Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thương nhau

Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thương nhau

Bánh mì là món ăn được người Pháp mang đến Việt Nam và có lẽ vào mảnh đất Sài Gòn sớm hơn nhiều so với Hà Nội, khi Nam Kỳ chính thức trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1867. Rồi theo thời gian, món bánh mì được Việt hóa và trở thành bánh mì Việt Nam. Bánh mì Việt Nam nổi tiếng đến mức khi đi thi hoa hậu Hoàn vũ, cô gái H’Hen Niê đã chọn bộ trang phục bánh mì cách điệu trong phần thi Quốc phục.
Trong ký ức của nhiều người bạn tôi, món bánh mì thì không đâu ở Việt Nam ngon bằng ở quê của họ, dù là ở nông thôn hay thành thị. Hải Phòng nổi tiếng vì món bánh mì que kẹp pate. Bánh mì Hà Nội thu hút bởi các món chả lụa, xá xíu, trứng ốp la… kèm theo. Sài Gòn có món… bánh mì chảo, trên chảo để đủ thứ: từ pate, xúc xích, jambon, trứng ốp la, thịt bò, khoai tây chiên… miền Trung có món bánh mì kẹp chả cá. Còn rất nhiều những biến tấu của bánh mì như bánh mì chay kẹp tàu hủ, bánh mì cá hộp, bánh mì bì, bánh mì thịt xiên nướng, bánh mì chà bông gà hay heo, bánh mì kiểu Thổ Nhĩ Kỳ gọi là Doner Kebab (dù không phải là đúng Thổ cho lắm)… Nói chung, bánh mì trở thành một món ăn đặc biệt vì tính chất nhanh, gọn, dễ ăn, hợp khẩu vị với nhiều người, là một kiểu fast food Việt Nam.
Tôi là một tín đồ ẩm thực và bánh mì cũng là món mà tôi ưa thích, không chỉ thích bánh mì Việt Nam mà còn thích bánh mì của nhiều nước trên thế giới. Nhưng có lẽ, chỉ ở Sài Gòn mới có tiếng rao lanh lảnh thu âm sẵn: “Bánh mì Sài Gòn 5 ngàn một ổ, bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ” phát ra từ những chiếc xe gắn máy, phía sau chở một cần xé bánh mì. Người bán thường là những chàng trai nghèo nhập cư, đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Họ lấy bánh mì từ một lò làm bánh rồi sau đó chất lên xe đi bán rong. Thường họ hay đi theo một lộ trình cố định để thuận tiện cho những khách quen. Nghề bán bánh mì rong nhờ vậy nhiều khi nuôi sống được cả bản thân và gia đình, tuy phải mệt mỏi, phải chịu đựng nắng mưa và cả nỗi lo… bán ế.
Cao ốc nơi tôi ở cũng có một em trai bán bánh mì rong đi qua như thế, thường là đến tòa nhà vào lúc 6 giờ sáng và 18 giờ chiều. Chàng trai trẻ này cũng rất khéo chọn giờ đến, phù hợp với thời điểm bữa ăn sáng và ăn tối của mọi người. Tôi thậm chí có cả số điện thoại của anh chàng này và thỉnh thoảng gọi điện thoại để hỏi xem: “Em ơi, bao nhiêu phút nữa đến vậy, chị chạy xuống mua bánh mì”. Ổ bánh mì không có giá 5 ngàn đồng, mua về ăn kèm với chả lụa, chà bông, hay cá hộp, trứng ốp la,… nhưng nhiều khi tôi chỉ đơn giản là… ăn bánh mì không thôi cũng thấy ngon, bởi vì bánh “đặc ruột thơm bơ” và còn nóng giòn, hợp với người không thích món cơm theo kiểu Việt Nam như tôi. Thật ra xung quanh chỗ tôi ở có mấy siêu thị lớn đều có bán bánh mì, nhưng tôi nghĩ mua của những người bán rong thì cũng là một cách để ủng hộ họ.
Mùa dịch bệnh này có lẽ vì cái chuyện ầm ĩ “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu” ở thành phố Nha Trang, nên em trai bán bánh mì rong đã tắt chiếc loa rao bánh mì, và đi đến cao ốc chỗ tôi ở cũng chậm hơn, không theo một giờ giấc cố định như trước, vì phải đi vòng vèo và qua cả chốt kiểm soát. Nhưng anh chàng vẫn tươi rói khoe với tôi là: “Em vẫn bán được bánh mì chị ạ, thậm chí còn nhiều hơn, chỉ là đi cực hơn thôi”. Tôi hiểu mùa dịch làm cho những món ăn bình thường, dân dã nhất như bánh mì, ngày trước có thể mua được ở bất kỳ đường phố Sài Gòn nào, nay đã trở thành món ăn hiếm hoi. Anh chàng bán bánh mì vẫn giữ nguyên giá cũ, vẫn là 5 ngàn đồng một ổ bánh mì to tướng. Và tôi vẫn giữ thói quen đi bộ trên con đường vòng quanh cao ốc vào mỗi sáng sớm, nhân tiện mua bánh mì luôn. Cũng không phải chỉ riêng tôi mà khá nhiều các bà, các cô ở cao ốc cũng xuống tập thể dục và tranh thủ mua bánh mì. Cho đến khi mấy hôm liền không thấy anh chàng bán bánh mì ghé lại, tôi gọi điện thoại hỏi thì em ấy trả lời: “Chỗ em ở là quận 4, khu phố phong tỏa rồi chị ơi. Khi nào hết phong tỏa em sẽ bán bánh mì lại và em sẽ nhắn tin báo ạ.” Tôi đành chỉ biết chúc em bình an và may mắn trong mùa dịch này.
Hôm qua em ấy nhắn tin cho tôi, báo là chỗ em ấy ở đã được gỡ phong tỏa, em vẫn ổn và lại tiếp tục đi bán bánh mì. Sáng nay xuống dưới sân cao ốc, đã thấy vài bà nội trợ ngồi xa xa nhau trên băng ghế đá, giữ đúng khoảng cách quy định là 2 mét, chờ em trai chở bánh mì đến để mua. Tôi mừng vì em vẫn mạnh khỏe, mùa dịch vẫn đi bán bánh mì rong được, vẫn có thể bình tâm sống cho qua mùa dịch này. Đây đó vẫn còn nhiều người ở Sài Gòn không được như em trai bán bánh mì, lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tôi bỗng nhớ lại một tin đã đọc trên nhiều báo viết về câu chuyện “Bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ, bánh mì Sài Gòn đặc biệt thương nhau” là sáng kiến của anh Hoàng Huy, một người quê gốc ở Hải Phòng, nay là công dân Sài Gòn. Nhóm từ thiện của anh Hoàng Huy và các bạn đã lặn lội trên các nẻo đường Sài Gòn để phát những ổ bánh mì từ số lượng vài trăm cái một tối, rồi lên đến hàng ngàn cái, kèm theo nước uống, xúc xích và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc phòng dịch. Nhưng bây giờ Sài Gòn buổi tối đã hạn chế tối đa việc đi lại, không rõ rồi những chiếc “bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ, bánh mì Sài Gòn đặc biệt thương nhau” có được tiếp tục trao đến tận tay những người dân nghèo không. Tôi thì luôn tin vào lòng tốt của con người và tôi hy vọng rằng, mai này khi hết dịch bệnh rồi, ngoài những chiếc “bánh mì Sài Gòn 5 ngàn một ổ, bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ” sẽ vẫn có những chiếc “bánh mì Sài Gòn 0 đồng một ổ, bánh mì Sài Gòn đặc biệt thương nhau” được tiếp tục trao cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta, dù những người mua ổ bánh mì với giá 5 ngàn giúp những người bán hàng rong, hay những người đi phát “bánh mì có thịt” từ thiện và những người bán bánh mì rong, những người có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đều cần đến nhau, giúp đỡ nhau và thương nhau phải không? “Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thương nhau” chỉ đơn giản vậy thôi.
21/8/2021
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ,...