Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Gió lùa qua vườn

Gió lùa qua vườn

1. Bất ngờ! Choáng váng. Hụt hẫng. Hoài nghi. Không thốt được nửa lời. Ấy là lúc tôi được người ta báo tin. Tôi ngồi bên chị. Nhưng chị chả nói lời nào. Và tôi cũng im thin thít. Giống như khi chị và tôi giận nhau. Nhưng hôm nay thì vẻ mặt chị có khác hơn. Khuôn mặt quả xoan vẹo- vì chị có cái cằm lẹm xinh nên tôi hay đùa chị như thế – không phồng mặt lên tức giận, hay không vênh mặt lên tỏ vẻ bất cần tôi. Chị lại còn trang điểm phấn son nữa chứ. Chả biết bôi quét kiểu gì mà da trắng nhợt, môi đỏ choét thế này. Dưới mắt tôi, chị đã đủ xinh lắm rồi. Chị đâu cần phấn son mà giai vẫn chạy theo chị cả đống đấy thôi.
Ngồi im lặng và quan sát chị thật lâu, cố gắng ngắm chị một cách điềm tĩnh và không chớp mắt. Nếu kể từ khi tôi chơi thân với chị, trong suốt thời gian hơn mưới mấy năm có chị trong cuộc đời tôi, chưa bao giờ tôi nhìn ngắm chị lâu đến vậy.
Nhưng tại sao lại có thể như vậy được? Những ý nghĩ trong óc tôi cứ cuộn vón lại, rối mù như cuộn len bị mèo nghịch. Trong đầu tôi vang lên một thứ âm thanh u uất, rền rĩ như thể nghìn con ong cùng lúc vỗ cánh. Lại như thể lưỡi cưa đang cứa xoèn xoẹt vào não bộ, vào trái tim.
2. Dáng vẻ thản nhiên, chị vô tư đâm sầm ngang mặt tôi. Chị tung tẩy và hớn hở như một đứa trẻ bất ngờ nhận được quà. Chị đi kiểm tra sức khỏe đây! Em có muốn đi cùng không? Tôi như bị á khẩu trước chị. Giá mà thiên thạch từ trên trời bỗng dưng rơi bịch xuống cũng không làm cho tôi đần người ra như trởi trồng đến vậy.
Nhà văn Phan Mai Hương
Cái gì đã làm chị thay đổi thế hả? chị làm em chóng mặt quá. A, mà em sợ bác sĩ lắm. Ở nhà còn yên tâm, tự nhiên dở hơi đến bác sĩ rồi để mà mua hàng đống lo vào người ấy à? Bói ra ma, quét nhà ra rác, đến nhà bác sĩ á, khỏe như voi cũng bới ra vi trùng, là có bệnh tất.
Cái môi cong dễ dỗi hờn của chị dẩu lên. Mày mới là đứa dở hơi í, có chồng con thế phải biết chăm sóc  đến bản thân chứ. Lỡ có bệnh nguy hiểm, tự dưng chết có phải phí đời không? Tôi cười rũ ra trước vẻ mặt lo lắng rất nghiêm trọng của chị, như thể chị nhìn thấy trong thân thể tôi có cục u ung thư đang lớn dần lên. Bà hâm ơi! Chết có số đấy, có phải muốn mà được đâu, trời gọi ai, nấy phải dạ nhé. Đôi mắt đen thẳm luôn lấp lánh nét cười chợt trầm xuống như có nước láng qua. Tao ấy à ở một mình, có ai yêu đâu, chết lúc nào chả được, có gì mà tiếc. Tất nhiên là ai cũng muốn sống, nhưng mà cứ sống mãi như thế này thì chán thật đấy.
Đấy là câu cửa miệng chị có thể thốt ra với tôi bất cứ lúc nào. Tôi đâm quen với cái kiểu triết lí hơi cùn cùn của chị, bộ mặt trái xoan lúc bình thường thì rõ xinh và tươi tắn, khi nói câu ấy lại chùng xuống tiu nghỉu. Nhưng liền lúc cái miệng nhỏ phá lên một chuỗi cười giòn rã, như thể cái sự  buồn chán ấy bay đi mất tiệt làm chị tiếc đứt ruột vậy!
Này, em biết không? Lão ta rõ tởm, sao mà lại có loại người đáng khinh thế chứ. Chị kể chuyện với tôi mà như đang quát ai đó. Cái mũi hơi hếch lấm tấm mồ hôi trên khuôn mặt đang tức giận đỏ bừng nhìn đanh đá tợn. Tôi chợt thấy buồn cười vì nom chị như người uống rượu. Cười cái gì? Chị đột nhiên quát tôi, thế có nghe tao nói không đấy? Tôi đã hiểu vì sao học trò và phụ huynh, lẫn đồng nghiệp đêu yêu mến chị, nhưng lại nể sợ giữ khoảng cách với chị. Chắc chính là những khi bị chị quát như thế này.
Thực ra họ sợ cái tính thẳng ruột ngựa của chị. Có cái gì bất công, không bằng lòng, chị chẳng bao giờ giữ bên trong, cứ tuôn hết ra ngoài. Ở trường này, ông hiểu trưởng sợ chị nhất. Vì ông ta quan thói nhập nhằng vớ vẩn, thường xuyên bớt xén tiền công tác phí, tiền nghỉ thai sản và chế độ của giáo viên, tiền học phí và tiền lao động của học sinh, cùng hàng chục thứ tiền linh tinh khác. Chị nhớ hết bằng cách ghi rõ rang từng mục vào cuốn số nhỏ, để có bằng chứng mà nói thẳng tuột ra trong các cuộc họp. Lãnh đạo thường không hoan nghênh, mối khi thấy chị giơ tay đòi phát biểu trong các cuộc họp hội đồng sư phạm. Thường thì chị nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của giáo viên và cán bộ công nhân viên nhà trường. Họ nồng nhiệt bày tỏ thái độ  đồng tình với chị khi ở bên ngoài cuộc họp, trong những thầm thì nơi hành lang. Còn giữa cuộc họp, thì họ im thít, hoặc thảng mới có tiếng nói ủng hộ rời rạc. Họ thản nhiên để cho chị bênh vực quyền lợi của chính họ. Chỉ riêng mình chị là không ngại ai hết. Cứ đấu tranh quyết liệt khi thấy cái xấu đang tồn tại và diễn ra. Tôi mơ hồ nhận thấy chị đang chịu mộ sự bất công nào đó. Nhìn chị và cứ nghĩ đến con đường sự nghiệp phía trước, thực lòng tôi rất nản. Cho nên, tôi yêu quý chị nhất trên đời, có lẽ vì tôi tìm thấy ở chị cái phần mà tôi không có là dám sống một cách mạnh mẽ, với những gì mà bán thân đang có.
Tôi tỏ ra rất nghiêm chỉnh. Thế chị đập cái xẻng vào mặt lão ấy thật à? May mà không gây ra “ án mạng” nhé? Chị vẫn chưa hết hậm hực, nói toáng lên như thể “ lão ấy” đang ở trước mặt. Đang lúi húi nhổ cỏ trong vườn mía, lão ấy xông vào ôm, tao vớ ngay cái xẻng nói sẽ đập chết, lão ấy liền buông tay ra và hốt hoảng lủi mất. Tao đã kịp đập cái nào đâu. Chị quả quyết, nhưng lần sau sẽ đập cho thật đấy! đừng tưởng đàn bà sống một mình mà thèm giai à? Loại ấy à, chỉ đáng vứt cho chó nó tha, chẳng thà để mốc đi chịn vào gốc cây! Tôi cười ngặt nghẽo. Trời ơi! Lão ấy liều thật, lão ấy không biết là đã trêu vào tay bà La Sát rồi, đã chọc vào cục lửa ngâm dầu hỏa rồi.
Lão ấy chính là cái gã góa vợ, mới chuyển về cơ quan. Lão là giáo viên dậy toán, đã từng đứng bục giảng, nhưng sau bỏ nghề đi buôn bò. Bây giờ thì gã đang góa vợ. Nghe đâu vợ gã vốn là nhân viên ngân hàng nhưng rút ruột tiền ngân hàng, nên bị đi tù, chịu án dài lắm, những hai mươi năm. Vì thương hại gã chịu cảnh gà trống nuôi con, nên một ông to trong ngành giáo dục xin cho gã đi dạy học lại, để có đồng lương còm mà nuôi con đi học. Cho nên, gã mới có mặt ở nơi khỉ ho cò gáy này. Nhưng gã lại hay tỏ ra rất oai, kiểu con cóc là cậu ông Trời, thường mang cái ông to kia ra làm ngáo ộp dọa dẫm mọi người trong trường. Có vài người yếu bóng vía tỏ ra nể gã, nên gã được dịp hay lấn tới.
Gã có quyết định về trường cùng đợt với tôi. Tôi biết gã cứ mon men dở đủ bài với chị. Mang hoàn cảnh gà trống nuôi con để mong chị thương xót mà để mắt tới. Gã khoe rằng đã ly hôn vợ rồi, rằng gã vẫn có tiền để dành từ hồi buôn bò. Chị hòa nhã với tất cả mọi người trong trường, nhưng chị khinh bỉ gã. Chị bảo, đấy là loại đàn ông không đáng đồng xu, khi vui thì vỗ tay vào, khi người đàn bà của mình gặp khó khăn hoạn nạn thì giở bài bội bạc.
Rồi chị nhìn thẳng vào mặt tôi đột ngột thay đổi “ đề tài” , mày có hạnh phúc không? Hỏi gì mà khó! Tôi phụng phịu, chị hết chuyện rồi hả? em về ninh xương nấu cháo cho cu Bi đây! Đôi mắt tinh quái của chị nheo lại, này con ranh, suýt nữa tao phải gọi mày là cô đấy, vì thằng ấy là chú họ của tao mà!  Này, nói thật nhá, hai đứa mày đẹp đôi, tao tiếc. Giá như mày làm cô của tao, nhỉ?  Còn nếu tính tuổi thì đáng ra mày phải gọi tao là cô ấy chứ! Chẳng gì tao cũng hơn mày những mười tám tuổi cơ mà. Tôi cười lảng chuyện, vâng thưa bà trẻ con phải về nấu cháo đây, không thì cháu “bà” sẽ chết đói mất.
Tôi nghĩ, tuổi bốn mươi mà vẫn xinh đẹp như chị quả là hiếm hoi, như đóa hoa nở trên núi đá. Có lần chị kể, mộ gã thầy bói cứ nắm bàn tay thon nhỏ của chị mà nói như vậy. Gã thầy bói phán chị có số đào hoa ngoài tường, nghĩa là có nhiều đàn ông bên ngoài theo đuổi. Nếu chị có con, chắc sẽ xinh đẹp hơn bội phần, vì chắc đôi mắt đen long lanh kia sẽ không thoáng nét buồn xa vắng mà chị thường cố giấu đi. Chị giống như công chúa ngủ trong rừng, đang đợi hoàng tử đến đánh thức dậy. Nhưng hình như đàn ông hay sợ đàn bà quá sắc sảo. Ở nơi rừng rú này, người như chị thật là cao không tới, thấp không thông.
Này, Ngố – chị gọi tôi bằng cái tên ấy khi biết tôi vào đây dậy học với lời hứa “sau một năm sẽ cho về thành phố” của một vị lãnh đạo Sở, vốn là bạn của bố tôi. Ở cái nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi, chỉ có núi non hoang vu này biết kiếm đâu ra một thằng đàn ông tử tế bây giờ? Chị mơ màng, khuôn mặt trái xoan hơi lẹm nơi cằm, như phủ một làn sương, nom chị đẹp một cách bí ẩn. Chị ngồi dậy, vươn tấm thân tròn lẳn, với cái gương và cái lược chải lại mái tóc uốn quăn rất điệu.
Hôm nay Ngố có biết chị đi đâu không? Ừ nhỉ? Mải bận rộn việc nhà. Được ngày nghỉ thì lại ninh xương nấu cháo cho cu Bi. Lại còn tranh thủ giặt giũ chăn chiếu.Tôi làm hết mọi việc nhà để chồng đi gánh nước về nấu ăn uống, cách nơi ở đến gần hai km. Còn giặt giũ thì phải kéo nước từ cái giếng đất nông choèn, cạnh con suối cạn, có màu đục lờ lờ và đánh phèn đợi bùn lắng xuống. Quần áo đã giặt, phơi chưa khô đã cứng như mo nang. Ở xứ này, nước hiếm như vàng ấy, toàn đá là đá, nên đào giếng rất khó có nước. Bận thế, làm sao tôi kịp biết chị đi đâu vào ngày chủ nhật?
Ngố ơi, chị đi đám ma Hậu đấy! Tôi giật mình, sao chết hả chị? Không quan tâm đến câu hỏi của tôi, dường như chị đang thả hồn đi lang thang tận đẩu tận đâu, ở nơi xa tít nào đó. Ngố biết không? Cả nhà đồng ý cho chị “ đội khăn “ đấy! Nhìn vẻ mặt buồn bã, nhưng có chút kiêu hãnh vì được thỏa mãn của chị, tôi cố mím môi nuốt nụ cười vào trong.  Nhưng tối nhất quyết không buông tha cho chị. Vậy thì có nghĩa lý gì cơ chứ? Chị đã không lấy anh ấy mà! Có mà chưa thành kẻ thù là may cho chị đấy. Chắc gì anh Hậu đã không hận chị?
Đôi mắt nhấp nhánh nước như đang sắp buông nỗi buồn xuống, chợt nheo lại ngấm nguýt. Đúng là con Ngố, không biết gì hết cả. Rồi chị giảng giải: đúng là hai nhà đã chuẩn bị đám cưới, đã làm lễ ăn hỏi, và đúng là tự tao đã đội một mâm trầu cau đi trả nhà ấy, nhưng theo tục lệ ở miền núi này, nếu không nên duyên vợ chồng thì vẫn được coi như con gái trong nhà. Chị muốn “đội khăn” cho Hậu vì thương quá, ai lại chết trẻ thế, mới có bốn hai tuổi thôi. Khổ thân Hậu, mà chết đau đớn lắm, xơ gan cổ chướng nên bụng to như người chửa bẩy tháng. Bị rút nước đến lần thứ ba thì bệnh viện trả về. Sao người tốt lại cứ bị khổ nhỉ? Giời ạ, nhưng chị hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai.
Thế làm sao mà chị biết kỹ thế? thì tao đi thăm hôm chủ nhật tuần trước mà. Chị soi khuôn mặt vào tấm gương nhỏ như muốn tìm cái gì, nếp nhăn mờ trên cái trán trắng mịn như giãn ra. Nhưng may mà chị trả lại trầu cau đấy, nếu không bây giờ đang là bà vợ góa với một đàn con rồi. Tôi dịu dàng. Chị ơi, thế chị không yêu anh Hậu, sao lại để cho nhà người ta ăn hỏi? Chị quay phắt lại, Ngố ơi, nếu chị biết tại sao thì còn nói làm gì, ngày ấy chị cũng vừa ra trường như em bây giờ ấy. Hậu là người đàn ông rất tốt bụng, tốt lắm ấy. Nhưng chị biết chắc chắn một điều là cần phải làm thế, cần phải đi trả lại lễ ăn hỏi. Chị đã đi một mình, không cần phải nhờ ai cả. Khi lần đầu tiên nghe chị kể chuyện này, hình dung ra chị một mình đội đủ một mâm to tướng, đầy ụ lễ ăn hỏi đến nhà trai để trả lại, tôi đã khâm phục chị vô cùng.
Hình như tình yêu không chỉ cần có lòng tốt, và cũng không thể giải thích được bằng lí lẽ. Hình như tôi cũng đang nhầm lẫn giữa lòng tốt và tình yêu. Tôi đã từng giày vò cái thân tôi cho bõ khổ sở khi tình đầu bị buông rơi. Tôi đã từng kiêu hành khi được nghe tình yêu van vỉ. Lúc lờ mờ nhận ra đã lầm lẫn thì tôi lại chặc lưỡi buông xuôi, khi nghĩ thiếp mời cưới đã phát ra hết rồi làm sao thu lại. Tuy giữa bộn bề lo toan và nụ cười tươi rói của cu Bi, tôi dã cố gắng đi qua tất cả. Nhưng tôi cũng biết rõ mình đâu có một li dũng cảm nào. Thậm chí còn là vô trách nhiệm với bản thân. Vì thế, hình như lúc nào tôi cũng cần lắm có chị ở bên.
Ngố này, sao lại chán đến không thể chịu được thế này nhỉ! Tôi ngắt lời không để cho chị tiếp tục ca khúc triết lí của mình. Sao lại chán, là do chị không muốn đấy chứ. Thế chiều nay chị đuổi anh Dũng về rồi à? Chị lườm tôi: chả về thì sao? ở đây đã một tuần rồi. Chị cười cười. Không về á, con vợ nó lên tìm thì nó cắt cổ! Gò má có vài nốt tàn nhang mờ mờ của chị chợt ửng hồng lên.
Chả lẽ hạnh phúc chỉ mon men đến ở với chị được có vài ngày thế thôi á? Chả lẽ thế cũng đủ làm cho chị vui trong suốt chuỗi ngày sống cô đơn. Tự dưng cảm giác buốt nhói trong ruột, tự nhiên muốn khóc, nhưng tôi nén lại vì biết là chị không thích thế đâu.
Này, biết không? ngày xưa, hai đứa tao yêu nhau lắm, nhưng chỉ nắm tay nhau và hôn má thôi. Sao mà ngốc thế chứ. Bây giờ nghĩ lại thấy ân hận. Sao con người ta không dám sống thật với tình yêu, không dám sống thật với bản thân mình chứ. Ôi trời, tôi lại thấy bị như bị lạc lối rối mù trong cái mê hồn trận triết lí của chị và nhầm lẫn lung tung trong mớ cháo bột tã lót của cu Bi
Giọng chị vẫn sôi nổi. Sau đó đơn vị Dũng chuyển đi đột ngột, vì bí mật quân sự, nên bọn chị bặt tin nhau từ bấy đến giờ. Nhưng hắn vẫn còn yêu chị lắm nhé! Nếu không yêu sao lại lặn lội ngót 300 cây số tìm đến đây? Dũng bảo biết tin chị vẫn ở đây là đến liền đấy.  Tôi xì một cái, trêu chị . Thì tình cũ không rủ cũng đến mà. Chị nguýt tôi, cái nguýt dài hơn cả đường về quê anh người yêu cũ. Ngố ơi, chả hiểu gì về tình yêu cả, thế mà cũng đòi lấy chồng. Nhìn bộ dạng chị, tự nhiên tôi tin hạnh phúc là thứ có thật
Còn tôi, dám chắc cái gọi là tình yêu ấy đã bị chìm nghỉm trong vòng quay nghiệt ngã và hỗn độn của cuộc mưu sinh. Sống mãi thế này tôi cũng không biết được là có chán quá không, khi mà tôi cứ rối bù trong vòng quay của mình. Công việc thì nhàm chán, lương đủ sống một tuần, đã thế thỉnh thoảng còn bị thay thế tiêu chuẩn gạo bằng phân đạm nữa chứ, nên luôn nghĩ cách ăn cắp thời gian làm thêm việc gì đó, kiếm tiền mua chút xương và thịt lợn về nấu cháo cho con.  Tôi quên chưa nói đấy là thời bao cấp của những năm 1980. Cho nên dù ở cách nhà chị một khoảng vườn dài hai trăm mét, tôi cũng không biết chuyện xảy ra ở nhà chị, vào sáng nay.
Em chán nghe cái chuyện đấy, phải không? Chị mở đầu câu chuyện như thói quen có chữ “ chán” trong lời nói.Nhìn bộ mặt buồn thảm của chị, Tôi vừa thấy giận, vừa thấy tức tối, vừa thương chị nữa. Tôi chủ động gợi chuyện xảy ra với chị hôm rồi. Sao lại có chuyện chị bị đánh ghen cơ chứ? Mà anh ta là ai? Chị dè dặt. Ngố ơi, không nhớ tay lái xe ủi mà chị vẫn thuê vào đánh đá trong vườn hả? Ôi trời! đến nước này thì còn gì để nói nữa. Đúng là mang bông hoa lài cắm bãi cứt trâu. Tôi giận chị thật. Tính tôi xấu thế đấy, khi giận tôi không muốn nhìn mặt.
Ngố này, không thấy chán sao? Khi không thèm nói chuyện với chị? Không muốn nhìn thấy chị, hả? chúng mình làm lành nhé. Cái cằm lẹm của chị hơi hất lên, mắt nheo lại vẻ bất cần, nhưng thoáng chút tủi hờn. Ngố không lên nhà chị vì bận kiếm tiền chứ gì? Chị dài giọng ra, với vẻ đùa cợt. Khi nào giầu cho chị vay làm đám cưới nhé? Tôi vẫn im lặng, nhìn chị đầy thương xót, và lòng đã mềm lại. Thì tôi chưa hỏi chị lý do mà.
Đừng giận chị. Giọng chị chùng xuống. Anh ấy làm hết cho chị bao nhiêu việc đấy. Toàn công to việc nặng, phải cần đến tay đàn ông. Này nhé, phá quả núi đá sau nhà, làm sân, đào giếng. Em lên nhà chị mà xem, giếng tuy sâu nhưng rất nhiều nước. Bây giờ em không phải đi gánh nước xa nữa đâu. Cái giếng rất sâu và có nhiều nước trong ấy đã làm tôi nguôi giận. Tôi tin lời chị nói là cái giếng ấy có nước rất trong. Dẫu gì tôi cũng muốn chị được uống nước trong, chứ không phải thứ nước đục mà thiên hạ đã dẫm chân vào, đã hắt vào mặt chị một cách nhẫn tâm.
Giọng chị bỗng trở nên chì chiết như đay nghiến, sống như chị thế này thì có gì mà thích cơ chứ. Rồi chị bĩu môi, dài giọng ra nhại lại tôi, Thà em được sống như chị! Đúng là loại trẻ ranh mới nói thế! chỉ lắm chuyện, vợ chồng khúc mắc chuyện nọ chuyện kia là bình thường, bát đũa còn có khi xô kia mà, giận nhau một tí mà cứ làm y như cháy nhà chết người không bằng! Đúng là ngố quá đi mất.
Chị ngừng lời. Đột nhiên tôi thấy ánh mắt và nụ cười chị rạng rỡ. Chị muốn thay đổi… Ngố ạ. Chị thì thầm, anh ấy muốn được sống với chị. Tôi dè dặt. Thế còn…? Chị liền cướp lời tôi, và thả ra một tràng dường như sợ nếu ngừng lời thì sẽ bị mất hết vậy. Anh ấy nói sẽ ly hôn, vì không thể tiếp tục cuộc sống “đồng sàng dị mộng”, như vậy sẽ khổ lắm. Chị sẽ chăm sóc ba đứa con của anh ấy, cho dù những đứa trẻ ấy sống với bố hay mẹ. Những đứa trẻ cần được học hành chu đáo em ạ! Nghe chị nói, tôi cảm nhận dường như chị đang thỏa thuê bơi lặn trong biển tình yêu, ngụp mình trong con sóng hạnh phúc, chứ tôi không hiểu đấy là kế hoạch lãng mạn nhất cho tình yêu  ở trên cõi đời này mà tôi được biết. Mà tận khi gần bằng tuổi chị tôi mới hiểu được sự khó khăn trắc trở của con đường hạnh phúc. Vậy mà lúc ấy chị đã vẽ ra một cách nhẹ tênh như vậy, nếu không nói rằng muốn thực hiện nó phải có nghị lực phi thường. Nhưng biết đâu chị sẽ thực hiện được kế hoạch ấy, chị không chịu thất bại đâu. Cho nên, khi nghe chị nói tôi tin lời chị vô cùng.
Ngố này! Chị nghĩ kỹ rồi, không thể để cho nó cứ ở mãi trong người chị được. Cắt bỏ nó là một phần trong đám cưới của chị đấy. “ Nó” mà chị nhắc đến chính là một một khiếm khuyết nhỏ bên trong cơ thể chị, không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nếu phẫu thuật thì vô cùng đơn giản. Chị đi cắt nó đây. Tôi tròn xoe mắt nhìn khiếp sợ. Chị thản nhiên. Dào ôi, có gì đâu mà em phải lo lắng cơ chứ? Ôi chà, chị ơi, cứ để đấy thì có sao đâu, chị đã chung sống với nó ngót hai chục năm rồi còn gì. Ngố ơi, chị đã hỏi bác sĩ cẩn thận rồi, bác sĩ nói chỉ là tiểu phẫu thôi mà. Em yên tâm đi, có bạn chị dẫn đến nơi tin cậy. Thế nhé, vài hôm nữa chị về hẹn gặp sau nhé, Ngố yêu quý của chị.
Chị hớn hở và tung tẩy như trẻ con được mặc áo mới trong dịp Tết. Thế chị đi bệnh viện thật sao? Lại còn chào tôi cẩn thận nữa. Chị cười thật xinh. Chứ lại không á? Muốn làm việc gì cũng phải có sức khỏe. Chị nói như hô khẩu hiệu, xong rồi thả ra chuỗi cười trong trẻo và giòn tan như như chuỗi hạt pha lê
3. Tôi chẳng thể nào hình dung ra được. Tôi ngồi im lặng như những tảng đá đứng ngồi rải rác trong mảnh vườn nhỏ của chị. Tôi cũng như đá vô hồn, bải hoải, rã rời hứng từng cơn gió hoang lạnh. Thoáng chợt có lúc cũng muốn gào lên, nhưng lại thôi, nghĩ để làm gì cơ chứ? Ôi giời, trang điểm phấn son kiểu gì thế không biết? Da trắng nhợt. Môi đỏ choét. Tôi dã nói bao nhiêu lần rồi, chị xinh thế kia cần gì phải phần son. À, nếu mà là ngày thường thì chị sẽ chửi cho chết đứa nào dám trang điểm cho chị xấu như thế. Chị vốn có tiếng là đáo để mà. Chả thế mà ai cũng sợ bị chị nói cho, chửi cho. Thế mà bây giờ chị lại mặc kệ, để khuôn mặt mình ai muốn bôi thế nào thì bôi, quệt kiểu gì thì quệt. Nhìn mặt chị xấu đến nỗi tôi thấy tức tối, thế mà chị im thít chẳng phản đối gì cả.
Tôi ngồi bên chị. Còn chị nằm dài thườn thượt như lúc đang khoái chí nhất và sắp bắt đầu kể với tôi một chuyện gì đó mà chị thấy thú vị. Nhưng sao chị không ở trên giường để cười rúc rích với tôi. Sao không như mọi khi, hai chị em sẽ rúc rịch tâm sự vô vàn những câu chuyện không đầu không cuối.
Tôi muốn gào lên, sao chị không nghe lời can ngăn của em, cứ để nó trong người thì đã sao nào. Tại sao chị lại đi làm phẫu thuật ở một cơ sở y tế tư nhân, để ba ngày sau nhiễm trùng vết mổ thế này.
Tôi ngồi bên chị. Nhưng tôi không có chị nữa. Tôi thấy cái áo quan là đồ rẻ tiền, là thứ hàng được mua vội ngoài chợ, đến cái màu đỏ của nó cũng nhợt nhạt. Chị làm sao mà thích nó được? Hình như đâu đây thoáng vọng lại chuỗi cười của chị, giòn tan và trong veo như chuỗi hạt pha lê, đang lơ lửng theo làn khói trầm mà bay lên cao. 
18/5/2021
Phan Mai Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...