Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Đàn ông vô dụng

Đàn ông vô dụng

Tôi có bốn con, ba trai một gái, chúng đều đang trong tuổi lớn, ăn như hùm beo, nghịch như phá, bày bừa không thể tả được, suốt ngày suốt đêm chẳng cho tôi ăn ngon ngủ yên và làm đầu óc tôi căng thẳng đến điên lên dược. Chúng bắt buộc tôi phải la hét càng ngày càng to… (Chồng tôi thường nói để chúng la cho nở phổi, nhưng phổi đến tuổi tôi có lẽ không cần nở thêm, nhưng nếu không hét to hơn chúng nó thì làm thế nào để chúng «nghe» thấy tôi mắng khi chúng đang cãi nhau?)… Và tập luyện tay chân cho bắp thịt thêm nở nang chắc chắn. (Bắp thịt tay nở vì đập vào mông chúng quá nhiều, kinh nghiệm cho tôi biết có lẽ không cái gì rắn và bền bằng mông trẻ con, tha hồ dập mông chúng vẫn tròn và dày như thường). Tuy vậy tất cả những sự phá hoại hoặc rắc rối buồn phiền do bốn đứa con tôi gây ra cộng cả lại cũng không bằng được… chồng tôi.
Sáng nay vừa đi chợ về dẫm phải vỏ chuối vứt ngay dưới đất suýt ngã, tôi biết ngay là không phải mấy đứa con tôi vất ra (Vì nải chuối mua hôm qua tôi đã dấu trong cái va-li quần áo cũ trên nóc trán cao tít làm sao chúng với tới được) mà cái người độc nhất đủ óc thông minh và chiều cao, tìm ra được chỉ có thể là «ông chủ gia đình» – chồng tôi. Sau đó khi nghe thấy trong phòng ngủ những tiếng huỳnh huỵch như cả một trăm người giã giò cùng một lúc và tiếng cười tiếng rú của mấy đứa con trai tôi, tôi vội để làn thức ăn xuống lấy sức để hét một tiếng, vì tôi đoán hiện giờ chúng đang dùng cái giường nệm trắng tinh của vợ chồng tôi làm bãi chiến trường hay võ trường gì đó; thì tôi chợt giật mình vì nghe thấy lẫn trong những tiếng la hét say sưa của chiến trận vang lên tiếng chồng tôi lớn hơn tất cả:« Đánh khỏe vào! Thắng trận đã về ta» và rồi chồng tôi đầu tóc bù rối tay cầm một chiếc gối vừa khoa tít lên vừa lùi ra khỏi phòng. Tôi chỉ còn biết dơ hai tay lên trời và thở dài. (Các bạn có nghĩ ra cách đối xử nào hay hơn là thở dài xin bảo tôi, chẳng nhẽ tôi lại phải dùng cánh tay tôi để thử mông chồng tôi rắn đến bực nào so với mông các con tôi hay sao?)
Trông thấy tôi, chàng vội ngừng tay, dấu cái gối ra sau lưng (chàng tưởng tôi cận thị như chàng và không nhìn gì hết) và cười hỏi:
– Em đi chợ về rồi đấy ư?
Tôi suýt phì cười nhưng vẫn phải giữ mặt nghiêm vì lúc đó ba đứa con trai của chúng tôi, địch quân của chàng, xuất hiện kèm theo cả một cô nữ cứu thương tí hon, con gái út của tôi. Chồng tôi vội nói dối (chàng nói dối còn kém mấy đứa con của chúng tôi rất xa):
– Ở dưới gầm giường có con chuột, anh săn mãi không được.
Trưa hôm đó chàng phải thân hành mang khăn trải giường và bao gối ra hiệu giặt để chuộc lỗi, tôi mới chịu cho chàng và địch quân của chàng ăn cơm.
Không những chỉ phá hoại và đầu têu cho các con phá hoại, chàng còn thi với chúng bày bừa để tôi có việc… dọn dẹp. Có lẽ vì chàng lớn đầu hơn nên trong cuộc «thi bày bừa» với chúng, chàng bao giờ cũng thắng.
Chàng rất thích đọc báo và tốn rất nhiều tiền mua đủ các loại. Chàng ham đọc đến nỗi có thể đọc bất cứ lúc nào và ở đâu. Một ngày tôi chỉ trông thấy mặt chàng mấy lượt là cùng, còn thì hễ thấy chàng là thấy một tờ báo nào đó che mất nửa người trên của chàng. Chàng vừa đi vừa đọc, vừa ăn vừa đọc, nằm dài trên giường mà đọc, ngồi xuống đất đọc, nằm bò ra đất châu đầu với mấy đứa con đọc chung một tờ báo, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chàng ngồi ngay ngắn ở bàn đọc báo như bao ông chồng đứng đắn khác. Tuy những kiểu đọc báo kỳ quặc của chàng có làm phiền cho tôi đôi chút cũng không sao, nếu chàng ngăn nắp và trật tự một chút. Dù chàng có vừa cầm tờ báo trước mặt vừa lừng lững đi đâm cả vào tôi đang bưng bát canh nóng, hoặc vấp phải mấy đứa con đang nằm bò dưới đất và ngã bổ chửng, điều đó cũng không quan hệ. Dù khi ăn cơm, tôi thỉnh thoảng lại phải lấy tay đẩy tờ báo sang một bên xem mặt chàng có nhọ hay không, sáng chàng có nhớ cạo râu không, đầu tóc đã dài chưa hoặc chỉ cốt nhìn mặt chàng để đỡ nhớ, thì cũng chỉ là những chuyện phụ. Nhung có một điều không bao giờ tôi chịu nỗi là cái tật chàng thích tháo rời tờ báo ra làm nhiều mảnh và phân phát cho cả nhà, các con tôi phần tranh ảnh, tôi phần phụ nữ, v.v… và rồi vứt mỗi nơi một tờ. Khi dọn dẹp thật khổ. Có lần tôi muốn tìm đọc một số báo có mấy truyện tôi ưa thích, tôi phải mất cả một buổi sáng để thâu góp những «mảnh tư tưởng» (như chàng thường nói) tan tác ra bốn phương trời. Trước nhất bìa tờ báo thì... dán trên tường (vì có ảnh một nữ tài tử rất xinh), một tờ khác ở dưới gối, một tờ khác ở gần gầm giường, một tờ ở ngoài sân dưới gốc cây (chàng hay ra đây mơ màng) một phần tư mắc trên ngọn cây (các bạn đừng tưởng lầm chồng tôi trèo cao đến thế, thực ra một phần tư do các con tôi gấp tàu bay ném bay lên đó), một tờ chắc bây giờ đang «chạy»  ở ngoài phố (tờ đó chồng tôi nhét vào túi trước khi ra phố vì có một bài rất hay về «Những nỗi đau khổ của người đọc». Chắc «Người đọc» đó là chồng tôi), còn vài tờ khác ở một chỗ mà... tôi khộng tiện nói ra ở đây.
Tôi trách chàng không ngăn nắp chàng cười hỏi:
– Thế đàn bà để làm gì?
Tôi hỏi lại:
– Tại sao anh không trả lời thẳng vào vấn đề. Ngăn nắp dính dáng gì đến đàn bà?
– Em thật không khoa học tí nào. Nếu đàn ông ngăn nắp thì không cần đàn bà dọn dẹp. Nếu không sinh ra để dọn dẹp thì đàn bà dùng để làm gì?
Lý luận chàng khoa học đến thế cãi làm sao cho lại.
Được một cái là tuy rất có tài phá hoại và bày bừa nhưng bù lại chàng rất yêu vợ và lúc nào cũng hăng hái giúp đỡ tôi trông nom con cái (một điều tai hại) dọn dẹp nhà cửa (hai điều tai hại) và làm bếp hoặc khâu vá (một đại họa).
Một buổi sáng chủ nhật, khi chàng vẫn còn đang nằm bò dưới đất vừa xem báo vừa tập thể thao thì đến giờ tôi quét nhà. Bảo chàng mấy bận chàng vẫn ngồi ỳ ở chỗ cũ tôi bực mình đưa chàng cái chổi:
– Anh quét nhà một hôm xem có nổi không? Chỉ bày là giỏi.
Chàng đứng dậy mắt vẫn không rời khỏi tờ báo cầm lấy chổi và bắt đầu… quét.
Tôi để mặc chàng làm việc và xuống bếp sửa soạn cơm trưa. Sau mười lăm phút tôi lên nhà trên đã thấy chàng ôm chổi nằm dưới đất đọc truyện. Đến cạnh chàng, chàng lơ đãng bảo tôi:
– Anh quét xong rồi! Còn việc gì nữa không?
Xong rồi! Tôi không thể tin lời chàng vì mọi khi nếu chàng bắt đầu quét nhà sáng chủ nnật thì công việc đó sẽ kéo dài đến chủ nhật sau cũng vẫn còn dở dang, vì khi chàng quét xong phòng ngoài thì con chúng tôi đã bày bừa ở phòng trong, và khi quét lại phòng trong thì phòng ngoài rác đã ngập lên v.v…
Quả thật phòng đã sạch rác nhưng lúc tôi xem đến gầm giường gầm tủ thì tôi hiểu hết: bao nhiêu rác chàng đều quét vào những chỗ… mọi người không trông thấy. Hỏi, chàng ngây thơ đáp:
– Làm quái gì cái vặt ấy. Ai đến chơi có điên gì mà nhòm đến gầm giường gầm tủ. Em câu nệ lắm! Một bức tranh đẹp dù ở đằng sau có nhện chăng, cái đẹp đâu có giảm đi. Em chẳng hạn, em có cái thân hình đẹp thế kia nhưng trong cơ thể em toàn những ruột, mỡ, gan, mề…
Tôi phải kêu lên chàng mới chịu im cái luận điệu kỳ quái ấy đi.
Một hôm người giúp việc về quê vắng, chàng đứng ngắm tôi ngồi rửa bát rồi nghiêm trang bảo tôi:
– Em rửa bát kiểu cổ điển này vừa chậm vừa hại sức khỏe. Ngồi nhiều quá đường xương sống bị cong lại có thể bị đau lá lách. Tay em, da sẽ sần sùi vì nhúng vào nước nóng có mỡ v.v…
Nghe chàng nói tôi cũng đâm sợ. Tôi hỏi theo ý chàng phải làm cách nào. Chàng bắt tôi phải rửa bát lại một lần nữa để chàng nghiên cứu những cử động của tôi. Chàng lấy mấy cuốn sách hóa học ra và viết những công thức ngoằn ngoèo lên giấy.  Đến chiều khi ăn cơm xong chàng để vào chậu rửa bát một gói thuốc kỳ dị chàng đã mất công pha suốt buổi trưa, đoạn chàng lấy hai cái cặp đầu bọc cao su để cặp bát đĩa mà rửa bát mà không phải thò tay cầm lấy bát hoặc nhúng tay vào nước.
Bữa cơm trưa hôm sau chúng tôi phải ăn cơm hiệu vì sau cuộc thí nghiệm «Rửa bát theo khoa học» của chàng, chàng đã đập vỡ gần hết bát đĩa trong nhà, còn cái nào không vỡ thì lại bị dính cái thứ thuốc quái gở mà chàng bảo «để tẩy những chất mỡ» thứ thuốc tẩy đó đã dính vào thì «tẩy» thế nào cũng không đi.
Chàng rất thích xuống bếp giúp tôi. Nghệ thuật làm bếp của của chàng thì chỉ có: rán, nướng và nếm. Chàng có thể rán lạp xưởng, rán khoai, trứng, và… rán mỡ. Nướng thì chàng có thể nướng bất cứ cái gì nướng được: nướng khoai, nướng ngô, nướng mực v.v... Nhưng món chàng sở trường là nếm. Bất cứ món gì tôi có thể nghĩ làm ra được là chàng nếm được (thật là một tài năng hiếm có) không những chàng tự đặt tên là «chuyên viên nếm ngoại hạng» và nếu cần chàng có thể gọi thêm mấy đứa con trai xuống phụ việc chàng và tôi. Các bạn cử tưởng tượng có liền một lúc bốn, năm chuyên viên «nếm» nghệ thuật cao đến thế thì món gì mà chẳng hết bay (xin chú thích là phần nhiều tôi để những chuyên viên này… thất nghiệp và tuy chàng lấy luật lao động ra dọa, tôi cũng không chịu mướn quá một chuyên viên nếm trong một ngày).
Chàng còn giúp tôi trông nom và dậy dỗ con cái. Có lần chàng và tôi đang ngồi nói chuyện ở trong nhà thì hai đứa con trai của chúng tôi không biết tranh nhau cái gì đánh nhau huỳnh huỵch ở ngoài sân. Tôi vội bảo chàng ra can. Chàng ra sân đã năm phút mà tôi vẫn nghe thấy chúng vật nhau có vẻ lại hăng hái hơn. Thò đầu ra tôi thấy chồng tôi đang ngồi điềm nhiên xem… chúng vật nhau dưới đất và còn khuyến khích thêm:
– A à!  Cố lên, thằng Uy sắp được rồi, thằng Hùng ngu quá lấy chân mà khoèo, thế!…
Tôi chạy đến lôi chúng dậy đét cho mỗi đứa một trận và bắt mỗi đứa đứng một góc phòng. Sau đó chàng lại còn dám chê tôi:
– Em cổ lắm! Giáo dục kiểu em chỉ làm chúng nhát như cáy. Cho chúng nó đánh nhau để gây tinh thần quả cảm, khỏe chân tay lại còn bạo dạn. Sau này ra đời không ai bắt nạt được.
Tôi gắt:
– Thế ai giặt quần áo bẩn cho chúng nó, ai vá khâu những quần áo rách nếu anh cứ để chúng đánh nhau như thế!
Chàng nhún vai:
– Muốn luyện tinh thần con cái em lại còn giở đến những chuyện vặt vãnh đó thì thật là em ngu.
Một lúc sau cũng hai đứa đó đánh nhau và dùng sách vở ở bàn giấy của chàng làm khí giới ném nhau. Chàng tức lắm nhưng thấy tôi đứng ngắm chàng và mủm mỉm cựời, chàng không đám can chúng.
Khi đứa con trai thứ ba của chúng tôi lên năm, chàng nhất định đảm nhiệm công việc dạy ABC cho nó. Mấy đứa trước tôi đều dạy nhưng lần này chàng tranh lấy và lý luận:
– Người mẹ không thể là một thầy giáo tốt vì không đủ nghị lực, óc khoa học, sự cứng rắn trong khi thưởng phạt và sau này đứa trẻ lớn lên tinh thần suy luận của nó có thể bị lệch lạc, «méo mó». Cần phải có một sự «phối chỉnh chặt chẽ!» những phương tiện giáo dục v.v…
Thấy chàng dùng đến những danh từ giáo dục bí hiểm đến thế tôi chịu thua ngay vì sợ phải uống Aspirine sau khi nghe chàng giảng thuyết. Tôi tò mò đợi xem chàng dạy bé Ly ra làm sao.
Chàng mất một tuần để đọc và tra cứu những cuốn sách giáo dục ngoại quốc dầy cộm chàng mượn, hoặc mới mua về hoặc lục ở tủ ra. Chàng bắt tôi pha cà-phê cho chàng uống, mua các thứ hoa quả như chuối, cam để tẩm bổ cho đầu óc chàng minh mẫn.  Đọc nhiều mắt đỏ lên chàng than thở với tôi:
– Công việc giáo dục thật nặng nhọc. Nhưng bổn phận là bổn phận. Anh chỉ có dịp này để tỏ ra là một người cha kiểu mẫu.
Chàng làm mấy cái bảng đề những giòng chữ như: «vui vẻ khi làm việc» «Kiên nhẫn: yếu tố thiết yếu để thành công» v,v… và treo đầy lên tường. Tôi ngạc nhiên hỏi chàng:
– Anh làm những bảng này làm gì? Bé Ly đâu có biết đọc.
– Em không thông minh chút nào, những bảng đó cốt để nhắc nhở anh những đường lối giáo dục và những phương châm anh phải theo.
Tôi chờ mãi mà không thấy chàng bắt tay vào việc mà cứ nghiên cứu hoài. Hỏi, chàng đáp trên thế giới hiện nay nhiều phương pháp giáo dục quá, nhưng phương pháp nào cũng có điểm hay điềm dở nên chàng phải tham khảo để xây dựng một phương pháp mới và thích hợp.
Hiện giờ bé Ly đã đọc xong quốc ngữ từ lâu (do tôi dạy) còn chàng thì vẫn chưa nghĩ ra đầy đủ những nguyên tắc của «một phương pháp giáo dục mới». Có lẽ khi bé Ly lấy vợ đẻ con rồi, chồng tôi mới đem áp dụng phương pháp đó để dạy… cháu nội và mới có dịp tỏ ra là một người «ông kiểu mẫu».
Thỉnh thoảng tôi nhờ chàng đi mua bán hộ những thứ lặt vặt. Chàng rất đãng trí và hay quên. Có lần tôi nhờ chàng ra hiệu thuốc mua một gói bông. Lúc về chàng mang theo một lô những hộp thuốc và khoe:
– Đây nhé anh mua hộp Vitamine… này cho em uống để bổ máu, hai hộp Aspirine để anh uống, ba hộp Quinine để phòng hờ, còn đây là thứ thuốc tiêm Mỹ rất mới mà họ quảng cáo trên báo, nên tiêm cho các con cho xương chúng cứng rắn và chóng lớn v.v…
Tôi hỏi:
– Thế bông đâu?
Chàng ngơ ngác:
– Bông nào?
Mấy hôm liền, trước khi chàng đi làm, tôi đều nhắc mua bông và dĩ nhiên chàng vẫn quên như thường. Đến hôm chàng nhớ ra mang năm hộp bông về thì tôi cũng vừa rảnh rang ra phố mua liền sáu hộp. Đến nay bông chúng tôi dùng cũng vẫn chưa hết.
Tuy vậy chồng tôi không phải hoàn toàn vô dụng, có nhiều việc nếu không có chàng thì thật nguy cho tôi và tôi tin rằng lấy chồng có lẽ cốt để nhờ có từng ấy việc. Mỗi khi tôi hét lên như nhà sắp cháy hoặc đổ sụp vì gặp những con vật nhỏ bé mà bất cứ người đàn bà nào cũng sợ như: sâu róm, dán, chuột, thạch sùng, thì chồng tôi chạy ngay đến đuổi hoặc giết chúng đi một cách thản nhiên. Thảo nào người ta thường bảo đàn ông can đảm và giết chóc không chùn tay.
Nhưng có lần, sau khi tôi và chàng cãi nhau một trận, tôi bực mình ra đi-văng ở phòng khách ngủ với nỗi giận của tôi chứ không chịu nằm với chồng thì bỗng thằng con đầu lòng của tôi lon ton chạy ra tay cầm đuôi một con chuột mới đẻ đỏ hỏn mà bảo tôi:
– Me! Ba bảo mang con chuột này ra cho me.
Tôi nhỏm ngay dậy và hét lên bắt nó vứt ngay con vật đáng sợ đó ra ngoài sân nhưng con tôi chắc được chồng tôi dặn dò cẩn thận nên cứ nhất định vâng lời bố nó triệt để và cứ dí con chuột vào người tôi.
Tôi phải chạy vào đánh thức chàng dậy (tôi biết chàng vờ ngủ) và điều đình mãi chàng mới chịu tha cho tôi. Dĩ nhiên là tôi không dám ngủ ở nhà ngoài vì chàng dọa có một đàn chuột mới đẻ ở đi-văng.
Đàn ông tuy vô dụng nhưng họ cũng không ngu như chúng ta tưởng.
Duy Lam
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...