Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Sài Gòn trăm thứ "Dễ"

Sài Gòn trăm thứ "Dễ"

Sài Gòn đất chật người đông nhưng lại vô cùng dễ sống. Đó là một nghịch lý mà chỉ những ai đã từng được nơi này cưu mang mới hiểu rõ.
Phố lớn hẻm nhỏ. Sài Gòn dang tay ôm mọi phận đời. Nếu phố lớn là nơi người giàu buôn bán, kinh doanh thì hẻm nhỏ lại là chốn mưu sinh của phần đông dân lao động nghèo.
Một tủ thuốc lá, một cái ghế hớt tóc, một gánh rau, một thúng xôi, một xe mì, một thùng đồ nghề sửa xe… cũng đủ cho dân tứ xứ lưu lại đất này làm ăn sinh sống.
Sài Gòn là nơi dễ kiếm việc bậc nhất cả nước. Chỉ cần có xe máy và điện thoại là bạn có thể gia nhập đội ngũ xe ôm công nghệ. Nghề này không thể giúp bạn làm giàu nhưng cũng chẳng còn phải lo chuyện đói no.
Bất kỳ ai mới đặt chân đến đất này cũng sẽ choáng ngợp trước sự ồn ào, tấp nập của thành phố. Người xe nối đuôi nhau như mắc cửi. Thành phố dường như không ngủ bởi tiếng xe chạy cả ngày lẫn đêm.
Lạc đường ở Sài Gòn là đặc sản bởi hệ thống giao thông chằng chịt, lắm đường ngang ngõ tắt, vô số hẻm nọ hẻm kia. Lúc lạc đường cũng là lúc bạn nhận ra sự dễ gần, dễ thương và nhiệt tình của người xứ này.
Chỉ cần hỏi là sẽ có người chỉ đường cho bạn. Chừng bạn vẫn “mắt chữ A, mồm chữ O” thì sẽ có người nhiệt tình dẫn đường cho. Đáp lại lời cảm ơn của bạn là nụ cười tươi rói và câu trả lời “hổng có chi” nghe thiệt dễ mến!
Sài Gòn không xem ai là người lạ, mà ngược lại, họ xưng hô với bạn như người thân trong gia đình. Người lớn tuổi gọi người trẻ bằng con, phần mình thì xưng nội, ngoại, cô, dì, chú, bác… Nhờ cách xưng hô này mà bạn đỡ nhớ nhà, nhớ quê và luôn ấm áp tình thân ngay chính nơi đất khách.
Người Sài Gòn rất dễ kết thân, tánh tình họ bộc trực, ăn ngay nói thật, nghĩ gì nói nấy, không văn hoa, ẩn ý. Họ chẳng giận ai lâu bao giờ mà rất dễ tha thứ, một khi đã tha thứ thì sẽ không để bụng.
Có lẽ chính suy nghĩ và cách sống giản đơn ấy khiến người với người dễ xích lại gần nhau. Bạn có thể kết bạn ở bất cứ đâu: quán ăn, quán nhậu, quán cà phê, rạp chiếu phim… và trở nên thân thiết chỉ nhờ nói chuyện hợp cạ.
Người Sài Gòn rất dễ tính, họ không chú trọng nhiều đến trang phục. Mặc sao thoải mái, gọn nhẹ mới là ưu tiên hàng đầu để bắt kịp với cuộc sống năng động. Trong chuyện ăn uống họ càng dễ dãi. Không quan trọng vị trí, miễn ngon là được.
Việc ai đó ăn mặc bảnh bao, sang trọng mà ngồi hàng quán vỉa hè húp sột soạt tô hủ tiếu gõ hay ai đó thả chiếc xe hơi ở ngoài lộ rồi cuốc bộ vào con hẻm nhỏ để ăn dĩa cơm tấm là chuyện thường thấy ở xứ này.
Cơm tấm chính là minh chứng hùng hồn nhất cho chuyện ăn uống dễ dãi của dân Sài Gòn. Sáng, trưa, chiều, tối đều có thể ăn cơm tấm. Cà phê, ăn sáng vỉa hè cũng là nét văn hóa đặc trưng nơi đây. Cà phê có thể nhạt đôi chút nhưng món ăn thì bảo đảm ngon nhức nách.
Ăn theo thuở, ở theo thời vốn là quy luật xưa nay. Trong bầu không khí năng động chung của cả thành phố, từng con người cũng phải năng động theo. Bởi nếu không năng động, bạn không thể tìm được chỗ đứng trong mảnh đất nhiều cạnh tranh này.
Vậy nên các tiểu thương ở Quận 1, mấy bác xe ôm ở Phố Tây Sài Gòn, ai cũng bắn tiếng Anh như gió cũng không có gì khó hiểu.
Một cuộc hội ngộ bàn luận văn chương của Văn Học Sài Gòn
Sài Gòn cái gì cũng vội, ngay cả cơn mưa cũng thế. Vội đến, vội đi. Người ta vẫn thường hay ví von mưa Sài Gòn đỏng đảnh hệt như một nàng thiếu nữ.
Những cơn mưa bất chợt ấy đã làm dịu đi cái nắng nóng, oi bức, ngột ngạt của đường phố Sài Gòn khiến ai nấy đều dễ chịu. Đến cả thời tiết cũng biết cách dễ thương!
Nhưng lắm khi mưa lớn chỉ tầm mười phút mà “phố bỗng là dòng sông uốn quanh”. Lúc viết những ca từ đẹp đẽ và đầy tính ẩn dụ này, Trịnh đâu ngờ có ngày nó trở thành sự thật! Đường phố ngập đầy nước, hàng dài người phải dắt bộ vì xe chết máy.
Trong hoạn nạn mới thấu chân tình. Giữa lúc ấy, những hiệp sĩ đời thường sẽ từ trong nhà bước ra tương trợ. Cư dân sống ở đây sẽ liên tục phụ giúp đẩy xe và hướng dẫn người đi đường tìm lối khác để tránh ngập.
Trong cái dễ ghét của cơ sở hạ tầng lại ló ra cái dễ thương, tốt bụng của người Sài Gòn. Nó khiến người ta quên hẳn sự khó chịu, bực bội khi phải ngâm mình lội nước.
Xứ này việc ai nấy làm, nhà ai nấy ở nên dễ khiến nhiều người lầm tưởng dân Sài Gòn sống hờ hững, lạnh nhạt. Họ khoác lên mình chiếc áo thờ ơ chẳng qua là vì họ không tò mò và tôn trọng đời tư của nhau.
Thế nhưng chỉ cần bạn lên tiếng cậy nhờ, chắc chắn họ sẽ xúm vào giúp đỡ. “Cầm đi, đừng ngại, nhiêu đây mà nhằm nhò gì!”, “Hôm nào trả cũng được”, “Ôi ơn nghĩa gì ba cái chuyện lẻ tẻ”, “Tao nghèo bạc, nghèo tiền chứ hổng có nghèo nhân nghĩa”… Ai đã từng nghe qua những câu nói này sẽ càng thêm thấm thía.
Người Sài Gòn rất hào hiệp, chẳng thế mà khắp nơi đều là bảng hiệu miễn phí đó sao? Người Sài Gòn rất phóng khoáng, chẳng thế mà họ dễ dàng dung nạp bạn bè từ mọi vùng miền, mọi văn hóa, sắc tộc?
Tất nhiên Sài Gòn không phải chỉ toàn chuyện tốt. Chuyện cầm nhầm xe, cầm nhầm điện thoại vẫn diễn ra như cơm bữa. Nhưng đó chỉ là bề nổi, cái phần chìm bên trong mới khiến người ta ở thì tha thiết thương, xa thì da diết nhớ.
Không phải ngẫu nhiên mà Sài Gòn là thành phố đông dân nhất cả nước. Bởi Sài Gòn không chỉ dễ sống mà còn là một nơi đáng sống.
13/8/2021
Nguyễn Minh Ngọc Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ,...