Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Quê ngoại trung du

Quê ngoại trung du

Ai cũng có ít nhất một miền quê để thương để nhớ ở trong tim! Với tôi, miền thương nhớ khôn nguôi đó là quê ngoại trung du mà mỗi khi nghĩ tới là trái tim tôi lại ngân nga khúc nhạc “Tiếng chim rừng, trong sương sớm, giục tia nắng mai hồng nhô lên. Rừng lá cọ xòe, nghiêng tay vẫy, đồng xanh ngát nương chè mênh mông…”.
Miền trung du ấy thật đẹp và gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc tuổi thơ tôi. Những kỷ niệm ấy là một phần máu thịt không thể thiếu trong cuộc sống của một cô bé đa cảm và có một chút máu văn nghệ chảy trong huyết quản là tôi.
Quê ngoại – hai tiếng thân thương biết mấy!
Tôi nhớ hồi còn bé xíu, chị em tôi vẫn lẽo đẽo theo bố mẹ về quê. Dù chỉ cách nơi chúng tôi ở khoảng 30km nhưng thuở trước đi lại rất khó khăn. Đường sá thì lồi lõm ổ gà, ổ trâu; cầu qua sông chưa làm xong, muốn về quê phải qua đò, nhiều trắc trở. Có năm vào dịp hè mẹ con tôi về quê, đi đến Liễn Sơn thì nước ngập chảy xiết, ô tô khách không thể nào chạy tiếp được đành phải quay lại.
Tôi sinh ra vốn thiếu tháng nhỏ bé và yếu ớt nên hay bị ốm, nhất là đi xe thì say đứ đử. Sau này lớn lên, tôi thường đạp xe theo mẹ, theo chị con bà bá, vượt những con đê, chạy men những dòng kênh đào nước chảy mát rượi về thăm ông bà ngoại. Lần nào cũng vậy, ông bà thấy chúng tôi về thì mừng lắm lắm! Vườn nhà ngoại đẹp như cổ tích, cây ăn trái sum suê, chị em tôi hái thỏa thích: mít, ổi, dứa, doi, sim, mía, sào, trám… ông bà ngoại bảo cứ ăn thoải mái. Tôi thường tha thẩn cả ngày ngoài vườn cùng bà ngoại. Bà tôi chăm làm lắm. Hết ngoài đồng ruộng lại tới vườn nhà không ngơi tay. Lúa ngô khoai sắn; trâu bò lợn gà đủ cả vì vậy nhà chẳng bao giờ thiếu ăn… Trước sân là những khóm dong riềng nở hoa thật đẹp và cho củ ăn những lúc nhỡ bữa. Ông ngoại tôi còn trồng thuốc lá, lúc thu hoạch ông thái sợi nhỏ biến, phơi trên những cái nong nia to tổ chảng, gác trên những chiếc sào tre chẳng lo bụi bặm gì. Khi thuốc khô, ông mua giấy tự quấn trong khuôn gỗ lim (đã lên nước bóng loáng) thành những điếu thuốc xinh xắn, thơm thơm khiến tôi cứ hít hà cái mùi thuốc vẫn còn đượm hơi nắng hạ.
Vào mùa gặt, lúa phơi đầy sân. Chị em tôi giúp ông bà đập lúa, phơi thóc. Dưới cái nắng chang chang, những bàn chân nhỏ xíu chạy trên sân thóc trông thật đáng yêu. Thóc khô là đưa vào hòm chứa. Ở quê hồi ấy nhà nào có khả năng, các cụ thường chuẩn bị sẵn “hậu sự” cho mình nên có khi thóc đã phơi khô được đựng luôn vào đó. Lúc đầu chúng tôi rất sợ, sau quen dần lại còn chui vào gần chỗ đó để dọa ai nhát gan. Có lần nhà hết gạo ăn, ông bà gọi chị em tôi vào để bà dạy xay thóc, giã gạo. Chính vì vậy, dù bố mẹ tôi là công nhân nhưng việc của nhà nông chúng tôi đều làm được…
Quê ngoại của tôi có tên Lập Thạch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, là miền đất trung du gắn liền với rừng cọ đồi chè. Về quê phải qua đò, nếu gặp trời mưa thì rất sợ bởi leo dốc trơn trượt từ đò lên bến. Những khi trời khô ráo, đường về quê bụi mù đỏ bao giờ cũng cho tôi cảm giác háo hức vì những khám phá mới mẻ. Những mái nhà lợp rạ rơm, lá mía, lá cọ; thỉnh thoảng mới có mái ngói đỏ tươi hoặc nhà xi măng mái bằng; những đồi cọ nối nhau liên tiếp xen lẫn những nương chè mà ở thị xã Vĩnh Yên của chúng tôi không thể nào có được. Rồi những đồi sim tím, vạt hoa mua và rừng lim trầm mặc nữa chứ. Chị em tôi tranh nhau nhặt hạt lim để chơi. (Có những hạt đen bóng, nhẵn thín lại có những hạt sần sùi, chỉ “cao thủ” mới chơi được). Rồi dãy núi đá vôi đang khai thác, tiếng máy chạy ầm ào và bụi trắng mù mịt. Con đường toàn sỏi và đá răm cản trở bước chân bé nhỏ. Xuống bến xe khách là thị trấn Xuân Hòa (sau này được lấy làm bối cảnh cho phim “Thị trấn yên tĩnh”), từ đây phải đi bộ khoảng 4km mới về được tới nhà ông bà. Có 2 cách đi. Một là đi đường cái quan rộng rãi, nhiều đá sỏi; một đường nữa đi tắt, gần hơn rất nhiều nhưng phải qua cầu tre chênh vênh. Tôi sợ mất vía khi lần đầu tiên đi trên chiếc cầu khỉ ấy. Mẹ dìu chị em tôi dò dẫm từng bước, tôi nhắm tịt mắt không dám nhìn… rồi cũng tới nhà ông bà. Cổng dưới từ ruộng vào làm bằng tre, đan thành liếp vuông vức và chắc chắn có cây sào làm từ thân cây tre chống lên để đi lại, chiều tối chỉ việc kéo xuống, cài vào chiếc cọc bên trong. Cổng trên từ đường cái vào đan bằng tre xen lẫn lá cọ cũng chống lên và kéo xuống như vậy. Khu vườn nhà ngoại được bao quanh bằng lớp hàng rào tre, nứa, giang, vầu, mai… mọc tự nhiên bên ngoài, tiếp theo là hàng rào dứa, thơm phức khi mùa chín. Tiếng chim ríu rít chuyền trên những cành ổi. Khu này là sắn, khu kia là chè, khu kế tiếp là ao cá (có năm ông bà tôi cấy lúa thay vì nuôi cá); những cây mít mật, mít dai sai chi chít; vài chục gốc ổi trâu, ổi mỡ, ổi đào trĩu cành; những bụi chuối mẹ con lít nhít… Bên cạnh mương nước chạy sau nhà là cây trám trắng cao vút không rõ đã bao nhiêu tuổi. Ông ngoại thường dùng cây sào tre dài hái quả trám để bà muối dưa hoặc om theo cách của dân gian ăn rất ngậy và bùi. Những ngày nắng nóng, bà ngoại thường hái chè tươi hoặc lá vối trong vườn nấu nước uống giải nhiệt. Khu vườn trên đối diện với vườn nhà toàn mía, sắn và sim. Lũ trẻ chúng tôi chạy nhảy hò hét, vặt sim ăn môi tím lịm… Ôi, tuổi thơ mới tuyệt vời làm sao!..
Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi
Gia đình ông bà ngoại tôi thuộc hàng trung nông bởi chịu khó làm ăn, khai khẩn và trồng trọt nên có của ăn của để, con cái được học hành hơn các bạn bè cùng lứa. Xóm Tân Lập, nơi có dòng kênh đào bốn mùa đầy nước đủ tưới tiêu cho đồng ruộng. Đường vào xóm làng toàn tre xanh mát rượi. Nhà bá trên mẹ tôi thì ở sau rừng lim, bên cạnh đồi cọ xòe tán mát và những ruộng lúa nối tiếp nhau. Ngôi nhà ông bà ngoại tôi nằm sát dòng kênh, có 5 gian làm bằng gỗ lim vững chãi che mưa nắng cho cả đàn con đều do công sức ông bà gây dựng nên. Bài trí bên trong theo phong cách truyền thống, cửa gỗ lim có then cài rất chắc. Gian giữa là nơi thờ tự với sập gụ, tủ chè, bên trên treo những bức hoành phi câu đối bằng chữ nho mà tôi luôn cảm thấy vô cùng bí ẩn! Bên trái có 1 gian để ngủ và một gian chứa thóc. Bên phải là 2 gian ngủ và chái bếp. Trong bếp một khoang chất đầy củi và lá khô, trấu để đun; một khoang để cối xay thóc. Tôi rất thích được nhìn những hạt thóc xoáy ly tâm trong cối xay. Thóc sau khi xay được đưa vào cối giã. Chiếc cối được đặt ở ngoài hiên với chiếc chày đã bóng loáng theo thời gian. Chị em tôi xếp thành hàng dọc 4 đứa tập giã, tiếng tay tre kẽo kẹt xen lẫn tiếng giã gạo thì thụp thật vui tai!
Ngoài những lúc cùng chị em giúp ông bà làm việc vặt, tôi lại lẽo đẽo bên cạnh bà tò mò hỏi han và đôi khi là ăn vạ nữa. Ông bà ngoại thương tôi nhất không phải vì tôi biết “làm màu” mà bởi tôi suýt chết hồi bé, chính bà ngoại là người chạy ngược xuôi tìm thầy, tìm thuốc cứu sống tôi (Ấy là sau này nghe mẹ kể lại chứ hồi đó tôi bé tẹo có nhớ gì đâu!). Tôi thích nhất món cá thính của bà. Bà làm món ăn dân dã này rất ngon và đựng trong chiếc âu đồng thần thánh treo trên chiếc quang trong bếp vừa tránh mèo chuột vừa không bụi bặm. Nếu bạn đã từng nghe tới món cá thính Lập Thạch rất đưa cơm thì có thể tưởng tượng ra, thời thơ ấu của tôi, món cá thính ấy đã trở thành một phần không thể thiếu! Về quê, chỉ để được ăn cá thính do tự tay bà làm, hạt gạo, trái cây, ngọn rau… thấm mồ hôi công sức của ông bà! Tôi lớn lên, đi xa nhà, sau mấy chục năm trở lại được chị dâu là vợ của con trai bác cả đãi món cá thính, lại nghẹn ngào rưng rưng nhớ ông bà ngoại, nhớ ngày xưa!.. Có lần các em tôi biết tôi thèm cá lại gửi sang tận Ucraina cho tôi nữa. Giữa xứ lạnh, ngày đông giá rét, ăn miếng cá thính mới thấm thía “hồn cốt” dân tộc Việt!..
Mỗi khi có dịp, cả nhà tôi lại về ăn Tết cùng ông bà ngoại. Trong nhà ngoài sân rộn rã tiếng cười nói và cả tiếng chí chóe của lũ trẻ con. Ông bà ngoại mổ con lợn ưng nhất trong chuồng để làm nhân bánh và cho con cháu ăn Tết. Hàng xóm nhiều khi thấy lợn ngon cũng xin đụng, rộn rã tiếng dao thớt hoà nhịp tiếng chày giã giò tấp nập… Gạo nếp và đỗ xanh nhà trồng, bà đã phơi khô, quạt sạch, chọn lựa kỹ càng. Lá dong trong vườn được chặt xuống, rửa sạch và phơi ráo nước. Lạt giang cũng được chẻ ra từ những cây lựa chọn trong các bụi giang tăm tắp quanh hàng rào. Cả nhà tíu tít gói bánh và luộc trong chiếc nồi đồng to tổ chảng. Bếp lửa hồng đượm từ củi của gốc tre, gốc ổi… Khoai sắn ngoài vườn được vùi trong than của bếp lửa đang reo vui cùng nồi bánh chưng tỏa hương thơm phức. Buồng chuối được chặt xuống và chọn nải đẹp nhất, những trái bưởi vàng tươi xen lẫn các loại hoa quả hái trong trong vườn nhà, trưng trên ban thờ trông vô cùng đẹp mắt. Những món ăn ngày Tết sum vầy bày trong mâm đồng tạo cho tôi cảm giác vô cùng thiêng liêng, ấm áp trong tim chúng tôi suốt một thời thơ ấu!
Có lần, chúng tôi đến thăm ông bác họ. “Người nhà quê” tấm lòng chân thành, cởi mở. Và, lần đầu tiên bọn trẻ con phố thị chúng tôi được nếm mùi vị của quả “cọ ỏm”: béo, ngậy và cứ muốn ăn mãi. Nhưng bà tôi bảo, ăn từ từ và ít thôi kẻo say đấy. Ồ, hóa ra ăn cọ cũng có thể say ư? Sau này tôi mới biết thêm, nhiều vùng đất khác có những món ăn đặc biệt chế biến từ cọ như: cọ ỏm, dưa cọ, xôi cọ, bánh dầy “xứ cọ”, cơm nắm lá cọ… những món ăn thấm đẫm hồn quê, nao lòng những người con xa xứ trong hoài niệm nhớ nhung khôn tả!..
Xa quê mấy chục năm, trong những giấc mơ tôi vẫn thấy bà tôi tảo tần bên ruộng lúa, vườn khoai, luống sắn, nương chè chang chang nắng. Không thể nào quên, chỉ vì cảm nắng ở vườn sắn mà bà tôi cấm khẩu và ra đi mãi mãi… Nhớ ông ngoại tôi, râu tóc bạc như cước, ánh mắt hiền từ và bàn tay viết chữ nho như múa… Nhớ ông bà ngoại và cả gia đình vẫn gọi tôi bằng cái tên trìu mến, thân thương đến vô cùng “Cái Đõ Ong” - đứa cháu bé nhỏ, yếu ớt và chết hụt ngày còn chập chững… Nhớ ngôi nhà, vườn cây, ruộng lúa, bờ tre, đồi sim, rừng cọ… Nhớ da diết rừng lim, con kênh, dãy núi đá vôi gắn với đường về quê ngoại yêu thương!..
“Thấp thoáng rừng lim tỏ mờ trong ký ức
Con kênh xưa dòng nước có còn đầy
Dãy núi đá vôi bao công trường ồn ã
Ngoại đã xa rồi đồi sim cũng hoang vu…
Nơi đất khách nhớ về miền quê ấy
Tuổi ấu thơ con theo ngoại lên đồi
Hoa mua nở trắng một vùng bát ngát
Ngọt lịm môi người trái sim chín tròn căng.
Bên tuyết trắng ước một rừng sim tím
Nhớ bông mua vươn trên sỏi đá khô cằn
Thèm được lang thang nhặt lim và đánh chắt
Ước lại một lần hái ổi, hái măng!
Tuổi thơ qua đi như một vài chớp mắt
Con vào đời với bận rộn lo toan
Trong vặt vãnh đời thường miếng cơm, manh áo
Bất chợt nhớ về trung du nhỏ xa xăm…”
(Một thoáng trung du - thơ Đỗ Thị Hoa Lý)
27/1/2021
Đỗ Thị Hoa Lý
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ánh mắt đa tình 2

Ánh mắt đa tình 2 Chương 16 Đang ngồi uống cafê cùng Qúy, Thanh Trà chợt trố mắt. Thêm hai lần dùng tay xoa mạnh lên mắt mình, để xem cô...