Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Yến: Vách gỗ

Truyện ngắn Nguyễn
Ngọc Yến: Vách gỗ

Sang thu, bản Phộc như thay áo mới. Rừng đồng loạt đổ vàng, con suối lao lọc mình trong vắt. Tiếng chim gọi bạn, tiếng nai, hoẵng âm vang cả một vùng. Con đường lên nương nhấp nhô sỏi bao năm Nhếnh vẫn đi, nay như thêm gai nhọn. Bàn chân Nhếnh đau rát, nhức nhối. Trong đầu Nhếnh bao ý nghĩ cứ bùng nhùng vây quanh. Hôm nay đã ngày thứ ba Nín vắng nhà. Không biết Nín đi đâu, liệu có làm điều gì dại dột.
Thích nhau từ cái nhìn đầu tiên, bà mối đến hỏi Nín về làm dâu nhà Nhếnh đã mươi mùa trăng. Dù Nín không phải về nhà bố mẹ cho đến khi có con mới về ở cùng Nhếnh như phong tục xưa nhưng lễ slam nâư (1) vẫn được giữ. Ngay sau lễ cưới, giữa đêm trăng vằng vặc, Nhếnh và ông cụ Thăng cùng đưa Nín về nhà. Gió mơn man, trăng rười rượi. Trong lòng Nhếnh như có nhạc. Đếm đủ ba ngày, Nhếnh khấp khởi đi đón Nín về. Từ đêm tân hôn chính thức đó, ngày vợ chồng Nhếnh lên nương, tối lại cùng ngồi bên bếp lửa, rủ rỉ như đôi chim câu. Nhìn Nín, mắt Nhếnh lúc nào cũng như có lửa. Nhếnh bảo: “Thương nhau nước đựng sàn không lọt. Thương nhau gạn nước sông thành dầu. Thương nhau gạn củ nâu thành chàm”. Chính thế Nín có làm gì, Nhếnh cũng không bao giờ biết giận.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến ở Yên Bái
Củ sắn, củ khoai, đọt măng, con nhái trở thành sơn hào hải vị với Nhếnh khi cùng ăn với Nín. Nín đẹp người đẹp nết. Chiếc áo vải bông nhuộm chàm dài đến bắp chân cùng dải thắt lưng xanh lá cây sẫm luôn làm tôn thêm nước da trắng hồng, dáng người thanh mảnh của Nín. Nín vẫn bảo, “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Vợ hay không biết thêu lanh thành tồi” nên qua bàn tay thon nhỏ của Nín, sợi bông trắng, mảnh biến thành những tấm vải vuông vức. Khi nhuộm chàm, Nín không quên cho thêm chút vôi bột trắng để tấm vải của Nín luôn đều màu, bền đẹp. Đôi tay của Nín lại khéo léo chắt lọc sắc trời, hương núi, màu suối, vân mây để thêu dệt nên những vuông vải chàm thổ cẩm tuyệt đẹp. Nín có chồng rồi nhưng ra đường vẫn không ít ánh mắt dõi theo. Không phải giầu có nhưng vợ chồng Nín cũng không thiếu thứ gì. Cũng một nếp nhà sàn gỗ như bao nhà trong bản, vài ba mảnh ruộng, mảnh nương để cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn. Cũng ti vi, xe máy, cũng trâu, lợn đầy nhà nhưng chiếc hòm gỗ đựng đầy quần áo trẻ nhỏ vẫn chưa một lần được mở. Mùa này qua mùa khác, đôi mắt trong veo của Nín cứ lấp dần bởi khoảng buồn mênh mông từ đâu kéo đến. Đôi má ửng hồng như má quả sơn tra giờ đã lấm tấm những vết nám, nụ cười chúm chím như cánh đào sớm mai đã đượm một vệt buồn. Nín bảo, không có con, Nín đã thành cái cây không nở hoa, cái bông không đậu quả. Nín lầm lũi dần, ngay cả với Nhếnh, Nín nhiều khi cả ngày không nói một tiếng.
Sẩm tối, gian nhà sàn của Nhếnh rung lên bởi tiếng chân, tiếng nói. Người già trong họ cùng lúc kéo lên nhà Nhếnh. Ông bà Pỏi sinh được mình bố Nhếnh. Nhà có năm anh em nhưng cũng chỉ có Nhếnh là con trai duy nhất. Vợ chồng Nhếnh từ khi lấy nhau đến giờ vẫn luôn khao khát một lần được nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ. Thi thoảng có người hỏi thăm, Nín chỉ im lặng. Hễ nhìn đám trẻ con trong bản nô nghịch, đôi má ửng hồng, tóc ươm màu nắng, Nín lại như người mất hồn. “Đẹp mà không có con chẳng bằng đứa đàn bà xấu”. “Ầy, xấu đẹp gì nữa, họ Hoàng này vô phúc rồi”. Mỗi lần nghe những lời bóng gió, Nín về nằm bẹp, không ăn không uống. Tháng trước không may Nín bị ngã, chân trái bị đứt gân gót chân, giờ thành tật đi lại dáng không còn mềm mại như trước. Nín càng trở nên rầu rĩ. Ông cụ Thăng, đã ngoài 80 mươi nhưng tiếng vẫn sang sảng kéo Nhếnh về thực tại:
– Cả họ đã bàn kỹ rồi. Anh phải lấy vợ khác, phải đẻ con trai để nối tiếp cây gia phả cho dòng họ Hoàng. Dòng họ ta không thể đứt mạch ở chỗ anh được.
Nhếnh bất ngờ trước cuộc thăm viếng không báo trước. Nhếnh nhớ đến lúc bố ốm nặng vẫn cố đợi anh về chỉ để dặn: “Anh phải kiếm lấy một thằng cu. Không thể khác được”. Từ bấy đến nay Nhếnh luôn áy náy vì bổn phận của mình, nhưng phần nhiều lại thương Nín. Anh ngập ngừng:
– Đây là việc lớn cho cháu được nghĩ thêm. Sống với nhau phải có tình cảm. “Thương nhau đắp bã trầu cũng ấm. Không thương nhau đắp mấy chăn bông cũng rét” cơ mà.
Nghe Nhếnh nói vậy, mọi người chẳng nói, chẳng rằng, cùng đứng dậy bỏ về. Nhếnh không giữ vì biết mọi người đang giận. Hẳn mọi người giận Nhếnh vì không đặt lợi ích dòng họ lên trên, không biết hy sinh hạnh phúc cá nhân vì sự tồn tại của cả dòng họ. Và nỗi băn khoăn lớn nhất của mọi người lúc này chính là có lẽ nào phải chịu dừng cây gia phả của dòng họ Hoàng Văn tại đời thứ năm này.
Mọi người ra về trả lại sự im ắng cho ngôi nhà. Căn nhà mọi ngày ấm cúng giờ trở nên trống vắng lạ. Nhếnh và Nín đều cố tỏ ra như không có chuyện gì. Lên giường nằm, Nín bảo mai có việc phải đi chưa biết khi nào về. Nhếnh gặng hỏi nhưng Nín chỉ nói lảng. Tiếng gà thi nhau gáy vang bản, thúc giục canh khuya. Khi tiếng thở của Nhếnh đã đều đều, Nín mới khẽ trở mình. Nín nằm đếm tiếng gà cho đến sáng…
Nín không về, Nhếnh làm đâu bỏ đó, mắt lúc nào cũng ngó về phía đầu bản. Khi những đám mây kéo nhau lùi về phía chân trời lẫn trong sắc đỏ cuối cùng còn vương lại, Nhếnh vác cuốc trên vai, lững thững đi về. Đôi chân Nhếnh buồn không muốn bước. Về đến đầu ngõ, mùi gà om măng chua, mùi cá nướng hạt sẻn đã toả ra thơm lựng. Thấy lạ, Nhếnh đánh tiếng hỏi mấy lần nhưng không nghe Nín đáp lại. Hứng dòng nước trong vắt bắt từ mạch nước ngầm trên núi, vỗ vào mặt, vã lên chân tay, Nhếnh thấy mình tỉnh táo lạ. “Hầy” một tiếng đầy sảng khoái, Nhếnh bước lên cầu thang. Không phải là Nín ngồi bên bếp lửa mà là một người phụ nữ lạ, nước da hồng hào, dáng người phốp pháp, kém Nín chừng đôi ba tuổi. Thấy Nhếnh, người phụ nữ trẻ thoáng giật mình, vụt đứng lên, cúi đầu chào, hai tay vê vê vạt áo. Nhếnh bối rối chưa biết cư xử ra sao thì vừa lúc Nín bước lên sàn, tay xách lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ. Thấy Nhếnh, Nín khác hẳn ngày thường:
– Anh về rồi đấy à. Đây là Pùa. Cô ấy người bản Dạ. Từ hôm nay cô ấy sẽ ở cùng với mình. Sáng nay đi chợ, em đã mua sắm đủ rồi. Anh xem, em thu xếp buồng bên cạnh cho Pùa như thế này có được không?
Nín vừa nói, vừa kéo tay Nhếnh đi theo. Nhếnh chột dạ. Hình như trước đây thi thoảng Nín có nói đến chuyện người bạn gái bản bên, hiền lành, chịu khó, chỉ tội số không may lấy chồng chưa kịp có con thì chồng đã tai nạn mất. Nín bảo hay đón cô ấy về vừa là có chị có em, nhà lại có thêm đứa trẻ nhưng Nhếnh gạt đi vì nghĩ Nín chỉ nói đùa. Tiếng Nín vẫn thủ thỉ:
– Em đã nghĩ kỹ rồi. Dòng họ Hoàng Văn phải có người nối dõi. Pùa tốt lắm. Biết hoàn cảnh của mình, cô ấy hoàn toàn tự nguyện…
Cửa buồng vốn để không giờ được căng ri đô che kín. Giường trải đệm bông lau êm ái, gối lồng lõi bào gỗ quế thơm phức. Riêng chiếc chăn thổ cẩm gấp vuông vắn dọc giường được Nín dệt theo bố cục hình chữ nhật có thêm đường diềm ở phía trên, tương ứng với cõi Trời, lại thêm hình con ngựa, con chim biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất. Giữa hai gian buồng vốn được thưng bằng vách gỗ từ trước vẫn để không nay được dán kín bằng bức tranh lớn có hình một cậu bé bụ bẫm. Nhìn Nín cười nói, Nhếnh thấy đau nhói nơi ngực. Cũng có lúc vì gia đình, vì dòng họ, Nhếnh đã từng có ý định giấu Nín kiếm lấy một thằng cu ở ngoài, khi nào lớn lớn mới đưa về, nhưng cứ nghĩ đến Nín, Nhếnh lại thôi. Hôm nay chính Nín chứ không phải ai khác đang gỡ rối cho Nhếnh. Trong lòng Nhếnh thầm cảm ơn Nín nhiều nhưng lại thấy xót xa cho Nín. Nhếnh không nói gì, quay ra ngồi vào mâm cơm mà Pùa đã sắp gọn gàng. Toàn những món mà Nhếnh thích, nhưng lúc này Nhếnh thấy như vướng cục gì ở cổ, không sao nuốt trôi. Ánh chiều đã bắt đầu chuyển dần từ đỏ ối sang một màu tím sậm. Bóng tối ập xuống nhanh đến không ngờ. Cánh rừng trước mặt thoáng vừa xanh sẫm đã chuyển sang đen đặc. Xa xa, trăng bắt bầu treo lên đỉnh núi. Cả bữa ăn hầu như chỉ có Nín nói. Mắt Nín long lanh như có ngàn đốm lửa. Nín hỏi Nhếnh rồi quay sang cười với Pùa. Nhếnh ậm ừ, nhưng đầu óc như để mãi đâu. Pùa dè dặt, thức ăn cứ đầy lên trong bát. Khi ánh sáng nõn nà của trăng mười bốn đã lơ lửng giữa từng không, Nhếnh vẫn kiếm đủ cớ để luôn chân luôn tay, mặc cho cả bản đã chìm vào bóng tối. Cả Nín và Pùa đã đi nằm. Đêm nay là đêm đầu tiên Pùa ngủ trong căn buồng hạnh phúc mới nhưng Nhếnh đâu có thể để mặc Nín nằm một mình. Song đã đón Pùa về rồi, để người ta đơn lẻ cũng thật tội. Đi ra đi vào mãi, cuối cùng đôi chân Nhếnh bước về phía buồng của Nín. Thấy Nhếnh bước vào, Nín nhổm người dậy, giơ tay ra hiệu bảo Nhếnh sang giường bên. Nhếnh vờ như không thấy, vẫn vén màn lên giường nằm. Sàn nhà rung lên cọt kẹt. Nín nói chỉ đủ cho hai người nghe: “Pùa về đây rồi, anh đừng để cho cô ấy phải tủi thân. Cô ấy đến đây cũng là vì mình…”. Dù Nín nói rất nhỏ nhưng bên kia Pùa vẫn nghe rõ. Không nghe Nhếnh nói gì. Nước mắt tự nhiên đọng thành giọt, lăn xuống má Pùa. Nghe chị Nín nói nhiều về anh Nhếnh, về con người chịu khó, tốt bụng, trong lòng Pùa đã thầm quý mến. Pùa đã gật đầu đồng ý một cách nhanh chóng như thể có ai xui khiến. Cả buổi sáng đi chợ, chị Nín đã tỉ tê rằng, mọi chuyện chị đã thu xếp và chính anh Nhếnh cũng có lời. Vậy mà… Tưởng về làm vợ người ta thế nào, không ngờ lại bẽ bàng đến vậy. Pùa cố ghìm để không phát ra tiếng sụt sịt. Không gian bỗng nhiên rơi vào im lặng. Chỉ thấy tiếng gió nổi lên phía trái nhà, tiếng cành lá quật vào mái cọ nghe bồm bộp. Gà đã gáy canh ba. Tiếng nai tác bạn cuối mùa măng càng thêm thổn thức…
Mặc dù mới đến ở cùng nhưng Pùa tỏ ra thạo việc như đã thân thuộc với nơi này lắm. Sáng Pùa dậy sớm nấu cám cho gà, cho lợn ăn, đợi Nín nấu ăn sáng xong mới cùng ăn qua quýt rồi lên nương. Đến kỳ thu hoạch, cả nương ngô đã vàng ruộm chờ người đến bẻ. Vợ chồng Nhếnh cùng Pùa chẳng mấy chốc đã chất đầy ngô trên khoảng sân trước cửa. Từ ngày Pùa đến, đống củi dưới gầm sàn lúc nào cũng chất lên cao ngất. Pùa cặm cụi, làm như thể để quên đi sự có mặt của Nhếnh, của Nín và của chính Pùa. Nhiều lúc nhìn Pùa kéo gỗ, dáng khom xuống như dấu hỏi chấm giữa buổi chiều chạng vạng, Nhếnh không khỏi chạnh lòng. Đêm ấy đã khuya mà không thấy Pùa về, Nhếnh đi tìm, thấy Pùa đang bơi dưới suối. Tay Pùa đập nước như mái chèo bơi chạy bão. Khi đã quá mệt, Pùa mới lên tảng đá giữa lòng suối nằm ngửa, thở dốc. Mái tóc dày dính bệt vào khuôn mặt trắng bệch. Ngực Pùa căng đầy, phập phồng dưới ánh trăng. Trăng vỡ tan dưới nước. Nhìn Pùa, mặt Nhếnh nóng bừng, các mạch máu đua nhau chạy rần rật khắp cơ thể. Nhếnh nhắm nghiền mắt, cố xua đi hình ảnh trước mặt rồi quay đầu bỏ chạy như có ai đang đuổi sát phía sau…
Pùa vừa ngả đầu xuống gối bỗng giật mình thấy Nhếnh đứng trước cửa buồng. Nhếnh cởi áo khoác ngoài, đứng bần thần một lúc mới lên giường. Tự nhiên trống ngực Pùa đập thình thịch. Mấy ngày nay Pùa cố tỏ ra bình thường nhưng trong lòng buồn không sao nói hết. Nhiều đêm, Pùa gần như thức trắng, lắng nghe từng tiếng động, từng tiếng thở phía bên kia vách gỗ. Chạm vào Nhếnh, cơ thể Pùa bỗng nóng bừng bởi cảm giác hoàn toàn mới lạ. Từ khi chồng mất, đây là lần đầu tiên có một người đàn ông ở gần Pùa đến thế. Pùa dịch người lùi vào trong nhường chỗ cho Nhếnh. Hình như Pùa đã đợi giây phút này từ lâu, nhưng nay khi cơ thể cường tráng của Nhếnh đang ở rất gần Pùa, mùi mồ hôi nồng nồng của Nhếnh đang ngộp cả căn buồng thì Pùa lại trở nên luống cuống. Nghĩ đến việc sắp diễn ra mà Pùa chợt thấy nôn nao, thấy thương chị Nín ghê gớm. Mọi giác quan của Pùa như tê dại. Pùa nằm thẳng đuột bên Nhếnh không khác gì khúc gỗ. Tiếng ếch, tiếng dế như bản đồng ca cứ vang lên ồn ã. Bên này, mọi giây thần kinh trong Nín căng lên. Nín vừa chờ đợi, vừa xa xót. Nín vùi đầu vào gối. Tấm vách rung lên khe khẽ. Bên kia, Nhếnh vẫn nằm im, hai chân vắt chéo vào nhau, mắt hướng lên trần nhà. Nhếnh cố quên đi ánh mắt của Nín, cố quên đi hình ảnh của Pùa nằm trên tảng đá đêm nào, chỉ duy nhất một ý nghĩ rằng dòng họ Hoàng phải có người nối dõi. Lúc sau, khi Nhếnh quay người sang phía Pùa, thì đột nhiên Pùa thốt lên:
– Em với chị Nín như chị em đã bao năm nay. Em hiểu lòng chị Nín. Chị ấy không có con đã buồn khổ rồi, nay chân bị như vậy, sẽ càng thêm nghĩ ngợi. Anh sang với chị Nín đi, kẻo chị ấy sẽ …
Nhếnh như không nghe thấy gì. Ngọn lửa âm ỉ trong Nhếnh bỗng bùng lên dữ dội. Nhếnh lần tay cởi nhanh những hàng khuy trên ngực Pùa. Khuôn ngực trắng muốt lộ ra sau vạt áo. Nhếnh run rẩy xoay người trườn lên người Pùa nhưng Pùa lấy tay chặn lại:
– Anh Nhếnh…
Lúc này tai Nhếnh như ù đi, tiếng kêu của Pùa rơi tõm vào đêm tối. Dải dây thắt lưng bị Nhếnh giật phăng một cách thô bạo. Trước mắt Nhếnh chỉ còn một thân hình đàn bà hừng hực sức sống cùng bản năng đàn ông đang trỗi lên mạnh mẽ. Bằng tất cả sức vóc của một cơ thể sung sức, Nhếnh đè lên người Pùa. Sự kháng cự của Pùa trở nên vô nghĩa. Những ngón tay của Nhếnh bấu chặt vào vai Pùa, cặp đùi săn chắc của Nhếnh kẹp chặt đôi chân Pùa. Pùa ngạc nhiên pha lẫn sợ hãi. Nhếnh như biến thành người khác. Mạnh mẽ và hung bạo. Pùa nằm im, bất lực. Chính lúc này Pùa mới thấy hết nỗi thiệt thòi của người đàn bà. Pùa càng thấy thương chị Nín. Đột nhiên cả cơ thể Nhếnh gồng lên với tất cả sức lực rồi đổ ập xuống Pùa. Nước mắt Pùa tràn ra khóe mắt. Trong tích tắc, Pùa dồn hết sức giơ tay tát thẳng vào mặt Nhếnh. Bị tát bất ngờ, Nhếnh giật mình rồi như bừng tỉnh khỏi cơn mê ngủ. Cơ thể Nhếnh trong phút chốc rã rời, buông thõng một cách vô thức. Nhếnh ngồi dậy, hai tay úp vào mặt hồi lâu rồi vuốt dọc xuống cằm. Nhếnh cúi mặt, lảng tránh ánh nhìn của Pùa rồi lững thững bước ra ngoài gian bếp. Sàn nhà rung lên từng chặp. Nín gần như ngừng thở. Có cái gì đó như đang đè vào ngực Nín. Cảm giác vừa đau đớn, vừa mừng rỡ cùng lúc xâm chiếm Nín. Nỗi khao khát của dòng họ Hoàng thế là đã thực hiện được. Tiếng chân Nhếnh dừng lại. Có tiếng châm lửa. Tiếng điếu cày rít lên trong đêm nghe buồn não nuột. Rồi tiếng rượu ồng ộc tuôn ra khỏi cổ chai. Tiếng bát đặt xuống mặt sàn khô khốc. Nhếnh uống mỗi hơi cạn cả bát rượu mà sao càng uống càng tỉnh. Càng uống, Nhếnh càng thấy mình quá tệ trước hai người phụ nữ nhỏ bé nằm trong hai căn buồng bên kia. Nhếnh dựa lưng vào chiếc cột nhà đã lên nước nâu bóng. Những bát rượu thóc lại được nâng lên, dốc cạn. Giấc ngủ chập chờn kéo đến cùng những suy nghĩ đứt đoạn nối tiếp trong đầu Nhếnh…
Sáng chưa rõ mặt người, Nhếnh đã chuẩn bị đồ đi cùng đám thợ gỗ trong bản. Đã ký hợp đồng với công ty lâm sản ngoài tỉnh, cứ xong mùa thu hoạch, đàn ông bản Phộc lại cùng nhau lên rừng khai thác gỗ thuê. Vẫn bộ quần áo vải bông nhuộm chàm Nhếnh thường mặc khi đi đâu có việc, Nhếnh đeo thêm cây dao phát, mấy ống cơm lam Nín đã chuẩn bị sẵn rồi khe khẽ khép cửa. Có lẽ cả Pùa và Nín đều đang ngủ say. Nhếnh cắm cúi đi về hướng mặt trời đang chầm chậm nhô lên nơi đầu núi…
Lúc cánh đàn ông trở về, cả bản như có hội. Cả con suối Lao huyên náo bởi người già, trẻ nhỏ và đám thanh niên bản Phộc. Những tay đàn ông lực lưỡng đứng dàn thành hàng dọc từ trên đỉnh xuống chân núi Ngò, thay nhau lao những thân gỗ lớn đã được cưa thành từng khúc xuống chân núi. Đám thanh niên lại cùng nhau vần từng khúc gỗ xuống suối để mọi người đẩy xuôi theo dòng nước. Lần này Nhếnh đăng ký mua hai cây gỗ pơ mu to nhất. Sau khi xếp gọn gỗ khai thác lên xe, Nhếnh mới vần gỗ của mình. Niềm vui khiến Nhếnh quên đi mệt mỏi, niềm hăm hở cứ phơi rõ trên mặt. Bộ bàn ghế cùng hai chiếc giường mới sẽ được đóng nay mai. Chắc hẳn cả Nín và Pùa sẽ vui lắm. Mới đẩy được một đoạn đã thấy Nín đang lội suối đón sẵn. Lôi gỗ lên bờ, Nhếnh buộc dây để trâu kéo về. Tắm rửa xong xuôi, Nhếnh huýt sáo, bước lên cầu thang hai bậc một. Chợt Nhếnh ngó quanh:
– Pùa đâu, sao từ lúc về không thấy?
Nín ngập ngừng một lúc mới nói:
– Pùa đi rồi. Cô ấy bỏ đi cái hôm anh đi rừng.
– Cô ấy đi đâu?
Nhếnh giật mình hỏi lại, nhưng Nín như không nghe thấy câu hỏi của Nhếnh.
– Cô ấy bảo không thể nào chịu đựng thêm nữa. Em không giữ được…
Nín nói như cố ghìm tiếng khóc chực bật ra khỏi lồng ngực.
Nhếnh vội bước tới căn buồng của Pùa. Mọi thứ đã được thu dọn sạch sẽ, chỉ còn lại bộ quần áo vải bông nhuộm chàm, chiếc thắt lưng xanh cùng đôi vòng bạc mà Nín mua cho Pùa lúc hai người đi chợ huyện được treo ngay ngắn trên mắc. Cửa sổ mở toang. Phía xa những cành lau phơ phất như dải khăn trắng phủ khắp lưng núi Ngò. Những đám mây vón lại trên nền trời xanh ngắt. Vậy là Pùa đã đi. Nhếnh sẽ không còn cơ hội để chuộc lỗi. Pùa đi, mang theo nỗi day dứt đeo bám Nhếnh và mang theo cả mầm sống, niềm hy vọng của dòng họ Hoàng. Nhếnh hụt hẫng đến nỗi không thể nói nên lời, nét mặt đờ đẫn. Nín bước lại, khẽ đặt tay lên vai Nhếnh. Khoảng mênh mông lại giăng đầy trong mắt Nín. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, Nín chạy ra ngoài.
– Anh Nhếnh à, hôm qua có người đến đưa cho mình thứ này, bảo của một người phụ nữ nhờ gửi. Không biết của ai nên em không dám mở- Nín quay vào chìa một cái bọc to buộc trong mấy lớp ni lông về phía Nhếnh.
Mở chiếc bọc ra, cả hai cùng ngỡ ngàng. Bên cạnh ba thang thuốc là mảnh giấy nhỏ được gấp làm đôi ghi vội mấy chữ. “Bài thuốc chữa vô sinh này của họ Hà bị thất truyền từ lâu, em đã tìm được. Chúc anh chị được hạnh phúc. Em Pùa.”.
Nhếnh và Nín bất giác cùng quay sang nhìn nhau. Một cục than đen được buộc kỹ trong túi bóng. Nín thấy mắt mình hoa đi, đầu choáng váng. Bài thuốc này Nín đã từng nghe nói. Đó những vị thuốc quý chỉ mọc trên đỉnh núi Tè quanh năm mây phủ. Để lên đến đỉnh núi phải mất ít nhất ba tiếng đi bộ và tất cả các vị thuốc phải được hái trước khi mặt trời mọc. Muốn đủ ba thang thuốc phải đi lấy ròng rã hàng tháng. Và thứ quan trọng nhất, bí quyết của bài thuốc chính là phải có ngón tay út của một người phụ nữ mắn đẻ đã được đốt thành tro để hoà cùng bát nước thuốc đã được cô lại. Nín thầm gọi tên Pùa mà nước mắt cứ trào ra. “Pùa” theo tiếng Tày mình đúng là “nâng đỡ” rồi. Nhếnh cầm tay Nín, siết mạnh. Hình ảnh của Pùa lại hiện về như vừa mới hôm qua. Cả hai cùng hướng mắt về dãy núi Ngò trước mặt. Lúc này tiết trời đã cuối thu. Những chiếc lá nhuốm một màu vàng ruộm. Nắng như mật ong bung ra, tràn thung, tràn bản. Tiếng chim khảm khắc bỗng cất lên lảnh lót, điểm vào không gian những thanh âm đầy da diết…
Chú thích:
(1) Lễ slam nâư (lễ ba ngày, lễ lại mặt).
10/6/2021
Nguyễn Ngọc Yến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...