Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Nhớ thương một mảnh hồn làng

Nhớ thương một mảnh hồn làng

Có những thứ nó cứ ám ảnh cả người xa lẫn kẻ gần. Với người dân Kẻ Cờn - một làng quê ven biển thuộc thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An tự bao năm nay chính là những bãi đá ven biển. Để rồi những người đi xa nhiều lúc mong được trở về nơi ấy, để được ngắm quê hương ở một gương mặt khác, để thêm mến thêm thương nơi mình chôn nhau cắt rốn.
Bãi đá làng tôi có từ khi nào, chẳng ai rõ. Chỉ biết rằng khi bao thế hệ người dân quê tôi lớn lên đã thấy nó hiện diện cùng nắng cùng gió, cùng những con sóng vỗ rì rào, cùng dãy núi Hùng Vương sừng sững (dãy núi ấy người làng gọi là núi Thằn Lằn). Bãi đá ấy, ngọn núi ấy đã che chở cho làng trước những cơn cuồng nộ của biển cả. Chúng tôi từng giả định, nếu không có bãi đá, không có ngọn núi thì làng tôi có tồn tại bình yên đến giờ không vì làng ở ngay cửa biển. Câu trả lời ai cũng có thể tự tìm cho mình. Thế nên, bãi đá ấy từ sự sắp đặt của tạo hóa giờ nó đã trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến làng.
Bãi đá ven biển khá dài. Đứng ở bãi đá, phóng tầm mắt xa xa về phía Đông sẽ thấy ngoài kia là cửa biển lạch Cờn. Hướng mắt về phía Nam là một vùng đất Bãi Ngang, mênh mang là cát, là nước. Từ bãi đá ấy chúng tôi thấy biển mênh mông, thấy những con sóng như hòa quyện với mây trời, tất cả tạo thành một bức tranh vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Chính vì vậy mà cách đây 3 thế kỉ, đại thi hào Nguyễn Du từng ghé thăm và đề thơ:
Mặt nước mênh mông bể lẫn trời
Ngôi đền thấp thoáng bãi ngoài khơi.
Bến phú chiều tà cây man mác,
Cửa bể thu dồn khói tả tơi…
(Xa trông Đền Cờn)
Người làng tôi tự hào về bãi đá với những khối đá như sắp đặt, tự hào về phiến đá lớn nhất có in rõ dấu chân ông Khổng Lồ. Chuyện kể rằng, với mong muốn làng Cờn và làng Trắp (làng chài láng giềng) có thể núi liền núi, ông đã dùng chính sợi tóc của mình để gánh núi chặn dòng sông. Công việc vừa bắt đầu, ông đặt bàn chân lên một tảng đá để lấy đà, nhưng để vì núi quá nặng, sợi tóc của ông bị đứt. Thế là khát vọng núi liền núi, không bị con sông ngăn trở của ông đành dang dở. Dấu tích còn lại ngày nay chính là dấu chân ông Khổng Lồ trên tảng đá lớn nhất ở phía trước cửa biển. Dấu chân ấy mãi mãi là minh chứng cho giấc mộng không thành của một vị thần luôn nghĩ cho dân.
Và đến hôm nay, hai làng biển chúng tôi vẫn đang ngăn trở bởi một con sông vừa dài, vừa rộng, vừa sâu. Chúng tôi ước ao một ngày nào đó khát vọng từ thuở xa xưa của vị thần sẽ được thực hiện – rằng sẽ có một chiếc cầu có thể nối nhịp bờ vui.
Không chỉ vậy, người làng còn tự hào về dấu tích hình ảnh mặt trăng tròn vành vạnh trên một phiến đá to, sát biển. Trải bao qua bao gió sương, hình ảnh ấy vẫn rõ ràng, tròn trịa, vẹn nguyên như thế. Vẹn nguyên như tấm lòng chẳng thể bào mòn của người làng tôi với quê hương. Chính vì vậy mà người dân làng tôi dù đi đâu, làm gì cũng luôn dành cho quê, dành cho bãi đá nỗi nhớ thương vơi đầy.
Ở làng, bao lớp người gắn bó với bãi đá ven biển, từ thời hoa niên cho đến lúc thân thành cát bụi. Thuở ấu thơ là những ngày rủ nhau lên núi hái sim rồi ghé bãi đá trước cửa biển nhặt ốc, bắt hàu hoặc có lúc là vẫy vùng trêu đùa sóng biếc. Thưở thanh niên, là những tiệc vui, là những đêm tình tự cùng người thương, có biển thẳm sâu chứng kiến lời hò hẹn. Nhưng có những lời hẹn thề theo gió biển bay đi, những cô gái ngóng chờ người thương mà lòng… hóa đá. Khi đã có tuổi, người làng vẫn giữ thói quen đi dọc theo bãi đá để hít thở không khí trong lành. Nhìn các cụ vừa thể dục, vừa ngắm biển, vừa cười nói râm ran, tôi thấy những buổi chiều quê sao mà bình yên đến lạ!
Hoặc nhiều khi mệt mỏi giữa dòng đời xuôi ngược, người làng tôi và làng bạn lại tìm đến bãi đá như là một chốn dừng chân, có khi là nghỉ ngơi, có khi là sự trốn chạy những ồn ào. Dường như khi đến với bãi đá bên bờ sóng, ai cũng có thể tĩnh tâm, lắng mình!
Làng Cờn xưa và nay chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh cá. Thỉnh thoảng có những chuyến đi mà ngày về không còn vẹn nguyên. Đâu đó những người đàn ông gửi mình nơi biển cả khi giấc mơ về những chuyến tàu bội thu, giấc mơ về những ngôi nhà khang trang chưa kịp tròn đầy. Và chúng tôi lại thấy những vành khăn khăn trắng, thấy những người phụ nữ tay dắt những đứa trẻ thơ thẩn ven bãi đá, ánh mắt cứ đau đáu nhìn ra biển mênh mông ngoài kia để mà chờ mà đợi trong vô vọng.
Hoặc có khi là ánh mắt của những người cha, người mẹ có con do mải mê chơi đùa, lơ đễnh trước bãi biển mà mãi mãi kết thúc cuộc đời ở tuổi thiếu niên trong những ngày hè như đổ lửa của dải đất miền Trung. Ánh mắt ấy… theo những ngày dài, đêm sâu!
Bởi những điều đó nên với người làng tôi, bãi đá trở thành một mảnh hồn làng, trở thành một phần kí ức êm đềm, đẹp đẽ và đôi khi cũng vô cùng đớn đau trong hành trình lớn khôn và trong sự mưu sinh nhọc nhằn của mỗi người dân ở miền chân sóng.
Có lẽ vì vậy mà khi bãi đá bị phá vỡ cấu trúc tự nhiên để mở tuyến đường ven biển thì nhiều người cảm thấy xót đau, tiếc nuối. Khi chứng kiến từng tảng đá bị xé toang liên tục bởi máy móc máy móc, tôi thấy tim mình như có ai bóp nghẹn, thấy một phần tâm hồn của mình đã bị ai đánh cắp. Có người đã bật khóc khi nhìn cảnh ấy. Đó là cảm giác mất mát một vùng kí ức, một phần tâm hồn, một niềm kiêu hãnh!
Vẫn biết, cuộc sống là một dòng chảy. Đôi khi phải chấp nhận đánh đổi cho sự phát triển như một quy luật tất yếu. Vẫn biết sẽ có một con đường ven biển rất đẹp nhưng thực sự, cảm giác vỡ vụn khi bãi đá không còn như xưa nữa là điều có thực! Tôi nghĩ, đó chính là tình yêu quê hương chứa chan của người làng tôi. Một tình yêu rất đỗi bình dị, trong trẻo. Tình yêu quê được kết dệt từ những điều hữu hình và vô hình. Tình yêu ấy cùng với sức mạnh của tình thân đủ sức lấp đầy những khoảng trống, đủ sức làm ấm trái tim nhiều người trước cuộc sống tha hương, đủ sức níu giữ mọi người trước những sự lựa chọn đầy nghiệt ngã, trước nguy cơ trở thành kẻ bội ân bội nghĩa trong cuộc sống này.
Bây giờ, ven bãi đá xưa đã có một con đường nối dài từ làng trên xuống làng dưới. Nhịp sống của làng cũng nhộn nhịp hơn. Bãi đá ấy, con đường ven biển ấy cùng với Đền Cờn (ngôi đền nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ) và những danh lam thắng cảnh khác đã có tên trong bản đồ du lịch của tỉnh tôi. Du khách thập phương cũng đã về khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấn tượng, kì thú mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho vùng đất địa đầu xứ Nghệ. Nhưng với người làng, bãi đá ven biển mãi mãi là mảnh hồn làng bình dị, là một phần không thể thiếu trong trong vùng kí ức êm đềm của tuổi thơ, trong đời sống tinh thần hiện tại và cả những ngày sau nữa.
Để rồi trải qua bao thời gian, mảnh hồn làng ấy cứ đầy theo năm tháng, càng ngày càng da diết, lắng sâu, dạt dào. Những người con phiêu bạt muôn nơi, nhiều khi nhớ đến thắt lòng dáng mẹ dáng cha, nhớ quê, nhớ bãi đá ven biển. Tình yêu dành cho bãi đá của nhiều thế hệ người làng tôi như một ngọn lửa cứ âm ỉ cháy, để lúc ngọn lửa ấy bùng lên, người sống tha hương lại xách ba lô lên và… về thăm quê!.
27/6/2021
Hương Nguyễn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ánh mắt đa tình 2

Ánh mắt đa tình 2 Chương 16 Đang ngồi uống cafê cùng Qúy, Thanh Trà chợt trố mắt. Thêm hai lần dùng tay xoa mạnh lên mắt mình, để xem cô...