Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Người mẹ Sài Gòn

Người mẹ Sài Gòn

“Hào hiệp, nghĩa tình” là những mỹ từ không thể thiếu khi nhắc đến người mẹ Sài Gòn, nơi đã dưỡng nuôi và chở che cho hàng triệu người con xa xứ.
Những mảng màu đối lập
Sài Gòn trong ấn tượng của tôi là một thành phố đầy hoa lệ, với nhịp sống hối hả và tấp nập. Nơi có những cao ốc, những tòa nhà chọc trời, bộ mặt đô thị khang trang vào bậc nhất cả nước.
Nhưng đó chỉ là “diện mạo” bên ngoài, bởi chỉ cần rẽ vào bất kỳ con hẻm nhỏ nào, ai cũng đều bất ngờ, thậm chí là sốc! Sài Gòn không đẹp như trong tưởng tượng và chẳng khác nơi họ từng sống là bao…
Những lát cắt cuộc đời
Phố lớn, hẻm nhỏ. Mỗi nơi một cảnh đời. Nếu như phố lớn đang chạy đua với nền kinh tế thị trường khốc liệt thì cuộc sống nơi hẻm nhỏ lại bình yên và chậm rãi.
“Ai ve chai bán hôn?”, “Mài dao, mài kéo đây!” là mấy âm thanh bắt đầu ngày mới của những con hẻm Sài Gòn. Và có lẽ với những ai đã chọn mảnh đất này để mưu sinh thì những con hẻm chính là một phần cuộc đời họ.
Hẻm nhỏ nhưng tấm lòng rộng mở. Hẻm chật chội nhưng đủ chỗ cho mọi thành phần, từ gánh rau của chị Tư, quán cà phê cóc của anh Tám, ghế hớt tóc của bác Ba, tủ thuốc lá của bà Sáu, gian hàng tạp hóa của cô Năm đến tiệm sửa xe của chú Chín…
Và một ngày trong con hẻm của Sài Gòn chỉ thực sự kết thúc khi không còn nghe những tiếng rao đêm “Bánh chưng bánh giò, chưng gai bánh giò”, tiếng lắc xắc của những người đấm bóp giác hơi, hay tiếng lóc cóc, lách cách của người bán hủ tiếu gõ.
Hẻm bao dung không phân biệt người cũ, người mới, dân Sài Gòn hay dân tỉnh lẻ bởi người mẹ Sài Gòn là thế, con ruột hay con nuôi mẹ cũng thương đồng.
Nghịch lý Sài Gòn
Có một nghịch lý vô cùng Sài Gòn: Đất chật người đông mà lại cực kỳ dễ sống. Dễ sống ở đây là dễ hòa nhập cộng đồng, dễ tìm việc và dễ cảm thông nhau giữa những mảnh đời xa xứ.
Sài Gòn ôm vào lòng hàng triệu dân tứ xứ từ mọi vùng miền, mọi tôn giáo, mọi dân tộc anh em. Bầu sữa mẹ ngọt ngào lý ra chỉ dành cho những đứa con do mình dứt ruột sinh ra, giờ phải san sẻ thêm cho những đứa con nuôi, mà chúng lại đông thì việc người mẹ ngày càng héo hon là điều không thể nào tránh khỏi.
Người ta vẫn chê Sài Gòn ô nhiễm, khói bụi, ồn ào, ngột ngạt, chỉ chực chờ những dịp lễ tết là như những cánh chim tỏa đi muôn phương, bay về tổ ấm, về với mẹ ruột của mình.
Nhưng lòng mẹ thì có bao giờ hết thương con? Nên người mẹ Sài Gòn vẫn bao dung, vẫn tha thứ, vẫn rộng lòng đón đợi chúng trở về.
Lá lành đùm lá rách
Đừng nghĩ người mẹ Sài Gòn giàu có nên bà phải có trách nhiệm nhường cơm sẻ áo với đồng bào. Ngược lại, vì đã từng làm mẹ, nên bà thấu hiểu những nỗi đau, những nhọc nhằn của bao bà mẹ khác. Hiểu rõ mỗi khi thiên tai, bão lũ quét qua thì những bà mẹ kia phải lấy thân mình chở che cho đàn con vất vả đến nhường nào, thương tích đến nhường nào. Và bởi vì hào hiệp, nghĩa tình vốn là đức tính của bà xưa nay.
Rồi những đứa con, con ruột hay con nuôi cũng vậy, khi về sống với mẹ thì sẽ được dạy dỗ và thừa hưởng mọi đức tính tốt đẹp từ người mẹ Sài Gòn: lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân.
Bà còn dạy các con sống là phải biết cho đi, ấy thế mà ở Sài Gòn đâu đâu cũng là bảng hiệu miễn phí: từ thức ăn, nước uống, quần áo cho đến hớt tóc, sửa xe…
Anh em như thể tay chân
Lớn lên trong tình thương và sự bao dung của mẹ, những đứa con Sài Gòn cứ thế yêu thương nhau mà không màng đến chuyện máu mủ ruột rà. Bởi thế mà Sài Gòn có lắm những “Lục Vân Tiên” thời hiện đại, cứ hễ thấy người gặp khó khăn là họ giúp đỡ, thấy chuyện bất bình là ra tay tương trợ. Dù có đôi lần “làm ơn mắc oán” nhưng có sao đâu, bởi cái tính hiệp nghĩa nó đã thấm nhuần vào xương máu.
“Cầm đi, đừng ngại!”, “Bữa nào ghé trả cũng được”, “Nhiêu đây mà nhằm nhò gì!”, “Ơn nghĩa gì mợi”, “Theo tui, tui dẫn đi”, “Hổng có chi”… là câu nói cửa miệng của anh em trong gia đình.
Rồi những đứa con mẹ nuôi ngày một khôn lớn, có đứa chọn ở lại cùng mẹ, có đứa lại quay về với mẹ ruột của mình. Mẹ thương nhưng không cản, mẹ để cho con được toàn quyền quyết định tương lai và cuộc đời mình.
Cuộc đời của người mẹ Sài Gòn đã chứng kiến biết bao cuộc tiễn đưa. Ngậm ngùi tiễn đứa này đi thì lại vui mừng đón nhận những đứa khác mới đến. Mà đứa mới đến lúc nào cũng nhiều gấp mấy lần đứa ra đi, thì mẹ có gì phải buồn lòng?.
3/8/2021
Nguyễn Minh Ngọc Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ,...