Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Chàng, nàng và họ hàng

Chàng, nàng và họ hàng

Họ hàng nhà vợ tôi rất đông. Nàng nhiều cô, dì, mợ, thím, bác ở Đà Lạt đến nỗi trong câu chuyện nếu có người bạn nào của nàng đả động đến một người quen ở Đà Lạt nàng vội hỏi ngay:
– Thế chị có biết bà An không? Bà ấy là cô tôi. Thế chị có biết bà Bình không? Bà ấy ở biệt thự Như Kim, cái biệt thự có giàn hoa ti-gôn đỏ trắng ngay ngoài cổng vào. Chị cũng không biết! Ấy, thím tôi đấy! Thế cô Xuân, cái cô gầy gầy dậy học ở Couvent des Oiseaux…
Tôi làm ra vẻ thông thạo họ hàng nhà vợ, vội chêm vào:
– Cô Xuân là dì của vợ tôi.
Vợ tôi lườm tôi:
– Sao anh thuộc họ nhà em thế? Xuân gọi em bằng dì.
Tôi im ngay nhưng thầm nghĩ: “Họ với hàng thật là lôi thôi! Xuân gọi vợ tôi là dì hay vợ tôi gọi Xuân là dì đối với tôi cũng không quan trọng. Điều quan trọng là đừng bao giờ vợ tôi bắt tôi giao thiệp với họ hàng của nàng.” Trong óc tưởng tượng của tôi Đà Lạt là một tỉnh đáng sợ, lúc nhúc toàn những người mà đáng lẽ phải gọi là bác, tôi lại gọi là cô, đáng phải gọi là cháu lại gọi là thím, và phải tiếp chuyện (“tiếp chuyện” ở đây tôi dùng gượng, chính ra phải nói là “nghe chuyện” mới đúng) nếu chẳng may tôi gặp họ.
Nhưng vợ tôi không cùng một ý kiến với tôi. Nàng rất tự hào về “họ của nàng”. Bực mình nhất là khi tôi làm một điều gì nàng không ưng, nàng lôi ngay một người họ hàng của nàng ra làm gương sáng cho tôi noi theo. Khi mừng đám cưới của dì Khánh chẳng hạn, nếu tôi vì tiết kiệm không chịu bỏ năm trăm đồng ra mua một bộ ấm chén mà nhất định mừng cái đèn quái gở mầu đỏ chói (cái đèn này khi hai vợ chồng tôi lấy nhau, Khánh đã mừng chúng tôi), vợ tôi trách:
– Anh chẳng biết cách giao thiệp, chẳng biết lịch sự là gì cả! Chẳng bù với bác Tân mỗi lần có đám cưới bác ấy mừng hẳn một cái giường ngủ. (Nàng quên nói thêm là bác Tân mở cửa hàng đồ gỗ và hàng bán ế ẩm)
Hoặc khi tôi không chịu mua cho nàng một chuỗi hạt trai để đeo cổ, nàng kêu:
– Anh thật hà tiện! Anh xem anh chị Lạc kia kìa. Họ đâu giầu gì hơn mình thế mà khi chị ấy mới đòi, anh Lạc đã vội mua ngay cho chị một chuỗi.
Tôi nói thầm chỉ để riêng tôi nghe thấy:“Thì anh Lạc ngu hơn anh chứ có gì lạ”.
Ngay sau đó, tôi đã vội dẫn nàng ra phố mua hai chuỗi hạt trai và nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy quả thật vợ tôi đeo hạt trai vào vợ tôi đẹp lên bội phần và cái ngu của một anh chồng như tôi cũng theo đó mà tăng lên gấp hai anh Lạc.
Mua xong, tôi tò mò hỏi vợ tôi:
– Anh Lạc với em họ hàng ra sao?
(Sở dĩ tôi hỏi nàng về Lạc là vì đây là lần đầu tiên vợ tôi mang một người có họ với nàng và ngu hơn tôi ra để làm ví dụ để tôi theo, còn thường lệ bất cứ ai có họ với nàng đều được nàng tán tụng là “Chú Bình thông minh nhất trường Luật. Thi ra đỗ đầu”. Thế có nghĩa là trong trường hợp có chuyện lôi thôi giữa tôi và nàng, nàng đã có sẵn một người em để thắng tôi. Bác Mặc giầu ghê gớm, nhất phố. Bác có hai cái ô-tô Mỹ, một cái Pháp…
Tôi ngắt lời:
– …Và một cái xe đạp.
Vợ tôi quắc mắt:
– Ai bảo anh thế? Bác ấy mà thèm đi xe đạp à?
Tôi vội phân vua:
– Hôm nọ anh thấy thằng con bác ấy đi xe đạp ngoài phố.
– Anh hôm đó có đeo kính không? ….không à? Thế thì anh trông nhầm rồi. Con bác ấy đi một bước đã có xe đưa đón.)
Nàng trả lời:
– Anh Lạc với em là con dì con già.
Câu trả lời của nàng càng làm tôi thấy liên lạc họ hàng thật bí hiểm và khó hiểu cũng tựa như khi nàng hỏi tôi:
– Tại sao chính phủ không in thật nhiều tiền ra, có phải là có thể tăng lương cho công chức như mình?
Tôi trả lời:
– Vì sợ lạm phát. Em phải biết tiền chỉ là một tờ giấy vô giá trị nếu không có vàng hay bạc làm bản vị. Qua lịch sử thế giới mỗi lần kinh tế khủng hoảng…
Càng giảng, tôi càng làm vợ tôi…chẳng hiểu gì thêm. Có một điều nàng không thể hiểu được và không công nhận là “tiền chỉ là một tờ giấy vô giá trị”. Nàng bảo tôi:
– Nếu anh bảo tiền vô giá trị thì đưa nốt cho em mấy nghìn anh còn giữ để em mua một cái nhẫn ngọc thạch.
Tôi vội vàng thôi ngay không dám giảng về liên hệ giữa sự in thêm tiền và kinh tế khủng hoảng và vội cùng công nhận với nàng là tiền rất….rất có giá trị.
Tôi hỏi lại:
– Con dì con gìà à? Con dì là gì?
– Con dì là con…
Nàng ngừng lại và âu yếm mắng tôi:
– Anh thật hay quên và óc ngu…như bò. Hôm nọ em đã giảng đi giảng lại mấy lần thế nào là con dì con già và con cô con cậu mà anh đã lại quên rồi.
Có lẽ nàng đã giảng mà tôi quên mất. Con dì là con gì? Chắc hẳn không phải là con bò….như tôi. Vì cái tính hay quên và đãng trí nên tôi khó lòng mà thấu hiểu được sự liên lạc họ hàng. Vợ tôi trái lại rất thông thạo. Không có chuyện gì xảy ra trong họ hàng mà nàng không biết. Nếu tôi hỏi Eisenhower và Tito ai là tổng thống nước Mỹ và là thống chế Nam Tư nàng chịu không biết, nhưng nếu thím Tư vừa đẻ con trai, nàng đã biết ngay là thím ấy nằm ở nhà thương nào, phòng số bao nhiêu, trả bao nhiêu tiền một ngày, thằng bé nặng bao nhiêu ký và thím mua quần áo cho con mất bao nhiêu tiền v.v…
Nàng thích lôi tôi đến thăm những người trong họ nàng. Có lần vào buổi sáng chủ nhật nàng rủ tôi đến thăm bác Quân, tôi nhất định không chịu đi, nàng tức giận hỏi tại sao. Tôi thoái thác:
– Hôm nay anh mệt.
Vợ tôi rơm rớm nước mắt. Tôi vờ như không trông thấy, kéo chăn định ngủ một giấc nữa. Nàng òa lên khóc:
– Anh khinh em! Anh không thích đi với em, sao anh không nói thẳng vào mặt em …
Tôi vội nhổm dậy. Khinh nàng? Thật là lối suy luận đàn bà! Chồng không cùng mình đến thăm một người trong họ tức là chồng…khinh mình. Tôi cố giảng giải:
– Sao em lại lý luận kỳ quái thế? Nếu em cho rằng không đến thăm bác Quân với em là anh …khinh em thì thật vô lý, vì khi anh đi xem đá bóng anh rủ, em không chịu đi, anh có nghĩ là em khinh anh đâu?
Nàng khóc to hơn:
– Trời ơi. Sao tôi khổ thế này! Khinh tôi chưa đủ…chồng tôi còn khinh cả bác tôi nữa.
Tôi vò đầu vò tai:
– Em điên đấy à? Anh khinh bác Quân ở chỗ nào? Anh có đả động gì đến bác ấy đâu cơ chứ?
Nàng khăng khăng buộc tội tôi:
– Anh khinh bác Quân… Anh đem ví bác với mấy cầu thủ đá bóng.
– Ví bác Quân….?
– Anh lại bảo em điên! Phải. Em điên rồ, em xấu xí! Anh chắc bây giờ yêu cô nào nên ruồng rẫy em. A!.. Thế ra anh chỉ chờ em đi khỏi là anh đến thăm…Thăm ai?
Đến đây tôi chịu thua; cãi nhau kiểu này với nàng bao giờ tôi cũng thua. Tôi sợ rằng cãi một lúc nữa không những tôi bị nàng buộc tội là khinh nàng, khinh bác Quân, chê nàng xấu, điên mà lại còn mang thêm tội…ngoại tình. Tôi chồm dậy, mặc vội quần áo trong ba phút, đến trước mặt vợ tôi chờ lệnh:
– Bây giờ em dẫn anh đến thăm ai, anh cũng đi.
Vợ tôi nhoẻn miệng cười, khen:
– Anh ngoan lắm! Chúng ta sẽ đến thăm bác Quân ngay bây giờ. Anh chờ em mặc quần áo nhé. Chỉ mười phút thôi.
Ba giờ đồng hồ sau, chúng tôi mới bước chân ra cửa. Mười phút của nàng bằng ba giờ. Không đọc Einstein nhưng nàng hiểu thuyết thời gian tương đối và co dãn (nhưng lần nào cũng dãn, ít khi co)
Các bạn xem! Họ hàng thật phiền nhiễu, nhất là họ vợ. Tôi thành thực khuyên các bạn độc thân, nếu chẳng may dại dột mà lấy vợ thì hãy chịu khó tìm một cô nào càng ít họ hàng càng tốt và nếu không có họ hàng là hay nhất. Nghĩ đi nghĩ lại ai mà chẳng có họ hàng, không họ gần thì họ xa, cho nên ta (“ta” đây là các bạn không phải là tôi) nên lấy một cô ở …trường mồ côi là tuyệt.
Đọc xong bài này nếu bạn nào quen vợ tôi chớ mách nàng tôi là tác giả. Nàng biết nhất định sẽ tra hỏi tôi:
– Anh là tác giả bài “họ hàng” phải không? Anh tha hồ nói xấu em, em không cần. Nhưng anh mê ….cô nào ở trường mồ côi? (Ở phố chúng tôi ở có một trường mồ côi). Bây giờ em mới hiểu tại sao hôm nọ anh hăng hái thế khi anh bênh vực số phận các “cô” gái mồ côi.
Tôi cãi:
– Anh tưởng tượng ra như vậy thôi, cho câu chuyện thêm đậm đà. Sao em lại ngu đến độ cho truyện viết là sự thật, nhất là loại chuyện khôi hài.
– Anh chỉ ngụy biện! Không có lửa làm sao có khói. Em nhớ có lần chính mồm anh tuyên bố “Truyện hay phải căn cứ vào đời thực, vào những nhân vật “sống” mới đạt được nghệ thuật cao”. Anh yêu cô nào ở trường mồ côi?
Thôi, chết rồi! Tôi không ngờ vợ tôi lại “lập luận” hợp lý và khoa học đến thế! Nhưng trong trường hợp này tôi tha thiết mong nàng cứ dùng cái lối “lý luận đàn bà” rất đáng yêu của nàng như mọi khi thì hơn.
Duy Lam
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...