Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Tản văn của Văn Giá: Tai nạn nghề

Tản văn của Văn Giá:
Tai nạn nghề

Nhân chuyện cô giáo Thơ Đà Nẵng
Trong đời, mỗi người mỗi nghề. Sống với nghề, vinh nhục với nghề, hiếm có ai lại không gặp những tai nạn nghề. Những thứ tai nạn thuộc về nghề, tức là liên quan tới công việc chuyên môn, do tự chuốc lấy, hoặc do bị mắc mớ vào…Không ai thoát được. Dân gian có một câu rất hay, có vẻ như an ủi, lại như một lời nhắc nhở: “Ai nắm tay cả ngày đến tối”…
Lần ấy, sau buổi lên lớp trên giảng đường, có một bà chị đang là sếp của tôi tìm gặp bảo muốn nói chuyện riêng… Vốn bà chị ấy quý tôi. Bắt đầu câu chuyện rất khó khăn. Cuối cùng thì chị ấy cho biết rằng trong lớp có một đứa, chị không tiện nói tên, nó tìm gặp chị bảo là thầy lên lớp ăn nói hơi có màu sắc phản động, nên cả lớp phản đối, nhưng họ không dám nói ra; rằng cậu ấy là cán bộ lớp, nên phải có trách nhiệm báo cáo với cô chủ nhiệm…
Đại ý là thầy phê phán theo cách cực đoan cái vụ phát động cuộc thi thay đổi quốc ca, thầy cho rằng đó là một chủ trương ngu dốt, vô ơn, vô ơn với tác giả làm ra quốc ca, vô ơn với lịch sử… Chị nghĩ em cũng nên nói vừa phải thôi. May mà nó nói với chị, chị đã giải thích cho nó hiểu, và dừng câu chuyện ở đây, chứ nó nói lên Ban Giám hiệu thì cậu phiền lắm.
Tôi gặng hỏi chị hai điều: 1, nó tên là gì? 2, em nói thế đúng hay sai? Căn vặn mãi, cuối cùng thì bà chị cũng nói tên cái thằng kia, nhưng câu thứ hai thì bà chị không trả lời. Bà chị kết luận, chị là chị lo cho em, chứ không thì mặc kệ em, lỡ xảy ra chuyện gì thì chỉ thiệt em chứ chị chẳng liên quan!
Vâng, bực mình quá. Quyết gặp cái thằng ton hót kia mắng cho một trận. Khi gặp, vừa hỏi, mặt nó đã như chàm đổ, lắp bắp xin lỗi. Bèn bảo, tôi chỉ nói một lần cho cậu hiểu thôi, và cậu cũng đừng lo tôi trù úm cậu. Tôi không phải là người thù vặt. Nhưng cậu hãy cố mà tìm hiểu những điều tôi nói trên lớp, hy vọng rồi sẽ đến lúc cậu ngộ ra. Chỉ như thế may ra cậu mới nên người được…
***
Thêm chuyện nữa về tai nạn nghề bảo học. Lần ấy, vào dạy một lớp đại học tại chức của một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Mới có dạy xong ngày đầu tiên, buổi tối bà trưởng phòng đào tạo gõ cửa. Sau một hồi trò chuyện, hỏi thăm đủ thứ trên trời dưới bể, cả chuyện chồng bà ta, cả chuyện con chó Phốc nhà bà ta nữa, rồi bà ta thẽ thọt… Chả là lớp có học viên phản ánh thầy lên lớp nói sốc quá, người nghe không chịu được, cảm thấy bị xúc phạm. Về chuyện gì? Ây dzà, tụi nó kêu là thầy lại bảo dân trí thì là câu chuyện muôn đời nay rồi, nhưng việc đáng quan tâm nhất hiện nay của nước ta là quan trí. Họ chỉ nghĩ dân ngu chứ họ không bao giờ nghĩ được là họ rất ngu. Cho nên công việc cấp bách của chính quyền và tổ chức các cấp là cải thiện tình trạng quan trí, giáo dục cho quan bớt ngu và tử tế hơn lên…
Nghe thấy thế, thằng tôi lại thấy nóng trong người. Tuy nhiên gắng hết sức kiềm chế, hỏi lại: vậy tôi nói thế sai chỗ nào? Bả không trả lời vào câu hỏi, mà năn nỉ mong rằng mấy ngày còn lại, thầy lên lớp, nên nói tránh những vấn đề nhạy cảm đi. Tôi vặn: Tại sao lại phải thế? Bả mới lòi ra: Dạ, trong lớp có con bé học viên là “cán bộ tuyên truyền giáo dục” cấp to to… Thì ra là thế.
Mấy câu chuyện ấy diễn ra vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ vừa qua. Lúc đó chưa có điện thoại smartphone. Chứ như bây giờ, có đứa nó quay lén thì khéo mình cũng toi rồi…
17/8/2021
Văn Giá
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ,...