Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Nhớ góc chợ xưa

Nhớ góc chợ xưa

Tôi dông xe về nhà vào một ngày nắng hiểm hoi của mùa đông. Ánh mặt trời rực rỡ kiêu ngạo mang những vệt nắng vàng óng soi rọi mọi ngóc ngách còn ẩm mốc của phố huyện. Những con đường đi qua ngày đông lẩn khuất trong những hàng cây tán lá âm u nay chợt bừng sáng nhờ những tia nắng ấm áp soi tỏ. Tôi cho xe chạy chậm, lặng ngắm khung cảnh xung quanh và thả lòng miên man theo từng góc phố, lòng bồi hồi nhớ về những ngày nắng còn vương vãi trong kí ức tuổi thơ hôm nào.
Những ngày nắng trong kí ức tuổi thơ tôi mang bóng dáng của bà, của những chuyến đi chợ huyện những sớm tinh mơ, của mùi thơm từ những ổ bánh mì nóng hổi vừa mang ra lò quyện trong lớp kem thơm lừng mỗi khi ăn vẫn dính vào môi thơm ngọt. Những tháng ngày ấy thuộc về một mùa đông, không lạnh lẽo, cô quạnh mà ấm áp, chan hòa.
Tôi ngày đó là một đứa trẻ, lon ton theo bà trong những chuyến đi chợ huyện. Trong những buổi chợ bắt đầu từ sớm tinh mơ ấy, bà thường mang theo lỉnh khỉnh những loại rau quả. Những bó rau ngót tươi xanh, dăm quả cà tím, dưa chuột và ớt đỏ hái trong vườn nhà. Mặc ngày mưa hay nắng, tôi vẫn cùng bà đi qua những con đường đất bụi bặm, đi qua những hàng cây đỏ lá và dừng lại ở một cái chợ be bé nơi những người buôn gánh bán bưng tụ họp. Những buổi chợ ấy, tôi và bà ngồi bên nhau, đợi chờ lượt khách lũ lượt đi qua và dừng chân lại. Thật lạ, những buổi chợ như thế luôn đem lại cảm giác chờ đợi và háo hức trong tôi.
Cứ thế tôi cùng bà đến đó suốt quãng đời tuổi thơ, cùng bà chứng kiến những đổi thay của chợ và cả tuổi già đang ngày ngày vắt kiệt sức bà. Khi những người già sống bằng nghề buôn bán trong  chợ vơi dần, nhường chỗ cho những người trẻ tuổi có giọng nói rổm ran tới buôn bán, những nụ cười hồn hậu, giọng nói ấm áp, thỏ thẻ thay thế bằng những câu mời gọi xôn xáo, ỉ ôi, tôi và bà vẫn đến đó. Nhưng không còn hình ảnh một người bà lanh lẹ, tháo vát, chân đi thoăn thoắt khệ nệ mang giỏ xách mà thay vào đó là tôi, đứa cháu ngày trước vẫn lon ton theo sau bà giờ đã đủ lớn để cầm giỏ xách và dắt tay bà đi trong những phiên chợ. Tôi biết sự khôn lớn của tôi chính được đổi lấy bằng tuổi già của bà.
Khi gia đình tôi khấm khá và bà đã già, bố mẹ tôi không muốn bà lặn lội đường xa đến chợ nữa nhưng bà vẫn muốn đi. Tôi biết cái chợ nhỏ này là nơi bà tìm thấy niềm vui cho tuổi già, nơi bà có thể dễ dàng chứng kiến sự đổi thay của cuộc sống. Tôi vẫn theo bà đến đó, bên bà trong những buổi chợ ồn ào, tấp nập người xe để cùng bà chia sẻ những câu chuyện về thời cuộc, giản dị hơn là những nổi buồn thẳm sâu, ngập tràn nơi khóe mắt mỗi khi kế bên, nơi chúng tôi ngồi, những người bạn già của bà lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những người trẻ hừng hực, xông xáo tới buôn bán. Với một vài người, chợ là không gian sinh hoạt văn hóa. Còn với tôi cái chợ quê ấy nó mang dáng dấp của bà, của một miền kí ức thân thương nào đó mà tôi luôn cố cất giữ.
Rồi một ngày, tôi và bà không còn dắt tay nhau đến đó  nữa. Góc chợ ấy được xây dựng khan trang thành chợ lớn nhất phố huyện. Nó chợt trở nên xa lạ với tôi bởi không còn những người già như bà đến buôn bán. Chợ vẫn vui vẻ, người đông và nhiều hàng quán. Tôi rời xa phổ huyện, bước chân đến thành phố phồn hoa đi học rồi đi làm. Những góc chợ đi qua ngày một nhiều nhưng chưa bao giờ tôi thôi nhớ góc chợ xưa.
Hôm nay trở về, bước chân lẩn thẩn đưa tôi ghé ngang chợ. Mùa đông đã tới nhưng không khác gì mùa hè. Vẫn rộn rã tiếng cười nói dưới chợ. Vẫn nắng vàng phủ trên đầu.Và vẫn có những người muốn quay lại nơi đó. Cái nơi mà biết bao nhiêu âm thanh quen thuộc ngày xưa vẫn vang lên dù cứ ngỡ sẽ không bao giờ được nghe lại. Lạ thay, chỉ một góc nhỏ xíu của phố huyện thôi cũng đủ sức kéo một tâm hồn ở lại cả buổi chiều.
Góc nhỏ còn đó. Nhưng ngoại đã xa.
2/7/2021
Trần Nguyên Hạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ánh mắt đa tình 2

Ánh mắt đa tình 2 Chương 16 Đang ngồi uống cafê cùng Qúy, Thanh Trà chợt trố mắt. Thêm hai lần dùng tay xoa mạnh lên mắt mình, để xem cô...