Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Tiếng kêu đồng vọng

Tiếng kêu đồng vọng

Ngày đất nước thống nhất, Mai mười hai tuổi.
Hôm đó trời chưa kịp sáng, ba Mai từ Trung tâm cải huấn chạy về nhà giở mùng hối má Mai gom đồ đi di tản. Má Mai hoảng: “Con mới hai tháng tuổi, nhỏ xíu vầy đi đâu”. Ba Mai giựt đứt dây mùng “Thiếu tá Tình bỏ đi hồi khuya này rồi, mấy mẹ con nhanh lên, lần chần là không kịp đâu, bỏ hết đi, việt cộng vô tới rồi”. Má mai ẵm thằng Út, ba mai nhét vội mấy bộ đồ vô cái bồng quân tiếp vụ quăng lên chiếc xe jeep rồi nổ máy. Mai chạy lại bàn xách cái cặp táp đã soạn sẵn sách vở, tay kia quơ con gấu bông chạy ào ra. Xe phóng đi, Mai nhìn lại căn nhà sáng đèn, cửa mở toang không kịp khóa qua màn nước mắt.
Nhà văn Hương Nhu ở Tây Ninh
Xe chạy ra quốc lộ. Trời dần sáng, lúa hai bên đường xanh rì trải dài mút mắt. Thỉnh thoảng nghe tiếng súng nổ đì đùng rời rạc. Thằng Út giật mình khóc ré, má ầu ơ… ầu ơ… Đến giờ Mai vẫn còn ngơ ngác không biết chuyện gì xãy ra. Không đóng cửa nhà, lỡ ăn trộm vô trộm hết đồ trong nhà, trộm luôn con búp bê xinh đẹp của Mai thì phải làm sao, còn chuyện đi học nữa, Mai không dám hỏi, mở cặp lấy quyển tập làm văn ra coi, uổng công tối qua học bài muốn chết. Gió thổi mấy trang sách lật phật Mai  không sao coi được. Kẹp quyển sách giữa hai đầu gối, Mai vén những sợi tóc bị gió lùa che lấp hai con mắt khóc thút thít  hỏi:
– Đi vầy con nghỉ học luôn hả má?
Không trả lời, má Mai thảng thốt: “Anh coi kìa!” Không biết từ đâu, lính từ trong những con đường đất nhỏ nháo nhác chạy túa ra đường quăng súng khắp nơi, ba Mai thét:
– Lấy cái tay vô, chỉ chỉ nó bắn cụt tay giờ!
Những chiếc xe lam, xe đò lỡ chở đầy nhóc người đu bám ra tận cửa, è ạch chạy xô qua đỗ lại tưởng chừng sắp lật tháo chạy về Sài Gòn. Một người lính dang hai tay chận trước đầu xe. Ba Mai nhảy xuống nói gì đó, rồi hai người ôm chầm lấy nhau. Thì ra là chú Hai Đực con ông Mười nhà cuối xóm. Ba Mai trở lại xe lấy cái áo sơ mi và móc tiền đưa cho chú Hai Đực rồi nói với theo:
– Đi cẩn thận nha mậy…
Mai nghe ba nói với má giọng lo lắng:
– Vỡ trận rồi, mấy ổng vô tới nơi, chắc mình đi không kịp.
– Hay quay lại đi anh.
– Đi cũng dở mà ở cũng không xong… Thôi chạy cho chắc.
– Ủa ! Mà sao phải chạy, mình lính trơn mà.
– Sao biết được, rủi mấy ổng đụng ai là lính cũng bắt thì mình trở tay sao kịp.
Lại một tốp lính khác chận xe, họ xin nhà Mai quần áo dân thường. Ba Mai cũng đứng giữa đường thay luôn bộ sơ-vin, còn lại chia đều hết cho mọi người. Ai có quần thì không được áo và ngược lại. Thấy không còn gì để xin, mọi người tản ra mạnh ai nấy cắm đầu chạy trối chết. Xa xa tận cuối những khoảnh ruộng, mấy ông mặc đồ đen đeo súng dài thòn quấn khăn rằng mà ba Mai gọi là việt cộng đang bì bõm cắt ngang ruộng để ra đường lớn. Cảnh lộn xộn vậy mà nắng thì hiền hòa, trong trẻo đến lạ, những bông lúa ánh vàng lấp lánh. Ba Mai chạy ra phía sau xe, dùng cờ-lê tháo bỏ bảng số xe. Mai xuống theo, tự dưng Mai muốn có bụi lúa trĩu bông để sau này làm bài tập làm văn mô tả cho chính xác:
– Ba nhổ cho con bụi lúa đi ba!
– Trời đất ơi! Lúc này mà…
– Nhanh mà ba.
– Lúc khác đi con.
Ba Mai mở bóp lấy giấy tờ nhét vô cặp của Mai, lấy cái túi rút to bằng bàn tay đưa cho Mai dặn dò:
– Con giữ túi vàng này trong mình cho kỹ, dấu đâu tùy con, con nít chắc không ai để ý.  Giờ lộn xộn lắm, không biết ba thoát được không, tài sản nhà mình giao hết cho con, con chị lớn phụ má chăm sóc em nha.
Vừa nói, ba Mai vừa mở túi hốt một nắm vàng nhẫn không biết mấy chiếc nhét vô túi quần nói để phòng thân. Dòng người và xe cộ đổ về hướng Sài Gòn ngày càng nhiều. Từ xa, một ông việt cộng đứng dạng hai chân, tay cầm súng chỉa thắng lên trời bắn đùng đùng chận chiếc xe jeep lại. Cả nhà nhũi đầu vì xe thắng gấp, nhìn nhau sợ hãi. Linh cảm điều chẳng lành, ba Mai trấn an:
– Không sao đâu, cả nhà ngồi yên đó.
Ba Mai vừa nhảy xuống xe, ông việt cộng đã đến sát bên giương súng dõng dạc:
– Chúng tôi là mặt trận giải phóng dân tộc, chúng tôi trưng dụng ông và xe quân sự để tải vũ khí, mong ông hợp tác.
– Dạ! Xin ông thông cảm, nhà có cháu nhỏ bị bịnh cần đi nhà thương gấp.
– Không nói nhiều. Tất cả xuống xe!
– Dạ, xin ông tha cho tôi, ông cứ lấy xe.
Ba Mai bước vội đến ẵm thằng Út ôm chặt vào lòng. Má Mai líu ríu bước xuống xe. Mai cũng ôm chiếc cặp nhảy cái đụi xuống đất, đưa mắt quan sát ông việt cộng. Té ra việt cộng cũng bình thường như mình, vậy mà trong tranh vẽ bảy ông việt cộng ốm đói đu một tàu đu đủ không gãy. Tiếng ông việt cộng đanh gọn, chát chúa làm Mai giật mình.
– Mời ông nhanh chóng theo chúng tôi làm nhiệm vụ lập công chuộc tội.
– Tôi tội gì ? Tôi không đi được, vợ con tôi thì sao đây.
– Xin ông tha cho chồng tôi. Mẹ con tôi còn non ngày non tháng, bỏ tụi tui giữa đường vầy thì biết làm sao. Má Mai òa khóc.
– Tôi nhắc lại một lần nữa. Vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mong ông hợp tác, lập công chuộc tội.
Vừa nói, ông việt cộng vừa chỉa súng vào ba Mai lên đạn cái rốp. Nhìn vẻ mặt lạnh lùng của ông việt cộng, cả nhà Mai đều hiểu không thể làm khác. Ba Mai đưa thằng Út cho má Mai nói nhỏ:
– Không liều được đâu, tính mạng là trên hết, mấy mẹ con quay về nhà chờ, để anh tìm cách.
Mai liếc ông việt cộng một cái rồi bật hỏi:
– Chú bắt ba con thiệt hả?
Chưa chờ câu trả lời, Mai lấy hết sức chạy tới đá vào ống quyển của ông việt cộng. Ông khuỵu chân xuống, mày nhíu đau đớn bất ngờ. Ba Mai ôm chầm lấy Mai cản cú đá tiếp theo, Mai thoáng thấy nét cười mỉm ngang qua mép ông việt cộng rồi biến mất. Mai khựng lại đứng yên, nghe tiếng ba thì thầm với má lúc được lúc mất. Chỉ khi ba Mai đi ngang, giơ tay bóp nhẹ bờ vai nhỏ thì Mai òa khóc. Mai khóc làm em giật mình khóc theo. Chiếc xe rời đi để lại  làn bụi mõng trong tiếng khóc xé lòng của má con Mai. Gió đồng buổi sớm đưa tiếng ba Mai chấp chới khi gần khi xa “Về nhà đi… Về nhà chờ anh…Về nhà chờ ba… Mai ơi…
Chờ hoài cũng không thấy chiếc xe nào trở lui, cuối cùng má Mai quyết định đi bộ về nhà. Đường đi ngày càng xa, đi hoài không tới. Mọi thứ xung quanh hỗn loạn. Những gương mặt căng thẳng sợ hãi, những tiếng kêu gọi nhau nghe chẳng rõ lời, những quần, áo, nón, súng,  bi- đong nhà binh và nhiều  thứ khác vứt lăn lóc, ngỗn ngang, chằng chéo khắp nơi làm cho Mai thêm sợ. Mệt mõi, Mai lầm lũi bước theo chân má, cái cặp táp đội đầu che nắng giờ nặng trĩu. Thả cái cặp rớt tự do, Mai ngồi lên đó rồi khóc:
– Má ơi con khát nước…
– Ráng đi thêm chút nữa chừng nào thấy nhà, má xin nước uống cho con.
– Nhưng giờ con mệt, con nhức chân… còn cái cặp này nữa nè…
– Thôi bỏ hết đi, mai mốt về má mua lại cho con cái mới, đường còn xa lắm con ơi…
Vừa đi, Mai vừa ngoái lại nhìn cái cặp nằm trơ trụi một mình, Mai bật khóc nức nở. Khóc riết rồi cũng thôi, má Mai cũng không còn sức đâu mà an ủi dỗ dành nữa. Nắng ngày càng gay gắt. Thằng Út ấm đầu khóc ngằn ngặt. Đói và khát. Tới Cẩm Giang, từ xa, cuối khoảnh ruộng, một căn chòi nằm dưới rặng tre già coi chiều mát mẻ. Mẹ con Mai hối hả men theo bờ ruộng hướng về.
– Chủ nhà ơi cho xin miếng nước!
Chưa ai cho phép, Mai vội vã chụp lấy cán gáo dừa úp trên miệng lu giở nắp thọc vô múc một gáo đầy uống ừng ực. Mai cố ý để cho dòng nuớc mát lạnh chảy tràn qua miệng, rớt xuống cổ, ướt đẫm vạt áo trước ngực như tắm một cách đã thèm khoan khoái. Sau này nhớ lại, Mai cho rằng gáo nước sống kia ngon nhất trần đời. Căn chòi nhỏ đơn sơ trống hoác chỉ có một cái giường tre vạt gãy đôi chỗ , một cái nồi, mấy cái chén chỏng chơ, mấy chiếc đũa tre thâm đen và một bà già móm mém nhai trầu mà khi gặp má Mai đã gọi bằng Ngoại. Ngoại thương tình cho miếng cơm nguội ăn với dừa non kho nước tương ngon thấu trời. Nghe kể hoàn cảnh, Ngoại xỉa trầu thủng thỉnh:
– Thằng nhỏ còn non quá, mặt mày đỏ lơ đỏ lưỡng hết rồi, bây nghỉ đây đỡ đi, sớm mai hẳng về, loạn lạc… súng đạn biết đâu lường.
Gió ngoài đồng chạy ào ạt luồn tuôn từ trước ra sau căn chòi mát lạnh đến phát lãnh. Ánh trăng bàng bạc xiên kẻ lá làm Mai thấy rõ dòng nước mắt chảy ra từ đôi mắt khép hờ của má. Tiếng ngái ngủ của bà ngoại mới quen khi trầm khi bỗng khi giật cục làm Mai liên tưởng đến tiếng cây đờn cò của ông Mười xóm dưới. Nhớ lại buổi sáng, Mai không biết chú Hai Đực con ông Mười có về nhà kịp không. Rồi Mai nhớ tới cái túi rút ba đưa Mai nhét vô cặp. Mai hoảng hốt bật ngồi dậy mếu máo:
– Ba ơi…!
Rồi Mai khóc òa. Tưởng Mai nhớ ba, má Mai khe khẽ:
– Ngủ đi con, mai có sức đi bộ về nhà.
Khóc đã rồi Mai cũng nín. Lăn qua lộn lại mấy lần, Mai dợm nói thiệt với má nhưng không đủ can đảm, sau cùng rồi thôi, Mai nằm im không dám thở, và đứa bé mười hai tuổi bắt đầu chuỗi ngày nơm nớp lo âu với bất kỳ lý do nhỏ bé nào. Mai nằm im mong trời mau sáng để về nhà, biết đâu về tới nhà sẽ gặp được ba. Tiếng uềnh oang của ểnh ương, tiếng kêu bạn tình của ếch nhái, tiếng lá xào xạt trong đêm, tiếng kẽo kẹt thân tre cựa vào nhau giữa đêm … dỗ Mai vào giấc ngủ chập chờn sợ hãi.
Rốt cuộc rồi má con Mai cũng về tới nhà. Mai ngạc nhiên khi thấy mẹ con bà Chín Sựa ở cuối xóm đang khiêng cái tủ quần áo của Mai. Thấy má con Mai, mẹ con bà Chín tẽn tò thả cái tủ xuống cái rầm:
– Tưởng nhà đi di tản hết rồi, lụm về xài đỡ.
Cuộc hôi của rầm rộ nhắm vào những ngôi nhà vắng chủ kế bên khiến má con Mai đóng cửa nhà không dám bước ra đường. Nhà Mai chờ ba trong thấp thỏm lo âu. Khu gia binh giải tán. Má con Mai mướn nhà trọ ở gần khu nhà cũ để tiếp tục chờ ba về. Những món đồ có giá trị trong nhà như tủ, bàn ghế lần lượt được bán rẻ mua gạo nấu cháo ăn đắp đổi qua ngày. Tối nào trước khi đi ngủ, Mai cũng được má truyền cho chút hy vọng là ba có thể lấy vàng lo lót mua chuộc mấy ông việt cộng để sớm về nhà. Mai nhiều lần định thú thiệt rằng ba không có nhiều vàng như má tưởng. Mai làm mất túi vàng lâu rồi, nhưng không dám nói, đành tiếp tục nín thinh.
Má Mai lấy ngày ba mươi tháng tư làm ngày giỗ cho ba. Cái giỗ đầu tiên sơ sài trong hoàn cảnh nhà không còn gì để bán. Chủ nhà trọ lấy lại nhà vì má Mai hai tháng không đóng tiền thuê. Ngày về quê ở Long An nhẹ tênh chỉ có mấy bộ đồ cũ. Cũng may, hai công ruộng gò ngoại cho, dù thất mùa do không biết cách trồng cũng đủ nuôi sống ba má con Mai mãn mùa. Thức ăn thì xung quanh có đầy: ếch, nhái, chuột, rầy, dế, con gì ăn được là ăn. Những món ăn mà lúc đầu má nhét vô miệng Mai phải khóc vì gớm. Bây giờ mấy món thấy gớm đó thành đặc sản không có mà ăn. Ui trời ơi! Cực khổ là vậy, thiếu thốn là vậy mà chị em Mai vẫn lớn nhanh như thổi, trời thương nên mấy má con mạnh giỏi. Cảm mạo thì hái lá xông, trật giò thì bó thuốc, toàn bằng phương pháp dân gian của mấy ông bà già xưa truyền lại, chị em Mai chưa biết nhà thương ra sao. Thằng Út đỏ hỏn ngày nào giờ đã là kỹ sư trồng trọt. Mai từ chối nhiều đám coi mắt ở vậy thay ba hết lòng chăm sóc cho má và em như để chuộc lỗi năm xưa.
Mỗi năm một lần người ta ăn mừng chiến thắng ba mươi tháng tư. Niềm vui của nhà này lại là nỗi đau của nhà khác. Nhà Mai cúng cơm ba nhắc chuyện xưa để cùng nhau khóc cười. Dần về sau, cả nhà Mai chấp nhận ba đã không còn, nước mắt ở đâu ra mà khóc hoài, nên giờ mấy má con Mai cười nhiều hơn khóc.
Giờ thì mọi thứ đã ổn, thằng Út thành trụ cột chính trong nhà, mấy má con dành tiền mua thêm đất, bỏ trồng lúa chuyển qua trồng thanh long và bưởi, thất bại nhiều lần sạt nghiệp. Mấy ông già ở xóm hay ghẹo:
– Thằng kỹ sư cùi bắp này lì thiệt bây!
Nhớ lại lúc bắt đầu trồng thanh long, do đất ruộng thấp, cả nhà Mai phải ra cuốc đất đánh giồng lên liếp. Không biết lớ quớ kiểu gì, Mai cuốc vô chân tưởng còn chín ngón. Máu chảy lênh láng. Mai sợ muốn xỉu. thằng Út bẻ nắm lá hôi vò nát rịt vào vết thương cầm máu. Vết sẹo cũ chưa lành lại thêm vết sẹo mới. Chị em Mai tự nhận mình là nông dân thứ thiệt.
Năm nào cũng vậy, cúng cơm ba xong, ăn uống no nê, má và Mai bắt xe đò lên thăm chỗ ba ra đi. Mới đầu thấy cảnh nhớ người, má con ôm nhau khóc bù non bù nước, lâu dần nguôi ngoai cũng chỉ bùi ngùi. Giờ má Mai có tuổi lại không muốn đi. Mai một mình tự do lang thang cố tìm lại căn chòi giữa đồng để gặp bà Ngoại năm xưa có món dừa non kho nước tương ngon ác. Hỏi thăm mới biết, căn chòi bị lốc thổi sập, và bà Ngoại cũng mất lâu rồi. Con bà làm việc trên tỉnh, ruộng cho mướn giá rẻ lấy lúa hàng năm.
Ba mươi tháng tư năm nay, tự dưng Mai buồn buồn nhớ ba nhiều hơn. Mai cúng cơm thật sớm rồi bắt xe lên Tây Ninh. Mới có một năm, nơi này thay đổi dữ quá. Những khoảnh ruộng xưa cặp hai bên đường nay không còn nhiều như xưa, thay vào đó là những lô cao su bạt ngàn. Thả bộ dài theo đường quốc lộ. Xa xa, một con đường đất đỏ mới làm cắt ngang mặt ruộng chạy ngoằn ngoèo vô dãy quán cà phê chòi Gió Đồng. Bây giờ người ta có cách thưởng thức cà phê theo kiểu mới. Căn chòi lụp xụp nhỏ xíu thiếu ánh sáng, dành cho những cặp hẹn hò muốn riêng tư.
Một người đàn ông dáng nhỏ con, tóc hoa râm ngồi bó gối nhìn ra cánh đồng. Từ phía sau lưng, Mai khẽ khàng lướt qua, sợ tiếng giày làm phiền người đang ngồi hóng gió. Người đàn ông đưa mắt hững hờ nhìn Mai chợt nhổm dậy cất tiếng:
– Là cô phải không? Cô gì ấy ơi…
– Ủa! Chào anh. Tuốt trên kia mà anh xuống đây hóng gió hả?
– Không! Gió đồng chỗ nào cũng vậy. Lần này cô lại tìm ai đấy ?
– Tui… đi thăm ba tui… Vậy còn anh?
– Thăm người cũ không quen!
Mai ngạc nhiên nhìn Ông rồi thôi. Ông nhã ý mời Mai ly cà phê vì duyên hội ngộ lần hai. Mai e ngại chối từ. Nói muốn được ngồi chỗ này ngắm cảnh không dám làm phiền. Ông ý tứ ngồi xa Mai một khoảng. Không gian mênh mông thinh lặng. Gió thổi những ngọn lúa trĩu bông gờn gợn. Mỗi người tự do trôi vào cõi riêng của mình. Mân mê nhánh lúa, Mai rười rượi nhớ lại gương mặt ngạc nhiên của ba lúc Mai đòi  nhổ bụi lúa đem theo. Còn Ông quan sát Mai một cách kín đáo. Nhìn cái dáng buồn buồn của Mai Ông cảm thấy quen. Thoáng nhớ gương mặt đẫm nuớc mắt của người mẹ trẻ năm xưa. Ông phẩy tay cười mình suy nghĩ vẫn vơ, rồi tằng hắng bắt chuyện:
– Xin lỗi! Ban nảy nghe cô nói đi thăm ba cô?
– Dạ chuyện nhà em buồn lắm. Mà anh gặp người cũ không quen chưa?
– Gặp rồi, ở đây này!
Nhìn đôi mắt trong veo như dò hỏi, tự dưng ông muốn trải lòng. Ông ngập ngừng hồi lâu rồi chậm rãi kể mạch lạc và chi tiết như lần ông đã kể cho Mai nghe về căn chòi của bà Ngoại năm xưa. Xe đi một đoạn thì trúng đạn không biết của bên nào bắn. Chiếc xe mất lái lao xuống ruộng. Ông ấy bị thương rất nặng. Chỉ kêu được mấy tiếng “Vợ con tôi!”. Sơ cứu không được, ông mất liền lúc đó. Tôi lục tìm giấy tờ tùy thân, rất tiếc ông ấy không có miếng giấy tờ nào. Tôi hối hận vì đã trưng dụng ông lúc đó…
– Ông hối hận?
Trong lặng lẽ nước mắt rơi. Mai loáng thoáng nghe Ông ấy phân trần rằng mình rất hối hận. Rằng tình thế lúc đó không làm khác được. Loáng thoáng nghe Ông ngậm ngùi rằng Ông cũng đã trả giá cho việc rứt người chồng, người cha của ai đó ra khỏi vòng tay gia đình. Rằng Ông phải trả giá  bằng chính sinh mạng người thân của mình trong lần gặp tai nạn giao thông do một thằng xỉn rượu gây ra ngay tại chỗ này. Giờ Ông một mình. Mọi thứ không còn nghĩa lý gì. Vào tuổi xế chiều, Ông thường hoài niệm. Quá khứ trong Ông niềm vui sao ít ỏi mà đau thương mất mát thì nhiều. Chiến tranh thật khốc liệt. Những người lính ngã xuống từ hai phía. Và Ông chấp nhận nó. Ông chỉ còn lại nỗi day dứt về gia đình người lính kia giờ trôi dạt phương nào. Bàn tay run run đầy máu bấu chặt tay Ông và tiếng kêu thì thào “Vợ con tôi” của người đàn ông đó như một lời trách, một câu hỏi về số phận của họ lớn dần trong tôi. Ông đột ngột chuyển giọng:
– Tôi thích nơi này cô ạ! Đất đai màu mỡ, con người hiền hòa. Mà cô gặp ba cô chưa?
– Cũng… Gặp rồi… Ở đây…
Mai co chân đá vào ống quyển của ông việt cộng thuở nào một cái. Mũi giày của Mai đánh “cộc” một cái khô khan như đá vào khúc gỗ làm Mai bật chân té ngồi xuống đất.
– Ơ kìa! Cô sao vậy? Mai kịp nhìn thấy cái chân giả ló ra khỏi ống quần người đàn ông. Ngạc nhiên Mai dò hỏi. Ông gật đầu:
– Bị thương cùng lúc với ông lính kia cô ạ! Sao cô lại giận dữ…
– Ông đang kể về ba tui đó!
Mai khóc. Tiếng khóc oán giận, khóc như lần ba bị bắt đi bỏ má con Mai trơ trọi. Mai thấy ông thảng thốt. Ông bối rối. Ông mừng.
– Tôi không nghĩ là tôi được gặp cô trong hoàn cảnh này. Hèn gì ban nảy trông cô thật quen. May thật cô ạ!
– Ác duyên! Ác duyên!
Mai loáng thoáng nghe Ông hỏi về má và thằng út. Ông muốn gặp má Mai để nói lời xin lỗi, muốn thay ba Mai chăm sóc cả nhà để chuộc lại lỗi lầm…
Ờ! Giọng Ông này vẫn như xưa. Ờ! Ông nói về cái chết nhẹ hều. Ông kể lể nguyên do số phận một gia đình bị hất khỏi tổ ấm bằng giọng đều đều buồn buồn như chuyện cổ tích cha kể con nghe. Ông gói gọn bốn mươi năm cay đắng và nước mắt nhà người ta bằng một lời hứa. Sao dễ dàng quá vậy? Nói bù đắp là xong sao? Làm gì có chuyện cấn trừ một cách trơn tru như vậy.
– Thôi! Ông đừng nói nữa, tôi không muốn nghe.
– Tôi xin lỗi cô. Chiến tranh khắc nghiệt đã qua lâu rồi, hãy nghĩ về những người còn sống.
– Nhà tui còn sống đây. Vậy Ông đền ba tui lại cho tui được không?
Mai liếc mắt nhìn người đàn ông. Ông nhắm mắt thở dài chậm rãi:
– Cô hỏi khó tôi! Tôi hiểu. Mất mát, đau thương làm sao kể xiết. Nhưng không phải chỉ mình nhà cô và nhà tôi, còn biết bao gia đình khác mất cha, mất chồng, mất con. Hãy để quá khứ ngủ yên. Chúng ta còn sống và gặp lại nhau không phải là may mắn hơn người rồi sao.
Đưa tay vén mái tóc dài bị gió làm rối tung. Mai hít một hơi dài mùi ngai ngái đất ruộng yên bình. Nheo mắt nhìn ra xa, Mai như thấy bàn tay ba đẩy ngược Mai đi trong vạt nắng tím nhòa. Mai nghe thấy tiếng ba chấp chới khi gần khi xa:
– Về nhà đi con… Về nhà đi con…
Mai cúi đầu lững thững bước. Bóng Mai đổ nghiêng. Người đàn ông khập khiễng đi theo sau trong mênh mông gió đồng mát rượi.
2/5/2021
Hương Nhu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...