Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Vực thẳm

Vực thẳm

Tân đẩy khẽ cửa bước vào. Trong nhà hoàn toàn yên lặng. Xa xa trước mặt khung sáng mơ hồ của chiếc cửa sổ mở ra sân là khoảng sáng độc nhất. Một làn không khí lành lạnh trùm lên thân hình chàng. Một cảm giác quen biết khô và ráo như một tấm áo vừa lấy ở tủ ra để mặc vào đầu mùa rét, thấm vào da thịt Tân. Chân tay chàng mệt mỏi rời rã. Khoa tay chàng tìm chiếc ghế bành để ngã người xuống, khoan khoái gác hai chân lên bàn và chắp hai tay trước ngực. Chàng muốn ngồi như thế này mãi không bao giờ phải đứng dậy. Đầu óc và thân thể vô tri như một xác chết.
Chàng thiu thiu ngủ, hình như có một đôi mắt đen long lanh nhìn chàng, chăm chú. Tân rơi vào một thế giới lặng lẽ, sâu thẳm và hãi hùng:
“Chàng đang ngồi trên một chiếc ghế. Trong phòng đầy người quen thuộc. Me chàng, ba chàng, Lan, bạn hữu chàng và bao nhiêu người mà Tân biết là họ quen chàng nhưng không nhận ra họ là ai, Họ đang nói chuyện với nhau, cãi nhau. Không biết bao loại âm thanh xáo trộn: tiếng cười ha hả, tiếng la hét giận dữ, tiếng trẻ con, tiếng khóc rền rĩ, tiếng những bàn tay xoa vào nhau khúm núm bần tiện. Tai chàng gần như điếc dưới ảnh hưởng của không khí chuyển động, chàng ngắm mọi người và tuy cố gắng nghe, nhưng không hiểu họ đang nói gì, vì những âm thanh họ tạo ra vụt biến, vụt hiện, khiến chàng choáng váng.
“Rồi Tân ngơ ngác nhận thấy cảnh vật và mọi người mờ dần đi và chìm lẫn vào một bức màn xám sẫm  giống thời gian lúc gần tối. Đã một lúc tất cả biến mất không còn gì trước mắt chàng, dưới chàng và chung quanh chàng. Chàng không nghe thấy gì hết, dù một tiếng động khẽ như lá rơi, nhẹ như hơi thở. Chàng thấy lạnh ghê gớm, lạnh từ trong cơ thể chàng toát ra, từ trong xương trong óc, mạnh mẽ và tê liệt như nọc độc của một con rắn, cắn vào trong thịt chàng như những thanh nứa sắc. Tân run lên, mắt mở trừng trừng nhìn vào khoảng không. Chàng sắp chết chăng? Chàng muốn kêu lên, hét lên. Im lặng bóp nghẹt cổ họng chàng, chàng gần như không thở nổi. Đoạn chàng nghe thấy tiếng thét của chính chàng chưa bùng ra được, lồng lộng trong người chàng cố tìm lối thoát. Chàng gắng hơn một chút nữa, một chút nữa. Chàng sắp kiệt lực thì may thay lồng ngực chàng vỡ ra. Tiếng thét tung ra rung chuyển không khí và người chàng được giải thoát ”.
Tân hốt hoảng nhỏm dậy. Chàng vừa nằm mơ. Giấc mơ tai hại, ác độc và ám ảnh. Chàng đã đọc nhiều sách về ý nghĩa của giấc mộng. Đọc chỉ để mà biết, còn giấc mơ của chàng hoàn toàn là của chàng. Không ai hiểu nổi chàng sợ hãi và ghê tởm giấc mơ đó đến thế nào. Nếu ai chế nhạo chàng và không tin là trong giấc mơ người ta có thể sợ gấp trăm ngàn lần người đời thực, Tân sẽ nhìn người đó mắt đầy oán ghét.
Từ khi ba chàng chết đến nay hễ khi nào chàng nghĩ ngợi và ôn lại những kỷ niệm đen tối của dĩ vãng quá nhiều, giấc mơ hãi hùng đó lại trở lại và tuy hình thức có đôi chút đổi thay, nhưng nỗi sợ hãi chàng cảm thấy trong giấc mơ vẫn không kém độ mãnh liệt.
Những kỷ niệm đen tối và cái chết của ba chàng bao giờ cũng đi liền với nhau. Nếu trong tâm hồn chàng quá khứ có thể xa lắc xa lơ, chàng liên lạc với hiện tại, đẹp và nên thơ như một chuyện thần tiên, giấc mơ không chắc đã xảy đến cho chàng và gần như thuộc vào cuộc đời của một người khác ; chàng chắc đã có thể sống êm ả và sung sướng biết bao.
Nhưng, chàng giống như một đứa bé bị xô vào một phòng tối. Dù nhắm mắt thật kỹ nó cũng biết rõ ràng và chắc chắn là khi mở mắt bóng tối sẽ đập mạnh vào mắt nó. Nhiều khi Tân chẳng muốn dùng sự chế nhạo mình làm một khí giới để làm dịu nỗi đau khổ. Càng cố cười Tân càng thấy tiếng cười của chàng lạc lõng vô ích và có khi làm chàng ghê tởm lòng giả dối và hèn nhát của chàng.
Tân ôm đầu nghĩ ngợi miên man.
Khi ông Yên bắt đầu ốm (ông Yên là ba Tân) trong gia đình không ai để ý. Người đầu tiên nhận ra là Lan. Một buổi tối Lan và Tân cùng ngồi đọc sách với ông Yên trong phòng khách. Tình cờ Lan thấy ông ôm lấy đầu thở nặng nhọc, nàng bảo khẽ anh:
– Anh ạ! Sao dạo này ba xanh thế và gầy hẳn đi. Hình như ba ốm. Không biết ba đã đi khám bác-sĩ chưa?
Tân lặng thinh. Chàng cũng nhận thấy ông Yên đổi khác rất nhiều. Thường lệ đã ít nói, dạo này ông lại càng trầm ngâm lặng lẽ hơn. Có khi ông ngồi hàng mấy giờ đồng hồ tiền, mắt nhìn thẳng trước mặt, vừng trán nhăn lại, ánh mắt đen tối kỳ dị. Ông vẫn giữ những thói quen cũ. Đi chơi tối một mình và về nhà rất khuya.
Từ dạo Tân và Lan lớn lên ông không dẫn anh em chàng đi chơi cùng nữa. Hồi chàng mới 7, 8 tuổi, mỗi khi đến thăm một “người bạn gái” ba chàng đều dẫn chàng đi. Mẹ Tân tuy biết hai người đi đâu, nhưng cũng không can ngăn. Thú thật đi chơi với ba, Tân không vui vẻ và giải trí chút nào, nhưng chàng vẫn thích. Điều khó là phải theo sát ba chàng khi đi ngoài phố. Mấy lần Tân suýt lạc, vì ba chàng hầu như quên mất có dắt theo một đứa con trai.
Thú vị nhất là lúc trở về, hiếm khi ba chàng về nhà trước 11 giờ đêm. Những đêm mùa đông gió thổi dữ dội, Tân quần áo đầy người, cổ quấn phu-la như một người lớn và đi bộ trên hè phố cạnh ba chàng. Khuôn mặt ông Yên lạnh như một pho tượng. Hai cha con chẳng nói với nhau một câu nào. Cứ như thế hai người đi dọc theo phố Q.T. Cúng có khi Tân nắm tay ba chàng, một bàn tay lạnh như đá.
Ba chàng ốm, me Tân cũng bớt vui vẻ và không hay cười như trước. Lan cho Tân biết là nàng bắt gặp bà thở dài luôn, nhưng nếu nàng gặn hỏi, bà không chịu trả lời rõ ràng, bối rối và lúng túng như một đứa trẻ.
Tân cũng biết là càng nhớn lên chàng càng xa mẹ. Lúc nhỏ chàng còn là một đứa trẻ cần đến sự săn sóc của mẹ, bà Yên còn cảm thấy gần gũi  con một phần nào. Thời gian trôi và dần dần Tân tách hẳn khỏi vùng ảnh hưởng của mẹ. Bà Yên chỉ biết lo ai vô cớ. Lòng thương yêu đã là sợi giây liên lạc độc nhất giữa bà và con trai. Bây giờ Tân đến tuổi không cần đến tình yêu đó như trước. Tân gặp nhiều vấn đề phải giải quyết. Chàng không có thời giờ vun xới bồi đắp để nguồn tình cảm đó nẩy nở thêm. Chàng để mặc mẹ chàng săn sóc minh.
Lan và bà Yên bắt đầu lo lắng về sức khỏe của ông Yên. Trong bữa cơm hễ thấy chồng hờ hững gắp các món ăn là bà lại lo ngại nhìn Lan. Người đàn bà này rất đa cảm và giầu óc tưởng tượng. Nhiều khi bà lo lắng không đúng chỗ và làm người khác bực mình. Bà nhiều lần định khuyên chồng phải tẩm bổ hơn, nhưng lời nói của bà không thoát khỏi miệng khiến nhiều lúc bà bỡ ngỡ trông rất thương hại.
Một buổi sáng, ba và mẹ Tân uống trà ở phòng khách. Tân vừa ở trên gác xuống mới đến nửa cầu thang thì thoáng nghe được câu chuyện giữa hai người.
Me chàng nhỏ nhẻ van lơn:
– Anh nên đi khám bác-sĩ. Em chắc anh ốm…
Ba Tân nóng nảy ngẳt lời:
– Ốm! Ai ốm? Em chỉ lo lắng vô ích. Sao em không để anh yên.
– Em… Nhưng em vẫn lo…
Giọng bà yếu ớt rồi tắt hẳn. Chắc bà không cưỡng nổi ánh mắt giận dữ của chồng. Bà đứng dậy lên gác. Gặp Tân bà định nói gì nhưng lại thôi và rụt rè đặt tay lên trán con trai. Tân tự nhiên cảm thấy hối hận. Chàng dịu dàng nhìn mẹ. Không lẽ chàng lại là một nỗi lo lắng nữa cho mẹ?
Tân ngồi cùng với ba chàng ở phòng khách được một lúc thì Lan xuống. Dáng đi cả quyết, khuôn mặt nghiêm trang và tai hơi hồng, Lan ngồi gần ông Yên. Nàng ngồi trước mặt ông và rót thêm nước vào tách. Ông Yên lơ đãng nhìn con gái. Một phút trôi qua, Lan lên tiếng giọng săn đón:
– Ba đêm qua có ngủ được không?
Ông Yên gật khẽ đầu.
– Con lấy thuốc ba uống nhé?
– Uống thuốc?
Giọng ông trầm như từ một thế giới khác đưa lại. Tân chợt rùng mình.
Ông Yên nhắc lại như chưa hiểu ý nghĩa câu hỏi của Lan:
– Uống thuốc! Ai uống thuốc? Tại sao?
Khuôn mặt ông căng thẳng, những nét cong như những sợi dây sắp đứt. Lan hơi nghiêng đầu đoạn đặt tay lên vai ông Yên, nàng nhẹ nhàng nói:
– Người ba nóng quá!
Nàng quay người ra phía tủ lấy thuốc và một cốc nước mang lại. Ông Yên ngạc nhiên nhìn Lan. Lan mỉm cười đưa cốc vào tận tay ông. Dáng suy nghĩ, ông lơ đãng đưa cốc lên miệng uống một hơi. Đặt cốc xuống bàn, ông Yên cau có nhìn chỗ nước còn lại bên trong cốc, vẫn những cặn trắng của thuốc chưa tan hết.
Lan quay đi. Ba Tân chăm chú nhìn theo Lan. Tân có cảm tưởng lần đầu tiên ông “nhìn thấy” con gái. Ông Yên gọi Lan, giọng êm dịu và âu yếm:
– Lan! Lại đây ba bảo.
Lan chiều theo ý, đến cạnh ông.. Hai tay Lan để thõng lên sườn, mệt mỏi. Nàng hỏi ông, giọng chịu đựng như nói với một người ốm:
– Cái gì thế ba?
Ông Yên không trả lời, ngắm Lan rất lâu. Lan vẫn bình tĩnh lại tỏ vẻ thú vị là đằng khác. Lan đưa một tay lên, ngón hơi cong, vuốt mấy làn tóc xõa xuống trán. Bất chợt tự nhiên ông Yên quay mặt đi, giọng khàn và lạc hẳn đi:
– Thôi!…Lan ra chỗ khác đi…. Để ba yên….
Lan nhẹ nhàng xuống bếp. Ông Yên nhìn theo nàng và Tân nghe thấy ông lầm bầm một câu bằng tiếng Pháp:
– Qu’elle est belle!…
Khuôn mặt ông sáng lên như một người đang ôn lại một kỷ niệm cũ rất đẹp.
Sau buổi sáng mẹ chàng khuyên ba chàng khám bác sĩ mà ba chàng không chịu, thời gian tiếp tục trôi. Trong gia đình Tân cuộc sống chậm hẳn lại. Mọi người đều nóng nảy bứt rứt chỉ đợi một sự không may, một tai họa sắp xảy đến. Ba Tân tự nhiên bẵng đi mấy hôm không thấy về nhà. Me chàng thường lệ vui vẻ và tưởng chừng trên đời không có gì có thể tạo một ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn giản dị của bà, cũng bắt đầu sợ hãi lo âu. Bà không nói ra, suốt ngày đi ra đi vào. Bà rất mong chồng về.
Ba Tân vắng nhà đã được bốn hôm. Tối hôm thứ năm, Tân đang ngồi đọc sách một mình ở phòng khách, me chàng ở trên gác xuống đến cạnh chàng. Tân không ngửng đầu lên. Me chàng bước nhẹ như một chiếc bóng vì sợ làm rộn chàng. Bà đến ngồi trước mặt Tân, hai tay chắp vào nhau. Đã lâu lắm chàng và me chàng không cùng nói chuyện về một vấn đề nghiêm trang. Tân chợt nghe thấy me chàng thở dài. Tân cảm thấy giận dữ không  đâu. Me chàng thở dài. Thế giới chắc phải đổi khác nhiều lắm mới khiến bà buồn bã. Nếu chàng phải hy sinh một cái gì quý giá nhất của chàng để me chàng trở lại vui vẻ như trước chắc chàng hy sinh ngay không do dự. Tân không muốn bà sợ hãi và lo lắng vì ba chàng và chính chàng. Tân muốn bà sống mãi mãi trong thế giới trong sáng của bà. Không! Me chàng không thể thay đổi được.
Bà Yên gọi Tân:
– Tân!
Tiếng gọi khẽ nhưng khiến tim chàng thắt lại. Chàng trả lời:
– Me bảo gì?
Bà ngập ngừng, đôi mắt mở to đầy những ám ảnh đen tối:
– Me… Me lo cho ba quá!
Rồi bà nói liên tiếp không dám ngừng, vì sợ một khi ngừng bà sẽ không có can đảm tiếp tục. Bà không thể giữ mối lo âu trong tâm hồn, bà phải kể cho một người khác nghe. Sau đó mới bình tĩnh và trở lại tình trạng cân bằng như cũ.
– Me không muốn kể ra làm gì, nhưng dạo này ba đâm ra kỳ lạ quá sức. Giá thỉnh thoảng ba giận dữ với me thì lại không sao. Đằng này ba cứ lầm lầm lì lì. Mỗi tối trước khi đi ngủ ba đi đi lại lại trong phòng làm me hết cả hồn vía. Trước me không mấy khi nằm mê, hoặc có thì toàn là những giấc mơ đẹp (giọng bà nhớ tiếc và mắt sáng lên khi nhắc tới những giấc mơ đẹp). Bây giờ đêm nào me cũng mê hoảng, sợ chết đi thế này. Có khi nửa đêm me thức giấc tưởng ba ngủ say, nhìn sang bên mới rõ ba nằm ngửa, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần… Me không dám hỏi ba đến một câu. Có đêm ba giơ hai tay trước mặt và tự nhiên mỉm cười (mắt bà mở to và tê dại). Trời ơi! Tại sao ba lại mỉm cười như thế? (Bà kéo ghế ngồi gần lại Tân hơn, bất giác chàng đặt tay mình lên tay mẹ, bà nhìn chàng, ngừng lại một chút). Từ dạo lấy ba, me không lưu ý đến đời sống riêng của ba. Kể, ba sống hơi kỳ quái nhưng me cho đó là tính nết ba. Ba không thay đổi và cũng không ai thay đổi được ba. Me không bao giờ căn vặn ba về bất cứ vấn đề gì. Con chẳng có lần nói me sống không cần đến ba. (Bà ngượng nghịu và hơi đỏ mặt, vì câu này Tân nói riêng cho Lan nghe, chắc Lan kể lại). Me để ba tự do làm gì mặc sức, không ghen tuông trách móc.. Me là đàn bà sao me hiểu được đàn ông sống ra sao? Miễn trong gia đình êm ấm là đủ me vui rồi…Me có bao giờ nghĩ sâu xa được đâu. Nghĩ một lúc me đã thấy nhức đầu. (Tân không ngắt lời mẹ, bàn tay bà ấm và nhỏ nằm gọn trong tay chàng. Chàng từ từ đưa tay bà lên áp vào má). Và trước đây ít lâu ba vẫn bình thường, tuy ít nói, nhưng khi hỏi ba còn trả lời. Trong tuần vừa qua me hỏi ba mấy câu liền ba cũng không lưu ý và hình như không nghe ra. Ba như ở cung giăng rơi xuống. Ba lại hay lẩm nhẩm trong miệng những câu nói quái gở và khó hiểu. Ba không chịu ăn uống càng ngày càng gầy càng xanh. Me khuyên ba đi khám bệnh ba chẳng chịu theo. Bây giờ…bây giờ me phải làm gì?
Bà ngừng lại, môi rung nhẹ. Chắc bà xúc động và không ngờ là chính mình lại phải đối diện với một vấn đề khó khăn và kinh hãi đến thế. Bà đặt một tay lên ngực. Nhìn hai hàng mi của me chàng khép lại thất vọng và bất lực. Tân không chịu nổi, ngực chàng nghẹn thở. Chàng không có quyền tiếp tục giữ một thái độ thụ động. Nhưng cũng như mẹ, Tân tự hỏi: “Chàng phải làm gì và thực ra chàng có thể làm được những gì? ”.
Chàng cố gắng giữ giọng nói bình tĩnh, an ủi mẹ:
– Me đừng lo! Ba ốm nên mới lạ như vậy. Con sẽ mời bác-sĩ đến khám cho ba là xong hết.
Đã lâu lắm bà Yên mới được nghe một câu nói thân mật của con trai. Bà ngước nhìn Tân mặt sáng hẳn lên. Bà nắm chặt tay con trong tay mình. Tân không cau mặt và cũng không giật tay về. Chàng nhìn mẹ hơi mỉm cười. Hai mẹ con ngồi yên lặng.
Buổi tối ngày thứ sáu ba Tân vắng nhà. Gia đình chàng tụ họp ở phòng khách. Me Tân ngồi khâu ở ghế cạnh chàng. Tay bà đưa lên đưa xuống. Sợi chỉ mong manh là một nét nối giữa khoảng đen thẫm của mái tóc bà và chiếc áo lụa màu vàng nhạt. Lan đương đan áo len, những ngón tay trắng nhỏ của nàng thoăn thoắt ẩn hiện trong mầu tím thẫm của len giống như những cặp chân của mấy cô bé vũ nữ. Thỉnh thoảng me Tân và Lan trao đổi một hai câu.
Tất cả đều có vẻ êm tĩnh và vững chắc, một sự vững chắc giả tạo có thể đồ sụp bất cứ lúc nào.
Cửa vào phòng bật mở. Như bị điện giật mọi người quay mặt về phía cửa. Ba Tân đã về. Ông đứng bất động, một tay còn để lên nắm đấm một tay thõng bên sườn. Tóc ông bù rối, cặp mắt sáng một ánh lửa kỳ dị. Ông cau có nhìn lần lượt mọi người trong gia đình.
Bỗng nhiên ông khoát tay, nhún vai, nét mặt trở lại lạnh lùng và lạnh nhạt. Ông đi qua phòng khách lên thẳng phòng riêng trên gác.
Bà Yên nhìn theo chồng, môi mấp máy như muốn gọi mà không dám. Đoạn bà quay lại phía các con như cầu cứu. Hai giọt nước mắt đã bắt đầu xuất hiện ở khoé mắt.
Lan tiến sau lưng mẹ quàng hai tay ôm sát mẹ vào người nàng. Bà Yên run run bảo con gái:
– Con lên hỏi ba có muốn ăn gì không?…Me…me…me sợ lắm!
Lan gật đầu lên gác và rồi xuống ngay lắc đầu nói nhỏ:
– Ba không ăn gì đầu me ạ! Con gõ cửa ba không mở mà chỉ ở trong nói vọng ra.
Sau bữa cơm, Tân, me chàng và Lan mỗi người ngồi một chỗ trong phòng khách. Bà Yên mang rổ khâu ra may nốt mấy cái áo. Thỉnh thoảng bà lại nghiêng đầu nhìn lên phía trên gác, nghe ngóng một chút, rồi lại thở dài. Trời bắt đầu nổi gió. Lá vàng rụng xào xạc, vài chiếc lượn qua cửa sổ lạc lõng bay trong không khí đoạn rơi xuống sân gạch. Gió thổi qua cành cây tạo lên những âm thanh dài và không dứt.
Ông ốm đã được hơn một tuần lễ. Từ hôm được bác-sĩ cho biết là ông Yên ho lao đến thời kỳ nặng và khó hy vọng chữa khỏi, bà Yên như người mất hồn.
Bà không kêu than, người như lặng đi và mê man dưới ảnh hưởng của những xúc động và kích thích quá mạnh. Lan phải luôn luôn chăm nom đến bà. Bà trở nên ít nói. Nhiều khi đang ngồi khâu bà chợt rùng mình dừng tay ngơ ngác. Lúc nào bà cũng muốn có Lan ở bên cạnh. Lan và Tân lo rằng không chừng trong nhà sẽ có đến hai người ốm một lúc.
Ông Yên nằm liệt trên giường, ông không muốn cho ai vào phòng, không hé răng nói chuyện với bất cứ người nào (kể cả Lan khi nàng vào săn sóc ông).
Buổi tối hôm thứ 10 hay 11 kể từ ngày ông Yên bắt đầu ốm, Lan và Tân vừa ăn cơm xong, cùng ngồi ở phòng khách. Bà Yên ở trên phòng người ốm và có lẽ đang bắt ép ông Yên ăn mấy thìa cháo. Lan đan nốt một chiếc áo dở dang.
Có tiếng gõ cửa khe khẽ. Lan ra mở. Trời bên ngoài tối nên Lan và Tân không nhận được người đến thăm là ai, chỉ biết đó là một người đàn bà. Người đàn bà bước hẳn vào phòng theo lời mời của Lan. Sau một phút ngạc nhiên, hai anh em nhận ra đó là cô Thủy. Tuy đã sáu bảy năm nay không gặp, nhung Tân và Lan sao quên nổi cô. Cô vẫn đẹp nhưng đó là một vẻ đẹp già dặn và buồn. Tóc cô vẫn dài và mượt và nhất là đôi mắt vẫn đen, nhưng Tân không còn nhận thấy những tia sáng rực rỡ đầy tự tin trong mắt cô như xưa, trái lại một ánh lo âu rụt rè đã chớm hiện. Thân hình cô (thân hình đã làm chàng xúc động khi chàng được cô bế và ôm sát vào người cô) vấn thon nhỏ. Giọng nói của cô đổi khác hẳn. Trước kia tự nhiên và dễ dàng bao nhiêu thời bây giờ ngượng ngập và lúng túng bấy nhiêu. Cô mặc một chiếc áo hàng len dài và trên vai quàng một chiếc khăn đen.
Cô Thủy là một trong những “người bạn gái” của ba chàng trước kia. Tân không hiểu từ dạo chàng lớn và không còn được gặp cô Thủy, ba chàng và cô còn liên lạc với nhau nữa hay không. Chàng đoán có lẽ là không. “Có lẽ” thôi vì làm sao mà biết được, ngoài khung cảnh gia đình ra, ông Yên sống ra sao.
Đứng ở giữa phòng trước mặt Lan và Tân, cô Thủy không biết cư xử ra sao. Cô lúng túng, môi hơi run và hai bàn tay cứng đờ đặt trên tà áo. Tóc cô long lanh mấy giọt nước mưa. Cô giống một thiếu nữ lạc đường, không biết nên theo ngả nào, ngây dại và băn khoăn.
Tân chợt đoán được một phần nào mục đích cô đến gia đình chàng. Từ trước đến nay chưa bao giờ cố dám bước chân đến đây. Chắc cô muốn gặp ba chàng vì nghe biết tin ba chàng ốm nặng. Tân im lặng nhìn cô, dịu dàng và khuyến khích. Chàng không muốn cản trở hoặc làm khó dễ nếu cô muốn gặp ba chàng. Lan cũng ngắm cô Thủy chăm chú. Tân không hiểu thái độ của em gái đối với một người bạn gái của ông Yên sẽ ra sao. Lan sẽ lạnh lùng tiếp cô và cho cô biết nàng sẽ không thể cho phép cô gặp mặt ông Yên? Vì cô Thủy dù sao cũng là một người tình địch của bà Yên?
Lan mời, giọng hơi có vẻ sai khiến:
– Mời cô ngồi xuống ghế đã.
Theo lời Lan, cô Thủy ngồi xuống ghế, hai tay để lên đùi, răng cắn môi dưới đã đỏ lên. Lan hỏi nhã nhặn:
– Cô đến có việc gì đấy ạ? Lâu lắm Lan không được gặp cô.
Mặt cô Thủy sáng hẳn lên. Nghe thấy Lan xưng hô bằng tên với cô như ngày trước, chắc cô hy vọng sẽ được nàng giúp đỡ. Cô nói nhỏ nhẻ, giọng khẽ đến nỗi Tân có cảm tưởng nếu chàng và Lan từ chối cô sẽ ngất đi vì thất vọng.
– Dạ! Tôi…muốn đến…Tôi muốn đến xin gặp…
Cô nghẹn ngào không tiếp nổi câu nói dở dang. Cô không biết gọi ông Yên bằng danh từ nào để khỏi phật lòng Lan và Tân và đến cách xưng hô với hai anh em cô cũng không biết gọi thế nào cho phải lẽ. Đoán được sự bối rối của cô Thủy, Lan đỡ lời:
– Cô muốn gặp ba chúng tôi phải không?
– Vâng! Nghe nói… ông nhà ốm nên tôi đến thăm.
Lan nhắc lại như tự nói với mình:
– Đến thăm?
Đôi mắt to như hai cánh lá đen thẫm của một loại cây kỳ dị, cô Thủy thu nhỏ người như một kẻ phạm nhân bị hành tội. Cô tưởng Lan cố ý nhắc lại hai chữ “đến thăm” để chế nhạo và mỉa mai cô. Lan im lặng suy nghĩ và một vẻ lưỡng lự hiện trên khuôn mặt nàng. Cả ba người đều im lặng. Cô Thủy mặt cúi gầm xuống, chớp chớp mi mắt và mãi khi hai hàng nước mắt giàn dụa chảy xuống má cô, Tân và Lan mới chợt nhận ra cô đang khóc. Cô khóc yên lặng không một tiếng nức nở, nước mắt chảy tưởng không bao giờ hết. Cô có vẻ xấu hổ và khổ sở vì khóc trước mặt hai anh em Tân và Lan.
Cô liều lĩnh, sự liều lĩnh của một người tuyệt vọng đến cực độ. Cô van xin và hạ mình không ngần ngừ xấu hổ:
– Anh và Lan tha lỗi cho tôi… Trời ơi! Tôi không dám làm phiền… Lan! Lan có giận tôi đến thế nào tôi cũng đành chịu nhưng…tôi chỉ tha thiết cầu xin một điều rất nhỏ nhặt… cho phép tôi nhìn mặt ông nhà một lần thôi…không? Tôi sẽ không nói chuyện và quấy rối ông nhà, chỉ xin nhìn mặt một lần cuối cùng mà thôi khi ông ngủ… Anh Tân! Anh đừng từ chối. Anh mà từ chối không khéo tôi chết mất…Chỉ một lần cuối cùng mà thôi!
Lan và Tân ngắm khuôn mặt xinh đẹp đầy nước mắt của cô Thủy. Tân thấy hai bàn tay em ghì chặt lấy thành ghế. Chàng có cảm tưởng nàng sẽ vùng đứng dậy ôm lấy cô Thủy.
Cô Thủy ngừng khóc. Cô lấy khăn tay lau những giọt nước mắt đọng trên gò má. Tuy Lan và Tân vẫn im lặng nhưng nhìn vẻ mặt hai người cô Thủy đoán biết cô sẽ được giúp đỡ.  Đôi mắt cô đầy vẻ biết ơn.
Lan đứng dậy, nàng đưa mắt nhìn Tân rất nhanh đoạn quay về phía cô Thủy, nàng nói, giọng dịu dàng nhưng cả quyết:
– Cô đợi một chút để Lan lên phòng ba rồi xuống ngay.
Lan lên gác rồi cô Thủy rụt rè hỏi chàng về chuyện học hành của Lan và chàng. Tuy nhiên hai người không ai đả động đến bà Yên. Lan chắc lên gác báo cho ông Yên biết chuyện cô Thủy đến thăm, nhưng dù hai anh em chàng đều thầm đồng ý muốn để cô Thủy gặp ông Yên, Tân đoán trước cô Thủy sẽ phải trở lại một hôm khác. Tân không bao giờ tưởng tượng rằng hai người đàn bà, me chàng và cô Thủy, lại có thể gặp nhau và lại gặp nhau tnrớc mặt ba chàng. Vì vậy Tân sửng sốt khi Lan xuống mời cô Thủy:
– Để Lan dẫn cô lên phòng ba. Cô đừng lo. Ba Lan đang ngủ.
Tân phân vân hết sức. Lan không nhìn chàng. Tại sao Lan lại dám quyết định để bộ ba, cô Thủy, ba và me chàng gặp nhau? Không thể thế được! Có lẽ chính ông Yên muốn thế và Lan chỉ biết chiều theo ý ông.
Tân lẳng lặng theo Lan và cô Thủy lên gác. Càng bước đến gần phòng ông Yên, cô Thủy càng lộ vẻ cảm động. Mặt cô tái lại không còn giọt máu. Cô như một tội nhân đang bước lên đoạn đầu đài. Lan và cô Thủy đã đến trước cửa phòng ông Yên. Lan mở cửa cả quyết và mạnh bạo. Nhìn qua vai hai người Tân thấy ông Yên đang nằm dài trên giường và me đang ngồi ở chiếc ghế ngay cạnh.
Tất cả mọi người đều yên lặng.
Cô Thủy quay lưng về phía Tân, nên Tân không hiểu nét mặt cô thay đổi đến thế nào, nhưng chàng đoán sự xúc động quá mạnh đã làm thân hình cô tê liệt.
Me Tân, khi cánh cửa mở và nhận ra có khách lạ đến thăm, vẫn còn bỡ ngỡ. Tuy bà chưa bao giờ gặp cô Thủy nhưng vì trước đây Lan và Tân đã nhiều lần đưa ảnh cô cho bà xem nên sau chắc bà cũng biết cô là ai. Khuôn mặt thanh tú của bà đổi hẳn. Từ vẻ bối rối lúng túng nét mặt bà chuyển sang một vẻ sợ hãi rất đáng thương. Bà hết nhìn ông Yên rồi lại nhìn cô Thủy. Chưa bao giờ Tân cảm thấy ghét ba chàng bằng lúc này. Dĩ nhiên một người sắp chết có quyền đòi hỏi ở mọi người rất nhiều thứ, nhưng sự chịu đựng của con người có giới hạn.
Tân cảm thấy rõ ràng tất cả những gì vừa bi kịch vừa hãi hùng lại vừa khôi hài của tình trạng hiện tại.
Nhưng tại sao tất cả mọi người lại phải chịu làm nạn nhân cho một ý muốn quái ác của một người ốm như ba chàng?
Tuy vậy chàng vẫn đứng yên lặng, thụ động và chờ đợi, Chàng không có ý định nói một câu hay có một hành động gì, dù nhỏ nhặt nhất, để giải thoát mọi người và cả chính chàng khỏi tình trạng khó khăn này.
Tân sững sờ ngạc nhiên khi thấy bà Yên ngồi thẳng dậy, môi hơi mím, mắt nhìn thằng vào mắt cô Thủy kiêu kỳ và thách thức. Chưa bao giờ Tân thấy bà có đáng cả quyết và cứng rắn đó.
Ông Yên mới đầu nhìn cô Thủy, lạnh lùng và lộ vẻ khó chịu như thường lệ ông phải tiếp một người khách. Nhưng ông chợt đổi ý kiến, ngồi nhổm dậy mỉm cười một cách quái gở, một tay giơ về phía cô Thủy và lên tiếng:
– Em Thủy đấy à? Em lại gần đây! Sao anh ốm đã lâu mà không thấy em đến thăm? (ông hơi mỉm cười) kể ra người ta cũng khó quên nhau lắm nhỉ? Em vẫn không thay đổi, vẫn trẻ và đẹp như xưa. Anh đã bảo em lại gần đây cơ mà. Thế! Phải rồi! Em ngồi xuống cạnh giường đây này. Anh xin giới thiệu với em…Đây là vợ anh, và đây là Lan với Tân. Chúng lớn đấy chứ? Chắc em cũng chưa quên. (Quay về phía bà Yên) Còn đây là Thủy, một người bạn cũ của anh.
Giọng ông cố làm ra vẻ thân mật và tự nhiên nhưng mọi người đều sợ hãi lo lắng. Tân tự hỏi không biết ông Yên có còn đủ óc xét đoán và suy nghĩ sáng suốt hay không? Một là ông điên, hai là ông gần cái chết đến nỗi coi khinh tất cả mọi người. Sự đau khổ của cô Thủy, của bà Yên đối với ông chỉ là những chuyện nhỏ mọn và không liên quan gì đến ông.
Tân bắt đầu hối hận là đã để cô Thủy bước chân vào căn phòng này.  Cô thật đáng thương. Chàng có lỗi rất nhiều với cô. Tai hại hơn nữa Tân còn cảm thấy là cực hình cô Thủy, me chàng và chính chàng phải chịu đựng chưa phải đến đây là hết. Ông Yên sắp tiết lộ một điều bí mật đáng sợ. Về sau nhớ lại Tân mới thấy linh tính chàng đã đoán không sai. Thực ra sự suy luận của chàng không phải chỉ căn cứ vào linh tính. Chàng đoán nhất định phải có một lý do chi phối nào mạnh mẽ lắm mới khiến cô Thủy đủ can đảm đến nhà chàng mà không sợ gặp me chàng; cả ba chàng nữa, không phải tự nhiên ông nảy ra ý kiến quái ác để cô Thủy lên phòng ông; đúng lúc có đủ mọi người.
Cô Thủy ngồi khép nép ở chiếc ghế cạnh giường ông Yên. Cô ngước lên nhìn bà Yên rất nhanh rồi lại cúi đầu xuống, xấu hổ và nhục nhã vô tả.
Ông Yên lại tiếp:
– Sao tất cả mọi người đều im lặng cả thế này? Không ai thích nói chuyện à?  Nếu lo rằng làm anh mệt thì thật quá thừa. Sao dạo này em ít nói thế? Hay vì mọi người chưa quen biết nhau thân lắm? Nên kết thân đi thì vừa. Bao nhiêu ghen ghét cạnh giường người chết đều phải đổ xuống sông xuống bể hết.
Cô Thủy từ từ ngửng đầu lên. Cô nhìn thẳng vào mắt bà Yên. Môi cô mấp máy. Tân giật mình. Chàng nín thở, óc căng thẳng. Mặt cô có một dáng cả quyết khác thường. Điều cô sắp nói chắc rất hệ trọng và là mục đích của sự đến thăm của cô. Giọng cô yếu ớt và run rẩy:
– Bé Ly…
Cô nghẹn ngào không thể tiếp nốt câu nói dở chừng, nước mắt dàn dụa trên má, cô đưa hai tay lên ôm lấy mặt.
Mặt ông Yên sa sầm và trán cau lại khi nghe cô Thủy nhắc đến bé Ly (tên một đứa trẻ mà đến giờ phút này đối với Tân còn rất xa lạ và vô nghĩa). Ông lầm bầm một mình:
– Bé Ly! À…
Ông cất cao giọng để mọi người đều nghe rõ:
– Ồ! Bé Ly? Thế mà anh quên mất… Nó ra sao? vẫn khoẻ mạnh chứ? Chắc nhớn lắm rồi…..
Quay về phía bà Yên ông giảng giải:
– Chắc em không biết bé Ly là ai phải không? Mà sao em biết được. Bé Ly là con anh và Thủy. Con gái. Xin lỗi em vì anh đã giấu em chuyện này. Thủy! Tại sao em không đưa bé Ly lại thăm anh một thể?…
Cô Thủy bỏ tay xuống, mặt cô tái xanh như một xác chết, cô thu hết can đảm cô mới nói được một câu ngắn ngủi:
– Bé Ly… Bé Ly chết rồi…
Ông Yên hình như chưa nghe rõ, hỏi lại giọng hơi gắt gỏng:
– Sao?..Em nói bé Ly làm sao?
Cô Thủy nhắc lại như một cái máy:
– Bé Ly chết rồi…
Ông Yên đưa tay lên bóp trán. Ông quên hẳn mọi người, khung cảnh chung quanh và chìm đắm trong những tư tưởng riêng. Tự nhiên ông cười một tiếng khô khan, hơi nhún vai đoạn nằm xuống kéo chăn lên tận cằm. Ông nhắm mắt lại như muốn ngủ.
Bà Yên nhìn cô Thủy và chồng, ngẩn ngơ một chút đoạn tiến ra phía cửa, nhưng bà vừa mới đi được mấy bước cô Thủy đã vùng chạy vượt khỏi bà. Cô ôm mặt trong hai bàn tay khóc nức nở. Thân hình cô lao đao không vững. Lan vội vàng chạy theo cô. Tân tiến lại gần bà Yên và nhẹ nhàng đặt tay lên vai bà giữ bà lại.
Điều gì phải xảy ra đã xảy ra! 
Mấy hôm sau buổi tối cô Thủy đến thăm ông Yên, bệnh ông vẫn không thuyên giảm. Hy vọng ông sống qua tháng này mong manh như một sợi tơ. Bao giờ ông chết? Câu hỏi đó như một đám mây đen rộng lớn, che phủ vầng trán tất cả mọi người trong gia đình Tân. Khoảng thời gian chờ đợi hầu như dài vô tận. Nhiều lúc Tân có cảm tưởng không phải chỉ có ba chàng sắp chết mà mọi người trong gia đình đều mong mỏi chờ đợi cái chết của chính mình. Me chàng có khi đãng trí và quên lãng tất cả mọi sự. Tân dịu dàng nhìn bà ngồi hàng giờ trước cửa sổ ngắm cảnh vật bên ngoài. Mắt bà mở to vui thú, ngực phập phồng thỉnh thoảng bà giơ hai tay áp vào má. Bà nhìn theo một chiếc lá chao đi chao lại trong không khí đoạn bay qua cửa sổ và rơi trên đầu gối. Bà nhẹ nhàng cầm lấy cuống lá đặt vào lòng bàn tay, vò nát chiếc lá và lơ đãng thả những mảnh rơi xuống chân. Chợt bà sững người, hai tay chắp vào nhau và rên nho nhỏ. Tân vội đến cạnh mẹ hỏi:
– Me làm sao thế?
– Trời ơi! Me tỉnh hay mê thế này? Có phải ba đã chết và chôn được mấy ngày rồi? Đúng thế không con?
– Me mê ngủ đấy à? Ba còn sống cơ mà!
Bà Yên không để ý vẫn hỏi:
– Mà đúng me đưa đám ba đến tận nghĩa địa. Con không tin ư? Trời ơi! Sao tôi khổ thế này!
Tân đặt tay lên vai mẹ bắt bà quay đầu lại phía mình:
– Me nói gì mà kỳ vậy! Con đây mà!
Bà rùng mình im lặng một phút đoạn mỉm cười ngượng nghịu:
– Thôi!…Thôi hết rồi!…Me nghĩ mãi đâm ra quẩn cả trí…. Hết hẳn rồi. Me không lảm nhảm nữa đâu mà lo. Cứ tưởng tượng mãi không khéo tin là mình thấy rõ ràng.
Lan dạo này cũng tránh không nói chuyện lâu với Tân. Điều đó rất hợp ý Tân, vì chàng cũng cảm thấy hai anh em không có chuyện gì trao đổi hoặc có nhưng không phải lúc. Lan cũng rất bận vì phải săn sóc ba với me chàng.
Một buổi tối, Tân có việc ra phố về. Còn cách nhà một quãng, trời đổ mưa to. Gió mạnh vặn các cành cây và làm rung chuyển bầu không khí mãnh liệt như muôn ngàn bàn tay khổng lồ đang đập xuống. Khoác chiếc áo mưa che kín người, Tân rảo bước như chạy. Dưới chân chàng những cành cây vụn rơi đầy phủ một lớp mỏng trên hè. Thỉnh thoảng sấm rền rĩ, trầm và làm rung cả lồng ngực chàng. Nước mưa đã bắt đầu lọt vào thân thể chàng, lạnh buốt như chân những con vật vô hình bò dọc theo đường xương sống. Nước chan hòa lên trên mặt chàng, thỉnh thoảng che phủ mắt chàng và khiến cảnh vật trước mắt Tân lung linh hư ảo. Tất cả là một sự đảo điên dữ tợn làm Tân choáng váng như uống một cốc rượu mạnh. Óc chàng nóng rực lên trái hẳn với ngực và bụng chàng lạnh như băng. Chàng cảm thấy cô độc vô tả. Người chàng nặng chĩu chìm xuống một hố sa lầy sâu thẳm. Chàng thở nặng nhọc. Phố vắng vẻ không một bóng người. Chàng tưởng như lạc vào một thành phố xa lạ ở một xứ khác. Chân bước vô định, tâm hồn trống rỗng như những lớp thượng tầng không khí mầu tím thẫm lấp lánh những điểm sáng của các vì sao.
Mắt Tân mở nhưng những gì chàng nhìn thấy chỉ là hư ảo. Chỉ có mỗi một điều chàng ý thức được  rõ rệt là tiếng đập rồn rập của tim chàng, và hơi chàng thở quện quánh trong cổ họng. Chàng càng ngày càng chạy nhanh hơn. Đầu chúi về phía trước, mình lao đi như một hành tinh lạc lõng. Chàng mê man chạy như một người điên. Tốc lực làm chàng say sưa. Không có gì ngăn nổi chàng. Chàng muốn quên hết.
Tân đã về đến nhà. Mưa đã tạnh. Đẩy mạnh cánh cửa sắt, chàng bước vào sân. Chàng nhìn xuống để tránh mấy vũng nước. Khung sáng của chiếc cửa sổ trên gác hắt xuống ngã dài trên mặt sỏi. Chàng nhìn thấy giữa khoảng sáng, bóng một người tì cằm lên tay, ngửng đầu lên chàng ngạc nhiên.
Ba chàng tì tay vào thành cửa sổ mắt nhìn thẳng. Ánh sáng của ngọn đèn ngoài đường chiếu sáng một nửa khuôn mặt ông, nửa kia chìm trong bóng tối. Bất giá Tân rùng mình sợ hãi. Hình ảnh kỳ dị trước mắt không bao giờ chàng quên nổi, bám chặt lấy những đường thần kinh trong óc chàng dai dẳng và chặt như muôn ngàn chiếc chân dài và ngòng ngoèo của một con mực.
Tân cố lấy lại bình tĩnh. Có gì là lạ và khác thường nếu ba chàng đứng ở cửa sổ một đêm trời mưa. Tất cả vẫn bình thường nếu chàng đừng tự ám ảnh mình và tưởng tượng ra những chuyện khác thường.
Về phòng thay quần áo ướt xong Tân vội vàng sang phòng ông Yên. Dù sao chăng nữa chàng cũng không thể để ông đứng như vậy vào lúc bệnh ông nặng. Đến cửa phòng ông Yên, chàng ngạc nhiên thấy Lan đã đứng sẵn ở đấy. Lan hỏi:
– Anh đi đâu về mà khuya thế? Em định vào xem ba đã ngủ chưa?
– Ngủ chưa? Lan có biết ba đứng ở cửa sổ để mưa hắt vào người từ bao giờ không?
– Đứng cạnh cửa sổ để mưa hắt vào người? Anh nói gì em không hiểu. Cách đây độ nửa tiếng em còn ngồi cạnh giường ba, chờ ba ngủ rồi em mới về phòng.
– Chắc ba vừa dậy. Ta vào xem…
Lan mở khẽ cửa phòng. Quả thật ba chàng vẫn còn đứng tựa cửa sổ quay lưng vào hai người. Lan chạy vội vào, kêu nho nhỏ:
– Ba!… Ba!…
Nàng đến ngay cạnh, ông Yên cũng không để ý. Nàng nắm lấy cánh tay ống.
– Trời ơi! Sao ba kỳ thế! Đứng như thế này lại ốm to. Ba vào giường nằm đi.
Ông Yên từ từ quay đầu lại, đôi mắt ông mở trừng trừng như nhìn suốt qua người con gái. Rồi ông lại quay đầu nhìn ra ngoài mưa.
Lan hơi sững người một giây đoạn nàng cả quyết kéo mạnh tay ông, tức tối:
– Ba nghĩ gì con không cần biết! Nhưng bổn phận con là bắt ba phải đi nằm. Ba nghe rõ chưa? Ba đi nằm ngay…
Ông Yên theo Lan vào giường nằm, miệng mỉm một nụ cười ngây thơ như một đứa trẻ. Tân muốn nhắm mắt lại. Chàng không đủ can đảm ngắm khuôn mặt bình thản và yếu ớt của ba chàng. Bệnh nặng đã đập nát mất bản ngã của ông thành cát rồi chăng?
Lan sửa lại mấy nếp chăn, mặt đăm chiêu. Không trao đổi một câu nhưng hai anh em cùng chung một ý tưởng. Lan ngửng mặt lên nhìn anh trai, hàng lông mi cong rung động như những nhánh cỏ dưới gió. Đôi môi nhỏ hé mở, thân hình nhỏ và dịu ấm của Lan run run.
Lan chạy lại ôm lấy chàng và lần đầu tiên từ mấy tuần nay Lan khóc nức nở. Ngón tay Lan bám chặt lấy vai anh. Tân như chìm đắm dưới sự đau khổ của em gái. Chàng đứng yên lặng. Lan đã nguôi nguôi. Nàng ngước mắt giọng vẫn còn nức nở:
– Ba làm sao thế anh? Trời ơi! Bây giờ em phải làm gì? Em đã cố hết sức nhưng sao mà hiểu nổi ba. Anh! Ba sắp chết!…chết! Không… không! Ba không chết được. Lan không muốn thế! Không bao giờ Lan muốn thế! Tại sao ba lại đày đọa thân mình làm gì? Tại sao?…
Hai anh em đứng như thế rất lâu. Ngoài trời mưa bắt đầu rơi nặng hạt.
Sáng hôm sau ông Yên chết. Tất cả mọi người trong gia đình đều có mặt. Ông Yên vừa húp xong bát cháo Lan mang lên. Bà Yên ngồi trên chiếc ghế cạnh giường chồng. Tân đứng tựa cửa sổ nhìn xuống đường. Tất cả đều óng ả và đẹp như bầu trời xanh cao vút ngoài kia. Không ai nói một câu.
Ông Yên đòi Lan đỡ dậy và chêm gối sau lưng để có thể nhìn ra phía khoảng trời ngoài cửa sổ. Một lúc sau ông nhắm mắt lại mới thoáng một nụ cười trầm tĩnh, đẹp như nụ cười của tượng Phật. Mới đầu ai cũng tưởng ông ngủ nhưng sau mới nhận ra là tấm chăn phũ ngực ông không phập phồng nữa và hai bàn tay bất động.
Ông Yên chết, rất êm ả và đẹp khác thường.
Me chàng và Lan đã về. Chân hai người đi trên sỏi làm vang lên những âm thanh xào xạc như lá khô cháy trong bếp lửa. Có tiếng cửa sắt đóng lại và tiếng me chàng cười vui vẻ, Trước khi mở cửa vào nhà, me Tân còn đứng lại trao đổi với Lan mấy câu mà Tân nghe theo không kịp, thoảng rất nhanh qua tai chàng tựa những hạt mưa nhỏ tạt vào mặt, lành lạnh và gai gai khi chàng đứng cạnh cửa sổ ngắm cảnh vật bên ngoài,
Tân vẫn thích nghe me chàng cười. Chàng quen với giọng cười đó từ thuở nhỏ. Trong gia đình có lẽ bà là người hay cười nhất. Bà cười rất tự nhiên, vô tư như một đứa trẻ. Hiện giờ tuy đã đứng tuổi, tiếng cười của bà vẫn trong và mát như hồi còn trẻ.
Cửa phòng mở, me Tân và Lan bước vào nhà. Thấy Tân ngồi tư lự, khuôn mặt bà Yên bớt hẳn vẻ tươi tắn, tuy nụ cười còn đọng trên nét môi. Bà vội vàng hỏi,giọng lo ngại săn sóc:
– Con ngồi làm gì đây? Đã ăn cơm chưa?… Ăn được nhiều không?
Bao giờ cũng vậy, me chàng chạy quanh chăm nom chàng như một con gà mái để ý đến đàn con mới đẻ. Sự âu yếm đó lâu thành một thói quen. Có thể một lát sau bà quên ngay là có mặt Tân trong cùng một phòng. Tân cũng không thầm trách móc me chàng vì chính chàng nhiều khi cũng không lưu ý đến sự có mặt của me chàng. Từ dạo nhớn lên, Tân suy nghĩ, đau khổ không lộ để me chàng biết. Có lẽ vì thế Tân có cảm tưởng me chàng hơi sợ và ngài ngại chàng như hồi trước ba chàng còn sống, me chàng sợ ba chàng. Bà thường hạ bớt giọng nói khi có chàng bên cạnh.
Lan thấy anh trầm ngâm, chạy lên bên, mặt tươi tỉnh ghé sát môi vào tai chàng thì thầm:
– Em xin lỗi anh nhé!… Anh đừng giận gì em! Tội nghiệp em đâu có đáng tội. Hay nếu em có tội thì chắc, từ bao giờ ấy, em không nhớ ra được đâu…
Tân im lặng và hơi mỉm cười gượng gạo. Lan lấy tay quay đầu chàng về phía nàng, soi mói:
– Anh làm sao thế?
Nhưng không chờ chàng trả lời, Lan bỏ chạy.
Tân bắt đầu cảm thấy bực tức. Chắc Lan vừa gặp Bá (Bá là người yêu của Lan). Sự vui vẻ thái quá của em vào lúc tâm hồn chàng còn đầy rẫy những cảm giác bứt rứt, những tư tưởng đen tối và trái ngược, càng khiến chàng nóng nảy hơn.
Me chàng, ngồi ở ghế đối diện với chàng; gọi Lan:
– Lan ơi! Lên đây me bảo.
Lan ở nhà dưới lên, mặt đỏ hồng.
– Cái gì đấy me?
– Mang mấy hàng áo me mua hôm qua ra đây me xem lại.
Me chàng và Lan chúi đầu vào mấy hàng lụa, bàn cãi về màu sắc và giá cả.
Tân ôm đầu trong hai bàn tay:
– Trời ơi! Sao mình nhức đầu thế này!
Bà Yên đưa mắt nhìn Lan lo ngại. Bà thầm thì hỏi con gái:
– Con đã lấy thuốc cho anh uống chưa?
Lan lắc đầu. Bà Tân giọng trách móc:
– Mấy hôm nay nắng mới độc lắm! Me đã bảo bao nhiêu lần mà anh nó vẫn không chịu đội mũ.
Tân vùng đứng dậy gắt gỏng:
– Không thuốc men gì hết! Tại sao…
Nhìn hai khuôn mặt đàn bà hướng về phía chàng, Tân ngừng lại và cảm thấy thái độ của chàng thật là vô lý.
Tân ngắm cảnh vật ngoài trời, khuỷu tay tì lên khung cửa sò. Một làn gió nhẹ đưa mấy cành hồng chạm vào má chàng. Chàng hơi hối hận. Tại sao chàng lại cư xử kỳ lạ như vậy với me chàng?
– Anh!
Chàng quay lại. Lan lẳng lặng đưa cho anh một cốc nước và một viên thuốc nhức đầu.
– Anh uống đi cho đỡ mệt.
Tân đỡ lấy cốc, để viên thuốc lên đầu lưỡi và uống một hơi cạn hết nước. Khi trao trả cốc cho Lan, mắt chàng gặp mắt Lan. Tân ngượng nghịu mỉm cười. Lan cũng mỉm cười theo. Hai người ngầm làm lành với nhau.
Bà Yên đến cạnh Tân. Bà nhìn chàng chăm chú.
– Con có chuyện gì nghĩ ngợi?
Tân lắc đầu.
Hai mẹ con đương yên lặng một phút. Bà Yên đẩy cánh cửa chớp sát vào tường ở bên ngoài. Bà ngắt một bông hồng vứt rời từng cánh vo trong tay. Lơ đãng bà đặt mấy cành hồng vụn nát vào lòng bàn tay Tân miệng nói:
– Chà! Mấy cây hồng dạo này lắm hoa quá!
Tấn rùng mình xúc cảm. Tay me chàng ấm áp và mềm. Không hiểu sao chàng chợt hỏi:
– Me có hay nhớ đến ba không?
Me chàng ngạc nhiên.
– Sao con lại hỏi thế?
Tân đáp lãnh đạm:
– À! Tự nhiên con nhớ đến ba.
Bà Yên có dáng ngẫm nghĩ, đoạn ánh mắt tươi cười bà trả lời:
– Có chứ! Thỉnh thoảng me cũng nhớ đến khuôn mặt hầm hầm của ba. Khách đến chơi với me gặp ba là rụt hết. Thật me chưa thấy ai khó tính bằng ba.
Bà cười nhẹ. Nghe giọng nói điềm tĩnh của me chàng, lòng Tân se lại và khó chịu. Thành thật với chính mình, Tân nhận thấy me chàng không đáng trách một chút nào. Tại sao chàng lại muốn tình yêu của mẹ chàng đối với người đã chết phải bền vững? Điều đó vô lý. Nhất là chàng cũng đã thừa hiểu me chàng yêu ba chàng như thế nào rồi. Me chàng giống một đứa trẻ, chóng yêu và cũng chóng quên. Tại sao Tân coi sự quên đó là quan trọng.
Bà Yên lại tiếp:
– Có lần cô Thịnh hỏi me có ghen không? Cô trêu me chứ thực cô biết thừa me không hay ghen. Kể ba cũng buồn cười thật. Lăng nhăng với nhiều cô thế mà không chán. Được một cái là me cũng chẳng ngăn trở ba. Chỉ sợ làm tan cửa nát nhà mà rồi cũng chẳng đi đến đâu. Me không hiểu tại sao lại lắm người mê được ba. Có người sợ ba chết khiếp có người lại mê.
Hai mẹ con cùng im lặng. Một làn gió nhẹ thổi qua. Không khí mát của đêm tràn vào từng đợt. Bà Yên chợt rùng mình. Tân vẫn nghĩ đến ba chàng, chàng định nói tiếp câu chuyện bỏ dở:
– Me! Con định hỏi…
Bà Yên từ từ quay mặt về phía chàng. Tân im bặt. Vẻ mặt lơ đãng và thản nhiên của me chàng chứng tỏ bà đã quên bẵng mất là hai mẹ con đương nói đến vấn đề gì. Bà nhẹ nhàng hỏi:
– Con bảo cái gì?…
Tân đáp ngắn ngủi:
– Không! Không có gì cả…
Bà Yên hình như chợt nhớ ra một việc chưa làm nên để Tân đứng một mình ở cửa sổ và vào nhà trong.
Tân từ từ nhắm mắt lại. Chàng tự nhiên cảm thấy cô độc và thất vọng. Chàng như một người thủy-thủ bị đắm tàu nằm trên một chiếc bè trôi vật vờ trên mặt bể đen ngòm, nửa sống nửa chết. Cảm giác lạnh rét lại trở lại thấm vào cơ thể chàng. Đúng vậy! Không một ai có thể giúp chàng. Me chàng và Lan chỉ là những người ngoài cuộc. Bây giờ chàng phải làm gì? Chàng có nên tiếp tục suy nghĩ sâu xa hơn về cái chết của ba chàng, giấc mơ hãi hùng của chàng, sợi dây liên lạc, nếu có, giữa cái chết đó và đời sống của chàng hiện tại hay không?
Tân đứng suy nghĩ rất lâu.
Tân nằm nhìn lên đình màn và đợi giấc mơ tới. Chàng biết chắc là đêm nay giấc mơ đó sẽ trở lại. Tân đặt một bàn tay lên ngực và xoa nhè nhẹ trên da thịt. Tim chàng vẫn đập đều đều nhưng chàng tin rằng trong một lúc nữa, một phút nữa hay chỉ một  giây, tim chàng sẽ từ từ đập chậm lại, chậm lại hoặc vụt đập dội lên nhanh lên mãi.
Tân nhỏm người ngồi dậy. Không! Không! Chàng phải chấm dứt tình trạng này, Tân biết là chàng có thể tự giải thoát cho chàng nếu chàng dám…Tại sao chàng không can đảm đào sâu cho đến cùng, chỉ một lần thôi là đủ.
Có một giọng nói đối với chàng rất quen thuộc (hình như đó là tiếng nói của chính chàng) nhắc đi nhắc lại bên tai chàng “Giấc mơ! Giấc mơ! Giấc mơ!… chết! … chết lạnh ngắt!.. sợ hãi!…”
Tân thiếp ngủ lúc nào không biết.
Tân nhìn chăm chú mấy cành lá xanh tươi ngoài cửa sổ. Mầu xanh của lá có một cái gì là lạ khác thường. Chàng vươn vai giơ hai tay lên quá đầu và ngáp đến chảy nước mắt. Tân cảm thấy thú vị trong những cử động nhỏ nhặt và vô nghĩa. Chàng hát nho nhỏ một bài hát quen thuộc. Đã lâu lắm chàng mới lại có những rung động đầy khoái cảm trong tâm hồn.
Tân cố nghĩ lại một cách mạch lạc những chuyện đã xảy ra. Tối hôm qua sau câu chuyện với me chàng về ba chàng, Tân thao thức mãi không ngủ được.
Tân mừng rỡ suýt kêu lên thành tiếng. Tân chợt nhớ ra là chàng đã ngủ không mê. Giấc mơ quái ác đó đã không trở lại. Có một sự thay đổi quan trọng đã xảy đến. Cái gì quan trọng? Sự thay đổi của khung cảnh quanh chàng? Không! Chính chàng đã thay đổi. Tân biết rõ như vậy.
Sau một đêm ngủ không mơ, tất cả những băn khoăn, đau khổ của chàng trong mấy năm gần dây vụt trở nên rõ ràng như được ánh mặt trời soi tới. Tất cả thật giản dị và chỉ có thế. Tại sao trước đây chàng không khám phá ra.
Tân đã hèn nhát. Chàng đã thầm mong ba chàng chết mà không biết. Chàng đã nhầm tưởng là vì chàng ghét ba chàng nhưng thực ra tình cảm yêu ghét của chàng đối với ông không có liên hệ gì đến sự mong mỏi đó. Tân sợ chết cho nên chàng hy vọng cái chết của ba chàng sẽ trả lời hộ những câu hỏi làm chàng thắc mắc. Chàng chăm chú quan sát ông tiến dần đến một vực sâu thẳm. Chàng cố gắng tìm hiểu ông nghĩ gì, ý nghĩa những phản ứng của ông, những sự đau khổ của ông khi đứng trên bờ vực thẳm.
Sau khi ba chàng chết, Tân đã thất vọng ghê gớm. Cái chết của ông không giúp được Tân chút nào trái lại chàng lại càng bị những tư tưởng bi quan ám ảnh.
Giấc mơ quái ác của chàng chỉ là hình ảnh của sự đau khổ và sợ chết của chàng. Nhưng đến giờ phút này Tân thấy rõ là ba chàng đã lầm lẫn, và có lẽ nếu chàng không chịu thay đổi chàng sẽ cũng lầm lẫn như ông. Ông đã hoàn toàn cô độc vì ông không biết sống và lợi dụng để sống. Lối sống ích kỷ, không yêu ai, không tin tưởng vào mọi người và chính mình của ba chàng đủ khiến gần như trần truồng không một vật che thân, không một mảnh sắt trong tay và ông không tin vào tình yêu cho nên ông cũng không thể dựa vào tình yêu khi đối diện với cái chết.
Phải dựa vào đời sống để chống đối với với cái chết. Đó là kết luận chàng vừa đạt được.
Tân sững sờ ngơ ngẩn. Không lẽ câu trả lời chỉ có thế? Nhưng chàng bắt buộc phải tin vì đó là sự giải đáp độc nhất chàng tìm được sau bao nhiêu suy nghĩ và đau khổ.
Dù sao chăng nữa còn hơn là tay không.
Tân tiến ra phía cửa sổ, mở rộng hai cánh cho nắng lùa vào. Chàng vui thích ngắm khu vườn đầy hoa. Chàng vừa muốn cười muốn hát lại vừa cảm động như sắp khóc. Chàng vừa được sống lại sau một thời gian nằm trong một nấm mồ tối.
Có tiếng cười của Lan ở dưới sân vẳng lên. Lan đang đứng nói chuyện với Bá trên con đường trải sỏi. Lan mặc một chiếc áo mầu thiên thanh mát dịu.
Linh cảm có người ngắm mình, Lan ngửng đầu lên. Nàng ngắm Tân trong một phút. Tân thầm nghĩ: “Tại sao Lan lại có vẻ ngạc nhiên?” Hay nàng cũng cảm thông được với sự thay đổi quan trọng trong tâm hồn chàng? Tân tha thiết mong Lan hiểu chàng. Hiện giờ chàng cần sự hiểu biết đó hơn bao giờ  hết.
Tân choáng váng vì sung sướng khi thấy khuôn mặt Lan sáng hẳn lên. Nàng hơi chúm môi và khép mắt lại một chút như muốn nói “Hôm nay em yêu tất cả mọi người và cả anh nữa”.
Em chàng đã hiểu chằng. Chàng không còn sợ vực thẳm nữa.
Duy Lam
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...