Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Cánh đồng chiều cuối thu

Cánh đồng chiều cuối thu

Tôi về, cánh đồng lúa trước làng gặt gần xong, trơ gốc rạ. Gió xốn xang nhảy múa trên những tán cây xoan khẳng khiu đang thi nhau trút lá cuối cùng, gió mơn man đưa hương cốm từ một con ngõ thân quen nhà ai trong làng bay tạt qua mũi thấy thơm dìu dịu, ngòn ngọt, mùi thơm rơm rạ với hương cốm đầu mùa tan chảy, làm thức dậy kí ức vụn vã tuổi thơ từ những ngày đã xa.
Tôi gặp mẹ đứng bên mép con mương dài đầu làng dẫn nước từ sông ra cánh đồng, đôi quang gánh trên vai chùng xuống làm dáng mẹ hơi khom gù lại, những giọt mồ hôi còn rịn nguyên trên trán, lưng áo gụ lấm thẫm cả một vùng rộng chừng đôi bàn tay người lớn xòe ra. Mẹ lật ngửa nón vén quai lên vo lại trong lòng tay và quạt xới từ trong ra cho đỡ nóng, vài sợi tóc mai đã nhuốm bạc vương lòa xòa bên miệng cười tươi, lộ rõ hàng răng đen hạt huyền thật đẹp. Bà mắng yêu: “sao anh cả không về sớm hơn mà đi gặt giúp mẹ”!? Câu hỏi nhẹ mà lòng tôi nhói, thương cả cánh đồng trong gió chiều cuối thu nhạt nắng thoang thoảng mùi đất nâu.
Trên đôi quang gánh của mẹ, một đầu là ít lúa sót rơi rụng trên đường trong mùa gặt, những hạt thóc mẩy rời nhành lúa rụng xuống ngay dưới gốc cây đa đầu làng khi người gánh về ngồi nghỉ tránh nắng ban trưa. Giờ đã vãn mùa, rỗi rãi mẹ đem chổi ra quét gom vào, sàng sảy cho sạch đất, nhặt bới sỏi đá, đưa xuống nước đãi sạch sạn, cát, bùn đất, rồi đem phơi khô. Thứ thóc này vẫn dùng tốt, mà nếu dư giã thì có thể để giành cho đàn gà vào mùa vắng hạt. Một đầu gánh còn lại chỉ hơn ôm cỏ cho bò mẹ ăn đêm. Con của nó đang thời kì thúc sữa không chịu ăn rơm mới ngày mùa. Nó được quyền đòi hỏi ăn no và ăn ngon ngày mùa mà! Một nắm rau rệu, rau vác mẹ vừa nhổ lên rửa sạch đặt lên trên đầu gánh cỏ, những cọng rau xanh mướt mà rễ nó trắng muốt như sợi tơ ngó sen. Chúng mọc chen bên những gié gốc rạ. Lúa gặt rồi, chúng được hít thở khí trời và hút chất dinh dưỡng từ bùn ruộng lớn nhanh như có đất trời kéo lên theo. Chỉ mấy ngày sau vụ gặt đã nhìn thấy màu xanh mướt mát giữa những đám ruộng trơ gốc rạ miên man. Mẹ nhổ về cho con lợn đang thời kỳ thúc béo trong chuồng. Những thứ rau ấy, ngày xưa chúng tôi vẫn thường ăn, lúc thì mẹ đem nấu với canh tép khô ăn cùng mấy quả cà pháo rất mát, lúc thì rau rệu, rau vác đem muối giòn chua chua thanh thanh chấm với nước thịt lợn ba chỉ rang cong, kẹp vào ăn xổi. Tôi coi đó là món sang, đôi khi no lặc lè mà miệng vẫn thòm thèm, ngon đến lạ.
Lác đác trên cánh đồng làng, vẫn còn đôi ba vạt lúa nhà ai chín muộn chưa gặt, chúng ngã theo chiều gió gần như rạp xuống khi cả cánh đồng đã trống trơn, không còn ai đứng bên để chúng nương tựa vào, những sóng lúa dờn lên bồng bềnh mỗi khi có gió. Ngày cả cánh đồng lúc chưa gặt, những vạt lúa này cũng hòa lẫn trong một màu vàng xuộm, ngan ngát, trải tít tận những viền làng có lũy tre xanh đến trong cùng chân núi. Nhìn xa xa, những vạt lúa ấy đã ngã màu vàng mà chưa óng, bởi khi tới gần, những bông lúa ấy mới chín vàng được vài hạt phía đầu bông, phía trong vẫn còn màu xanh trắng nhìn rõ hạt gạo chưa đầy, nhiều bông vừa qua giai đoạn ngậm sữa. Người làm ruộng lúa ai cũng hiểu “xanh nhà hơn già đồng”, lúa phải lên, phải tốt, phải trổ bông và chín đều đồng loạt, nhưng chất đất chân ruộng và cách chăm bón mỗi nhà khác nhau nên lúa chín không đều cũng là điều dễ hiểu. Vì thế người làm ruộng thường lo toan sao cho lúa của mình không phải gặt sau thiên hạ. Trong những đám lúa gặt sau ấy, cơ man nào là các loại chim chóc, châu chấu, bọ xít, côn trùng… Nếu ruộng còn nước lấp xấp thì cũng cơ man là cua, cá, ốc tìm nơi trú ngụ cuối cùng trên cánh đồng. Những con chim mòng mòng, le le, cuốc, cói, chiền chiện cũng về đây, con nào cũng béo mền nung núc thịt và lông mượt như tơ óng. Không ít người đã giăng lưới vây quanh đám ruộng khi gặt và tóm được chúng mang về vặt lông, xả thịt đem nướng, đem quay rồi đưa lên bàn ăn, hoan hỉ như mừng “chiến lợi phẩm” sau mùa gặt. Đôi khi tôi mường tượng thấy sự tàn sát cánh đồng ở những đám ruộng gặt sau của con người cũng thật dã man khi những con chim mất nơi trú ngụ cuối cùng, mắt của chúng đỏ đọc như hai cục tiết, vỗ cánh xoành xoạch dãy dụa trong đau đớn, bất lực khi chân chúng bị trói chéo giò thành chùm với nhau.
Hết mùa gặt, mùa cày ải lại bắt đầu. Người làng đổ ra đồng cày xới, đắp đập be bờ dẫn nước vào ruộng như là đi trẩy hội, gặp ai cũng tíu tít. Gió hanh hao thun thút thổi luống cuống cả những cọng cỏ non đung đưa trên mặt nước, những chú chim chìa vôi đứng chực rình giun đất trên vai cày, đuôi trắng xòe lên mỗi khi gió lùa vào tung tẩy, nắng vàng trong se lạnh, tiếng người giục trâu tắc rì nhặng xị cả lên, chỉ vài ngày sau cánh đồng đất đã được lật lên với một màu nâu thẫm. Đất cày lên phơi đấy giữa giao mùa để chuẩn bị làm mùa rau, khoai màu mùa đông. Nhịp sống làng quê những ngày này thật bình yên, sinh động và cũng thanh thản, trầm mặc như một bức tranh thu đẹp đến nao lòng, ru tôi về với ngày thơ bé xa xăm.
Ngày ấy, sau khi tôi nhập ngũ, nhà chỉ còn ba sào ruộng, vừa ruộng phần trăm vừa ruộng khoán, một ở vùng đồng sâu chưa khi nào cạn hết nước, một ở gò cao giữa cánh đồng làng, một ở tít tận mù khơi giáp biên ruộng chân đồi xã khác. Những thửa ruộng ấy gắn liền với bao vất vả cần lao của cả bố và mẹ – những người nông dân thực thụ cày cấy để nuôi sống anh em chúng tôi. Tôi nhớ như in những ngày giáp hạt chờ lúa chín là niềm hy vọng lớn lao của cả gia đình, nhưng vì túng thiếu nên mẹ vẫn phải thường xuyên chạy chợ kiếm gạo từng bữa, đong gạo thiếu, khoai sắn thiếu… cho ấm bụng mấy cái dạ dày như những chiếc tàu há mồm lũ trẻ chúng tôi, rồi đến mùa gặt lại đi trả lúa non mà lòng đầy xa xót. Thương cánh đồng đất nâu đến nao lòng nơi đã làm nên cơm mẹ áo cha nuôi chúng tôi khôn lớn thành người, bước được vào đời bằng những khát khao cuộc sống của tuổi trẻ. Nhiều khi cứ nghĩ mình có thể rũ bỏ được mùi bùn từ vũng trâu đằm trong những lần đi tát nước bắt cá, bắt cua ốc… Nhưng càng đi xa, càng trưởng thành càng nhớ về mùi đất nâu một thời dầm mưa dãi nắng, lại có khi hiện về quay quắt mồn một ngay trong cả những giấc mơ con.
Thực ra, quê tôi không phải chốn thị thành, không giàu có, nhưng là nơi khá đắc địa. Trên bến, dưới thuyền từ nhiều con sông hợp nhau chảy về với biển; bãi bồi, đồng ruộng, giữa có đê ngăn mùa nước lũ. Chợ hình thành từ khá sớm, sớm đến nỗi ngay cả người già nhất làng hồi còn sống mà tôi biết cũng không nhớ nổi chợ có từ bao giờ và ai là người đầu tiên đã sinh ra, đặt tên chợ. Chỉ biết rằng trên bến dưới thuyền ấy, người buôn ngược kẻ bán xuôi, từ miền rừng cho đến miền đồng bằng hay miền biển, bằng những sản vật gieo trồng, chăn nuôi, đánh bắt được trong thiên nhiên đều có thể đem trao đổi thứ hàng hóa mình cần. Mùa nào thức ấy, chợ ngày nào cũng họp mà đã họp hôm nào cũng đông đúc. Không giống như những chợ tính theo ngày có phiên chính hoặc phiên xép, cũng do vậy đã sớm hình thành khu dân cư đông đúc, người vãng lai tứ phương tìm về đây để làm thuê làm mướn, ở đợ, kiếm tìm cái ăn từ những gia đình buôn bán giàu có, địa chủ tốt bụng hoặc tầng lớp trên ngày cũng nhiều thêm. Nhưng kỳ thực không hẳn ai giàu có hơn ai, chỉ hơn củ khoai qua đận đói kém cũng đã là khá hơn rồi. Làng quê mến yêu yên bình thế!
Nhưng cũng chính bởi có chợ nên những người tha phương cầu thực tụ về và nhiều người trong số họ không may đã chết trong làn roi nạn đói quất ngang giai đoạn 1945 khi quê tôi cũng là nạn nhân kiệt cùng trong cơn đói nghèo hành hạ. Trong ký ức tuổi thơ tôi, bà ngoại vẫn thường kể những con người đói rách đận ấy đi ăn xin, còn gọi là ăn mày, thậm chí không thiếu cảnh cướp bóc hàng phở, bún, bánh đúc, trái cây… xẩy ra lúc chợ họp. Đêm buông xuống, những con người đói rách ấy vạ vật như những hồn ma, ngổn ngang ở khắp những góc đình chợ, bờ đê… đâu đâu cũng có những thân xác vô hồn đói rét tuyệt vọng đến kiệt cùng sức lực và chết. Có hôm một hai người có hôm vài ba người, ngày nào cũng có. Những con người khốn khổ ấy có người không tấm vải che thân, không nơi nương tựa, chẳng nhớ nổi chốn quê trở về… Người làng lại phải làm việc nghĩa tận đem họ ra chôn rải rác ở các bờ ruộng, gò cao giữa cánh đồng với manh chiếu rách gói tròn thân xác vùi vào lòng đất nâu.
Ngày bé, tôi sợ nhất là phải đi đêm một mình qua những con đường làng rợp bóng cây. Chợ vẫn đông đúc thường ngày là thế nhưng tôi chưa bao giờ dám đặt chân vào đình chợ chiều lúc vãn khách. Đôi khi, thấy bóng người một mình quét rác lầm lũi lúc vãn chợ, tôi lại hình dung ra những con người đói rách khốn khổ dật dờ trong câu chuyện bà kể. Tôi cũng không dám một mình đi dưới những hàng tre kể cả trưa hè vì mấy khóm tre già ấy ngã theo chiều gió đung đưa kẽo kẹt, lá xạc xào phát ra những âm thanh rợn gáy người. Đã thế, chị gái lại thường đem câu chuyện bà kể để dọa ma tôi về những con người khốn khổ khi chết thành những con ma đói vất vưởng đầy đường, đầy xó chợ và những bờ đê, bờ kênh mương ngoài đồng, hồn họ thiêng lắm, thiêng như mây như núi rất hay bắt trẻ con mỗi khi tôi không ngoan, học kém.
Hồi hợp tác xã nông nghiệp làm ăn tập thể, để có ruộng đất tập trung lại thành những mẫu lớn, xã cử người bốc hết những phần mộ nằm rải rác ở các bờ ruộng, gò cao, cồn nổi giữa cánh đồng làng… Những ai may mắn biết tuổi biết tên và có người thân còn sống tìm đến bốc mộ đem về quê an táng. Những ai không có tuổi có tên, không có người thân tìm đến thì đành lòng đưa họ vào cái tiểu sành đem về chôn cất tập trung ở nghĩa trang của xã. Có những mộ phần khi đào lên là bộ xương trắng của một người phụ nữ và của một đứa con úp mặp vào lòng mẹ nó. Thân xác phàm của họ cũng thấm xuống cho đất một màu thẫm nâu. Đôi khi tôi thoáng nghĩ chắc linh hồn của họ vẫn còn vảng vất đâu đây với mảnh đất ấy chẳng bao giờ đi đâu xa.
Rồi… những ông “trâu đỏ” của huyện về xã giúp đỡ cày xới, san ủi lấy mặt bằng làm ruộng mẫu lớn trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Trẻ trâu chúng tôi theo những ông “trâu đỏ” một cách rất thích thú, thường lon ton chạy theo nghít khói đen mù trời mù đất khi “trâu đỏ” nhấn ga. Những đứa mang theo nước uống, vài củ khoai, lóng mía đem “chia phần” cho ông chủ “trâu đỏ”, sẽ được ưu ái nhận một nụ cười hàm ơn và có đứa còn được cưỡi lên lưng “trâu đỏ” cùng ông chủ quay vài vòng mát rượi. Còn lại, tiếp tục lẽo đẽo chạy theo ngửi khói mỗi khi “trâu đỏ” vươn vai, rướn mình. Những vai đất vừa mới cày lên màu nâu sậm, lỗ chỗ có vùng màu đen, mùi hăng hăng, ngai ngái, nồng nồng. Khi ấy, tôi chưa ý thức rõ lắm biết đâu trong lòng đất nâu ấy, đã có những thân xác của người ăn mày viễn xứ nằm lại quê mình trong đận đói gần giữa thế kỷ hai mươi, giờ mới nên tươi tốt thế!? Cánh đồng bằng phẳng từng ngày rồi xanh mướt màu bèo dâu, đất nâu cho nhiều vụ mùa bội thu, người quê lam lũ nhưng no đủ và khấm khá từng ngày.
Tôi không sao quên được những ngày đi học về qua cánh đồng làng mùa lúa trổ đòng, lũ trẻ chúng tôi lại sà xuống bờ ruộng rút đòng đòng ăn vừa ngọt vừa thơm mùi lúa non, chán chê lại chơi đuổi nhau, bẻ từng nắm đất ném nhau bẩn hết quần áo. Thỉnh thoảng có những con muồm muỗm, châu chấu từ đâu bay về đậu trên tảng đất nâu có ngọn cỏ ngậm sương vươn mình đêm hôm trước, hình như chúng cũng biết nhớ hương vị mùa lúa chín, nên đã bay về mảnh ruộng nơi tổ tiên chúng sinh ra để tìm lại hương vị ngày mùa. Khi bước chân chúng tôi đến bên, chúng bay tán loạn trong khi chúng tôi cũng bị bảo vệ cánh đồng quát nạt ầm ĩ, đuổi chạy te tát giữa cánh đồng trưa mênh mang vì tội rút đòng đòng lên ăn.
Đi xa ngần ấy năm trời, giờ về đứng dưới gốc đa quen thuộc khi chiều buông vạt nắng sót lại cuối ngày, lòng dâng lên nỗi xốn xang trước một cánh đồng quê khi giờ đây đã thành cánh đồng mẫu lớn. Phương thức làm nông nghiệp cũng khác nhiều, máy móc băm bừa gặt đập liên hoàn, xe công nông cải tiến có gắn động cơ trên những đường làng với tiếng nổ cành cạch vọng lại. Nhiều bờ vùng bờ thửa đã được khoanh lại, có nơi đào thành ao sâu thả cá, làm trang trại với những ông chủ nhỏ nông dân làm ăn khấm khá. Nhưng chẳng còn không khí vui tấp nập ngày mùa như xưa nữa. Vẫn có những mảnh ruộng bị bỏ hoang không người cày xới, đất nâu thẫm cũng hoang hóa bạc màu vì nhiều người cho rằng làm ăn nông nghiệp bây giờ mùa nào cũng lỗ nặng. Tôi đã từng nghe thông tin người nông dân chê ruộng, nhưng giờ về quê mới thấu hiểu cái khó của những người làm ăn nhỏ lẻ, manh mún. Có lẽ mô hình trang trại tập trung thành mẫu lớn lúa vẫn sẽ tốt bời bời nếu được chăm sóc tốt, nếu không bị sâu bệnh, làm đúng quy trình kỹ thuật, chắc hẳn vụ đông xuân năm tới vẫn có được mùa lúa thơm.
Đất nâu nơi chôn nắm nhau tôi còn đó, nhưng làng quê có người đã đi xa. Lòng ai còn nhớ về quê cũ, nhớ mùi hăng hắc, ngai ngái, nồng nồng trên cánh đồng chiều cuối thu sẽ quay quắt dợn lên mùi thương mùi nhớ, mùi của một thời dại khờ nông nổi tuổi thơ xa!.
19/9/2021
Nguyễn Minh Đức
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...