bao nhiêu?
– Tiền tỉ! Thằng cha Việt Kiều này máu lắm!
– Làm như Việt Kiều ai cũng ngu đấy!
– Thế tháng trước lãi bao nhiêu, cũng thằng Việt Kiều? Mụ vợ nghĩ một lúc, rồi òa lên:
– Bảy trăm!
– Nhưng lần này giá mua như cho không!
– Chồng mình giỏi thật! Mụ vợ lại lúng liếng đôi mắt (như bà góa khát tình) ấn cái nhìn vào chồng.
Bất ngờ một cơn lốc xoáy nổi lên, hung tợn, trời đổ mưa thốc tháo, sấm sét mịt mù. Chiếc xe hơi như một trái còn (*) bị ném tung lên không trung, rồi quật cái xác xuống  một con rạch nối liền với con sông lớn… Nhưng thật kỳ lạ, khi đội cứu hộ vớt được chiếc xe lên thì vợ chồng hắn vẫn còn sống! Cũng do trong chiếc xe có một hệ thống cung cấp ô-xi và nhiều tiện ích khác khi gặp sự cố lâm nạn.
Tuy không chết, nhưng do những va đập của ngoại lực đã làm cho bộ mặt của vợ chồng hắn bị biến dạng, ảnh hưởng tới não bộ, các con mắt hư hỏng nặng, và một số bộ phận khác mất khả năng hoạt động…
Số tài sản kếch xù của vợ chồng hắn lập tức được chuyển sang Mỹ để làm phẫu thuật chỉnh sửa lại hai cái thân hình tưởng như không thể cứu vớt được. Hãng xe hơi mà hắn mua, sau vụ tai nạn này bán chạy như tôm tươi. Riêng chiếc xe của hắn được nhà cung cấp mua lại với giá cao ngất ngưởng để phục vụ cho việc quảng bá bán sản phẩm “xe siêu an toàn”.
Một ngày người ta thấy ở cổng chùa có hai vợ chồng người ăn xin, mắt đeo kính đen to bản như muốn bao bọc hết khuôn mặt. Thân hình dị dạng thật đáng thương. Hai tay quơ quơ cầu xin khách đến viếng chùa để được chút đồng tiền sống cho qua ngày. Theo như một người làm công quả ở chùa kể lại: hai vợ chồng người ăn xin này tội nghiệp lắm. Chẳng biết có con cái gì không. Một lần người công quả này thấy một khách viếng chùa xâm xỉa hai vợ chồng người ăn xin: “đồ vô ơn bạc nghĩa, lừa dối lương tâm, ác giả thì ác báo chứ sao!”…
Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng của thầy trụ trì hay các vị cao tăng trong chùa giảng giải về những lời răn dạy của Đức Phật là vợ chồng người ăn xin lại thấy người nổi gai ốc. “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”…
Có một phụ nữ trông thật đa đoan nhưng phúc hậu, ánh mắt đưa đi đưa lại trước cổng chùa như đang tìm một ai đó. Thấy vợ chồng người ăn xin, người phụ nữ như reo lên, giống như gặp người thân sau bao năm xa cách. Chị ta xúc động ngồi xuống trước mặt vợ chồng nhà ăn xin, tỏ lời ái ngại:
–  Bác Lợm hả, hai bác khỏe không?
– Ai vậy?
– Em Nghĩa này. Tư Nghĩa ở gần nhà bác đấy. Em nghe phong thanh hai bác ở đây, nên hôm nay đi chùa em ghé hỏi thăm hai bác. May quá hồi bán cho hai bác ngôi nhà nên mới có tiền chữa bệnh cho anh Tư nhà em, chứ không thì chết rồi. Hồi em cũng biết tin hai bác bị tai nạn, nhưng lúc đó em đang ở bệnh viện chăm cho chồng em nên không về được. Khi nhà em khỏi bệnh thì lại nghe tin hai bác sang Mỹ. Thôi, âu cũng là cái không may hai bác ạ, mình còn sống là phúc lắm rồi!
Nghe tới đây hai vợ chồng người ăn xin giật mình, giống như trong một thí nghiệm người ta dùng mũi kim chích vào vào cơ bắp một động vật để tìm hiểu về sự phản xạ của thần kinh.
Cổng chùa hôm nay thấm đẫm nước mắt của vợ chồng người ăn xin. Họ nói lí nhí câu gì không rõ lời, nhưng cũng đủ để người phụ nữ đa đoan kia hiểu được.
Người phụ nữ trước khi tiếp tục bước vào chùa đã không quên cho tay vào túi áo lấy ra hai tờ giấy bạc loại 100 nghìn đồng đặt vào tay đôi vợ chồng người ăn xin, dù sao cũng từng là hàng xóm của nhau…
Ngay ngày hôm sau có một đôi vợ chồng  hớt hơ hớt hải trước cổng chùa, vừa thấy cặp vợ chồng người ăn xin đã thốt lên: “Ôi, anh chị tôi đây rồi…”.
Chiều muộn…
Chú thích:
(*) Quả cầu bằng vải có nhiều dải màu, dùng để tung ném làm trò chơi trong các dịp lễ hội của một số đồng bào dân tộc miền núi. 
27/6/2021
Đào Sỹ Quang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...