Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Cây phượng già trường Lý

Cây phượng già trường Lý

Khi cái nắng đầu hạ vàng tươi lướt xuống cùng với làn gió nhè nhẹ thoảng qua là lúc cây phượng già trước sân trường tôi như hồi xuân trẻ lại, cựa mình thắp lên những tia lửa lốm đốm trên cành. Chẳng ai nghĩ cây phượng già nua, khô khốc ấy mà cũng có thể đơm hoa. Thật diệu kì! Có phải sau bao ngày ủ ấp những lạnh giá của mùa đông, âm thầm chắt chiu những ngọt lành từ nàng xuân ấm áp để đến ngày đủ nhựa phượng bung mình trỗi dậy sinh sôi?
Sân trường tôi có rất nhiều cây phượng nhưng không hiểu vì sao mà giáo viên, học sinh lại có dấu ấn đặc biệt với cây phượng nằm ở cuối góc sân. Chúng tôi gọi đó là cây phượng già, cây phượng đặc biệt. Bởi trong khi những cây phượng khác, từ lúc mới xuân sang đã khấp khởi khoác lên mình chiếc áo xanh non nõn nà tuyệt đẹp và rồi theo thời gian xòe rộng tán lá sum suê tỏa bóng mát rượi che kín cả một khoảng sân trường thì cây phượng ấy vẫn im lìm cuộn dài trong giấc đông lạnh giá, trơ trụi trông thiếu sức sống làm sao. Thân nó được bao bọc bởi một lớp vỏ cát màu nâu sần sùi, lỗ chỗ có vài “cục u” lởm chởm nổi lên. Vậy mà chính cây phượng già này lại là cây đầu tiên đánh thức những nụ hoa bé nhỏ ở đầu cành hé nở vào khoảnh khắc đất trời chớm hạ. Từ khi những nụ hoa đầu tiên chớm nở chỉ sau một thời gian ngắn, lúc đã ươm đủ nắng gió phượng bung nở, từng bông nối tiếp thi nhau khoe sắc đỏ tươi, rực rỡ. Trên cái cây tưởng chừng khô khốc ấy mà từng chùm, từng chùm hoa đỏ trĩu trà thắp đỏ cả một góc sân trường.
Chẳng biết cây phượng này được trồng tự bao giờ. Những thầy cô công tác ở đây lâu năm như cô Hồng Kiên- Hiệu trưởng, cô Kim Minh, thầy Tuấn Sơn- Hiệu phó, thầy Tràng, thầy Thảo, thầy Hồng, thầy Thắng, cô Thảo, cô Tân, cô Huệ,… hay những thế hệ học trò cũ giờ lại công tác tại trường như cô Thủy, cô Yên,…cũng không bết chính xác nó được trồng lúc nào chỉ biết đã mấy chục năm rồi nó vẫn đứng đó, bên cạnh các thầy cô, cùng buồn vui với lớp lớp học trò. Với thầy cô hình ảnh cây phượng già lặng lẽ như thể một thành viên đặc biệt gắn bó nghĩa tình với mái trường mến yêu. Trong mắt học trò thì cây phượng ấy lại giống như thầy cô, như mẹ, như bạn hiền của mình luôn lặng thầm dõi theo từng bước đi, vui trước từng thành quả học tập mà các em đạt được. Để rồi bao thế hệ học trò đã xa trường lúc trở về việc làm đầu tiên là đưa mắt dõi tìm cây phượng già thân thương.
 
 
Tôi vẫn nhớ ấn tượng ngày đầu tiên khi mới về trường. Nhìn qua một lượt toàn cảnh khuôn viên sạch đẹp có phần cổ kính, 3 dãy nhà xếp thành hình chữ U ấm áp rồi ánh mắt tôi như bị cây phượng già níu giữ để phải dừng lại mà quan sát, mà ngắm nhìn nó thật lâu. Có phải vì nó khác biệt chăng? Khi giữa những cây xà cừ cao lớn sừng sững, những cây bàng như chiếc ô xanh mướt nhiều tầng, những cây bằng lăng và cả những cây phượng khác yểu điệu làm duyên thì cây phượng cuối góc sân trường có vẻ trầm tư, giản dị đến cũ kĩ. Màu thời gian in hằn rất rõ trên toàn thân lá. Sao không trồng cây khác thế vào chỗ của cây phượng già này nhỉ? Băn khoăn, thắc mắc ấy trong tôi đã tan loang khi mùa về cây phượng đặc biệt ấy khoác lên mình bộ áo mới lộng lẫy, rực lửa. Và khi nhìn thấy hành động của cô hiệu trưởng cúi xuống nhặt những mẩu rác còn sót lại vảng vất quanh cây phượng già lúc mà các lớp đã vào học say sưa. Cũng từ lúc ấy tôi đã hiểu vì sao học sinh trường Lý lại chăm ngoan, luôn phát huy được tinh thần hiếu học của mảnh đất Đô Lương như thế. Tôi cũng ngộ ra một điều hết sức giản dị rằng sức lan tỏa những điều tốt đẹp về tình yêu thương, trách nhiệm, lòng nhân ái bao dung đến với học trò bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhưng giàu ý nghĩa.
Ngắm từng chùm hoa phượng với dáng vẻ kiêu sa ấy lòng ai không khỏi bâng khuâng? Bâng khuâng, xao xuyến nhất là những cô cậu học trò cuối cấp. Khi cánh phượng hồng bất chợt rơi, khẽ chạm vào nụ cười, ánh mắt khiến họ nhìn theo một thoáng ngơ ngác, bồi hồi. Nhớ lại những tháng ngày dưới ngôi trường thân yêu, ngồi bên gốc phượng già hàn huyên, ôn bài, tung tăng vui đùa đôi khi vô tình dẫm lên những cánh hoa phượng ngời sắc đỏ đã đồng hành cùng với tuổi học trò và vời vợi lúc sắp sửa chia xa. Họ sẽ nhớ mãi cái vị chua chua, hăng hăng mà đượm một nỗi niềm hoài vọng xa xôi của hương vị hoa phượng ấy. Nhớ kỉ niệm những mùa phượng trước, ngày kết thúc năm học lớp nào cũng tranh thủ bon chen ghi lại những khung hình đẹp, lưu kỉ niệm đáng nhớ về mái trường dưới cây phượng có hoa nhiều nhất, đẹp nhất và đặc biệt nhất này. Bất chấp cái nắng chang chang như đổ lửa, trò vẫn xếp hàng chờ đợi để đến lượt lớp mình được chụp hình tại đây mà không chịu chuyển vị trí sang chụp dưới những cây phượng khác. Lớp chụp ảnh xong, từng nhóm bạn, nhóm đội tuyển chụp, giáo viên…cũng chụp. Nhớ những năm học đặc biệt vì dịch Covid-19 xảy ra, cây phượng già vẫn ở bên nặng những ân tình. Sẽ nhớ mãi cái lần dấu mặt vào cây phượng ấy khóc hết nước mắt của các đội tuyển K39 khi phải lỗi hẹn với kì thi cấp Tỉnh. Các trò K40 lại day dứt khắc khoải khi năm học kết thúc mà không được tổng kết chung toàn trường đành phải lặng lẽ đợi khi sân trường thưa bóng mới dám lại gần cây bàng chụp vội tấm hình kỉ niệm. Phượng sẽ còn trở lại những mùa sau còn tuổi trẻ, tuổi học trò một đi không trở lại bao giờ. Vì vậy mà trong mùa phượng cuối các cô cậu tranh thủ thời gian ngồi bên cây phượng già nhiều hơn, chia sẻ những nỗi niềm buồn nhớ và cả những niềm vui đạt được.
Trường vinh dự được tỉnh chọn thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao. Một vài cây trong khuôn viên trường dời đi để lấy chỗ lắp đặt bể bơi, xây nhà đa chức năng,… Cây phượng già vẫn đứng đó dù nắng mưa, giông gió để ngày ngày dõi theo, đồng hành cùng các thế hệ học trò, cùng tập thể nhà trường. Có lúc phượng trầm tư, giản dị là thế nhưng cũng có lúc lại sôi nổi, bùng cháy, kiêu sa đến lạ kì giống như con người nơi đây, bên ngoài vẻ giản dị là cả những trái tim rực lửa say mê, nhiệt huyết làm việc, học tập hết sức mình. “Màu hoa phượng thắm như máu con tim” ấy đã trở thành màu gợi nhớ, gợi thương xao xuyến bao tâm hồn, đã đi vào những trang thơ hay những bản tình ca ngọt ngào da diết. Chắc hẳn trong số những bài thơ, bài ca ấy có bóng hình cây phượng đặc biệt, cây phượng già trường tôi – THCS Lý Nhật Quang yêu thương!.
8/8/2021
Nguyễn Thị Lai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ,...