Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Đào - Tùy bút của Nguyễn Khương Trung

Đào - Tùy bút của
Nguyễn Khương Trung

Dập dềnh nỗi nhớ! Mỗi người thường có một dòng sông gắn với riêng mình. “Dòng sông nào cũng đẹp” là câu mở, trong một truyện ngắn của tôi. Sao tôi cứ vương vương thích mãi câu này!
Phải chăng Đào là cái tên người ta đặt cho một dòng sông óng ả. Óng ả như vóc dáng một Ca Nương đẹp trong chiếu Nhà trò. Cũng có thể đây là dòng sông do con người đào, nên người ta gọi là sông Đào. Là gì thì cũng có gì quan trọng đâu khi dòng sông đã lặn vào, buồn vui cùng người phố.
Cũng xin đừng hỏi vì sao dòng sông như khúc ru người phố, đơn giản đây là tình cảm tự nhiên từ hai phía. Gió sông mát như quạt hầu! Chiếc ba gác bánh sắt đã hạ càng dưới gốc nhãn, dáng người phu xe dướn lên trong cái vươn vai, trước khi bước những bước dài để được vục mặt xuống dòng sông. Thế đấy. Không ước, chả hẹn, nhưng cứ khoảng thời khắc này của trưa hè là ông Bè lại hạ càng dưới gốc nhãn đón gió sông, xua dần cái nóng và sự mệt nhọc của những cuốc xe. Gốc nhãn ban những làn gió mát như đàn này nằm phía bờ Kỳ Bá, chỉ vài chục bước chân thôi là tới cầu Kiến xương. Và, cũng chỉ vài chục bước chân theo chiều ngược lại là đến nhà bà Boong, một căn nhà tường đất thấp, lợp lá gồi, quay lưng ra sông. Trong ấy có anh cu Bính không biết ăn nhời đầu cắt bốc, nghịch như quỷ thần đang cùng thằng đệ tử ruột tên Nghiêm làm thủ lĩnh của cái đám quần đùi bêu nắng dưới cầu Kiến, chiến với tụi trên cầu.
Cũng phải nói qua về cái thằng Nghiêm này tí, vì nó là thằng tương đối đặc biệt. Nó con ông Chỉnh dưới cầu Kiến. Tụi trẻ phố thường ghép từng thằng, với tên bố mỗi đứa nên nó được gọi là Nghiêm Chỉnh. Nó là em chị Bình vuông, khu đội phó của tự vệ khu Trần Phú. Thuở chiến tranh ấy thì tự vệ phố cũng oai phết, nên thằng này cũng có phần dựa oai chị. Thằng này suốt ngày bêu nắng. Không phải là cái mặt Buồn của chàng Đông Ki-Xốt, nhà quý tộc tài ba xứ Man Tra của cái ông Nhà văn Cervantes Savdra xưa. Nó có cái mặt… cười của ông Nhà văn Nam Cao, dài thườn thưỡn. Hễ thấy, là thấy nó… cười, thấy nó như thằng ngơ đang tìm kiếm con ngựa gầy Rocinante lạc đâu đó sau những trận chiến oanh liệt… Tường cổ ngỗng là ông thợ may ở khu Trần Phú. Ông này có biệt tài cắt, và may áo sơ mi nữ cực đẹp, gái phố có sợ ông đến đâu, rồi cuối cùng cũng phải mò đến ông. Ông có cái mặt và cái cổ đặc biệt dài, mắt nhỏ và híp. Nhìn ông, người ta thường nghĩ tới một con sếu đậu. Chả biết ông và bà Chỉnh “có gì” với nhau không, mà cái thằng giời đánh này nó giống ông thế không biết. Cợt nhả chán về sự giống nhau đến kỳ quặc của ông Tường và thằng Nghiêm, rồi dân phố đặt cho nó một biệt danh rất ngầu: “Nghiêm tiên sinh, con rể Tường cổ ngỗng”.
Tụi quần đùi trên cầu là bọn suốt hè trèo bàng, đào thuốc đạn trong các lô cốt rệ đê sông Bo. Thủ lĩnh của bọn này là Anh Lan, Trọng Đảo. Những trận oánh ngoạn mục của cái lũ hai đầu cầu Kiến kéo dài suốt tuổi thơ chúng, rồi sẽ nằm mãi trong ký ức của chúng. Nhưng thôi, đấy là chuyện của chúng nó. Kệ chúng nó. Ta đang ru ta về con sông Đào cơ mà. Không hiểu sao mỗi khi nhớ về dòng sông này, tôi lại thấy hình ảnh ông Bè ba gác. Ông Bè là người Hoa, chuyên nghề kéo xe ba gác. Ông tạc hình vào dòng sông, hay dòng sông không thể không lưu giữ hình bóng ông Bè?
Ông Bè “vào bò” trong chiếc ba gác bánh sắt lêu đêu, với hai cái càng dài thượt là hình ảnh đậm nét trong bức tranh phố cũ. Có lẽ vậy! Chắc chắn nhiều người không thể quên cái gáy có cục thịt thừa của ông. Công bằng mà nói thì cục thịt mọc giữa cái gáy nhẵn thín ấy trông rất kinh. Nó tròn, to như trái cam lớn và bóng ngời ngời. Oái oăm là nó lại lủng lẳng, gắn vào gáy con người ta bằng một lúm thịt ngắn, thâm thâm như núm vú đàn bà.
Tôi và bạn đang nhớ về dòng sông, về ông Bè ba gác và lũ trẻ xưa… quê hương đấy, tuổi thơ của lứa mình đấy. Chắn chắn là thế! Sự giản dị, lam lũ, và vô cùng cụ thể ấy khiến ta quặn lòng nhớ, quặn lòng thương. Sự quặn lòng của mỗi con dân đã biến thành tường đồng vách sắt, bảo đảm cho sự trường tồn của đất nước. Đúng thế đấy! Nói khác đi sao được. Thế thì sự trường tồn của đất nước không bao giờ tồn tại bằng quyền lực, bằng tiền bạc, bằng những công trình kỳ vỹ… nó nằm trong sự quặn lòng, trong những điều rất giản dị, cụ thể, mang đậm chất văn hóa, chất tư tưởng hun đúc nên mỗi người.
Tôi từng rất buồn khi dòng sông quê mất tên! Một nỗi mất mát, bâng khuâng. Những địa danh đã nằm trong hồn cốt người ta, đã thành niềm thương, nỗi nhớ thì không đùa được… sự gì gây nên nỗi? Đường Cổ Ngư biến thành đường Thanh Niên chỉ vì một “phong trào thanh niên” Hà Nội tham gia làm đường. Đường Hàng Lọng chuyển thành đường Nam Bộ, rồi, Nam Bộ cũng chẳng yên lâu được, nó lại mang tên đường Lê Duẩn. Thế đấy, khi nhà câm quyền thấy điều gì có lợi cho chế độ của họ thì họ bất chấp… bất chấp hồn cốt, bất chấp cả niềm thương nỗi nhớ. Con sông có vóc dáng đẹp như Ả đào mất tên, trong cái gọi là phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh của hai miền Nam Bắc thời lửa đạn. Tỉnh Thái Bình kết nghĩa với tỉnh Trà Vinh thì rạp hát Kiến Thiết phải đổi tên thành rạp hát Vĩnh Trà. Đoàn cải lương Kiến Thiết thành đoàn cải lương Vĩnh Trà. Hợp tác xã thủy tinh Trà Vinh. Con sông Đào thành sông Vĩnh Trà… và, rất, nhiều nhiều cái… Vĩnh Trà.
Lũ trẻ bây giờ chả có gì gắn bó với dòng Vĩnh Trà, thậm chí, chúng nó còn xa lánh, sợ dòng sông cũng chả trách chúng được. Vục mặt như ông Bè ngày ấy xuống dòng nước có mà thối mặt. Đã có những thuở người ta không dám đi bên bờ sông vì mùi hôi thối. Dòng Vĩnh Trà giờ bao kín bê tông, trông nó cứ đườn đưỡn thế nào, chả còn cái vóc dáng óng ả, tự nhiên của sông Đào. Nói thì cứ nói thế thôi, người cũ hoài niệm thì cứ việc hoài niệm, thời đại công nghiệp hóa mà, dòng sông không hóa thế sao được? Nhưng, lũ trẻ phố bây giờ không biết ông cha chúng từng gọi dòng sông này là sông Đào thì buồn nhỉ.
Dòng sông Đào chạy suốt chiều dài thị xã, song song với hai con đường chính là Trưng Trắc và Lê Lợi, nó cũng chỉ dài chừng dưới hai dặm. Đầu sông là cái cống ngầm chui vào thân đê, ăn ra sông Bo. Cuối sông là cầu Gốc Mít. Đoạn từ cầu Gốc Mít tới cống Trắng là đoạn sông Đào nối dài. Từ cống trắng, dòng sông chảy sát mép đường 10, đổ nước ra sông Cái ở đoạn gần phà Tân Đệ thì lại mang cái tên mỹ miều là dòng Paris.
Nói tới sông có nhẽ ta nên nhìn về những cây cầu. Nên bắt đầu từ những cây cầu! Sông Đào chỉ có một cây cầu bê tông duy nhất là cầu Kiến Xương. Điều này hợp lý, vì nó là cầu nối của một trong hai con đường chính của thị xã ngày mới thành lập. Cầu Kiến Xương nối con đường từ Phủ đường đi huyện Trực Định. Nhưng, cầu Kiến Xương không phải cây cầu đầu tiên kể từ đầu sông. Đầu sông là một cây cầu gỗ cong cong rộng chừng 3 thước, nối kho lương thực có những dẫy nhà xây cuốn kiên cố nằm phía bờ làng Đồng Lôi, với bãi trấu của nhà máy xay thị xã.
Cầu đẹp, ba nhịp làm rất kỳ công. Bốn thân gỗ lim cả người ôm được chuốt bóng mịn cắm xuống lòng sông. Mặt cầu cong cong như chiếc lược, cũng được lát bằng những tấm gỗ lim đã lên nước. Thành mỗi nhịp là những thanh lim vuông, được kết nối với nhau bằng bu lông. Người ta đã tạo cho nó một độ cong thanh thoát, nhưng cũng không kém phần bề thế như những nhịp của cây cầu Bo. Có điều nó nhỏ nhắn và xinh hơn nhiều. Bọn trẻ thường kéo đàn kéo lũ trèo lên thanh cong cao nhất của thành cầu, “bông nhê” xuống sông. Khoái lắm. Ấy vậy mà cũng có đứa bị lòi ruột đấy, tôi nhớ anh cu ấy tên Hồng, quân dưới cầu Kiến. Anh cu “bông nhê” thế nào mà rơi đúng vào thân một cọc chìm, máu loang dòng nước làm mọi người khiếp vía.
Cũng chả thể không nhắc tới một cánh đồng đẹp như mơ, nằm sát mép sông của cái đoạn này. Đây là cánh đồng trũng trồng lúa nước của làng Đồng Lôi, nó ăn ra từ những bờ tre giáp kho lương thực, kéo tới tận chân nhà bà Bổng bán bún sát cầu Kiến Xương. Hè về thì cánh đồng này vi vút tiếng sáo diều, lũ trẻ quần thảo, í ới, hò hét đuổi nhau trong cái chang chang nắng gió. Một lần tôi chạy theo các anh thả diều, bất ngờ bị một con chó trong đụm rạ xồ ra đuổi, sợ đến bay giờ và, chả hiểu sao trong tôi cứ vọng lại hai cái từ: chó điên. Rau kỳ Bá, cá Đồng Lôi là câu nằm lòng của dân phố. Đồng Lôi là ngoại thị, đất làng Đồng Lôi là đất thịt, mưa xuống là lầy lội, đường trơn như đổ mỡ. Thuở cấp ba mùa mưa mỗi lần vào nhà Linh Thẩm là phải xách dép, xắn quần, bấm chặt những ngón chân xuống mặt đường. Đồng Lôi còn có chiếu Ả Đào, có những dẫy ao liền dải giống cái khu Liên Đàm ở phía nam thành Thăng Long, tôm cá nhiều và ngon có tiếng.
Cây cầu thứ hai là cầu Kiến Xương thì ấn tượng rồi, nói rồi. Không hiểu sao mỗi khi nhớ về nó trong tôi lại chiêng trống vang trời, cờ bay phất phới. Phía cầu bên thị xã thì Quan Hưng, Trương Bào oai phong kìm ngựa trước một Gia Cát Lượng phong thái như thần, đang ve vẩy quạt lông trên chiếc xe bốn bánh. Phía cầu bên kia thì Trương Cáp, Cao Đái gìm ngựa, giữ vững hai góc trận, trước một Tư Mã Trọng Đạt đang bầy trận đối đầu với Gia Cát Khổng Minh. Lạ nhỉ, sao trong tôi lại gắn những trận thư hùng của thời Tam Quốc bên Tầu vào hai bên cầu Kiến thế nhỉ? Bởi mê Tam Quốc và trí tưởng tượng của con trẻ chăng? Tưởng tượng vẩn vơ vậy thôi chứ với cầu Kiến thì không thể không nhắc tới cái đoạn phố Lý ở hai phía cầu, bỏ qua thì nó không còn ra cái thị xã xưa đâu. Hai bên đường cả trên và dưới cầu là hai dãy bàng mướt mát xanh mùa hạ và ối đỏ về mùa đông. Phía vào thị xã về bên phải bắt đầu là quán nước trà xanh của cụ Mịch, có con trai là anh Phiệt “thừa hơi” một dạo là khu đội trưởng tự vệ.
Thực thì anh Phiệt chả đủ sức khỏe đi lính nên phài ở lại làm tự vệ. Tiếp đến là nhà ông Dần xích lô có đội múa “sư tử” oách nhất phố thị. Rồi thì đến cái lớp vỡ lòng ấn tượng của cô giáo Điện, cô giáo Thành, trẻ mỏ phố thuở ấy hầu như đều qua tay hai cô giáo này. Lớp học cao hơn hẳn mặt đường, có những ngưỡng gỗ cao, ra vào phải nhấc cao chân. Tường lớp là những tấm gỗ ván tháo ra và lắp vào được, mái lợp lá gồi và có những cột gỗ lim tròn. Sát mái, nơi sát vách tường vòng quanh lớp ở trên cao ấy lại có cái khoảng trống chừng nửa thước ngang, chạy vòng, được lát gỗ, đây là chỗ lấp lý tưởng của trò chơi chi chi chành chành, và, cả những khi trốn nhà tìm chỗ ngủ của bọn trẻ phố. Góc phố đầy bóng cây với những quán nước, hàng ăn và cái lều cắt tóc của anh Phiệt “thừa hơi” là bãi đậu xe của cánh xe tay, xích lô, nó đậm đặc một nét đặc trưng của phố thị. Quanh những trận cờ tướng trên bàn gỗ, cờ hùm vẽ luôn xuống đất mang vẻ yên ắng, cũ kỹ, là những lời tếu táo, những câu pha trò thô tục…
Trông sang bên kia đường là nhà ông Cải làm hương, mùi trầm cứ mang mang ướp phố. Tiếp vào là nhà ông giáo Phiệt, có cửa gỗ hay đóng trước một cái mành che. Giáp nhà ông Cải phía bên trái là ngôi nhà xây, có mặt nhà hướng ra con sông Đào là nhà ông Kỳ Tân Đảo. Đây là một tiệm cắt tóc rất oách, có tranh đẹp dán tường, có gương sáng và cái ghế nghề bệ vệ. Tiếng khua kéo và những điệu múa tông đơ của ông trên đầu khách cũng gợi lắm. Vợ ông là cô Ky điên, xinh đẹp thuộc hàng Mỹ nhân phố thị. Cô này mà giắt hoa múa lá thì đến Súy Vân cũng chả sánh được. Biết cô điên nhưng cô đẹp quá nên ông Kỳ cứ lấy, cứ lấy để rồi phải… chìm nổi, để người phố hẩy ra cái bài Đồng dao:
Cô Ky mà lấy ông Kỳ
Đẻ ra con rắn thằn lằn cụt đuôi
Ông Kỳ bảo để mà nuôi
Cô ky bảo để đem vùi đống gio
Ông kỳ bảo để đem cho
Chếch sang bên kia bờ sông là gốc nhãn của ông Bè ba gác, là nhà bà Boong nối vào cái dẫy hố xí công cộng do bà quán lý thuộc làng Kỳ Bá. Cây cầu thứ ba là cái cầu “khỉ”, nó là một hai cây tre chắp vào, phía trên cũng được nối dài những đoạn tre làm thanh vịn cho người qua sông khỏi ngã. Cầu này nối từ trạm biến thế điện thị xã sang làng Kỳ Bá. Cái cầu thứ tư cũng chả khác gì cây cầu thứ ba, nó cũng chỉ đơn giản là những thanh tre chắp lại, nối từ bệnh viện thị xã sang đầu nhà anh Ngân bò điên bên làng Kỳ Bá. Cầu thứ năm trước cửa ty công an, tôi cũng không còn nhớ ngày trước nó ra thế nào nữa rồi.
Cuối sông là cầu Gốc Mít, chợ Gốc Mít. Tiếng rằng cầu nhưng thực ra nó là cái cống ngầm gồm bốn ống bi lớn, đặt thông dưới mặt đường 223 kiểu như cống thông qua đê đầu con sông Đào ăn vào sông Bo.
19/9/2024
Nguyễn Khương Trung
Theo vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Sinh Tỏa Sáng Văn học vị nghệ thuật hay văn học vị nhân sinh? Có một giai đoạn văn học sử Việt, từng xảy ra tranh chấp giữa hai trư...