Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

Bài thơ "Mời trầu" hay truyện tình giả tưởng của Hồ Xuân Hương

Bài thơ "Mời trầu" hay truyện tình
giả tưởng của Hồ Xuân Hương

Quả cau nhỏ là lẽ thường tình, nhưng nó được đặt bên cạnh “miếng trầu hôi” thì thật độc đáo. Chữ “hôi” ở đây mang hàm nghĩa quê mùa, bình dị, chân chất, thậm chí xoàng xĩnh. Tác giả như đã bóc hết lớp vỏ bọc mỹ từ, để trơ cái lõi của sự vật chân thật đến trần trụi, cho thấy hết vẻ đẹp của sự lấm láp, tro bụi. 
“Nữ sĩ Hồ Xuân Hương” – Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn
 
 “Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi”
(“Mời trầu” – Hồ Xuân Hương)
Tôi được bà nội dạy cho bài thơ này sớm lắm, khoảng cuối năm học cấp I thì phải. Từ ấy tôi thuộc làm lòng “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương, sau này mới biết theo bản khắc năm 1921, bài thơ có tên “Mời ăn trầu”. Do dấu ấn sâu đậm về bài thơ từ nhỏ, tôi xin gọi tên bài thơ là “Mời trầu”. Và quả thực, tôi không thích chữ “ăn” đặt trong tiêu đề bài thơ này.
“Mời trầu” nằm trong tâm trí tôi ngay thuở đầu đời, thuở làm quen với đời sống quanh mình, thuở chưa rõ bản năng giới tính. Hồi ấy tôi có nghe lỏm được một số bài thơ khác của Hồ Xuân Hương, nhưng cứ thấy rờn rợn những câu thơ quá táo bạo của bà trong một số bài như “Đánh đu”, “Ốc nhồi”, “Quả mít”, “Trống thủng”, “Vịnh cái quạt”… Khi chưa bước qua ngưỡng “nữ thập tam, nam thập lục”, có lẽ “Mời trầu” vừa đủ và hợp với tâm trạng tôi khi ấy. Hợp, bởi cái tình trong bài thơ vừa đủ bén, nồng đượm mà e ấp, cả tin xen lẫn xét đoán, nghi ngờ. Còn đủ, bởi hình ảnh quả cau, lá trầu luôn là nơi nương tựa chốn quê, gần gũi da diết, và cô lẻ âm thầm.
Đúng là khi ấy tôi đâu biết đến nghệ thuật thi ca, hay khai phá câu chữ, cũng như chưa minh định được tài năng của Hồ Xuân Hương đã Việt hóa thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật thế nào. Đọc bài thơ, tôi chỉ cảm thấy bóng hình cô Xuân Hương lồng lộng, trẻ trung, mang quyền uy choán hết cả không gian. Nỗi ám ảnh ấy sau này mỗi lần nhớ đến “Mời trầu” tôi lại hình dung nữ sĩ chính là ông Tơ bà Nguyệt, một hình tượng độc đáo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (có nguồn gốc từ điển tích văn học cổ điển Trung Quốc). Trong bài thơ “Mời trầu”, Hồ Xuân Hương đã thành người ướm duyên, se duyên, nối duyên bởi chữ “thắm”. Sẽ trở lại với chữ “thắm” trong phần sau bài viết.
Câu thơ “Có phải duyên nhau thì thắm lại” gợi tôi nhớ đến nhiều câu ca dao mang nỗi khát khao giao hòa của tuổi trẻ, hôn nhân, luyến ái…
“Lòng tôi yêu trộm nhớ thầm
Trách ông Nguyệt lão xe lầm duyên ai
Duyên tôi còn thắm chưa phai
Hay là người đã nghe ai dỗ dành”
Điển tích ông Tơ bà Nguyệt se duyên là vậy, nhưng rõ ràng nội lực, sức mạnh của trái tim người khao khát yêu thương trong ca dao không thể so sánh được với người con gái trong “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương.
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi”. Câu thơ đầu tiên trong bài vọng ra tiếng thưa nhỏ nhẹ như bao thôn nữ hiền thục, dịu dàng. Đúng với phong tục Việt Nam “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, tác giả như đã lùi lại để hình ảnh miếng trầu hiện ra như một nghi thức giao tiếp. Nghi thức khiêm cung này khác biệt với phần lớn hình ảnh táo bạo khác mà tác giả đã hóa thân trong những câu mở đầu một số bài thơ: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” (Bánh trôi nước); “Thân em như quả mít trên cây” (Quả mít); “Của em bưng bít vẫn bùi ngùi” (Trống thủng)…
Quả cau nhỏ là lẽ thường tình, nhưng nó được đặt bên cạnh “miếng trầu hôi” thì thật độc đáo. Chữ “hôi” ở đây mang hàm nghĩa quê mùa, bình dị, chân chất, thậm chí xoàng xĩnh. Tác giả như đã bóc hết lớp vỏ bọc mỹ từ, để trơ cái lõi của sự vật chân thật đến trần trụi, cho thấy hết vẻ đẹp của sự lấm láp, tro bụi. Trong ca dao, dân ca, nhất là những khúc hát ru của người Việt xưa, những tính từ đi liền với “trầu” thường mang màu sắc sặc sỡ như vàng, xanh, thắm…, ám chỉ thời gian như già, non, úa, tàn, xơ xác…, hoặc mang hương vị cay, nồng, mặn, chát, nhạt v.v. Xin dẫn một số câu ca dao sau:
“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không”
“Cho anh một miếng trầu vàng
Mai sau anh trả cho nàng đôi mâm”
“Trầu này ăn thật là say
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng”
“Quả cau”, “miếng trầu” trong tay Hồ Xuân Hương đã khác, rất khác. Hình ảnh câu thơ đầu tiên trong “Mời trầu” hiển hiện trước mắt bạn đọc giống như đỉnh một đợt sóng lớn nhấp nhô phía xa đang tiến lại gần bờ. Và con sóng ấy “sinh sự” ngay trong câu thơ tiếp theo: “Này của Xuân Hương mới quệt rồi”. Chữ “này” được nhà thơ đặt ở ngay đầu câu thơ gây cảm giác đột ngột, mang cho người đọc sự ngỡ ngàng, đâu ngờ tác giả của nó bỗng đứng phắt dậy nhanh như vậy. Và cũng cho thấy, cái tư thế của bà thật kiêu hãnh, như chủ động nhận lấy cái phần “của Xuân Hương đã quệt”. Chữ “quệt” thật sự đáo để, cho thấy bà thoăn thoắt bước tới với tâm thế quyết đoán, tự tin. Câu thơ thứ hai này có thêm dị bản: “Này của Xuân Hương đã quệt rồi”. Theo tôi chữ “mới” hay hơn chữ “đã”, nó làm cho tinh thần bài thơ mạnh mẽ hơn, người đọc cảm nhận tác giả cũng trẻ trung hơn, chằm bặp hơn trong hành động.
Hai câu thơ đầu trong bài như cách bầy biện, xếp đủ những quân cờ cho ván cờ một kiếp hồng nhan, kiếp người. Tôi cho rằng đến đây, toàn bộ không gian trong bài thơ đã được hiển lộ, nhưng mọi vật thể trong đó chưa được chuyển dịch, vẫn ở trạng thái tĩnh.
Đến câu thơ thứ ba, “Có phải duyên nhau thì thắm lại” đã kích hoạt mọi chuyển động trong không gian vừa ngưng đọng ấy. Nó vang lên như một khẩu lệnh, tiếng gọi kết duyên của ông Tơ bà Nguyệt. Viết đến đây tôi bỗng nảy một ý nghĩ hoang đường, nếu có một dụng cụ đo lường để biết được sức nặng của ngôn từ, thì chữ “thắm” trong câu thơ này nặng cân nhất trong “Mời trầu”. Bởi sau chữ “thắm” nếu người ăn miếng trầu của Xuân Hương không mang vác nổi mối duyên tình lớn lao này, tất sẽ đứt gánh, chia lìa. Cũng chẳng ai quên được hình ảnh “quả cau”, “miếng trầu” mà Xuân Hương vừa mời đấy thôi, giờ nó được hòa quyện, được nghiền nát, se sắt vào nhau thành nước quết trầu trong miệng người ăn.
Nhân đây xin nói thêm đôi dòng về tập tục ăn trầu, về nước quết trầu, mà theo tôi đã làm nên nghĩa đen của chữ “thắm” nặng ký trong bài thơ này. Tập tục ăn trầu đã tồn tại ở châu Á và châu Đại Dương từ nhiều thế kỷ trước. Mỗi quốc gia, vùng miền có cách ăn trầu khác nhau, nhưng nguyên liệu chính vẫn là trầu không và cau. Tại các nước Nam Á và Đông Nam Á, tục ăn trầu còn thể hiện nét văn hóa giao tiếp, nhất là các vùng nông thôn Việt Nam xưa. Người ăn trầu ở Bắc Bộ nước ta thường thêm vôi, vỏ chay, vỏ quạch, vỏ quế và thuốc lào, hoặc ăn kèm với vỏ trầm, rễ sen, vỏ khoai, vỏ đỏ… Trước khi ăn, người ta dùng vôi phết nhẹ lên lá trầu tươi đã cắt xéo, mà Hồ Xuân Hương gọi là “quệt” (“Này của Xuân Hương mới quệt rồi”), sau đó gập lá trầu thành miếng, rồi nhai. Miếng trầu phải có vôi, không có vôi bã trầu không đỏ. Do vậy có câu ca dao: “Có trầu có vỏ không vôi/ Có chăn có chiếu không người nằm chung”. Ngược lại, nếu phết nhiều vôi thì bã trầu cũng nhạt: “Tội tình thiếp lắm chàng ơi/ Trầu ăn không đỏ vì vôi quệt già” (Ca dao). Miếng trầu được têm đúng cách, thơm nồng trong miệng sẽ có bã và nước màu nâu đỏ. Ngày nay trong hội họa và ngành thời trang có một màu nâu đỏ càng nhìn càng bắt mắt gọi là màu bã trầu.
Trở lại với chữ “thắm” của Hồ Xuân Hương trong bài thơ. Theo tôi, giữa câu thơ thứ hai “Này của Xuân Hương mới quệt rồi” và câu thứ ba “Có phải duyên nhau thì thắm lại” có khoảng trống khá sâu và rộng. Trong khoảng trống đó là sự chuyển dịch của thời gian, của quá trình ăn trầu. Người được mời đã nhận lấy miếng trầu từ tay Xuân Hương, đặt vào miệng, nhai. Thời gian nhai trầu đến khi biết bã của nó có “thắm” hay không được tính bằng đơn vị đặc biệt dân dã. Nguyễn Bính, thi sĩ chân quê sinh sau Hồ Xuân Hương hơn một thế kỷ đã đo khoảng thời gian nhai trầu ấy bằng câu thơ độc đáo: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu/ Chờ em chừng dập miếng trầu em sang”. Nhưng cái “thắm” của Hồ Xuân Hương nằm trong câu ước định, nghi vấn. “Có phải duyên nhau” được hiểu có thủy chung, hết lòng, có tử tế thì hãy “thắm lại”.
Câu thơ cuối cùng trong “Mời trầu” được coi như một giả thiết, ướm hỏi, nhưng ý tứ lại nghiêng về phía hiện thực mà chính Xuân Hương đã thấp thoáng nhìn thấy: “Đừng xanh như lá, bạc như vôi”. Vẫn đang câu chuyện của miếng trầu, nhưng nhà thơ đã mở ra cái kết bất ngờ, chua xót, có phần tàn nhẫn. Sau chữ “thắm” khao khát kết duyên ở trên, nếu sự không thành, dĩ nhiên đường ai người ấy đi, nhưng lá đã không còn như xưa nữa (tuy nhà thơ vẫn gọi là xanh), và vôi đã phơi bày bộ mặt thật trơ trẽn của thứ vôi “bạc”. Trước sự thật tàn nhẫn có thể xảy ra này, Hồ Xuân Hương đã đặt chữ “Đừng” ngay đầu câu thơ mang tính giả định thay cho lời khuyên, cũng là lời bày tỏ. “Đừng” cũng là mở cửa thoát hiểm cho kẻ tự biết mình là thứ vôi bạc.
Tôi coi bài thơ “Mời trầu” là một truyện tình giả tưởng. Kết cấu truyện có phần dẫn nhập trong hai câu thơ đầu, nút thắt ở chữ “thắm”, và cái kết mở ở câu thơ cuối. Nhân vật Xuân Hương xưng danh, xuất hiện từ đầu đến cuối câu chuyện, chủ động trong cuộc thoại. Nhưng còn một nhân vật nữa, đó là người được Xuân Hương mời trầu. Theo tôi, anh ta mới là nhân vật chính của truyện siêu ngắn (mini) này. Người ấy có thể là đấng nam nhi, một hiền nhân quân tử, hoặc kẻ đại diện cho thần quyền, giai cấp thống trị, thậm chí một kẻ lừa tình. Bóng dáng nhân vật nam ấy khi ẩn khi hiện, im lặng từ đầu đến kết thúc truyện, nhưng bạn đọc vẫn nhìn rõ những khoảng tối, ám muội trong con người anh ta. Vậy “kẻ ăn trầu” ấy là ai trong thời đại của Hồ Xuân Hương, cả thời nay và mãi sau này? Diện mạo nhân vật ấy thế nào xin tùy thuộc vào suy đoán của mỗi người đọc.
Hà Nội, 12/3/2020
Mai Ngọc Phát
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...