Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Thao thiết trường cũ

Thao thiết trường cũ

Ngày đầu nhận công tác ở trường (giờ tôi gọi là trường cũ), cảm giác trống rỗng. Không buồn, không vui, phả vào thoảng hoặc trong tâm trí một chút hẫng hụt và tiếc nuối. Ừ, ra trường rồi được trở thành cô giáo là may mắn, là mơ ước, dù rằng nơi công tác là nơi miền núi quê hương tôi, thưa thớt người và khó nghèo vật chất.
Vậy mà trường cũ lại để lại nhiều yêu thương, nhiều nỗi nhớ mong và khắc khoải da diết cho tôi đến vậy khi chia xa. Tưởng như cả đời này, hình ảnh con đường đến trường nhớp nháp bùn, những học trò mặt còn nhấm nhem, tóc vàng hoe vì nắng tôi sẽ nhớ thương da diết. Còn hơn cả nhớ thương, đó là cả một miền kí ức thân thương, những tháng ngày vất vả cực nhọc nhưng biết bao yêu thương đong đầy của mảnh đất Sơn Thủy.
Đúng như tên gọi, Sơn Thủy có núi non trùng điệp, những ngôi nhà dân cheo leo trên cả một quả đồi, trông xa, chỉ như một tổ chim giữa cành cổ thụ. Và có phải vì tên gọi không, mà nơi đây cũng là rốn lũ. Lũ, nỗi ám ảnh kinh hoàng mà cũng gợi cho ta một nỗi nhớ khắc khoải về tình người trong sự giận giữ của thiên nhiên.
Tháng tám mùa thu, bắt đầu cho những buổi tựu trường, cũng là khi mùa lũ nơi quê tôi về. Mưa dông không ngớt. Những cơn mưa ấy ám ảnh trong giấc ngủ chập chờn của tôi. Tiếng mưa ầm ào mà bình thản, thờ ơ trước bao đôi mắt đang trũng xuống, đang hốc hác vì lo lắng. Mưa dông mãi không ngừng là dấu hiệu của lũ. Tiếng ếch hòa trong tiếng gió, tiếng gió lẫn trong tiếng mưa, tiếng mưa lẫn trong tiếng thở dài của đêm, đêm lẫn trong nét mặt thấp thỏm lo âu của mẹ. Mưa ngớt chút, mẹ tôi lại lấy đèn pin soi ra ngoài đường, xem nước đã lên đến đâu. Mưa lũ thường về đêm, những đêm tối mịt không trăng không sao, đêm thờ ơ, đêm vô tâm, đêm tàn nhẫn. Kí ức tôi nhớ nhất những đêm mưa to báo trước lũ sắp ùa về là tiếng người gọi nhau í ới, ánh đèn pin loang loáng soi ra ngoài xa xa cánh đồng, tiếng lo âu ngai ngái của người đàn bà làm trụ cột gia đình, rồi sẽ xoay xở thế nào khi lũ tràn đến vườn, bò lên ngõ, trườn vô sân. Rồi một bậc tam cấp, bậc thứ hai, …Cảnh dọn lũ mới thật là dồn dập. Chưa bao giờ, người ta cần nhau như thế. Tiếng người lội nước bì bõm vào sân khiến mẹ tôi mừng rỡ. Một bàn tay chìa ra lúc này đối với người đàn bà nheo nhóc lũ con thơ có khác gì đâu người dòng nước mát hiện ra trước đôi môi khô nẻ của người làm đồng giữa chang chang tháng sáu. Lũ, với tuổi thơ tôi là những đêm nước ngấp nghé lên như thế, đêm tối đen như mực, như đồng lõa với sự nhẫn tâm của cơn thịnh nộ từ nước, là nét mặt thấp thỏm âu lo của thân phận những người người đàn bà cô quạnh, …
Năm đầu tiên về trường, trường cũ yêu thương cũng đón tôi bằng cơn lũ. Chưa kịp quen mặt, nhớ tên hết những đồng nghiệp, học trò thì nghỉ học cả tuần vì lũ. Ngôi trường chìm trong lũ, tôi đứng phía bên này của Chợ Đình mà ngó sang trường Thủy Mai, thấy mênh mang là sóng nước, nước đỏ đục, bèo từ đâu trôi về dập dềnh. Những bụi tre ngày nắng rì rào hát ca trong gió, kiêu hãnh giữa bầu trời cao rộng trong xanh, thì nay oằn mình trong lũ, dáng còng lam lũ như dáng mẹ. Cầu Chợ Đình vốn tấp nập với bóng người đi chợ về, bóng trẻ đi học về, chẳng thấy đâu nữa, dưới làn nước cuộn cuộn ấy, chắc nó đang nhớ nhung thao thiết bóng hình người qua kẻ lại, chắc nó đang oằn mình chống đỡ làn nước xiết, mà con nước thì như kẻ vô tâm tàn nhẫn, như một gã trai đa tình đang mải miết tìm bến bờ mới, đâu đoái hoài đến một chân cầu cũ bên đường nó đi. Lũ thường nán lại vùng đất này ít ngày, vì nơi đây thấp trũng. Lũ rút chậm. Nhấn nhá như trâu già gặm cỏ già, uể oải, thong thả. Vì nước hãy còn lớn nên trẻ con, người lớn cất vó hai bên đường đi, có người cất vó ngay trước cổng nhà. Trường xa xa chỉ thấy mái ngói rong rêu xưa cũ, thẫm trong màu nâu của đất. Đứng bên này nhìn sang thấy trường cách xa vời vợi giữa mênh mông nước lũ. Bao giờ nắng ấm mới lại về trên mái ngói thẫm nâu, ríu rít đàn sẻ gọi nhau, bao giờ lá bàng non mới thì thầm hát ca trở lại? Và bao giờ mới gặp lại nụ cười tươi không vương chút nhọc nhằn trên môi em thơ? Khi nước rút, sân trường chẳng khác gì ruộng nhão chưa kịp cấy lúa. Bùn non nhớp nháp, dày ngang nửa bắp chân, trĩu nặng như lưu luyến chân người. Vệt tường vôi trắng loang lổ, in rõ dấu mực nước lũ. Bàn, ghế, sách, vở, …nghiêng ngả, xiêu vẹo, vấy trong bùn, nhấn trong bùn, khóc trong bùn, …Mấy ngày sau lũ, nắng ấm lại rực lên. Chúng tôi lại đến trường cùng lũ trò nhỏ. Chúng nó còn quen với lũ hơn cả chúng tôi. Môi cười hớn hở, mặt nhấm nhem. Đôi chân hãy còn lội bùn non ở đâu đó, lấm láp. Giày dép thầy cô còn trĩu bùn, nói chi các trò nhỏ….
Có một thời như thế, trường cũ của tôi ơi, Sơn Thủy thân thương ơi, cái tên mà giờ thổn thức cất tiếng gọi, tôi đã nghe ào ào những dòng nước lũ chảy về, nhớ con nước to cuồn cuộn hối hả chảy dưới cầu Chợ Đình, nhớ ngôi trường lô xô mái ngói nâu, bùn loang lổ khi cơn lũ đi qua, nhớ dậu nhà ai phơi cặp, phơi sách cho con thơ trong nắng thu rải lung linh mà ngai ngái mùi bùn…
Nhớ về trường cũ, lòng tôi còn còn thổn thức nhớ thương bao gương mặt học trò. Cái tên có thể không còn rõ, nhưng gương mặt thì nhớ, ánh mắt thì nhớ, nụ cười cũng nhớ. Những mắt, những mặt, những nụ cười ấy luôn sống dậy cựa quậy trong tâm trí tôi. Có khi nhìn trò mới ngày hôm nay, trò của vùng thị thành, sà vào hàng quán ven đường, tôi lại nhớ đến bao gương mặt trò cũ. Quyên này, Hoài này, Mến này, …có đứa nhà xa 17 cây số, đến trường lúc trời còn nhá nhem, ánh đèn pin loang loáng thay cho ánh sáng mặt trời. Lại có đứa giấu vội nắm cơm trong cặp sách đến trường, sau khi đã tha nào phên, nào tranh, nào nứa, hộ cha ra chợ. Và một đứa nữa, mắt sáng, miệng cười tươi, nhưng trận lũ lịch sử năm ấy đã cuốn em đi, với cặp, với sách, với chiếc xe đạp cũ thân quen của em, …Đau xót vô cùng! Biết bao những gương mặt cũ chen chúc trong kí ức không tên của tôi, nhưng tôi nhớ nhất là Em. Em là một trong những học sinh đầu tiên tôi dạy. Cô hơn trò chỉ dăm bảy tuổi. Em nhà nghèo lắm. Nhưng hồn nhiên, trong trẻo vô cùng. Em học chưa khá, nhưng luôn cố gắng. Tôi đọc thấy ở em biết bao hi vọng, ước mơ rạo rực, mà cũng rất đỗi hồn nhiên. Đôi mắt em tinh nghịch. Tôi còn nhớ lắm một buổi sáng mờ sương, tôi đến trường sớm, em kéo cánh cổng trường trầm mặc và khô rạc vì đã dãi dầu bao nắng, bao gió, bao mưa lũ miền Trung đón tôi, miệng cười tươi hơn nắng. Em khoe dậy sớm đi chợ giúp mẹ, em khoe đã học thuộc bài. Ôi đôi mắt, tiếng nói cười trong trẻo gợi cho tôi biết bao khấp khởi! Rồi mai đây, em sẽ thoát khỏi cái đói nghèo đeo đẳng, rũ bùn lầy lội dưới chân, để đón nắng mới thật trong trẻo, và rực rỡ nữa…
Bẵng đi khoảng mười năm, khi tôi rời xa trường cũ một thời gian rồi, bất ngờ tôi gặp em ở phiên chợ Tết. Em nhỏ bé sau những chậu hoa lớn, miệng đon đả mời chào khách. Hoa hồng nhung rực rỡ, hoa ly vàng của Đà Lạt nở những bông lớn quá, kiêu sa và diễm lệ, như muốn vươn lên làm hoàng hậu giữa các loại hoa. Lại còn lay ơn đủ màu lung linh trong nắng xuân. Em bán hoa. Mà sao em tôi xanh xao quá! Mà sao em tôi nhọc nhằn quá! Mắt trũng sâu. Gương mặt với nụ cười nhí nhảnh ngày xưa đâu? Em trong trẻo ở đâu, Em hồn nhiên ở đâu, Em rạng rỡ như nắng ấm mùa xuân ở đâu? Em cho tôi tràn trề những hi vọng về bàn tay gieo mầm ở đâu rồi? À, Em đã lấy chồng. Tôi thấy có đứa trẻ níu chân Em. Em đã sớm bước vào cuộc sống mưu sinh vất vả rồi! Tôi không khỏi nghẹn ngào, ngậm ngùi, …Ngày xưa Em cũng vất vả, nhưng tôi còn chứa chan bao hi vọng về tương lai của em. Tôi rời đi mà lòng trĩu nặng vô cùng, nuối tiếc, nhớ và thương cô trò nhỏ nhí nhảnh hồn nhiên năm nào của tôi. Những gì tôi thấy hôm nay liệu có phải là em đang có một cuộc sống vất vả lắm không Em hồn nhiên và trong ngần của tôi? Mong sao cho em có được an yên hạnh phúc trong cuộc đời bon chen hối hả xô đẩy như dòng lũ tháng tám nơi quê nhà này…
Giữa mùa hè tháng sáu chang chang như đổ lửa, tôi đột ngột có dịp trở về trường cũ đầy nhung nhớ và duyên nợ, nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nắng tháng sáu khiến ngôi trường thật đẹp. Màu hoa bằng lăng còn sót lại tím nhạt, thưa thớt, như thì thầm nói lời chia tay mùa cũ. Đứng trong trường tôi đưa mắt nhìn sang bên kia, qua những mái ngói lô xô của Chợ Đình, nơi mà ngày xưa khi cơn lũ chắn ngang, tôi lại ở bên kia mà nhìn sang trường khắc khoải như thế. Giữa đôi bờ nhớ thương bây giờ là những cánh đồng sau mùa gặt, những thân lúa lại bươn lên thưa thớt. Rồi đây, khi chiều chiều im nắng, những con trâu thả đồng nhấm nháp ngọn lúa non còn sót lại, ngọt như chính tuổi thơ trong nỗi nhớ của mỗi người. Ngày xưa, trong mùa lũ, đứng bên này mà nhìn sang trường, tôi ngao ngán biết bao, thấy sao mà xa xôi, sao mà cách trở, cả con đường chỉ toàn là sóng nước với bọt bèo. Giờ đây, đứng từ trường mà nhìn về quê mẹ, tôi cũng thấy xa xôi quá. Đường vắng, hàng cây im mát, gió hát ca rì rào. Chẳng có sóng nước và bọt bèo cách trở. Nhưng tôi không thể đi trên con đường thênh thang ấy. Tôi là F1. Trường cũ tôi thành điểm cách ly cho gần trăm F1. Thật tréo nghoe tôi về trường cũ mơ ước, nhung nhớ và thao thiết trong những giấc mơ như hiện thực này đây. Covid 19 cũng đáng sợ như những con lũ đi qua xóm làng này, cánh đồng này, ngôi trường này, …Nỗi sợ mỗi đêm về không ám ảnh tôi bởi ánh đèn pin loang loáng, tiếng người gọi nhau thảng thốt, tiếng mưa dông sầm sập như núi lở, mà giờ đây, quẩn quanh trong giấc mơ và cả những chiều buồn não nề từ khu cách ly nhìn ra, tôi thấy mình thành F0, đeo trên người đủ kiểu dây rợ và máy thở. Có khi tôi lại hoảng hốt thấy đứa con trai 6 tuổi của tôi mặc đồ bảo hộ kín mít, lẽo đẽo một mình theo các y bác sĩ lên xe y tế đang hú còi ầm ĩ. Nửa đêm tỉnh giấc, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Trăng tròn treo vàng thắm. Trăng quê hương. Trăng nhớ thương. Trăng ru vỗ ôm ấp hồn ta. Trăng dìu dặt ta qua cơn mê. Ta nương theo ánh trăng ảo diệu để đứng dậy. Trong đêm tối mịt mù và bủa vây lo âu sợ hãi, trăng cho tâm hồn ta nương náu.
Ừ, phải rồi, bao lo âu rồi tuyệt vọng có giải quyết được gì đâu! Cơn đại dịch này cũng như biết bao những thử thách mà người dân nơi đây đã từng gánh chịu. Là hạn hán cháy hết ruộng, hết đồng, từ đồng trên đến đồng dưới, từ bãi cỏ nơi đồng xa đến con hói nơi đồng gần, tịnh không có một ngọn cỏ, một tia nước. Là lũ kinh hoàng của năm 2002, nhà cửa, ruộng vườn, xác trâu bò và cả bao sinh linh nữa, vùi theo dòng lũ, theo tiếng gào thét man dại của người đàn bà mất con. Thiên nhiên đắng cay và ngọt bùi để rồi mảnh đất này lại hồi sinh, chè lại ra búp non mơn mởn để cho ta bát nước chè xanh đậm đà ngọt chát giữa chang chang gió Lào, trái cam bù vẫn thanh và mát giữa các đồi chon von gió nắng miền Trung bỏng rát, để mỗi khi xuân về, trên chợ Phố, chợ Đình, dọc sông Ngàn phố lại ngập tràn những gánh cam, đổi thay biết bao những cơ cực của người dân lành. Đâu chỉ có vùng quê Sơn Thủy nặng ân tình, mà miên man trong trí óc tôi mường tượng ra loài người từ thuở khai thiên lập địa, từ thuở hồng hoang cha ông mang gươm đi mở cõi. Biết bao trận đại dịch đã thử thách nhân sinh như thế. Chợt nhớ bữa cơm từ bà con nhân dân gom góp gửi vào cho anh em khu cách ly mấy hôm nay, tươm tất thế, chắc là từ hạt gạo trắng trong của nắng tháng Sáu “chết cả cá cờ”. Lòng tôi lại miên man trên con đường rải đầy rơm vàng quấn bánh xe người mỗi khi mùa gặt đến. Nhớ cơn mưa dông bất ngờ ập xuống khi thóc còn phơi đầy sân. Cả nhà chạy ào ào ra thi nhau với trời để cứu lúa. Chao ôi “bưng bát cơm đầy” … Rồi chợt bắt gặp mảnh trăng tỏa sáng giữa trời đêm cao rộng, rồi chợt nhớ ánh mặt đợi chờ yêu thương của con trai, và văng vẳng đâu đây cả nụ cười nhí nhảnh hồn nhiên của Em, … Tôi thấy mình vin đứng dậy được trong chập choàng cơn mê, trong não nùng nỗi sợ, trong chao đảo của tuyệt vọng. Biết bao Em còn đang chờ đợi tôi trên sân trường ngập nắng, rì rào lá bàng non ca hát, lẫn trong tiếng giảng bài say sưa của cô giáo trẻ. Một tương lai phải tươi sáng hơn Em!
Tôi cầm cọ vẽ trên bức tường loang lổ. Mấy ngày rồi không cầm cọ, thấy chao ôi là nhớ. Nỗi sợ hãi vơi đi nửa phần. Đâu đó có nụ cười của một F1 từ ô cửa phòng bên kia nhìn theo từng nét vẽ của tôi sau chiếc khẩu trang xanh kín mít. Tôi đoán là nụ cười. Vì bức tranh tôi vẽ có nắng ban mai hanh vàng, có cây xanh mượt mà vừa được gội mưa, một mặt trời vừa nhú lên rực rỡ, và gương mặt Em hồn nhiên trong trẻo nụ cười, …Tôi mong lưu lại ngày tháng cách ly nơi đây một bức tranh che đi mảng tường cũ loang lổ. Ấp ôm hi vọng rằng một hạt cát nhỏ cũng có chút lợi ích nhỏ nhoi của nó giữa biển cát trắng mênh mông…
Trường cũ yêu thương ơi, ta lại về đây, không trong cuộn cuộn cơn lũ cuối thu, mà giữa chang chang ngày hè tháng Sáu của những ngày được sống thật chậm, giữa biết bao yêu thương và nhung nhớ mà tôi gọi là “Nhật ký Cách ly của F1”.
Hương Sơn, 19/7/2021
Trịnh Thị Nga
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ,...