Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát

Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùng làm một sở.
Vì tính tình tương đắc, hai người chơi với nhau rất thân.
Hai người thuê nhà ở cùng một phố mà thằng Vi với thằng Hoa thì cùng học một trường.
Cũng như thầy chúng nó, chúng nó chơi với nhau rất thân. Ai đánh Vi thì Hoa bênh ngay, mà ai đánh Hoa thì Vi cũng bênh ngay.
Thầy chúng nó thường nhìn chúng nó thủ-thì thù-thì với nhau ở góc buồng, rồi sung sướng mỉm cười bảo nhau:
– Chúng nó nhớn lên rồi cũng như tôi với bác.
Cứ gì nhớn lên, chính bây giờ «chúng nó cũng như tôi với bác » rồi. Sáng nào, chúng nó cũng lại rủ nhau đi học, cũng như thầy chúng nó cùng lại rủ nhau đi làm.
Và lúc về cùng về với nhau cũng như thầy chúng nó.
Hai cặp ấy nhiều khi chạm trán nhau ở đầu phố. Một dịp để cho thầy chúng nó nhìn nhau sung-sướng rồi trỏ chúng nó:
– Thế kia thì có khác gì một cặp nhân-tình.
Mà chúng nó gần giống như một cặp nhân-tình thật. Chỗ nào có thằng Vi là có thằng Hoa. Chúng nó dính lấy nhau như bóng với hình. Đi chơi đâu thường là cùng đi. Sự ấy làm cho bè bạn quen thường chế chúng nó là vợ chồng.
Đã ba năm nay, nghĩa là từ hồi chúng nó bắt đầu đi học, chúng nó chưa hề cãi cọ với nhau một lần nào. Đứa nọ găng là đứa kia nhịn ngay.
Trong trường, thầy giáo thường lấy chúng nó mà dặn mọi người:
– Bè bạn chơi với nhau nên như anh Vi và anh Hoa.
Cha mẹ chúng nó thấy chúng nó thế, nên coi cả hai đứa như con, không phân biệt đứa nào với đứa nào. Và sau tiếng con, thường cả hai đứa cùng chạy lại.
Tháng tư năm ấy, các trường đóng cửa. Nhà chức trách khuyên mọi người nên cho trẻ con đi tránh nạn về các thôn quê.
Quê thằng Vi ở tận Thái Bình, mà ông bà nó lại mất cả rồi, thầy mẹ nó không thể gửi nó về được. Thầy nó, sau lời mời của thầy thằng Hoa, liền cho nó cùng về Phùng với thằng Hoa.
Lúc chúng nó biết tin cùng được đi tránh nạn với nhau, chúng nó reo lên:
– À à, nếu cùng đi thế, có chết, tôi với anh cùng chết.
Chúng nó reo lên thế trước mặt thầy mẹ chúng nó. Thầy chúng nó tuy không nói ra miệng, nhưng những con mắt nhìn nhau như thầm bảo nhau:
– Tôi với bác ở đây, nếu có chết cùng chết.
Bà thằng Hoa mất từ khi thằng Hoa lên ba, bây giờ nó chỉ còn ông. Luôn luôn ở trên ô-tô, thằng Hoa khoe với bạn:
– Ông tôi yêu tôi lắm cơ. Chúng mình về ở đấy thì sướng lắm, tha hồ. Nhà ông tôi có nhiều nhãn, nhiều vải lắm cơ. Bây giờ đương mùa vải đấy, chúng mình tha hồ ăn.
– Thế thì sướng nhỉ, nhưng mợ bảo ăn nhiều thì độc, vì vải nóng lắm.
– Cậu cũng bảo tôi thế.
Chúng nó xưng hộ với nhau chỉ gọi cậu mợ cộc lốc thế thôi, chứ không bao giờ gọi cậu tôi hay mợ tôi, vì cái lời dặn ấy có khi là mợ thằng Hoa dặn thằng Vi và cũng có khi là cậu thằng Vi dặn thằng Hoa.
– Ăn ít ít không sao. Ông tôi giỏi lắm cơ. Cái gì ông tôi cũng biết. Ông tôi ngâm thơ hay lắm. Cậu tôi bảo ông tôi đã đi nhiều nước rồi. Ông tôi đã đi sang Tầu, ông tôi đã đi cả sang Tây, sang Nhật Bản nữa.
– Thế thì giỏi thật.
– Thầy tôi nói chuyện trước ki a nhà tôi nghèo lắm. Ông tôi làm được nhiều tiền lắm, thành ra ông tôi giầu. Ông tôi vô số là thóc, vô số là ruộng. Lai có cả trâu và bò nữa. Và chim bồ câu. Cái chuồng ông tôi đẹp lắm. Có những con chim trắng lông mượt mượt là.
Khoe ông đủ các thứ bằng một giọng hùng hồn, bỗng thằng Hoa hạ giọng:
– Nhưng ông tôi hút thuốc-phiện anh ạ.
Rồi nó lại nói ngay một hơi những cớ đã buộc ông nó phải hút thuốc phiện:
– Cậu bảo ông tôi sở-dĩ hút thuốc-phiện là vì ông tôi đi nhiều nơi nước độc lắm. Nếu không hút thuốc phiện thì bị ngã nuớc.
Nó nói xong nhìn chằm chằm vào thằng Vi để xét thằng Vi có khinh ông nó về sự ông nó hút thuốc-phiện hay không.
Thằng Vi vẫn thản-nhiên:
– Ừ tôi cũng thấy người ta bảo người đi nước độc phải hút thuốc phiện. Hút thuốc-phiện có sao.
Thằng Hoa mừng rỡ nắm lấy tay bạn:
– Tôi rất lo anh… ghét ông tôi vì ông tôi nghiện.
– Ồ sao anh lại lo thế? Ông tôi chết rồi. Nhưng nếu tôi ghét ông anh thì cũng như là tôi ghét ông tôi.
Cụ Hàn thấy con dâu đưa hai đứa về, mừng như điên như cuồng:
– A ha, các cháu đã về. Ông mong cho cứ phải đi «lánh nạn » mãi mãi để cho các cháu ở đây mãi mai. Đấy, nhà đấy, cửa đấy, vườn đấy, cây đấy, ông cho tha hồ phá.
Rồi trỏ đàn trâu bò lúc ấy đang lùa ra cho đi ăn:
– Và đứa nào muốn ăn thịt trâu, hay thịt bò, bảo một tiếng, ông sai chúng nó làm thịt lập tức cho mà ăn.
Rồi xoa đầu thằng Vi hỏi mẹ thằng Hoa:
– Đây con anh phán Tuyển đây có phải không?
– Thưa thầy, phải đấy ạ.
Cụ Hàn cười giòn tan:
– Cậu cháu xưa kia là hay trèo cây bẻ trộm hoa quả của ông lắm. Ông đã bẹo tai nhiều lần. Nhưng tính ông ngày xưa khác, tính ông bây giờ khác. Ông cho tha hồ cháu trèo, làm sao đừng cho ngã gẫy chân thì thôi.
Thằng Hoa nhìn thằng Vi, rồi nhướng chân mày. Cái nhướng chân mày ấy như để viết một câu văn không lời:
– Đấy anh xem tôi nói có đúng không. Ông tôi chiều chúng ta lắm.
Còn mợ thằng Hoa thì ra ý không bằng lòng về sự ông chiều chúng nó quá:
– Ông nuông chúng nó thế, rồi chúng nó hư đi.
Cụ Hàn dắt tay hai đưa:
– Nó có hư mặc tôi. Người ta hư là tự tính. Chị còn trẻ, chị còn sống lâu, chứ tôi già rồi, tôi chẳng còn được sống với cháu tôi bao nhiêu nữa.
Rồi ông dắt phăng ngay hai đứa vào, cho ngồi chễm-chệ ở cạnh bàn đèn.
– A ha, hôm nay có hai cháu về, ông phải hút thuốc phiện rõ thật say để ăn mừng. Các cháu ở đây với ông thật lâu, nghe không. Ở đây sướng bằng mấy mươi ở Hà Nội. Gà vịt tha hồ, nhà cửa lại rộng rãi. Vườn cây mát như động. Muốn ăn gì cũng có.
Hai đứa ở đấy đang vui vẻ thì bỗng một hôm ông Hàn để một đồng bạc vào trong ngăn kéo bị mất.
Nhà tuy đông người, nhưng chỉ có hai người là được phép lên nhà trên và vào buồng hút của ông: con Nụ và ông nhiêu Phi.
Ông nhiêu Phi là một nghĩa bộc theo hầu ông Hàn đã ngoài bốn mươi năm nay rồi. Lúc ông Hàn nghèo cũng như lúc ông Hàn giầu, bao giờ ông nhiêu Phi cũng ở hết lòng. Ông Hàn tin-cẩn lắm, giao tiền trăm tiền nghìn cho giữ. Và hiện nay ông Hàn cho ông ấy đứng quản-gia coi-sóc tất cả gia-tư điền sản. Lúc nào, ông Hàn cũng bằng lòng ông Nhiêu. Ông bằng lòng đến nỗi ông viết cho con ông Nhiêu ba mẫu ruộng tư- điền, và cho cả một nếp nhà ngói. Cái nhân-cách của ông thật là trên sự ngờ-vực.
Còn con Nụ thì ông Hàn mới nuôi được chừng sáu tháng nay để quét nhà đun nước. Nó có vẻ hiền-lành và nết-na nên ông cũng tin nó lắm.
Đấy là nói người nhà, còn thằng Vi và thằng Hoa thì nội nhà muốn sục sạo vào đâu, tha hồ. Từ hồi chúng nó về, thì ông Hàn bỏ hết cả những lệ-luật xưa nay ở trong nhà vì chúng nó. Chúng nó ăn giờ nào thì ông Hàn ăn giờ ấy, chúng nó muốn ăn gì thì ông Hàn ăn thứ ấy. Thậm chí có khi đang bữa thuốc, chúng nó lại lôi ông Hàn bắt phải đi câu cá ở ao sen trước cửa với chúng nó, ông Hàn cũng phải đặt tiêm đứng dậy đi.
Hôm ấy là ngày phiên chợ. Nhận được tin con giai nói ngày mai đưa vợ chổng ông phán Tuyển về chơi, cụ Hàn mở tủ sắt lấy tiền cho ông Nhiêu ra chợ mua sẵn các thức ăn. Lúc về, còn thừa một đồng, cụ Hàn đang dở hút không muốn đứng dậy mở tủ cất, liền thuận tay mở cái ngăn kéo ở chiếc bàn kê cạnh giường hút, bỏ vào đấy.
Lúc cụ bỏ vào thì cả thằng Hoa và thằng Vi cũng ở đấy mà con Nụ thì đang pha nước ở bên.
Buổi chiều, khi cụ Hàn mở ngăn kéo lấy tiền để tiêu, thì không thấy tiền.
Là nhà giầu, lại vốn tính cương-trực, ông Hàn không thể dung-tha cho một tên ăn-cắp nào ở trong nhà. Ông thấy mất tiền, liền cho gọi tất cả gia-nhân đầy tớ lên tra-vấn. Bọn lực-điền thì không bao giờ dám bén mảng lên đến nhà trên rồi. Sau khi hỏi qua loa, ông liền cho họ xuống nhà, chỉ giữ có ông Nhiêu và con Nụ ở lại.
Ông Hàn bảo ông Nhiêu và con Nụ:
– Gian buồng này chỉ có ông với nó vào mà tôi mất tiền. Ông thì không bao giờ lấy của tôi rồi. Nếu ông mà có lòng tham thì ông lấy của tôi bạc trăm, hà tất ông phải ăn cắp vặt một đồng bạc.
Ông Nhiêu xoa tay rồi cung-kính thưa:
– Cụ nghĩ thế thật là con được đội ơn cụ lắm. Con hầu cụ mấy chục năm nay, bao nhiêu lần cụ đánh rơi tiền, con đem giả cụ…
Ông Hàn xua tay:
– Không, tôi biết. Tôi không bao giờ ngờ cho ông. Đồng bạc này chỉ có con Nụ nó lấy của tôi. Nụ, mày có trót dại lấy thì phải thú thật đi, tao sẽ khoan tha cho. Nếu không tao sẽ đánh chết mày.
Con Nụ mếu-máo:
– Con không dám ăn cắp của cụ. Con thề nếu con có lấy của cụ thì giời đừng để cho con sống.
– Mày không lấy của tao thì còn ai nữa. Chỉ có một mình mày ra vào ở đây.
Rồi quay sang ông Nhiêu:
– Tôi nằm đây cả ngày. Chỉ lúc hai giờ, tôi chạy sang nhà lý-trưởng có một chốc, rồi tôi lại về ngay. Nó có lấy của tôi là lấy vào lúc ấy. Lúc tôi đi vắng, ông có trông thay con Nụ vào đây không?
– Thưa cụ, nó quét dọn ở dây thì thường là nó ở trên nhà.
– Thế lúc ấy ông có trông thấy người nhà bén- mảng lên đây không?
– Thưa cụ, giờ ấy họ đi làm đồng cả. Con tuyệt nhiên không thấy ai vào đây.
Cụ Hàn nổi giận rút chiếc phất-trần giơ lên toan vụt con sen. Con sen lùi lại:
– Thưa cụ, lúc ấy con trông thấy cậu Vi vào đây và cậu Vi mở ngăn kéo.
Cụ Hàn vội ngừng tay lại nhìn thằng Vi. Thằng Vi mặt bỗng tái nhợt, nhưng nó không chối, nhận ngay:
– Cháu có mở ngăn kéo, nhưng cháu không trông thấy đồng bạc, mà cháu cũng không lấy đồng bạc của cụ.
Cụ Hàn đặt phất trần:
– Thế cháu mở ngăn kéo làm gì?
Thằng Vi ấp úng:
– Cháu mở…. cháu mở ngăn kéo tìm dây để… buộc súng cao-su.
Cụ Hàn chỉ cuộn dây gai treo ở ngay chiếc cột cạnh bàn:
– Dây gai ở cột này, hôm qua ông sai cháu treo vào đây, sao cháu không lấy, cháu lại mở ngăn kéo để tìm?
Thằng Vi Tại càng ấp-úng:
– Cháu không… biết tại sao.
Ông Hàn cúi đầu ngẫm-nghĩ, rồi cụ bảo con Nụ:
– Cháu tao không đời nào lấy của tao. Mày lấy thì phải thú đi.
Con Nụ khóc bù-lu bù-loa:
– Thưa cụ, con thì không biết bạc tiền nào đâu cả. Và con không sờ đến cái ngăn kéo ấy.
Rồi nhìn thằng Vi:
– Ai mở ra thì người ấy lấy, chứ con biết đâu.
Thằng Vi chưa kịp cãi, thì thằng Hoa đã đứng phắt ngay dậy, tát nghiến vào mặt con Nụ:
– Mày nói láo, bạn tao không đời nào ăn cắp.
Rồi quay sang ông:
– Ông đừng nghi cho anh Vi, anh Vi không biết ăn cắp đâu. Đồng bạc ấy cháu biết, cũ rồi, lại dán giấy thuốc lá. Lúc ông Nhiêu đem về đưa ông, cháu cầm mãi xem. Hễ cháu trông thấy đồng bạc ấy là cháu nhận được ngay. Nếu chỉ có một mình con Nụ vào đấy thì chỉ có nó lấy của ông thôi, chứ anh Vi thì không lấy.
Giọng nói cứng cáp và tin-tưởng của nó làm cho ông Hàn tin:
– Ông biết. Cháu Vi không đời nào nó lấy. Ông Nhiêu, ông thử khám con Nụ xem nó có đồng bạc nào để cháu Hoa nó nhận nào.
Con Nụ bằng lòng ngay:
– Vâng đây cụ khám, con ở hầu cụ chưa lấy tiền công, con chẳng có đồng bạc nào cả.
Ông Nhiêu khám thật kỹ. Trong người con Nụ chỉ có sáu xu. Lúc ông Nhiêu khám xong, ông Hàn liền cho nó xuống nhà. Ra đến cửa buồng nó liền rủa ngay:
– Cha chín đời mười đời đứa nào lấy để cho bà phải mắc tiếng oan!
Cụ Hàn thôi không hỏi về đồng bạc nữa, nhưng cụ nhìn Vi bằng một con mắt nghiêm-khắc. Mà ông Nhiêu thì cũng nhìn nó bằng một con mắt không lành.
Ông Hàn đang nằm xem sách và ông Nhiêu đang nằm tiêm thuốc cho chủ thì thằng Hoa bước vào. Thấy cháu vào, ông Hàn đặt sách ngồi dậy:
– Cháu chưa ngủ à? Cháu vào có việc gì thế?
Thằng Hoa tiến lại trước mặt ông, rồi nói thẳng một hơi:
– Đồng bạc của ông cháu lấy đấy, chứ không phải anh Vi đâu.
Ông Hàn buông sách, ngơ ngác không hiểu:
– Cháu muốn tiêu thì cháu xin ông đến một chục, một trăm ông cũng cho ngay, tại làm sao cháu lại ăn cắp.
Thằng Hoa cúi đầu không nói. Ông thở dài:
– Thế cháu lấy để làm gì? Nhà ta có thiếu cái gì mà cháu phải lấy?
– Cháu lấy để cháu tiêu.
– Tiêu gì?
– Cháu tiêu cái này.
Ông Hàn gặng hỏi, nó lại giả nhời:
– Cháu tiêu cái… cái này.
Ông Hàn gặng hỏi mấy lần, nó đều không thể nói rằng nó đã tiêu gì. Nó chỉ một mực giả nhời: tiêu cái này.
Ông Hàn thấy cháu không chịu nói cũng không hỏi nữa, ông kéo tay cháu lại gần:
– Từ giờ cháu có muốn liều gì thì xin ông, ông cho ngay. Cháu đừng có ăn cắp mà nó quen tính đi, mà người ta khinh.Lần này ông tha cho và không mách vói cậu mợ cháu. Cậu mợ cháu mà biết cháu ăn cắp thì cậu mợ cháu buồn, cháu nhớ chừa đi nghe không?
Thằng Hoa không dạ và cũng không khóc như thường-tình những đứa ăn cắp khác bị người ta bắt được, nó chỉ lặng im.
Ông Hàn tưởng cháu xấu hổ, cũng không nói với cháu nữa. Ông quay sang bảo ông Nhiêu:
– Ngày kia cậu mợ nó về, ông phải dặn giấu cho nó đấy nhé, chứ không cậu nó tính nghiêm-khắc lắm, biết chuyện thì đánh nó chết, và ông nhớ đừng nói cho ai biết.
Thằng Hoa đi rồi, ông Hàn lại nằm xem sách và hút thuốc phiện. Đến điếu thứ ba, ông ra hiệu cho ông Nhiêu đừng tiêm nữa rồi bảo:
– Vụ này nhiều cái đáng ngờ lắm. Tôi xem ra mặt thằng Hoa không phải là cái mặt thằng ăn cắp. Lúc nãy, nó vào đây tôi trông vẻ mặt nó cương-trực và mạnh-bạo lắm, chứ không phải là dáng-điệu của một thằng ăn cắp.
– Vâng, con cũng nghĩ thế, con cháu nhà ta… Và con ra ngoài nhà hầu ông bà con luôn, con biết cậu con không có tính ấy.
– Nó lại bảo không phải thằng Vi. Thế thì ai? Cả hai đứa tôi xem ra đều không thể ăn cắp. Chắc có điều gì ẩn-khúc ở trong đây.
– Nếu mà con Nụ nó không nói rằng cậu Vi mở ngăn kéo thì con quyết là chỉ có nó. Con xem con mắt nó gian lắm. Con bắt được nó ăn vụng luôn.
Cụ Hàn lặng im nghĩ ngợi một lúc lâu, rồi bảo ông Nhiêu:
– Thường-tình đứa đã ăn cắp thì hỏi đến nó phải chối. Đằng này, thằng Vi không chối mà lại nhận ngay là có mở ngăn kéo. Việc này nhiều ẩn-khúc lắm.
Sáng hôm sau, ông Hàn gọi thằng Vi và thằng Hoa vào hỏi từng đứa một, rồi ông cho gọi ông Nhiêu lên:
– Tôi đã gọi hai đứa vào hỏi vặn mai, thằng Vi thì bảo không, mà thằng Hoa thì nhận có. Nhưng trong cái có của nó, tôi thấy có lắm điều ngờ-vực.
– Nếu cậu Hoa không lấy thì chỉ có con Nụ. Nhưng nếu cậu ấy không lấy thì cậu ấy nhận để làm gì?
– Ấy cái chỗ tôi rất nghi. Tôi đã nghĩ rồi, con Nụ tuy mồm nó xoen xoét thế, nhưng tôi tin rằng nó lấy. Hay là thằng Hoa vì thương nó bị đòn mà nhận cho nó, tôi kinh-nghiệm nhiều tôi biết người nào ngay thẳng, người nào không. Bây giờ có một cách nầy thì biết rằng con Nụ có ăn cắp hay không. Nhưng ông phải kín mới được.
– Thì xưa nay cụ sai con việc gì, con đâu có dám hở với ai.
– Thằng Hoa nó bảo đồng bạc ấy là đồng bạc cũ phải không?
– Vâng. Rách và có dán giấy thuốc lá.
Ông Hàn mở tủ sắt lấy ra một tờ giấy bạc mới nguyên:
– Nhà quê thì không ai thích giữ bạc cũ và bạc rách. Nếu thật con Nụ mà nó ăn cắp của tôi thì thế nào nó cũng đổi lấy đồng bạc mới. Chốc nữa, tôi cứ thản-nhiên như không, sai nó ra phố Phùng mua gói chè. Nếu mà nó lấy của tôi thì nó sẵn dịp này đổi đồng bạc cũ lầy đồng bạc mới. Lúc nó đi mua thì ông phải theo nó, nhưng phải làm thế nào cho nó đừng trông thấy. Nó mua xong, đi rồi, thì ông vào liền ngay nhà hàng hỏi xem đồng bac nó mua. Nếu đúng đồng bạc có dán giấy thuốc lá thì chính là nó lấy. Ông đổi lấy đồng bạc ấy đem về đây cho tôi.
Con Nụ đi mua chè đem về được một lát thì ông Nhiêu cũng về. Ông về với một bộ mặt vui vẻ. Ông đưa đồng bạc cũ cho ông Hàn rồi xuýt xoa:
– Cụ thật mưu Gia-cát. Thảo nào cả làng này ai cũng phải kinh sợ cụ. Nhưng nếu cậu Hoa không lấy, tại làm sao cậu ấy lại nhận?
Ông Hàn nở một nụ cười:
– Đi gọi con Nụ lên đây. Đến đứa ăn cắp tôi còn xét ra được, tại làm sao cháu tôi nó không ăn cắp mà nó lại nhận. Rồi tôi phải xét ra.
Con Nụ lên thì cụ Hàn liền giơ tay:.
– Tao biết hết cả rồi. Nếu mày không muốn tao bảo Lý-trưởng dẫn mày lên huyện thì mày phải thú ngay đi.
Con Nụ vẫn thản-nhiên:
– Con chẳng làm gì mà con phải thú cả.
– À, nếu mày không thú thì tao sẽ đưa mày lên quan.
Ông Hàn nói xong cầm đồng bạc cũ ở khay đèn đưa ra cho con Nụ xem:
– Tao đưa cho mầy đồng bạc mới đi mua chè, tại làm sao mày lại giả nhà hàng đồng bạc cũ có dán giấy thuốc lá là đồng bạc tao mất cắp ngày hôm qua?
Con Nụ mặt bỗng xám đi, nhưng nó vẫn cố cãi:
– Con giả đồng bạc mới cho nhà hàng rõ-ràng. Còn đồng bạc này ở đâu ra, con không biết. Con thề… không dám ăn cắp của cụ.
– Mày đừng có thề, mày đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, đừng có thề thế mà không hay đâu. Cứ thú thật đi thì tao sẽ khoan tha cho.
Con Nụ vẫn cứ chối. Ông Hàn liền sai ông Nhiêu khám thì ông Nhiêu tìm thấy đồng bạc mới nó buộc ở đầu dải yếm. Cụ Hàn cầm lấy đọc số, rồi cụ đem đối chiếu với cái số ở mảnh giấy cụ đã biên để lại thì con số giống nhau:
– Bây giờ mày còn chối nữa không?
Con Nụ lúc ấy sợ-hãi mới thụp xuống lạy:
– Lạy cụ, con trót dại, cụ khoan tha cho con một lần.
– Tao tha, từ giờ chừa đi thì tao tha. Nhưng từ giờ đã ăn cắp thì thôi, chứ đùng có vu oan cho ai mà tội Tại làm sao mày đã lấy, mày lại nói để cho tao ngờ cho cậu Vi?
– Thưa cụ, con có vu oan cái gì đâu. Chính cậu ấy có mở ngăn kéo thật. Mà vì cậu ấy có mở ngăn kéo nên con mới dám nghĩ đến sự ăn cắp của cụ.
– À ra thế. Mày định để một người vô-tội mắc tiếng oan vì mày. Thế thì mày xấu lắm con ạ. Tự giờ phải chừa cái thói ấy đi.
Hôm sau, vợ chồng phán Tuyển và thầy mẹ thằng Hoa về thật sớm. Ông Hàn tiếp phán Tuyển như một người con, cũng như ông coi thằng Vi là một đứa cháu.Sau khi chè nước xong xuôi, ông Hàn nhìn thằng Hoa rồi bảo:
– Hôm kia, tôi bỏ đồng bạc vào ngăn kéo, rồi đồng bạc bỗng mất. Tôi đã tìm ra được đứa ăn cắp.
Ông Nhiêu tủm-tỉm cười, còn thằng Hoa thì vội vàng đứng dậy nói với cha:
– Con trót dại, cậu tha cho con.
Ông Phán Minh bỗng đùng đùng nổi giận:
– À, sao bây giờ mày lại giở chứng và sinh đốn ra thế?
Rồi ông giơ tay toan tát con. Cụ Hàn vội giữ lấy tay con giai:
– Không phải nó ăn cắp. Nó chỉ nhận là ăn cắp thôi. Cậu đừng đánh nó, oan cho nó. Tôi đã biết chính ai là ăn cắp rồi.
Tuy thấy cha giận, nhưng lúc ấy, thằng Hoa không sợ:
– Chính cháu ăn cắp, chứ không phải ai. Lần sau cháu xin chừa.
Cụ Hàn lắc đầu, rồi kéo thằng Hoa lại lòng:
– Không phải cháu. Con mắt của ông là con mắt Khổng-Minh, không ai giấu một điều gì được.
Thằng Hoa bỗng run lên:.
– Chính cháu đấy, ông ạ.
– Không phải, ông biết rồi.
Mọi người ngơ-ngác không hiểu. Cụ Hàn sẽ vuốt tóc cháu rồi hỏi:
– Tại sao cháu không ăn cắp mà cháu lai nhận là cháu ăn cắp. Chính con Nụ nó ăn cắp của ông. Nó đã thú nhận rồi.
Cụ Hàn móc đồng bạc đưa cho thằng Hoa xem:
– Có phải đồng bạc có dán giấy thuốc lá này không?
– Vâng.
– Thế một khi cháu đã ăn cắp của ông, sao nó lại trở về tay ông?
Thầng Hoa lặng im không giả nhời làm sao được. Nó chỉ chằm chằm nhìn vào thằng Vi:
– Thế thật con Nụ nó ăn cắp của ông đấy à?
– Ông có bao giờ nói dối.
Rồi cụ Hàn kể cho mọi người biết cái mưu của cụ. Rồi cụ gọi con Nụ lên. Rồi cụ hỏi thằng Hoa:
– Cháu phải nói thật. Tại sao cháu không ăn cắp mà cháu lại nhận là ăn cắp.
Thằng Hoa lặng im.
– Có phải cháu biết là nó ăn cắp, nhưng cháu sợ nó bị đòn, cháu nhận giúp cho nó phải không? Thôi hiểu rồi. Mỗi lần cháu đi câu, nó đều chịu khó đi kiếm giun cho cháu, nên cháu thương nó chư gì.
Thằng Hoa lắc đầu:
– Không phải thế. Đời nào cháu thấy nó ăn cắp của ông, cháu lại để yên cho nó.
Đến lượt cụ Hàn ngơ-ngác không hiểu. Cụ gặng hỏi duyên-cớ, nhưng thằng Hoa nhất định không nói.
Cha nó cùng ông phán Tuyển, bà phán Tuyển xúm lại hỏi nó, nó cũng lặng im. Thấy hỏi nó không nói, cậu nó hò hét dọa nạt, nó cũng cứ im. Xẳng không được, người ta dỗ ngọt. Mợ nó bế nó lên lòng:
– Tại làm sao con giai của mợ lại giấu mợ? Làm con mà còn có điều gì giấu cha mẹ thì chẳng hóa ra con hư lắm hay sao? Có điều gì con cứ nói thật đi. Dù thế nào, ông và cậu mợ cũng không trách mắng con đâu. Đấy con xem, con không ăn cắp mà con nhận là ăn cắp, lúc ông chưa tra ra, ông cũng còn chẳng nói gì con nữa là. Con nói đi, chứ không mợ buồn rằng con giai mạ không yêu mợ, không tin mợ, mợ buồn, mợ khóc bây giờ. Con có sợ mợ buồn, mợ khóc không?
Thằng Hoa ôm chầm lấy mẹ, rúc vào lòng rồi gật đầu.
– Thế thì con nói đi.
– Nhưng con không thể nói được.
Bà Phán Minh dỗ mãi con không được đâm tức. Bà hắt thằng Hoa ra:
– Nếu thế này thì con không phải là con của mợ rồi.
Thằng Hoa ôm mặt khóc tu tu, nhưng nó vẫn không nói. Mợ nó phát vào đít nó:
– Thôi cút đi, tao không nhận mày là con nữa đâu.
Cha nó lên cái giọng nghiêm-khắc:
– Ừ, nó đã giấu-giếm bố mẹ, thế thì tức là nó không thương mình, còn nhận nó làm con làm gì.
Thằng Hoa vẫn cứ im. Bỗng thằng Vi nhẩy lại ôm chầm lấy nó:
– Thôi tôi biết rồi, có phải anh sợ mọi người nghi cho tôi ăn cắp vì tôi mở ngăn kéo, nên anh nhận thay để mọi người khỏi nghi cho tôi có phải không?
Thằng Hoa òa khóc to, ôm chặt lấy bạn, rồi gật gật đầu. Thằng Vi dít chặt lấy nó, rồi cũng òa khóc. Mọi người ai cũng cảm-động. Ông phán Tuyển đưa mắt nhìn ông phán Minh, rồi hai người cùng cúi đầu, rồi cả hai cùng òa lên khóc. Rồi hai bà phán cũng khóc, rồi cụ Hàn là người sắt đá nhất cũng khóc nốt.
Cụ Hàn nín khóc đầu tiên. Cụ kéo thằng Vi và thằng Hoa cho ngồi mỗi đứa lên một đùi, rồi trỏ thầy chúng nó lúc ấy mắt còn đỏ hoe mà hỏi:
– Bây giờ ông nhận anh phán Tuyển là con, cho làm anh em ruột thịt với cậu cháu, cháu có bằng lòng không?
Thằng Hoa gật lấy gật để.
– Nếu thế thì chúng cháu cũng tức là anh em.
Thằng Hoa lại gật.
– Nếu cháu muốn ông bằng lòng thế, cháu phải nói rõ đầu đuôi tại sao cháu lại nhận.
– Tại cháu thấy ông ngờ cho anh Vi, và khi cháu đi qua nhà ngang, cháu thấy mọi người nhà, ai ai cũng nghi cho anh Vi. Họ bảo đã mở ngăn kéo tức là ăn cắp, chứ không thì mở ngăn kéo làm gì.
– Thế ông hỏi thật nhé: cháu có nghi cho anh Vi không nào?
Thằng Hoa lưỡng-lự một khắc:
– Cháu không biết cháu có nghi không, nhưng cháu thấy mọi người nghi cho anh ấy, cháu khổ lắm. Cháu là cháu của ông, nhỡ ăn cắp của ông không sao. Chứ anh ấy... Cháu lại sợ ông đuổi anh ấy không cho anh ấy ở đây với cháu nữa, vì cháu biết tính ông ghét những người ăn cắp lắm.
– À ra thế. Nhưng bây giờ nó cũng đã là cháu của ông rồi, thì tha hồ nó ăn cắp của ông, không sao.
Vi nói ngay:
– Nhưng cháu không dám ăn cắp của ông đâu, ông ạ.
Cụ Hàn cười ha hả:
– Ừ ông biết cái tính của các cháu không ăn cắp, ông mới nói thế, chứ nếu biết là cái tính ăn cắp thì ông phết vào đít cho bao giờ chừa thì thôi.
Ông phán Tuyển đứng dậy bế thằng Hoa:
– Nhưng nếu giá-dụ con biết thằng Vi lần này nó ăn cắp thật thì con có bênh nó không?
Thằng Hoa không biết giả nhời ra sao. Ổng phán Minh lại hỏi:
– Nó là thằng ăn cắp cơ mà, bênh làm sao được?
Thằng Hoa ngập-ngừng:
– Con chỉ biết anh ấy là bạn con. Và con chỉ sợ hai đứa không được ở với nhau thôi.
Bà phán Minh tủm-tỉm cười:
– Giá một đứa là giai và một đứa là gái thì mợ quyết cho lấy nhau.
Cụ Hàn vuốt bộ râu bạc:
– Đàn ông đối với nhau thế mới quý, chứ đàn bà thì là sự thường rồi.
Lê Văn Trương
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...