Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Khi người ta rời bỏ mẹ nuôi Sài Gòn quay về với mẹ đẻ

Khi người ta rời bỏ mẹ nuôi
Sài Gòn quay về với mẹ đẻ

Mấy hôm nay trên báo chí và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh về những người nhập cư từ Sài Gòn quay về các tỉnh. Họ đi bằng mọi phương tiện, thậm chí bằng cả… đi bộ, nhưng đông đảo nhất là di chuyển bằng xe gắn máy. Họ có thể ở miền Trung, ở miền Bắc. Họ có thể đi một mình hay chất cả gia đình lên chiếc xe gắn máy. Tôi cũng nhận được rất nhiều hình ảnh, clip người thật việc thật và vừa xem tôi vừa rưng rưng nước mắt.
Tôi thấy gì qua hình ảnh những dòng người đổ về quê như thế?
Tôi thấy họ lê đôi chân mệt mỏi, ba lô, túi xách nặng trĩu, gương mặt nát nhàu, méo xệch, bợt bạt hoặc đỏ gay đi bộ dưới cái nắng mùa hè, đôi dép nhựa mòn vẹt xỏ dưới đôi chân đen nhẻm, bám đầy bụi bặm, mà đường về nhà còn xa lăm lắm. Ước gì có những chuyến xe từ thiện để họ được về quê an lành.
Tôi thấy những dòng xe máy nườm nượp trên đường, như lao vào một cuộc hành trình bất định với mong mỏi tìm được sự yên bình ở chính nơi chốn họ đã rời bỏ đi để tìm kế sinh nhai.
Tôi thấy những đôi vợ chồng bồng bế con thơ, chạy xe cả một, hai ngàn cây số để về nhà. Những đứa trẻ ngủ vạ vật trên tay mẹ, hồn nhiên, ngây thơ không biết rằng chúng đang làm cuộc di cư ngược về nơi quê cha đất tổ.
Tôi thấy những chiếc xe máy cũ kỹ, những phận người long đong với đôi mắt đục ngầu, vẻ mặt mệt mỏi, quẳng xe bên lề đường nằm vật ra ngủ nghỉ, dường như không còn biết đến ngày mai.
Tất cả giống như một cuộc trở về của những đứa con đi lưu lạc kiếm sống ở phương xa, tôi muốn dùng từ đó, chứ tôi không thích dùng những từ vô cảm kiểu như “tháo chạy”, “chạy trốn”, “lũ lượt, rồng rắn kéo nhau về quê”… đầy rẫy trên mạng xã hội.
Tôi nghĩ rằng Sài Gòn đối với những con người nhập cư giống như mẹ nuôi, còn quê nhà với họ là mẹ đẻ. Một bên có công nuôi dưỡng, trưởng thành, một bên có công sinh ra, cho sự sống. May mắn cho những ai có được cả hai người mẹ ấy trong đời. Bây giờ người mẹ nuôi đang bệnh, đang đau ốm, không chăm lo cho các con nuôi được, dù đã cố gắng hết sức, nên những đứa con nuôi đành phải quay về với mẹ đẻ.
Tôi biết luôn có những lời trách nọ kia vang lên đâu đó. Người thì bảo tại sao Sài Gòn không cố gắng cưu mang, không phát thực phẩm từ thiện cho chừng ấy con người. Người Sài Gòn vốn rộng lòng yêu thương, giàu tình nghĩa, cưu mang nhau mà. Nhưng nghĩ lại mà xem, sống ở Sài Gòn mà nhận từ thiện trong lúc này, có lẽ chỉ là bước đường cùng chứ những ai còn sức khỏe, còn lương tri, họ sẽ ngại ngần. Họ không muốn là gánh nặng thêm cho mảnh đất Sài Gòn. Người thì thắc mắc tại sao có nhiều tỉnh thì tổ chức đưa người về quê chu đáo, ân cần như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định…, bằng mọi phương tiện như máy bay, xe lửa, ô tô; nhưng có tỉnh như Quảng Ngãi lại ra văn bản không tiếp nhận người quay về từ Sài Gòn từ ngày 1.8.2021. Nhưng với dòng người quay về nhiều như thế, có khả năng mang dịch bệnh về quê, rồi việc tổ chức cách ly theo chính sách của nhà nước cũng là một vấn đề nan giải và khó xử lý. Rất may là đến thời điểm này, UBND TPHCM đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành gửi kế hoạch (nếu có) tổ chức đưa người dân đang cư trú tại Sài Gòn về lại địa phương nhằm tránh tình trạng người dân tự ý di chuyển bằng xe cá nhân vì không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành cần cử các cơ quan, tổ chức trực thuộc hoặc Hội đồng hương tại Sài Gòn là nơi tiếp nhận đăng ký theo yêu cầu, đối tượng phù hợp với kế hoạch của từng tỉnh, thành để đón người dân quay về. Hy vọng sau những việc làm này, người dân “đi về nhà” sẽ đỡ vất vả hơn.
Dòng người đổ về quê, chủ yếu là những người làm nghề lao động tay chân, công nhân, làm công việc dịch vụ, tôi nghĩ vì lý do giãn cách xã hội, họ không có, không còn việc làm nữa. Ở lại Sài Gòn thì khó khăn, vất vả, chống chọi với hai bàn tay trắng và cái túi tiền rỗng, mà lại không biết đến bao giờ mới có việc làm trở lại. Trong tâm thức của chúng ta, có lẽ mỗi khi có trắc trở, lo âu, việc đầu tiên chúng ta nghĩ là quay về nhà, quay về với những người thân yêu, nên mới có hiện tượng “đi về nhà” như thế này. Sài Gòn từ xưa đến nay là mảnh đất màu mỡ, có nhiều cơ hội kiếm việc làm, nên thu hút rất đông dân chúng từ nơi khác đến. Việc tăng dân số cơ học như vậy cũng là một vấn đề hai mặt, tuy đấy là quy luật thường thấy ở những thành phố đang phát triển trên thế giới. Mặt tốt là Sài Gòn có thêm nguồn lao động, giúp kinh tế, sản xuất phát triển. Nhưng mặt khác với số lượng người nhập cư đông đảo, cũng nảy sinh không ít việc phức tạp, từ chỗ ăn ở sinh hoạt, nạn kẹt xe vì cơ sở hạ tầng quá tải, cho đến những hành xử kém văn minh của một bộ phận người nhập cư. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, cho dù còn chuyện nọ chuyện kia Sài Gòn vẫn dung chứa được hết những người con tha hương vào Sài Gòn để mong có một cuộc sống tốt hơn so với ở lại quê nhà.
Và tôi vui vì trên con đường về nhà, cũng có những chỗ nghỉ chân và phát đồ ăn miễn phí, thậm chí cho tiền, để cho những con người mỏi mệt trong cuộc hành trình dài cảm thấy ấm lòng. Lòng tốt của con người là điều chúng ta luôn cần và rất may là điều ấy không bao giờ thiếu, nhất là trong những ngày tháng khó khăn này của đất nước.
Tôi cũng là một công dân Sài Gòn có gốc gác từ nơi khác, một người cũng được bà mẹ nuôi Sài Gòn chăm bẵm, yêu thương, cho tôi rất nhiều điều, tôi đồng cảm, khóc cười với những niềm vui, nỗi buồn mùa dịch. Trong quá khứ tôi hay tự hỏi: Sài Gòn là một thời hay là một đời của mình? Một thời ở đây có thể hiểu là một hay nhiều đoạn thời gian, năm tháng, còn một đời là cả cuộc đời. Nhưng rồi nhìn những bức ảnh này, tôi cho rằng câu tự vấn của tôi không còn cần thiết nữa. Dù là một thời hay một đời cũng không còn quan trọng. Quan trọng là chúng ta đã sống ở Sài Gòn, đã được bà mẹ nuôi Sài Gòn cưu mang, chịu ân tình của Sài Gòn và chúng ta luôn yêu thương, nhung nhớ Sài Gòn. Sài Gòn dù đi xa hay ở gần sẽ còn lại mãi trong trái tim, trong tâm tưởng của chúng ta. Tôi tin những người đang về với bà mẹ đẻ cũng nghĩ như tôi.
Chúc các bạn về nhà bình an và nếu được thì sau này quay lại với bà mẹ nuôi Sài Gòn nhé. Sài Gòn vẫn chờ các bạn quay lại!.
1/8/2021
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ,...