Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Ngoại ô rộn ràng

Ngoại ô rộn ràng

Miếng đất này cách nay trên mười năm có để tiền người ta cũng không dám vào lấy vì sự âm u, hoang vắng của nó. Nó cũng chẳng có giá trị kinh tế vì là một miếng đất trũng ngập nước thường xuyên khó có thể cải tạo nếu không có tiền. Gần hai ngàn mét vuông đất nằm nép mình hiu quạnh ở một góc của ngoại ô thị trấn chứa toàn lau sậy và cỏ dại, một thứ thực vật ô hợp thường thấy ở các mảnh vườn vắng chủ lâu ngày. Nhưng khu đất này thì có chủ, có ngôi nhà ba gian mái ngói tuềnh toàng và cái nền gạch tàu sụp nứt lổ chỗ do lâu năm không tu sửa.
Ở đây, nếu thỉnh thoảng không có tiếng ho khùn khục của bà cụ Tần trên bảy mươi tuổi thì nó hoang dại không thua nơi chốn rừng rú mặc dù chỉ cách trung tâm chợ chưa đầy một cây số. Cụ Tần không phải sống độc thân, cụ có con có cháu nhưng vì mưu sinh họ đã trôi dạt tứ xứ bỏ lại cụ một mình với tuổi già quạnh quẽ. Hai vợ chồng người con trai duy nhứt của cụ lăn lóc ở tận miệt Đồng tháp mười làm khách thương hồ, họ trôi nổi như vậy vài ba tháng mới về ghé thăm nhà một lần. Hai đứa cháu nội một trai một gái thì bồng bềnh đâu đó ở đất Sài Gòn. Ngoài số tiền và gạo ít ỏi được người con chu cấp như bố thí mỗi lần ghé thăm nhà thì cụ sống nhờ vào lòng từ tâm của một sư cô ở ngôi chùa gần đó. Miếng đất đó nếu có được người ta chú ý thì là lòng hiếu kỳ từ sự linh thiêng của cây sao vườn trên một trăm năm tuổi. Người ta đồn, cây sao là nơi “Bà” * lưu trú, là nơi bất khả xâm phạm, ai dám bén mảng tới gần chọc phá hay chặt mé cây sẽ bị “Bà” bắt hộc máu! Thực hư ở tin đồn luôn là một ẩn số nhưng sự kiêng kỵ đã trở thành tập quán của người dân nơi đây là có thật. Cây sao ở ngay sau nhà cụ Tần và từ lâu nó đã trở thành người bạn già đáng tin cậy mỗi khi cụ thấy đau khổ vì cô đơn.
Nhà văn Đào Ngọc Vinh
Đó là chuyện của mười mấy năm trước. Bây giờ miếng đất, cây sao và cụ Tần vẫn còn đó nhưng hoàn cảnh thì thay đổi ngoài sức tưởng tượng. Ở giữa giai đoạn mười năm trước và bây giờ có một cuộc kỳ kèo, trả giá.
Ông Ân, con trai bà cụ Tần.
– Ông nói sao chớ gần hai công đất mà có hai trăm triệu, rẽ mục như vậy thì làm sao mà bán được.
Người đàn ông bỏ áo trong quần.
– Trời, anh tưởng đất anh có mỏ vàng sao? Anh tính kỹ lại đi, miếng đất nằm chỗ hẻo lánh, không huê lợi để đó nhử ma cũng không dám vào! Nói thiệt với anh, tôi cũng chỉ mua giùm người bạn việt kiều chứ đâu có dư tiền mà đem đi mua đất để chờ thời. Thằng bạn nhờ mua miếng đất để sau này về nước có chỗ mà chôn thây.
Ông Ân có vẻ dao động.
– Đất đai thời này mà ông nói ế. Mai mốt biết đâu…
Gã đàn ông bỏ áo trong quần cắt ngang.
– Đây là cơ hội hiếm có, anh bỏ qua uổng lắm! Phần tôi, để tôi liên lạc với thằng bạn coi có thêm được chút đỉnh gì không.
Ông Ân nhỏ giọng.
– Để tôi bàn lại với bà già rồi cho ông hay.
Người đàn ông bỏ áo trong quần có trở lại hai lần và nâng giá miếng đất lên bốn trăm triệu nhưng cụ Tần cương quyết.
– Bao nhiêu tao cũng không bán thà để cho nó “thúi” coi chơi!
Người đàn ông bực mình bỏ đi còn ông Ân thì tức tối quăng quyển sổ đỏ có tên chủ quyền của mẹ mình trên bàn, làu bàu.
– Chỗ chôn thây của dòng họ nhà này cao lắm là nửa công đất chứ mấy, giành lại cạp mà sống hàng ngày được à?
Cụ Tần rơm rớm nước mắt. Cụ ngoái nhìn ra cây sao cổ thụ cố tìm ở đó một sự đồng cảm nhưng đôi mắt già nua chỉ thấy lờ mờ những cành cây lắc lư theo gió như những cái lắc đầu đầy phủ phàng, bạc bẽo.
Không ai dám nghĩ rằng có một ngày khu ngoại ô buồn của cái thị trấn hẻo lánh đó lại rộn ràng đến vậy. khi sửa chữa quốc lộ đi qua thị trấn người ta xây dựng mới một con đường tránh vào khu vực chợ như cái ruột thừa của quốc lộ để giao thông được thuận tiện. Chính con đường tránh đó đã mở ra một không gian mới cho người dân thị trấn vốn quá ngột ngạt ở khu nội ô vừa hẹp vừa bẩn thiểu này. Ngoại ô sẽ càng thêm nhộn nhịp, bề thế khi có chủ trương xây mới khu hành chánh của huyện ngay cung đường đẹp ở “khúc ruột thừa” của quốc lộ. May mắn rớt trúng gia đình cụ Tần. Hai sự quy hoạch ngẫu nhiên biến miếng đất hoang của bà cụ Tần nằm ở một vị trí đắc địa. Đầu tiên, con đường mới chạy ngang khu đất cụ tuy có mất chút đỉnh đất nhưng bù lại toàn bộ chiều ngang gần hai công đất có hình chữ nhựt của cụ nằm lòi ra mặt tiền đường. Ngoài ra, khu hành chánh mới của huyện được quy hoạch xây dựng nằm đối diện với đất cụ Tần, thành ra, rất vô tình miếng đất ngày nào “ma không dám vào” bây giờ trở thành miếng đất có giá trị bậc nhất ở vùng ngoại ô nghèo này. Người đàn ông bỏ áo trong quần có trở lại hai lần nữa khi đoạn đường bắt đầu thi công. Lúc này giá miếng đất được nâng lên tám trăm triệu. Và lần cuối cùng, anh ta chường mặt ra để vớt cú chót. Ông Ân trề môi giọng mỉa mai.
– Tỉ rưởi à? Thôi đi cha nội, nửa công đất xấu quắc toàn mương rảnh không mà một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trả giá một tỉ rưởi rồi mà tôi chưa chịu bán, tỉ rưởi của ông bây giờ chắc mua được một lô đất chưa nâng nền!
Người đàn ông bỏ áo trong quần lủi thủi bỏ đi không quên để lại cái liếc mắt thèm thuồng và tiếc rẻ “miếng mồi ngon” không nuốt được. Ông Ân cười khẩy rồi ngồi rung đùi tự sướng với những dự định trong đầu.
Bà Tần chán nản, mệt mỏi buông xuôi khi ông Ân nhiều lần làm áp lực buộc bà giao quyền sở hữu miếng đất lại cho ông. Thì đó, bây ăn dộng gì ăn đi nhưng tao giao trước là không được dỡ nhà và đốn cây sao của tao. Ông Ân thở phào, cuộc đời của một thằng lưu linh lưu địa như ông đang đứng trước một viễn cảnh sáng chói.
Công việc đầu tiên ông Ân làm sau khi bán được đất là bỏ ra gần một tuần lễ để tìm hai đứa con tội nghiệp của mình đang lềnh bềnh đâu đó ở đất Sài Gòn đem về. Thằng con trai thì làm công việc phụ hồ lăn lóc hết công trường này tới công trường khác ăn quán ngủ đình như một kẻ vô gia cư. Còn đứa con gái thì phụ bán cho một tiệm cơm bình dân tuốt ngoài Thủ Đức mặt mài hốc hác phờ phạc vì thức khuya dậy sớm. Hai anh em chúng nó có nằm mơ cũng không ngờ rằng từ những kẻ cù bơ cù bất sống như miếng rác vụn ở vỉa hè Sài Gòn quay ngoắc một cái đứa trở thành thiếu gia, đứa là tiểu thơ khi số phận chơi trò trúng thưởng bất ngờ. Về nhà, hai đứa con ông Ân hòa nhập rất nhanh với thân phận mới. Đứa con gái chỉ mấy ngày trước còn lem nhem xốc xếch không dám cười cầu tài với bà chủ tiệm cơm thì nay xuất hiện lộng lẫy với đủ các loại trang sức đắc tiền, điện thoại di động đời mới a lô, a lố rùm trời giữa đám đông; sửa tướng sửa giọng ăn nói điệu đàng liếc ngang liếc dọc với đám choai choai ở cái thị trấn có nhiều gia đình lên hương nhờ “quy hoạch”! Thằng con trai thì liệng cuộc đời phụ hồ mưa nắng nhọc nhằn của mình ra sau lưng ôm chiếc xe tay ga Thái mới mua phóng như bão trên đường, em út móng đỏ móng vàng ngồi tréo ngoải sau lưng hò hét cổ vũ. Sự sang trọng được bày biện một cách tùy tiện thô thiển thành ra dị hợm.
Ông Ân tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ để mừng xum họp gia đình có mời thêm một số người quen cũ. Tiệc nhỏ nhưng đãi lớn, mồi màng bia bọt tràn trề, thừa mứa. Tàn tiệc, ông gọi vợ con lại để thông báo một vấn đề quan trọng. Đó là, số tiền bán hơn nửa công đất hiện có của gia đình là gần hai tỉ, một phần trong số đó dành cho việc xây nhà, còn lại ông quyết định đầu tư kinh doanh. Ông cho mỗi thành viên trong gia đình có một đề xuất ngành nghề kinh doanh nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là ông. Hai đứa con ông gần như không thèm đếm xỉa tới nội dung cuộc họp quan trọng của gia đình mà ngồi nhắn tin điện thoại, còn bà vợ cũng không có ý kiến ý cò gì ngoài việc đòi quyền giữ… chìa khóa tủ! Ông Ân láp dáp một mình cảm thấy cụt hứng nên đã bỏ đi ngủ. Chỉ có cụ Tần là nằm nghe rõ tất cả sự việc nhưng bà không được mời “tham luận” dù chỉ một lời. Cụ nằm buồn bã với cảm giác bị bỏ rơi, bị thừa thải trong ngôi nhà vừa tìm lại không khí gia đình sau bao nhiêu năm tan đàn xẻ nghé. Điều cụ cần bây giờ không phải là tiền mà là một thái độ quan tâm đơn giản, một chút ân cần của con cháu cũng khiến cho cụ ấm lòng. Vậy mà, từ khi bán đất tới nay, cửa miệng của họ chỉ toàn là tiền, vàng và những tiện nghi lạ huơ lạ hoắc với cuộc đời nông dân của cụ. Vì thế, nếu trước đây khi thiếu vắng những thành viên trong gia đình cụ cảm thấy cô đơn một thì bây giờ cụ có cảm giác trống trải tới mười. Cụ thở dài cho chuỗi ngày tiếp theo của mình nhưng cụ chưa muốn chết, cụ phải sống để bảo vệ một cái gì đó mơ hồ trong tiềm thức mặc dù chính cụ cũng biết là mình đủ sức để làm điều đó.
Hiện nay trên phần đất của cụ Tần ngày xưa lần lượt là: quán nhậu, nhà trọ, trại hòm, ngôi nhà hai tầng, căn nhà ba gian có cây sao cổ thụ và cây xăng. Trong đó cây xăng thuộc sở hữu của một chủ doanh nghiệp được ông Ân bán cho nửa công đất trước đây, những cơ sở còn lại là do ông Ân bỏ vốn đầu tư kinh doanh trừ hai ngôi nhà để ở. Phía ngược lại, bên cạnh quán nhậu là phần đất của chùa có ngôi cổ tự nho nhỏ mà vị sư cô thường lui tới giúp đỡ bà cụ Tần lúc cụ sống một mình ở nhà. Không biết tư duy kinh doanh của ông Ân kiểu nào mà mở ra ba dịch vụ tréo ngoe như vậy hay nếu có “lô gích” thì quán nhậu và nhà trọ là đủ rồi. Ai tò mò hỏi thì ông Ân cười cười bí mật: Để rồi coi!
Thời gian đầu, chỉ có quán nhậu và nhà trọ là đông khách, còn trại hòm chỉ lai rai nếu không muốn nói là ế! Quán nhậu đông khách ngoài nguyên nhân vì nó mới, món nhậu phong phú, có hai em tiếp viên non choẹt bẹo qua bẹo lại thì còn có ấn tượng của cái tên tiệm: “Quán nhậu THÂM GIAO bình dân”. Cái tên dễ gợi cho người ta ý nghĩ về tình người một cách trong sáng. “Quán nhậu THÂM GIAO bình dân” lại nằm ở một vị trí có không gian mở. Nghĩa là, ngồi ở quán nhậu, nếu cần sự yên tĩnh thanh khiết thì quay mặt qua phía chùa. Ở đó, người ta sẽ tìm thấy được cảm giác bình thản, an lành đủ để lọc rữa tâm hồn dính đầy bụi trần ai. Những ai đầu óc phàm phu tục tử thì liếc mắt qua phía nhà trọ rồi tha hồ tưởng tượng tới những việc đang xảy ra bên trong khi khách ra vô nườm nượp. Trong đó có cả những cô cậu mặt còn búng ra sữa độ tuổi học sinh cấp ba lấm lét dìu nhau vào nhà trọ chừng  mươi phút rồi vội vội vàng vàng chạy ra mặt mài đầu tóc còn bèo nhèo rủ rượi. Nếu không, cứ hướng mặt ra phía trước mà chiêm ngưỡng, xéo quán nhậu một chút là công trình xây dựng khu hành chánh mới của huyện; những khối kiến trúc đồ sộ đang dần thành hình hài, tương lai, vận mệnh của cả một cộng đồng dân cư cấp huyện lệ thuộc rất lớn vào những vị nay mai sẽ ngồi trong khối kiến trúc hoành tráng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng kia. Ngồi nhậu mà nhấm nháp những hy vọng ở thì tương lai cũng rất thú vị! Riêng khu nhà trọ “Mỹ Miều” kế bên quán nhậu thì như đã giới thiệu, khách khứa nhộn nhịp. Khách vãng lai cũng có khách ở quán nhậu qua cũng có rồi nông dân, công nhân… Quả ông Ân là bậc cao thủ “đi tắc đón đầu” trong việc kinh doanh! Nhà trọ đông khách vì còn có cô tiếp tân con ông Ân tuy thiếu đẹp nhưng trẻ măng và quan trọng chìu khách hết mình. Ngồi ở bàn tiếp tân mà mắt môi lúc nào cũng như mời gọi, đám công tử miệt vườn chết nghiêng chết ngửa vào mướn phòng trọ mấy tiếng đồng hồ để phóng lên nệm nằm tưởng tượng đến những gì nằm sau bộ đồ mỏng dánh ngắn ngủn trên người nàng cũng đủ sướng rồi.
Ăn nên làm ra như vậy nhưng nhìn ông Ân vẫn có vẻ rầu lòng, bởi bỏ vốn kinh doanh mà trại hòm cứ nằm ì ra đó, bán không chạy. Không phải thiên hạ không có chết nhưng trong lĩnh vực này ông chưa có kinh nghiệm để cạnh tranh với những cơ sở có thâm niên kinh doanh khác. Hơn nữa, đặc thù của lãnh vực kinh doanh này là không được quảng cáo, khuyến mãi, càng không nên van vái thần linh phù hộ nên ông cứ loay hoay để chịu thua thiệt. Vợ ông an ủi.
– Ông lo làm gì cho mệt người, buôn bán cũng phải có thời chớ. Tôi có chuyện này muốn bàn với ông, bây giờ đám ma ai cũng có nhu cầu nhạc lễ, thầy tụng và chắc chắn là phải có hòm, vậy thì tại sao chúng ta không liên kết ba dịch vụ này lại với nhau? Đâu ông liên lạc với ban nhạc lễ ông Chín Đỏ coi, tay này quan hệ rộng lắm, bắt được mối này thì ông lo mà bán hòm, bất quá mình chi thêm cho ổng huê hồng để ổng giao trọn cho mình dịch vụ cung cấp hòm tận nơi.
Ông Ân vỗ đùi cái bẹp, đôi mắt sáng trưng nhìn vợ nịnh đầm.
– Không có bà chắc tôi ăn cơm tiệm suốt đời! Có vậy mà tôi nghĩ không ra, bây giờ mình chỉ lợi dụng tiếng tăm của ông Chín Đỏ để ăn theo, mai mốt có khách hàng ổn định tôi chơi luôn dịch vụ kinh doanh liên hoàn này cho bà coi. Mà tới khi tôi làm thì phải khác người ta, kèn tây kèn tàu có đủ, dàn nhạc phải là loại khuyếch âm công suất cao, có cả “ca sĩ” khóc than kể lể thiệt hay nữa mới đầy đủ bài bản.
Chuyện tưởng vậy rồi qua, không ngờ hai tháng sau dịch vụ tang lễ Hai Ân ra đời với buổi tiệc khai trương tưng bừng. Vợ Hai Ân còn có sáng kiến mướn luôn một thầy tụng về nuôi trong nhà để sẵn sàng phục vụ đám khi có nhu cầu. Tay thầy tụng này chẳng những đẹp trai, có làn hơi tụng kinh thảm sầu, luyến láy chuyên nghiệp như ca tứ oán trong nhạc tài tử mà còn biết nhảy cha cha cha, val, tango… và ca nhạc trẻ khi chủ nhà yêu cầu. Tiện ích từ dịch vụ trọn gói này khiến Hai Ân “lật đổ” dần những dịch vụ nhỏ lẻ truyền thống, thao túng “thị trường” phục vụ đám tang nên trại hòm cũng nhanh chóng phát đạt.
Bây giờ thì khu ngoại ô này thật sự rộn ràng. Đoạn đường như “cái ruột thừa” của quốc lộ gần năm cây số cứ hoàn thành đến đâu thì có thêm những dịch vụ vui chơi giải trí mọc lên tới đó. Chỉ tính riêng gia đình ông Ân thì đã có một dãi phố kinh doanh “đa ngành nghề” rồi. Còn dọc theo tuyến đường mới thì nào là karaokê, hớt tóc thanh nữ, mát xa, cơm bình dân… cho tới các loại nhà trọ bình dân, cao cấp, những quán cà phê đèn đỏ đèn xanh giăng hàng mời gọi. Đằng sau những phô trương thị thành đó là những quán cóc mập mờ trong các góc tối với xề khô hoặc hột vịt lộn có mấy em “móng đỏ” lượn lờ phát tín hiệu mời mấy anh ham của lạ ghé vào nhà… thần chết, chơi! Ở đó bây giờ ngoài phần đất chùa không ai được rờ tới thì chỉ còn ngôi nhà ba gian xiêu vẹo của cụ Tần và cây sao cổ thụ là lưu dấu một thời hoang sơ trầm mặc của vùng ngoại ô hẻo lánh này. Nó nép mình lặng lẽ chứng kiến sự phồn thịnh đang phát triển từng ngày mà không biết nên vui hay buồn, nên cổ súy rồi chấp nhận tuột hậu để cái mới phủ định, đào thải hay đương đầu đấu tranh để tồn tại dù biết đó là điều không thể? Cũng có mấy lần ông Ân qua mời bà Tần về nhà mới ở nhưng bà phủi ngang.
– Tụi bây có muốn giết tao thì tìm cách khác chứ đừng đưa tao vào cái “ hộp quẹt” bự chảng đó. Tao ở đây là để ráng giữ chút đất chôn thây sau này, tụi bây tính lừa già này để bán luôn nó à?
Những ngày gần đây đêm đêm bà cụ Tần nghe có tiếng con cú về đậu trên cây sao sau nhà cụ kêu thảm não. Ban đầu, cụ cảm thấy lo sợ cho một sự đe dọa mơ hồ: không lẽ mình đã tới thời điểm phải theo ông theo bà? Nhưng không biết từ lúc nào cụ quen dần với tiếng kêu buồn của loài chim bị người đời nguyền rủa là chuyên đem lại điềm xui cho họ bằng “chất giọng” não nề trong đêm. Dần dà cụ thấy thiếu thiếu, vắng vắng và có một chút buồn buồn khi con cú không về đậu trên cây sao cổ thụ cất giọng “cú…cú… cú…”. Sự cô đơn khiến cụ làm bạn luôn với âm thanh vốn là điềm báo tai ương đang đến với mình. Và, với cụ thì thảm hoạ có khi không phải đến từ miệng một loài động vật ngàn năm mang tiếng âm hồn xui xẻo mà tới từ một chỗ khác…
Trại mộc Năm Thiện chuyên đóng hòm cung cấp cho các đại lý bán lẻ ở khu vực Chợ Hữu Thành mấy ngày gần đây hoạt động tất bật vì có mối hàng lớn. Một cây sao bề hoành cở ba người ôm không hết được người ta chuyển đến để hợp đồng đóng hòm. Người chủ cây sao cho biết gần đây thiên hạ có yêu cầu rất cao về chất lượng ván hòm và kích cỡ thì cũng vô cùng phong phú vì người chết đủ mọi thành phần, lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cho nên ông ta phải chủ động dự trữ một số lượng lớn hòm đa dạng về chủng loại, kích thước mà cạnh tranh với những cơ sở khác. Trong đó, ông ta bảo đảm ván cây sao vườn đóng hòm sẽ sang trọng không thua những loại ván cao cấp khác.
Năm Thiện đang chỉ huy đám thợ xúc tiến công việc thì có khách tìm. Người thanh niên vừa thở hổn hển vừa nói.
– Ông Năm chở nhanh một cái hòm theo số đo này ra ngoài thị trấn giùm, mà nhớ là phải được đóng từ ván cây sao vườn nghen! Người chết hả? Ôi, cha này ngu, nghe lời vợ đem ông thầy tụng về nhà làm dịch vụ đám ma trọn gói, hai ngày trước ông thầy tụng bợ tiền vàng cùng con vợ ổng biến mất. Ổng buồn rầu uống rượu li bì rồi xách xe chạy đi… tìm vợ, đâm đầu vô cột điện chết tươi. Cha, đám ma này làm bự chảng cho coi nghen vì ổng là chủ dàn nhạc lễ chơi nổi nhất xứ mình mà. Chỉ tiếc là thiếu ông thầy tụng biết nhảy cha cha cha và ca nhạc trẻ, có ổng thì xôm tụ biết mấy!.
Cùng lúc này ở ngoại ô thị trấn, dàn nhạc lễ đang dợt lại bài “Tình Cha” với điệu sì-lô rock rộn ràng.
Chú thích:
 * “Bà”: Một nữ thần được truyền tụng trong dân gian thường lưu trú ở những ngôi miếu dưới các cây cổ thụ.
12/6/2021
Đào Ngọc Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...