Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

 

Dấu chân của người lính Nguyễn Minh Châu – Cung đường cuối cùng

Giá mà nhà văn Nguyễn Minh Châu còn có thêm 20 năm sống, thì không biết, văn học chúng ta, bước khỏi không gian chiến trận, đã có thêm những trang viết mới mẻ về con người Việt Nam trên hành trình hòa hợp, hòa hiếu, khoan dung để cùng nhau xây dựng một cuộc sống xứng với những hy sinh vô lượng…

Đã 30 năm, người lính cầm bút xuất sắc Nguyễn Minh Châu đã dừng bước trên đường đời, khi chưa bước qua chu giáp đầu tiên. Những bạn bè, đồng đội cùng trang lứa, ngày nào còn quây quần trong trung tâm văn bút Văn nghệ quân đội – có thời được gọi là Văn đội quân Nghệ – và tác phẩm của họ luôn nằm ở vùng trung tâm của dư luận văn chương nước nhà, giờ cũng đã lần lượt khuất bóng.

Vóc dáng thân hình cũng như tác phẩm lừng lững của những Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Xuân Thiều, Chính Hữu, Nguyễn Trọng Oánh, Thu Bồn, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Văn Phác, Nam Hà, Xuân Sách, Hải Hồ, Mai Ngữ, Phạm Ngọc Cảnh, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Hồng Duệ, Nguyễn Chí Trung…, như kết đọng tinh hoa của 30 năm chiến tranh, đang mờ phai dần trong bức tranh văn học mới mẽ nhiều màu, lắm sắc đương đại.

Thuộc lớp hậu sinh, tôi coi là may mắn, khi đã có ít nhiều những năm tháng được sống  trong cùng một mái nhà số 4 Lý Nam Đế vào cái tuổi sung mãn và dồi dào sức sáng tạo nhất của hầu hết các Anh, từ những năm cuối của chiến tranh, từng đi sơ tán mấy lần lên Hương Ngãi – Thạch Thất – Hà Tây, từng đi chiến trường Quảng Trị 1973, theo các cánh quân từ nhiều mũi, nhiều đơn vị lại hội tụ ở Huế rồi Đà Nẵng tháng 3-1975,và ào ạt vào Sài Gòn ngày đầu ta làm chủ thành phố, theo các cánh quân tình nguyện sang Campuchia, lên biên giới  phía Bắc trước và sau chiến tranh biên giới với Trung Quốc, đi họp cộng tác viên của Tạp chí Văn nghệ quân đội nhiều tỉnh thành sau ngày đất nước thống nhất, ở Huế, Đà Nẵng, tới tận An Giang, Cần Thơ, Cà Mau…

Nhưng, thật đau lòng, khi chứng kiến sự tàn phá của thời gian lên mỗi con người tài hoa, tử tế, hiền lành, chân chất, khiêm nhường như là nơi tụ hội phẩm chất tốt đẹp nhất của những người lính mà số phận biến họ thành những người ghi chép chiến công của đồng đội. Chỉ riêng điều đó thôi, họ đã xứng đáng với sứ mệnh của những Người lính – Nhà văn . Không phải những ai từng cùng đồng đội chiến thắng trong cuộc chiến ác liệt, không cân sức, đều đã có cuộc sống yên lành trong thời bình. Tuổi tác, sức khỏe, bệnh tật do những hậu quả khác nhau của chiến tranh và chiến trường, khó ai có thể vượt qua. Lại còn hạn chế của trình độ, tài năng, nhận thức, và cách ứng xử cùng hoàn cảnh gia đình  mà xuất hiện những số phận khác nhau.

Sau những ngày đầu cuộc chiến tranh trường kỳ kết thúc thắng lợi, sau những trang viết tràn đầy hào khí chiến thắng, trên chặng đường mới của hiện trạng một đất nước hậu chiến không hoàn toàn như đã từng tưởng tượng, với bao nhiêu vấn đề mới xuất hiện, những nhà văn vẫn mặc áo lính, đã bước vào một chặng đường nhận thức và sáng tác mới.

Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu thực sự đã khởi đầu cho bước dấn thân, từ  thời kỳ sáng tác  Của chúng ta làm ca ngợi chúng ta (Thơ Chính Hữu), sang một vùng đề tài thoáng rộng hơn. Nguyễn Khải vẫn lối viết lý sự lấn át miêu tả, đã có những vở kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn mà hình ảnh anh bộ đội không còn là nhân vật chính: Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Điều tra về một cái chết, Vòng sóng đến vô cùng, Một cõi nhân gian bé tí, Một người Hà Nội, Sư già chùa Thắm và Ông già về hưu, Một thời gió bụi, Hà Nội trong mắt tôi, Chút phấn của đời, Thượng đế thì cười, Vòng tròn trống rỗng,…

Nguyễn Minh Châu vẫn là viết về người lính nhưng khi chiến trận đã dần đi qua: Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Mãnh đất tình yêu (1987), Cỏ lau (1989), Mùa trái cóc ở Miền Nam…

Sự chuyển dịch đề tài của Nguyễn Minh Châu chỉ thực sự được diễn ra trên chặng đường cuối của hành trình văn học với tập truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (1997), và truyện vừa được hoàn thành trên giường bệnh: Phiên chợ Giát (1988). Rời khỏi thế giới nhân vật quen thuộc,với cách thể hiện, mà nhà nghiên cứu văn học Nga khá am tường về văn học Việt Nam, Nicolai Nikulin nhận xét: Niềm tin vào tính bất khả chiến bại của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ Anh đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng, nhà văn dấn bước vào những góc khuất của đời thường, mà những năm chiến tranh ít được văn chương để mắt đến. Cái nhìn tinh tế, lối thể hiện trực diện nhiều nghịch lý tồn tại trong đời thường trong một loạt truyện ngắn của cây bút xuất sắc viết về người lính đã gây nên những luồng dư luận khác nhau, đến mức cơ quan chỉ đạo đã mượn báo Văn nghệ tổ chức một cuộc thảo luận về truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Trong cuộc thảo luận đó, người khen cũng có, nhưng âm hưởng chủ đạo vẫn là phê phán cách thể hiện hiện thực thiếu tươi sáng, không lạc quan của Nguyễn Minh Châu.

Là người được sống gần tác giả những ngày tháng đó, chúng tôi được chứng kiến những biểu hiện khác nhau, với tâm trạng không thật tự tin, khác hẳn tâm thế khi hoàn thành các tác phẩm viết về người lính thuở trước. Thuộc bộ phận sáng tác, dù ở một cơ quan bộ đội, các Anh không phải đến cơ quan hàng ngày. Khi xong một tác phẩm mới, hồi đó, tất cả đều viết bằng bút mực, phải mang lên cơ quan đánh máy. Có những truyện, khi đưa in, chính tác giả lại phân vân, xin rút lại, hay sửa chi tiết này nọ. Nhà thơ Xuân Sách, tác giả tập thơ Chân dung nhà văn, từng có câu viết về Nguyễn Minh Châu: Dấu chân người lính in mau/ Thằng này không trước thì sau cũng… tù. Nhưng điều lạ, là những truyện sau đó càng quyết liệt, đáo để hơn.

Những ngày chuẩn bị Đại hội Nhà văn, sau 1986, như là cái mốc thời gian mở đầu thời kỳ Đổi mới, những suy nghĩ về văn chương được tác giả thể hiện trong một số bài viết, mà gây chú ý nhất là Lời ai điếu cho một thời kỳ văn học minh họa. Nằm trên giường bênh ở Viện Quân y 108, nhà văn vẫn trực tiếp viết trả lời phỏng vấn của chị Thiếu Mai ở báo Văn nghệ. Tác giả viết xong ngày 22-11-1988, báo đăng số ra ngày 3-12-1988, gần 2 tháng trước ngày tác giả mất. Trả lời câu hỏi về thời điểm xuất hiện khái niệm cởi trói, nhà văn cho rằng: Đủ hay chưa là ở nội lực cá nhân từng nhà văn chúng ta. Từng nhà văn chúng ta mới là kẻ quyết định… Anh mang cái vòng dây trói ấy trong mọi thói quen và quan niệm sáng tác lâu ngày đến mức trở thành một thứ thuộc tính… Đến ngày nay chúng tôi đã có sau lưng đôi chút tác phẩm được làm nên bởi mồ hôi, nước mắt và cả tâm huyết của một thời đầy nghiêm trọng của số phận đất nước. Chưa nói chuyện những tác phẩm ấy bây giờ nhìn lại hay dở ra sao mà hãy nói cái lằn dây mình tự trói mình lâu ngày nó đã ăn lún sâu vào da thịt, biến thành da thịt, có khi cởi ra còn đau đớn hơn cái lúc trói vào.

Nói về những trăn trở của nhà văn những năm trước sau đổi mới, Nhà văn tự nhận: Đó là những năm các nhà văn nghĩ rất nhiều và băn khoăn day dứt rất nhiều về mối quan hệ giữa văn học và đời sống thực đang mỗi ngày một xa nhau, cách biệt đến mức như một trò khôi hài…. Tôi là người viết trong bộ đội, những năm chống Mỹ ác liệt,có lúc ở chiến trường sống bên cạnh cái chết nhưng khi ngồi viết thì thanh thản, còn về sau này, nhất là vào những năm 1983,1984 ,có đôi khi mình cầm bút mà cảm giác y như đứng giữa trận tiền, viết ra một cái gì đưa đi in, trở về nhà ngồi nghĩ lại, lại đâm sợ cái vừa được làm ra.

PV: (Cười). Rồi lại vội vã chạy đi lấy về?

NMC : Tính tôi vốn dát mà chị! Tóm lại đó là những ngày tháng giống như một thứ máy kiểm nghiệm từng nhà văn cả về tài năng và nhân cách: Có những cái viết về chủ nghĩa xã hội, lúc anh viết ra được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, về sau ngó nhìn lại thấy nó cứ bạc phếch như mặt vai nịnh trên sân khấu Tuồng.

PV: Cái nghề giấy mực đôi khi nó cũng độc thật, anh Châu nhỉ?

NMC: Không phải độc, mà nó công bằng, nó sòng phẳng

PV: Bức tranh – Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành – Hai con nhóc – Dấu vết nghề nghiệp – Chiếc thuyền ngoài xa – Khách ở quê ra… có phải được in ra trong những năm ấy phải không?

NMC (Cười): Tôi đã khoác lác làm xôm trò cho tờ tuần báo của chị một thời gian khá lâu, kể cả cái trò rất xôm: Trao đổi về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau đó.

PV: Anh nghĩ gì về công việc của các nhà văn?

NMC: Tôi nghĩ rằng thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một công việc chính và duy nhất là viết cho hay, ngoài ra bằng uy tín của mình anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người: trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng, thây kệ khi con người bị đầy đọa và chà đạp, và công việc đó nó phải là phản ứng tự nhiên của các nhà văn. Nhưng với các nhà văn nước ta, có lẽ hình như vì mang tư tưởng tự ty do tiếng nói bé bỏng,đôi khi chúng ta y như những kẻ bàng quan trước những vấn đề cấp bách của con người. … Là những nhà văn hiền lành, vô sự,chỉ biết ca ngợi,cả đời chúng ta không làm hại ai,không làm điều ác với ai. Nhưng cái lỗi lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp hãi trước cái xấu và cái ác, nhất lá khi cái xấu và cái ác đã nắm quyền lực. Và lâu dần,dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó, cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành,đang chi phối số phận con người,coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất…

Và ao ước cuối cùng của nhà văn là : Làm sao biến Hội ta thành Hôi của những Tài năng và Nhân cách văn học chứ không phải Hội của những Viên chức văn học.

Tôi nhớ, cuối năm 1974, khi còn chiến tranh, nhà văn từng nói: Con người bây giờ sống trơ tráo: Xấu một cách trơ tráo, không che dấu, không úp mở. Đó là một điều đáng sợ. Cuộc sống hiện nay đưa con người ra thử thách một cách toàn diện, tận cùng. Bởi nó thử thách chỗ yếu nhất của mỗi người. Chẳng hạn như tôi, vốn lớ ngớ, thì lại thành anh không nhà, phải tự đi tìm nhà cho một vợ ba đứa con gái. Ông Nguyễn Khải thông minh, khôn ngoan, thử thách ngay ở chỗ viết lách, không tránh khỏi sai, để người ta nắn gân cho. (Ý nói một loạt bài trên báo Nhân Dân của Nguyễn Khải ).

Những suy nghĩ, trăn trở về khoảng cách của văn chương với hiện thực cuốc sống là câu chuyện diễn ra thường xuyên giữa các nhà văn vẫn mặc áo lính, khi đất nước đã vào thời bình. Nhưng mỗi người đã có những  lựa chọn khác nhau. Trong chiến tranh, nhà văn đứng ở một binh chủng, trong một mặt trận nhất định, tác phẩm phải góp phần cổ vũ sĩ khí chiến đấu của đồng đội. Nay, đất nước Hòa bình, giang sơn thu về một mối, nhà văn phải nói tiếng nói của cả dân tộc đang khát vọng vươn lên một cuộc sống Tự do và Hạnh phúc. Nguyễn Minh Châu như đã bứt lên hàng đầu, bằng hàng loạt tác phẩm được dư luận chú ý và hy vọng.

Nhưng như một trớ trêu của định mệnh. Sức khỏe nhà văn có vấn đề, chỉ nghĩ là do làm việc quá sức. Như nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này, sau một thời gian theo dõi, khi xác định được thì đã quá muộn: Ung thư máu.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu và vợ

Mùa hè 1988, khi mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã bất lực, thì rộ lên tin tức, một nhà sư ở Chùa Pháp Hoa trong Vũng Tàu có khả năng chữa trị bách bệnh, trong đó có bệnh Nguyễn Minh Châu đang mắc phải. Có bệnh thì vái tứ phương, nhân nhà sư ra Bắc dự một sự kiện nào đó, biết tin, đã tới tận nhà áp tải nhà văn. Anh bạn cùng học Nguyễn Trung Thu, tác giả bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác được Trần Chung phổ nhạc, là chuyên viên ở Ban Tuyên Giáo TƯ, nhà ở cạnh, trong Khu Tập thể số 3 phố Ích Khiêm, thông báo, nên tôi tới kịp trong buổi tiễn nhà văn hành phương Nam. Khi rơi vào tình trạng này, thì bất cứ niềm hy vọng nào cũng phải gắng nắm bắt.

Ngày đó đi lại còn khó khăn, càng khó hơn với một người mang trọng bệnh. Tháng sau, có dịp vào Nam, tôi đã cùng mấy người bạn tới tận Chùa Pháp Hoa . Khác với không khí tĩnh lặng quen thuộc, Chùa Pháp Hoa trong một khuôn viên rộng rãi đang là một đại công trường, nơi có mấy trăm người đang rộn ràng, cần mẫn chặt cành, hái lá, bóc rễ, phơi phóng sàng sảy, xay giã các loại lá cành để làm thuốc cho người thân ở giai đoạn nguy nan, giành giật với tử thần từng khoảnh khắc sống. Trong hàng ngàn người đã lần lượt qua đây, hẳn cũng đã có những người may mắn, rời Chùa với niềm vui và hy vọng. Trong vùng đất dạy con người loại bỏ Tham- Sân-Si,những kiếp người còn nặng lòng trần, hình như ở khắp mọi miền đất nước, vào đây, cầu mong một phép màu cho riêng họ,và cho người thân, có muôn vàn cách thể hiện, hàng ngày diễn ra trước đôi mắt vốn quen quan sát và đôi tai còn có khả năng lắng nghe của nhà văn, dù lúc này, thân thể hầu chỉ còn da bọc xương. Ngồi bên nhau, Anh ít nói đến bệnh của mình, mà nói nhiều đến những gì Anh quan sát và trải nghiệm trong mấy tháng ở đây, khi hòa nhập vào giữa cộng đồng những con người quyết đi tìm lại sự sống cho những người thân yêu, bằng mọi giá. Đó là một hành trình vừa trần thế, vừa tâm linh, vừa hy vọng vừa tuyệt vọng, vừa tin vào thể lực ,tâm đức người thân, vừa cầu xin những điều kỳ diệu đến từ cao xanh. Đó chẳng phải là một vùng đất mới của văn chương?

Khi sắp ra về, Anh níu lại, nói với tôi: Cậu quen làm Tư liệu, nên dành thời gian qua thăm Trại Cải tạo bên cạnh. Những ngày ở đây, mình có sang bên đó, nơi giam giữ nhiều đối tượng phạm pháp, từ trộm cắp, lưu manh, vượt biên , đĩ  điếm… chưa thành án. Mấy tay phụ trách bên đó, biết mình là nhà văn,nên có đưa cho mình xem một số bản tự khai, mình đọc mà… choáng ! Ngày đầu giải phóng, bọn mình vào miền Nam, vào Sài Gòn với tâm thế tự hào, sung sướng, vì cuối cùng cuộc chiến đã kết thúc thắng lợi, giang sơn đã quy về một mối, toàn dân bắt tay xây dựng một cuộc sống mới trong hòa bình. Nhưng hơn 10 năm qua rồi (bấy giờ là nửa cuối 1988), nhìn đám trẻ bị bắt, bị cải tạo, rồi đọc những điều bọn nó kể về con đường dẫn chúng vào những con đường lầm lạc, bế tắc, khốn cùng, từng đi kinh tế mới, từng trốn tránh để về thành phố vì không quen nơi rừng xa, đất lạ, nhiều lần vượt biên có đóng tiền và không còn tiền, phải nhắm mắt bán cái duy nhất con gái tự có, … vì là con binh lính viên chức chế độ vừa bị đánh bại. Mà đối tượng mua dâm là ai? Không ít người là cán binh bên thắng cuộc. Nếu ngày trước, điều đó, dù bị phê phán, vẫn diễn ra khá công khai. Với quân nhân mà sự sống chết treo trên đầu sợi tóc, nó còn được tạo điều kiện. Thì giờ phải làm lén lút, vụng trộm. Một cái nhìn lên, từ dưới đáy, về những người mà bao năm ta vẫn đinh ninh là Thép đã tôi,không bao giờ bị han rỉ, như buộc mỗi chúng ta phải sờ lên mặt. Hơn 10 năm, là dài hơn mỗi cuộc chiến, là những người chiến thắng, chúng ta đã làm gì cho từng người dân trên đất nước này? Với những người thuộc bên thua cuộc, ta có làm gì khác hơn cô Tấm khi đã lên làm bà Hoàng đối xử với mẹ con nhà Cám hay không? Chỉ cần biên tập chút ít, những trang đời tự kể ấy được công bố, sẽ có sức thức tỉnh nhiều người. Văn họ viết, nhiều người có học hẳn hoi, có cái hay đặc biệt của những người biết mình ở vị trí dưới đáy xã hội mà không cam phận, khác hẳn giọng tin tưởng tự hào đắc thắng của chúng ta.

Thật tiếc, là tôi không có dịp trở lại, để thực hiện lời dặn cuối cùng của nhà văn. Mấy  năm trước, Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, khi về dạy ở Đại học Sư phạm Huế, có chuyển cho tôi xem bức thư rất dài của một nữ sinh viên gửi riêng cho thầy, sau khi nghe thầy giảng về văn học. Như  nuốt lấy từng lời khi thầy vẽ ra bức tranh đời sống tương lai, em thành thật kể lại, cảnh cả gia đình em đã bỏ chạy về Nam, khi quân miền Bắc tiến vào Huế, những ngày đêm đói rét, lo lắng lê la ở sân bay Phú Bài, vì lo sợ. Nhưng rồi đi không kịp, phải trở về, rồi vào học, nghe những điều thầy dạy, một chân trời hy vọng đã mở… Lá thư tới tay thầy khi cả nhà em đã tìm đường vượt biên. Một nỗi đau có địa chỉ gửi cho người thầy mình yêu quý.

Sau đợt điều trị không có phép màu, gần cuối năm, nhà văn về lại Viện 108. Tám tháng sau khi phát bệnh, đã có những ngày tiếp máu mà cơ thể không tiếp nhận. Các tĩnh mạch như vỡ ra, không còn tải máu về tim. Phải mở tĩnh mạch ở ngực để truyền trực tiếp. Đã ngỡ không thể còn nói gì với nhau. Nhưng thật lạ lùng, là sức sống của Người lính già. Chiều đó, khi chúng tôi vào, Anh Châu đã tỉnh táo trở lại. Mặc dầu bác sĩ bắt buộc bất động, và cấm nói chuyện – bốn ngày qua đã tiếp hơn một lít máu tươi, Anh Châu vẫn ra hiệu cho tôi lại gần, thì thầm: Đối với mình, viết lách đã là chuyện xa xôi, nhưng các cậu còn sức, còn nói được, còn viết được, thì phải lên tiếng đi. Đừng cho họ thay nhân sự lúc này… Không nên quên là chúng ta sẽ đứng trước sự phán xét của lịch sử. Lịch sử sẽ lên án những kẻ có quyết định sai lầm, nhưng đừng nghĩ là những người đương thời vô can. Hèn nhát trong chiến tranh rồi cũng có cách để bào chữa, và thực tế, mười mấy năm qua, biết bao kẻ hèn nhát, trốn tránh trong chiến tranh đã rũ sạch tội lỗi, để tranh nhau quyền chức. Nhưng ngày hôm nay, khi đã có không khí dân chủ, khi làn gió đổi mới đã thổi mạnh, mọi sự sớm muộn sẽ được công khai, thì hèn nhát là tự đào huyệt chôn sống mình, cả uy tín xã hội bây giờ, và chút nào là tài năng thể hiện trong những tác phẩm đã có.

Khi nhà văn vào bệnh viện, truyện vừa Phiên chợ Giát mới phác thảo được vài mươi trang. Những ngày trong bệnh viện, nói chung bác sĩ cấm Anh làm việc, nhưng từ khi ở Chùa Pháp Hoa về, tập bản thảo đã được 60 trang, và điều kỳ diệu, là Anh đã kịp hoàn thành trước khi rơi vào hôn mê, sau đó ít lâu. Có lẽ đây là tiểu thuyết duy nhất và đầu tiên, nhà văn viết về những nhân vật ở ngay quê hương mình, huyện Quỳnh Lưu, như một món nợ ân tình. Chống chọi với bệnh hiểm nghèo, mà Người lính viết văn ngay trong những ngày cuối cùng vẫn đau đáu nghĩ đến những nợ nần với bao nhiêu phát hiện mới, lúc mà sức đã tàn, lực đã kiệt.

Tháng 1-1989, gần tết, những cành đào đã bán rong trên phố. Buổi chiều vào thăm, thay vì mua hoa quả, tôi mang một cành đào, cắm vào chai nước, như để báo với Anh, Tết đang về gần. Mấy cánh đào thỉnh thoảng rời cành như đếm nhịp thời gian, báo một mùa xuân mới sắp về. Nhưng Nguyễn Minh Châu đã không thể cố hơn được. Anh mất ngày 23-1-1989, nhằm ngày 16-12 năm Mậu  Thìn, lúc mới sang tuổi 59.

Người viết bài này đang vào tuổi 80, mới thấy tiếc biết bao. Giá mà nhà văn Nguyễn Minh Châu còn có thêm 20 năm sống, thì không biết, văn học chúng ta, bước khỏi không gian chiến trận, đã có thêm những trang viết mới mẻ về con người Việt Nam trên hành trình hòa hợp, hòa hiếu, khoan dung để cùng nhau xây dựng một cuộc sống xứng với những hy sinh vô lượng để có một đất nước Độc lâp – Tự do – Hạnh phúc.

2/11/2019

Ngô Thảo

Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đ...