Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Đào Phạm Thùy Trang: Trải nghiệm

Truyện ngắn Đào Phạm
Thùy Trang: Trải nghiệm

Còn ba bước nữa là tới kệ để ly, Khánh cố ì ạch bưng. Rổ ly hơn năm chục cái mà để cho cô tạp vụ bưng thì cũng tội. Vì cô ấy nhỏ người lại gầy gầy. Suốt ngày ngồi rửa ly, rửa phin cà phê đã cúm chân rồi. Thì thằng nhóc 16 tưổi như Khánh đỡ cô được phần nào hay phần đó thôi mà
Anh chủ ngồi quẹt điện thoại bất giác nhìn lên và hét:
– Ai kêu em bưng ly vậy Khánh? Đó là chuyện của bà tạp vụ. Em tài lanh quá đi! Coi dọn bàn, coi khách vô kìa!
Khánh không nói gì, khẽ đặt rổ ly lên kệ rồi cầm khăn lau đi về phía các bàn cà phê lổn nhổn bình trà, ống hút, vỏ bánh kẹo… mà khách để lại.
Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Đất Long Hòa này mà lại có quán sân vườn rộng này thì thật là hiếm có. Quán mới mở cần người phụ. Khánh cũng cần việc để trải nghiệm. Dù gì thì cũng 16 tuổi rồi mà chỉ biết xòe tay nhận tiền của mẹ thì thằng nhóc cao 1m68 trong lòng Khánh thấy áy náy quá.
Nhớ bữa Khánh xin mẹ đi làm thêm, mẹ trừng mắt “Con muốn nguời ta chê cười mẹ không nuôi nổi con hả? Con có thiếu thốn gì đâu mà phải đi làm? Dãy nhà trọ mẹ cho con quản lý đó không đủ tiền con xài hả?”. “Không ạ, chỉ là con muốn trải nghiệm. Bạn con đi làm nhiều lắm. Chiều làm từ năm giờ đến mười giờ đêm thôi mà. Con thì ở nhà học bài rồi xem tivi uổng lắm mẹ”. “Ô kê, mẹ sẽ cho con đi làm để trải nghiệm. Nhưng nói trước là đừng khóc khi quá khó khăn nha”.
Vậy là Khánh được đi làm với lời hứa sẽ hoàn thành bài vở và đảm bảo sức khỏe. Riêng ngày chủ nhật thì làm từ sáu giờ sáng tới bốn giờ chiều.
Công việc cũng không khó khăn với Khánh. Chỉ là chào hỏi khách tới, gọi món rồi bưng ra thôi mà. Rảnh thì quét cái sân, xếp dọn lại mớ bàn ghế mà thôi.
Ngày thứ hai của công việc, Khánh phát hiện một điều là quán rộng quá, đến ba khu vực, sân trước, trong nhà, sân sau gần cả ngàn mét vuông mà chỉ có hai nhân viên. Nghĩa là từ sáng tới năm giờ chiều là một nhân viên; năm giờ chiều tới mười giờ đêm là Khánh đảm trách. Như vậy thì chạy mỏi chân lắm. Không quan sát hết các lượt khách vô ra kịp.
Anh chủ bảo “Thời buổi gì mà kiếm lính bưng cà phê khó như đi đào vàng. Khánh ráng nhé, nay mai có thêm lính mới em sẽ bớt cực”.
Khánh vâng dạ. Dù sau thì anh chủ nói vậy rồi. Ráng một chút thôi.
– Khách vô cả buổi sao không thấy tiếp viên gì hết cà?
Giọng một chú trung niên từ khu vực sân sau vang lên.
Anh chủ vẫn miệt mài bên chiếc điện thoại réo Khánh:
– Khách Khánh ơi!
Lúc ấy Khánh bận bưng mấy ly cà phê cho bàn số 3 ở sân trước. Bàn số 6 thì ba chị gái đang chờ sinh tố cũng chưa có.
Chị pha chế gọi Khánh “xong món bàn số 6 em ơi”. Khánh rảo nhanh đôi chân con trai đầy khỏe mạnh vào quầy để bưng món cho bàn số 6 thì khách bàn số 1 kêu tính tiền. Hai em bé bàn số 3 đã làm đổ mấy ly cà phê, tiếng khách kêu lau dọn inh ỏi.
Đến khi bước xuống được sân sau thì ông chú trung niên nọ đang bận làm việc yêu thương giữa hai người với bà cô chung bàn. Khu vực này khuất bóng cây rất râm mát nên dễ làm nơi tâm sự riêng.
Khánh bước trở lên sân trước mà không gọi món với chị pha chế.
Anh chủ trợn mắt:
– Mày câm hay sao mà không hỏi khách uống gì để đi lên tay không vậy?
– Khách bận…bận…
– Bận cái gì?
– Bận…hai người…em không hỏi được.
Mặt cậu chàng học trò lớp 11 đỏ bừng.
Anh chủ mặt hầm hầm bước xuống sân sau. Rồi anh lại trở về chỗ ngồi kiên định cũ và không nghe gọi món gì cho khách.
Chín giờ bốn mươi phút đêm. Khách không còn vị nào. Đường xá đã bắt đầu lặng im, những âm thanh ồn ả ban ngày đã dần mất hút. Khánh đưa nhanh mấy nhát chổi cho khu vực sân trước. Đây không phải là việc phải làm của Khánh nhưng quét giùm thì sáng mai cũng đỡ tay đỡ chân cho bạn nhân viên ca sáng. Vừa cất chổi vào vị trí thì anh chủ ngọt nhạt:
– Khánh ơi, phụ cô tạp vụ tí được hông cưng? Tội nghiệp còn cả trăm cái dĩa mà khuya rồi.
Khánh gật. Bước ra khu vực dọn rửa thì thấy cô tạp vụ hình như đang khóc. Bờ vai gầy của cô run run, gương mặt cúi xuống kèm tiếng nấc nghẹn
– Cô Lan không khỏe à?
Khánh ngồi xuống cạnh, luôn tay cho những chiếc dĩa sứ còn nguyên tem vào thau và rửa.
– Không…Ủa mà sao cháu chưa về?
– Thấy cô còn nhiều dĩa, anh Thành bảo con phụ cho lẹ.
– Thôi…thôi…để cô làm. Người nào việc đó chứ vầy kì lắm!
– Có gì đâu mà kì ạ. Cô cũng cỡ mẹ con thôi, phụ cô như phụ mẹ con vậy mà!
Nụ cười tươi nở trên gương mặt héo gầy của cô tạp vụ.
– Mà Khánh nè, bộ nhà con…nghèo lắm sao mà con phải đi làm cực vậy? Tuổi con là phải ăn học chứ?
– Con đi làm để trải nghiệm thôi cô. Chứ lớn vầy mà cứ nhận tiền mẹ cho hoài, ngại lắm!
– Con tốt quá…con cô thì ngược lại. Hai mươi hai tuổi, không chịu đi làm, cứ cặp bè cặp bạn, hết tiền về xin mẹ
– Là trai hay gái hả cô?
– Trai. Cao hơn con một chút.
Khánh bất chợt cảm thấy ghét người con trai của cô này. Ai đời cao lớn khỏe mạnh như vậy mà không đi làm, không là chổ dựa cho mẹ đã đành, còn để mẹ nuôi bằng đồng lương ít ỏi này nữa.
– Sao hôm nay nhìn cô  buồn vậy cô? Con giúp được gì không?
– Con không giúp được đâu…cô đang cần năm triệu để chuộc cái xe thằng con vừa cầm…giờ cô không có xe đi, cô buồn quá….
– Có năm triệu mà khóc chi cô? Chắc con giúp cô được đó!
– Thôi đi ông nhóc! Ông cũng nghèo như tui, đi làm một tháng chưa đầy ba triệu mà đòi giúp tui năm triệu!
– Con nói cái này cô tin không? Nhà con là dịch vụ cho thuê nhà Thanh Hà đó. Con…hông có nghèo. Tại con đi làm để cho vui, để trải nghiệm cuộc sống thôi hà!
– Xạo cho cô vui phải không? Có nhà cho thuê mà đi bưng cà phê chi cho chủ chửi?
– Con nói thiệt mà!
– Thôi thiệt thì về ngủ đi. Mai quán mình khai trương bán cơm nữa đó!
Đêm ấy về Khánh không ngủ được. Cậu nhớ tới bờ vai run run và gương mặt lem nước mắt của cô tạp vụ. Cậu tin cô không nói đùa để lấy lòng thương hại của người khác. Số tiền đó thì cậu có. Cậu muốn biếu luôn để cô đi chuộc cái xe về mà làm chân đi chứ ai lại đi xe đạp hàng chục km như vậy. Nhưng làm sao để cô nhận đây?
Hôm nay là chủ nhật, Khánh làm tới bốn giờ chiều nên được ăn trưa tại quán. Anh chủ nhìn dĩa cơm của Khánh rồi hỏi khẽ:
– Này em bới hay cô tạp vụ bới?
Khánh lanh trí, chắc là có vấn đề gì đó nên anh chủ mới hỏi vậy. Nếu nói cô tạp vụ bới chắc cô sẽ bị rầy la. Khánh trả lời:
– Dạ em tự bới!
– Lần này anh bỏ qua, lần sau em chú ý nha! Lấy mấy thịt vụn ăn thôi, thịt nguyên để bán chứ ai lại ăn cả miếng to như vậy?
Khánh “dạ” và chợt thấy buồn cười. Dĩa cơm có hai mươi ngàn đồng chứ mấy. Một giờ rưỡi mới được ăn trưa, sau khi xác định đây là cơm ế từ sáng thì nhân viên mới được ăn chứ có phải mới nấu nướng đâu. Vậy mà anh chủ còn so đo thịt vụn hay thịt nguyên.
Lãnh lương!
Hai từ đanh gọn từ miệng anh chủ đã khiến gương mặt cô tạp vụ nở ra như hoa mùa xuân. Nhưng…chủ hẹn nhân viên lúc mười giờ tối nay mới phát. Thật ra chỉ có bốn nhân viên chứ mấy. Chị pha chế, cô tạp vụ, chị phục vụ ca sáng và Khánh thôi mà. Tội nhất là chị ca sáng, ra ca lúc năm giờ chiều mà mười giờ đêm phải trở lại lãnh lương dù nhà chị ở tận Mõ Công, cách xa quán đến ba mươi cây số.
Anh chủ cầm xấp tiền kèm cuốn sổ trên tay:
– Trong nội quy quán có nói, nhân viên mà uống nước của quán sẽ được giảm mười phần trăm. Đây phần thằng Khánh, tháng qua em uống mười chai trà xanh. Giá mười lăm ngàn một chai. Tổng cộng là một trăm năm mươi ngàn tiền nước. Phần tiền làm, em làm hai sáu ngày, mỗi ngày năm tiếng, mỗi tiếng mười lăm ngàn. Tổng cộng là một triệu chín năm chục. Bốn ngày chủ nhật, mỗi ngày mười tiếng, là bốn mươi tiếng. Bốn mươi nhân mười lăm là sáu trăm ngàn. Tổng cộng tháng qua Khánh làm được hai triệu năm trăm năm chục ngàn. Phần lương này trừ mười phần trăm tiền nước uống. Khánh còn lại hai triệu ba trăm ngàn đồng đây!
Khánh ngạc nhiên quá đổi, hình như có gì đó sai sai trong cách tính “giảm mười phần trăm tiền nước uống” này. Nhưng Khánh không cãi được vì trời đã khuya mà ba nhân viên nữa đang chờ nhận lương.
Khánh không về ngay mà chờ cô tạp vụ ở cổng. Tiếng xe đạp của cô cũng vừa đi ra sau khi cánh cổng nặng nề đã được ông chủ kéo lại.
Khánh gọi:
– Cô Lan!
– Ủa sao con chưa về vậy Khánh?
– Con chờ cô…ngày mai con nghỉ làm ở đây rồi. Con muốn tặng cô một món quà nhỏ để kỉ niệm một tháng qua cô cháu mình làm việc chung ạ!
– Trời ơi…quà cáp làm gì? Ủa mà sao con nghỉ vậy?
– Dạ vì…con bận học ạ! Đây, cô nhận giùm con nha! Mong rằng mai này cô cháu mình còn gặp lại nhau!
Khánh bỏ tọt phong bì tiền vừa lãnh của một tháng trải nghiệm vào chiếc giỏ nhựa trên cổ xe đạp của cô tạp vụ rồi rồ ga xe đi mất.
Cô với tay gọi theo nhưng tiếng máy xe đã tan vào đêm vắng. Cô cầm chiếc phong bì lên. Nét chữ còn thơm mùi mực “Con phụ cô chuộc cái xe để làm chân đi cho khỏe. Đừng suy nghĩ gì cô nhé!”.
Nước mắt người phụ nữ nhỏ nhắn gầy gò ấy bỗng dưng lăn tròn trên khuôn mặt đã nhiều chai sạn của cuộc đời.
26/5/2021
Đào Phạm Thùy Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...